Những thách thức trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn

     
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Paris ngày 26/07/2014. Ông sẽ đi thăm Ấn Độ trong tuần này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Paris ngày 26/07/2014. Ông sẽ đi thăm Ấn Độ trong tuần này.
Reuters

 
Theo RFI
Đức Tâm
Thứ hai 28/7/2014        
Ngoại trưởng John Kerry công du New Delhi ngày 30/07/2014. Đầu tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thăm Ấn Độ và theo kế hoạch tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vừa thắng cử hồi tháng Năm, sẽ công du Hoa Kỳ vào tháng Chín, theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.

 
Các động thái ngoại giao dồn dập thể hiện mong muốn của Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ và qua đó, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Thế nhưng, các hoạt động này khó có thể nhanh chóng mang lại kết quả, cho dù ông Modi được coi là một nhân vật có đầu óc cải tổ.
Theo giới phân tích, cần phải đợi cho đến khi Thủ tướng Modi gặp Tổng thống Obama thì Hoa Kỳ mới có thể hy vọng đạt được những tiến bộ trong các dự án hợp tác quốc phòng, gạt bỏ được những trở ngại để các tập đoàn Mỹ tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, cũng như có được các cam kết của Ấn Độ trong việc chia sẻ các lợi ích tại Châu Á.
Chuyên gia Ashley Tellis, thuộc trung tâm tư vấn Carnegie Endowment for International Peace, tại Washington, được Reuters trích dẫn, nhận định : « Ấn Độ sẽ đóng vai trò lớn hơn ở Châu Á dưới chính quyền Modi, nhưng New Delhi sẽ làm việc này vì những lý do riêng và theo các điều kiện của mình ».
Cách nay bốn năm, Tổng thống Obama đã tuyên bố, quan hệ Mỹ- Ấn Độ có thể trở thành « một trong những quan hệ đối tác vững chắc của thế kỷ 21 » và tuần trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá quan hệ giữa hai nước « có tầm quan trọng chiến lược ».
Mặc dù giữa hai nước có nhiều điều kiện để trở thành đồng minh tự nhiên, như chia sẻ các lo ngại về khủng bố, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng quan hệ song phương vẫn không thể có ngay được những tiến triển ngoạn mục.
Các bất đồng về chế độ bảo hộ mậu dịch, về quyền sở hữu trí tuệ đã đầu độc bầu không khí làm ăn giữa hai bên ; Ấn Độ vẫn thận trọng trước ý đồ chiến lược của Mỹ, cảnh giác trước sức mạnh của Hoa Kỳ.
Năm ngoái, New Delhi đã có phản ứng dữ dội sau vụ một nhà ngoại giao Ấn Độ bị bắt tại New York do ngược đãi người giúp việc.
Sau khi thắng cử, ông Modi, thuộc đảng dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata – BJP- tuyên bố tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, tuy vậy, nguy cơ tiềm tàng gây căng thẳng trong quan hệ song phương vẫn rất cao. Bản thân ông Modi đã từng bị cấm nhập cảnh Mỹ sau các vụ bạo động ở bang Gujarat, dưới thời ông làm Thống đốc, làm hơn một ngàn người thiệt mạng, đa số là người Hồi giáo.
Giới quan sát nhấn mạnh, BJP có chủ trương chống lại sự thống trị của phương Tây trong quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những quyết định đầu tiên của ông Modi khi vừa nhậm chức là ký thỏa thuận thành lập một ngân hàng phát triển của nhóm các nước đang trỗi dậy – BRICS (bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), để thoát ra khỏi sự kiểm soát của các định chế tài chính quốc tế, bị coi là do Hoa Kỳ và Châu Âu lũng đoạn.
Trong thời gian ông Kerry có mặt tại New Delhi, thỏa thuận tạo thuận lợi trong quan hệ kinh tế song phương sẽ hết hạn và nếu hai bên không vượt qua được các bất đồng thì thất bại trong hồ sơ này đè nặng lên bầu không khí chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ.
Mặt khác, các cải cách về sở hữu trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quốc phòng của Ấn Độ vẫn chưa đủ, để có thể cho phép các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia, lập liên doanh, chia sẻ các tiến bộ công nghệ với các đối tác Ấn Độ.
Về vai trò của Ấn Độ trong khu vực, Washington mong muốn New Delhi đóng vai trò tích cực hơn tại Nam và Đông Nam Á, nơi mà thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang gây ra nhiều lo ngại.
Trong nhiều thập niên, Ấn Độ có quan hệ quân sự chặt chẽ với Liên Xô cũ và đóng vai trò lãnh đạo phong trào không liên kết. Hiện nay, Ấn Độ vẫn có thái độ thận trọng trong bang giao với Hoa Kỳ, vì có những ràng buộc quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Do vậy, theo chuyên gia Tellis, thuộc tổ chức tư vấn Carnegie, Ấn Độ sẽ không chấp nhận các đề xuất có thể bị đánh giá là thiên về Mỹ hoặc trở thành một bộ phận trong chiến lược của Hoa Kỳ. « Ấn Độ có thể làm một số ít việc mà Hoa Kỳ muốn, và làm theo cách của họ ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?