Đài Loan: TQ sắp tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Các công trình lấp biển xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc chiến lược trong khu vực, và theo hãng tin CNA của nhà nước Đài Loan hôm nay, giờ đây, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến trình quân sự hoá và sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trong khu vực.
Trong một phúc trình nộp cho viện lập pháp về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói vào tháng 9/2013, Trung Quốc đã khởi sự đổ cát lên Đá Gạc Ma, một trong hơn 50 bãi cạn và đá ngầm trong Biển Đông. Trung Quốc sau đó tiến hành lấn biển xây đảo tại 6 bãi đá khác và đang xây một bến cảng, nhiều phi đạo và các cơ sở hạ tầng khác.
Phúc trình này nói rằng nay Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình quân sự hoá các đảo mới để sử dụng như những tiền đồn trong Biển Đông.
Ngoài việc tuyên bố chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây, Trung Quốc sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trong khu vực.
Một bản tin của công ty truyền thông Fairfax Media của Úc hôm nay trích các nguồn tin quân sự cấp cao của Australia, nhận định rằng Trung Quốc đã thắng vòng đầu tiên trong cuộc tranh chấp để giành quyền kiểm soát Biển Đông khi hoàn tất việc xây dựng một quần đảo gồm các đảo mới do họ tạo ra.
Bản tin nói thêm rằng không có vật chướng ngại nào đáng kể thực sự cản trở Trung Quốc tiếp tục thắng vòng tranh chấp kế tiếp, trước sự do dự của chính phủ Mỹ và các đồng minh, trong đó có cả Australia, sẽ thực hiện những lời hứa đưa ra trước đó là sẽ thách thức những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc bằng các cuộc diễn tập để bảo vệ “quyền tự do hàng hải”.
Theo Fairfax Media, các nhà phân tích quân sự dự kiến là tới năm 2017, Trung Quốc sẽ trang bị các đảo tân tạo với những bến cảng, các căn cứ quân sự, pháo binh, đường băng và các hệ thống radar tầm xa. Những phương tiện này sẽ cho phép Trung Quốc phóng ra xa sức mạnh quân sự và phi quân sự tới những vùng biển xa xôi nhất, nơi có tranh chấp gay gắt nhất trong Biển Đông.
Những phương tiện đó cũng sẽ giúp Bắc Kinh cản trở các nước tuyên bố chủ quyền khác tại các vùng biển này, và gây gián đoạn các tuyến hàng hải hiện là nơi qua lại của 3/5 thương mại quốc tế.
Công ty Truyền thông Fairfax Media dẫn lời một nguồn tin chính thức nói rằng: “Trung Quốc đã thắng vòng đầu. Hiện rất khó có thể thấy được là họ sẽ bị cản lại, để không thắng vòng kế tiếp”.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đòi ngưng tất cả mọi hành động cải tạo đất, và đề ra kế hoạch cho máy bay quân sự và tàu bè đi ngang qua vùng biển tranh chấp trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo. Những cam kết này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews mạnh mẽ ủng hộ, nhưng theo Fairfax Media,các chuyến bay ấy, kể cả phi vụ của máy bay trinh sát, diễn ra bên ngoài phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo.
Trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh gặp khó khăn trong việc hành động để đi kèm với lời nói của mình, thì hàng đoàn tàu nạo vét của Trung Quốc hoàn tất công tác cải tạo đất, kể cả xây nền móng cho một phi đạo dài 3.000 mét trong khu vực trên bãi Đá Subi, có khả năng phục vụ các phi cơ lớn nhất của Không quân Trung Quốc.
Bản tin nói rằng các công trình cải tạo đất phần lớn đã hoàn tất đúng lúc trước khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Washington trong 2 tuần nữa, trong khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy là việc sử dụng các tàu nạo vét của Trung Quốc trong Biển Đông đã giảm khoảng 90% trong mấy tuần gần đây.
Một số chiến lược gia tin rằng Trung Quốc sẽ được rộng tay hành động cho tới ít nhất là năm 2017, là lúc Lào phải nhường chức Chủ tịch ASEAN lại cho một nước hội viên khác, và một chính phủ mới ở Hoa Kỳ đã lên cầm quyền.
Tuy nhiên một số giới chức Mỹ và Úc nói Trung Quốc chỉ thắng về mặt chiến thuật, nhưng sẽ thất bại về mặt chiến lược, trong bối cảnh các nước trên khắp khu vực sẽ có phản ứng bằng cách thắt chặt các quan hệ với nhau và với Hoa Kỳ. – VOA
Nhận xét
Đăng nhận xét