Gấu Bắc Cực, một thách thức địa chính trị



mediaGấu trắng Bắc Cực xếp vào loại động vật hoang dã cần bảo tồn.Wikipédia
Gấu Bắc Cực đã trở thành biểu tượng của một hệ sinh thái đang lâm nguy, dưới sự đe dọa của hiện tượng khí hậu ấm dần. Khó có thể mà tách rời việc bảo vệ loài động vật hoang dã khỏi những thách thức địa chính trị có liên quan đến một vùng đất đang gây thèm thuồng : vùng Bắc cực. Thế nhưng, tầm mức của vấn đề lại không được các tổ chức bảo vệ môi trường nhận thức hết, cũng như vai trò của người dân bản địa chưa được đánh giá đúng mức.
Theo tờ Le Monde Diptlomatique, trong bài viết có tựa đề « Gấu Bắc Cực, động vật mang tầm địa chính trị », vào tháng 9/2012, mức giảm của các tảng băng tại Bắc Cực đã đạt mức kỷ lục, đến mức có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2050. Trong khi đó, đời sống của loài gấu Bắc Cực lại phụ thuộc hoàn toàn vào các tảng băng, nơi mà chúng có thể tìm kiếm được những con mồi chính : loài hải cẩu. Nhưng giờ loài gấu này đang lâm nguy, chúng trở thành biểu tượng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, nhiều mối họa khác cũng đang đe dọa đến sự tồn vong của loài gấu Bắc Cực này, mà hiện nay chỉ còn từ 20-25 ngàn cá thể : nạn săn bắn, săn lậu hay hóa chất ô nhiễm.
Nhưng có thể vận đen không ngừng đeo đuổi loài dã thú biểu trưng cho sức mạnh (mỗi con đực cân nặng ít nhất 600 kg và cao từ 2-3 mét) kể từ khi loài người khám phá ra Bắc Cực vào thế kỷ XVII. Từ cuộc chiến da thú có lông (giữa Anh và Đan Mạch) cho đến cuộc chiến tranh lạnh (bắt đầu từ năm 1950), loài gấu trắng băng giá đã trải nhiều cuộc thảm sát tàn khốc. Đó là chưa kể đến tình trạng chất phóng xạ từ các khu căn cứ quân sự Nga, Mỹ, Canada thải ra vùng biển Kara, Barent hay Hồ Lớn của Gấu.
Hình thức nào để bảo vệ gấu Bắc Cực ?
Khí hậu ấm dần, làm băng tan, mở ra khả năng khai thác các tuyến đường hàng hải và nguồn tài nguyên thiên nhiên tiềm tàng. Cuộc chiến tranh giành khai thác các tiềm năng đó giữa các nước xung quanh khu vực cũng đã bắt đầu. Trong bối cảnh đó, loài gấu trắng Bắc Cực chiếm một vị trí thứ yếu. Theo Công ước về thương mại Quốc tế về loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Công ước Washington), loài gấu trắng được xếp vào hạng mục II.
Như vậy là loại động vật này được hưởng một sự bảo vệ nghiêm ngặt nhưng rất hạn chế. Buôn bán và xuất khẩu các loài sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được phép đối với một số cộng đồng như tộc người Inuit tại Canada. Nhiều nước thành viên tham gia ký kết, được sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, như Hoa Kỳ, Nga đang đấu tranh để việc bảo vệ loài gấu được chuyển sang hạng mục I. Nghĩa là bảo vệ toàn diện và nghiêm cấm hoàn toàn mọi hình thức kinh doanh có liên quan đến loài động vật này.
Các quốc gia đó lập luận rằng loài động vật rất có thể sẽ bị đe dọa tuyệt chủng và việc cho phép săn bắn sẽ còn khuyến khích hơn nữa tình trạng săn bắn lậu nhờ vào những tờ giấy phép xuất khẩu giả mạo tại Nga. Ngay lập tức, phía Canada đã giận dữ phản đối cho đó là bóp méo thông tin. Theo nước này, lượng cá thể gấu vẫn ở mức ổn định, thậm chí có xu hướng gia tăng, chí ít là ngay trên chính lãnh thổ Canada, tập trung đến 60% lượng gấu Bắc Cực.
Chính quyền Ottawa đang bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng bản địa, những cộng đồng được hưởng quyền săn bắn những loài động vật được bảo vệ, như cá voi và gấu trắng. Nhưng, với việc Châu Âu cấm nhập khẩu các sản phẩm có xuất xứ từ các động vật đó từ năm 2009, cũng như trước đó các chiến dịch chống nạn săn bắn loài hải cẩu từ cuối những năm 1970, thu nhập của những cộng đồng dân cư trong khu vực bắc Cực ngày càng bị sụt giảm.
Để bù đắp, chính quyền Canada đã khuyến khích cộng đồng người Inuit chuyển một phần hạn ngạch săn bắn thành một dạng đi săn thể thao cho những người giàu có Châu Âu và Hoa Kỳ. E sợ việc bảo vệ toàn diện chỉ khuyến khích nạn săn bắn trộm, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường như Greenpeace hay Quỹ Thế giới vì Thiên nhiên (WWF) đành phải duy trì loài gấu Bắc Cực ở hạng mục II trong Công ước.
Săn bắn gấu cũng để bảo tồn bản sắc văn hóa
Vấn đề bảo vệ động vật và môi trường Bắc Cực đã gây ra những bất đồng giữa các quốc gia xung quanh khu vực và Liên Hiệp Châu Âu, vào lúc mà định chế này lẽ ra được tham gia Hội đồng Bắc Cực với tư cách là quan sát viên vào tháng 05/2013, Canada đã đạt được việc Châu Âu gia nhập hội đồng bị hoãn lại cho đến khi nào giải quyết được các tranh chấp có liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xuất xứ từ hải cẩu.
Điều đó có lẽ cũng giải thích phần nào Liên Hiệp Châu Âu, cũng như Pháp đã vắng mặt trong kỳ bỏ phiếu nâng mức bảo vệ loài gấu trắng lên hạng mục I của Công ước. Thế nhưng, theo Le Monde Diplomatique, những tranh cãi xung quanh quyền săn bắn che giấu nhiều mối đe dọa nghiêm trọng nhất, đang đè nặng lên loài gấu trắng : Sự biến mất các tảng băng, liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu, và sự phát tán các độc chất gây ô nhiễm trong khu vực và trên thế giới. Nga và Mỹ nằm trong số những quốc gia chịu trách nhiệm chính về hai hiện tượng đó.
Tại Canada và Greenland, săn bắn cho phép bảo tồn di sản văn hóa, do chúng có liên quan đến việc trang bị cho những xe kéo bằng chó. Nếu loại hình săn bắn này biến mất, sự giao tiếp văn hóa của người Inuit và việc tách rời họ với vùng lãnh thổ chỉ có thể ngày càng nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, nếu như hoạt động này có vẻ như hơi gây sốc đối với các nhà bảo vệ môi trường, nhất là khi giấy phép đó được bán cho những kẻ giàu có phương Tây, mức hạn ngạch cho phép (từ 400-600 trên tổng số 15000 dân tại Canada) được xem như là hợp tình hợp lý và hạn chế được nạn săn bắn lậu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?