Đức, Pháp, Ukraina cảnh cáo Nga không được vượt "lằn ranh đỏ"


mediaTổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel & Tổng thống Ukraina Petro Porochenko tại Berlin 24/08/2015 - REUTERS /Axel Schmidt
Sau cuộc gặp gỡ ba bên giữa Đức, Pháp và Ukraina, Kiev hôm qua, 25/08/2015, khẳng định rằng Berlin và Paris sẽ mạnh tay trừng phạt Nga hơn nếu như phe ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraina vượt « lằn ranh đỏ ». Cuộc xung đột tại đây đã cướp thêm năm sinh mạng trong vòng 24 giờ.





Tình hình tại vùng đất này trở nên căng thẳng hơn ngay sau cuộc họp thượng đỉnh tại Berlin ngày 24/08 giữa Tổng thống Ukraina Petro Porochenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande, nhằm tìm cách xuống thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Phát ngôn viên của quân đội Ukraina cho biết tình hình trở nên xấu hơn và phe ly khai gia tăng tấn công, đặc biệt là gần Donetsk. Theo AFP, có năm người thiệt mạng, trong đó hai quân nhân Ukraina bị chết gần Donetsk, hai người khác gần thành phố Marioupol và người thứ năm là một thường dân. Ngoài ra, còn có 12 người bị thương tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát.
Cố vấn ngoại giao phủ tổng thống Ukraina cho biết, tại cuộc họp thượng đỉnh « các nhà lãnh đạo Châu Âu đều hiểu là có lằn ranh đỏ. Nếu Nga vượt qua lằn ranh, Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các nước phương Tây khác sẽ có phản ứng cứng rắn », cụ thể là kéo dài trừng phạt cá nhân đối với những người tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraina.
Một trong số « làn ranh đỏ » là việc duy trì cuộc bầu cử địa phương trên các vùng đất nằm dưới quyền kiểm soát của phe ly khai, sẽ được tổ chức vào ngày 18/10 tới tại nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và vào ngày 01/11 tại nước Cộng hòa tự xưng Lougansk. Các lực lượng thân Ukraina không được phép tham gia các cuộc bầu cử này.
Kiev muốn các cuộc bầu cử địa phương phải được tiến hành vào ngày 25/10 trên toàn lãnh thổ Ukraina, đúng theo luật pháp nước này và phải được các nhà quan sát quốc tế giám sát. Quan chức nói trên khẳng định : « Nước Nga phải gây sức ép để các phe ly khai hủy bỏ cuộc bầu cử của họ. Trong trường hợp vẫn diễn ra, các cuộc bầu cử là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hiệp định Minsk ».
Vẫn theo phát ngôn viên phủ tổng thống Ukraina, Ukraina, Pháp và Đức « cùng đồng ý về tầm quan trọng của việc đưa các nhà quan sát của tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tới vùng biên giới Nga-Ukraina », nơi mà Kiev và phương Tây cho rằng quân đội và vũ khí của Nga được đưa tới để tăng cường cho phe ly khai tại miền Đông. Dĩ nhiên là Matxcơva luôn phủ nhận cáo buộc này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?