Điểm báo Pháp ngày 31-10-2015


media


Không ảnh khu phức hợp Sci-Tech, dành riêng cho nghiên cứu khoa học - công nghệ.REUTERS/KCNA 

ATTENTION EDITORS

Bình Nhưỡng : Kinh tế song hành cùng với tên lửa ?

Theo RFI



Halloween cuối tuần (31/10/2015), Le Figaro mời độc giả « Một ngày cuối tuần ở Bình Nhưỡng ». Thủ đô Bắc Triều Tiên, quốc gia khép kín nhất hành tinh và cũng là một trong những chế độ độc tài cộng sản cuối cùng đang chầm chậm chuyển mình. Nhưng tuần san L’Express trong bài viết đề tựa « Bình Nhưỡng : Giữa di động và tên lửa », đặt ra câu hỏi : Phải chăng sự thay đổi đó chỉ là « miếng mồi giả » ?
Cả hai tờ báo cùng nhận định : « Đến Bình Nhưỡng giống như là đang bước vào một cỗ máy ngược dòng thời gian ». Một bầu không khí buồn tẻ, xám xịt. Những con lộ lớn rộng mênh mông nhưng vắng người đi lại. Người ta có cảm giác như đang đi trong một bầu không khí đô thị của những nền dân chủ nhân dân xưa kia, của Matxcơva những năm 1950-1960, hay như Bắc Kinh thời Mao Trạch Đông.
Trước đó, phóng viên Le Figaro cho biết khi đặt chân đến Bình Nhưỡng, điều bất ngờ đầu tiên đó là : hành lý bị lục soát nghiêm ngặt, cấm mọi sách vở có liên quan đến văn học Hàn Quốc, máy tính xách tay không chứa phim phương Tây, điện thoại di động được giữ bên mình nhưng chỉ hoạt động được với một thẻ sim trong nước, và nhất là lúc nào cũng phải kè kè bên mình một hướng dẫn thường trực…
Ngoài những hình ảnh gây sốc trên ra, cả hai tờ báo đều nhận thấy là tại Bình Nhưỡng hiện nay, cuộc sống có vẻ như đang khấm khá hơn. Điện thoại cầm tay, xe taxi ngoài phố, cửa hiệu thời trang, hàng hiệu, xe ô-tô hiệu Trung Quốc hay phương Tây (Ford, Toyota, Mercedes hay Audi), các loại xa xỉ phẩm (túi xách tay Armani..), rượu ngoại nhập (rượu vang đỏ của Pháp)… đang dần xuất hiện tại một số phố phường ở Bình Nhưỡng.
Dọc theo những con lộ rộng mênh mông, một bộ phận nhỏ tầng lớp trung lưu dường như đang nổi lên. Những thay đổi về kinh tế đó, vẫn còn quá khiêm tốn, chỉ có cùng một mục tiêu : mang đến cho chế độ - vốn thường xuyên dùng lá bài hạt nhân như một mối đe dọa - những phương tiện để tồn tại. Nó minh chứng cho một sự phát triển thực dụng của nền kinh tế, được chính phủ dung túng do có liên quan đến tính sống còn của chế độ.
Bởi một lẽ đơn giản, « Giới công chức, những người làm công việc duy trì chế độ, bao gồm cả những nhân viên cấp thấp nhất, đều nghĩ rằng, họ sẽ không có một tương lai nào trong trường hợp chế độ bị sụp đổ », theo như nhận định của ông Andrei Lankov, nhà nghiên cứu tại Đại học Kookmin, Seoul, được L’Express trích dẫn.
Theo Bình Nhưỡng, những thay đổi về kinh tế tại đây chẳng qua chỉ là những « điều chỉnh nhằm cải thiện sự vận hành của nền kinh tế xã hội », chứ không phải là một chính sách « cải cách ». Những điều chỉnh đó được áp dụng ngay từ năm 2012, trong các lãnh vực như nông nghiệp và công nghiệp, nhưng ít có chỗ cho những phát kiến cá nhân…Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn dự định phát triển cả ngành du lịch.
Đâu là tăng trưởng thật sự ?
Trong cái cảnh « tranh sáng tranh tối » đó, giới chuyên gia phân tích quốc tế cho biết rất khó đánh giá được mức độ tăng trưởng thật sự của Bắc Triều Tiên. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tăng trưởng có lẽ chỉ ở mức 1% trong năm 2014. Đó có lẽ nhờ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sự tăng tốc các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Nhưng tuần san lưu ý là tại Bình Nhưỡng, các con phố và nhiều tòa nhà cao ốc vẫn bị thiếu điện do thiếu nguồn cung cấp ổn định.
Mặc dù có chút thay đổi về kinh tế, nhưng vấn đề tôn trọng nhân quyền vẫn là ảo ảnh (L’Express) hay như vẫn là chủ đề cấm kỵ (Le Figaro). Trong một báo cáo năm 2014, ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc, dựa vào nhiều nguồn nhân chứng, đã kết luận chế độ đã vi phạm nhiều tội ác cũng ngang bằng với những hành động bạo tàn thời Đức Quốc Xã và chế độ quân phiệt Nhật.
Vào tháng 7 năm nay, Liên Hiệp Quốc lo ngại nạn hạn hán có những hậu quả tai hại lên thu hoạch. Theo Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn 2/3 dân số luôn sống trong cảnh thiếu ăn. Trong khi đó, để đối phó với các lệnh trừng phạt nhắm vào đất nước, Bắc Triều Tiên đã biết học cách sử dụng chiêu bài « vừa đấm, vừa xoa » tùy theo từng thời điểm với nước anh em láng giềng Hàn Quốc.
Chính tính cách « bất trị » này của Bình Nhưỡng đã khiến nhiều quốc gia đồng minh dần lạnh nhạt. Vào ngày lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, L’Express cho hay bên cạnh Kim Jong-un, chỉ có mỗi một quan chức cao cấp nước ngoài duy nhất là Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), nhân vật thứ 5 trong Đảng cộng sản Trung Quốc. Không một quan chức Cuba hay Nga nào có mặt trong buổi lễ. Một dấu hiệu cô lập ngoại giao Bình Nhưỡng chăng ?
Tại Trung Quốc : « Tập Cận Bình muốn có nhiều trẻ em »
Việc Trung Quốc quyết định bỏ chính sách một con tiếp tục thu hút sự quan tâm của một số tờ báo lớn của Pháp. Le Figaro trên mục Tranh luận cho rằng « Chấm dứt chính sách một con không giải quyết được những vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc ».
Quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy mối bận tâm của Bắc Kinh trước một đà tăng trưởng có dấu hiệu hụt hơi và cú sốc về chính sách hưu trí. Le Figaro trích nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bắc Kinh ít có cơ may lật ngược được thế cờ, do bởi quyết định này được đưa ra quá trễ để mà có thể chặn đà lão hóa dân số. Một vấn đề có liên quan đến việc cung cấp nguồn lao động cho nền kinh tế đất nước đang trên đà suy thoái.
Trung Quốc thật sự đang bị dồn vào bức tường dân số. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, số người trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc sẽ giảm xuống 9% trong giai đoạn 2015-2030.
Về phần mình, Le Monde trong bài xã luận đề tựa « Tập Cận Bình muốn có nhiều trẻ con », lại thấy rằng quyết định trên của mang tính biểu tượng cao. Trung Quốc đang giải quyết dứt điểm kế thừa của Đặng Tiểu Bình. Trên bình diện kinh tế, Trung Quốc đang cố tìm kiếm một mô hình mới, không dựa vào việc khai thác nguồn nhân công rẻ và nguồn xuất khẩu mà chủ yếu dựa vào nguồn tiêu thụ nội địa và cách tân. Còn trên bình diện dân số, muốn trở lại thành một quốc gia như bao quốc gia khác.
Tuy nhiên Le Monde lưu ý là để cho sự biến đổi lịch sử này có hiệu quả, chính phủ cần phải đầu tư lại vào giáo dục và y tế - những lãnh vực mà các nhà lãnh đạo cộng sản đã từ bỏ trong những năm 1980-1990. Bởi vì, với chi phí nuôi con đắt đỏ như hiện nay, cũng chẳng cần sử dụng đến các nhân viên kế hoạch hóa gia đình nào để kìm hãm tỷ lệ sinh nở.
Chính quyền Bắc Kinh cần phải thiết lập một chế độ an sinh xã hội và hưu bổng bền vững để đảm bảo một mức sống tối thiểu cho người cao tuổi, trong khi trẻ em, ngày càng mang xu hướng chủ nghĩa cá nhân hơn, những người sau này rất có thể không muốn chăm sóc cha mẹ già.
Syria : « Chiến tranh đi trước ngoại giao »
Một chủ đề khác tiếp tục làm hao tốn giấy mực các báo Pháp là cuộc đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho Syria. Tất cả các báo đều có chung một nhận định : « Tương lai Assad gây trở ngại tại Vienna » như hàng tựa của Le Figaro. « Thế giới vấp phải số phận Assad », tựa của Le Parisien.
Cuộc họp quốc tế diễn ra tại thủ đô nước Áo đã không đưa ra một kết quả nào trong ngày hôm qua. Hội nghị sẽ được nối lại trong hai tuần sắp tới. Bài xã luận của Jean-Pierre Perrin trên Libération, có phân tích là : « Không một tiến bộ có ý nghĩa nào đã đạt được trong phiên họp lần này, đặc biệt về số phận của Bachar Al Assad ».
Bởi vì Hoa Kỳ vẫn không đồng ý về điểm này. Điều này chắc chắn lại sẽ xảy ra tương tự trong hai tuần tới khi nối lại các cuộc đàm phán. Quả thật, người ta khó mà hình dung được là thời hạn đó lại có thể cho phép các cường quốc như Hoa Kỳ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cùng tiến đến một giải pháo chính trị. Do bởi, mỗi bên ủng hộ một phe của mình : chế độ hay một nhánh đối lập. Libération kết luận : « Tại Syria, chiến tranh đi trước ngoại giao».
« Trẻ nhỏ chúng ta đã bị ô nhiễm ? »
Sức khỏe trẻ em là chủ đề chính trên tuần san L’Obs. Tờ báo đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Phải chăng con trẻ của các bạn đã bị nhiễm chất độc ? ». Theo một nghiên cứu riêng do tuần san yêu cầu, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 20 loại phân tử hóa học độc hại trong sợi tóc của trẻ em tại Pháp. Tờ báo dành ra 10 trang để bàn về chủ đề này. 
Nghiên cứu đặc biệt này do tuần san đặt hàng với phòng nghiên cứu Human Biomonitoring Research Unit HBRU tại Luxembourg hồi mùa hè này. Tóc của 63 trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 0-12 đã được gởi đến phòng thí nghiệm trên để phân tích dấu vết các chất gây rối loạn nội tiết tố. Trẻ được tuyển tham gia thí nghiệm đều không phân biệt vùng miền, Paris, ngoại ô hay như những xã bị ô nhiễm.
Trong số 69 phân tử hóa học độc hại labo này tìm thấy, những trường hợp may mắn nhất cũng có đến một chục loại hóa chất trên tóc. Số kém may mắn nhất là 35 loại. Còn lại trung bình khoảng 20,2 phân tử.
Trong số các hóa chất độc hại nhất được tìm thấy trên tóc, các nhà nghiên cứu thấy có thuốc diệt cỏ nông nghiệp (dimethylthiophosphate, trifluraline, oxadiazon), thuốc diệt nấm (hexachlorobenzene, p-nitrophénol) và nhiều loại thuốc trừ sâu (perméthrine, acide 3-phénoxyben-zoique, endosulfan), trong số này có nhiều loại đã bị cấm…
Điều gây bất ngờ cho các nhà phân tích là tìm thấy dấu vết của chất acide 2,4-dichlorophénoxyacétique. Một loại hóa chất có trong « chất độc da cam », loại thuốc diệt cỏ được quân đội Mỹ dùng máy bay rải xuống những khu rừng trong cuộc chiến Việt Nam và cho đến giờ vẫn tiếp tục gây ra những chứng ung thư và hiện tượng « dị tật bẩm sinh » tại đây. Theo các chuyên gia, những chất độc hại này có những tác hại quan trọng lên giới tính, chỉ số thông minh và trọng lượng của trẻ nhỏ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?