Cần thách thức Trung Quốc trên Biển Đông


Print Friendly
4200
Nguồn: Bill Emmott, “Challenging China,” Project Syndicate, 29/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Việc Mỹ điều tàu vào giới hạn 12 hải lý quanh một trong những hòn đảo nhân tạo mới của Trung Quốc trên Biển Đông thể hiện sự can thiệp quân sự táo bạo nhất của nước này trong nhiều năm qua. Mỹ chưa từng thách thức tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc một cách mạnh mẽ đến như vậy kể từ khi Tổng thống Bill Clinton gửi một nhóm tàu chiến đến eo biển Đài Loan năm 1996 như một động thái hỗ trợ cho Đài Loan lúc đó đang bị Trung Quốc đe dọa.
Bước đi này được chào đón như một cử chỉ tượng trưng. Nhưng như thế chưa đủ. Nếu thực sự cần phản đối những diễn giải của Trung Quốc về luật quốc tế – vốn lúc nào cũng phục vụ cho những tham vọng bành trướng của nó – thì những thách thức đối với tuyên bố chủ quyền của nước này sẽ cần phải được lặp lại thường xuyên và phối hợp cùng các quốc gia khác.
Phản ứng của Trung Quốc trước sự can thiệp này là giả vờ phẫn nộ, mô tả nó như một sự xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển chủ quyền của nước này và là dấu hiệu chứng tỏ thói đạo đức giả của Mỹ. Theo lập luận của Trung Quốc, Mỹ quan tâm đến việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng lại thờ ơ khi Việt Nam hay Philippines làm điều tương tự. Nhưng không lập luận nào có cơ sở; Trung Quốc biết rất rõ điều đó.
Cả Việt Nam lẫn Philippines cũng không tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông, như Trung Quốc đã làm thông qua “đường chín đoạn” khét tiếng của nó – một tuyên bố chủ quyền lãnh hải có hình lưỡi bò được đưa ra lần đầu tiên sau Thế chiến II bởi chính phủ Quốc Dân và sau này được chính quyền cộng sản tiếp nhận.
Hai nước này cũng chưa bao giờ vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển xung quanh những gì trước đây là bãi đá lúc chìm lúc nổi. Chỉ khi nào làm ngơ những định nghĩa chặt chẽ của UNCLOS thì ta mới có thể mô tả sự can thiệp của Mỹ là “bất hợp pháp,” và ngay cả thế thì cũng không rõ điều đó bị cấm theo điều luật nào.
Trên thực tế, những lập luận như vậy chỉ đơn thuần là hình thức. Để hiểu được thái độ của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông , chúng ta phải có một cách nhìn khác. Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất và quyền lực nhất trong khu vực, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các vùng biển bao quanh và coi láng giềng là các nước chư hầu thấp kém. Sau hai thế kỷ suy yếu, Trung Quốc đang nhanh chóng lấy lại quyền lực, và giờ mong muốn khôi phục lại những gì mà nó cho là trật tự cũ ở Đông Nam Á.
Nói cách khác, Trung Quốc đang trở thành loại siêu cường với suy nghĩ là nó đáng được hưởng quyền kiểm soát các vùng biển, vùng đất, và vùng trời xung quanh lãnh thổ của nó – giống như Mỹ. Trung Quốc đang thèm muốn trở nên ngang hàng với Mỹ, một trong hai siêu cường thống trị của thế giới. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng đất nước họ nên có khả năng triển khai sức mạnh quân sự và bảo vệ những gì họ cho là không gian chiến lược của mình – cũng như Mỹ.
Điều này không khó hiểu – cũng không nhất thiết là không hợp lý – nếu không liên quan đến các nước khác. Chắc chắn Mỹ có thể hiện một mức độ kẻ cả nhất định trong cách nó đối xử với các nước láng giềng. Nhưng cả Canada và Mexico hiện nay đều không cảm thấy bị xâm hại hay bắt nạt như cảm giác của nhiều nước xung quanh Trung Quốc.
Những cân nhắc chiến lược của Mỹ cũng không đe dọa đến tự do thương mại và vận tải biển quốc tế. Trung Quốc thì chắc chắn có. Và ngay cả khi có ai coi Mỹ và Trung Quốc là những siêu cường ngang hàng thì cũng cần lưu ý rằng Mỹ đã nhận được sự ủng hộ và chấp nhận của quốc tế lớn hơn nhiều. Điều này có thể thay đổi trong tương lai; nhưng hiện nay nó là một thực tế.
Không nghi ngờ gì việc Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới, cố gắng tạo ra nhiều “sự kiện trên thực địa” để chống đỡ cho yêu sách chủ quyền của mình. Cách duy nhất để chống lại điều đó, ít nhất bằng biện pháp hòa bình, là liên tục chứng minh rằng yêu sách của Trung Quốc sẽ không được công nhận. Cái gọi là “thực tế” của Trung Quốc phải được chứng minh chỉ là những quan điểm.
Điều này đòi hỏi sự can thiệp thường xuyên, dưới hình thức các chuyến đi của các loại tàu, cả quân sự lẫn dân sự – lý tưởng nhất là dưới lá cờ của nhiều quốc gia – qua những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền. Xét cho cùng, đó cũng chính là chiến thuật Trung Quốc đã sử dụng ở biển Hoa Đông, nơi nó đã gửi các đội tàu đến những vùng nước xung quanh quần đảo Sensaku của Nhật Bản, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Những hành động của Trung Quốc trong vùng biển Nhật Bản có thể là bất hợp pháp, nhưng hiệu quả (và nhấn mạnh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mỗi ngày). Mỹ và các đồng minh phải làm điều tương tự ở Biển Đông. Làm như vậy sẽ có nguy cơ vô tình đụng độ và đối đầu. Nhưng không làm gì, hoặc chỉ đưa ra những động thái riêng rẽ, sẽ coi như giúp Trung Quốc tạo sự đã rồi.
Bill Emmott nguyên là tổng biên tập tờ The Economist.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Challenging China
- See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/10/30/can-thach-thuc-trung-quoc-tren-bien-dong/#sthash.xQspoQUp.dpuf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù