Philippines gài bẫy Trung Quốc trong vụ kiện ra Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye
Tin liên quan:
Vừa mới đọc xong bản tóm tắt phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Haye vừa tuyên ngày 29/10/2015 về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Các luận điểm pháp lý của Hội đồng tài phán (Tribunal) trong việc xác định thẩm quyền xét xử tranh chấp của chính Toà án trong vụ này có thể nói là hấp dẫn từ đầu đến cuối.
Tóm tắt, Philippines rất khôn ngoan không đặt vấn đề về nội dung, tức phân xử chủ quyền của bất cứ nước nào đối với các hòn đảo ở Trường Sa và xác định ranh giới trên biển của mỗi nước. Thay vào đó, Philippines chỉ nêu vấn đề về hình thức, tức Toà án Trọng tài Thường trực có thẩm quyền hay không để giải quyết 15 yêu cầu của mình.
Trung Quốc tự rơi vào bẫy pháp lý khi tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Toà án đó và không tham gia tiến trình tố tụng. Philippines nắm lấy cơ hội này, đặt vấn đề hình thức ra trước để đẩy Trung Quốc vào cái bẫy mà chính Trung Quốc tự giăng cho mình. Phải nói, các luật sư của Philippines quá lão luyện và thông minh.
Hội đồng tài phán đã nhận định rằng, tuyên tố bác bỏ thẩm quyền của Trung Quốc mặc nhiên tạo thành tài liệu hồi đáp yêu cầu khởi kiện của Philippines, và hành động từ chối không tham gia tố tụng không ngăn cản thẩm quyền của Hội đồng tài phán này. Nói cách khác, các thẩm phán đã có đầy đủ quan điểm của hai bên để đánh giá, phân tích và kết luận.
Khi trao cho mình thẩm quyền xét xử tranh chấp, Toà án sẽ tiến tới xét xử nội dung của 15 yêu cầu mà nguyên đơn Philippines đặt ra, bất chấp bị đơn Trung Quốc phớt lờ tuân thủ phán quyết vừa tuyên. Với tư cách là nước lớn, lại tránh né thẩm quyền của toà án quốc tế, rồi không tuân thủ phán quyết của toà này, không biết Trung Quốc đặt danh dự của mình ở đâu giữa cộng đồng văn minh ngày nay?
Hiệp 1 Philippines đã thắng. Hãy chờ đến hiệp 2 vài tháng nữa. Các luật sư Việt Nam nên đọc phán quyết tuyệt hay này để trau dồi thêm kiến thức về luật pháp quốc tế và hiểu cách thức một toà án quốc tế giải quyết tranh chấp thế nào. Xin lưu ý, tiếng Anh sử dụng trong phán quyết đó khá đơn giản để theo dõi.
__________________________
Giang Lê - Các quốc gia liên quan đều có lợi trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Nhiều người cho rằng phán quyết về jurisdiction của PCA trong vụ Philippines vs China ngày 29/10/2015 là một thắng lợi cho nguyên đơn. Mặc dù đây chưa phải phán quyết cuối cùng mà mới chỉ là "vòng gửi xe" nhưng đọc những lập luận của các thẩm phán/trọng tài trong phiên toà cho thấy không chỉ Philippines thắng mà VN và những quốc gia liên quan (kể cả Mỹ, Úc...) cũng có lợi.
Điểm đầu tiên là toà xác định việc Philippines kiện TQ là hoàn toàn hợp pháp theo qui định của UNCLOS, DOC 2002 không gây ra cản trở về mặt pháp lý với vụ kiện này. Điều này trái ngược với một luận điểm mà TQ vẫn rất to mồm lâu nay là Philippines (và VN) không tuân thủ theo DOC, đi kiện tụng làm phức tạp thêm tình hình. Điểm C Điều 413 nói thẳng việc Philippines khởi kiện không phải là một hành động "abuse" như TQ rêu rao. Việc TQ đã opt-out theo qui định của UNCLOS cũng không hề hấn gì, họ không thể lẩn tránh các vấn đề được xem xét trong phiên toà này (cả 15 submission chứ không phải chỉ 7 cái đã được "duyệt").
Điểm thứ hai cũng rất quan trọng là toà xác định rằng việc TQ tẩy chay không tham dự phiên toà không ảnh hưởng gì đến giá trị pháp lý của phiên toà. Mặc dù văn bản chỉ dừng ở jurisdiction nhưng có thể hiểu các phán quyết (rulling) sau này dù có mặt TQ hay không vẫn sẽ có giá trị pháp lý. Tất nhiên TQ sẽ bác bỏ và không tuân thủ phán quyết của PCA nhưng điều này sẽ gây tiếng xấu cho họ và TQ sẽ không thể mở mồm kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế được nữa. Dư luận quốc tế, kể cả giới học giả, chắc chắn sẽ quay sang ủng hộ các đối thủ của TQ. Chính nghĩa thuộc về ai lúc đấy đã rõ.
Trong 7 submission đã được PCA xác định jurisdiction, 4 submission liên quan đến việc xác định/phân loại các cấu trúc địa lý trên biển: island vs rock vs low-tide-elevation theo UNCLOS. Nếu là đảo (island) thì sẽ có territorial water 12 hải lý và EEZ, nếu là rock thì chỉ có territorial water, LTE không được cả EEZ lẫn territorial water mà chỉ có 500m safety zone. Nếu PCA phán quyết Subi và Mischief chỉ là LTE thì việc TQ to mồm phản đối Mỹ cho tàu Lassen đi tuần trong phạm vi 12 hải lý là hoàn toàn sai trái. Ngay cả nếu đó là rock thì TQ phải chứng minh tàu Lassen không thực hiện "innocent passage", điều mà TQ đã không hề đề cập đến.
Nhưng quan trọng hơn nếu Subi, Mischief là LTE thì Philippines có thể kiện tiếp việc TQ xây dựng trái phép trên các LTE đó vì chúng nằm trong EEZ của Philippines. Tất nhiên jurisdiction của vấn đề này phức tạp hơn nên Philippines đã không đưa vào phiên toà này, nhưng khi PCA đã ra phán quyết thì các lập luận của Philippines sẽ có cơ sở hơn. Ngay cả nếu không kiện tiếp Philippines (và các nước khác như Mỹ, Úc) có cơ sở pháp lý để điều tàu không chỉ vào phạm vi 12 hải lý mà có thể áp sát đến 500m các đảo nhân tạo của TQ.
Thực ra một số đảo lớn của VN như Trường Sa Lớn có thể được công nhận là island (nghĩa là có EEZ) nhưng VN đã từ bỏ đòi hỏi này khi nộp bản đồ EEZ và thềm lục địa cho UN năm 2009 cùng với Malaysia. Đây là một quyết định tiến bộ và rất đáng hoan nghênh vì giúp giảm bớt áp lực tranh chấp trên khu vực TS. Một số học giả quốc tế (bênh TQ) vẫn viện dẫn bản đồ "bụng bầu" trước đây của VN làm bằng chứng VN cũng tham lam không kém TQ, bằng chứng đó bây giờ không còn giá trị. Nhưng ở HS tiền lệ vụ kiện này của Philippines sẽ rất có giá trị nếu VN khởi kiện hoặc yêu cầu ITLOS cho advisory opinions về giá trị của đảo Tri Tôn vì điều này liên quan đến vụ giàn khoan HD-981 năm ngoái (xem thêm bài này: http://kinhtetaichinh.blogspot.com.au/…/vietnam-vs-china.ht…).
Một vấn đề nữa cũng liên quan đến VN là quyền đánh cá lịch sử của Philippines ở các vùng đảo đang tranh chấp (Scarborough Shoal) trong submission 10. Cũng giống như ở HS, tầu cảnh sát biển TQ ngăn cản/bắt bớ tàu cá của Philippines vì cho rằng tàu cá Philippines vi phạm chủ quyền của TQ. Dù TQ không nói rõ vi phạm trong territorial water hay EEZ nhưng Philippines viện dẫn UNCLOS cho rằng một khi ngư dân của họ đã từng đánh bắt ở khu vực này từ xưa thì bất kể Scarborough Shoal thuộc về ai và nó có EEZ hay không thì TQ vẫn không có quyền đuổi tàu cá của Philippines. Đây là điểm VN hoàn toàn có thể kiện được về việc TQ bắt và đâm vào tàu cá VN ở khu vực HS mà không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền. Vấn đề là VN có dám kiện hay không.
Nguồn: Blog Giang Lê
Chủ đề: Chính trị - xã hội, Bài cộng tác
- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151031/le-cong-dinh-philippines-gai-bay-trung-quoc-trong-vu-kien-ra-toa-an-trong-tai#sthash.gwvrSNLA.dpuf
Nhận xét
Đăng nhận xét