Chính phủ mất khả năng kiểm soát chi tiêu

Mô hình của một dự án phát triển khu dân cư ven biển ở thành phố Hạ Long. Ảnh chụp hôm 20/9/2015.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Việt Nam có thể lâm vào khủng hoảng ngân sách vì tình trạng bội chi triền miên; chính phủ không đủ tiền chi tiêu chưa nói tới trả nợ nước ngoài và tìm cách vay thêm.
Chính phủ vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng hồi gần đây để chi tiêu, kế tiếp dự kiến sử dụng 10.000 tỷ đồng từ tiền thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Tuy vậy dư luận càng lo lắng hơn khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vào tuần cuối của tháng 10 đã đại diện Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ, thực tế không đủ tiền trả nợ nên vay nợ mới để trả nợ cũ đáo hạn.
Theo số liệu chính thức của Bộ Tài Chính được các Đại biểu Quốc hội trích dẫn, năm 2015 chính phủ chỉ trả nợ được 150.000 tỷ nhưng lại vay giải quyết bội chi ngân sách tới 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Số liệu này cho thấy tổng các khoản vay lớn hơn gấp đôi tổng nợ đã trả, hoặc nói cách khác vay rất nhiều để trả một phần nợ, phần còn lại để chi tiêu.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản thống kê Liên Hiệp Quốc, một chuyên gia am hiểu tình hình kinh tế tài chính Việt Nam từ New York nhận định:
“Tôi có cảm tưởng chính phủ càng ngày càng mất khả năng kiểm soát chi tiêu của mình, hoặc nói ngược lại chính phủ rất muốn chi tiêu. Chính phủ Trung ương đồng ý với các địa phương, xây nhà, xây đường xá, ông nào cũng đòi xây cái này xây cái kia. Và nhiều khi họ chưa có ngân sách mà đã bắt đầu xây rồi. Do làm việc thiếu hiệu quả nên hầu như công trình nào chi phí cũng vượt dự toán ban đầu, công trình nào cũng vậy cả. Thành ra với tình trạng này tôi thấy rất là khó, khả năng nợ ngày càng tăng nhanh và hiệu quả thì thấp. Khả năng trả nợ chắc chắn là sẽ khó khăn.”
Tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội Khóa 13, diễn ra từ ngày 20/10 vừa qua, nhiều số liệu được công bố làm nóng dư luận báo chí. Tình hình ngân sách 2015 u tối như thế được giải thích là nguồn thu có vấn đề, như giá dầu thô xuất khẩu giảm một nửa, cộng thêm lộ trình cắt giảm thuế quan với hàng hóa ASEAN và một số thị trường khác mà Việt Nam hội nhập.
Tôi có cảm tưởng chính phủ càng ngày càng mất khả năng kiểm soát chi tiêu của mình, hoặc nói ngược lại chính phủ rất muốn chi tiêu.
– Tiến sĩ Vũ Quang Việt
Đối với ngân sách 2016, các báo cáo tại Quốc hội cho thấy còn nguy cấp hơn nữa. Theo đó trả nợ theo kế hoạch năm 2016 là 155.000 tỷ đồng, nhưng trong đó đảo nợ hay vay nợ mới để trả nợ cũ lên tới 95.000 tỷ đồng và bội chi ngân sách tới 254.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh như vậy, chính phủ lên kế hoạch rút 100% vốn nhà nước ở 10 đại công ty như Vinamilk, Bảo Minh, FPT… nếu làm tốt nhà nước có thể thu được 4 tỷ USD cho ngân sách. Nhưng điều làm dư luận lo ngại nhất, chính là đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Đối với tình hình khủng hoảng ngân sách, TS kinh tế Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, từ TP.HCM nhận định:
“Ngân sách bây giờ eo hẹp quá, yêu cầu thoái vốn từ hai năm rồi, đến giữa 2015 là phải thoái hết vốn, nhưng hiện nay chỉ mới thoái được 20%-25% vốn. Chẳng hạn Điện lực Việt Nam, Dầu khí trước kia đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng khá nhiều nhưng cho tới nay chỉ thoái được từ 20-25% vốn còn lại vẫn bị chôn vốn. Như vậy tình hình ngân sách khó khăn làm cho nhà nước giật gấu vá vai, thoái vốn rồi xem bến cảng, đường xá chỗ nào bán được là bán hết để thu tiền cho ngân sách nhà nước, bù đắp những chỗ bị khuyết bội chi trầm trọng. Nhưng mà việc này hiện nay không còn toàn bộ nằm trong tay quyền hành của Chính phủ muốn quyết gì thì quyết, mà phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”
Giải pháp
Dư luận báo chí có nhiều ngày nổi sóng về vấn đề chính phủ đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cứu ngân sách. Ngoài ra còn phát biểu của Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ Ngân sách chính phủ Trung ương 2016 chỉ còn một khoản tiền tươi thóc thật là 45.000 tỷ đồng, không thể điều tiết vào việc gì vì còn chưa trả nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương.
SaigonTimes Online là tờ báo đưa tin này đầu tiên, sau đó đã giải thích là, chi ngân sách năm 2016 gần 1,3 triệu tỷ đồng nhưng phần lớn là chi thường xuyên và chỉ còn có 45.000 tỷ là Chính phủ có thể sử dụng cho mục đích đầu tư phát triển, số tiền này quá nhỏ bé khó thể tiến hành bất kỳ chương trình kích cầu nào.
Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.
– PGSTS Ngô Trí Long
Về cơ cấu ngân sách của Chính phủ Việt Nam hiện nay, PGSTS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng nhận xét:
Trong thu ngân sách thì 75% là thu để chi còn lại là để trả nợ, như vậy thực chất không có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đi vay, trong bối cảnh làm không đủ ăn mà đầu tư lại đi vay thì nợ công là một gánh nặng. Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.”
Ngày 26/10/2015, hầu hết báo chí chính thức đưa tin về cuộc tiếp xúc báo chí của Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Theo đó, ông Tuấn khẳng định, kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế nếu được Quốc hội cho phép, sẽ chỉ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và không làm thay đổi tổng nợ.
Theo lời giải thích của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì đây gọi là tái cơ cấu nợ ngắn hạn trong nước bằng vay quốc tế dài hạn. Tổng nợ không thay đổi, chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất. Tuy báo chí không giải thích rõ hơn, nhưng có thể hiểu là nợ ngắn hạn trong nước tới lúc phải trả lãi hoặc đáo hạn mà không có tiền thanh toán, nên phải vay nợ mới ở nước ngoài bằng phát hành trái phiếu quốc tế dài hạn.
Như thế câu hỏi đặt ra ai là người phải trả nợ trái phiếu quốc tế dài hạn? Rõ ràng là các chính phủ tương lai và thế hệ con cháu của nhân dân Việt Nam phải đóng thuế để trả món nợ 3 tỷ USD này.
N. N.

Xem thêm:

Việt Nam: Ba tỉ đô la và trái phiếu có gỡ được khó khăn khi nợ công chồng chất?

Thụy My
Các ứng viên cuộc thi Hoa hậu Bò sữa ở Mộc Châu, 15/10/2015. Tập đoàn sữa Vinamilk hiện được ví như “con bò sữa” đem lại nguồn thu đáng kể cho Nhà nước.REUTERS/Kham
TS Phạm Chí Dũng_Saigon
17/10/2015 – Thụy My
Hãng tin AFP cách đây vài hôm loan tin chính phủ Việt Nam dự kiến bán số cổ phiếu trị giá lên đến 3 tỉ đô la do Nhà nước đang nắm giữ trong các công ty lớn, trong khuôn khổ các nỗ lực mới nhằm mở cửa lãnh vực quốc doanh cho vốn tư nhân.
Các cổ phiếu nhà nước dự định bán ra thuộc 10 công ty lớn, trong đó có những tên tuổi như Vinamilk  tập đoàn sữa làm ra lợi nhuận nhiều nhất hiện nay, tập đoàn bảo hiểm Bảo Minh, tập đoàn viễn thông FPT Télécom… AFP cho biết thêm, trong năm nay, chính quyền Việt Nam định cổ phần hóa 429 công ty nhưng chương trình này đang bị chậm trễ, và quốc doanh vẫn là chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Báo chí trong nước cho biết bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam đã ra nghị quyết thống nhất phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, nhằm tái cơ cấu lại nợ trong nước giai đoạn 2015-2016.
Phải chăng trước tình hình nợ công đang chồng chất, mà các số liệu cho đến nay vẫn rất khác nhau, các biện pháp trên đây là nhằm cố gắng tháo gỡ khó khăn trước mắt? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Saigon.
RFI: Thân chào tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Thưa anh, mới đây chính phủ Việt Nam đã đề nghị bán 3 tỉ đô la cổ phiếu, trong đó điều đáng ngạc nhiên là bán hết phần vốn cả trong các công ty hàng đầu, được coi là “con bò sữa” mang lại nhiều cổ tức cho Nhà nước như Vinamilk. Phải chăng đó là do nợ công quá lớn, nên Việt Nam đang đứng trước áp lực phải đảo nợ? Không chỉ bán cổ phiếu, Nhà nước còn dự định phát hành cả trái phiếu…
TS Phạm Chí Dũng: Vừa rồi đã xảy ra hai hiện tượng đồng thời. Thứ nhất là đề nghị của chính phủ về phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỉ đô la. Thứ hai là hiện tượng thoái vốn tại 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Hai hiện tượng này nói lên cùng một điểm: tình trạng đặc biệt khó khăn của ngân sách và vấn đề nợ công quốc gia – không thể giải thích cách khác. 
Mặc dù cho tới nay một số quan chức nhà nước vẫn lấp liếm, và họ ngụy biện rằng vấn đề bán phần vốn nhà nước chẳng qua là đã đầu tư rồi, bây giờ rút vốn ra thôi, không làm ảnh hưởng tới những chuyện khác. Vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế cũng là chuyện bình thường, không phải để trả nợ công. Nhưng thực tế là thế này.
Liên quan đến vấn đề nợ công thì tất cả những báo cáo của chính phủ đều hết sức tô hồng. Từ cuối năm 2014 đầu 2015, chỉ báo cáo là nợ công khoảng 54 đến 55% GDP mà thôi. Cho tới gần đây thì Bộ Tài chính mới đưa ra con số cao hơn một chút, khoảng 59% GDP, có nghĩa là chưa tới ngưỡng nguy hiểm. 
Và do đó chính phủ vẫn tiếp tục vay ODA, trước mắt là để giải quyết dự án sân bay Long Thành lên tới 15 tỉ đô la. Thậm chí còn một dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Số vốn tính từ năm 2009 đã lên tới 55 tỉ đô la rồi, nếu cộng dự án sân bay Long Thành và dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ lên tới 70 tỉ đô la. Đó là một con số khủng khiếp! Với tình hình như vậy làm sao mà nợ công không tăng lên được. 
Đến đầu tháng 10, lần đầu tiên có một đơn vị của Bộ Kế hoạch Đầu tư là Học viện Chính sách công, đã công bố tỉ lệ mới hoàn toàn về nợ công quốc gia là trên 66% GDP. Con số này được họ tính trên cơ sở cộng thêm phần nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Mà chúng ta biết rằng nợ của doanh nghiệp nhà nước trước giờ không được tính đến trong Luật Nợ công quốc gia, nhưng đây lại là một tiêu chí bắt buộc của Liên Hiệp Quốc khi đánh giá về nợ của chính phủ. 
Như vậy nếu cộng thêm phần nợ của doanh nghiệp nhà nước – mà đặc biệt bây giờ rất nhiều doanh nghiệp nợ đầm đìa, như trước đây là Vinashin, Vinalines và sau này là khá nhiều doanh nghiệp khác – thì tỉ lệ nợ công quốc gia trên GDP phải lên tới 66% – đó là theo tính toán của là Học viện Chính sách công (Bộ Kế hoạch Đầu tư). Và với tỉ lệ này thì chắc chắn đã vượt qua ngưỡng nguy hiểm là 65%.
Với tỉ lệ vượt ngưỡng nguy hiểm như vậy, và với áp lực trả nợ công ngắn hạn cũng như trong trung hạn, theo báo cáo của Bộ Tài chính gần đây, thì rõ ràng ngân sách nhà nước Việt Nam thiếu hụt trầm trọng.
RFITình hình như anh mô tả, thì việc bán cổ phần nhà nước không chỉ nhằm mở cửa cho vốn tư nhân?
Có một hiện tượng nữa là, cùng với việc phát hành trái phiếu quốc tế và thoái vốn tại 10 tập đoàn, vừa rồi Bộ Tài chính lần đầu tiên phải đi vay mượn Ngân hàng Nhà nước được 30.000 tỉ đồng. Báo chí trong nước cho biết Ngân hàng Nhà nước cho vay nóng như vậy để tạm thời giải quyết khó khăn ngân sách. Nhưng thực chất ngân sách có thể nói là cực kỳ khó khăn rồi.
Song song đó lại xảy ra một hiện tượng xã hội nữa: Bộ Tài chính đề nghị việc tăng lương cho cán bộ công nhân viên vào năm 2016 có thể bị hoãn lại. Điều này có thể hiểu như thế nào? Vì vào tháng 10 năm trước tại kỳ họp Quốc hội, cũng đã nêu ra vấn đề tăng lương cho công nhân viên chức rồi, và đã quyết định vào năm 2015 tăng. Nhưng đến năm 2015 vẫn không tăng được mà lại dự kiến đến cuối 2016, bây giờ lại đề nghị hoãn. Mặc dù chưa chính thức, nhưng cũng cho thấy tình hình ngân sách là cực kỳ khó khăn. 
Nếu kỳ này chính phủ quyết định phát hành 3 tỉ đô la trái phiếu thì sẽ gấp ba lần con số 1 tỉ đô la trái phiếu quốc tế phát hành vào cuối năm 2014. Thực ra cuối năm 2014 chính phủ báo cáo là đã phát hành thành công 1 tỉ đô la trái phiếu quốc tế, nhưng tôi chưa thấy một báo cáo nào nêu ra đối tác doanh nghiệp hay tổ chức tài chính nào của nước ngoài đã mua 1 tỉ đô la đó. Không có tên tuổi cụ thể, thậm chí có những đồn đoán số 1 tỉ đô la trái phiếu quốc tế ấy thực chất là do doanh nghiệp trong nước mua, tức là tiền cũng chỉ chạy lòng vòng trong nước mà thôi. 
Thứ hai nữa là cũng kỳ họp Quốc hội năm trước vào tháng 10, lần đầu tiên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã phải báo cáo rằng con số nợ xấu thực chất lên tới khoảng 500.000 tỉ đồng. Con số này tồn từ năm 2013, nhưng đến cuối 2014 mới dám báo cáo. Lúc đó cho thấy tình hình đã khó khăn lắm rồi. Nợ xấu như vậy lại liên quan tới vấn đề nợ công quốc gia và chi tiêu tài chính.
RFI: Anh có thể nói rõ hơn một chút về vấn đề bội chi?
Cho tới 9 tháng đầu năm nay, con số bội chi ngân sách đã lên đến khoảng 130.000 tỉ đồng, mặc dù tình hình thu được báo cáo là có khả quan. Khả quan là thế này thôi: do vẫn áp dụng nhiều loại thuế, đặc biệt trong đó có thuế nông nghiệp làm khốn khổ người nông dân rất nhiều. Có tăng thu, nhưng chi thì cũng khủng khiếp.
Chúng ta thấy từ đầu năm 2015 tới giờ liên tục có những phong trào xã hội phản ứng việc chi đầu tư xây dựng cơ bản: những trụ sở ngàn tỉ ở những tỉnh rất nghèo, thường xuyên phải xin gạo cứu đói hàng năm ở những tỉnh rất nghèo như Lai Châu, Khánh Hòa, Phú Yên…Đồng thời xây những tượng đài cũng ngàn tỉ. 
Thậm chí có cả một đề án đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục Đào tạo lên tới 34.000 tỉ. Sau đó khi Quốc hội, người dân và báo chí phản ứng, thì Ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục Đào tạo làm rõ lại đề án đó, tại sao 34.000 tỉ? Thì ông Bộ Giáo dục Đào tạo lập tức rút xuống còn 400 tỉ! Đến nỗi ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc hội cũng phải nói là: “Các đồng chí rút từ 34.000 tỉ xuống 400 tỉ thì tôi cũng sợ các đồng chí luôn!”.
Tình hình bội chi là như vậy, và chi lãng phí là khủng khiếp. Từ đó chúng ta thấy là ngân sách nhà nước không phải do quá eo hẹp, nhưng bị chi xài lãng phí. Mà lãng phí cũng là một căn bệnh đã được nhận thức rằng gần như không thua kém gì nạn tham nhũng trầm kha ở Việt Nam từ nhiều năm qua. 
Do vậy ngân sách nhà nước bội chi liên tục. Năm 2013 bội chi tới 6,3%. Năm 2014 thì lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ chịu trách nhiệm chính về chuyện nợ nần, đã phải ra Quốc hội để đề nghị nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3%. Nhưng đến năm 2015 này thì tình hình bội chi ngân sách được Bộ Tài chính dự báo là vẫn có thể vượt, thậm chí vượt 6%. Tức là tình hình nguy hiểm! Mà trên 5% là đã không thể chấp nhận rồi, theo tiêu chuẩn quốc tế.
RFITóm lại là nợ công nhiều, chi ngân sách không hợp lý với những công trình lãng phí gây phản ứng trong xã hội… Như vậy theo anh tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay là rất khó khăn, do đó mà phải dự định phát hành trái phiếu chính phủ và thoái vốn như đã nói lúc nãy?
Tất cả những vấn đề này cho thấy chính phủ không còn cách nào khác. Bây giờ phải giật gấu vá vai. Không còn tiền nữa! Không còn tiền, mà chả lẽ lại đi in tiền? In tiền thì lạm phát. 
Cho nên từ giữa năm nay, chúng ta để ý thêm một hiện tượng là chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, đã bắt đầu tính đến việc bán một số công trình xây dựng đã hoàn chỉnh. Chẳng hạn như một số cầu, đường, kể cả sân bay, ví dụ như vừa rồi sân bay Phú Quốc cũng tính bán. Bán để thu tiền về cho ngân sách nhà nước, để giải quyết những thiếu hụt trầm trọng của ngân sách.
Và tình hình như thế này thì làm sao có tiền để tăng lương cho công nhân viên chức. Do vậy dẫn tới hiện tượng phải thoái vốn tập thể, đồng loạt ở 10 tập đoàn. Kể cả tập đoàn lớn nhất, coi như là “con bò sữa” Vinamilk mà chính phủ đã đầu tư vào và thu lợi được rất nhiều. 
Trước đây chính phủ đã có cho phát hành trái phiếu từ hồi năm 2005 để cung ứng vốn cho Vinashin. Thì hiện nay dư luận đang đặt ra câu hỏi, và có gây áp lực với chính phủ phải làm rõ thời điểm, tiến trình thoái vốn, và việc thoái vốn đó được chi dùng như thế nào. Chứ không phải giống như Vinashin trước đây, sau đó tiền đi đâu không biết, lỗ thì vẫn hoàn lỗ và cuối cùng người dân đóng thuế phải gánh chịu hoàn toàn. 
Cũng cần nhắc lại là cuối năm 2014, cùng với kế hoạch phát hành 1 tỉ đô la trái phiếu, cũng đưa ra kế hoạch phát hành 600 triệu đô la cho Vinashin. Nhưng tôi nghe đâu là kế hoạch thất bại, vì không có ai mua. Tình hình đó cũng tương tự như việc mà Việt Nam bây giờ đang chào bán nợ xấu cho nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước gởi 500 hồ sơ đi, nhưng cho tới nay chưa có bất kỳ một hồ sơ nào được phản hồi – theo báo cáo công khai là như vậy.
Thành thử hiện nay rất khó đối với ngân sách nhà nước. Đó là lý do tại sao chính phủ phải quyết định phát hành trái phiếu quốc tế, và tôi cho là có thể sắp tới còn hơn thế nữa. Nhưng vấn đề là có ai mua hay không. 
Còn tôi đồ rằng chính phủ chắc chắn sẽ thành công trong việc thoái vốn tại 10 tập đoàn nhà nước, vì đó là tiền nằm trong túi họ. Nhưng còn việc bán nợ xấu và bán trái phiếu ra nước ngoài, thì đó là một điều vô cùng khó khăn. Tôi không tin là việc bán trái phiếu quốc tế của chính phủ sẽ thành công, thậm chí là sẽ thất bại. Tại vì gần đây cũng có hiện tượng một số phiên đấu giá trái phiếu của Bộ Tài chính và chính phủ ở trong nước, hầu như đều ế ẩm.
RFIRFI Việt ngữ xin cảm ơn tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn hôm nay của chúng tôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?