Chuyện đổi mới “cái đèn cù”?
Hạ Đình Nguyên
Thứ Ba, ngày 27 tháng 10 năm 2015
Từ ngữ “đổi mới” khá quen thuộc với người Việt Nam, ít nhất từ ba thập kỷ qua. Nó xuất phát từ Đảng Cộng sản Việt Nam, như một khẩu hiệu, như một phương châm, và kêu vang như một mệnh lệnh không thể cưỡng lại. “Đổi mới” có sức hấp dẫn, vì nó mang ý nghĩa là sự từ bỏ cái cũ vì cái cũ không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, tệ hại hơn, nó đang ngự trị hằng ngày, kìm hãm, nhấn chìm hiện tại lún sâu vào quá khứ lạc hậu. Khẩu hiệu đổi mới từng được nêu lên một cách quyết liệt: “đổi mới hay là chết” (vào thập niên 1980). Sau đó, từ ngữ “đổi mới” ấy đã chạy vòng quanh như một thứ khẩu hiệu đơn thuần, qua từng thời kỳ Đại hội Đảng, qua mỗi đời Tổng Bí thư. Từng lúc nó mang tên khác nhau, như có vẻ mới và chi tiết hơn, như đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế, đổi mới hành chánh, đổi mới cán bộ… Người dân nói nhại theo: đổi mới tivi, đổi mới bàn ghế, đổi mới ăn mặc, đổi mới cách nói năng… Dù sao, “đổi mới” cũng đã thành một từ ngữ nổi tiếng rất được ưa dùng.
Vừa rồi, trong dịp Đại hội Đảng sắp diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã lặp lại và càng nhấn mạnh hơn: “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả ‘tư duy, kinh tế, lẫn cán bộ”. Và, một điểm khác biệt quan trọng là cách biểu đạt ý tưởng cũng mới, ấy là: “Đổi mới phải đúng quỹ đạo”. Từ kim khẩu của lãnh đạo nói ra thì đều mới cả.
Có thể nói không sai, đây là một cuộc “trường chinh đổi mới” vì nó đã kéo dài hơn 30 năm và đang được kêu gọi tiếp tục. Trẻ sinh ra từ lúc bắt đầu đổi mới nay đã lập gia đình và có con cái, thanh niên lúc ấy 30, nay là hơn 60 đã về hưu. Và, cuộc đổi mới không hứa hẹn một điểm tạm dừng để thở, lại ngày càng cấp bách, phải tiếp tục, như Tổng Bí thư Đảng đã chỉ đạo.
Lẽ ra, với tinh thần đổi mới thật thà, Việt Nam hôm nay đã là một Việt Nam rất mới, mới toanh. Nhưng thực tế thì ngược lại, càng đổi mới bao nhiêu nó lại cũ bấy nhiêu, mọi mặt hoạt động của xã hội đều xuống dốc, an ninh quốc gia và lãnh thổ bị xâm phạm, đến nỗi tình trạng đất nước đang “tiến lên” một cõi thiên đàng mơ hồ xã hội chủ nghĩa, lại đứng dưới hạng phát triển của Campuchia, Lào, vốn là hai quốc gia nhỏ thân thiết láng giềng, (bản xếp hạng theo một số tiêu chí của Tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc). Dù sao, lãnh đạo Việt Nam vẫn tự hào mình là một đất nước cá biệt, có cách tư duy cá biệt, nên không nhất thiết phải biết ai, hay so sánh với ai. Như lời dân gian “chế” thơ Tố Hữu với lịch sử 4000 năm: “Từ trong hang đá chui ra/Vươn vai đứng dậy rồi ta chui vào”.
Nhưng vì lẽ gì mà sự nghiệp đổi mới ấy đã đem lại một kết quả ảm đạm như hôm nay? Phải chăng, vì nó phải đi theo đúng quỹ đạo đã định? Vâng, quỹ đạo, quy trình, quy định, quy cách… đều đã có sẵn, phải đổi mới trên tấm thảm ấy.
Quỹ đạo là đường di chuyển nhất định của một vật thể trong không gian, không thể đi khác được. Nó không thể lơ lửng bạ đâu bay đó, như hạt bụi theo gió. Ví như một phi thuyền phóng lên không gian phải đi đúng quỹ đạo đã định trước, nếu không, nó biến mất vào vũ trụ và thành rác rưởi ở đâu đó. Nhưng đổi mới phải theo đúng quỹ đạo của ông Tổng Bí thư Trọng nói, là quỹ đạo gì? Nói nôm na là giống như cái đèn cù tự quay xung quanh cái trục của chính mình. Đó là cách đổi mới được xem là an toàn, cho đến khi nào cái trục ở giữa không bất ngờ bị gãy. Phải cố bám giữ cái trục giữa ấy cho vững, các hình vẽ mới về voi giấy, ngựa giấy cứ quay tít chung quanh. Nhanh đến nỗi không biết đâu là hình ngựa, đâu là hình voi…
Cũng có cách hình dung khác, đổi mới là từ ngữ mang chức năng gia vị, gồm mọi loại gia vị có thể có, để làm cho thức ăn dễ nuốt hơn với mùi, vị, và màu sắc mới, nhằm che giấu cái mùi nồng nặc bốc lên từ các nguyên liệu quá đát.
Ở đây, Tổng Bí thư không chủ định nói về toán học, vật lý, hay hương liệu thực phẩm, mà nói về chính trị - xã hội, cụ thể hơn, là nói về cái cốt lõi là Đảng ta. Đảng ta lãnh đạo toàn dân ta là đương nhiên như sách Trời đã định, đã được cụ thể hóa vào Hiến pháp Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nó là “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Đó là sự đánh tráo rất vĩ đại. Cái cốt lõi ấy không thay đổi, nhưng có thể cho mọi thứ chuyển động chung quanh nó. Cái đường chuyển động đó được gọi là quỹ đạo?
Thiết nghĩ, học một câu nói của người xưa là không dễ.
Học câu nói của người đời nay càng không hề dễ. Xin cẩn trọng học tập câu nói của người đời nay!
Cứ mặc nhiên xem là đã đổi mới 30 năm rồi – rất “thành tích” nhưng chưa đủ đô – nay phải tiếp tục. Và phải tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, vì thời gian qua chưa đủ mạnh. Điều đặc biệt khó hiểu ở chỗ, đổi mới là rời bỏ cái cũ, nhưng cái cũ nào cần bỏ thì không nêu lên rõ ràng. Đảng không bao giờ thừa nhận sai, nhưng luôn sửa sai dưới lớp son phấn đổi mới. Nói nhẹ nhàng là, từ ngữ không sòng phẳng. Không nói rõ cái sai, mà chỉ nói cái phải sửa. Chập chùng cái không minh bạch!
Tổng Bí thư chỉ đạo có ba đối tượng bao trùm sự đổi mới: Tư duy -.Kinh tế - Cán bộ, dựa trên một nguyên tắc: đúng quỹ đạo!
1 – Đổi mới Tư duy… đúng quỹ đạo, là gì?
Tư duy, tức là suy nghĩ, mà phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và có hệ thống – vốn là đặc điểm nổi trội của loài người so với loài vật. Đổi mới tư duy là cách suy nghĩ mới về các đối tượng của suy nghĩ. Khi đòi hỏi đổi mới, tức xác định cách suy nghĩ đã có và đang có là cũ rồi, không còn phù hợp nữa với hiện thực đang diễn ra, có nghĩa là phải thay đổi nó, rời bỏ nó. Giờ đây nó có tên hình thức là lạc hậu, hủ lậu, giáo điều, không còn lợi ích gì nữa, dẫu không nêu tên cái bản chất cốt lõi của nó. Đòi đổi mới phải đúng quỹ đạo nhưng chính cái quỹ đạo ấy có mới không? Hay nó chính là sản phẩm cũ, sản phẩm tưởng tượng, “không biết đến cuối thế kỷ này đã có hay không?”. Cái đòi hỏi đổi mới tư duy mà phải theo đúng quỹ đạo đó, hóa ra chỉ là một loại hương liệu phụ gia để ướp vào một thứ thực phẩm đã bốc mùi!
Người dân, không phải ai cũng có bằng tiến sĩ Mác-Lê, nên việc đổi mới là không khó, vì họ không có cái cốt lõi nào xa xôi đã ăn sâu vào tâm trí cả. Họ chỉ cần làm việc, ăn uống và nghĩ ngợi, thực hiện đầy đủ cái quyền công dân của mình, và đất nước phát triển là được. Họ không bị ghi dấu vết hằn sâu trong tâm, não của mình bởi cái “rực rỡ” hào nhoáng của nỗi đam mê “vẻ vang” nào cả. Nhưng các từ ngữ tuy rỗng rang ấy lại có sức quyến rũ đậm đặc của vật chất và quyền lực. Vì sao nghiện ma túy là một bệnh mãn tính? Khoa học giải thích đó là do dấu ấn “rực rỡ” của chất ma túy đã ghi sâu vào tế bào thần kinh não, không thể phai hoặc rất khó phai. Người nghiện ma túy thường có nhiều sáng kiến táo bạo, rất “đổi mới” để phục vụ cho nhu cầu cốt lõi mê say của mình. Họ có khả năng đổi mới tư duy, nhưng chỉ để ứng phó tình huống, chứ không nhằm thoát ra ngoài quỹ đạo vốn đã được cài đặt. Người nghiện tìm mọi cách để bảo vệ cái trục tư duy cốt lõi của mình và từ chối các phương thức điều trị từ bên ngoài vào. Có hai đặc điểm về tâm lý đối phó ở hai giai đoạn. Một là, người nghiện không thừa nhận là mình nghiện. Hai là, đến lúc quá ê chề về thực tế, phải thừa nhận mình là người nghiện, thì họ khẳng định mình là một người nghiện đặc biệt, không giống bất cứ người nghiện nào khác. Do đó ban đầu, họ phải bị cưỡng bức điều trị một thời gian, sau đó mọi việc sẽ được khai mở dần để đi đến sự hợp tác điều trị. Thông thường, họ chỉ đứng lên được sau khi “rơi tận đáy”.
Chủ nghĩa Cộng sản đã ra đời và tồn tại “rực rỡ” gần một trăm năm để cuối cùng là tàn lụi, và sự lụi tàn đó là do tự nó với sức ép khách quan, và đã gây phấn khích cho thời đại. Chủ nghĩa Mác nay đã hết hạn sử dụng. Nhưng nó đã lưu lại những di chứng kéo dài dưới một số hình dạng khác, như còn đang diễn ra ở vài quốc gia nổi tiếng hiện nay (như Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên). Quỹ đạo của nó hẹp dần, lực quay yếu đi, và cái trục giữa cũng di động, không còn đứng vững ở một chỗ, nên quỹ đạo của vòng quay rối loạn, biến thiên vô lượng. Nó trở nên huê dạng với nhiều thứ đổi mới ứng phó rất tạm thời. Một nhân vật ở Đông Âu đã nói: “Chủ nghĩa Cộng sản không thể tự sửa chữa”, cho thấy chủ nghĩa cộng sản khá giống với bệnh nghiện mãn tính. Nó vẫn cứ quay đúng quỹ đạo của nó cho đến một lúc…! Giống như đặc điểm thứ hai của người nghiện, Việt Nam cho mình là trường hợp đặc biệt, ngoại lệ, không cần so sánh. Và cũng đến một lúc…!
Đổi mới tư duy theo “đúng quỹ đạo (cũ)” là không thể chữa lành bệnh. Để thoát khỏi bệnh, cần phải chuyển sang một quỹ đạo mới, từ thông dụng hiện nay thường gọi là “xoay trục”. Nhưng xoay trục thì không thể giả vờ, bằng cách chỉ thay đổi hình vẽ voi giấy ngựa giấy trên mặt giấy của cái đèn cù. Sống là hy vọng, mà hy vọng là không của riêng ai, nên vẫn mong ông Trọng cùng các Giáo sư Tiến sĩ chiến hữu của mình, cố gắng bước thêm bước nữa, ra khỏi cái đầu (ngõ) đã tan sương!
Quỹ đạo của vận động kinh tế, tuy cũng trừu tượng, nhưng kết quả thì rất cụ thể, kết quả có thể đo đếm và ghi chép được, khó bàn cãi hay lý luận mông lung. Lấy mức sống của người dân – chứ không phải mức sống của cán bộ – làm chuẩn, sẽ biết nền kinh tế của Quốc gia ra sao. Mới đây, nhà nước đang đi vay 3 tỉ đô la để “đảo nợ”. Tôi có biết đôi chút, thế nào là đảo nợ từ một vài đại gia quen biết. Nó thực sự là không vẻ vang hay rực rỡ chút nào! Vì sự “đổi mới kinh tế… đúng quỹ đạo” của 30 năm lại bị trật quỹ đạo, nên ra nông nổi này, và ai cũng đã rõ. Quỹ đạo đó, cuối cùng tự nó chứng tỏ là không thể chấp nhận ăn gian, như là sự ăn gian kinh tế thị trường có đường cong mềm mại là… “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đã đến lúc người nghiện chấp nhận bệnh tình của mình, dù không công khai minh bạch, nên đã thừa nhận bước 1 (giai đoạn 1 trong tâm lý của người nghiện), là kinh tế thị trường, nhưng vẫn cho rằng mình là trường hợp cá biệt (giai đoạn 2 trong tâm lý của người nghiện) nên đã gượng ép mang theo cái định hướng. Nay cái đường cong cong mềm mại định hướng ấy đang được đào bới, dở bỏ trước áp lực của tình thế không thể đảo ngược. Mong là các vị đại biểu của quỹ đạo Thành Đô, mềm lại đi, để hợp tác điều trị mong đạt được sự thanh thản lúc cuối đời.
3– Đổi mới cán bộ… đúng quỹ đạo, là gì?
Đổi mới cán bộ, tức là nói về đổi mới con người.
Triết gia Friedrich Wilhelm Nietzsche của Đức ở thế kỷ trước, đã từng có hoài bão tốt đẹp là muốn làm mới lại con người; ông cho chủng tộc Đức là giống người nổi trội nhất, cho nên chủ trương chủng tộc Đức phải có vai trò thống trị nhân loại. Sau đó ông qua đời nên không biết ý tưởng lớn của ông đã được Hitler vĩ đại thực hiện như thế nào. Nhưng nhân loại thì đã biết thế nào là đoạn kết của nó. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có hoài bão tương tự, một thời gian khá dài đã bỏ công sức và tiền bạc để đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Tôi có một người bạn có tên tuổi nổi tiếng, đã có văn bằng Tiến sĩ về đề tài này. Sau khi mang văn bằng từ Liên Xô về, anh bẽn lẽn chôn sâu nó trong lòng đất, không bao giờ nhắc lại, không muốn ai biết đến, vì anh không muốn để mình bị tha hóa. Cái quy hoạch hoành tráng ấy có lẽ bây giờ được thu nhỏ lại, khiêm tốn hơn, chỉ là “đổi mới cán bộ” thôi, tất nhiên là cán bộ xã hội chủ nghĩa, cũng đương nhiên là cán bộ ấy được làm mới rồi. Họ được trui rèn, mài giũa theo hàng loạt tiêu chuẩn phẩm chất, hiểu hiện bằng hàng hàng lớp lớp từ ngữ trên các văn bản, được nêu lên long trọng trong các kỳ Hội nghị chuẩn bị nhân sự của Đảng. Lần lượt, những con người mới này xuất hiện trên các điểm đứng chân, thuộc quỹ đạo đã được thiết kế rất công phu. Cả nước đang lặng ngắm cái gì mới trong cuộc đổi mới nhân sự mạnh mẽ này. Sự chuyển dịch nhiều kịch tính và ngoạn mục đang xuất hiện đó đây ở các Đại hội cấp tỉnh thành, cũng nằm trên nhiều quỹ đạo nhỏ đan xen, nhưng với người dân, thật tình thì khó biết là quỹ đạo nào!
Hy vọng gì ở “đội ngũ lãnh đạo” mới, về cuộc đổi mới theo đúng quỹ đạo?
Số đông trong họ thuộc về thế hệ Thái tử Đảng.
Họ hít thở trong bầu không khí “gia đình truyền thống”, được trang bị riêng với “nhiều tiện ích” và được đặt ngồi lên bệ phóng. Họ dám bước lên phía trước, hay quay theo lối mòn ưu thế con con? Đó là một thực tế dù muốn hay không, cho nên, là một câu hỏi nghiêm túc.
Đất nước đang ở trong một giai đoạn gay cấn và đầy áp lực, đang kêu gào một sự thoát xác triệt để, đang đòi hỏi một cuộc đột phá thông minh và dũng cảm để thoát khỏi quỹ đạo đã hơn 70 năm được cài đặt và tẩm ướp bằng hương liệu Mác-Lê-Mao.
Quỹ đạo nào mà họ sẽ dấn thân, là câu hỏi không chỉ để dành riêng cho “đội ngũ lãnh đạo” mới. Vì thế, câu trả lời là thuộc về toàn dân, đặc biệt là các thế hệ thanh niên hôm nay.
Nhà báo Kami viết rằng: “[V]iệc triệt tiêu hoàn toàn học thuyết Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị ở Việt Nam có lẽ phải mất thời gian khoảng chừng 20 năm nữa. Khi những kẻ ăn bám vào học thuyết Cộng sản đã từ giã khỏi cõi đời này. Lúc đó dân tộc này mới hết nợ”.
Tôi nghe sóng gió Biển Đông đang gào thét, lòng dân cũng tương tự, thời đại không đứng yên, bão bùng cũng đang đe dọa phương Bắc. Cái nhìn của ông Kami có thể là bi quan.
Tôi tin con nghiện có thể hồi phục thành người bình thường. Quỹ đạo đang dịch chuyển khỏi Quỷ đạo.
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.
Nhận xét
Đăng nhận xét