Phải đập bỏ, xây lại, để có tiền bỏ túi?
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Bởi
NHAN MINH
-
Posted by adminbasam on 28/10/2015
Lời điếu cho một cây cầu
28-10-2015
BLA: Chiều nay 28-10-2015, trên trang facebook cá nhân của Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt có đăng một Thư ngỏ gửi Bí thư thành ủy thành phố Tân An tỉnh Long An, tha thiết đề nghị giữ lại cây cầu Đúc nằm tại trung tâm thành phố Tân An, vì cho rằng cây cầu này là một cây cầu cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên có vẻ đề nghị này đã quá trễ, khi có tin cầu đang bị đập bỏ. Như vậy, lá thư tâm huyết này của nhà báo có thể xem như là lời điếu vĩnh biệt cầu Đúc.
Về quan điểm cá nhân, chúng tôi ủng hộ đề nghị của Nhà báo Anh Kiệt. Ngay tại TP. HCM, một cây cầu sắt khá đẹp là Cầu Móng, với tuổi đời cỡ cầu Đúc cũng đã và đang được gìn giữ cho con cháu đời sau. Thật đáng tiếc và không khỏi có chút xót xa khi mất đi một cây cầu như cầu Đúc.
————-
Nội dung Thư ngỏ như sau (trích gọn):
THƯ NGỎ
Kính gởi: Bí Thư Thành Ủy TP Tân An (tỉnh Long An).
Qua facebook, tôi thật sự bàng hoàng trước thông tin đập bỏ, xây mới cây cầu Đúc Tân An mà không biết nói với ai, chỉ biết trải lòng mình lên fb.
Hôm nay, tra cứu thông tin trên mạng, được biết anh đã là tân Bí Thư Thành Ủy và anh cũng đồng tình thực hiện dự án đập bỏ xây mới này. Một lần nữa tôi lại bàng hoàng và viết thư này tâm sự với anh xem như là lời cầu cứu cuối cùng cho sinh mạng cây cầu cổ khi án đã tuyên, pháp trường đã dọn.
Cây cầu Đúc dù chưa có số liệu chính xác nhưng ước lượng nó nhất định có trên dưới trăm năm tuổi.
Tôi xin có đôi lời phản biện:
Về nhu cầu giao thông:
Hiện trạng đường Nguyễn Trung Trực của hai đầu cầu đã không còn là đường xuyên tâm chính của TP, mà vai trò đó đã chuyển về đường Hùng Vương và đập Bảo Định. Chợ tỉnh Tân An ngày xưa cuối đường Nguyễn Trung Trực chỉ còn là chợ Phường 1. Mai này khi Trung tâm Hành chính Tỉnh chuyển về khu vực mới thì lưu lượng giao thông ở đây còn giảm nhiều.
Hà huống chi, song song với cầu Đúc cả hai bên đã có hai cây cầu mới Bảo Định và Trương Công Định. Hoàn toàn có thể phân luồng tuyến cho các xe trọng tải nặng đi sang hai cầu này.
Nói cầu Đúc già nua thì đúng, nhưng nói nó quá tải thì e rằng gượng ép. Với tuổi tác và vị thế của nó bây giờ hoàn toàn có thể dùng làm cầu cho người đi bộ, xe máy, và xe tải trọng nhỏ. Thậm chí với cảnh quan mới cải tạo hiện nay những bờ kè, công viên dọc hai bên kênh Bảo Định nó cũng có thể là cây cầu du lịch đơn thuần.
Về kỹ thuật:
Có thể cầu đã bị rỉ sét gì đó. Nhưng tôi không tin rằng với kỹ thuật thời nay chúng ta không đủ sức gia cố tăng tuổi thọ cho cây cầu kiên cố như vậy. Ngay trong nước ta, ở miền Nam những tỉnh khác vẫn làm được điều này. Có người đã nhắc đến cầu Hoàng Diệu ở Long Xuyên xây năm 1937 cùng kết cấu chất liệu như cầu Đúc của Tân An vẫn còn đang sử dụng.
Vấn đề ở đây là văn hóa, lịch sử
Tôi nghĩ rằng, khi lập dự án này, các anh đã hướng đến tương lai, nghĩ đến xây dựng TP Tân An hiện đại, to đẹp. Tôi tin rằng với kỹ thuật, phương tiện hiện nay đủ sức thiết kế xây dựng cây cầu mới to hơn, đẹp hơn cây cầu Đúc hiện giờ nhiều lần.
Nhưng có điều chắc chắn là không ai, tất cả các kiến trúc sư trên đời này không cá nhân nào có thể thiết kế và xây dựng được lịch sử, không ai có thể xây dựng được ký ức của hàng vạn, hàng triệu lượt người đã in bóng trong cây cầu ấy.
TP Tân An hiện nay còn được bao nhiêu công trình cổ trên dưới trăm năm tuổi? Có lẽ chưa đầy số ngón của một bàn tay. Trong ký ức của tôi chỉ có nhà Bảo Tàng, Trường Nữ tiểu học cũ, Lăng Nguyễn Huỳnh Đức và hết.
Cây cầu Đúc này với bao nhiêu năm tồn tại của nó đã gắn liền với ký ức của hàng triệu con người Tân An nói riêng và Long An nói chung.
Ai hồi nhỏ chẳng từng một lần lên tỉnh đi chợ tết, chẳng từng dẫm bước trên cây cầu này. Vắng nó, câu chuyện kể cho cháu con sẽ thiếu đi vật chứng quan trọng. Nếu chúng ta không giữ gìn, bảo tồn thì chúng ta sẽ xây dựng một thành phố không có ký ức, lịch sử. Giữ lại cây cầu là giữ ký ức, lịch sử cho con cháu đời sau.
Tôi hy vọng rằng, con cháu của tôi, của anh sẽ tự hào là Long An không chỉ có Trung Tâm Bưu Chính Viễn Thông hay những công trình hiện đại mà còn có cây cầu Đúc trên trăm năm tuổi được thế hệ cha chú giữ gìn.
Thế hệ trẻ sẽ đi trên cầu cổ và nhắc lại bài học lịch sử là, ba bốn thế kỷ trước, Chưởng cơ Nguyễn Cửu Vân đã đào kênh Vũng Gù này nối Sông Vàm Cỏ với sông Tiền làm đường chuyển quân lương để giúp vua Khmer, sau đó đã đóng quân ở Vũng Gù lập đồn điền.
Khi Gia Long lên ngôi mới đặt tên kênh là Bảo Định hà. Khi Pháp chiếm miền Nam, Phan Văn Đạt đã bị treo thân ở đầu vàm kênh này còn Thủ Khoa Huân bị chém đầu ở đoạn giữa kênh thuộc xã Phú Kiết. Người Pháp đã dời Phủ Tân An từ Cai Tài về đây và lập Châu Thành Tân An.
Cây cầu Đúc này được xây từ buổi đó. Buổi đầu chưa có điện nên người ta làm đèn khí đá, những trụ cao trên cầu là những cột đèn khí đá.
Bài học lịch sử của con cháu ta sẽ không chỉ nằm trên giấy mà có vật thể, hình hài cụ thể.
Giá trị của lịch sử thì không thể tính bằng tiền và cũng giống như sinh mạng một con người đã xử tử thì không thể nào hồi sinh được.
Một vấn đề nữa cũng xin chân thành trao đổi với anh là về chính trị. Thú thật, tôi cũng là một đảng viên hơn 30 năm tuổi đảng, chưa đáng 1/3 tuổi của cây cầu nhưng không là lãnh đạo, tôi gần dân hơn và nghe tiếng nói của dân. Nhiều người trên fb của tôi và các trang khác cho rằng, chính quyền hiện nay có chủ trương đập phá hết các công trình xây dựng của chế độ trước.
Tôi không tin là Đảng ta có chủ trương như thế. Ai cũng biết câu “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Huống hồ chi ngân sách chúng ta đâu dư dả lắm để làm chuyện ấy. Tôi vẫn nghĩ rằng các anh thật lòng muốn hiện đại hóa Thành Phố Tân An nhưng chưa lưu tâm lắm về lịch sử với những giá trị vô hình của nó.
Đây là tấm lòng, mong muốn không chỉ riêng tôi mà của khá nhiều người Long An dù đang sống trong tỉnh hay đã tha hương. Xin hãy giữ lại cho quê hương những dấu tích lịch sử, những vốn quý không gì so sánh được.
Lê Đại Anh Kiệt
——————
Tham khảo:
Cầu Móng được Sài Gòn lưu giữ
Cầu Mống là một cây cầu bắc qua kênh Bến Nghé, nối liền giữa Quận 1 và Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là một trong những cây cầu cổ xưa nhất tại thành phố này.
Cầu do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893-1894, dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Cầu làm theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu Mống được tháo dỡ hoàn toàn, sau khi công trình này hoàn tất thì cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật.
(Theo Wikipedia)
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét