Bộ quy tắc COC sẽ do Trung Quốc sắp đặt ?
RFI - Thanh Phương
Bản đổ Biển Đông.DR
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, hôm qua, 30/03/2017, các giới chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc vừa đưa ra dự thảo khung đầu tiên cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong một cuộc họp ở Seam Reap, Cam Bốt.
Toàn bộ các nước thành viên của ASEAN và Trung Quốc sẽ đem bản dự thảo khung đó về để nghiên cứu, sau đó các quan chức cao cấp sẽ tiếp tục thảo luận tại một cuộc họp vào tháng 5 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung của bản dự thảo COC hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Sau nhiều năm tìm mọi cách để trì hoãn, vào năm ngoái, Trung Quốc đột nhiên tỏ ý muốn hoàn tất các cuộc thương thuyết về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ngay trong sáu tháng đầu năm nay, nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Bắc Kinh với ASEAN do tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này.
Bộ quy tắc COC sẽ là một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý, để thay thế cho bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, mà ASEAN đã ký với Trung Quốc từ năm 2002, nhưng không mang tính ràng buộc pháp lý.
Trang mạng của tờ nhật báo đứng hàng thứ hai của Singapore, tờ Today, hôm nay, 31/03, có đăng một bài nhận định về bộ quy tắc COC. Tác giả bài viết là tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
Việc Trung Quốc đột nhiên muốn hoàn tất việc soạn thảo bản dự thảo COC trước cuối tháng 6 năm nay đã khiến các nước ASEAN rất hào hứng. Nhưng cái mà Trung Quốc gọi là « dự thảo » thật ra chỉ mới là một khung sườn của thỏa thuận, có thể được trình bày trong vòng chưa tới 60 phút. Phía Trung Quốc hiện chưa cho biết là họ sẽ bổ sung cho khung sườn đó như thế nào để bộ quy tắc COC thật sự có thực chất. Hiện có ít nhất năm câu hỏi chưa có lời giải đáp :
COC sẽ được áp dụng cho những khu vực nào ?
Đây chính là câu hỏi đã từng khiến các quan chức ASEAN và Trung Quốc « nhức đầu » ngay từ những năm 2001-2002, khi họ bắt đầu bàn về việc soạn thảo COC. Việt Nam đã muốn là phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc ứng xử này phải bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, nhưng Bắc Kinh cho rằng quần đảo này không còn là nơi tranh chấp chủ quyền nữa, kể từ khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 01/1974.
Lúc đó hai bên đã tạm thời giải quyết bất đồng nói trên thông qua bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, vì bản tuyên bố này không xác định rõ phạm vi địa lý áp dụng.
Nay vấn đề phạm vi áp dụng lại nổi lên như là một vấn đề nan giải trong cuộc đàm phán về COC. Không phải nơi nào ở Biển Đông cũng cần bộ quy tắc ứng xử. Những quốc gia ven biển được phép làm gì và không được phép làm gì trong phạm vị 12 hải lý và trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS )? Cũng không cần những điều luật gì mới cho các vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Phạm vị áp dụng của COC lại càng bị thu hẹp vì các nước tranh chấp nay thỏa thuận với nhau là các tranh chấp song phương có thể được giải quyết bởi hai bên có liên quan trực tiếp. Chẳng hạn như Hoàng Sa là quần đảo chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, hay bãi cạn Scarborough chỉ là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc với Philipoines. Cho nên hai nơi này không cần có COC. Bộ quy tắc này có thể sẽ chỉ được áp dụng cho những khu vực và những thực thể nằm chồng lấn lên các vùng có hơn hai bên đòi chủ quyền.
Quy chế của COC sẽ như thế nào ?
Từ lâu ASEAN vẫn muốn là bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải là một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý quốc tế. Điều này có nghĩa là sau khi ký COC, 10 nước ASEAN và Trung Quốc phải phê chuẩn văn bản này. Sau khi có hiệu lực, bộ quy tắc COC còn phải được đăng ký tại Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc. Tiến trình này sẽ kéo dài bao lâu, chưa ai biết được. Hiện giờ, ASEAN thậm chí chưa biết là Trung Quốc có thật sự muốn một bộ quy tắc COC mang tính ràng buộc pháp lý hay không.
Nếu Bắc Kinh thật sự chấp nhận COC mang tính ràng buộc pháp lý, thì họ sẽ đòi có những điều kiện gì và những ngoại lệ nào cho bộ quy tắc ứng xử này ? Nên nhớ rằng khi thông qua Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc đã đưa vào đó những ngoại lệ, chẳng hạn như không chấp nhận những điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp về ranh giới lãnh hải và các hoạt động quân sự, v.v…
COC có các điều khoản dành cho các nước khác ?
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn dứt khoát không chấp nhận cho các nước ngoài Biển Đông, nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản, can thiệp vào tranh chấp này. Để cho các nước « bên ngoài » tham gia vào COC chẳng khác gì công nhân những lợi ích chính đáng của các nước khác về hòa bình và an ninh tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
COC sẽ có những nội dung nào ?
Cả hai bên đều đồng ý là COC phải được soạn thảo dựa trên bản tuyên bố DOC, nhưng không thay thế hoàn toàn DOC. Nếu như thế thì COC phải được xây dựng làm sao để có thể giải quyết những vấn đề mới, chẳng hạn như vấn đề quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp. Liệu ASEAN và Trung Quốc có sẽ đồng ý phi quân sự hóa toàn bộ các khu vực và thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông ? Nếu được như thế quả là không uổng công của ASEAN từ gần hai thập niên.
Thế nhưng, xác định thế nào là việc quân sự hóa nguy hiểm và không thể chấp nhận được không phải là điều dễ dàng. Trung Quốc có đầy lý lẽ để biện minh cho việc xây các phi đạo cho máy bay quân sự và triển khai các vũ khí hiện đại trên các đảo nhân tạo. Đối với Bắc Kinh, đó không phải là một « vấn đề ». Theo quan điểm của Trung Quốc, « vấn đề » thật sự ở Biển Đông, đó là việc Hoa Kỳ tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải đến sát các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ.
Về phần ASEAN thì chắc là sẽ vẫn muốn đưa vào COC cam kết về việc không sử dụng vũ lực, giống như trong COC. Thật ra thì vào năm 2003, Trung Quốc đã gia nhập Hiệp ước An ninh và Hợp tác ở Đông Nam Á, mà hiệp ước này bao gồm các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình. Việc Bắc Kinh gia nhập hiệp ước có thể cho thấy là họ không thật sự xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương, tức là có thể họ sẳn sàng cam kết không dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình.
Một vấn đề mới khác có thể được đưa vào COC, đó là cùng phát triển các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Làm thế nào để buộc các bên thi hành COC ?
Rất có thể là mọi quyết định trong khuôn khổ bộ quy tắc COC sẽ được đưa ra dựa trên đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phía Trung Quốc phải hợp tác để bảo đảm cho COC được tuân thủ bộ quy tắc. Nhưng nếu Bắc Kinh vi phạm thì ASEAN có thể làm được gì ?
Về phần Hoa Kỳ thì chắc là họ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông gần sát đảo tranh chấp, vì đối với họ, đó là vấn đề lợi ích cốt lõi. Như vậy là COC sẽ không giúp chấm dứt đối đầu Mỹ - Trung ở vùng biển này.
Tác giả bài viết cũng cảnh báo các nước Đông Nam Á rằng, dù có COC hay không, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục làm mọi cách để củng cố vị thế chiến lược của họ ở Biển Đông đối với Hoa Kỳ. Khi nào Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Mỹ để trở thành đối tác hữu hảo, họ sẽ chẳng cần đến COC, lẫn tình hữu nghị với ASEAN.
--------------
--------------
Biển Đông: ASEAN và Trung Quốc bàn về COC ở Cam Bốt
Đại diện của Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN gặp nhau tại Siem Reap (Cam Bốt) để bắt đầu bàn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt, ông Chum Sounry, cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra trong hai ngày 29 và 30/03/2017.
Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc, hoan nghênh phán quyết của tòa. Dù vẫn còn bất đồng, Bắc Kinh luôn tỏ ra quan tâm đến việc đúc kết một bản quy tắc ứng xử với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Cam Bốt thường phản đối mọi ý định của ASEAN dựa trên sự đồng thuận, để tố cáo các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, đồng thời thường xuyên ngăn cản các nước thành viên thảo luận các tranh chấp với tư cách là một khối thống nhất.
Phnom Penh Post đã không liên lạc được với các thành viên tham gia cuộc họp để yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, vai trò nước chủ nhà của Cam Bốt nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ phía chuyên gia. Theo ông Pou Sovachana, trợ lý giám đốc Viện Hợp Tác và Hòa Bình Cam Bốt (CICP), được Phnom Penh Post trích dẫn, cuộc họp cấp cao tại Siem Reap có thể giúp Cam Bốt cải thiện danh tiếng đối với các thành viên còn lại của ASEAN, thay vì luôn bị coi là « nước luôn ủng hộ Trung Quốc ».
Tuy nhiên, ông Paul Chambers, thuộc đại học Naresuan Thái Lan, nhận định « Cam Bốt đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán lần này, nhưng đối với Trung Quốc, để làm suy yếu mọi sự phản đối của ASEAN trước hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông ».
Còn ông Sophea Hok, một quan chức của bộ Thông Tin, khẳng định Cam Bốt « chỉ là nước chủ nhà » và cho rằng Trung Quốc và Singapore mới là những nước chủ chốt.
Nhận xét
Đăng nhận xét