Tin Biển Đông – 31/03/2017
Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa để hù dọa Việt Nam ?
Chuyên gia Pháp Henri Kenhmann, trên trang blog East Pendulum, ngày 29/03/2017 có bài phân tích một sự kiện hầu như không ai chú ý : Quân đội Trung Quốc vừa công bố hình ảnh về một cuộc tập trận quy tụ nhiều tàu thuyền đổ bộ của Hạm Đội Nam Hải, diễn ra ở một vùng biển không được chính thức nêu tên. Tác giả bài viết đã phân tích một số yếu tố để kết luận rằng Hải Quân Trung Quốc đã thao diễn từ ngày 26 đến 27/03, gần quần đảo Hoàng Sa. Khu vực đổ bộ nằm cách bờ biển Việt Nam độ 300 km. Mục tiêu có thể là nhằm hù dọa Việt Nam.
Trên những hình ảnh được đăng tải, có thể thấy 2 chiếc tàu đổ bộ loại 071, trọng tải hơn 20 000 tấn (trên hình là chiếc Côn Luân Sơn, ký hiệu 998 và Tỉnh Cương Sơn, ký hiệu 999), 3 chiến thuyền đổ bộ chạy trên đệm hơi loại 726/726A, hai trực thăng chuyển vận trên biển Z-8J, cùng tiến theo đội hình về một hòn đảo.
Ngược lại với những cuộc tập trận khác cùng loại của Hải Quân Trung Quốc, cuộc thao diễn nói trên không huy động thiết vận xa lội nước, chỉ có thủy quân lục chiến tham gia đi trên các chiến thuyền đổ bộ chạy trên đệm hơi.
Trên hình ảnh thì các chiếc tàu đổ bộ cũng đã dùng đại bác H/PJ-26, 76mm bắn yểm trợ trên biển vào ban đêm. Điều này cho thấy là Hải Quân Trung Quốc cũng đã diễn tập đổ bộ ban đêm.
Nhưng nơi chính xác diễn ra bài tập thì không được nêu rõ, bản tin chỉ chính thức nêu lên thời điểm “cuối tháng”. Nhưng nếu căn cứ vào hai thông tri gởi cho phi hành đoàn các phi cơ bay ngang khu vực, NOTAM A0630/17 và A0634/17, thì ta có thể hiểu là cuộc tập trận của Hải Quân Trung Quốc tập trung chung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Vùng ở phía đông, gần đảo Phú Lâm, ở Hoàng Sa, cấm bay cho đến độ cao 15.000 mét, từ 19g đến 22g, giờ Bắc Kinh, ngày 25/03. Thời gian này phù hợp với hình chụp tập trận ban đêm được công bố.
Bài tập đổ bộ có lẽ cũng diễn ra vào ngày 27/03, ở vùng khác, phía tây, từ 15g đến 18g. Thủy quân lục chiến đã đổ bộ lên đảo Quang Ảnh (Money Island), một đảo nhỏ cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 km.
Điểm đáng lưu ý là thời gian và địa điểm mà Hải Quân Trung Quốc chọn để tổ chức tập trận đổ bộ đã làm dấy lên thắc mắc : không những nó diễn ra ở Hoàng Sa, một quần đảo bị rơi vào tay Trung Quốc sau trận hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tháng Giêng năm 1974, mà lại được tiến hành 10 ngày sau cuộc gặp ở Bắc Kinh giữa quan chức cao cấp Quân Đội Trung Quốc và tư lệnh Hải Quân Việt Nam.
Hải Quân hai bên đã bàn về vấn đề hợp tác song phương, như tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ chẳng hạn. Tư lệnh Hải quân Việt Nam, chuẩn đô đốc Phạm Hoài Nam, đã nói với đồng nhiệm Trung Quốc là Việt Nam xem trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.
Theo ghi nhận của East Pendulum, cuộc tập trận đổ bộ mới này của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa, hoặc là đã được dự kiến từ lâu, điều rất có thể, hoặc đã được tiến hành như một phản ứng tức thời sau cuộc gặp cấp cao Việt Trung nói trên, và điều đó có nghĩa là cuộc họp có thể đã không diễn ra một cách tốt đẹp.
Có lẽ cũng phải gắn cuộc tập trận với sự kiện tàu dọ thám Mỹ, chiếc T-AGOS 21 Effective, đã quanh quẩn trong nhiều ngày gần một căn cứ tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Hải Nam, từ hôm 20/03. Căn cứ này là nơi xuất phát của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc lớp 091V, đi tuần tra răn đe hạt nhân ở Thái Bình Dương, mà mục tiêu nhắm tới là Hoa Kỳ.
Trung Quốc muốn khảo sát đá ngầm ở Philippines
Chính phủ Philippines cho biết Trung Quốc muốn thực hiện những cuộc khảo sát khoa học ở dải đá ngầm Benham Rise, nhưng yêu cầu này không được Manila chấp thuận, đặt điều kiện phải có những nhà khoa học Phi tham gia.
Tin này mới được quyền ngoại trưởng Phi, ông Enrique Manalo, tiết lộ với đài truyền hình ABS-CBN.
Ông Manalo cũng cho hay là chuyện chưa giải quyết xong vì Bắc Kinh không đồng ý cho các nhà khoa học Phi tham gia.
Quyền Ngoại Trưởng Phi cũng xác nhận tin từ tháng Bảy cho tới tháng Mười Hai năm ngoái, tuần duyên Phi thấy tầu của Trung Quốc lảng vảng ở dải đá ngầm Benham Rise. Ông Manalo nói thêm là Manila đã gửi công hàm phản đối đến Bắc Kinh.
Vào năm 2012, Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng Benham Rise là lãnh hải không tranh cãi của Philippines.
Dù quyết định được Liên Hiệp Quốc đưa ra, nhưng phía Trung Quốc nhất định nói rằng tầu thuyền của họ được quyền đi lại tự do ở các vùng biển quốc tế.
Kyodo: ASEAN, TQ
ra bản thảo khung pháp lý đầu tiên về an ninh Biển Đông
Các quan chức cao cấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc hôm thứ Năm đã đưa ra bản dự thảo đầu tiên của một khung pháp lý về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, theo các nguồn tin ngoại giao ASEAN nói với hãng tin Kyodo.
Campuchia sẽ chủ trì cuộc họp lần thứ 20 giữa ASEAN-Trung Quốc nhằm thúc đẩy thảo luận thêm về Tuyên bố Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) từ đó có thể dẫn đến việc hoàn thiện khuôn khổ Bộ Quy tắc Ứng Xử (COC).
Kyodo cho biết nội dung của bản dự thảo, vốn được bàn luận trong cuộc họp kéo dài nguyên ngày ở Siem Reap, Campuchia, không được công bố.
Bộ Quy tắc ứng xử sẽ mang lại sức mạnh ràng buộc pháp lý cho Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, được ký kết bởi Trung Quốc và ASEAN năm 2002, trong đó cấm sử dụng vũ lực ở Biển Đông.
Kyodo trích dẫn các nguồn tin ASEAN cho biết trong cuộc họp hôm thứ Năm, Trung Quốc đã đi đầu trong việc trình bày bản phác thảo của riêng mình, tạo nên trãnh cãi nảy lửa từ phía Philippines, Việt Nam và Singapore.
Philippines và Việt Nam, hai nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, bất đồng về một số phần trong nội dung này, theo các nguồn tin.
Bộ quy tắc COC sẽ do Trung Quốc sắp đặt ?
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, hôm qua, 30/03/2017, các giới chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc vừa đưa ra dự thảo khung đầu tiên cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong một cuộc họp ở Seam Reap, Cam Bốt.
Toàn bộ các nước thành viên của ASEAN và Trung Quốc sẽ đem bản dự thảo khung đó về để nghiên cứu, sau đó các quan chức cao cấp sẽ tiếp tục thảo luận tại một cuộc họp vào tháng 5 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung của bản dự thảo COC hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Sau nhiều năm tìm mọi cách để trì hoãn, vào năm ngoái, Trung Quốc đột nhiên tỏ ý muốn hoàn tất các cuộc thương thuyết về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông ngay trong sáu tháng đầu năm nay, nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Bắc Kinh với ASEAN do tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này.
Bộ quy tắc COC sẽ là một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý, để thay thế cho bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, mà ASEAN đã ký với Trung Quốc từ năm 2002, nhưng không mang tính ràng buộc pháp lý.
Trang mạng của tờ nhật báo đứng hàng thứ hai của Singapore, tờ Today, hôm nay, 31/03, có đăng một bài nhận định về bộ quy tắc COC. Tác giả bài viết là tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
Việc Trung Quốc đột nhiên muốn hoàn tất việc soạn thảo bản dự thảo COC trước cuối tháng 6 năm nay đã khiến các nước ASEAN rất hào hứng. Nhưng cái mà Trung Quốc gọi là « dự thảo » thật ra chỉ mới là một khung sườn của thỏa thuận, có thể được trình bày trong vòng chưa tới 60 phút. Phía Trung Quốc hiện chưa cho biết là họ sẽ bổ sung cho khung sườn đó như thế nào để bộ quy tắc COC thật sự có thực chất. Hiện có ít nhất năm câu hỏi chưa có lời giải đáp :
COC sẽ được áp dụng cho những khu vực nào ?
Đây chính là câu hỏi đã từng khiến các quan chức ASEAN và Trung Quốc « nhức đầu » ngay từ những năm 2001-2002, khi họ bắt đầu bàn về việc soạn thảo COC. Việt Nam đã muốn là phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc ứng xử này phải bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, nhưng Bắc Kinh cho rằng quần đảo này không còn là nơi tranh chấp chủ quyền nữa, kể từ khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 01/1974.
Lúc đó hai bên đã tạm thời giải quyết bất đồng nói trên thông qua bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, vì bản tuyên bố này không xác định rõ phạm vi địa lý áp dụng.
Nay vấn đề phạm vi áp dụng lại nổi lên như là một vấn đề nan giải trong cuộc đàm phán về COC. Không phải nơi nào ở Biển Đông cũng cần bộ quy tắc ứng xử. Những quốc gia ven biển được phép làm gì và không được phép làm gì trong phạm vị 12 hải lý và trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo quy định của luật pháp quốc tế hiện hành, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ( UNCLOS )? Cũng không cần những điều luật gì mới cho các vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Phạm vị áp dụng của COC lại càng bị thu hẹp vì các nước tranh chấp nay thỏa thuận với nhau là các tranh chấp song phương có thể được giải quyết bởi hai bên có liên quan trực tiếp. Chẳng hạn như Hoàng Sa là quần đảo chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc, hay bãi cạn Scarborough chỉ là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc với Philipoines. Cho nên hai nơi này không cần có COC. Bộ quy tắc này có thể sẽ chỉ được áp dụng cho những khu vực và những thực thể nằm chồng lấn lên các vùng có hơn hai bên đòi chủ quyền.
Quy chế của COC sẽ như thế nào ?
Từ lâu ASEAN vẫn muốn là bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông phải là một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý quốc tế. Điều này có nghĩa là sau khi ký COC, 10 nước ASEAN và Trung Quốc phải phê chuẩn văn bản này. Sau khi có hiệu lực, bộ quy tắc COC còn phải được đăng ký tại Ban Thư ký Liên Hiệp Quốc. Tiến trình này sẽ kéo dài bao lâu, chưa ai biết được. Hiện giờ, ASEAN thậm chí chưa biết là Trung Quốc có thật sự muốn một bộ quy tắc COC mang tính ràng buộc pháp lý hay không.
Nếu Bắc Kinh thật sự chấp nhận COC mang tính ràng buộc pháp lý, thì họ sẽ đòi có những điều kiện gì và những ngoại lệ nào cho bộ quy tắc ứng xử này ? Nên nhớ rằng khi thông qua Công ước LHQ về Luật Biển, Trung Quốc đã đưa vào đó những ngoại lệ, chẳng hạn như không chấp nhận những điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp về ranh giới lãnh hải và các hoạt động quân sự, v.v…
COC có các điều khoản dành cho các nước khác ?
Cho tới nay, Trung Quốc vẫn dứt khoát không chấp nhận cho các nước ngoài Biển Đông, nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản, can thiệp vào tranh chấp này. Để cho các nước « bên ngoài » tham gia vào COC chẳng khác gì công nhân những lợi ích chính đáng của các nước khác về hòa bình và an ninh tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
COC sẽ có những nội dung nào ?
Cả hai bên đều đồng ý là COC phải được soạn thảo dựa trên bản tuyên bố DOC, nhưng không thay thế hoàn toàn DOC. Nếu như thế thì COC phải được xây dựng làm sao để có thể giải quyết những vấn đề mới, chẳng hạn như vấn đề quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp. Liệu ASEAN và Trung Quốc có sẽ đồng ý phi quân sự hóa toàn bộ các khu vực và thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông ? Nếu được như thế quả là không uổng công của ASEAN từ gần hai thập niên.
Thế nhưng, xác định thế nào là việc quân sự hóa nguy hiểm và không thể chấp nhận được không phải là điều dễ dàng. Trung Quốc có đầy lý lẽ để biện minh cho việc xây các phi đạo cho máy bay quân sự và triển khai các vũ khí hiện đại trên các đảo nhân tạo. Đối với Bắc Kinh, đó không phải là một « vấn đề ». Theo quan điểm của Trung Quốc, « vấn đề » thật sự ở Biển Đông, đó là việc Hoa Kỳ tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải đến sát các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ.
Về phần ASEAN thì chắc là sẽ vẫn muốn đưa vào COC cam kết về việc không sử dụng vũ lực, giống như trong COC. Thật ra thì vào năm 2003, Trung Quốc đã gia nhập Hiệp ước An ninh và Hợp tác ở Đông Nam Á, mà hiệp ước này bao gồm các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình. Việc Bắc Kinh gia nhập hiệp ước có thể cho thấy là họ không thật sự xem Biển Đông là lợi ích cốt lõi ngang tầm với Đài Loan, Tây Tạng hay Tân Cương, tức là có thể họ sẳn sàng cam kết không dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình.
Một vấn đề mới khác có thể được đưa vào COC, đó là cùng phát triển các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Làm thế nào để buộc các bên thi hành COC ?
Rất có thể là mọi quyết định trong khuôn khổ bộ quy tắc COC sẽ được đưa ra dựa trên đồng thuận giữa ASEAN và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là phía Trung Quốc phải hợp tác để bảo đảm cho COC được tuân thủ bộ quy tắc. Nhưng nếu Bắc Kinh vi phạm thì ASEAN có thể làm được gì ?
Về phần Hoa Kỳ thì chắc là họ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông gần sát đảo tranh chấp, vì đối với họ, đó là vấn đề lợi ích cốt lõi. Như vậy là COC sẽ không giúp chấm dứt đối đầu Mỹ – Trung ở vùng biển này.
Tác giả bài viết cũng cảnh báo các nước Đông Nam Á rằng, dù có COC hay không, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục làm mọi cách để củng cố vị thế chiến lược của họ ở Biển Đông đối với Hoa Kỳ. Khi nào Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Mỹ để trở thành đối tác hữu hảo, họ sẽ chẳng cần đến COC, lẫn tình hữu nghị với ASEAN.
Nhận xét
Đăng nhận xét