Tin Việt Nam – 31/03/2017
Thực phẩm bẩn chạm ngưỡng báo động đỏ
Tình trạng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến, an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động – giới hạn đỏ. Đó là thông tin được các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Bản báo cáo cũng nêu rõ số cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong 5 năm qua là hơn 670 ngàn , chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Báo cáo nhận định đây là con số vi phạm rất cao song vẫn chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về an toàn thực phẩm trong thực tế.
Bộ Y tế cũng ra báo cáo cho biết đến nay đã có hơn 100 ngàn cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong lĩnh vực Bộ này quản lý. Tuy nhiên, số hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ lên đến 8,6 triệu, và số hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ lại lên đến 500.000.
Kết quả giám sát cũng cho thấy hiện chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, thủ công. Ngoài ra, biện pháp và công cụ quản lý còn hạn chế; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện.
Đoàn giám sát được thành lập theo Nghị quyết số 19 của Quốc hội và đã làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 8 loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Hàng ngàn cơ sở y tế xả thải thẳng ra môi trường
Gần một nửa các cơ sở y tế trên cả nước Việt Nam chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo an toàn vệ sinh. Kết luận này do bà Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y Tế đưa ra hôm 30 tháng 3, tại cuộc Hội thảo góp ý về cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế.
Theo bà Hương, trong số hơn 13 ngàn cơ sở y tế, có khoảng 5.200 cơ sở ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Do đó, mỗi ngày, một lượng lớn nước thải y tế được xả thẳng ra môi trường.
Nguyên nhân được bà Hương lý giải là do thiếu kinh phí hoặc các lãnh đạo chưa có sự quan tâm đến vấn đề này. Thêm vào đó năng lực quản lý vận hành của bệnh viện còn yếu kém.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết đầu tư cho chất thải y tế cần một kinh phí rất lớn, nhưng nguồn lực đầu tư và sự quan tâm dành cho vấn đề này chưa được như mong muốn.
Nước thải bệnh viện được các chuyên gia y tế đánh giá là nơi chứa đựng nhiều khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm. Một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam cũng là hậu quả từ nước thải y tế.
Để đạt được mục tiêu 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu trong năm 2020, Bộ Y tế đã xin cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế. Theo đó, các bệnh viện công lập được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức, chi phí do bệnh viện chi trả và được tính và giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Samsung Galaxy ‘làm kinh tế VN chững lại’?
Chỉ số công nghiệp quý I năm nay tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, và là mức thấp nhất so với các năm trước.
Một trong những lý do quan trọng là bởi hoạt động sản xuất hàng điện tử của Samsung tại Việt Nam giảm mạnh, gần 38%, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê Hà Quang Tuyến được truyền thông trong nước dẫn lời.
Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,1%, cũng là mức thấp nhất trong thời gian ba năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,7% mà nhà nước đặt ra cho năm nay.
Với hoạt động của các nhà máy lớn đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, tập đoàn điện tử khổng lồ của Hàn Quốc xuất đi từ Việt Nam 30% tổng sản lượng điện thoại thông minh của hãng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, những lỗi cháy nổ của thiết bị Galaxy 7 hồi năm ngoái khiến hãng thiệt hại nặng, phải thu hồi và tạm ngưng sản xuất một thời gian.
Hồi tháng 10/2016, báo Daily Mail của Anh có phóng sự đặc biệt về quy mô đầu tư của Samsung tại Việt Nam, theo đó nói hãng đã đầu tư hơn 12 tỷ bảng hồi 8 năm trước, tuyển dụng khoảng 130 ngàn nhân công trực tiếp và tạo công việc làm gián tiếp cho khoảng 270 ngàn lao động khác.
Báo này nói trong năm 2015, riêng nhà máy Bắc Ninh đã xuất xưởng 100 triệu sản phẩm, tương đương 10,4 tỷ bảng doanh thu và chiếm 11% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, dầu khí và than cũng là những mặt hàng khiến ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển chậm lại, do chính phủ muốn chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng dựa vào các ngành sản xuất kinh doanh, thay vì dựa vào khai thác tài nguyên như trước, theo VietnamPlus.
Mới đây, Nikkei Asia Review viết rằng các mặt hàng điện thoại di động của Samsung chiếm tới gần 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, và nhận định rằng Việt Nam đang muốn mở rộng các hoạt động xuất khẩu để đối phó với tình trạng sản xuất chững lại của Samsung.
Mức tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm khoảng 70% tổng GDP, vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh, 7,48%, trong đó đáng chú ý là nhờ vào việc tầng lớp trung lưu có nhiều ảnh hưởng vẫn tiếp tục bỏ tiền vào đầu tư bất động sản và các mặt hàng như xe cộ.
Tuy nhiên, việc tăng giá điện, giá vé máy bay và tiền học phí cho con cái đang khiến nhiều người quan ngại và có thể sẽ gây ảnh hưởng tới mức chi tiêu.
Việt Nam từng kỳ vọng nhiều vào việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này đã trở nên xa vời sau khi Mỹ, một đối tác quan trọng dưới thời Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp định.
Nay, Hà Nội đang muốn quay sang tăng việc xuất khẩu các mặt hàng như đồ may mặc và các sản phẩm nông nghiệp ra các thị trường khác, đặc biệt là Liên hiệp Âu châu, một đối tác mà Việt Nam đang hy vọng sẽ sớm chuẩn thuận Hiệp định Tự do Thương mại hai bên đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng.
Việt Nam và Hoa Kỳ họp bàn TIFA
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa thảo luận Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng 3.
Theo Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cuộc họp lần này thảo luận về làm thế nào để củng cố và đào sâu hơn quan hệ thương mại giữa hai nước, giải quyết các vấn đề thương mại song phương còn tồn tại theo khuôn khổ Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) song phương.
Hoa Kỳ coi cuộc gặp này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của Chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Hoa Kỳ coi cuộc gặp này như một cơ hội để tái khẳng định cam kết của Chính phủ Trump sẽ mở rộng quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam
Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam nhanh chóng giải quyết các vấn đề song phương, gồm các vấn đề liên quan đến nông nghiệp và an toàn thực phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại số, dịch vụ tài chính, hải quan, hàng công nghiệp, minh bạch và quản trị tốt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Phía Việt Nam cập nhật cho đoàn Hoa Kỳ kế hoạch thực hiện cải cách lao động. Hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại về những vấn đề này và khởi động các nhóm công tác tập trung giải quyết các vấn đề song phương, bắt đầu với các nhóm đặc trách về nông nghiệp và an toàn thực phẩm, hàng công nghiệp, các vấn đề về sở hữu trí tuệ và thương mại số.
Ngoài ra, đoàn Mỹ Hoa Kỳ và Việt Nam còn thảo luận cách thức hợp tác để thúc đẩy lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ Mỹ-ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh hoan nghênh việc nối lại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ TIFA và các nỗ lực nhằm làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ thương mại song phương.
Phái đoàn Mỹ do bà Barbara Weisel, Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á– Thái Bình Dương, dẫn đầu. Ngoài ra, còn có các quan chức khác của cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Bộ Lao động Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.
Ngoài Bộ Công Thương, đoàn Việt Nam còn có các cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Môi trường và Tài nguyên, Tài
chính, Ngoại giao, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cuộc họp TIFA lần này là cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2011. Năm 2016, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ với thương mại hàng hoá hai chiều đạt 52,3 tỷ USD. Năm 2016, Việt Nam là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD. Thương mại dịch vụ của Hoa Kỳ với Việt Nam ước đạt 3,1 tỷ USD vào năm 2015.
Chính quyền hứa thanh tra nhà máy giấy Lee & Man
Công tác cải tạo, khắc phục và sửa chữa tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang sẽ được kiểm tra vào đầu tuần sau. Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ra thông báo vừa nêu.
Thông báo được đưa ra sau khi truyền thông loan tin nhiều người dân sống gần khu vực Nhà máy giấy Lee & Man phải gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn kể từ khi nhà máy này bắt đầu chạy thử vào đầu tháng 3 vừa qua.
Trước đó, vào tháng 7 năm 2016, Bộ Tài nguyên- Môi trường từng tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp Lee & Man sau khi có nhiều lo ngại rằng nhà máy này sẽ bức tử sông Hậu, vì sau khi hoạt động sẽ xả khoảng 28.500 tấn xút ra sông.
Nhà máy Lee & Man thuộc tập đoàn Lee&Man Paper Hong Kong – Trung Quốc, đặt tại công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang, với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỉ USD, được xem là có qui mô lớn nhất Việt Nam, và là 1 trong 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới.
Sau khi cơ quan chức năng Việt Nam chuẩn thuận cho triển khai dự án vừa nêu, các nhà bảo vệ môi trường cùng các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm của nhà máy này cho vùng sông nước Cửu Long.
Đây là vùng sản xuất lúa gạo, trái cây chính của Việt Nam, thế nhưng hiện nay tình trạng thiếu nước, xâm ngập mặn và thêm ô nhiễm khiến ngành này bị tác động nặng nề.
Nạn nhân Formosa trong tình cảnh ngặt nghèo
Gia Minh, RFA
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh xả hóa chất ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt gây tác động nặng nề đến cuộc sống người dân sống ven biển các tỉnh miền Trung.
Sau cả năm chịu tác động, đến nay cuộc sống của họ ra sao?
Một người dân tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều 30 tháng 3 cho Gia Minh biết về tình cảnh hiện nay của họ. Trước hết ông này thông tin về hành xử của chính quyền đối với người dân ra xã biểu tỉnh từ ngày 28 tháng 3:
Ba ngày vừa rồi thì trước hết có dân quân của xã cũng như công an xã đàn áp dân. Sau khi được tin như vậy bà con vào nhiều hơn, gây áp lực thì họ lẩn trốn. Dân chúng bây giờ rất phẫn nộ đợi Ủy ban nhân dân xã ra để hỏi. Và bây giờ họ lẩn trốn không ra gặp dân.
Bây giờ cuộc sống của người dân coi như là đói hẳn rồi. Giờ lấy gì mà ăn?
- Người dân Thạch Bằng
Gia Minh: Lâu nay báo Nghệ an, báo Hà Tĩnh, Đài truyền hình Trung ương cho rằng người dân bị các linh mục ở Vinh kích động để đi biểu tình. Là người đang đòi hỏi quyền lợi thì ông thấy điều mà báo chí và truyền hình nhà nước nói ra sao?
Người dân Thạch Bằng: Thưa anh, hiện nay truyền hình nhà nước bảo vệ chính quyền chứ không bảo vệ cho người dân cho nên bây giờ nói sai lệch thông tin tất cả. Mong toàn thế giới hiểu cho rằng thông tin của nhà nước sai lệch, bóp méo sự thật.
Gia Minh: Suốt cả năm nay không có công ăn việc làm, không có kế mưu sinh thì làm sao mà sống được? Và mọi người có cách nào để mà tồn tại trong thời gian qua?
Người dân Thạch Bằng: Hiện nay người dân không có việc làm. Biển cả đi đánh bắt về không ai mua để ăn vì cũng sợ cho nên mất việc hoàn toàn, thất nghiệp. Nói chung, người đi biển cũng như người buôn bán tại chợ đi các tỉnh thì hiện nay đang bị thất nghiệp. Thời gian vừa qua có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Bây giờ người dân trông chờ ở biển, trông chờ đi chợ, buôn bán… Các ngành nghề bị ‘dập tắt’ tất cả nên có nguy cơ dẫn đến tình trạng chết đói.
Trong xã Thạch Bằng, hiện nay người đông mà đất thì chật. Nếu mà chuyển đổi ngành nghề thì không có vì đất chật mà người thì đông.Vốn thì nhà nước nói cho vay nhưng cũng không có cho vay để phát triển các nghề nghiệp khác. Dân chúng tôi, riêng ở đây không có ngành nghề nào khác ngoài đi biển và buôn bán. Và bây giờ trông chờ ở biển bình yên và biển phải sạch thì mưu sinh của chúng tôi mới có được, cuộc sống mới bình yên.
Nghề nghiệp hiện nay đã là thất thu hoàn toàn. Bây giờ giới trẻ một số đã đi Thái Lan, Campuchia để kiếm việc làm.
- Người dân Thạch Bằng
Gia Minh: Thực tế lâu nay làm sao sống được khi không có gì để sống và lấy gì mà sống?
Người dân Thạch Bằng: Bây giờ cuộc sống của người dân coi như là đói hẳn rồi. Giờ lấy gì mà ăn? Mọi người vay mượn kiếm kế để đủ sống hằng ngày. Bây giờ đang đi vay mượn. Anh thì mượn em; Em thì mượn chị; Chị thì mượn bác; Bác thì mượn cô… Anh em mình ở xa quê cung cấp về để anh em mình có cuộc sống tạm qua những ngày tháng vừa rồi.Tính đến nay, không có nghề nghiệp gì nữa thì có thể là chuyển di cư vào miền Nam hoặc là đi Thái Lan hay Campuchia làm ăn chứ ở đây không thể đảm bảo cuộc sống được.
Nghề nghiệp hiện nay đã là thất thu hoàn toàn. Bây giờ giới trẻ một số đã đi Thái Lan, Campuchia để kiếm việc làm. Và hiện nay tương lai ăn học của các em cũng không còn nữa. Cha mẹ không có tiền cung cấp cho con ăn học. Nguy cơ ảnh hưởng rất lâu dài sau nầy. Một số các em trung cấp, đại học đã bỏ học. Chương trình 3 năm mà mới học có 2 năm cũng đã bỏ. Và sẽ dẫn đến thất học hoàn toàn.
Gia Minh: Ngay sau khi thảm họa xảy ra thì có một số tổ chức cứu trợ. Vậy lúc nầy ông thấy chuyện cứu trợ có còn không?
Người dân Thạch Bằng: Khi bắt đầu chịu ảnh hưởng từ tháng 4 thì đến tháng 5 thì có một số hội Chữ Thập Đỏ, Địa phận Vinh rồi một số hội Bác Ái ở các vùng Sài Gòn ra. Tháng 5, tháng 6, các nhà Tình Thương cho mỗi gia đình từ 5 kilô gạo đến 1hoặc 2 yến. Cuộc sống từ tháng 4 cho đến tháng 8 cuộc sống cũng qua ngày được nhờ sự cứu trợ của các hội Chữ Thập Đỏ, của các ân nhân, của Mái ấm tình Thương; nhất là ở địa phận Vinh cũng như của các xứ ở gần tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã cung cấp gạo cho bà con tạm ổn mấy tháng vừa qua. Bây giờ thì đã cạn kiệt cũng như địa phận Vinh cũng đã cạn kiệt, không có để mà cứu trợ cho dân.
Gia Minh: Cảm ơn ông rất nhiều về những thông tin mà ông vừa cho biết.
Việt Nam sẽ về đâu?
Hòa Ái, Phóng viên RFA
Tin tức phấn khởi trong tuần
Thông tin Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vào ngày 29 tháng 3, được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017, giải thưởng nhằm tôn vinh những phụ nữ tỏ rõ lòng can đảm và nghị lực cùng khả năng lãnh đạo trong công cuộc giúp thăng tiến cuộc sống của người khác, khiến cho cộng đồng người Việt lấy làm vinh hạnh và rất nhiều khán thính giả cùng độc giả RFA nức lòng khen ngợi sự ghi nhận của Chính phủ Hoa Kỳ về việc dấn thân của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói riêng và tất cả những phụ nữ can trường tại Việt Nam đã và đang đánh đổi cuộc sống cá nhân vì xã hội tốt đẹp hơn, nhân bản hơn và tôn trọng pháp quyền-nhân quyền-dân quyền hơn.
Thính giả Nguyễn Hoàng Nguyên chia sẻ ngay sau khi đón nhận thông tin vừa nêu rằng “Tuyệt vời! Ủng hộ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đấu tranh cho dân, cho lòng tự tôn dân tộc, không cúi đầu, chùn bước trước mọi thế lực vì chính nghĩa, vì nền dân chủ, vì tự do muôn năm!” Hòa Ái ghi nhận rất nhiều thính giả bày tỏ niềm vui mừng đến gia đình của Blogger Mẹ Nấm cũng như mong muốn qua giải thưởng đầy khích lệ này sẽ có nhiều người dũng cảm hơn nữa vì tương lai tốt đẹp của đất nước Việt Nam.
Tuyệt vời! Ủng hộ chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đấu tranh cho dân, cho lòng tự tôn dân tộc, không cúi đầu, chùn bước trước mọi thế lực vì chính nghĩa, vì nền dân chủ, vì tự do muôn năm
-Nguyễn Hoàng Nguyên
Một thông tin khác trong tuần vừa qua cũng được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, liên quan Tổ chức BPSOS ở Mỹ, một tổ chức phi vụ lợi, loan báo vừa hoàn tất danh sách 168 viên chức tại Việt Nam với đề nghị Hoa Kỳ chế tài theo Luật Magnitsky vì đã vi phạm nhân quyền. Đây là thông tin mà thính giả RFA cho là mang lại niềm phấn khởi đối với dân chúng ở trong nước vì theo họ đó là một cách hữu hiệu để giúp tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được cải thiện.
“Cũng như nhiều người, tôi rất vui mừng, nghĩ được và làm được việc đó rất là quan trọng. Chỉ có điều mọi người nghĩ xem nếu có thể được thì chủ trương của đài cho một kênh nào đó hở ra thông tin nào đó để cho bà con biết. Tâm lý của người Việt rất mong muốn vì ai cũng chán ngán Đảng Cộng sản lắm rồi. Nhìn chung mọi người đều rất vui mừng vì đã đến đoạn này rồi thì không chạy đi đâu được. Thông báo của RFA đưa tin rất là tốt, dư luận rất ủng hộ.”
Hòa Ái cũng xin được chia sẻ rằng Đài Á Châu Tự Do sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất liên quan vấn đề này vì theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, có thể một phần danh tánh của danh sách 168 viên chức được tiết lộ trong một buổi họp báo, dự kiến được tổ chức vào tháng Tư tới đây.
Thông tin gây phẫn nộ
Bên cạnh những tin tức được cho là thông tin phấn khởi, quý khán thính giả cùng độc giả RFA lên tiếng không đồng tình cách hành xử của Chính phủ Việt Nam trước thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất chuỗi căn cứ quân sự ở Trường Sa. Một số thính giả nói là không thể nào chấp nhận việc Hà Nội cứ “quan ngại” đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và cứ “hoan nghênh” đàm phán song phương trong vấn đề này. Thính giả Thanh Tran khẳng định “Tôi, một người dân Việt, phản đối cái bộ gì đó của Việt Nam chỉ biết quan ngại và phản đối. Ngoài ra chẳng biết làm điều gì khác”. Trong khi nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do lo ngại Trung Quốc đang lấy gần hết Việt Nam vì khắp từ Bắc chí Nam đều có sự hiện diện của các công ty và người Trung Quốc thì huống hồ gì Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, không ít thính giả bày tỏ sự phẫn nộ khi báo giới trong nước loan tin một tàu hàng của Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm khi đang chở hàng từ Hải Phòng đến Cần Thơ khiến 9 người mất tích.
Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:
“Tàu ngư dân đánh cá bị húc chìm. Tàu chở hàng bị đâm chìm…Lực lượng tuần tra bảo vệ bờ biển của Việt Nam đâu hết rồi?”
“Hải quân Việt Nam bận giong buồm đi thăm Trung Quốc rồi!”
“Biển Việt Nam thì gặp tàu lạ. Phố Việt Nam cũng gặp người lạ. Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng qua Trung Quốc giao hảo cũng có tên được viết bằng chữ lạ. Vậy Việt Nam còn hay đã mất đây?”
Trong tuần qua, Ban Việt ngữ cũng nhận được câu hỏi của vài vị thính giả, là những người từng vượt biển tìm sự sống trong cái chết hồi cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, rằng đã hơn 40 năm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quốc gia “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, sao người dân cứ phải ra đi. Nhiều thính giả bày tỏ nỗi xót xa cho hoàn cảnh của các gia đình ở La Gi, Bình Thuận vượt biên bị chính phủ Úc trả về và chịu cảnh tù đày nghiệt ngã. Và nhiều gia đình từng trốn chạy khỏi nước mấy mươi năm trước đây hy vọng 3 gia đình gồm 18 người đang bị bắt giữ ở Indonesia sẽ được Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp thuận quy chế tị nạn cho họ cũng như sẽ được định cư ở một nước thứ ba. Thính giả Sáu Nguyễn chia sẻ tâm tình của ông khi nghe tin 18 người này vừa được chấp nhận tư cách “người tìm quy chế tị nạn”:
“Hồi sau năm 1975, tôi là một chủ gia đình của gia đình đã liều chết để vượt biên tìm tự do. Nghe 3 gia đình có con nhỏ vượt biên tới Indonesia, thật sự lo âu nhất của tôi là không biết làm sao những đứa bé đó tiếp tục được học hành. Hôm nay, nghe tin bà ký giả người Úc và những thiện nguyện viên đã hết lòng giúp đỡ cho việc học hành của các cháu không bị gián đoạn. Đó là điều khiến tôi cảm kích vô cùng.”
Những người dân như chúng tôi, ở vùng biển bị thảm họa môi trường do Formosa gây ra, là những công dân Việt Nam chân chính. Nhưng chúng tôi đang chết dần mòn vì đói và bệnh tật trên chính mảnh đất quê hương mình
-Thính giả RFA
Để trả lời liên quan mối lo ngại của một số thính giả về lời đe dọa của trại giam sẽ trừng phạt ông Hồ Trung Lợi, chồng của bà Trần Thị Thanh Loan, một trong 3 phụ nữ vượt biên lần thứ hai trong nhóm 18 người, đang bị ở tù, không rõ bây giờ tình trạng của ông như thế nào. Hòa Ái nhận được thông tin mới nhất, ông Lợi bị ngược đãi và tra tấn trong tù. Hiện, một con mắt của ông Lợi không thấy đường.
Kết thúc chương trình hôm nay, Hòa Ái gửi đến chia sẻ của một thính giả từ trong nước gửi qua email, viết là:
“Thưa quý đài, số phận của những gia đình ở Bình Thuận vượt biên không biết về đâu? Sau thời gian ở tù, tương lai của họ sẽ ra sao? Những người Việt ở Indonesia, ở Thái Lan được chấp nhận là ‘người tìm quy chế tị nạn’ sống trong cảnh không tổ quốc đến bao giờ? Còn những người dân như chúng tôi, ở vùng biển bị thảm họa môi trường do Formosa gây ra, là những công dân Việt Nam chân chính. Nhưng chúng tôi đang chết dần mòn vì đói và bệnh tật trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Hòa Ái xin được thưa thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải có độc tố ở khu vực 4 tỉnh Bắc miền Trung vừa tròn một năm. Kính mong quý khán thính giả cùng độc giả gửi về những tâm tư của quý vị liên quan biến cố này để Hòa Ái đăng tải trong mục “Trao đổi Thư tín” trên tinh thần chia sẻ với đồng bào miền Trung. Quý vị có thể liên lạc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775, hoặc qua địa chỉ email vietweb@rfa.org và hoaai@rfa.org.
Hòa Ái cũng xin lưu ý đối với quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe chương trình phát thanh của đài qua điện thoại. Hiện Đài RFA có 2 số điện thoại để nghe các chương trình Việt ngữ của đài. Số điện thoại mới nhất là số 712-735-447. Riêng, quý vị nào sử dụng dịch vụ viễn liên của công ty T-Mobile, quý vị gọi vào số 360-398-4204.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét