DONALD TRUMP, TỔNG THỐNG MỸ BỊ NHIỀU CHỈ TRÍCH NHẤT


Hà Tường Cát/Người Việt
March 26, 2017


Có một thực tế rõ ràng là ngay từ buổi đầu Tổng Thống Donald Trump đã bị nhiều chỉ trích hơn tất cả các người tiền nhiệm từ Ronald Regan đến Barack Obama.


Một cử chỉ thường thấy của Tổng Thống Donald Trump trước công chúng. (Hình: Getty Images)

Bài viết này không nhằm tranh luận về cái đúng hay sai, nghĩa là không phụ họa hay phản bác những chỉ trích, mà chỉ đề cập về lý do của sự kiện ấy. Có thể phân tích từ nhiều bình diện, nhưng đáng chú ý nhất là hai yếu tố: (1) ông Trump làm người ta sợ (2) vô tình hay cố ý ông Trump tiếp nhiên liệu cho sự kiện đó.

Bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng có người ủng hộ và người chống đối. Căn bản của hai quan điểm ấy có thể chỉ là hoàn toàn do cảm tính chứ không phải do nhận thức. Điểm đáng chú ý là những quan điểm kiểu ấy thường mang tính cách cố định, không chấp nhận thay đổi hoặc linh động gì khác, cho nên tranh cãi giữa hai nhóm này không bao giờ đi tới kết luận. Quá trình cá nhân của ông Donald Trump cung ứng nhiều điều kiện cho cả hai phía chống đối và ủng hộ cho nên ông phải tiếp nhận nhiều chỉ trích là chuyện tự nhiên.

Làm gì khiến người ta sợ?

Trước nhất là những phát biểu khác thường của ông, như là về di dân Mexico, về người Hồi Giáo và khủng bố, và nhiều lời răn đe khác. Nhưng dần dần người ta cũng bớt sợ những gì ông nói, vì xem ra qua hai tháng ở Tòa Bạch Ốc, ông chưa thực hiện hoặc gặp trở ngại không thi hành được như ý muốn. Điển hình là vụ xây bức tường biên giới Mexico chưa có tiến triển gì cụ thể, vụ trục xuất di dân bất hợp pháp gặp sự bất hợp tác của các tiểu bang, và sắc lệnh cấm dân một số nước Hồi Giáo vào Mỹ hai lần bị tòa án chặn lại.

Gần nhất là việc dự luật y tế mới, thay thế luật ACA (Obamacare), không thông qua Hạ Viện được vì sự không đồng ý ngay chính từ một số Dân Biểu Cộng Hòa. Trước đây ông Trump đã mạnh miệng tuyên bố xóa bỏ Obamacare là việc làm ưu tiên số 1 của ông từ ngày đầu vào tòa Bạch Ốc.

Nhìn lại khẩu hiệu tranh cử của ông Trump “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” người ta thấy nó hàm chứa những nội dung mơ hồ. Bởi vì tại sao phải làm cho nước Mỹ vĩ đại “trở lại”? Sau hai trận Thế Chiến và nhất là từ sau Chiến Tranh Lạnh nước Mỹ đã là vĩ đại nhất thế giới trên tất cả các mặt quân sự, kinh tế, chính trị. Vị trí ấy chưa hề suy suyển khiến người ta đáng phải lo lắng. Khẩu hiệu ấy dường như chỉ nhắm cổ vũ sự ủng hộ của các nhóm có tinh thần kỳ thị sắc tộc, tôn giáo và chống di dân.

Nhưng còn một vấn đề quan trọng mà người ta lo ngại hơn ở Tổng Thống Trump là ông sẽ làm phương hại nền dân chủ đã tồn tại vững bền tốt đẹp qua lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ. Ông có nhiều dấu hiệu của một nhà lãnh đạo độc tài, dù rằng không dễ dàng để có thể đi đến tình trạng ấy trong hệ thống chính trị chặt chẽ của đất nước này.

Ông xâm phạm đến quyền độc lập Tư pháp, một trong ba trụ cột căn bản về nguyên tắc phân quyền của thể chế dân chủ Mỹ. Tờ Slate ngày 10 Tháng Hai cho là Tổng Thống Trump “khai chiến với lập pháp” qua việc công khai gièm pha vị thẩm phán đã phán quyết cho ngưng thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh Mỹ. Trong một tweet đánh đi, ông Trump viết: “Cái gọi là thẩm phán” James Robart đã đặt đất nước chúng ta vào hiểm họa khủng bố. Ông cũng phê phán ba thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang khu 9 là chính trị hóa ngành tư pháp khi đồng thuận y án phán quyết của thẩm phán Robart.

Một sự kiện phản dân chủ trắng trợn hơn hết là Tổng Thống Trump và các cố vấn cao cấp của ông phụ họa gọi giới truyền thông là “kẻ thù của nhân dân.” Không nhà lãnh đạo một quốc gia dân chủ nào có quan niệm như thế đối với quyền tự do ngôn luận. Ông Trump có nhược điểm về tiếp thu những sự chỉ trích, một điều kiện thiết yếu để một nhà lãnh đạo không đi lạc hướng.

Tổng Thống Trump từng nhiều lần công khai chỉ trích các phóng viên mà ông không ưa. (Hình: Getty Images)

Tiếp vũ khí cho người ta tấn công mình

Trái hẳn nguyên tắc bình thường của các ứng cử viên từ xưa đến nay là giữ quan hệ tốt với giới truyền thông, ông Donald Trump đã tìm cách gây hấn với họ ngay từ đầu cuộc tranh cử. Ông đã không hoặc rất ít tốn tiền trong cuộc tranh cử mà vẫn đạt hiệu quả cao trên mặt quảng bá, bằng cách chỉ cần nói hoặc làm những chuyện khác thường là bắt buộc truyền thông phải tường trình.

Chiến thuật của ông có lẽ là đúng nhưng quan niệm của ông về giới truyền thông không đúng. Khi bị phê phán, ông đổ lỗi cho truyền thông là thiên vị mà thực tế thì không thể nào có chuyện 90% truyền thông thiên vị cho một phía. Tiếp tục định kiến sai lầm ấy khi đã đảm nhận vai trò của nhà lãnh đạo, ông không nhận ra được những sai trái của mình để điều chỉnh thích ứng.

Vì lo sợ bị chỉ trích và tìm cách chống đỡ, Tổng Thống Donald Trump liên tiếp tạo ra thêm nhiều sự kiện khiến cho giới truyền thông với lý tưởng, nghiệp vụ cùng phương tiện của họ không thể nào không đưa ra những phê phán liên tục và mạnh mẽ nhất.

Một số người ủng hộ ông Trump, viện lời của ông và các phụ tá, có một lập luận hoàn toàn sai rằng truyền thông loan tin giả (fake news). Các cơ quan truyền thông có uy tín lâu năm như báo New York Times, Washington Post, USA Today, truyền hình CNN, NBC, CBS … cần bảo vệ giá trị của họ vì đó là nhu cầu thiết yếu để sống còn, hơn nữa phải trách nhiệm loan tin xác thực tránh sự tranh tụng pháp lý rất tổn hại.

Tổng Thống Trump cũng không hiểu hay cố tình không hiểu những nguyên tắc tự do căn bản của báo chí. Ông cho ngăn chặn hay đuổi các phóng viên tham dự một số sinh hoạt. Ông tuyên bố ở hội nghị thường niên của Tổ Chức Hành Động Chính Trị Bảo Thủ (Conservative Political Action Conference) hồi cuối Tháng Hai là sẽ cấm các phóng viên dùng những nguồn tin không tiết lộ xuất xứ. Bảo vệ bí mật về nguồn tin là một quyền hợp pháp của nhà báo.

Năm 1972, hai phóng viên Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post dẫn nguồn tin của một người với bí danh là “Deep Throat” để tường trình những bí mật của Tòa Bạch Ốc trong vụ Watergate và kết quả là Tổng Thống Richard Nixon phải tự ý từ chức trước khi có thể bị đàn hặc. Suốt hơn 30 năm sau đó, không ai biết được “Deep Throat” là ai, tới năm 2005 một luật sư của gia đình mới tiết lộ đó là một cựu phụ tá giám đốc FBI.

Tổng Thống Trump thường sử dụng Twitter để loan báo, tấn công hay phản công, mà không có lời giải thích đầy đủ hay lập luận rõ ràng. Có nhiều trường hợp chỉ là sự cãi qua cãi lại không cần thiết với một cá nhân.

Trong những trường hợp khác người ta nhận ra ông chỉ nhắm nói cho những người ủng hộ mình, theo một chiến thuật biện bác được gọi là “Whataboutism” (Thế thì làm sao?). Với mục tiêu ấy, những dữ kiện mà ông nêu lên không xác thực và trở thành đề tài để truyền thông khai thác phê phán.

Vậy thì nếu như Tổng Thống Donald Trump bị chỉ trích quá nhiều thì cũng là do tại chính ông chứ không phải vì truyền thông quá khắt khe hay vì sự đánh phá dai dẳng của những người đối lập. Mặc dù tỉ lệ dân Mỹ không chấp nhận tổng thống hiện nay lên tới 63% theo thăm dò Gallup, nhưng không phải tất cả số người này đều có điều kiện để trình bày ra ý kiến của họ.

——
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?