Bồn cầu không tốn nước, biến chất thải con người thành... điện

Thế Giới Công Nghệ
28/03/2017


Sản phẩm mới này có thể thay đổi tất cả mọi thứ ở các quốc gia đang phát triển.
Khoảng 2,3 tỉ người trên thế giới không có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh sạch, vì vậy các nhà khoa học tại Đại học Cranfield, Anh đã chế tạo một loại bồn cầu mới giá rẻ, không tốn nước và có thể biến chất thải của con người thành... năng lượng. Dự kiến, sản phẩm này sẽ được thử nghiệm tại Châu Phi vào cuối năm nay (2016).
Chiếc bồn cầu "xanh" có tên "Bồn cầu màng nano" này (tức màng lọc rất tinh vi) đã nhận được sự ủng hộ của Quỹ Bill và Melinda Gates và được nghiên cứu chế tạo trong vòng 3 năm. Nếu thử nghiệm ban đầu mang lại những kết quả khả quan, công nghệ này có thể được sử dụng ở khắp mọi nơi, từ các phương tiện quân sự cho đến những chiếc du thuyền sang trọng.
Cơ chế hoạt động cốt lõi của bồn cầu là từ một màng nano đặc biệt. Sau khi bồn cầu đóng nắp, cơ chế cuộn xoáy dưới đáy bồn cầu sẽ cuốn chất phải vào một khoang chứa cặn lắng, giúp ngăn chặn mùi hôi bốc ra ngoài. Sau đó các chất thải được lọc qua một lớp màng nano. Màng này sẽ tách và làm bốc hơi phân tử nước khỏi chất thải, đồng thời giúp ngăn ngừa các mầm bệnh và các chất rắn đi xa hơn.
Nước bốc hơi sau đó đi qua một khoang chứa đầy những "hạt hút nước tráng nano", giúp cô đặc hơi nước và để nước chảy vào khoang dự trữ phía dưới. Nguồn nước này có thể được sử dụng để lau trong nhà và tưới tiêu nông nghiệp.
Các chất thải rắn còn lại và các tác nhân gây bệnh sẽ được đưa vào một khoang thứ hai bởi vít nâng Archimedean. Bộ phận này của thiết kế vẫn đang được hoàn thiện, nhưng kế hoạch là đốt các chất thải rắn thành tro và chuyển đổi thành năng lượng. Năng lượng này sẽ được sử dụng cho quá trình lọc qua màng nano, và phần còn lại đủ để sạc điện thoại di động hoặc các thiết bị nhỏ khác.
Chất thải duy nhất từ toàn bộ quá trình là tro từ việc đốt các chất rắn. Loại tro này rất giàu dinh dưỡng và hoàn toàn không có chứa các tác nhân gây bệnh, có thể được sử dụng cho nông nghiệp. Chiếc bồn cầu có thể xử lí chất thải của một hộ gia đình lên đến 10 người.
Ngoài ra, còn một điểm rất quan trọng khác, đó là tình trạng bẩn thỉu của các nhà vệ sinh ở các quốc gia đang phát triển có thể khiến nhiều người lựa chọn giải quyết nhu cầu ngoài trời. Bồn cầu nano "xanh" có thể giải quyết vấn đề này.
"Chiếc bồn cầu màng nano có khả năng thay đổi cuộc sống của hàng triệu với sự sạch sẽ và giá cả hết sức phải chăng", một thành viên trong nhóm nghiên cứu hào hứng chia sẻ. Nhà sản xuất bồn cầu nano đang có kế hoạch để phân phối chúng thông qua một hệ thống cho thuê, giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí hơn nữa. Ghana đã được đánh giá là một địa điểm tiềm năng để thử nghiệm những chiếc bồn cầu đầu tiên.
Theo Khám Phá. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?