Tin Biển Đông – 29/03/2017

Tin Biển Đông – 29/03/2017

Trung Quốc có thể

triển khai chiến đấu cơ ở Biển Đông bất cứ lúc nào

Trung Quốc hầu như đã hoàn tất công trình xây cất cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho phép Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự khác đến những nơi nay vào bất cứ lúc nào, Reuters dẫn lời các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết hôm 27/3.
Ảnh vệ tinh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS phổ biến trong tháng này cho thấy công trình xây dựng của Bắc Kinh trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn hầu như đã hoàn tất. Giám đốc AMTI, ông Greg Poling cảnh báo “việc triển khai quân sự của Trung Quốc chỉ trong tương lai gần”.
Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giáo sư Đại học Luật ở Havard, nhận định về hoạt động mới của Trung Quốc tại Trường Sa:
“Nếu có làm gì thêm thì cũng giống như là đã làm trong quá khứ. Ông Tập Cận Bình đã hứa là không làm, nhưng lại cứ làm, đó là củng cố thêm ở Trường Sa”.
Trung Quốc luôn bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ và quốc tế rằng nước này đang “quân sự hóa” Biển Đông. Tuy nhiên vào tuần rồi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói những thiết bị mà Bắc Kinh đặt tại các đảo nằm trong khu vực tranh chấp chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền “tự do hàng hải”.
Tại cuộc họp báo hôm 28/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà chưa được biết về báo cáo của AMTI, nhưng bà nói “Đối với Trung Quốc, triển khai hay không triển khai các phương tiện phòng vệ cần thiết trên lãnh thổ của mình là một vấn đề thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.
Về phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Ngũ Giác Đài, Trung Tá Gary Ross, cũng từ chối bình luận với Reuters về báo cáo của AMTI với lý do đây không thuộc chức năng của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Tá Ross nói “việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng ở Biển Đông là một trong nhiều bằng chứng cho thấy họ tiếp tục hành động đơn phương, làm tăng căng thẳng trong khu vực và cản trở tiến trình giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.
Giáo sư Tạ Văn Tài nhận xét những phản ứng của Mỹ ở Biển Đông từ trước tới nay là khá “yếu ớt”. Cựu giáo sư Đại học Luật của Mỹ dẫn chứng: “Khi đi hành quân tự do hàng hải vòng quanh mấy đá ngầm mà Trung Quốc xây lên đó, mà lại đi ngoài 12 hải lý, tức là Mỹ phản ứng yếu ngay từ thời Obama. Đó là không đi sát vào 500, là [khu vực] có quyền đi bởi vì vùng quanh các đảo nhân tạo là hải dương quốc tế”.
Vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự kiến sẽ bàn thảo các thỏa thuận với Trung Quốc, Giáo sư Tạ Văn Tài nói: ” Tôi hy vọng ông Trump là người có khuynh hướng quyết liệt trong mọi chuyện ông làm. Trong chính sách ngoại giao, nếu ông ấy quyết liệt, cùng với những lời đã nói của Ngoại trưởng Tillerson thì là điều nên làm, phải cứng rắn trên Biển Đông”.
Trước đó trong buổi điều trần tại Thượng viện Mỹ để được chuẩn thuận chức vụ ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã tỏ thái độ phẫn nộ về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói Trung Quốc lẽ ra không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này đã xây trong vùng biển tranh chấp. Nhưng trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông trong tháng này, Ngoại trưởng Tillerson đã dịu giọng hơn với Bắc Kinh. Hai bên đồng ý gác lại những vấn đề phức tạp.
Báo cáo của AMTI nói với 3 căn cứ không quân ở Trường Sa và một căn cứ không quân trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có khả năng hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu cho thương mại toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu của AMTI cho rằng các thiết bị cảnh báo sớm và radar tân tiến thiết đặt trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Châu Viên cũng như trên đảo Phú Lâm sẽ mở rộng tầm hoạt động tương tự cho các thiết bị của Bắc Kinh.
Hơn một năm trước, Trung Quốc lắp đặt tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm và có ít nhất một lần triển khai tên lửa hành trình chống tàu tại đây.
Việt Nam thường lên tiếng phản đối và tái khẳng định chủ quyền của mình trước những hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng theo GS. Tạ Văn Tài, những phản đối của Việt Nam từ trước tới nay vẫn ‘chưa đủ quyết liệt’.
Ông nói: “Phải bạo lên mới được, không được nhút nhát. Phải tuyên bố phản đối quyết liệt thì Mỹ mới có thể thấy Việt Nam là nước có lực lượng quân sự mạnh nhất trong các nước Đông Nam Á mà dám đứng lên phản đối thì Mỹ mới quyết liệt theo. Thường thường, các cường quốc ngại quyết liệt đương đầu với nhau vì có thể thành chiến tranh lớn, nó muốn các nước trung gian nói giùm cho nó. Việt Nam phải quyết liệt hơn mới được”.
Tháng trước, Reuters dẫn lời các giới chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng gần hai chục cấu trúc trên Đá Subi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Dường như công trình được thiết kế để chứa tên lửa đất đối không tầm xa.
Bắc Kinh cũng đã xây dựng các kho chứa thiết bị phóng tên lửa tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, trong đó kho chứa trên Đá Chữ Thập đủ lớn để chứa 24 chiến đấu cơ và 3 máy bay lớn hơn, kể cả máy bay ném bom.

Trung Quốc sẽ tự đóng hàng không mẫu hạm

Trích dẫn những nguồn tin khác nhau, tờ South China Morning Post đưa tin nói Trung Quốc đang đóng khu trục hạm chở trực thăng, đồng thời lên kế hoạch tự đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.
Bản tin đăng tải trên số báo mới nhất cho hay những hoạt động này được Trung Quốc thực hiện với mục đích tăng cường sức mạnh và khả năng chiến đấu của hải quân.
Tờ South China Morning Post cho biết chiếc khu trục hạm chở trực thăng đầu tiên sẽ được hạ thủy vào năm 2019, và đi vào hoạt động một năm sau đó.
Tờ báo cũng nói vào ngày 23 tháng Tư tới đây, nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập quân chủng hải quân, Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ loan báo kế hoạch đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên.
Bản tin cũng cho biết song song với nỗ lực hiện đại hóa quân sự, hải quân Trung Quốc còn gia tăng hoạt động tuần tra ở Biển Đông và tại vùng biển nằm sát Đài Loan.
Vài tuần trước đây bản báo cáo quốc phòng do chính phủ Đài Bắc soạn thảo cũng nói tới vấn đề này, cho hay mức đe dọa đến từ Trung Quốc ngày càng cao, đặc biệt sau khi nữ Tổng thống Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức.
Mối quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn, vì Trung Quốc cho rằng bà Thái Anh Văn chủ trương tuyên bố độc lập, tách rời khỏi Hoa Lục.
Trong quá khứ, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng cảnh báo Đài Loan, kể cả đe dọa sẽ sử dụng võ lực để thống nhất đất nước.
Một diễn biến quan trọng khác cũng được tờ South China Morning Post nói tới là việc Trung Quốc sẽ cắt giảm số binh sĩ bộ binh, nhưng tuyển thêm binh sĩ cho hải quân và thủy quân lục chiến.
Bài báo viết rằng hiện giờ, số binh sĩ thủy quân lục chiến của Trung Quốc là 20,000 người, trong tương lai sẽ tăng lên thành 100,000 người; số binh sĩ hải quân cũng sẽ tăng khoảng 15%, lên thành 235,000 người.
Tờ báo trích dẫn lời một cựu chính ủy hải quân Trung Quốc nói rằng là một nước nằm sát bờ biển, hải quân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải và quyền lợi của quốc gia.
Viên cựu chính ủy hải quân Trung Quốc cũng nói rõ là ngoài trách nhiệm phải sẵn sàng để đối phó với cuộc chiến có thể xảy ra với Đài Loan, hải quân Trung Quốc còn phải chu toàn trách nhiệm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời trong tương lai hải quân Trung Quốc sẽ có mặt để bảo vệ quyền lợi quốc gia ở bán đảo Triều Tiên và tại Nam Á.

Du lịch Biển Đông bùng nổ bất chấp nhiều rủi ro

Các quốc gia đang tranh chấp trong Biển Đông đang biến những hòn đảo tí hon, các bãi cạn trước đây vô cùng nhỏ bé, thành các địa điểm du lịch như một cách để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình, tuy nhiên xu hướng này theo dự kiến sẽ bị chững lại trong dài hạn vì thiếu hiệu quả kinh tế.
Vào đầu tháng 3, một tàu du lịch Trung Quốc đã đưa 300 người đến quần đảo Hoàng Sa, làm Việt Nam giận dữ phản đối. Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu du lịch ra quần đảo này vào năm 2013, và tháng 12 năm ngoái, một hãng hàng không Trung Quốc mở các chuyến bay dân sự thuê trọn chuyến từ thành phố Hải Khẩu của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa.
Nhiều người đã bắt đầu đến tham quan các đảo đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Frederick Burke thuộc công ty luật quốc tế Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh, nói du khách Việt Nam tới thăm các địa điểm du lịch trên quần đảo Trường Sa với mục đích khẳng định lập trường và bênh vực tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này.
Ông Burke nói:
“Đôi khi có một số người du lịch ra đó để thể hiện tình yêu đối với đất nước. Từ góc nhìn sinh học biển, một số rạn san hô là nơi các sinh vật biển sinh sôi, và tôi chắc chắn những nơi đó cũng là điểm đến hấp dẫn đối với một số du khách thích lặn dưới biển.”
Malaysia cho phép du khách đến thăm một trong những thực thể thuộc quyền kiểm soát của họ tại quần đảo Trường Sa, và Đài Loan không loại trừ việc thực hiện ý định này ở một khu vực khác trên Biển Đông.
Giới phân tích nhận định rằng về phần lớn, những du khách chấp nhận các cuộc hành trình dài tới các hòn đảo ở Biển Đông, nơi thiếu phương tiện và cấu trúc hạ tầng, là những người muốn bày tỏ lòng yêu nước hoặc những người thích mạo hiểm sẵn sàng chấp nhận đối mặt với nguy cơ bị kẹt trong một cuộc xung đột về chủ quyền với một nước nào khác.
Theo ông Christian de Guzman, Phó Chủ tịch của tập đoàn tài chính Moody’s tại Singapore, các nước tranh chấp có thể dùng du lịch để chính thức hóa các tuyên bố chủ quyền của nước họ về mặt chính trị.
Ông Guzman nói lợi ích kinh tế của du lịch tới khu vực đang tranh chấp như thế này, sẽ rất ít ỏi.
Việt Nam chính thức mời khách du lịch đến quần đảo Trường Sa vào năm 2015. Ông Burke nói hình như chỉ có giới bày tỏ lòng yêu nước mới thật quan tâm và có động cơ thực hiện các chuyến du lịch như thế.
Malaysia đã cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm Pulau Layang Layang trong quần đảo Trường Sa từ năm 1989. Nơi này được gọi là rặng Swallow Reef (Đá Hoa Lau) và được lực lượng hải quân Malaysia sử dụng làm một khu nghỉ mát có 53 phòng cho du khách thích bơi lặn. Du khách có thể đáp các chuyến bay thuê bao từ Borneo, Malaysia cách đó 300 km.
Vào năm 2015, một tướng lãnh Philippines nói với báo chí rằng nước ông sẽ phát triển đảo Pagasa, một trong 9 đảo của Philippines ở quần đảo Trường Sa, thành một đảo du lịch và cho phà chạy từ một hòn đảo lớn hơn, không có tranh chấp, ra đến đảo này.
Trung Quốc năm ngoái cho biết các tàu du lịch của nước này cũng sẽ đưa khách du lịch tới các hòn đảo do họ kiểm soát tại quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích vùng biển rộng tới 3,5 triệu cây số vuông.
Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền một phần các vùng biển tranh chấp, nơi giàu tài nguyên hải sản, trữ lượng dầu khí dưới đáy biển, và cũng là tuyến hàng hải khu vực thiết yếu cho thương mại quốc tế.

Trung Quốc, Philippines họp song phương bàn về Biển Đông

Trong cuộc tham vấn ngoại giao lần thứ 20 giữa hai nướcTrung Quốc và Philippines hồi tháng Giêng, đôi bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông nhằm thảo luận các vấn đề quan tâm chung, thúc đẩy hợp tác và an ninh hàng hải.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Ernesto Abella, cho biết đây là một trong những vấn đề được thảo luận trong cuộc họp giữa Tổng Thống Rodrigo Duterte và đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa tại thành phố Davao hôm 27/3.
Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối thoại với Philippines để xử lý và kiểm soát bất đồng một cách thỏa đáng, tăng cường hợp tác hàng hải nhằm tạo ra bầu không khí thuận lợi cho hợp tác thực tiễn cũng như sự phát triển ổn định và bền vững trong mối quan hệ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh hôm 28/3.
Tổng thống Duterte dự kiến trở lại Trung Quốc vào tháng 5 tới đây để tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành Đai, Một Con Đường” theo lời mời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Duterte đã có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Trung Quốc và ASEAN dự kiến cũng sẽ họp về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông vào tháng 5 này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?