Tin Biển Đông – 30/03/2017
Việt Nam xác minh căn cứ quân sự Trung Quốc ở Trường Sa
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin Trung Quốc sắp hoàn tất chuỗi căn cứ quân sự ở Trường Sa. Đó là phát biểu của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra trong ngày 30/3.
Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết Việt Nam hoan nghênh việc Trung Quốc và Philippines sẽ đàm phán song phương về biển Đông, và nhắc lại quan điểm của Việt Nam là khuyến khích các quốc gia giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình.
Ngoài ra, ông Lê Hải Bình cũng nói thêm Việt Nam ủng hộ cuộc họp giữa đại diện các nước ASEAN và Trung Quốc để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và đánh giá cao tính quan trọng của bộ quy tắc này trong việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.
Trung Quốc bác cáo buộc xây sân bay ở Trường Sa
Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 3 lên tiếng nói không hề có cái gì gọi là ‘đảo nhân tạo’ tại khu vực Biển Đông và lặp lại luận điểm là mọi hoạt động xây dựng ở đó chủ yếu cho mục tiêu dân sự.
Phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng như vừa nêu sau khi vào ngày 27 tháng 3 vừa qua Nhóm Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ công bố báo cáo nêu rõ Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng 3 sân bay để đáp các máy bay chiến đấu ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Báo cáo của CSIS dựa vào những bức hình vệ tinh chụp được và đi đến kết luận các đường băng, nhà vòm chứa máy bay, khu vực đặt radar và công trình đặt tên lửa đất đối không kiên cố đã hoặc gần hoàn tất.
Các cơ sở này được xây dựng trên ba bãi đá là Subi, Vành khăn và Chữ Thập. Việt Nam hiện đòi chủ quyền đối với toàn bộ các bãi này.
Trung Quốc: Không có cái gọi là ‘đảo nhân tạo’ ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Năm tuyên bố “không có cái gọi là đảo nhân tạo” ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lặp lại rằng bất kỳ công trình xây dựng nào tại đây chủ yếu cũng nhằm phục vụ các mục đích dân sự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng biển giàu tài nguyên này. Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo đất và xây dựng trên một số đá, đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Các công trình xây dựng bao gồm các sân bay, bến cảng và nhiều cơ sở khác, trong đó bao gồm cả việc đổ một lượng cát lớn xuống các bãi đá hoặc cấu trúc, vốn chỉ nhô lên khi thủy triều xuống thấp.
Nhưng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngụ ý rằng đây có lẽ là một sự hiểu lầm, dù ông nói thêm rằng Bắc Kinh hoàn toàn có quyền xây dựng tại đó bởi vì Trường Sa là một phần không thể tách rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Ngô Khiêm nói trong một cuộc họp báo thường kỳ mỗi tháng:
“Không có cái gọi là đảo nhân tạo. Hầu hết các công trình xây dựng đều dành cho mục đích dân sự, kể cả các cơ sở phòng thủ cần thiết”.
Nhắc tới Hoa Kỳ, ông Ngô Khiêm nói mặc dù tình hình Biển Đông nhìn chung đang ổn định, một số nước ‘bên ngoài’ (ám chỉ Hoa Kỳ) lại lo lắng và muốn thổi phồng mọi chuyện và gây căng thẳng.
Khi được yêu cầu giải thích về phát biểu cho rằng không có đảo nhân tạo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối trả lời. Ông nói Trung Quốc đã giải thích đầy đủ về công trình xây dựng của mình.
Hôm thứ Hai, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nói Trung Quốc gần như đã hoàn tất phần lớn việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự chính trên các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp ở Biển Đông. Điều này cho phép Bắc Kinh có khả năng triển khai chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự tới đây bất cứ lúc nào.
Malaysia và Trung Quốc
sắp thành lập ủy ban cấp cao về an ninh và quốc phòng
Malaysia và Trung Quốc sẽ thành lập một ủy ban cấp cao để thảo luận các vấn đề an ninh và quốc phòng chung cho cả hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng hôm 29/3, ông cho biết ủy ban sẽ thảo luận mối quan hệ quân sự giữa hai nước và các mối đe dọa về an ninh.
Ông Hussein nói tại một cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng ở Jalan Padang Tembak rằng ủy ban cấp cao này sẽ được chủ trỉ bởi hai Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia và Trung Quốc và sẽ xem xét các khía cạnh khả dĩ có thể củng cố hoặc làm xấu đi các mối quan hệ song phương.”
Ông Hussein nói ngoài thể chế hoá các quan hệ song phương, ủy ban còn thảo luận các vấn đề an ninh liên quan đến Bắc Triều Tiên, Biển Đông và chủ nghĩa khủng bố, tất cả chủ đề này đều gây chú ý trong cuộc họp diễn ra hôm 28/3.
Ông Hussein nói: “Tôi tin rằng điều này phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Malaysia với Trung Quốc. Trong ủy ban cấp cao, chúng ta sẽ thành lập các nhóm làm việc cụ thể để hợp tác quân sự, trao đổi thông tin và tin tình báo.
Ông cho biết hai bên sẽ nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo, các vấn đề chiến lược và các vấn đề thời sự như đe dọa ở biển Đông, eo biển Sulu, eo biển Malacca và vấn đề khủng bố.
Ông Hussein nói Ủy ban cấp cao Malaysia – Trung Quốc được thành lập nhằm thảo luận các vấn đề địa chính trị.
Nguồn: The Star/ Asia News Network
Biển Đông: ASEAN và Trung Quốc bàn về COC ở Cam Bốt
Đại diện của Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN gặp nhau tại Siem Reap (Cam Bốt) để bắt đầu bàn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt, ông Chum Sounry, cho biết cuộc họp cấp bộ trưởng diễn ra trong hai ngày 29 và 30/03/2017.
Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines, hai nước có tranh chấp với Trung Quốc, hoan nghênh phán quyết của tòa. Dù vẫn còn bất đồng, Bắc Kinh luôn tỏ ra quan tâm đến việc đúc kết một bản quy tắc ứng xử với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Cam Bốt thường phản đối mọi ý định của ASEAN dựa trên sự đồng thuận, để tố cáo các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, đồng thời thường xuyên ngăn cản các nước thành viên thảo luận các tranh chấp với tư cách là một khối thống nhất.
Phnom Penh Post đã không liên lạc được với các thành viên tham gia cuộc họp để yêu cầu bình luận. Tuy nhiên, vai trò nước chủ nhà của Cam Bốt nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ phía chuyên gia. Theo ông Pou Sovachana, trợ lý giám đốc Viện Hợp Tác và Hòa Bình Cam Bốt (CICP), được Phnom Penh Post trích dẫn, cuộc họp cấp cao tại Siem Reap có thể giúp Cam Bốt cải thiện danh tiếng đối với các thành viên còn lại của ASEAN, thay vì luôn bị coi là « nước luôn ủng hộ Trung Quốc ».
Tuy nhiên, ông Paul Chambers, thuộc đại học Naresuan Thái Lan, nhận định « Cam Bốt đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán lần này, nhưng đối với Trung Quốc, để làm suy yếu mọi sự phản đối của ASEAN trước hoạt động quân sự hóa ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông ».
Còn ông Sophea Hok, một quan chức của bộ Thông Tin, khẳng định Cam Bốt « chỉ là nước chủ nhà » và cho rằng Trung Quốc và Singapore mới là những nước chủ chốt.
Việt Nam lên án Đài Loan tập trận ở Ba Bình
Việt Nam vào ngày thứ năm 30 tháng 3 lên án Đài Loan về các cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực Ba Bình ở Biển Đông từ ngày thứ tư 29 cho đến thứ sáu 31 tháng 3 này.
Hãng tin Reuters loan tin này dẫn lời phát ngôn viên Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho rằng hành động đó vi phạm nghiêm trọng về chủ quyền lãnh thổ và đe dọa đối với an ninh hàng hải, đồng thời yêu cầu Đài Loan không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
Phía Đài Loan thì cho rằng hoạt động tập trận như vậy diễn ra thường xuyên trên hòn đảo này.
Việc Đài Loan khẳng định chủ quyền trên hòn đảo Ba Bình được cho là phức tạp vì bấy lâu nay Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Hiện tại Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông. Các nước khác trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền tại khu vực biển này.
Nhận xét
Đăng nhận xét