Đảng suy tàn - lãnh đạo tan hoang
Phạm Trần (Danlambao) - Theo dõi tình hình Việt Nam từ bên ngoài thấy lạ tại sao người dân chưa vùng lên lật đổ chế độ mà cứ để cho lãnh đạo tự do chia chác quyền lực và làm giàu trên mồ hôi nước mắt của mình.
Có phải vì nhóm cầm quyền đã có Trung Quốc chống lưng nên người dân phát rét, hay biết chưa có lực lượng nên buông xuôi chờ thời?
Hoặc là vì cả Quân đội lẫn Công an đều nằm trong tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm nên không ai dám ngo nghoe, hay cứ đế cho đảng tự chết chìm vì nước lụt đã đến chân?
Dù trong tình huống nào thì ở Việt Nam ai cũng thấy đảng cầm quyền đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” đến bờ vực thẳm, từ sau Hội nghị Trung ương IX thời Nông Đức Mạnh, năm 2001. Trận hồng thủy tham nhũng đã ngập đầu từ cá nhân sang tập thể, từ tổ chức đến tập đoàn, và từ các tổ riêng lẻ thành “lợi ích nhóm” để phanh thây xé thịt đất nước.
Nhóm chữ “tình hình vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp” để chỉ tham nhũng đã biến thành câu kinh nhật tụng của Thanh tra Chính phủ và Ủy ban kiểm tra Trung ương đảng. Nhưng vì cứ phải nghe mãi như điệp khúc ve sầu nên dân mỏi tai, đành phải sống chung với nó như bệnh dịch gia truyền chưa có thuốc chữa.
Trong khi ấy thì lưỡi gươm Trung Cộng đã kề vào cổ 5 đời Tổng Bí thư đảng từ thời Nguyễn Văn Linh (Khóa VI, 1986), Đỗ Mười (Khóa VII), Lê Khả Phiêu (Khóa VIII), Nông Đức Mạnh (2 Khóa IX và X) và Nguyễn Phú Trọng (từ Khóa XI).
Bằng chứng quỵ lụy, nhượng bộ và dâng hiến tài sản tổ tiên cho Trung Cộng đã được chứng minh ở Hoàng Sa, Trường Sa, Bauxite Tây Nguyên, các vị trí chiến lược trong vụ cho thuê đất rừng, bến cảng khắp lãnh thổ, và gần nhất là Dự án gang Thép Formosa Hà Tĩnh.
Con ông cháu cha
Nhưng khi cúi đầu trước ngoại bang Tầu để vinh thân phì gia và tham nhũng tiền bạc và tài sản, con đẻ của tham nhũng quyền lực, thì nạn con ông cháu cha hay còn được gọi mánh mung là “hạt giống đỏ” được đưa vào các chỗ béo bở cũng bung ra hoành hành trong hệ hống cai trị của đảng, nhà nước và doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Không ai trong đảng dám chất vấn, nếu muốn chỗ ngồi vẫn còn đóng cọc. Nhưng đến khi xảy ra vụ Nguyễn Xuân Anh, sinh ngày 01/01/1976, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị phát giác có nhiều lươn lẹo về bằng cấp và mánh mung tham nhũng thì tổ ong “hạt giống đỏ” vỡ ra. Anh là con trai của ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa Đảng X (2006-2011), Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2003-2011).
Sau đó, mọi con mắt lại dồn vào Nông Quốc Tuấn, Ủy viên Trung ương đảng, sinh năm 1963, con nguyên Tổng Bí thư đảng Nông Đức Mạnh. Tuấn chưa bị sờ gáy, từng là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Kế đến là Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976, Ủy viên Trung ương Đảng , Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang. Nghị là con trai trưởng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng bị gọi là đồng chí X bởi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau khi thoát bị kỷ luật bởi Trung ương Đảng vì bị quy trách nhiệm trong vụ thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ của Công ty tầu biển Vinashin và Vinalines.
Ông Nguyễn Tấn Dũng còn còn có người con trai út là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1988, hiện là Ủy viên trong Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngoài ra con gái ông Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và chồng là (Việt kiều) Nguyễn Bảo Hoàng cũng có nhiều vốn đầu tư và cổ phần trong nhiều Cơ sở Thương mại và Tài chính ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nguồn gốc tài sản của họ không được tiết lộ.
Nguyễn Tấn Dũng, một thời từng được coi là đối thủ chính trị của cả Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã giữ chức vụ Thủ tướng trong 9 năm 284 ngày, từ 2006 đến 2016.
Họp hành - biến chất
Những việc này đang phơi ra giữa ban ngày trước thềm Hội nghị Trung ương 6, đang được chuẩn bị diễn ra trong thượng tuần tháng 10 (2017).
Nhưng nếu mục tiêu của Hội nghị chỉ tập trung vào bàn chuyện
"Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" thì làm sao mà đẩy lùi được qủa tạ ngàn cân tham nhũng quyền lực và tiền bạc đang nằm chình ình trước cửa Hội trường Trung ương đảng?
Tại Đại hội XII tháng 1/2016 đảng đã than: "Tổ chức bộ máy của Đảng và toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ."
Nhưng sau đó, điều được gọi là cải tổ hành chính, thực ra chỉ đề “hành dân là chính”. Trong khi bộ máy biên chế của nhà nước, nói là phải cắt giảm thì lại cứ phình to thêm khiến số nhân viên nhà nước thặng dư chả biết làm gì nên cứ sáng vác ô đi, chiều vác về và giữa trưa thì gọi nhau đi nhậu bia ôm để mánh mung, chạy mối.
Vì vậy, sau hai Hội nghị xây dựng và chỉnh đốn đảng từ Đảng XI qua đảng XII (2012-2016), tham nhũng vẫn ung dung rung đùi cười vào mũi đảng. Trong khi cán bộ, đảng viên thì cừ tìm đường “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để kiếm ăn và làm giầu, bỏ mặc Bác Nguyễn Phú Trọng tự do gân cổ lên kêu gào câu thần chú “tuyệt đối trung thành và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Bằng chứng nguy cơ lãnh đạo Việt Nam đang đưa dân tộc và Tổ quốc vào vòng lệ thuộc phương Bắc và phá nát đất nước đã được nguyên Thiếu tướng CSVN, nguyên Đại sứ VN tại Bắc Kinh, Nguyễn Trọng Vĩnh nêu lên trong ý kiến nói về quyết định “dứt bỏ mọi liên hệ với đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng” của Giáo sư Tương Lai hôm 2/9/2017.
Theo nguyên Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang ghi lại thư chuyển của Nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, trưởng nữ của Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 25/9/2017 thì tướng Vĩnh đã: "Cho rằng ĐCSVN nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa! Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất:
- Một là, ĐCSVN đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì!
- Hai là, ĐCSVN không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi ĐLĐVN trước đây nữa!
- Ba là, ĐCSVN ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào ĐCSTQ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với ĐCSTQ, Ban lãnh đạo ĐCSVN kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào ĐCSTQ! ĐCSVN làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn TQ xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi TQ ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của TQ đòi VN phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!"
Tướng Vĩnh, một người được kính trọng trong hàng ngũ các đảng viên kỳ cựu nói thêm: "Quyết định của anh Tương Lai chắc chắn sẽ gợi mở cho nhiều đảng viên lão thành cũng như rất nhiều đảng viên chân chính khác muốn có những hành động thiết thực, có ý nghĩa nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh ngăn chặn những sai lầm nguy hiểm đang dẫn dắt ĐCSVN đến bên bờ vực thẳm sụp đổ!"
Cán bộ và cán ngố
Trong khi đó, ông Vũ Mão nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã nói với báo Giáo dục Việt Nam ngày 25/09/17: "Việc đã có một số cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng nếu soi xét cho kỹ thì thực chất còn nhiều cán bộ hư hỏng nữa. Điều này rất nguy hiểm, đáng báo động… Trường hợp nhiều lãnh đạo bị kỷ luật nặng thời gian qua vì một thời gian dài Đảng đã buông lỏng công tác cán bộ."
Ông Mão nói: "Tôi cho rằng công tác cán bộ từ đổi mới đến nay, đặc biệt trong vòng 10 – 15 năm có quá nhiều vấn đề" như:
"- Công tác rèn luyện, tu dưỡng, phê bình và tự phê bình lâu nay bị xem nhẹ. Mặc dù công tác phê bình và tự phê bình được tiến hành thường xuyên nhưng lâu nay đã trở nên hình thức hóa, hành chính hóa đến mức làm cho lấy lệ, làm đủ thủ tục để đối phó.
- Hiện tượng phổ biến là phê bình kiểm điểm trở thành việc làm mang tính tình cảm đồng chí nhẹ nhàng, động viên nhau, thâm chí vuốt ve, tâng bốc vì nể nang nhau.
- Hiện tượng này xảy ra ở khắp nơi, ngay cả các chi bộ của các cơ quan đầu não.
Vấn đề này không phải đảng viên không biết, lãnh đạo Đảng các cấp không biết mà đáng tiếc là từ cán bộ trung ương đến cán bộ cấp cơ sở đều biết nhưng xem chuyện đó là bình thường. Đấy là vấn đề rất nguy hiểm".
Ông Mão kết luận: "Nói cho đúng, không có việc sai trái của cơ chế thị trường mà cái sai ở đây là không hiểu hết bản chất của cơ chế thị trường nên đã bị mặt trái của cơ chế này chi phối. Chính vì thế đã xảy ra tình trạng “Thị trường hóa công tác cán bộ”. Đây là điều đáng báo động và rất nguy hiểm.
Việc đã có một số cán bộ trung cao cấp bị kỷ luật nhưng nếu soi xét cho kỹ thì thực chất còn nhiều cán bộ hư hỏng nữa. Điều này rất nguy hiểm, đáng báo động."
Cuối cùng, Giáo sư Tương Lai nhận xét về tình trạng tham nhũng hiện nay ở Việt Nam đã viết trong "Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 14", phổ biến ngày 25/9/2016 rằng: "Một thể chế được dựng lên theo một mô hình đã sụp đổ, mà là sụp đổ cả hệ thống, nhưng lại vẫn được ngoan cố trì kéo suốt mấy thập kỷ tại Việt Nam, đưa đất nước đi vào ngõ cụt với thể chế toàn trị phản dân chủ, nguồn gốc của tham nhũng, đặc biệt tệ hại nhất trong hai nhiệm kỳ của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, thì sự bục vỡ như đang diễn ra là khó tránh khỏi."
Như vậy thì đảng CSVN đã suy tàn và lãnh đạo tan hoang chưa, hay họ vẫn tin là mình còn vững trong vòng tay kẻ đặc thù Trung Cộng? -/-
(09/017)
Nhận xét
Đăng nhận xét