Giáo Già: Thư Cho Con

Từ Trịnh Xuân Thanh tới Trịnh Vĩnh Bình: Chân Tường Chuyển Hóa hay Bờ Vực Sụp Đổ của CSVN?
 20 Tháng 9 năm 2017
H,
Những chuyển biến thời cuộc gần đây có những chỉ dấu cho thấy CSVN đang lần đến chân tường chuyển hóa hay bờ vực sụp đổ qua 2 sự kiện nổi bật, với 2 nhơn vật nổi bật, làm lộ rõ mặt thật gian manh, tráo trở và tàn bạo của chúng. Đó là Trịnh Xuân Thanh và Trịnh Vĩnh Bình.
  • Trịnh Xuân Thanh
Cuối tháng 5/2016, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh bị phát hiện sử dụng xe Lexux 570 biển số 95A-0699 chạy trên đường phố Tây Đô, vi phạm quy định dùng xe vượt mức tiêu chuẩn, khiến dư luận xôn xao bàn tán, bị báo đài đưa tin ồn ào. Đến ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra, xem xét. Từ đó lòi ra chuyện ông Thanh bị cáo buộc làm thất thoát tài sản nhà nước lên đến hơn 3 nghìn tỉ đồng [khoảng 150 triệu đôla] trong thời gian công tác tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí.
Khi được biết Nguyễn Phú Trọng cho mở cuộc điều tra, nhứt là khi truyền thông nhà nước bắt đầu loan tin về những cáo buộc tham nhũng của Thanh ở tập đoàn dầu khí PVC, Thanh biết chắc mình đang trở thành “con cá nằm trên thớt” nên đã mau lẹ tìm cách “hạ cánh an toàn”, cho bản thân và gia đình, khi quyền lực của một Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang… và phương tiện tài chánh vẫn còn dồi dào, đàn em vẫn còn đông đảo… Nó giúp Thanh an toàn rời nước…
Người ta chưa biết chắc Thanh ra đi bằng các nào, nhưng khi người của Thanh ở Đức tiếp xúc với Người Buôn Gió, tức Bùi Thanh Hiếu, nhờ viết bài nói rõ về trường hợp của Thanh, thì coi như Thanh đã an toàn hạ cánh và có một cuộc sống khá thoải mái.
Tuy nhiên, Thanh đâu có chịu an toàn khi hạ cánh ở Đức vì ước muốn trả thù kẻ đã hại mình là Nguyễn Phú Trọng khiến Thanh loạn động. Do vậy, bài viết “Trịnh Xuân Thanh dê tế thần” xuất hiện đều đặn trên diễn đàn của “Người Buôn Gió”, gồm 15 phần (bài đăng từng kỳ trên Web); từ phần 1 đến phần 14, và phần kết.[xem: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/].
Sau đó, người ta biết chắc Thanh khó an toàn hạ cánh khi Nguyễn Phú Trọng dứt khoát chỉ đạo bằng mọi giá bắt cho bằng được Thanh đem về nước. Chiều 16/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, mặc dầu Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với Thanh. Ngày 6/12/2016, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam sẽ phối hợp với các nước để “bắt bằng được” Trịnh Xuân Thanh. CS Việt Nam cho biết chúng đã phát lệnh truy nã Thanh qua Cơ quan Cảnh sát Quốc tế Interpol, nhưng không ai thấy tên Thanh trong danh sách các người bị truy nã.
Trong tư cách quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác kinh tế Á châu-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, vào tháng 11.2017, Nguyễn Xuân Phúc được Đức mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Đức trong 2 ngày 07 và 08 tháng 7.2017, với tư cách quan sát viên. Đây là Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Phúc lợi dụng dịp gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu Đức cho dẫn độ Thanh về VN, nhưng bị từ chối.
Từ đó, lịnh “bắt bằng được” Trịnh Xuân Thanh được CSVN thực hiện bằng “bạo lực”. Ngày 30/7/2017,trên mạng xã hội, nhà báo Huy Đức cho “rò rỉ nguồn tin” Trịnh Xuân Thanh đã về nước và ngày 31/7/2017 Bộ Công an thông báo ông Thanh “ra đầu thú” với “đơn xin tự thú” của Thanh và hình Thanh xuất hiện trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8/2017đồng thời với 11 người liên quan vụ án đã bị khởi tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản”; nhưng không có một bản tin nào nói Thanh về nước bằng cách nào…
Tất cả làm lộ mặt thật lừa dối cả nước và thế giới của CSVN, vì thật sự CSVN đã cho cán bộ qua Đức bắt cóc Thanh về nước. Thanh không ra đầu thú, mà Thanh bị công an dàn dựng chuyện đầu thú quá trơ trẽn.
Nội vụ xảy ra ngoài sức tưởng tượng của dư luận. Nó được các giới chức trách nhiệm Đức trình bày cho mọi người tường tận sự can dự trực tiếp của CSVN trong việc bắt cóc Thanh như sau:
  • Cảnh sát Đức đã điều tra sự việc từ rất sớm, trước khi dư luận Việt Nam phong phanh tin Trịnh Xuân Thanh bị bắt về Việt Nam.
  • Theo dõi những trao đổi của Thanh với Đỗ Minh Phương, người bạn gái lúc Thanh làm việc ở Bộ Công Thương, qua internet. Nhờ vậy, CSVN biết được ngày 2 người hẹn gặp. Chúng thuê xe thực hiện chuyện bắt cóc.
  • Vào dịp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức, một người tên Nguyễn Hải Long đến doanh nghiệp dịch vụ cho thuê xe của Bùi Quang HIếu thuê chiếc xe 7 chỗ ngồi để dùng vào việc bắt cóc Thanh. Thiết bị theo dõi lộ trình có gắn trên xe cho biết xe đã đậu ở khu vực khách sạn mà Đỗ Minh Phương trú vài ngày.
  • Nhóm mật vụ từ Việt Nam đã trú ngụ tại khách sạn Sylte Hof tại đường Kurfürstenstraße 114, Berlin [xem hình] từ ngày 21 đến 23.7 để theo dõi và bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.  Sau đó, cuộc bắt cóc xảy ra hôm 23/7 tại công viên Tiergarten, Berlin.
  • Theo những tin ghi nhận được, Cảnh sát điều tra Berlin đang truy nã 3 người đàn ông từ Việt Nam sang Đức trongthời điểm từ ngày 21 đến 23 tháng 7 với nhóm trưởng là môt người đàn ông có độ tuổi khoảng 50, 2 người còn lại từ 30 đến 40 tuổi. Trong nhóm này chỉ có 1 người nói được rất ít tiếng Anh và họ hoàn toàn không biết tiếng Đức
  • Hình ảnh camera ghi hình trong khách sạn đã cung cấp cho Cảnh sát điều tra các chân dung rõ nét với đầy đủ các hoạt động ra vào của những nghi phạm này, các tấm ảnh nhận dạng đã được in ra từ các thước phim Video có độ phân giải cao để phục vụ công tác điều tra.
  • Nhiều cửa hàng xung quanh khu vực khách sạn đã được Cảnh sát tới thăm, cho xem ảnh nghi phạm và yêu cầu cung cấp tin tức khi những đối tượng này xuất hiện trong những ngày lưu trú tại đây.
  • Đặc biệt nhóm nghi phạm thường xuyên tới các quán ăn châu Á trên nhiều dãy phố lân cận để thưởng thức món “Phở Berlin“ và nhanh chóng rời đi, họ cũng không ăn nhậu hay uống rượu, bia ở những nơi này.
  • 3 tấm hộ chiếu (giấy thông hành) Việt Nam đã được chủ khách sạn ghi chép danh tính khi thuê phòng và cung cấp cho Cảnh sát điều tra, họ cũng cho biết tới ngày 23.7 thì nhóm này đã rời khỏi khách sạn trên một chiếc xe do người khác lái tới.
  • Cảnh sát Đức đã có hình ảnh rõ về những đối tượng tham gia vụ bắt cóc này từ các camera của khách sạn, các nhân viên khách sạn cho biết trong số ba kẻ bắt cóc trú tại khách sạn chỉ có một người nói được chút ít tiếng Anh.
  • Viện Công Tố Liên Bang Đức đã có “Thông Cáo Báo Chí” nguyên văn như sau:
“Hôm nay (10 tháng Tám 2017), Viện Công tố Liên bang nhận đảm nhiệm việc điều tra vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh và người phụ nữ đi cùng, trước đây do Viện Công tố Berlin phụ trách.
Hiện tại có thể cho rằng các nạn nhân đã bị đưa đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin và từ đó chuyển về Việt Nam. Từ bối cảnh đó, Viện Công tố Liên bang đã nhận đảm nhiệm điều tra vì nghi vấn hoạt động gián điệp nước ngoài (điều 99 Luật Hình sự) và tước đoạt tự do của con người (điều 239 Luật Hình sự).
Theo các nhận định cho đến nay, vào ngày Chủ nhật 23 tháng Bảy 2017, giữa đường phố tại Berlin, hai người đó đã bị lôi lên một chiếc xe vận chuyển. Tại nước mình, ông Trịnh bị cáo buộc đã biển thủ một số tiền trên trăm triệu khi đứng đầu một công ty nhà nước, và sau đó trốn ra nước ngoài. Các cơ quan Đức đã tiếp nhận đề nghị dẫn độ của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và chưa ra quyết định. Phía Việt Nam dường như đã đặc biệt quan tâm đến việc dẫn độ ông Trịnh. Nay đề nghị dẫn độ đó đã được rút lại.
Theo các điều tra cho đến nay, hiện tại có thể cho rằng các nạn nhân đã bị đưa đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Berlin và từ đó chuyển về Việt Nam. Từ bối cảnh đó, Viện Công tố Liên bang đã nhận đảm nhiệm điều tra vì nghi vấn hoạt động gián điệp nước ngoài (điều 99 Luật Hình sự) và tước đoạt tự do của con người (điều 239 Luật Hình sự).
  • Ngày 31 tháng 8 cảnh sát Đức gọi điện cho Bùi Quang Hiếu, chủ chiếc xe đã được những kẻ bắt cóc dùng trong vụ áp chế Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương lên xe.
  • Ngày 1 tháng 9 năm 2017, Bùi Quang Hiếu đã cùng ba người bạn từ Praha đến Berlin để nhận lại chiếc xe từ cảnh sát Đức.
  • Điều đáng chú ý là khi trao trả chiếc xe, những ghi chú, đánh dấu và băng niêm phong vẫn còn nguyên.  Bùi Quang Hiếu cho biết xe bị giữ từ ngày 28 tháng 7. Trên chiếc xe được cảnh sát Đức trao trả lại còn có những dấu vết trên xe do vật lộn, những vệt máu lớn [xem hình], cùng với những vết cào cấu trên đệm; tất cả đều được cảnh sát đánh dấu. Ngoài ra còn có 2 bình xịt gây mê chuyên dụng với 1 chiếc đã được dùng gần hết. Ông Bùi Quang Hiếu nói theo suy luận của một số người có mặt cùng ông, thì đây rất có thể là “dấu vết đầu của một người bị đập vào, có tóc, có máu, cho nên cảnh sát tìm được, dán mũi tên vào”.
  • Đây là chiếc xe mà hàng ghế sau có thể quay lại đối diện nhau, rất thích hợp cho việc khống chế bắt giữ. Tính cả người lái chiếc xe có 7 ghế ngồi, một ghế lái và cạnh lái; hai ghế ở hàng thứ hai và ba ghế ở hàng thứ ba. Vị trí Trịnh Xuân Thanh ngồi ở giữa hàng ghế thứ ba. Hai bên là hai mật vụ, trước mặt là hai mật vụ. Tức có 4 người khống chế Trịnh Xuân Thanh trên xe. Người ngồi ở ghế cạnh lái xe chắc chắn phải là một người Việt sống ở Đức, thông thạo tiếng Đức để đưa đường chỉ lối, đưa thẳng xe chở Trịnh Xuân Thanh vào đại sứ quán Việt Nam tại Berlin để thực hiện một số việc hỗ trợ đưa Thanh về VN.
  • Cảnh sát Đức cũng có những nhân chứng chứng kiến việc xô đẩy, gào hét của vụ bắt cóc, đặc biệt giờ họ có thêm một tòng phạm là Nguyễn Hải Long.
  • Hiện nay Nguyễn Hải Long đang bị cảnh sát Đức bắt giam và khởi tố về tội làm gián điệp và bắt cóc người. Phía chính phủ Việt Nam không lên tiếng gì về vụ bắt giữ này.
  • Theo nhận định của chuyên viên Đức về điều tra bắt cóc, giết người và khủng bố tại Tòa án Hình sự Quốc tế Den Haag, Hà Lan (ICC) thì “nhóm người này đã được dẫn đường bởi người rất thông thạo địa bàn tại chỗ“, có thể họ hiện đang sống tại Berlin, khi chứng minh được đối tượng có liên quan thì sẽ phải chịu khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù cho tội hỗ trợ bắt cóc, ngoài ra các đối tượng trực tiếp tham gia bắt cóc sẽ chịu phạt tù từ 5 đến 10 năm, trường hợp nguyhiểm có thể ngồi tù chung thân.
  • Hiện nay các mẫu xét nghiệm DNA của nhóm nghi phạm đã được thu thập tại phòng khách sạn, và trên chiếc xe 7 chỗ, với nhiều vết máu, để truy nã các đối tượng bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Cơ sở dữ liệu tại EUROPOL cũng được cập nhật để lập tức phát hiện và bắt giữ những người này khi họ đặt chân tới châu Âu.
  • Báo chí Đức đưa tin và chính phủ Đức đưa ra lời cáo buộc phía Việt Nam bắt cóc và đề nghị đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức nguyên trạng, nhưng CSVN làm ngơ [xem toàn văn bản tuyên bố của văn phòng bộ ngoại giao Đức đính kèm]:
Toàn văn tuyên bố của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức về quan hệ Việt Nam – Đức, được công bố hôm 2/8/2017:
“‘Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, ngày hôm qua đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức.
Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ…
Việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng: Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, các đại diện cấp cao của Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam nói trên từ Đức về Việt Nam.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer ngày hôm qua đã trình bày rất rõ quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ rằng Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.
Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức sẽ bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức.
Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển.”
  • Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhắc lại Đức đã yêu cầu một sĩ quan tình báo Việt Nam rời Berlin vì tin rằng ông này liên quan đến việc bắt cóc.
“Chúng tôi đòi hỏi ông ta ra đi vì chúng tôi rất tin rằng ông ta liên quan vụ bắt cóc,” ông Gabriel nói tại một cuộc họp báo.
“Không có chi tiết gì trái ngược giả thuyết này. Mọi thứ đều ủng hộ giả thiết rằng ông ta, cùng sự giúp đỡ của mật vụ Việt Nam và dùng nơi ở của ông ta tại sứ quán Việt Nam tại Đức, đã bắt cóc một người đã xin tị nạn,” Ngoại trưởng Đức nói.
Ông Gabriel không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà Đức đang cân nhắc.
Ông nói thêm ông Trịnh Xuân Thanh “bị đưa ra khỏi Đức, bằng các biện pháp mà chúng tôi tin rằng người ta xem trong các phim hình sự về Chiến tranh Lạnh.”
“Đây là điều chúng tôi không thể chấp nhận.”
  • Trong khi đó những dư luận viên của cộng sản Việt Nam lại cho rằng cảnh sát Đức quá kém cỏi, không biết gì, đến khi báo chí Việt Nam đưa tin thì nước Đức mới biết và phản ứng. Đã vậy các dư luận viên còn tung ra những bài viết kích động thù hận nước Đức, miệt thị nước Đức trên mạng xã hội mà điển hình là tờ báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh số 462, ra ngày 10.08.2017, đã đăng một bài báo nhục mạ Chính phủ Đức với tựa đề “Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giaoĐức hồ đồ hay mua phiếu?” của tác giả Vũ Hương. Bài báo này đã phỉ báng một cách nặng nề khi ví Chính phủ Đức là một “lũ kền kền vô trách nhiệm“, hoặc thóa mạ là “những lang sói trong giới phản động ngoại quốc“, mạ lỵ báo chí truyền thông Đức là “các thế lực đen tối“ hoặc “các thế lực thù địch“, ám chỉ ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Gabriel là “mua phiếu… cho cuộc bầu cử vào thời gian vài tuần tới“, nhục mạ Bộ Ngoại giao Đức là “hồ đồ”, là “thần kinh” v.v. Bài báo được dịch ra tiếng Đức, được mau chóng phổ biến rộng rãi, bị dư luận phản ứng dữ dội, nên nó tức khắc bị gở bỏ, cả trên mạng lẫn báo giấy, cho thấy sự biết lỗi của CSVN, nhưng… đã muộn.
  • Về phía Đức thì Báo chí Đức gần đây đưa tin về mối liên hệ giữa ông Hồ Ngọc Thắng, người từng làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Thắng đã bị cho nghỉ việc hôm 1/9 sau khi báo chí Đức, gồm cả đài Deutsche Welle của chính phủ, nói ông ta đăng nhiều bài ủng hộ quan điểm của chính phủ Việt Nam, điều bị phía Đức cho là vi phạm nguyên tắc trung thành với chính quyền Liên bang mà một công chức phải tuân thủ. Chính quyền Đức vẫn yêu cầu Việt Nam trao trả lại ông Trịnh Xuân Thanh và chuyến thăm nhằm làm xoa dịu tình hình của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã không đạt kết quả gì. Căng thẳng quan hệ hai bên vẫn tiếp tục, khiến lễ kỷ niệm quốc khánh do Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tổ chức vừa qua không có người Đức nào đến dự hôm 31/08, trong khi buổi lễ năm ngoái có khoảng 400 khách Đức và quốc tế có mặt.
  • Cũng liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh, tại Cộng Hòa Czech, mới đây, nhật báo Aktuálně.cz của Czech đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã mời đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Prague tới và thông báo rằng “nếu như có nhân viên ngoại giao nào của Tòa Đại sứ có liên quan tới vụ bắt cóc, Czech sẽ trục xuất người đó”. Nói về vụ việc, Tiến sỹ Hoàng Xuân Phú, của Đại học Heidelberg, viết trên trang blog cá nhân rằng: “Nếu đúng như cáo buộc của phía Đức, là mật vụ Việt Nam đã bắt cóc TXT giữa Berlin để đem về Hà Nội, thì hành vi ấy không chỉ vi phạm thô bạo luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, mà còn vi phạm cả pháp luật Việt Nam. Vì Điều 492 (về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự) của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ: “Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…”
Ngày 08/08/2017 LÊ ANH HÙNG trên boog của đài VOA, trong bài viết “Vụ Trịnh Xuân Thanh: Tương lai nào cho Trần Đại Quang?” đã viết: “Vụ scandal ngoại giao mang tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra giữa lúc Hội nghị Trung ương 6, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2017, đang đến gần. Đây là kỳ hội nghị mà người ta chờ đợi là sẽ có những quyết sách nhân sự quan trọng, chuẩn bị cho việc ông Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Từ sau Đại hội XII cho đến nay, hai ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh. Ông Đinh Thế Huynh thì vừa mới được thông báo là đang trong thời gian “điều trị bệnh” và vị trí Thường trực Ban Bí thư của ông đã được Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng thay thế từ ngày 1/8. Sau suốt 3 tháng im hơi lặng tiếng trên truyền thông, nay lại được thông báo là đang chữa bệnh và chiếc ghế của mình thì đã được (tạm) giao cho người khác, cơ hội của ông Đinh Thế Huynh xem ra chỉ còn trên lý thuyết. Sự biến mất bí ẩn của ông Đinh Thế Huynh khiến ông Trần Đại Quang càng trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Tổng Bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, trong khi dư luận còn chưa hết bàn tán về căn bệnh bí hiểm của ông Đinh Thế Huynh thì người ta càng lúc càng “băn khoăn” trước sự im hơi lặng tiếng của ông Trần Đại Quang, nhân vật vốn thường xuyên xuất hiện trên truyền thông chính thống, nhất là giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng như thế này.”
Sau đó, ngày 09/09/2017, cũng LÊ ANH HÙNG, trên blog của đài VOA, nói tiếp “Sau đúng 1 tháng 3 ngày vắng bóng trên truyền thông, ông Trần Đại Quang đã xuất hiện trong một loạt sự kiện liên tiếp: tiếp Đại sứ Cuba và Chánh án Toàn án Tối cao Hàn Quốc ngày 28/8; tham dự Hội nghị Quân uỷ Trung ương và tiếp Đại sứ Slovakia và Đại sứ Áo ngày 29/8, v.v. Sự vắng mặt suốt hơn 1 tháng của người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã khiến báo chí trong và ngoài nước tốn rất nhiều giấy mực, còn dân chúng thì bàn tán xôn xao và đưa ra vô số giả thuyết để lý giải cho sự kiện chưa từng có tiền lệ trên sân khấu chính trị “thời đại Hồ Chí Minh”. Cuộc “tái xuất” khiến nhiều người bất ngờ đến ngỡ ngàng của ông Trần Đại Quang đã giúp giải toả được một số “băn khoăn” mà dư luận từng nêu lên, chẳng hạn khả năng ông bị đầu độc rồi bị loại khỏi cuộc chơi, như trường hợp Nguyễn Bá Thanh mà dư luận vẫn còn nói từ năm 2015, đã không xảy ra. Tuy nhiên, sự kiện này lại làm dấy lên những câu hỏi khác, bên cạnh những câu hỏi trước kia mà đến nay vẫn còn để ngỏ…”
Chỉ bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy sự lúng túng của CSVN trên đường lùi dần đến chân tường chuyển hóa nếu không muốn bị sụp đổ trước đà tiến càng lúc càng mau của trào lưu “Chống Tàu Diệt Ciệt Cộng” của toàn dân cả nước ở quốc nội và hải ngoại.
  • Trịnh Vĩnh Bình
Song song với biến cố Trịnh Xuân Thanh, sự xuất hiện của Trịnh Vĩnh Bình cũng khiến dư luận thấy rõ hơn sự gian manh, tráo trở, đầy thủ đoạn của CSVN, đặc biệt nhứt là trên trường quốc tế. Nó cho thấy sự lúng túng của CSVN không biết phải đối phó với nhau, và đối phó với quốc tế, như thế nào cho ổn, nếu không muốn nói là phải bó tay chờ chuyển hóa, hay tệ hại hơn là chờ sụp đổ.
Người theo dõi thời cuộc có thể lần theo thời gian nhìn thấy từng bước đi của Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân thành công ở hải ngoại, ngu ngơ nghe lời dụ dỗ của CSVN, mang số lớn tiền lớn có được về VN đầu tư, trong các dự án kinh doanh kiếm lời nhanh chóng.
Theo tường thuật của Khánh An trên đài VOA thì trước năm 1975, gia đình ông Trịnh Vĩnh Bình có một cửa hàng bán sỉ vải ở Thương xá Châu Hải Thành, quận 6, Sài Gòn. Năm 1976, ông cùng vợ, 3 con và vài anh em vượt biên ra nước ngoài… Nung nấu ý định tiếp tục kinh doanh… Nhận thấy ngành thực phẩm có nhiều cơ hội phát triển. Năm 1984, ông bắt đầu đăng ký làm đại lý xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm có tiếng như sữa đặc Omela của hãng C.C. Firesland (tức sữa “Cô Gái Hà Lan” hiện nay), xì dầu Maggi của hãng Nestle… Năm 1986, ông mở thêm hai tiệm thực phẩm (loại mini market) tại Hà Lan và bắt đầu nghiên cứu sản xuất chả giò, món ăn khai vị rất được ưa thích của Việt Nam, theo công nghệ tự động. Năm 1989, sau khi xây dựng xong nhà máy sản xuất chả giò, ông bắt đầu cung cấp chả giò cho các hệ thống siêu thị tại Hà Lan, sau đó là Bỉ và Anh quốc. Trong một thời gian ngắn, thương hiệu Chả giò Trinh’s (Trịnh) đã được biết tiếng và xếp hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mora của Unilever và Duif của Bols Wassanen. Ông Trịnh Vĩnh Bình trở thành triệu phú tại Hà Lan với biệt hiệu “Vua Chả Giò.”
Sau gần 60 lần nhập cảnh VN ông mang về nước gần 2,5 triệu đô la và 96 ký vàng, Từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp bằng cách đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau, thành công rất nhanh… Ông tìm hiểu thị trường ở một số nơi và quyết định chọn Vũng Tàu để đầu tư. Ông mua lại xí nghiệp Liên doanh Nuôi trồng Thủy sản ở Phước Cơ… Bên cạnh các mặt hàng thủy hải sản, ông còn đưa vào chế biến thêm các mặt hàng nông sản, rau quả để xuất khẩu như chuối lá xiêm, thơm, xoài đông lạnh…, xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Chỉ trong vòng hai năm (1993 – 1995), sản lượng xí nghiệp từ 80-100 tấn/năm đã tăng lên thành 1.500 tấn/năm. Số lượng công nhân của xí nghiệp cũng tăng, từ vài chục người lên gần 400 người vào năm 1996.
Thời gian này, luật Việt Nam chưa cho phép người nước ngoài hay Việt kiều đứng tên trong các doanh nghiệp trong nước, nên ông Trịnh Vĩnh Bình nhờ thân nhân và bạn bè đứng tên hộ, được gọi là “đội nón”. Những công ty mà ông thành lập, như Công ty TNHH Tín Thành tại TP.HCM (năm 1992) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Công nghiệp Bình Châu tại Vũng Tàu (năm 1993), đều dưới hình thức “đội nón” trên, vốn là xu hướng phổ biến tại Việt Nam trong giai đoạn này. Mãi đến tháng 11/1996, ông mới có tên chính thức trong Công ty Bình Châu, dựa vào Luật khuyến khích Đầu tư Việt Nam ban hành năm 1995. Đến năm 1996, Công ty Bình Châu nhận được tài trợ quốc tế cho hai đề án: Đề án “Cua tự sinh sản” và đề án “Phòng chống bệnh cho tôm, cá.”
Với ước mơ nhân rộng các rừng thông tại Việt Nam, theo mô hình vùng Quinta Do Lago của Bồ Đào Nha, cộng thêm chính sách khuyến khích trồng rừng, phủ xanh đồi trống, đồi trọc, của Việt Nam, vào thời điểm này, ông cùng một số chuyên viên bắt đầu nghiên cứu trồng thí nghiệm thông ở Đèo Nước Ngọt Long Hải, và lập các vườn ươm thông giống. Ông cho biết lúc ông bị bắt, vườn ươm với gần 500.000 cây thông giống đã được 3,5 tuổi, đủ để trồng khoảng 200 ha. Cứ như thế, trong vòng hơn 6 năm, giá trị số vốn ban đầu ông Bình đưa về Việt Nam được nhân lên hơn 8 lần.
Báo Công An Nhân Dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất. Ngày 5/12/1996, ông chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế.” Cáo buộc ban đầu này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ,” ông bị tạm giam hơn 18 tháng trước khi được đưa ra xét xử. Trong thời gian này, ông không được phép tự ý chọn luật sư, mà công an [PA 24] chỉ định luật sư cho ông và buộc ông phải trả 50 triệu đồng cho luật sư này. Ông kể với VOA rằng điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong thời gian này đã khiến ông suy sụp hoàn toàn và từng nghĩ đến chuyện tự tử.
Ngày 11/12/1998, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên án 13 năm tù đối với ông Trịnh Vĩnh Bình về tội vị phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ, phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”. Sau phiên phúc thẩm, bản án của ông giảm từ 13 năm xuống thành 11 năm tù (năm 1999). Báo Thanh Niên ngày 14/7/2012 cho hay nhiều tài sản (nhà và đất) của ông Bình được tòa phúc thẩm giao cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai tịch thu. Hai cơ sở sản xuất (diện tích gần 40.000 m2) cùng 9 căn nhà trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao cho Cục Thi hành án dân sự bán đấu giá…
Chính phủ Hoà Lan, thông qua Đại sứ quán của hai nước, đã có những can thiệp ngay từ những ngày đầu khi ông bị bắt và suốt những năm sau này. Hoà Lan xem đây là một vụ vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT) giữa hai nước… Bộ trưởng Quốc phòng Hoà Lan, Joris Voorhoeve, sau đó còn yêu cầu Thủ tướng Wim Kok và Ngoại trưởng Hoà Lan gửi thư trực tiếp cho Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương để yêu cầu giải quyết vụ ông Trịnh Vĩnh Bình. Phía Quốc hội Hoà Lan cũng liên tục gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam qua những động thái như không ủng hộ việc thông qua các hiệp ước, đề nghị cắt giảm viện trợ hay gửi các thông điệp gay gắt, chất vấn các quan chức Việt Nam khi họ đến thăm nước này. Các dân biểu còn đưa vụ Trịnh Vĩnh Bình lên Quốc hội châu Âu vào những dịp phái đoàn Việt Nam đến thăm. Họ cho rằng việc Việt Nam tuyên án tù và tịch thu tài sản của ông Bình đã “gây cản trở và có tác động rất tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư khác,” và đề nghị “Việt Nam phải có sự bảo vệ thích hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư ở Việt Nam… phải chấm dứt nạn tham nhũng”.
Sau khi nhận thấy tất cả những nỗ lực can thiệp từ cả phía Chính phủ Hoà Lan và một số giới chức cấp cao CSVN đều không mang lại kết quả, tháng 10/2003, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ, Covington & Burlington, đứng ra kiện Chính phủ CSVN trước Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại ở Stockholm, Thụy Điển, đòi bồi thường trên 150 triệu đô la. Chính phủ Việt Nam cũng thuê một tổ hợp luật sư nổi tiếng của Pháp, Glyde Loyrette Rouel, đại diện mình. Trước khi diễn ra phiên xử đầu tiên, được ấn định vào ngày 4/12/2006, CSVN đã gửi nhiều đoàn đàm phán đến làm việc với ông Trịnh Vĩnh Bình… Sau gần cả chục lần đàm phán, kể cả trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại, email, ông Bình cho biết “Hai bên đã đạt được một thỏa thuận ngoài tòa” bao gồm 3 điều khoản:
  • Điều 1: Ông Trịnh Vĩnh Bình cam kết chấm dứt hoàn toàn vụ kiện tại Tòa trọng tài ở Stockholm và sẽ không có phiên tòa đã được ấn định trước đó.
  • Điều 2: Phía Chính phủ CSVN hỗ trợ cho ông Bình 15 triệu đôla; miễn thi hành án tù và tạo điều kiện cho ông Trịnh Vĩnh Bình về nước thực hiện các dự án đầu tư; khi ông Bình có đơn kiến nghị, Chính phủ CSVN xem xét trả lại những tài sản “hợp lý” của ông Bình.
  • Điều 3: Chính phủ CSVN bảo đảm quyền cư trú, đi lại và làm ăn cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
Sau thỏa thuận được ký kết tại Singapore năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình trở về Việt Nam. Nhưng điều khoản trả lại tài sản đã không được thực hiện như những hứa hẹn trong thời gian đôi bên thương lượng và thỏa thuận vì phía CSVN nói “Tài sản bị sang tay, không thể trả lại”. Họ nói: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để giải quyết cho ông Bình theo thỏa thuận Singapore. Nhưng khi về, chúng tôi gặp khó khăn là những tài sản đó bây giờ đứng tên người thứ 2, thứ 3…, tức là họ sang tay, bán mấy lần rồi”… nên… “làm lơ”.
Tại Việt Nam, báo chí thời gian này cũng đưa tin về chuyện nhiều tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình đã bị “xà xẻo”, tự ý bán một cách “tùy tiện và cẩu thả”, đi kèm với tin truy tố một vài cán bộ thuộc Cục thi hành án dân sự, mà theo lời ông Bình, chỉ là “những con tép riu” ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có dính líu đến vụ án của ông. Báo Thanh Niên ngày 11/6/2012 nói “Đã có nhiều sai phạm trong thời kỳ hậu vụ án Trịnh Vĩnh Bình. Nhiều tài sản của ông Bình bị bán một cách “bất minh”, “trong đó có khu ‘đất đẹp’ giá rẻ về tay người nhà của 3 cán bộ thi hành án… Rồi họ sang tay ngầm. Họ kéo vào chia chác nhau. Họ làm đủ thứ hồ sơ. Ví dụ từ 10.000 m2, họ làm thành 8.000 m2, 7.000 m2…”
Chờ thêm 2 năm nữa, những nỗ lực đòi lại tài sản của ông Bình vẫn chẳng đi tới đâu, ông Bình quyết định tiến hành vụ kiện lần thứ hai, tại Paris vào ngày 21 tháng Tám, với số tiền bồi thường ông Bình đòi “ít nhất 1,25 tỷ đô la.”  Hồ sơ của ông lần này được chuyển cho tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ: King & Spalding. Trong vụ kiện lần này, ông Trịnh Vĩnh Bình đòi nhà nước CSVN phải bồi thường “ít nhất 1,25 tỷ đôla”. Ông nói: “Tôi đòi hai mục. (1a) là những tài sản mà chính phủ CSVN tịch thu hay chiếm đoạt trái phép, vi phạm luật pháp quốc tế về hiệp thương. (1b) Do vụ án gây ra một số hệ quả, nên những hệ quả đó cũng được liệt kê vào để đòi đền bù. Điểm thứ 2 là điểm nhức nhối.” Ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết điểm đòi bồi thường thứ 2 dựa trên tiền lệ của một vụ kiện nhốt tù oan sai ở Mỹ. Trong vụ kiện này, người bị nhốt tù oan 4,5 ngày đã được tòa ra phán quyết buộc Chính phủ Mỹ phải bồi thường 5 triệu đôla. Như vậy, một ngày bị tù oan được bồi thường khoảng 800.000 đôla. Ông Trịnh Vĩnh Bình dựa trên tiền lệ này để quy ra số tiền đòi Chính phủ CSVN phải bồi thường cho hơn 18 tháng Việt Nam giam giữ ông.
Ông nói: “Tôi rất tiếc là chính phủ Việt Nam thay vì một vụ việc mà mình thấy mình sai, mình biết mình sai rồi thì giải quyết cho người ta êm đẹp, tức là ngăn ngừa không cho vụ này xảy ra tiếp. Đây là việc nên làm. Nhưng không, Việt Nam thường thường khi có một vụ xảy ra, người ta có khiếu nại hay muốn nói lên sự thật, thì lại tìm cách đàn áp nó xuống, dùng mọi hình thức đe dọa, đàn áp. Tôi cho đây là một cách thức mà khi sử dụng với những người Việt kiều thì gần như 80%, 90% là vô hiệu. Là vì những người Việt sống ở nước ngoài người ta đã hấp thụ được cái gọi là trật tự xã hội, pháp luật ở bên ngoài. Người ta cho rằng đó là quyền của người ta. Người ta được bảo vệ. Còn Việt Nam thì không vậy. Quyền ở trong tay tôi. Trong tay tôi thì tôi có thể làm.”
Về phía mình, Chính phủ CSVN lần này thuê tổ hợp Luật sư nổi tiếng của Anh, Freshfields Bruckhaus Deringer LLP.
Ước mơ, hoài bão xây dựng quê hương đã được ông Trịnh Vĩnh Bình rất nhiều lần, bằng nhiều cách, trình bày với các cơ quan chức năng của Việt Nam, như trong một văn bản ông đã gửi cách đây 7 năm:
“Nếu tài sản nhỏ nhoi của gia đình tôi có bị quan chức Vũng Tàu tìm cách tịch thu (để họ ngấm ngầm chia chác nhau bằng nhiều cách, như họ đang luồn lách, tha hồ mà làm như hiện nay), thì nó sẽ không có giá trị gì đối với đất nước Việt Nam. Điều làm cho tài sản gia đình tôi có lợi ích đối với đất nước Việt Nam chính là phải để nó tiếp tục sản xuất sinh nở ra những lợi ích tự nhiên, làm tấm bảng quảng cáo mạnh cho việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài, khích lệ thu hút sự đóng góp tích cực từ khối kiều bào… đó mới là có lợi.”
Nhưng ước mơ đó không thành. Phiên xử giữa doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, một nhà đầu tư Hoà Lan gốc Việt, kiện chính phủ Việt Nam “vi phạm thỏa thuận”, với mức đòi bồi thường “tối thiểu 1,25 tỷ USD” [xem bảng đối chiếu các số tiền], bắt đầu diễn ra hôm 21/8 tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris, Pháp. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã ngưng tiếp xúc với báo chí.
Sự im lặng không tiết lộ nội dung sự việc như là một phần nghĩa vụ theo thông lệ dành cho bên thắng kiện, khi xử ở Tòa Trọng Tài, để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến uy tín của bên thua kiện. Thủ tục xét xử của Tòa Trọng Tài rất khác với Tòa án truyền thống, nó luôn bảo đảm được yếu tố bí mật sự việc, những người không liên quan sự việc sẽ không được phép tham dự, trong suốt thời gian xét xử bên nguyên lẫn bên bị không được phép tiết lộ, cung cấp tin tức sự việc cho báo chí. Thậm chí là phải giữ bí mật về bản án thi hành sau đó. 
Nhưng, theo quy trình tố tụng trọng tài tại Tòa án ICC, mọi phán quyết đều sẽ mang tính ràng buộc đối với các bên. Bằng việc đưa tranh chấp ra trọng tài theo quy tắc này, ông Bình và chính phủ Việt Nam phải thi hành bất kỳ phán quyết nào mà không có sự chậm trễ.
Nhìn vào vụ kiện Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho biết về quy trình xử kiện sắp tới: “Xử, xong rồi giả dụ [Tòa trọng tài] có đưa ra một kết luận là phải trả, thì đương nhiên họ sẽ có quyền và bằng cách nào đó nắm tài sản của Việt Nam. Cả cái Âu châu nó lớn. Nếu là Tòa quốc tế thì họ phải chặn account [tài khoản] của chính phủ Việt Nam”. Cựu chuyên viên của Liên Hiệp Quốc nói thêm: “Tôi nghĩ là để cho họ [Trung tâm Trọng tài Quốc tế] làm. Rồi sau đó Việt Nam học được một bài học. Chả có cách gì khác. Phải để cho nó xảy ra. Trừ phi bây giờ Việt Nam xin nộp lại tất cả những thứ đó, trả lại ngay lập tức, rồi thì quan tòa có thể kêu thôi và bỏ [việc xét xử]”.
Nhà báo Nguyên Bình, con gái tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nói với VOA: “Làm sao mà thắng được? Một là mình không có thầy kiện giỏi. Hai là người ta đã nghiên cứu kỹ rồi. Người ta cũng thông thạo luật pháp quốc tế rồi. Thế thì chuyện thua là phần lớn hơn là không thua. Mà đã thua rồi thì mất rất nhiều thứ. Không những về kinh tế, mà còn về chính trị, ngoại giao. Cái đấy là chắc chắn rồi”. Theo bà: “Việt Nam chỉ có cách thương lượng với ông Trịnh Vĩnh Bình và xin lỗi ông ấy. Việt Nam bây giờ đang thiếu tiền, thiếu vốn, muốn kêu gọi Việt kiều cũng như các nhà đầu tư ở các nước vào đầu tư, mà nếu vụ này phanh phui ra và bị thất bại thì ảnh hưởng sẽ rất lớn. Chẳng biết ai người ta còn muốn vào Việt Nam đầu tư kiểu này nữa không?” Theo bà Nguyên Bình: “Về lâu dài, phải dân chủ hóa. Phải không được kỳ thị những người giỏi về luật pháp và có kinh nghiệm làm ăn quốc tế. Chứ còn bây giờ cái gì cũng Đảng. Mà Đảng thì không hiểu biết gì về làm ăn kinh tế. Một ông chưa bao giờ đọc một cuốn sách về kinh tế mà lại cứ lãnh đạo và quyết định mọi thứ, thì thua là cái chắc. Không phải thua một ông Trịnh Vĩnh Bình này, mà còn có thể thua rất nhiều trong những vụ làm ăn với châu Âu”.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoà Lan, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nói: “Trước đây đã có thỏa thuận ngoài tòa, nghĩa là Việt Nam đã phải lùi một bước. Lần này liệu còn có đất lùi nữa hay không là tùy vào sự chuẩn bị của đội ngũ luật sư mà trong nước đã phải bỏ tiền ra thuê rất đắt. Nhóm lợi ích thu về được một ít tiền của ông Bình, không biết có nổi dăm triệu không, mà bây giờ nếu phải đền bù có thể lên đến nhiều trăm triệu đôla. Tiền này ai gánh chịu? Người dân và doanh nghiệp Việt Nam đóng thuế ở Việt Nam è cổ bỏ tiền thuê luật sư để cãi cho những người mà chính luật pháp Việt Nam cũng đã bỏ tù họ”.
Sở dĩ ông Bình phải tiến hành vụ kiện thứ 2 là vì Nhà nước CSVN buộc ông phải làm như vậy; là vì họ không thi hành đầy đủ các cam kết với ông Bình theo như Thỏa thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006, đó là việc trả lại tài sản đất đai và nhà xưởng đã tịch thu của ông Bình. Nên nhớ việc Chính phủ cam kết trả lại tài sản “hợp lý” cho ông Bình theo như Thoả thuận tại Tòa trọng tài Singapore vào năm 2006 không phải là một bản án được phán quyết của Tòa Trọng tài, để được áp dụng hình thức chế tài được hỗ trợ thực hiện bởi bên thứ ba. Có lẽ không có chế tài bởi bên thứ ba là lý do để Chính phủ CSVN “làm lơ” không thực hiện đầy đủ cam kết của mình đối với ông Bình; và ông Bình không thể nhờ một bên thứ ba chế tài Chính Phủ VN để thi hành cái Thỏa thuận đã ký ở Singapore. Vì vậy ông Bình phải đi kiện lại, ra Tòa trọng tài, nhằm có một bản án chính thức để đảm bảo cho sự chế tài được hỗ trợ bởi bên thứ ba. Lần này, khi bản án được xét xử theo thủ tục tố tụng được Tòa Trọng tài ở Paris đưa ra, nó sẽ có giá trị thi hành ở hơn 150 quốc gia đã tham gia ký kết Công ước New York 1958 công nhận và thi hành phán quyết của Tòa trọng tài. Lúc đó, luật sư của ông Bình sẽ truy tìm tiền và tài sản của Chính phủ CSVN nằm trên lãnh thổ của 150 quốc gia này để yêu cầu Tòa án ở quốc gia ấy phong tỏa tài sản và nhờ thi hành bản án của Tòa trọng tài.
Chuyện Nhà nước CSVN “làm lơ” không thi hành thỏa hiệp ở Singapore khiến số tiền chỉ từ 150 ngàn đô la với tiền bồi thường tài sản có thể vài chục triệu đô la, nay lên tới 2,25 tỷ đô la. Nó khiến dư luận không quên cái tham thành “thâm” của CSVN trong 2 vụ án trước đây. Đó là:
Vụ Liên Đoàn Bóng Tròn VN thua vì tham và “thiếu hiểu biết” luật quốc tế:
Vụ việc bắt đầu khi Liên Đoàn Bóng đá VN sa thải ông Letard vào năm 2002. Ban đầu ông Letard đã khiếu nại vụ việc lên Liên Đoàn Bóng Tròn Thế Giới (FIFA) để yêu cầu Việt Nam bồi thường vì đã vi phạm hợp đồng. FIFA ra quyết định giải quyết khiếu nại với kết luận nghiên về phía Việt Nam, xử thua ông Letard. Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của FIFA, ông Letard đã khởi kiện ra Tòa Trọng tài Thể thao ở Thụy sĩ. Tòa Trọng tài Thể thao thụ lý sự việc và thông báo cho Liên Đoàn Bóng Tròn VN biết và yêu cầu Liên đoàn bóng tròn VN cung cấp tin tức sự việc, cũng như phản hồi các cáo buộc của ông Letard. Nhưng Liên đoàn bóng tròn Việt Nam không chịu cung cấp tin tức theo yêu cầu của tòa. Thậm chí khi được triệu tập đến phiên tòa để xét xử Liên Đoàn Bóng tròn Việt Nam cũng chẳng thèm tham dự.
Lý do của việc “không quan tâm đến vụ kiện” là do các quan chức lãnh đạo của Liên đoàn Bóng tròn VN khi đó cho rằng đã có kết quả giải quyết cuối cùng của FIFA, kiện ra Tòa Trọng tài Thể Thao ở Thụy sĩ không phải là phương phức để giải quyết tranh chấp theo như hợp đồng ký kết, nên nó không có giá trị. Với lại kiện ra tòa Thụy Sỹ, nếu thua “ở Việt Nam ta không chấp hành thì làm gì được nhau”. Kết quả là Tòa trọng tài Thể thao xử ông Letard thắng kiện, yêu cầu Liên Đoàn Bóng tròn VN bồi thường hợp đồng cho ông Letard với số tiền gần 200 ngàn đô la; nếu không thi hành án thì Liên Đoàn Bóng tròn VN sẽ bị cấm tham gia tất cả các giải đấu bóng đá theo hệ thống FIFA trong 2 năm.
  1. Vụ Vietnam Arlines (VNA) thua vì xem thường tòa án quốc tế
Sự việc bắt đầu với một ông người Ý tên Liberati kiện Vietnam Arlines (VNA) ra Tòa án Roma ở Ý, yêu cầu VNA trả tiền chi chí phí cho ông vì VNA đã Ủy quyền cho một Đại lý VNA thuê ông làm việc. Đại lý này bị phá sản, ông đòi tiền VNA. Phiên tòa mở ra, tòa triệu tập nhưng VNA cũng không cử người tham dự vì nó “chả liên quan gì đến ta“. Sự vắng mặt của “bị đơn” khiến Tòa án Ý nhanh chóng tuyên Liberati thắng kiện, buộc VNA phải thanh toán cho bên nguyên đơn 1,3 triệu euro. Nhưng VNA “làm lơ”, án này không thi hành được, vì Ý không có gì để chế tài được VNA. Nhưng gần 7 năm sau, năm 2002, luật sư của Liberati phát hiện VNA đang có một tài khoản triệu đô ở nước Pháp. Thi hành ở Ý không được thì nhờ Pháp “thi hành hộ”. Giữa Ý và Pháp đều thuộc khối Liên minh Châu Âu. Đây là một Liên minh gần như nhất thể hóa về chính trị, ngoại giao và tương trợ tư pháp rất chặt chẽ. Thế là tòa án ở Pháp nhanh chóng ra quyết định phong tỏa tài khoản triệu đô của VNA tại Pháp để bảo đảm  thi hành án. Điều buồn cười trong vụ này, lúc đầu VNA chỉ bị yêu cầu thanh toán là 1,3 triệu euro, nhưng không chịu thi hành ngay, mà đi thuê luật sư để “gỡ” vụ phong tỏa tài sản ở Pháp, nhưng bất thành. Kết quả cuối cùng là VNA phải thanh toán bồi thường cho ông Liberati 5,2 triệu euro, vì phải thanh toán thêm tiền lãi suất của nhiều năm và thanh toán luôn chi phí luật sư.
Bây giờ đến vụ Trịnh Vĩnh Bình, con đường thua đau dẫn CSVN đến chân tường chuyển hóa lòng tham của từng cấp lãnh đạo sang lối dân chủ pháp trị, nếu không muốn bị sụp đổ, vì sức đẩy của toàn dân “Chống Tài Diệt Việt Cộng” càng lúc càng dâng cao.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?