Tin Việt Nam – 29/09/2017

Tin Việt Nam – 29/09/2017

Đề nghị Trung ương kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh

Ủy Ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam có thông báo liên quan việc kỷ luật đối với hai cán bộ cao cấp nhất của thành phố Đà Nẵng.
Theo đó ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bị đề nghị lên Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương của đảng cộng sản  Việt Nam để thi hành kỷ luật.
Còn ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kỷ luật cảnh cáo.
Ngoài ra Ủy ban kiểm tra trung ương còn đề nghị Bộ chính trị kỷ luật Ban thường vụ thành ủy Đà Nẵng đương nhiệm.
Xin nhắc lại là ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật sau khi bị cho là đã nhận quà biếu là một chiếc xe hơi của doanh nghiệp tư nhân, cũng như sử dụng nhà ở của họ. Ngoài ra ông còn bị cho là sai phạm trong việc bổ nhiệm nhân sự cũng như chỉ định thầu các công trình xây dựng một cách trái phép. Một sai phạm nữa của ông này được nói là không trung thực trong kê khai bằng cấp.
Ông Huỳnh Đức Thơ thì bị cho là đã sai phạm trong việc quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng.

Tổng thống Trump và phu nhân sẽ tới VN dự APEC

Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo thăm 5 quốc gia châu Á trong tháng 11, trong đó có chặng dừng tại Việt Nam dự hội nghị APEC.
Nhà Trắng cho hay hôm thứ Sáu rằng ông Trump sẽ thăm Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines từ 3 đến 14/11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy nghị trình thương mại của ông tại APEC ở Việt Nam và hội nghị ASEAN ở Philippines.
Hôm 31/5 khi thăm Nhà Trắng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã mời Tổng thống Donald Trump và Phu nhân cùng gia đình thăm chính thức Việt Nam, dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Giới chức Việt Nam cũng nói mối quan hệ dựa trên “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và thể chế chính trị của nhau”.
Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam đang là đối tác thương mại thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã lên trên 38,46 tỷ USD năm 2016.

Thanh Hóa kỷ luật quan chức vụ Quỳnh Anh

Một phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật khiển trách và một giám đốc sở phải ‘kiểm điểm sâu sắc’ vì quá trình thăng chức của bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Tuy nhiên, không thấy báo chí Việt Nam nói chính quyền có tìm hiểu gì không về các khoản tài sản rất lớn được cho là của người phụ nữ này.
Bà Quỳnh Anh được biết đến nhiều hơn trên mặt báo Việt Nam với cái tên ‘hot girl xứ Thanh’ và hiện đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.
Hôm 29/09, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã bỏ phiếu kỷ luật cán bộ lãnh đạo của Sở Xây dựng tỉnh này giai đoạn 2010-2015.
Hai nhân vật bị nêu tên, theo các báo Việt Nam là ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng.
Ông Tuấn phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Còn đương kim Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá, ông Đào Vũ Việt thì phải “kiểm điểm sâu sắc”.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh từng làm Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Thăng tiến nhanh và có tài sản lớn?
Dư luận ở Việt Nam từ hai năm qua chú ý nhiều đến vụ bà Quỳnh Anh, ‘quan lộ thần tốc’ và tài sản lớn của bà.
Theo VietnamNet hồi tháng 4/2017, dù còn rất trẻ, Trần Vũ Quỳnh Anh “không chỉ sở hữu nhiều ngôi nhà trị giá hàng chục tỷ đồng” tính đến năm 2015, mà còn có chiếc Cadillac Escalade ESV Platinum gần như độc nhất Việt Nam lúc đó.
Báo này cho hay chiếc xe sau khi nhập về Việt Nam và đóng thuế, đăng ký giấy tờ có trị giá 6 tỷ VND.
Tuy nhiên, cũng VietnamNet trong tháng 4 trích Phó trưởng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh nói:
Cần bảo vệ uy tín, hình ảnh của các lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói chung và Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nói riêngTỉnh ủy Thanh Hóa
“Đối tượng đó (bà Quỳnh Anh đã nghỉ việc) không còn là đối tượng kê khai tài sản nữa nên xét về nghĩa vụ kê khai, giải trình, thẩm quyền xác minh điều tra không còn điều chỉnh theo quy định pháp luật về phòng chống tham tham nhũng nữa.”
Ông cũng nói, “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện vi phạm pháp luật vẫn có thể xem xét. Điều chỉnh này là với một công dân bình thường”.
Tuy thế, báo chí Việt Nam không nói rõ là từ thời điểm ông Khánh phát biểu và lúc bà Quỳnh Anh chỉ bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản thì bà Quỳnh Anh chỉ là một “công dân bình thường” hay vẫn ở hàng ngũ của đảng cầm quyền.
Dư luận Thanh Hóa và cả nước chú ý đến tin tức về những khoản tài sản này còn vì Thanh Hóa đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh, thành có số lượng hộ nghèo lớn nhất Việt Nam năm 2016.
Hồi tháng 9/2016, báo chí Việt Nam rộ lên việc Bí thứ Tỉnh Trị́nh Văn Chiến yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra và “kịp thời ngăn chặn việc đưa các thông tin không chính xác nêu trên; bảo vệ uy tín, hình ảnh của các lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói chung và Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nói riêng”.
Theo Tỉnh uỷ Thanh Hóa, các tin “bịa đặt” này có ảnh hưởng xấu đến “tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đầu tư, hình ảnh, vị thế của tỉnh Thanh Hoá và uy tín, hình ảnh của các lãnh đạo” của tỉnh này.
Ông Trịnh Văn Chiến cũng nói với báo chí, khẳng định thông tin trên mạng xã hội về “tài sản của bồ nhí Bí thư Thanh Hóa” là bịa đặt.
Sau đó, sang năm 2017, một quyết định của Thanh Hóa hồi năm 2015 phong bà Quỳnh Anh làm Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng đã bị thanh tra.

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Công an bắt tiếp người của PVC

Bộ Công an Việt Nam khởi tố bị can, bắt hai người của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), liên quan vụ án “Trịnh Xuân Thanh”.
Ông Trịnh Xuân Thanh từng là Tổng giám đốc PVC vào tháng 12/2007, rồi Chủ tịch PVC từ tháng 2/2009.
Hôm 29/9, Bộ Công an Việt Nam nói Chánh văn phòng PVC Bùi Mạnh Hiển và nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC Nguyễn Đức Hưng đã bị bắt và khởi tố bị can.
Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh bị khởi tố bị can nhưng tạm thời chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ba người này bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”.
Trước đó một loạt lãnh đạo của PVC, gồm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, đều đã bị bắt.
Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh từ Berlin – cáo buộc mà Hà Nội không thừa nhận.
Trong số người bị khởi tố và tạm giam còn có Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC,
Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC.
Đây là một phần trong cuộc điều tra lớn nhắm vào Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Hôm 26/9, công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Đình Mậu, kế toán trưởng PVN.
Ông Mậu bị bắt vì liên quan đến vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị công an điều tra về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty PVC, gây thất thoát, thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng và điều tra về vụ án Tham ô tài sản liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án Thanh Hà – Cienco 5 Land.

Vụ OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình,

Hà Văn Thắm chung thân

Nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình còn cựu chủ tịch Hà Văn Thắm nhận án chung thân, sau phiên tòa tuyên án sáng 29/9, theo báo Tuổi Trẻ.
Cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình về ba tội: tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân vì bốn tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
Những bị cáo khác như Nguyễn Minh Thu, cũng nguyên TGD Oceanbank bị kết án 22 năm tù về tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, bị phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định trong cho vay , tổng hợp với hình phạt trong vụ án trước đó, phải chấp hành hình phạt chung 30 năm tù.
Bà Hứa Thị Phấn bị phạt 17 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cho vay không đảm bảo, sai quy định
HĐXX kết luận Hà Văn Thắm đã cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo tiền góp vốn, không có tài sản đảm bảo.
“Ông Danh vay 500 tỉ đồng để thanh toán các khoản vay cho nhóm bà Hứa Thị Phấn chứ không phải để thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng, tuy nhiên Thắm vẫn duyệt cho Danh vay.
“Hành vi của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn đã phạm vào tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời HĐXX.
Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hơn 300 tỉ
HĐXX kết luận trong thời gian làm tổng giám đốc OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt hơn 60 tỉ từ việc thu phí tỉ giá ngoại tệ thông qua công ty BSC do Thắm lập.
Thêm vào đó, trong số tiền hơn 1.500 tỉ của Oceanbank mà Hà Văn Thắm cố ý làm trái, 246 tỉ đã đưa cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng. Trong khi đó PVN đã góp vốn tương ứng 20% vốn điều lệ của Oceanbank, tức Sơn đã chiếm đoạt 49 tỉ của PVN, của ngân sách nhà nước.
Hà Văn Thắm, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 1.500 tỉ
Năm 2011, khi là Chủ tịch HĐQT của Oceanbank, Hà Văn Thắm ra chủ trương chi ngoài lãi suất huy động vốn. Từ 2011-2014, Oceanbank đã chi hơn 1.576 tỉ đồng.
Theo HĐXX, điều này đã dẫn đến lỗ luỹ kế trên 10.000 tỉ đồng, nợ xấu hơn 14.000 tỉ, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, khiến Ngân Hàng Nhà Nước phải đưa OceanBank vào dạng kiểm soát đặc biệt.
Sau đó NHNN đã mua lại Oceanbank với giá 0 đồng và phải gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho OceanBank.
Thêm vào đó, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào OceanBank mất 800 tỉ đồng còn Tổng công ty xây dựng Sông Đà mất hơn 200 tỉ đồng.
Và khi còn là đối tác chiến lược, không chỉ PVN mà các công ty con, đối tác chiến lược,… đều gửi tiền ở OceanBank, thời điểm cao nhất 30.000 tỉ.
Theo báo Dân Trí, Hà Văn Thắm và các bị cáo liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 1.500 tỉ thất thoát, trừ số tiền Sơn đã chiếm đoạt.
Trong khi đó ông Sơn phải bồi thường hơn 60 tỉ chiếm đoạt thông qua công ty BSC, 49 tỉ cho PVN và gần 200 tỉ còn lại cho Oceanbank.

Bắt Dũng Phi Hổ: Công an Nghệ An bỏ của chạy lấy người

Nguyễn Tường Thụy
Cựu Tù nhân Lương tâm Nguyễn Viết Dũng (nickname facebook là Dũng Phi Hổ) bị bắt lại vào lúc 12 giờ trưa ngày 27/9/2017.
Chỉ vài phút sau, thông tin về việc Dũng bị bắt được bạn bè anh đưa lên mạng xã hội.
Theo đó, vào lúc 12 giờ, khi Nguyễn Việt Dũng đi ăn trưa cùng bạn ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thì anh bị một nhóm mặc thường phục bắt lên xe và đưa đi. Có trang còn kể rõ nhóm này có khoảng 10 tên, đi trên 1 chiếc xe 7 chỗ và 3 xe máy.
Như vậy, trong đợt bố ráp mạnh nhất trong gần 2 tháng nay, Nguyễn Viết Dũng là người thứ 6 bị bắt (trước đó là Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Trực và Nguyễn Văn Túc). Tất cả đều là cựu Tù nhân Lương tâm.
Thông tin này lập tức được đăng rộng rãi trên các trang facebook và blog.
Tuy nhiên, phải gần 8 giờ sau, truyền thông Nghệ An mới đưa tin. Trang Truyền hình Nghệ An đăng một thông cáo báo chí về việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng.
Cần khẳng định rằng, cũng như những tù nhân lương tâm khác, hành vi của Nguyễn Viết Dũng không thể cấu thành cái gọi là “tội phạm” so với pháp lý phổ quát và kể cả so với pháp luật do chính nhà nước Việt Nam đặt ra. Ngược lại, họ là những người có công đối với đất nước và nhân dân. Hành vi của họ bị nhà cầm quyền kết tội nhưng luôn hướng tới những điều tốt đẹp cho dân, cho nước. Vì vậy, nhà cầm quyền luôn luôn bị phản đối sau mỗi vụ bắt người hoạt động dân chủ, nhân quyền. Tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối đang bị lên án gay gắt. Ở đây, chỉ vạch ra lối nói một đằng, làm một nẻo, ngang ngược và bất chấp pháp luật của công an tỉnh Nghệ An trong vụ này.
Thứ nhất, “thông cáo báo chí” của cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ An nhắc đến “lệnh bắt” nhưng rất chung chung, không nói cụ thể lệnh bắt như thế nào, cơ quan nào ra lệnh, ngày ký lệnh… Trong khi đó, yêu cầu của một thông cáo báo chí là “việc ra thông cáo báo chí phải đảm bảo cung cấp cho các cơ quan báo chí thông tin chính thống, kịp thời, đầy đủ và chính xác về: tên văn bản; ngày, tháng, năm ban hành; cơ quan ban hành; hiệu lực thi hành…”
Thứ hai, thông cáo nói bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng. Vậy công an tỉnh Nghệ An có được bắt Dũng khẩn cấp không?
Bộ luật Tố tụng hình sự qui định về những trường hợp được bắt khẩn cấp như sau:
a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.
Thế nhưng, trường hợp Nguyễn Viết Dũng không hề có căn cứ nào để công an Nghệ An phải bắt khẩn cấp.
Thứ ba là “thông cáo” nói bắt Nguyễn Viết Dũng “theo đúng qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự”. Vậy thử xem họ thực hiện cái “qui định” này như thế nào?
Những người chứng kiến bắt Nguyễn Viết Dũng cho biết nhóm người bắt anh không có một ai mặc quân phục, ập vào quán ăn bắt anh đi và đương nhiên là không hề có chuyện đọc lệnh bắt. Những người chứng kiến cho biết Dũng bị chúng đánh đập và đẩy lên xe như đối xử với một con vật. Những người đi cùng Dũng đều bị đuổi đánh. Thực chất đây là một vụ bắt cóc.
Điều khôi hài hơn là “thi hành lệnh bắt” mà khi bị quần chúng phát giác, công an Nghệ An đã hoảng hốt vứt cả xe máy lại để thoát thân. Chiếc xe này đã tháo biển số 37-L1 261.57 giấu ở trong cốp. Tại sao phải giấu biển số xe khi “thi hành công vụ? Mở cốp xe ra, ngoài biển số, bà con còn thấy một còng số 8, một số giấy tờ và thật là ngạc nhiên khi thấy trong đó có cả một vỉ… bao cao su dùng dở (vì chỉ còn 3 cái).
Thì ra, cái gọi là bắt người theo qui định của pháp luật của cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ An là như vậy. Thật đáng xấu hổ. Nhưng ngay đến chuyện Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước “đầu thú” cũng còn đúng qui trình pháp luật thì cái sự bắt Nguyễn Viết Dũng là chuyện thường của đất nước quen xài luật rừng này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Luật sư: ‘Nguyễn Xuân Sơn sẽ kháng cáo bản án tử hình’

Luật sư của ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc OceanBank nói thân chủ của ông sẽ kháng cáo bản án tử hình vừa tuyên hôm 29/9.
Ông Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư bào chữa trong vụ án tham nhũng của ngành ngân hàng chiếm đoạt hàng chục triệu đôla nói với VOA:
“Sau khi nghe tuyên án xong, tôi có gặp gỡ bị cáo – thân chủ của tôi là Nguyễn Xuân Sơn cho biết sẽ kháng cáo, kêu oan về tội tham ô và tội lạm quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.”
Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhận định rằng phiên tòa hôm 29/9 tại Hà Nội tuyên thân chủ của ông án tử hình là không có căn cứ pháp luật:
“Chúng tôi khẳng định rằng không đủ căn cứ để kết ông Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng những luận cứ, luận điểm, luận chứng để chứng minh cho lời bào chữa của chúng tôi. Nhưng Viện kiểm sát cũng không có những tranh luận gì về những vấn do chúng tôi đưa ra về mặt pháp lý cả. Vì vậy, chúng tôi cho rằng bản án hôm nay tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô là một bản án không có căn cứ pháp luật.”
Chúng tôi cho rằng bản án hôm nay tuyên tử hình Nguyễn Xuân Sơn về tội tham ô là một bản án không có căn cứ pháp luật.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm
Hãng tin Reuters hôm 29/9 nói rằng ông Sơn, 55 tuổi, là nhân vật chủ chốt trong số 51 người đang bị xét xử trong vụ một ngân hàng cổ phần thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, gây chấn động cả nước, thường được gọi là “đại án kinh tế OceanBank.”
Cũng trong vụ án này, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank, bị tòa tuyên án tù chung thân.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra nhận định về những bản án này:
“Bản án đối với hai bị cáo này và nhiều bị cáo khác tôi cho rằng là thỏa đáng và phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề người ta đang quan tâm là những lời khai của ông Sơn và ông Thắm trước tòa cần phải tiếp tục làm rõ. Số tiền mà tặng làm quà cho người này, người kia trong dịp Tết, dịp lễ thì ông Sơn chưa nói cụ thể. Có lẽ nên tiếp tục làm rõ thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới có hiệu quả và tạo niềm tin của người dân.”
Bản án đối với hai bị cáo này và nhiều bị cáo khác tôi cho rằng là thỏa đáng và phù hợp.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đối với hành vi tham ô, truyền thông trong nước trích lời hội đồng xét xử nhận định rằng ông Sơn khai đã nhận tiền từ ông Thắm rồi sau đó chi cho việc ngoại giao, lễ tết…
Ông Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN).
Hãng tin AP trích lời thẩm phán Trương Viết Toàn trong phiên tòa ngày 29/9 nói rằng nạn tham nhũng diễn ra trong các thành viên của Đảng Cộng sản và công chức chính quyền đang đe dọa sự sống còn của chế độ:
“Các hành vi của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thám đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm lợi ích của nhà nước và các tổ chức, gây ra sự phẫn nộ trong nhân dân cho nên cần phải xử nghiêm… trong cuộc chiến chống tội phạm nói chung và chống tham nhũng cụ thể trong thời điểm hiện nay.”
Ông Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội tham ô 2 triệu đôla và lạm dụng quyền lực biển thủ thêm 8,7 triệu đôla Mỹ từ Ocean Bank, một ngân hàng cổ phần trong đó PVN đã sở hữu 20 % cổ phần.
Hãng tin Reuters trích lời giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia nói rằng: “Những bản án khắc nghiệt này chủ yếu nhằm để răn đe công chúng, chứ ít có tác dụng nếu không cải thiện bộ máy nhà nước độc đảng.”
Bản án tử hình ông Nguyễn Xuân Sơn là bản án lần đầu tiên trong nhiều năm qua đối với một cựu quan chức cao cấp và diễn ra giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng tràn lan đang hồi khốc liệt và thao túng trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trước đó ông Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Vinalines cũng đã bị án tử hình vào năm 2014. Nhưng cho đến nay, theo Reuters, ông Sơn là quan chức cao cấp nhất bị án tử hình.
Đảng Cộng sản cầm quyền ngày càng cứng rắn hơn về nạn tham nhũng khi cơ quan an ninh của Việt Nam có thêm quyền lực vào năm ngoái và hất cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường.
Một số nhà phê bình cáo buộc rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam đang săn đuổi phù thuỷ sau khi tiến hành các cuộc điều tra liên quan đến những nhân vật cao cấp dưới thời của ông Dũng.
Reuters nói rằng các cuộc điều tra đang nhằm vào công ty PVN, nơi mà ông Đinh La Thăng, từng là cựu Chủ tịch, đã mất chức ủy viên Bộ Chính trị, và cựu Phó Thống đốc ngân hàng nhà Nước Đặng Thanh Bình vừa bị truy tố.
Một số luật sư và nhà quan sát đề nghị không nêu tên nói với VOA rằng họ không loại trừ khả năng nhà chức trách Việt Nam sẽ có hành động pháp lý đối với ông Đinh La Thăng.
Cuộc điều tra của PVN cũng thu hút sự chú ý của toàn cầu khi Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc cựu giám đốc điều hành Trịnh Xuân Thành tại Berlin và đưa về Hà Nội vào tháng 7 để xét xử trong một vụ án tham nhũng khác.
Theo công bố gần đây Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 113 trong số 176 nước trong bảng xếp hạng toàn cầu 2016.
Tháng 3 năm nay, một khảo sát của Minh bạch Quốc tế cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ tham nhũng trong số 16 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Các ban chỉ đạo đặc biệt, mục đích chính trị hay phát triển?

Kính Hòa RFA
Trong tổ chức chính trị của Việt Nam hiện nay có ba ban chỉ đạo cấp vùng, ở ba vùng địa lý khác nhau của Việt Nam là Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam bộ.
Hoạt động của các ban này như thế nào? Nhằm mục đích gì?
Các vấn đề tôn giáo và sắc tộc
Ban chỉ đạo Tây Bắc được thành lập vào năm 2004, phụ trách các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam. Hiện đứng đầu Ban này là ông Nguyễn Văn Bình, một Ủy viên Bộ chính trị.
Ban chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập vào năm 2002, phụ trách một vùng rộng lớn ở cao nguyên Trung phần Việt Nam. Người phụ trách ban này là Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thành lập vào năm 2004, phụ trách khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay ban này do Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ chính trị Vương Đình Huệ đứng đầu.
Việc chỉ đạo, quản lý các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam, đã gây ra những hậu quả lớn về nhân quyền, vi phạm nhân quyền.
-Nhà báo Phạm Chí Dũng.
Sự thành lập các ban này được thực hiện bởi các quyết định của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, chứ không phải do Chính phủ Việt Nam ban hành. Trong các sắc lệnh thành lập các ban chỉ đạo đặc biệt đều có ghi rằng nhiệm cụ của các ban chỉ đạo là xác định phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ba vùng đất Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam bộ có một đặc điểm chung là có nhiều sắc tộc thiểu số, và những giáo hội tôn giáo mà nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo không công nhận.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, người từng làm việc trong cơ quan an ninh Việt Nam cho biết:
“Các vấn đề tôn giáo và sắc tộc là những yêu cầu để thành lập ba ban này. Trước đây Chính phủ có từ 18 đến 20 ban thì có ba ban chỉ đạo đặc biệt, tức là ba vùng Tây, gọi là ba Tây, gồm Tây Bắc, chủ yếu là vấn đề đạo Tin Lành, sau này có đạo Dương Văn Mình. Tây Nguyên cũng đạo Tin Lành, Tây Nam thì có Đạo Phật giáo Hòa Hảo.”
Vào năm 2015, một bản tin trên truyền hình Việt Nam có tường thuật về một buổi họp của Ban chỉ đạo Tây Bắc, trong đó các vị đại biểu có nhấn mạnh đến chuyện là không để các đối tượng xấu lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trước đó, vào năm 2011, tại vùng Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có một cuộc biểu tình của một số người dân tộc thiểu số Hmong có liên quan đến những tổ chức tôn giáo của họ mà Chính phủ không công nhận. Chính quyền đã huy động quân đội đến giữ trật tự. Nhiều người Hmong đã trốn chạy khỏi miền Tây Bắc sang Thái Lan tị nạn.
Tại Tây Nguyên, vào tháng Bảy năm nay, báo chí Việt Nam đưa tin nói rằng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã trở thành đầu mối chỉ đạo giải quyết những vấn đề chính trị, các cuộc biểu tình bạo động. Trong những năm 2001, 2004 vùng Tây Nguyên đã chứng kiến những cuộc biểu tình đòi tự trị của các sắc tộc thiểu số. Quân đội đã được điều động, và vùng Tây Nguyên bị cô lập trong vài ngày. Những sự việc này đã làm cho vài trăm người dân thiểu số bỏ chạy sang Campuchia và Thái Lan tị nạn.
Tại Tây Nam Bộ là những vấn đề giáo hội Phật giáo Hòa Hảo không được nhà nước công nhận. Sự kiện mới nhất là một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo là ông Vương Văn Thả bị bắt vào tháng Năm, 2017. Ngoài ra đôi khi tại vùng này cũng có những chuyện rắc rối với cộng đồng người Khmer Krom theo Phật giáo Tiểu thừa, như vào năm 2015, một số chùa của người Khmer phản đối chính quyền về việc sử dụng những con dấu khác nhau.
Ông Phạm Chí Dũng nhận xét về các ban chỉ đạo đặc biệt này:
“Việc chỉ đạo, quản lý các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam, đã gây ra những hậu quả lớn về nhân quyền, vi phạm nhân quyền. Mà đó là vấn đề cộng đồng quốc tế, Mỹ, phương Tây, châu Âu rất quan tâm, luôn luôn chỉ trích và lên án Việt Nam các vấn đề nhân quyền ở các khu vực đó.”
Kinh tế hay chính trị?
Như đã đề cập trong phần đầu, trong các sắc lệnh thành lập các ban chỉ đạo đặc biệt đều có ghi rằng nhiệm cụ của các ban chỉ đạo là xác định phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên theo một số nhà quan sát thì các ban này được thành lập cho mục đích chính trị mà thôi.
Nói chung là nó mang tính chất tư vấn cho trung ương, tham mưu làm tư vấn chứ không có quyền lực, quyền lực là ở các tỉnh.
-Ông Nguyễn Minh Nhị.
Cuối tháng 9/2017, sau một hội nghị lớn về phát triển bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một số viên chức cao cấp của chính phủ đã đề nghị thành lập một Ban điều phối chung cho hoạt động kinh tế và phát triển của vùng này. Chúng tôi có đặt câu hỏi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện biến đổi khí hậu tại Cần Thơ là tại sao không sử dụng một cơ cấu đã có sẳn là Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông trả lời:
“Ba cái ban của ba vùng đó nặng về vấn đề chính trị xã hội, chứ không phải những vấn đề kinh tế, vấn đề phát triển.”
Về quyền lực thực tế của ba ban này, có những ý kiến cho là nó không có quyền lực thực sự. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, nói với chúng tôi:
“Các ban này là các ban của đảng, theo dõi các tổ chức đảng ở các vùng ba Tây đó. Nói chung là nó mang tính chất tư vấn cho trung ương, tham mưu làm tư vấn chứ không có quyền lực, quyền lực là ở các tỉnh.”
Vào tháng 9, 2017, một vụ bê bối đã xảy ra tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho biết là đã kỷ luật hàng loạt cán bộ của ban này, kể cả ông Phó trưởng Ban Nguyễn Phong Quang. Nguyên nhân của việc kỷ luật này là do những sai phạm về quản lý đất đai, và bổ nhiệm nhân sự sai qui định.
Một cựu Ủy viên trung ương đảng không muốn tiết lộ danh tánh nói với chúng tôi:
Tôi nghĩ nó có những mặt được và những mặt chưa được. Nhưng phải nói là nó có tính trung gian nhiều, mà chuyện này thì hồi mới lập ra đã thấy là nó có tính trung gian. Bởi vì ở dưới là có cấp tỉnh, ở trên thì có cơ quan lãnh đạo chung của trung ương rồi. Nhưng vì nó có đặc thù là xa xôi hẻo lánh, khó khăn, đồng bào các dân tộc ít người, vì có đặc thù như thế nên mới sinh nó ra.”
Ông cho rằng có thể trong những kỳ họp của đảng cộng sản vào cuối năm nay, đảng sẽ quyết định có nên duy trì các ban chỉ đạo đặc biệt này hay không.
Ông Nguyễn Minh Nhị tiếp lời:
Đúng rồi, người ta cũng phê phán dữ lắm. Thì cái chuyện này người ta lập ra, mình đâu có quyền nói nó nên duy trì hay không, mà mình thấy nó như vậy. Nó có những cái rất là rắc rối, phiền phức, nhưng mà người ta lập ra thì người ta có yêu cầu của người ta mình đâu có biết.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì việc duy trì hay không các ban này phụ thuộc vào cách đánh giá tầm quan trọng của những vấn đề chính trị, nếu đảng cộng sản thấy những vấn đề chính trị vẫn là mối bận tâm hàng đầu thì họ vẫn sẽ duy trì các ban này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?