Tin Việt Nam – 28/09/2017
cho các phòng khám Trung Cộng lừa dân Việt
Hàng loạt các phòng khám của người Trung Cộng đã được ngành y tế cộng sản Việt Nam thông đồng, cấp phép cho hoạt động tại Sài Gòn, để lừa đảo tiền bạc và sức khoẻ của người bệnh Việt Nam.
Anh Trần Văn V. cho biết, anh bị viêm da cơ địa mức độ bình thường. Sau khi tìm hiểu trên mạng thấy phòng khám Đa khoa Thái Bình Dương (số 34 đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, Quận 1, Sài Gòn) quảng cáo chữa bệnh này rất hiệu quả, nên anh V. đã đến phòng khám này để khám. Khi vào phòng khám, anh V. không được đi tự do mà phải đi theo một nhân viên của phòng khám dẫn đi. Tại đây, anh V. bị thu 850 ngàn đồng tiền gặp “bác sĩ” người Việt để tư vấn các dịch vụ khám bệnh của phòng khám. Sau đó, anh V. bị thu tiếp 850 ngàn đồng tiền xét nghiệm máu và nước tiểu. Mất gần 2 triệu đồng đồng mà chưa có câu trả lời cho bệnh của mình, anh V. tiếp tục được dẫn vào phòng khám có “bác sĩ” là người nói hoàn toàn bằng tiếng Hoa, và được người khác dịch lại. Người nói tiếng Hoa cho biết, để chữa hết bệnh của anh V. thì phải mất 32 triệu đồng. Nghe xong anh V. không đồng ý thì người này hạ giá xuống 22 triệu đồng vì dùng thuốc rẻ hơn. Anh V. không đồng ý tiếp thì lại được hạ giá chữa bệnh xuống còn 12 triệu đồng.
Biết mình đã bị lừa nên anh V. ra về trong bất mãn. Anh V. cho biết, nếu chỉ khám và xét nghiệm như trên ở phòng khám người Việt thì anh chỉ tốn chừng trên dưới 500 ngàn đồng. Và bản thân anh không biết đây là phòng khám của người Trung CỘng nên mới đến khám.
Trước sự việc rất nhiều người dân Sài Gòn bị phòng khám Trung Cộng lừa đảo, phóng viên đã gọi điện đến đường dây nóng của Sở Y tế thành phố phản ánh. Nhân viên Sở Y tế khẳng định, các phòng khám người Trung Cộng đều được Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp phép.
An Nhiên / SBTN
Phản đối đàn áp cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy
Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào ngày 27 tháng 9 ra kháng thư phản đối việc đàn áp của cơ quan chức năng Việt Nam đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo và cũng là một cựu tù chính trị, ông Vương Văn Thả và gia đình ông này.
Kháng thư do đại diện các vị trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam thuật lại sự việc gia đình ông Vương Văn Thả vào ngày 18 tháng 5 vừa qua bị một lực lượng gồm cả trăm người, trong đó có cả công an sắc phục lẫn không mặc sắc phục và những thành phần bị cho là côn đồ, tấn công bằng vòi rồng.
Vào thời điểm đó trong gia đình ông Vương Văn Thả có 9 người gồm 1 cụ bà trên 80 tuổi, 1 cháu bé 6 tháng tuổi, 3 phụ nữ và 3 cậu con trai. Sau đợt tấn công, những người phụ nữ và trẻ em trong gia đình bị nhất được đưa đến bệnh viện; riêng ông Vương Văn Thả, cậu con trai Vương Văn Thuận và hai em Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Nhật Thương bị bắt.
Hơn 3 tháng sau, gia đình mới nhận được thông tin 4 người bị giam giữ tại nhà tù Bằng Lăng, Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang.
Một vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Điền, cho biết:
Khi bị bắt là tại huyện An Phú, tỉnh An Giang nên chúng tôi liên lạc Công an Tỉnh. Thế nhưng nay công an vẫn ‘bí mật’ nên không cho biết. Chỉ có những người đi thăm được thân nhân bị giam giữ nói là ông Thả bị biệt giam và nghe ông than vãn không chịu nổi. Những người này khi gặp thân nhân kể lại và từ đó kể lại cho gia đình ông Thả.
Kháng tư của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam cho rằng biện pháp mà lực lượng chức năng sử dụng đối với ông Vương Văn Thả và gia đình là không cần thiết; thậm chí vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu của công dân được công nhận trong Hiến Pháp Việt Nam cũng như Công Pháp Quốc Tế.
Ông Vương Văn Thả từng bị kết án tù 3 năm và mãn án vào tháng 8 năm ngoái. Lần đó ông bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Trước khi bị bắt lại vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Vương Văn Thả bắc loa lên tiếng tố cáo những sai lầm và tội ác của chính quyền Việt Nam hiện nay. Từ đó gia đình ông bị phong tỏa, cắt điện, cúp nước và ném đá, chửi bới, dọa nạt.
Giáo phận Vinh:
Hạt Đông Tháp tố cáo những bất ổn trên địa bàn
Các linh mục Công Giáo thuộc Giáo hạt Đông Tháp, Giáo phận Vinh vào ngày 22 tháng 9 gửi đơn đến các cơ quan chức năng huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An tố cáo về những bất ổn xảy ra trên địa bàn giáo xứ Đông Kiều, huyện Diễn Châu.
Theo đơn tố cáo thì do có những hiểu lầm về hai cột treo băng rôn ở đầu đường xóm 5 đi vào xóm 6 xã Diễn Châu, nơi có giáo xứ Đông Kiều và vụ việc không được chính quyền địa phương giải quyết thấu đáo. Do đó từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 20 tháng 9 tư gia, hàng quán của một số giáo dân bị côn đồ ném đá, phá hoại tài sản, dùng súng tấn công.
Vào ngày 20 tháng 9, những đoàn thể tại xã Diễn Mỹ còn mang cờ quốc gia Việt Nam, băng rôn, khẩu hiệu đi vào khu vực quanh nhà thờ Đông Kiều gây rối và đòi trục xuất linh mục quản xứ Nguyễn Ngọc Ngữ ra khỏi xã Diễn Mỹ.
Hành vi bị cho xúc phạm nghiêm trọng là những thành phần tấn công còn đập phá ảnh tượng thánh, dùng súng bắn vào ảnh tượng thánh của giáo dân.
Các linh mục thuộc Hạt Đông Tháp cho rằng những hành động vừa nêu vi phạm một số điều liên quan quyền tự do tôn giáo ghi trong Hiến Pháp Việt Nam; cũng như hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế về nhân quyền.
Những vị ký tên yêu cầu chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu và các sở ngành liên quan tiến hành điều tra tìm ra thủ phạm; chấm dứt những việc làm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc tại địa bàn xã Diễn Mỹ; chấm dứt sự khủng bố cả về tinh thần lẫn vật chất như được nêu ra trong đơn tố cáo.
Đến chiều ngày 28 tháng 9, Đài RFA liên lạc với Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Liêm, một trong những người ký tên trong đơn tố cáo và được cho biết:
Bản thân tôi chưa nhận được trả lời gì, không biết linh mục hạt trưởng có nhận được chưa chứ chúng tôi trong hạt chưa nhận được trả lời. Thường họ sẽ có thông báo hay mời đến họp để giải quyết vụ việc; tuy nhiên đối với vụ giáo xứ Đông Kiều thì chưa thấy gì.
Em gái phụ nữ Việt bị nan y có visa sang Mỹ ‘cứu chị’
Em gái bà Helen Huỳnh cuối cùng đã được chính phủ Hoa Kỳ cấp thị thực để sang California giúp chị mình tiến hành chữa trị bằng cách hiến tế bào gốc.
Trước đó truyền thông Mỹ đưa tin một phụ nữ gốc Việt bị ung thư máu và có thể được chữa trị bằng cách hiến ghép tế bào gốc, nhưng em gái bà người có mẫu tủy trùng khớp 100% lại bị từ chối nhập cảnh.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, em gái út của bà Helen sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã ba lần nộp đơn xin thị thực nhưng đều bị từ chối, vì lo sợ bà “trốn lại để định cư” tại Mỹ.
Từ tuyệt vọng đến hi vọng
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 28/9, ông Huỳnh Thơ Viện, chồng bà Helen Huỳnh cho biết:
“Chúng tôi giờ rất xúc động. Đây là tin chúng tôi đã mong đợi từ lâu.”
Sau khi biết tin, ông nói ông đã báo cho bà Helen biết để lấy tinh thần.
“Giờ tôi nghĩ nhà tôi cần tinh thần lạc quan. Nhà tôi đòi chết không à. Do thuốc nhiều quá nên nói năng cư xử mất kiểm soát.”
Bà Helen bị phát hiện ung thư bạch cầu từ hồi tháng Hai nhưng người bác sĩ đầu tiên đã không nhanh chóng phát hiện ra cho đến khi bà bị đưa đi cấp cứu ở một bệnh viện khác thì các bác sĩ phát hiện ung thư đã di căn qua nhiều cơ quan khác trên cơ thể.
“Cứ mỗi lần phát hiện bứu là lại chemo (hóa trị), cứ mỗi lần vậy là sức khỏe lại đi xuống trầm trọng.”
“Cách đây ba tuần các bác sĩ đã tập hợp gia đình lại nói gia đình hãy chuẩn bị nói lời cuối. Em gái thì lại bị từ chối thị thực lần thứ ba. Chúng tôi lúc đó đã tuyệt vọng quá rồi. Nhưng bác sĩ người ta họp lại quyết định thử loại thuốc thứ ba. Sau 48 tiếng mà không có hiệu quả thì chấm dứt điều trị, bế tắc luôn. Nhưng mà may mắn quá, sau 48 tiếng nhà tôi phục hồi và đã phục hồi dần ba tuần nay.”
“Hôm nay thì chúng tôi vừa được hai tin vui, sáng nay nhà tôi vừa đủ tiêu chuẩn thay tủy và em gái cũng vừa gọi qua cho biết là đã có được thị thực để qua Mỹ.”
Con gái cả của bà Helen, bà Yvonne Murray thì cho BBC biết: “Giờ là thời điểm quan trọng vì mẹ tôi giờ không có khối u nữa. Đây là thời điểm thích hợp để tiến hành cấy ghép tế bào gốc,”
Ba lần bị từ chối thị thực
Ông Viện kể lại em dâu ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy đã ba lần xin thị thực không thành công. Ông nói bà Thúy kể nhân viên phỏng vấn lúc đó không hề nhìn qua giấy tờ mà hai bệnh viện Hoa Kỳ xác nhận trùng khớp mẫu tủy, rồi tài sản hợp pháp bà Thúy có ở Việt Nam mà chỉ nhìn vào hộ chiếu trống trơn, chưa từng ra nước ngoài của bà Thúy và lắc đầu từ chối.
“Lúc mà biết tin em gái tôi bị từ chối lần thứ ba, chúng tôi rất là thất vọng.”
Ông Viện cho biết gia đình lúc đó cũng ở trong tình cảnh khó khăn.
“Tôi thì vừa mới mổ vai phải, cũng gần như là khuyết tật. Bà xã tôi thì ở bệnh viện, còn một con gái của chúng tôi thì bị bệnh down.”
Ông Viện cho biết gia đình sau đó tìm cách liên lạc với truyền thông Hoa Kỳ, và cũng chủ động liên hệ với dân biểu địa hạt 47, Alan Lowenthal.
Ông Lowenthal sau đó đã có một bài trình bày về tình cảnh của bà Helen Huỳnh trước quốc hội liên bang hôm 26/9.
“Sáng nay em dâu tôi đi phỏng vấn thì người ta phỏng vấn khoảng 15 phút mà ông phỏng vấn có vẻ là trưởng phòng, thay vì là nhân viên phỏng vấn như những lần trước. Sau đó họ nói với em tôi là thị thực đã được chấp thuận.
“Sau khi phỏng vấn về, em gái tôi vừa về đến nhà thì tổng lãnh sự gọi lên lấy thị thực. Họ còn nói thêm là ‘Bà sẽ được ở nước Mỹ ít nhất sáu tháng để giúp người chị điều trị. Tất cả chi phí xin visa chúng tôi sẽ trả lại hết, vì bà đi theo diện nhân đạo chứ không phải diện visa du lịch hay thăm viếng.’”
“Tôi rất là vui. Tôi thấy nước Mỹ rất dân chủ. Họ chịu nghe, họ sai là họ lập tức sửa ngay,” ông Viện vui mừng nói.
Bà Yvonne Ái-Vân Murray cho BBC biết bà chuẩn bị bắt chuyến bay hôm 28/9 về Việt Nam để đưa người dì út là bà Thúy qua càng sớm càng tốt để giúp bà Helen chữa trị.
Gia đình bà Helen cũng đã tạo một trang quyên góp trực tuyến tại GoFundMe.
Xin lỗi vì câu ‘rừng U Minh’ của ông Đoàn Ngọc Hải
Bí thư Quận ủy quận 1 (TPHCM) Huỳnh Thanh Hải đã thay mặt Thường trực Quận ủy quận 1 ký thư xin lỗi Cà Mau vì phát ngôn “không biết luật về rừng U Minh mà sống” của ông Đoàn Ngọc Hải.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đã Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1
Trước đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau gửi công văn cho ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, đề nghị phản hồi về phát ngôn “gây sốc”.
Ông Huỳnh Thanh Hải, Bí thư Quận ủy quận 1, TPHCM, xác nhận với báo chí Việt Nam rằng đã gửi thư xin lỗi.
Trong thư có đoạn: “Đó là một lời nói bột phát trong lúc nóng nảy nhất thời giữa cá nhân người thực thi công vụ với cá nhân người vi phạm. Tuy nhiên, điều này có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm; mong các đồng chí chia sẻ bỏ qua.”
Theo truyền thông Việt Nam, hôm 21/9, khi giải thích với một người về việc vi phạm giao thông, ông Hải nói: “Mình sống ở quận 1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống.”
Hôm 25/9, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau gửi công văn, cho rằng phát ngôn này “gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến người dân Cà Mau nói chung, người dân U Minh nói riêng”.
Thời gian qua, tuy chỉ là một viên chức địa phương, nhưng ông Đoàn Ngọc Hải được báo chí Việt Nam đưa tin liên tục trong vai trò lập lại trật tự vỉa hè ở quận 1, TP HCM.
Ông Hải trở thành nhân vật nổi bật trên truyền thông với các phát ngôn liên quan việc lập lại trật tự vỉa hè, xử lý tình trạng nhếch nhác, ô tô đậu tràn lan.
Công an Việt Nam bắt và khởi tố ‘Dũng Phi Hổ’
Nhân vụ ông Nguyễn Viết Dũng bị bắt, một luật sư bình luận với BBC rằng việc bắt và khởi tố “theo Điều 88″ thì “có thể nhắm vào bất cứ ai vì điều khoản này rất mơ hồ”.
Báo điện tử Công an Nghệ An hôm 27/9 cho hay, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Viết Dũng, 31 tuổi, về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước” quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự.
“Việc bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hiện Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam Nguyễn Viết Dũng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.”
Hồi tháng 11/2015, Nguyễn Viết Dũng, tự Dũng Phi Hổ, bị khởi tố tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ do mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội.
Ông được miêu tả “mặc áo thun có in hình quốc huy Việt Nam Cộng Hòa và đằng sau in dòng chữ tiếng Anh với nghĩa “Dân không sợ chính quyền, chỉ có chính quyền mới sợ dân”.
Ông bị tuyên án 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng nhưng sau đó được giảm án còn 12 tháng tù vì “có sự chuyển biến về nhận thức nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt,” theo báo Tuổi Trẻ hôm 27/9.
Báo này cũng dẫn nguồn cơ quan chức năng Nghệ An nói “thời gian gần đây, Dũng trở về quê nhà lại có hành vi xuyên tạc, tuyên truyền chống Nhà nước.”
Nhà hoạt động Lê Văn Sơn cho biết ông Dũng “bị bắt tại một quán ăn gần giáo xứ Song Ngọc thuộc địa phận giáo hội Vinh ở Nghệ An”.
‘Răn đe’
Hôm 28/9, trả lời BBC, Luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho ông Dũng trong phiên tòa hồi năm 2015 nói: “Tôi chưa nắm chi tiết vụ bắt giữ ông Dũng hôm qua, nhưng nếu báo chí nói ông ấy bị bắt về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 thì ai cũng có thể bị bắt và khởi tố theo điều khoản mơ hồ này”.
Luật sư cũng bình luận: “Gần đây, các trường hợp bị xét xử theo Điều 88, 258 đều nhận mức án nặng hơn những năm trước trong lúc họ đều là những người lên tiếng phản biện xã hội. Đó là chỉ dấu cho thấy chính quyền muốn răn đe, giảm bớt những người nói ra sự thật.”
Luật sư Đôn nói thêm rằng nếu gia đình ông Dũng yêu cầu ông bào chữa thì ông sẽ nhận lời.
Tờ Guardian của Anh hôm 26/9 có bài về việc chính quyền Việt Nam “khởi động cuộc đàn áp lớn nhất nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến trong nhiều năm.”
Báo này ghi nhận “ít nhất 11 nhà hoạt động đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án trong vài tháng qua, trong khi một người khác bị tước quyền công dân và bị trục xuất sang Pháp [Giáo sư Phạm Minh Hoàng]“
Hồi tháng Bảy, bà Trần Thị Nga, tức blogger Thúy Nga bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên 9 năm tù và 5 năm quản chế theo Điều 88.
Hồi tháng Sáu, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 10 năm tù theo Điều 88.
Hồi tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà tổ chức này nói là “vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”.
Thông cáo cũng yêu cầu Việt Nam trả tự do cho “toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này”.
USAID giúp VN cải thiện khả năng ứng phó thiên tai
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, viết tắt là USAID, bắt đầu tiến hành giai đoạn hai của dự án Tăng cường khả năng chống chịu thiên tai tại miền Trung Việt Nam.
Dự án này sẽ được Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ điều phối cùng với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, cùng một số tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế.
Thông tin vừa nêu được tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội loan báo và cho biết khoản tiền trị giá 1,54 triệu đô la Mỹ sẽ được cấp cho dự án này nhằm hỗ trợ dân chúng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Quảng Trị, khả năng chuẩn bị để phòng chống thiên tai.
Tòa Đại sứ Mỹ dự trù là sẽ có 37 ngàn người được hưởng lợi trực tiếp, 200 ngàn người hưởng lợi gián tiếp từ dự án này.
Các tỉnh miền Trung Việt Nam là nơi gánh chịu nhiều cơn bão hàng năm, cơn bão mới nhất có tên là Doksuri đổ vào miền Trung vào giữa tháng Chín làm sụp đổ hàng ngàn ngôi nhà và hơn chục người thiệt mạng.
Nhân quyền là một quan tâm của tân đại sứ Mỹ tại VN
Nhân quyền là một trong những quan tâm của tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Điều này được ông Daniel J. Kritenbrink, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Hà Nội, trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 9, theo giờ địa phương.
Ngoài ra ông Kritenbrink còn đề cập đến những vấn đề khác sẽ thực hiện trong cương vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gồm an ninh, đầu tư- thương mại, các vấn đề nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh.
Ông Kritenbrink nói rằng quan hệ Việt- Mỹ đã thay đổi rất sâu sắc trong thời gian 40 năm qua, và bây giờ Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng có được quan hệ tốt đẹp đó đến nay là nhờ cố gắng của các chính phủ tiền nhiệm nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia quan trọng ở châu Á, và trong những cố gắng đó có sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Ông Daniel J. Kritenbrink gốc ở tiểu bang Virginia, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từ năm 1994, và đảm nhiệm nhiều vị trí trong các đoàn ngoại giao Mỹ tại châu Á.
Đối thoại chiến lược ngoại giao quốc phòng
giữa Việt Nam và Australia
Việt Nam và Australia nhất trí đấy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đó là nội dung chính của Kỳ họp lần thứ 5 Đối thoại Chiến lược Ngoại giao và Quốc phòng giữa Việt Nam và Australia diễn ra vào ngày 27/9/2017 tại Canberra, Australia.
Cuộc họp được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Gary Quinlan và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Rebecca Skinner.
Tại cuộc họp, hai bên thống nhất đẩy mạnh mối quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế – thương mại, quốc phòng – an ninh, nông nghiệp, hỗ trợ phát triển, giáo dục – đào tạo, du lịch, lao động và giao lưu nhân dân.
Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. và nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên Hợp Quốc, ASEAN và các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định và trật tự khu vực.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, hai bên cũng khẳng định sẽ hợp tác bảo đảm thành công của các Hội nghị đa phương sắp tới gồm Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11 tới tại Việt Nam, Hội nghị Cấp cao Đông Á cũng vào tháng 11 và Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Australia vào tháng 3 sang năm tại Australia
Phụ huynh biểu tình phản đối lạm thu
Hàng chục phụ huynh đã cho con nghỉ học và treo băng rôn trước cổng trường mầm non Quảng Thái, Quảng Xương, Thạn Hóah để phản đối các khoản thu quá cao mà trường này đề ra. Sự việc diễn ra suốt từ ngày 26 tháng 9 cho đến nay.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng đề nghị đình chỉ công tác hiệu trưởng của bà Trần Thị Ngọc.
Nội dung băng rôn nêu rõ phản đối mức phí vượt sức đóng góp của phụ huynh và yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra việc thu chi của trường này suốt hai năm học vừa qua, đồng thời xử lý những ai vi phạm theo quy định của pháp luật.
Riêng với năm học 2017-2018, trường này đề ra 17 khoản thu, với tổng mức thu là 3,1 triệu đồng cho học sinh cũ và 3,2 triệu đồng cho học sinh mới nhập học.
Trước sự phản đối của phụ huynh, bà hiệu trưởng Trần Thị Ngọc nói rằng đây mới chỉ là bản dự thu để lấy ý kiến phụ huynh chứ chưa phải là chính thức. Theo bà thì nhà trường sẽ sửa lại các khoản thu cho phù hợp.
Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương cho biết phòng đã yêu cầu trường Quảng Thái thu đúng quy định của Nhà nước và kiểm điểm những cá nhân sai phạm khi đưa ra những khoản thu ngoài ngân sách.
Việt Nam cần làm gì
để nhận được các nguồn tài trợ không hoàn lại?
Hòa Ái, phóng viên RFA
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa lên tiếng đề nghị Ngân hàng Thế giới-World Bank tìm kiếm nguồn vốn tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển quốc gia đến năm 2035.
Hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại
Tại cuộc gặp gỡ với ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới-World Bank vào chiều ngày 20 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam hiện đang trong bối cảnh dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), thuộc World Bank kể từ đầu tháng 7 năm nay và các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài (ODA) đang giảm dần, chỉ còn vốn vay ưu đãi như nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) nên đề nghị Ngân hàng Thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay ở trong nước nhằm góp phần giải quyết những nút thắt của thách thức phát triển đến năm 2035.
Trước lời đề nghị vừa nêu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, một số chuyên gia tài chính cho rằng đây được xem như là một trong những giải pháp tốt. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập đưa ra lời nhận định với RFA:
“Trong tình thế nợ công của Việt Nam càng ngày càng tăng và Chính phủ có rất nhiều chi tiêu đầu tư thành ra tôi nghĩ rằng việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức quốc tế, trong đó có World Bank có những nguồn cho vay không hoàn trả là điều hợp lý và cần thiết cho Việt Nam.”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình (tính theo GDP bình quân đầu người khoảng 2000 đô la Mỹ/năm), do đó các tổ chức tài chính thế giới hạn chế việc cho vay cũng như mức lãi suất có thể cao hơn và các điều kiện cho vay cũng khắt khe hơn.
Vị chuyên gia với hơn 35 năm kinh nghiệm trong lãnh vực tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều kiện quan trọng nhất mà các tổ chức tài chính thế giới yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải đáp ứng để được hưởng những nguồn vốn tài trợ, đặc biệt các nguồn vốn không hoàn trả là cam kết sẽ đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và trao lại việc sản xuất kinh doanh cho tư nhân. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích:
“Bởi vì các tổ chức tài chính nước ngoài muốn Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường thực thụ. Trong đó vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước chỉ nên tập trung vào các ngành nghề mà tư nhân không thể đảm nhiệm được, chẳng hạn như quốc phòng hay lãnh vực kinh tế liên quan đến an ninh quốc gia hoặc an sinh xã hội của đại chúng. Chỉ trong những giới hạn như thế thì các doanh nghiệp có vốn nhà nước nên tồn tại. Và phần còn lại, nếu mà tư nhân có thể đảm nhiệm được thì phải trao trả cho tư nhân.”
Trong tình thế nợ công của Việt Nam càng ngày càng tăng và Chính phủ có rất nhiều chi tiêu đầu tư thành ra tôi nghĩ rằng việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức quốc tế, trong đó có World Bank có những nguồn cho vay không hoàn trả là điều hợp lý và cần thiết cho Việt Nam
-TS. Nguyễn Trí Hiếu
-TS. Nguyễn Trí Hiếu
Nhanh chóng hoàn tất cổ phần hóa
Các nhà quan sát tình hình Việt Nam ghi nhận Chính phủ Hà Nội đang nỗ lực thực hiện quá trình cổ phần hóa tại quốc gia này trong nhiều năm qua và hiện tại đang trong giai đoạn cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước còn lại sẽ thoái vốn và bán cổ phần cho tư nhân.
Tại buổi gặp gỡ với Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione, Thủ tướng Việt Nam cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA; đồng thời nhấn mạnh những gì tư nhân làm được thì sẽ để cho tư nhân làm.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2, được tổ chức hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chủ trương của Chính phủ là phấn đấu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50 đến 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam còn cho biết đã thành lập Hội đồng tư vấn về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp cũng như yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất tối thiểu 5% và sẽ tiếp tục tìm giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Song song với quyết tâm thực hiện chủ trương cổ phần hóa và chú trọng vào kinh tế tư nhân của Chính phủ Việt Nam để tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia là cảnh báo của giới chuyên gia phải gắn liền với cải cách chính trị. Sau Hội nghị Trung ương 5, diễn ra hồi tháng 5, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng tuyên bố với RFA rằng Việt Nam vẫn không thay đổi quan điểm cần cải cách chính trị, thì điều đó có nghĩa là không cắt đuôi ‘Định hướng Xã hội Chủ nghĩa’ nên không thể có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ theo quy chế thị trường.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, hầu hết lên tiếng mặc dù Chính phủ thực hiện tiến trình cổ phần hóa, nhưng không đạt được hiệu quả vì thực chất các nhóm lợi ích đang thao túng nền kinh tế. Chủ một doanh nghiệp tư nhân nói với chúng tôi:
“Mỗi một nhóm lợi ích có một nhóm thân hữu riêng. Nhóm thân hữu này cạnh tranh với nhóm thân hữu kia, bằng thủ đoạn này hay thủ đoạn khác, chứ giới doanh nghiệp tư nhân làm sao mà cạnh tranh với các nhóm đó được. Thị trường bị lũng đoạn bởi các nhóm mạnh quá, đến nỗi bây giờ có làm gì đi nữa cũng không thay đổi được tình hình.”
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới, ông Ousmane Dione, trong buổi gặp gỡ vào chiều ngày 20 tháng 9, đã gửi báo cáo của World Bank về Việt Nam, trong đó có đề cập đến mâu thuẫn lợi ích, đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cũng cho biết World Bank đang tính toán các biện pháp để huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam.
Qua thông tin từ đại diện của Ngân hàng Thế giới liên quan việc tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam, các chuyên gia trong lãnh vực kinh tế tài chính mà Đài RFA tiếp xúc cho rằng một trong những điều kiện tiên quyết để Chính phủ Hà Nội có thể tiếp cận nguồn vốn không hoàn lại, theo như đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với World Bank, là phải rốt ráo hoàn tất tiến trình cổ phần hóa vẫn còn nhiều vướng mắc.
Gặp nhiều trở ngại
Mặc dù Chính phủ Hà Nội được cho là rất nỗ lực trong việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiều năm qua, tuy nhiên quá trình cổ phần hóa vẫn bị chậm vì còn nhiều bất cập do chính sách và cơ chế tại Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2017 Việt Nam chỉ thực hiện cổ phần hóa đối với 20 doanh nghiệp trong bối cảnh quốc gia có hơn 700 doanh nghiệp nhà nước và nếu tính cả doanh nghiệp có góp vốn cổ phần của nhà nước thì con số lên đến 2000 doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố lực cản làm chậm tiến trình cổ phần hóa được giới chuyên gia nêu lên là do quy định về định giá tài sản của doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng, trong đó vẫn còn những “kẻ hở” về việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vì mô hình “Kinh tế Thị trường Định hướng Chủ nghĩa Xã hội” của Việt Nam nên sẽ rất khó khăn trong việc định giá tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói nếu như nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì việc định giá tài sản, bao gồm cả hữu hình (như máy móc nhà xưởng, bất động sản) lẫn vô hình (như thương hiệu, chất lượng nguồn nhân lực) sẽ rất dễ dàng trong việc đánh giá giá trị vì theo quy luật cung-cầu của thị trường.
Lên tiếng liên quan tài sản đất đai của doanh nghiệp nhà nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc nói rằng Nhà nước cần phải tách rõ đất của doanh nghiệp nhà nước không phải là tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Nếu không có sự tách bạch như thế thì khi cổ phần hóa các nhà đầu tư mua lại cổ phần của những doanh nghiệp có nhiều đất đai để trục lợi trong chính sách ưu đãi đối với việc cho doanh nghiệp thuê đất dài hạn từ Chính phủ. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Vấn đề phải thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có chất lượng chứ không phải những nhà đầu tư chiến lược ‘giả hiệu’, là chỉ tìm đến đất rồi xây dựng trên miếng đất đó một ít công trình và ăn chênh lệch giá đất. Điều ấy sẽ không mang lại lợi ích gì cho quá trình cổ phần hóa.”
Một số các chuyên gia nêu thêm một nguyên nhân khác khiến cho quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam bị chậm là nguồn vốn của nhà đầu tư mua lại cổ phần của những doanh nghiệp nhà nước rất eo hẹp. Theo các chuyên gia, để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có thực lực, không phải “giả hiệu” như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề cập, thì cũng là một thách thức cho Chính phủ vì hiện tại chính sách đầu tư vẫn còn các hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn trong nhiều trường hợp Chính phủ không cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 100% cổ phần của doanh nghiệp. Và một khi phạm vi đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài bị bó hẹp và họ không thể có vai trò điều hành chủ đạo thì điều đó có nghĩa Việt Nam mất cơ hội thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều tiềm năng về vốn lẫn công nghệ.
Nếu Ngân hàng Thế giới có chính sách đặc biệt đối với Việt Nam thì sẽ phải có rất nhiều chính sách đặc biệt với rất nhiều nước khác còn nghèo hơn Việt Nam và như vậy thì Ngân hàng Thế giới sẽ không thể nào giải quyết được
-TS. Lê Đăng Doanh
Ảnh hưởng bởi tham nhũng?
Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam gặp phải những vướng mắc như vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định còn một nguyên nhân quan trọng nữa là chủ ý của giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước không muốn cổ phần hóa. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lập luận:
“Ban lãnh đạo biết rằng khi doanh nghiệp của họ bị cổ phần hóa họ có thể sẽ không còn ở trong vị trí lãnh đạo nữa. Khi doanh nghiệp cố phần hóa thì có hội đồng quản trị và hội đồng quản trị đóng vai trò tuyển dụng tuyển dụng ban lãnh đạo, ban quản lý. Những người quản lý trước có thể sẽ được mời lại hợp tác trong một thời gian rồi sau đó bị thay thế bằng ban quản lý mới. Thành ra, bản thân lãnh đạo của một số công ty có vốn nhà nước có thể nói là họ chống đối việc cổ phần hóa vì việc này ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của họ.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dự liệu trong tình hình Việt Nam đang có cao trào chống tham nhũng thì ít nhiều sẽ góp phần tạo thuận lợi cho tiến trình cổ phần hóa tại Việt Nam.
Cũng đồng quan điểm với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng mặc dù rất nhiều doanh nghiệp nhà nước muốn cổ phần hóa trong bối cảnh chống tham nhũng hiện nay, nhưng:
“Họ đang rất cân nhắc. Họ rất e ngại rằng ngày hôm nay là anh hùng và ngày mai họ có thể vào tù.”
Các chuyên gia mà RFA tiếp xúc khẳng định nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng “Chính phủ hành động cũng là Chính phủ lắng nghe” với ý chí làm cho nền kinh tế Việt Nam trở nên trong sạch hơn và đi vào đúng thông lệ quốc tế thì vấn đề cổ phần hóa được thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn. Và đây cũng là tiền đề đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng quốc tế thể theo đề nghị của Thủ tướng Việt Nam mong nhận được các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới-World Bank.
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng ghi nhận có sự hoài nghi rằng World Bank không thể nào có một chính sách đặc biệt đối với Việt Nam trong thời gian tới vì Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, như nhận định của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh “Vì nếu Ngân hàng Thế giới có chính sách đặc biệt đối với Việt Nam thì sẽ phải có rất nhiều chính sách đặc biệt với rất nhiều nước khác còn nghèo hơn Việt Nam và như vậy thì Ngân hàng Thế giới sẽ không thể nào giải quyết được.”
VN truy tố
cựu lãnh đạo & nhân viên ngân hàng tư túi 264 triệu đôla
Bộ Công an vừa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một cựu lãnh đạo và các cán bộ ngân hành do đã bỏ túi riêng 6 ngàn tỷ đồng (khoảng 264 triệu đôla), giữa lúc Việt Nam tăng cường bắt giam nhiều cá nhân sai phạm trong ngành ngân hàng.
Hãng tin Reuters hôm 27/9 loan tin trong một tuyên bố trên mạng, Bộ Công an cho biết đã khởi tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín (TRUSTBank) với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.”
Ngân hàng Đại Tín là tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và cựu Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã bị tuyên án 30 năm tù về việc rút ngân quỹ trái phép.
Bà Phấn và 9 nhân viên và trợ lý đã bị cấm rời khỏi tư gia. Công an cũng đã bắt giữ bốn nhân viên khác, trong khi một người đã bị bắt trước đó.
Báo Dân trí cho biết ngoài việc khởi tố 14 bị can, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh với 4 bị can. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn đã nhận quyết định điều tra bổ sung thay đổi tội danh đã khởi tố trước đó là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố do liên quan đến vụ tham nhũng của các thành viên của tập đoàn ngân hàng Đại Dương (Ocean Group), mà ông Hà Văn Thắm là người sáng lập và 50 quan chức khác đang chờ xét xử, dự kiến trong tháng này.
Đầu tháng 9, Việt Nam cáo buộc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình với tội danh “thiếu trách nhiệm” trong khi Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ngành ngân hàng của Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc chống tham nhũng ở cấp cao, nơi xảy ra hàng chục vụ lãnh đạo ngân hàng bị xét xử vì nhận hối lộ và quản lý kém.
Nhận xét
Đăng nhận xét