Tin khắp nơi – 28/09/2017
Bắc Kinh đóng cửa các công ty Bắc Hàn ở TQ
Bắc Kinh vừa yêu cầu các công ty Bắc Hàn hoạt động ở Trung Quốc đóng cửa khi nước này thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn.
Các công ty Bắc Hàn sẽ phải đóng cửa muộn nhất là vào cuối tháng 1/2018. Các công ty liên doanh Trung Quốc và Bắc Hàn cũng sẽ buộc phải đóng cửa.
Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng, đã cấm buôn bán các mặt hàng dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu của Bắc Hàn.
Động thái này là một phần của phản ứng quốc tế đối với vụ thử hạt nhân thứ sáu và mạnh mẽ nhất của Bắc Hàn.
Vì sao Bắc Hàn đặt mục tiêu trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân?
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mà Trung Quốc là một thành viên, biểu quyết nhất trí ra các lệnh trừng phạt mới đối với Bắc Hàn hôm 11/9.
Bộ thương mại Trung Quốc nói bộ này đã cho các công ty Bắc Hàn hoạt động tại Trung Quốc thời hạn 120 ngày để đóng cửa kể từ ngày Liên Hợp Quốc ra nghị quyết.
Bắc Hàn là một quốc gia bị cô lập về chính trị và kinh tế, và phần lớn mậu dịch của Bắc Hàn là với Trung Quốc.
Bắc Kinh từng bảo vệ nước láng giềng của mình, nhưng giờ đây đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc thử hạt nhân và luận điệu ngày càng đao to búa lớn của Bắc Hàn.
Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã ngừng mua than từ Bình Nhưỡng và cấm trao đổi mậu dịch về hải sản và sắt qua biên giới hai nước.
Với lệnh cấm buôn bán hàng dệt may, Bắc Hàn đã mất đi một nguồn thu ngoại tệ, vốn đã khan hiếm, của mình.
Bắc Kinh đang chịu sức ép phải hành động từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người lúc thì khen ngợi lúc thì chỉ trích chính sách của Trung Quốc.
Ông Trump cũng tham gia vào cuộc khẩu chiến với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, gọi ông là “anh hùng tên lửa” trên một “sứ mệnh tự tử”. Ông cảnh báo rằng ông không còn sự lựa chọn nào ngoài việc “hủy diệt hoàn toàn” Bắc hàn nếu Mỹ buộc phải bảo vệ mình hay các nước đồng minh.
Để đáp lại, ông Kim gọi ông Trump là “gã loạn trí” và người “lẩm cẩm”, và nói những lời của ông Trump đã thuyết phục ông rằng việc theo đuổi hạt nhân là đúng đắn. Ông Kim Jong-un thậm chí còn cáo buộc ông Trump đã tuyên chiến.
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Chúng tôi phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh nào trên báo đảo Triều Tiên”.
“Các biện pháp trừng phạt cũng như việc khuyến khích đối thoại đều là những yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chúng ta không nên quá nhấn mạnh đến biện pháp này mà coi nhẹ biện pháp kia.”
Anh ‘cay đắng’ vì thuế Mỹ áp vào Bombardier
Chính phủ Anh bày tỏ sự thất vọng ‘cay đắng’ vì Mỹ áp thuế nhập 219% với phi cơ Bombardier do Canada sản xuất nhưng Anh có phần đầu tư lớn.
Kênh Twitter của Phủ Thủ tướng Anh gửi ra tin nhắn nói họ “Thất vọng cay đắng” (Bitterly disappointed) về vụ thuế đánh vào phi cơ Bombardier loại C-Series.
Việc làm tại Bắc Ireland
Chừng 4000 việc làm trong nhà máy làm cánh và thùng chứa dầu cho phi cơ này ở Bắc Ireland bị đe dọa nếu công ty Canada phải cắt giảm chi phí vì thuế của Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nghe theo yêu cầu của tập đoàn Boeing cho rằng Bombardier đã bán giá ‘dưới chi phí thực’ và đánh thuế cao vào loại phi cơ bán cho khách hàng tại Mỹ.
Boeing cho rằng Bombardier “nhận được trợ cấp từ chính phủ Anh và Canada”.
Các báo Anh đồng loạt đặt câu hỏi về chiến lược thương mại của Anh sau Brexit vốn được chính phủ của bà Theresa May xây dựng trên kỳ vọng về những quan hệ được ưu đãi với Hoa Kỳ.
Bà May đã trao đổi với lãnh đạo Bắc Ireland, nơi có nhà máy trị giá 520 triệu bảng ở Queen’s Island, Belfast chế tạo ra cánh cho phi cơ C-Series của Bombardier.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói vụ tranh chấp của Boeing với Bombardier có thể đe dọa các hợp đồng quân sự của Boeing với chính phủ Anh.
Thủ tướng Abe giải tán quốc hội Nhật
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải tán Hạ viện trước cuộc bầu cử chớp nhoáng.
Cuộc bầu cử sớm hơn hạn đã lên lịch tới một năm theo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22 tháng 10.
Ông Abe đang tìm kiếm ghế thủ tướng thêm nhiệm kỳ mới trong bối cảnh kéo lại được được sự ủng hộ của quần chúng và cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn đang tiếp diễn.
Ông trở thành thủ tướng vào năm 2012, và đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông đã lãnh đạo một liên minh cầm quyền kiểm soát Hạ viện.
Ông Abe mất đi sự ủng hộ vào đầu năm nay vì những cáo buộc đưa người thân quen vào vào chính phủ.
Tuy nhiên, ông nhận được sự ủng hộ mới sau khi Bắc Hàn phóng hai tên lửa đạn đạo bay qua Nhật, một hành động mà ông Abe đã có lập trường mạnh mẽ phản đối Bình Nhưỡng.
Cuộc bầu cử chớp nhoáng ông đưa ra được xem là việc lợi dụng phe đối lập yếu, và LDP vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.
Nhưng ông hiện phải đối mặt với một đối thủ mới từ đảng Hy vọng, chính đảng mới thành lập của bà Koike Yuriko, Thị trưởng Tokyo.
Hôm thứ Tư, bà Koike tổ chức họp báo cùng 14 nghị sĩ và nói nếu hật Bản không tự “khởi động lại” thi sẽ không thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh quốc tế.
Bà nói, với tư cách người đứng đầu thủ đô, bà muốn thúc đẩy sáng kiến thay đổi và bảo vệ Nhật Bản, và mang quyết tâm này tranh cử trong cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới, theo NHK
Zuckerberg bác bỏ ý kiến của Trump
Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg bác bỏ ý kiến của ông Donald Trump rằng trang web này luôn chống lại ông.
Trên Twitter, Tổng thống Hoa Kỳ cáo buộc đây là mạng xã hội “chống Trump và có hành vi “cấu kết”.
Ông đã từng tuyên bố như vậy với tờ New York Times và tờ Washington Post.
Facebook sẽ sớm bàn giao hơn 3.000 quảng cáo chính trị cho các nhà điều tra quốc hội Mỹ nhằm làm rõ về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Facebook tin rằng quảng cáo có thể được các tổ chức của Nga mua vào thời điểm trong và sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Facebook, Twitter và Google đã được yêu cầu ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 11 để phản hồi lại các cáo buộc về sự can thiệp của Nga.
Facebook và Google khẳng định họ đã nhận được lời mời tham dự buổi điều trần của ủy ban này nhưng chưa công ty nào cho biết họ sẽ có mặt.
Trong một dòng trạng thái đăng trên Facebook đáp lại lời chỉ trích của Tổng thống Trump, CEO Mark Zuckerberg nói ông đang phấn đấu để Facebook trở thành “nền tảng cho mọi ý tưởng”.
Ông nói rằng bên cạnh “các quảng cáo có vấn đề”, Facebook gây ảnh hưởng từ việc “cho mọi người được nói, cho phép các ứng viên liên lạc trực tiếp với cử tri, và giúp hàng triệu người bỏ phiếu”.
Ông lưu ý rằng cả hai phe chính trị đều rất bất bình về nội dung họ không thích, và ông thậm chí bị cáo buộc đã giúp ông Trump giành chiến thắng.
Vào đầu tháng này Facebook cho biết đã phát hiện ra một chiến dịch do Nga tài trợ nhằm thúc đẩy các thông điệp chia rẽ về chính trị và xã hội trên Facebook.
Facebook nói Nga chi khoảng 100,000 USD cho khoảng 3.000 quảng cáo trong một khoảng thời gian hai năm, và ngưng vào tháng 5 năm 2017.
Các quảng cáo không ủng hộ nhân vật nào cụ thể mà thay vào đó nhắm vào các chủ đề bao gồm di dân, chủng tộc và các quyền bình đẳng
Các quảng cáo hướng người dùng tới khoảng 470 tài khoản phát tán thông tin sai lệch hoặc vi phạm các điều khoản và điều kiện của Facebook, công ty này nói.
Facebook cho biết, nhưng không xác nhận độc lập, rằng các tài khoản đã được tạo ra bởi Cơ quan Nghiên cứu Internet, một nhóm đặt tại St Petersburg, được biết tới từng đăng tải các thông điệp ủng hộ Kremlin trên mạng xã hội.
Các tài khoản này hiện đã bị đóng, giám đốc an ninh của Facebook, Alex Stamos nói thêm.
Hơn 120 ngàn người ở Bali sơ tán vì lo núi lửa phun
Hơn 120 ngàn người dân tại đảo nghỉ mát nổi tiếng Bali, Indonesia phải di tản vì núi lửa Agung có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Hãng thông tấn AFP cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 28 tháng 9, dẫn nguồn từ giới chức thuộc Cơ quan giảm nhẹ thiên tai, tại quận Klungkung. Theo đó hơn 122 ngàn người phải di tản đến nhà họ hàng hoặc đến ở tại 500 nhà tạm trú.
Theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Indonesia, có khoảng 62.000 người sống trong khu vực nguy hiểm, nhưng cư dân bên ngoài khu vực này cũng đi sơ tán vì lo sợ.
Phát ngôn nhân Sutopo Purwo Nugroho của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia vào ngày 28 tháng 9 nói rằng việc di tản diễn ra thuận lợi và nguồn cung cấp hậu cần được đầy đủ cho những người đi sơ tán.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Indonesia cũng đã gửi mặt nạ, nệm, chăn, lều và thực phẩm cho những người di tản.
Năm còi báo động đã được cài đặt trong vùng nguy hiểm để cảnh báo người dân khi núi lửa phun trào.
Khoảng 10.000 động vật cũng đã được di tản ra khỏi các sườn núi lửa.
Núi lửa Agung cách trung tâm nghỉ mát Kuta 75 km, đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rung chuyển từ tháng Tám và có thể phun trào lại sau lần vào năm 1963. Lúc đó có gần 1600 người thiệt mạng do núi lửa phun nham thạch gây nên.
Ông Trump miễn áp dụng Đạo luật Jones
để cứu trợ Puerto Rico
Tòa Bạch Ốc sáng ngày 28/9 cho biết chính phủ đã ra lệnh miễn áp dụng các quy định hạn chế các chuyến hàng từ đất liền ra Puerto Rico, giữa lúc hòn đảo này đang đối mặt với hậu quả của trận bão Maria.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Sanders viết trên Twitter, cho biết là theo yêu cầu của thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh “miễn áp dụng Đạo luật Jones trong trường hợp Puerto Rico, lệnh này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.”
Tối thứ Tư, ông Rossello viết trên trang Twitter, kiến nghị Tòa Bạch Ốc tạm thời miễn áp dụng Đạo luật Jones. Yêu cầu của ông được nhiều nhà lập pháp Mỹ ủng hộ, kể cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, người đã đến thăm Puerto Rico, một hòn đảo thuộc lãnh thổ của Hoa Kỳ, hôm thứ Hai 25/9.
Đạo luật Jones đòi hỏi tất cả các tàu đi từ một bờ biển của Mỹ đến một bờ biển khác của Mỹ, phải là tàu có quốc tịch Hoa Kỳ – ngay cả khi không có sẵn tàu Mỹ. Các nhà phê bình nói đạo luật này đang làm trì trệ các nỗ lực cứu trợ ở Puerto Rico, nơi người dân đang cấp thiết cần các vật phẩm cứu trợ trong thời gian sớm nhất có thể.
Hôm thứ Ba 26/9, Bộ An ninh Nội địa nói rằng miễn áp dụng đạo luật Jones cũng không giúp ích gì nhiều cho Puerto Rico vì các bến cảng đều bị hư hại nặng, khiến tàu không thể cập bến.
Bão Maria đã gây hư hại nặng cho mạng lưới điện trên cả hòn đảo có 3,4 triệu dân này. Các giới chức dự đoán sẽ mất hơn vài tháng mới có thể khôi phục hoàn toàn hệ thống điện tại đây.
Mất điện ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ điều trị bệnh và nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trong khi hàng triệu người phải chịu cái nóng bức xứ nhiệt đới mà không có máy điều hòa.
TT Philippines đổi giọng, khen ‘đồng minh Mỹ’
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 dành lời khen ngợi hiếm hoi cho Hoa Kỳ, gọi nước này là một đồng minh an ninh quan trọng, và xí xóa rằng những sự đối nghịch trong lịch sử cũng như những phát ngôn đầy giận dữ của ông chống lại Washington trong thời gian gần đây là “nước trôi qua cầu”.
Ông Duterte lên tiếng nhân kỷ niệm lần thứ 116 của một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong chiến tranh giữa Mỹ và Philippines trên đảo Samar, nơi 39 thường dân Philippin bị giết hại để trả đũa cho vụ 48 quân nhân bị phiến quân giết.
Ông Duterte phát biểu tại Balangiga, một thị trấn bị quân Mỹ đốt trụi vào năm 1901.
Ông Duterte nói hôm 28/9 rằng Bộ Ngoại giao đã cố vấn ông nên giảm những lời lẽ lên gân chống Mỹ, và ông nên có những từ ngữ tích cực về quân đội Mỹ.
“Tôi không nói họ là những vị cứu tinh của chúng ta, mà là đồng minh và đã giúp chúng ta. Thậm chí ngày hôm nay, họ cung cấp trang bị thiết yếu cho binh sĩ của chúng ta ở Marawi để chống lại bọn khủng bố” khi đề cập đến thành phố nơi những kẻ trung thành với Nhà nước Hồi giáo bị vây hãm trong bốn tháng.
Kể từ khi ông Donald Trump thay thế ông Obama trong cương vị tổng thống Mỹ, các công kích của ông Duterte nhằm vào Hoa Kỳ đã giảm.
Ông Duterte đã gây bất ngờ hồi tháng trước khi đón tiếp nồng hậu Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, khi Tổng thống Philippines tự gọi mình là một “người bạn khiêm tốn” của Hoa Kỳ.
Một số nhà bình luận cho rằng ông Duterte đã dịu giọng vì chính quyền ông Trump tránh chỉ trích cuộc chiến chống ma túy mang đậm dấu ấn của ông Duterte.
Bộ trưởng Ngoại giao của ông Duterte, ông Alan Peter Cayetano, nói Philippines sẵn sàng tiếp các nhà quan sát nước ngoài kiểm tra hồ sơ nhân quyền và cuộc chiến chống ma túy đã làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Hàn Quốc muốn ‘thoát Mỹ’ về mặt quân sự
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết chính phủ của ông đã gia tăng nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) đối với các lực lượng của Hàn Quốc, khỏi cơ cấu chỉ huy do Hoa Kỳ đứng đầu.
Trong diễn văn kỷ niệm Ngày Các Lực lượng Vũ trang lần thứ 69, Tổng thống Moon nói: “Khi Hàn Quốc có quyền kiểm soát hoạt động thời chiến, Triều Tiên sẽ sợ chúng ta hơn, và lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ được tin tưởng nhiều hơn”.
Chính phủ theo lập trường cấp tiến ở Seoul dường như đang tìm cách đánh đi một thông điệp chính trị, rằng họ không ủng hộ những phát biểu lên gân kiểu “hỏa thịnh nộ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và những lời đe dọa của ông Trump sẽ đáp lại bằng vũ lực áp đảo những hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Robert Kelly, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nói: “Tôi nghĩ đây có thể là cách mà ông Moon tự tách mình ra khỏi lối cư xử của ông Trump trong tháng qua”.
Sau khi trở thành một nền dân chủ vào những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã được trao quyền chỉ huy thời bình đối với 655.000 quân nhân thường trực của họ.
Quân đội Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp và Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Đại tướng Hoa Kỳ Vincent Brooks chỉ huy, ông cũng là tư lệnh chỉ huy hơn 28.500 quân nhân Mỹ tại Hàn Quốc.
Trong thời chiến, vị tư lệnh Mỹ cũng sẽ nắm quyền kiểm soát cả các lực lượng Hàn Quốc, nhưng đây không phải là một sự chuyển giao tự động. Tổng thống Hàn Quốc trước hết phải đồng ý giao lại quyền kiểm soát đó.
Ông Moon và các nhân vật có lập trường cấp tiến khác của Hàn Quốc từ lâu đã đòi giành lại OPCON thời chiến. Lý do chính của nỗ lực này là vấn đề chủ quyền, vốn gắn liền với cảm xúc chống Mỹ ở nước này.
Ngược lại, những thành phần bảo thủ lâu nay phản đối việc nắm quyền kiểm soát độc lập thời chiến, vì lo ngại rằng nó có thể làm suy yếu cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Hàn Quốc.
Năm 2014, Seoul và Washington đã quyết định hoãn việc chuyển giao OPCON thời chiến cho đến năm 2020, nhưng họ nhất trí rằng thỏa thuận này sẽ tùy thuộc vào việc Hàn Quốc đạt được những khả năng điều hành cần thiết.
Việc đưa ra quyết định chuyển giao OPCON dựa vào năng lực có thể tạo ra một kết quả tích cực cho liên minh Mỹ-Hàn, vì nó đặt ra nghĩa vụ đối với Seoul, phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về quốc phòng để bảo vệ chính mình.
Nga can thiệp bầu cử Mỹ:
Twitter ra điều trần trước quốc hội
Các đại diện của mạng truyền thông xã hội Twitter sẽ gặp các thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện liên quan đến cuộc điều tra đang tiến hành về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Các buổi họp kín diễn ra theo sau các cuộc họp tương tự hồi đầu tháng với đại diện của Facebook, trang mạng xã hội này đã đồng ý cung cấp cho các nhà lập pháp 3.000 mẫu quảng cáo có liên kết với Nga, liên quan tới những vấn đề xã hội và chính trị gây nhiều chia rẽ đăng trên Facebook.
Các ủy ban quốc hội Mỹ đang điều tra sự lan truyền của các tin tức giả tạo và liệu có bất kỳ ai ở Hoa Kỳ đã tiếp tay chuyển các nội dung đó đến một thành phần nhất định trong giới sử dụng các trang mạng xã hội. Trong trường hợp mạng Twitter, tiến trình bao gồm việc điều tra các tài khoản có chương trình lặp (còn gọi là tài khoản bot) được thiết lập để lan truyền thông tin một cách nhanh chóng và tự động.
Công ty Twitter nói sẽ hợp tác với cuộc điều tra: “Twitter rất tôn trọng tính chân thực của quá trình bầu cử, nền tảng của tất cả các nền dân chủ, và sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực chống lại các chương trình lặp và các hình thức thao túng trên mạng, vi phạm các Điều khoản Dịch vụ của chúng tôi.”
Các cuộc điều trần của các công ty công nghệ là các cuộc họp kín, nhưng cả ủy ban tình báo Hạ viện lẫn Thượng viện đều có kế hoạch mở các buổi điều trần công khai về việc sử dụng các công cụ trực tuyến liên quan đến âm mưu gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Các ủy ban đã mời công ty Facebook, Twitter và công ty mẹ của Google, Alphabet, tham dự phiên điều trần của Hạ viện dự kiến tổ chức vào tháng 10 và phiên điều trần của Thượng viện vào đầu tháng 11.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết trong một bản báo cáo đầu năm nay rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ để giúp ông Donald Trump có nhiều cơ may thắng cử trước đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, là bà Hillary Clinton.
Ông Trump tính ra sắc lệnh hành pháp về y tế
Tổng thống Donald Trump, đối mặt với thất bại mới nhất của Quốc hội trong việc bãi bỏ Obamacare hôm thứ Tư, cho biết đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp để mở rộng sự tiếp cận với bảo hiểm y tế và sẽ thương thuyết với phe Dân chủ để đưa ra một giải pháp lập pháp vào năm sau.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa ở Thượng viện đã từ bỏ nỗ lực mới nhất của họ để bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng của Tổng thống Barack Obama hôm thứ Ba sau khi không giành được đủ sự ủng hộ trong nội bộ.
Phát biểu với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói Quốc hội sẽ quay trở lại vấn đề chăm sóc y tế trong những tháng đầu năm 2018 và nói rằng ông đã giành đủ sự ủng hộ để thông qua. Trong khi đó, ông tuyên bố sẽ làm việc với phe Dân chủ để thực hiện một nỗ lực giành được sự ủng hộ của cả hai đảng.
“Tôi sẽ gặp gỡ các nghị sĩ Dân chủ và tôi sẽ xem liệu tôi có thể có một kế hoạch chăm sóc y tế tốt hơn hay không,” ông nói. “Vì vậy, tôi sẽ thương thuyết với phe Dân chủ nhưng từ lập trường của phe Cộng hòa chúng tôi đã có đủ sự ủng hộ. Chúng tôi sẽ biểu quyết vào tháng 1, tháng 2 hoặc tháng 3.”
Sắc lệnh hành pháp mà ông Trump đang nhắm tới sẽ cho phép các cá nhân mua bảo hiểm ngoài ranh giới của bang thông qua những tổ chức được gọi là hiệp hội y tế, một biện pháp được Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul cổ súy.
“Tôi đang xem xét một săc lệnh hành pháp về các hiệp hội y tế và việc này sẽ giúp chăm lo y tế cho rất nhiều người và tôi có lẽ sẽ ký một sắc lệnh hành pháp rất lớn, cho phép mọi người có thể đi ra ngoài, vượt qua ranh giới của bang, làm rất nhiều thứ và mua bảo hiểm y tế cho mình,” ông Trump nói.
Tổng thống cho biết sắc lệnh đang được hoàn tất.
Các nhà lãnh đạo phe Cộng hòa quyết định không đưa đưa phiên bản mới nhất của dự luật bãi bỏ Obamacare ra biểu quyết hôm thứ Ba khi tình hình trở nên rõ ràng rằng họ không có đủ sự ủng hộ, mặc dù chiếm thế đa số trong Thượng viện.
Những người bảo trợ dự luật tuyên bố sẽ thử lại lần nữa nhưng phải đối mặt với những thử thách còn cam go hơn sau ngày thứ Bảy này, khi các điều lệ đặc biệt hết hiệu lực, cho phép họ thông qua dự luật chăm sóc y tế mà không cần tới sự ủng hộ của phe Dân chủ.
Chính quyền Trump đề nghị cắt giảm visa diện tị nạn
Chính quyền Trump đề nghị cắt giảm số người tị nạn nhập cảnh Mỹ trong năm sau xuống còn 45 ngàn, mức thấp nhất kể từ 1980, chính quyền the lowest cap since 1980, theo một báo cáo chính phủ gửi cho Quốc hội ngày 27/9.
Sau khi nhậm chức hồi tháng Giêng, Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh giảm số này xuống còn 50 ngàn cho năm nay.
Con số 45 ngàn đề nghị cho năm sau cho thấy một sự sụt giảm hơn phân nửa so với mức trần mà cựu Tổng thống Barack Obama đề ra hồi năm ngoái và thấp hơn rát nhiều so với con số 75 ngàn mà giới bênh vực người tị nạn cho là Mỹ cần phải nhận để giúp giải quyết khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng trên toàn thế giới.
Theo đề nghị của chính quyền mới báo cáo Quốc hội, năm tới chỉ nhận tối đa 19 ngàn người tị nạn từ Châu Phi; 5 ngàn từ Đông Á; 2 ngàn từ Châu Âu và Trung Á; 1 ngàn rưỡi từ Châu Mỹ Latin và vùng Ca-ri-bê; và 17 ngàn rưỡi từ Trung Đông và Nam Á.
Theo luật, Tổng thống bắt buộc phải thảo luận với các thành viên Quốc hội về số người tị nạn được nhận vào Mỹ trước khi bắt đầu năm tài khóa mới, vào ngày 1 tháng 10.
Đối với năm tài chính 2017, kết thúc vào ngày 30 tháng 9, cựu Tổng thống Barack Obama đã định mức giới hạn 110.000 người tị nạn được tái định cư vĩnh viễn ở Mỹ.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp giảm số lượng tối đa xuống còn 50.000 người cho năm 2017, nói rằng nhận nhiều người hơn sẽ “gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ.”
Những người chỉ trích nói rằng nếu mức của năm 2018 thậm chí còn thấp hơn thì nó có thể gây tổn hại cho thanh danh của Mỹ trên trường quốc tế.
Xác định nguyên nhân tử vong
của sinh viên Mỹ được Triều Tiên phóng thích
Sinh viên Mỹ chết sau khi bị Triều Tiên cầm tù 17 tháng rồi trao trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê tử vong vì não thiếu máu và oxy, theo kết luận của một bác sĩ pháp y ở bang Ohio ngày 27/9.
Cái chết của anh Otto Warmbier hôm 19/6 là do bị một chấn thương chưa rõ nguyên do xảy ra hơn 1 năm trước ngày anh qua đời, bác sĩ pháp y thuộc hạt Hamilton, ông Lakshmi Sammarco, cho biết tại một cuộc họp báo.
Anh sinh viên trẻ của Đại học Virginia bị Triều Tiên bắt giam từ tháng 1 năm 2016 và phóng thích ngày 15/9.
Warmbier, 22 tuổi, được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê hoàn toàn.
Bác sĩ pháp y Sammarco cũng như phúc trình từ văn phòng bà hôm 11/9 vừa qua đều viện dẫn các biến chứng suy giảm oxy và máu lên não trong cái chết của Warmbier.
Triều Tiên nói tình trạng của Warmbier là do ngộ độc thực phẩm và phản ứng của thuốc ngủ. Bình Nhưỡng bác mọi cáo buộc về tra tấn.
Warmbier qua đời chỉ vài ngày sau khi được đưa về nước.
Warmbier, một cư dân bang Ohio, bị bắt tại sân bay ở Bình Nhưỡng khi chuẩn bị lên máy bay về Mỹ sau chuyến đi thăm Triều Tiên cùng một nhóm du lịch.
Anh bị tuyên án 15 năm lao động khổ sai vì tội cố ý đánh cắp một băng rôn tuyên truyền tại khách sạn, theo báo chí Triều Tiên.
Báo cáo pháp y cho biết thi thể Warmbier có nhiều vết sẹo đủ kích cỡ, trong đó có một vết sẹo lớn bất thường với chiều dài gần 11 cm và chiều ngang trên 4 cm trên bàn chân phải.
TT Trump tiếp tục tìm cách hủy Obamacare
Dù lại thất bại trong việc thực hiện lời hứa 7 năm qua của đảng Cộng hòa về hủy bỏ luật chăm sóc y tế, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thề sẽ tiếp tục tìm cách hủy bỏ luật. Ông khăng khăng rằng đảng Cộng hòa ở Thượng viện có đủ phiếu để biểu quyết trong thời gian tới.
Ông Trump viết trên Twitter: “Với một người bỏ phiếu thuận đang nằm viện và những dấu hiệu rất tích cực từ Alaska và hai người khác (McCain không tham gia), chúng ta có biểu quyết về luật chăm sóc y tế, nhưng không phải vào thứ Sáu!”
Việc ông Trump đề cập đến Alaska có thể hiểu là ông nói đến Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski, đại diện của bang.
Tổng thống không nói rõ “một người sẽ bỏ phiếu thuận” là ai.
Thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona, hiện đang chiến đấu với ung thư não nhưng lúc này không nằm viện, đã chống lại dự luật mới nhất, ông Rand Paul của bang Kentucky cũng vậy. Hôm 25/9, Thượng nghị sĩ Susan Collins của bang Maine đã tuyên bố bà phản đối, làm đảng Cộng hòa không đủ 50 phiếu cần thiết để thông qua dự luật tại Thượng viện, nơi họ có thế đa số với tỉ lệ 52-48.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South Carolina, đồng bảo trợ cho dự luật chăm sóc y tế gần đây nhất, thường được gọi là dự luật Graham-Cassidy, nói: “Chỉ còn là vấn đề khi nào” luật sẽ được thông qua.
Dự luật Graham-Cassidy sẽ chuyển ngân quỹ trong khuôn khổ luật Obamacare thành các khoản tiền cố định cho 50 tiểu bang. Luật cũng sẽ cắt giảm ngân quỹ cho Medicaid, một chương trình cho người nghèo, cấp cho các tiểu bang đã từng mở rộng Medicaid dưới thời còn thi hành luật Obamacare.
Một phân tích của Viện Brookings ước tính rằng so với luật Obamacare, có khoảng 21 triệu người sẽ mất bảo hiểm nếu thực hiện luật Graham-Cassidy trong thời gian đến năm 2026, và cuối cùng 32 triệu người sẽ mất bảo hiểm vì những sửa đổi về cấp ngân khoản cố định.
Núi lửa Vanuatu hoạt động mạnh, hơn 10 ngàn người sơ tán
Vanuatu đã ra lệnh cho tất cả cư dân trên đảo Ambae, một trong hơn 80 hòn đảo tạo thành quốc gia ở Nam Thái Bình Dương này, phải sơ tán trước khi núi lửa Manaro hoạt động mạnh.
Núi lửa Manaro đã phun ra khói, tro và đá trong hơn một tuần qua và ngày càng hoạt động dữ dội hơn.
11.000 cư dân trên đảo Ambae đang được di chuyển đến nơi an toàn bằng phà, dự kiến tiến trình sơ tán có thể mất một tuần.
Afghanistan: nổ bom tự sát, 12 cảnh sát chết
Một quan chức chính phủ cho hay ít nhất 12 cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương khi một chiếc xe Humvee chứa đầy chất nổ lao vào chốt kiểm soát an ninh tại tỉnh Kandahar phía nam nước này hôm thứ Tư 28/9.
Ông Abdul Bari Baryalai, phát ngôn viên của chính quyền tỉnh, cho biết cuộc tấn công diễn ra tại quận Maruf, giáp biên giới với Pakistan.
Cuộc tấn công diễn ra tại một trong những căn cứ chính của phiến quân Taliban, cho thấy đây là mối đe dọa mà các lực lượng an ninh Afghanistan đang phải đối mặt, đặc biệt là các đơn vị cảnh sát ở tuyến đầu của cuộc chiến chống phe Taliban, nhóm đang chiếm 40% lãnh thổ Afghanistan.
Vụ việc xảy ra cùng ngày khi phiến quân tấn công vào sân bay Kabul trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang có mặt ở thủ đô Kabul trong chuyến công du Afghanistan.
Hoài nghi tăng về cuộc chiến chống ma túy của Duterte
Kết quả một cuộc thăm dò thực hiện hồi gần đây cho thấy hơn phân nửa người Philippines được khảo sát tin rằng cảnh sát đã giết hại nhiều người một cách bất công trong chiến dịch chống ma túy.
Tin tức cho hay trong cuộc chiến tranh ma túy kéo dài 15 tháng nay của Tổng thống Rodrigo Duterte, cảnh sát Philippines đã giết chết 3,850 người bị tình nghi buôn ma túy và bị cáo buộc đã cưỡng chống lại khi bị bắt.
Nhưng một cuộc thăm dò do Social Weather Stations (SWS) công bố hôm thứ Tư 27/9 nói rằng 54% những người trả lời phỏng vấn nói rất nhiều người bị cảnh sát giết, không thực sự cưỡng lại khi bị bắt. Thêm 25% nói họ không quyết định được liệu có ủng hộ chiến dịch bài trừ ma túy này hay không.
49% những người được hỏi nói họ tin rằng rất nhiều người bị cảnh sát giết không phải là những kẻ buôn ma túy.
Cuộc thăm dò thực hiện từ ngày 23 tới ngày 26/6 năm nay, là cuộc thăm dò đầu tiên cho thấy đa số người Philippines không hài lòng với chiến dịch chống ma túy của chính phủ, vốn đã bị các tổ chức bênh vực nhân quyền và các nhà lãnh đạo thế giới, chỉ trích.
Một cuộc thăm dò do SWS thực hiện hồi tháng Ba năm nay cho thấy tỷ lệ tán thành chiến dịch chống ma túy có cao hơn đôi chút, nhiều người Philippines ủng hộ ông Duterte vì tin rằng ông không sợ hành động.
Trung Quốc thử công nghệ radar mới
phát hiện máy bay tàng hình
Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Trung Quốc vừa thử nghiệm một thiết bị mới để phát hiện máy bay tàng hình, Nhật báo Khoa học Công nghệ đưa tin hôm 25/9.
Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc đã thử một thiết bị có khả năng tạo ra bức xạ terahertz với công suất lớn nhất từ trước đến nay tại một cơ sở nghiên cứu quân sự ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên vào tuần trước.
Bức xạ terahertz, còn gọi là tia T, có thể đi xuyên qua các vật liệu composite để tới các lớp kim loại bên dưới và được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy công nghiệp để phát hiện các khiếm khuyết của sản phẩm.
Hiện đã có các radar terahertz có khả năng tìm kiếm vũ khí giấu trên người trong đám đông từ khoảng cách hàng trăm mét. Người ta đang phát triển thiết bị tương tự nhưng công suất mạnh hơn lắp trên máy bay cảnh báo sớm hoặc vệ tinh để phát hiện và theo dõi các máy bay quân sự, kể cả máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ.
Bản tin hôm 25/9 cho biết thiết bị mới của Trung Quốc có thể phát ra bức xạ liên tục ổn định ở mức trung bình lên đến 18 watts, và xung terahertz với công suất đỉnh là xấp xỉ 1 megawatt, tương đương với một số radar quân sự.
Một chuyên gia về quét hình ảnh bằng tia terahertz của Trung Quốc không trực tiếp tham gia vào dự án Thành Đô nói bản tin dường như cho thấy Trung Quốc đã có một bước đột phá trong một số công nghệ và các cấu phần quan trọng. Nhưng công nghệ này vẫn còn cồng kềnh và không thể lắp một cách dễ dàng trên máy bay hay vệ tinh.
(theo South China Morning Post, Popularmechanics.com)
Hoa Kỳ ngăn các hãng Trung Cộng
mua cổ phần trong hãng công nghệ xe tự lái
Washington DC. (Reuters) – Nhiều hãng đầu tư, bao gồm cả tập đoàn công nghệ lớn của Trung Cộng Tencent Holdings, đã buộc phải từ bỏ kế hoạch mua cổ phần trong một hãng phát triển bản đồ chuyên dùng cho xe tự lái, do không được nhà chức trách Hoa Kỳ phê chuẩn.
Liên doanh giữa hãng Tencent, công ty bản đồ Trung Cộng NavInfo, và quỹ đầu tư Singapore GIC, đã thu hồi hồ sơ đấu thầu mua 10% cổ phần của hãng công nghệ HERE, sau khi không được Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài của Hoa Kỳ chấp thuận.
Đây là khoản đầu tư mới nhất có liên quan đến Trung Cộng bị từ chối dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Tuy hãng HERE là công ty châu Âu có trụ sở chính ở Hòa Lan, nhưng việc mua cổ phần của hãng này vẫn cần được sự chấp thuận từ Hoa Kỳ, do HERE có tài sản ở Chicago, tiểu bang Illinois.
Thành viên trong nhóm liên doanh châu Á, hãng NavInfo, không cho biết vì sao ủy ban Hoa Kỳ từ chối đề nghị mua cổ phần của nhóm này. NavInfo đã có công ty liên doanh với hãng HERE ở Trung Cộng.
Vụ mua bán thất bại này diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Tổng Thống Trump ngăn cản một thương vụ khác, trong đó một nhà đầu tư được Trung Cộng hậu thuẫn đã định mua lại hãng sản xuất mạch điện Lattice, hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng.
Giới quan sát cho biết, từ lâu nay, Hoa Kỳ rất cẩn thận trước các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Cộng, và chính quyền hiện tại ở Washington được cho là sẽ càng khó khăn hơn nhiều so với trước đây. (Ngô Bảo)
Bagdad siết chặt gọng kềm lên vùng Kurdistan
Căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Irak và lãnh đạo vùng Kurdistan tự trị. Ngày 28/09/2017 Bagdad ra lệnh kể từ tối mai đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế đến và từ thành phố Erbil, đóng cửa phi trường Souleimaniyeh. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, với 92 % đòi độc lập với Badgad.
Thông tín viên đài RFI từ Erbil, Oriane Verdier cho biết thêm :
“Lãnh đạo vùng Kurdistan tại Irak, Massoud Barzani tối qua đã thông báo kết quả trưng cầu dân ý với đại đa số đồi độc lập. Nhưng có thể nói con số được đưa ra chỉ mang tính hình thức, bởi khó có thể kiểm chứng được tính xác thực. Không một quan sát viên quốc tế nào được điều tới tận nơi, vì không một quốc gia nào ủng hộ sáng kiến tổ chức trưng cầu dân ý do ông Barzani đề xuất.
Qua việc thông báo kết quả 92 % đòi độc lập, Massoud Barzani chẳng qua chỉ nhằm tô điểm lại hình ảnh của mình, khi biết rằng, trên nguyên tắc nhiệm kỳ chủ tịch vùng Kurdistan tự trị của ông đã kết thúc từ hai năm qua. Ông Barzani muốn đưa ra hình ảnh một người cha của cả dân tộc Kurdistan.
Ngoài ra, con số nói trên cũng nhằm khẳng định vị thế và tính chính đáng của Erbil với Bagdad. Chính quyền trung ương Irak ngày càng có thái độ cứng rắn hơn với vùng Kurdistan. Hôm nay, Bagdad quyết định tối Thứ Sáu này sẽ đóng cửa các sân bay trong vùng Kurdistan. Quốc Hội Irak thì đòi chiếm lại Kirkouk, một thành phố có nhiều dầu hỏa đang do vùng tự trị Kurdistan ở Irak kiểm soát”.
Châu Âu sẽ tiếp nhận
50.000 người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông
Hôm qua, 27/09/2017, Ủy Ban Châu Âu thông báo chương trình hai năm 2017-2019 đón tiếp 50.000 người tị nạn mới trực tiếp từ Bắc Phi và Trung Đông. Với kế hoạch này, Liên Hiệp Châu Âu hy vọng nhiều người muốn vượt Địa Trung Hải sang châu Âu sẽ từ bỏ ý định hết sức nguy hiểm này.
Chương trình mang tên « tái định cư » (réinstallation) vừa được thông báo nhằm nối tiếp chương trình đón tiếp người tị nạn, được khởi sự từ đầu năm 2015, vừa hết hạn trong tuần này, nhằm bảo vệ « những người được coi là dễ tổn thương nhất ».
Một ngân sách khoảng 500 triệu euro được chuẩn bị để hỗ trợ các quốc gia châu Âu tình nguyện đón người xin tị nạn, với kinh phí 10.000 euro cho một người.
Các nước là đối tượng ưu tiên của chương trình này bao gồm : Libya, Ai Cập, Niger, Tchad, Sudan và Ethiopia. Đơn xin tị nạn sẽ được xem xét tại các nước sở tại.
Về phần những người muốn tị nạn đã đến Hy Lạp và Ý, Liên Âu đã thi hành chính sách « tái phân bố » (relocalisation) . Hiện có khoảng 37.000 người xin tị nạn đang chờ đợi quyết định phân bổ. Cũng thông báo nói trên của Ủy Ban Châu Âu cho biết, cho đến nay mới chỉ có 11 quốc gia thành viên châu Âu đáp lại lời kêu gọi của Ủy Ban, với tổng số người dự kiến tiếp nhận là 14.000.
Theo Reuters, hôm thứ Tư, 26/09, Hội Đồng Toàn Châu Âu ra báo cáo tố cáo tình trạng « phi nhân tính » tại một số trại tị nạn ở Hy Lạp, được lập ra cuối năm 2015, tại năm hòn đảo sát với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình từ đó đến nay đã phần nào được cải thiện.
Theo dự đoán của các chuyên gia, dòng người tị nạn từ Trung Đông vẫn sẽ tiếp tục. Quan điểm của Ủy Ban Châu Âu là tiếp tục khuyến khích việc tái định cư ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông.
Áp lực nhập cư với châu Âu là rất lớn. Theo Ủy Ban Châu Âu, trong « một tương lai gần », số người tị nạn sẽ lên tới 1,5 triệu. Hôm qua, giáo hoàng Phanxicô khai trương một chương trình của tổ chức từ thiện Công Giáo Caritas, có mục tiêu hỗ trợ cho sự hội nhập của người di cư và tị nạn tại các địa phương.
Rohingya : Miến Điện
cho các tổ chức nhân đạo LHQ vào vùng Rakhine
Vào lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về hồ sơ người Rohingya, ngày 28/09/2017, Miến Điện trên nguyên tắc cho phép một số các tổ chức nhân đạo đến bang Rakhine, nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8/2017, gần một nửa triệu người Rohingya phải di tản sang Bangladesh. Nhưng theo tin giờ chót, họ đã hoãn chuyến đi này do thời tiết xấu.
Trong cuộc họp báo ngày 27/09/2017 từ New York, đại diện Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric hy vọng đây là “bước đầu” thể hiện thiện chí của chính quyền Miến Điện, cho dù nhân viên Liên Hiệp Quốc sẽ được “hộ tống” đến bang Rakhine.
Nhiều tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Rangun đã được lệnh rời khỏi bang Rakhine vào tháng 08/2017 khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tấn công phe nổi dậy người Rohingya, với hậu quả là hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi Giáo này phải chạy sang biên giới Bangladesh lánh nạn. Trong suốt một tháng qua, các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế liên tục yêu cầu được quay trở lại vùng đang có xung đột.
Có nhiều nguồn tin tố cáo quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc của người Rohingya và gài mìn dọc theo đường biên giới với Bangladesh để ngăn cản gần 500.000 triệu người tị nạn quay trở về.
Phía quân đội từ đầu tuần thông báo tìm thấy nhiều hố chôn tập thể tại những ngôi làng của người Ấn Độ Giáo trong khu vực và tố cáo các phần tử nổi dậy người Rohingya là thủ phạm sát hại hơn 50 dân làng. Lực lượng vũ trang ARSA của người Rohinga ”cực lực” bác bỏ những cáo buộc trên.
Thể theo yêu cầu của 7 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, chiều nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ người Rohingya dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres.
Ân Xá Quốc Tế lo ngại Interpol bị Trung Quốc thao túng
Hội nghị thường niên lần thứ 86 của Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế – Interpol đang diễn ra tại Trung Quốc, từ ngày 26/09/2017 đến cuối tuần này. Việc Interpol hiện nằm dưới sự lãnh đạo của một thứ trưởng Công An Trung Quốc khiến giới bảo vệ nhân quyền hết sức lo ngại Bắc Kinh thao túng tổ chức này để đàn áp những người ly khai, thanh toán các đối thủ chính trị.
Trả lời RFI, ông Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực của Ân Xá Quốc Tế nhận định :
« Tôi cho rằng Ân Xá Quốc Tế rất lo ngại về nguy cơ Trung Quốc thao túng Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế, với việc bầu mộtthứ trưởng bộ Công An Trung Quốc (ông Mạnh Hoành Vĩ/Meng Hongwei), một cơ quan rất nổi tiếng về các xâm phạm nhân quyền. Đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại.
Không có quốc gia nào có quyền chứa chấp những kẻ phạm tội tham nhũng đến từ quốc gia khác. Nhưng chúng ta có thể thấy là chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành tại Trung Quốc bên ngoài khuôn khổ pháp luật.
Ủy ban kỷ luật của Đảng Cộng Sản lập ra một danh sách những người cần bị truy lùng ở nước ngoài. Và cũng chính tổ chức này tiến hành thẩm vấn. Như vậy là Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế đã phối hợp với các hoạt động được tiến hành ngoài khuôn khổ pháp luật tại Trung Quốc. Tôi tin rằng đây là điều mà cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng ».
Theo Reuters, đầu tháng 9, vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW đã công bố một báo cáo, dựa trên phỏng vấn các giới chức Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao nước ngoài và nhiều đại diện của xã hội dân sự Trung Quốc. Báo cáo mang tên « Cái giá của sự biện hộ quốc tế : Sự can thiệp của Trung Quốc vào các định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc », cảnh báo là Bắc Kinh đang nỗ lực làm suy yếu năng lực bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc một cách có hệ thống và đàn áp tại Trung Quốc hiện nay là « khốc liệt nhất » kể từ phong trào Thiên An Môn 1989.
Việc Bắc Kinh kiểm duyệt tất cả những bài viết, hình ảnh về nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel hòa bình, qua đời trong nhà tù Trung Quốc vì căn bệnh ung thư hồi tháng 7, bất chấp các lời kêu gọi đưa ông ra nước ngoài chăm sóc, là một trong các dấu hiệu tiêu biểu cho tình trạng đàn áp hiện nay.
Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc
với trọng tâm là Bắc Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Trung Quốc hôm nay, 28/09/2017. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, có mặt tại Bắc Kinh đến ngày 30/09/2017, ông Tillerson sẽ thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc về một loạt các hồ sơ, từ chuyến công du Trung Quốc tháng 11/2017 của tổng thống Trump, đến khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đồng ý về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hai bên còn bất đồng về cách đối phó với chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Trung Quốc, Heike Schmidt cho biết thêm :
“Trước khi đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc, Rex Tillerson đã chuẩn bị dư luận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định là Bắc Kinh đã có « những bước tiến rất dài theo chiều hướng tốt » khi ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Lần này, tổng thống Trump dường như tỏ thái độ ủng hộ ngoại trưởng Tillerson, khác hẳn với điều đã xảy ra trong chuyến công du Trung Quốc của lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 3/2017. Khi đó, một ngày trước khi ông Tillerson đến Bắc Kinh, tổng thống Trump đã viết trên mạng Twitter : « Trung Quốc chẳng giúp được gì nhiều » ( để thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng các chương trình phát triển hạn nhân). Tuyên bố ấy đã khiến Bắc Kinh giận giữ. Lần này thì khác. Cách nay hai ngày, cũng Donald Trump đã « hoan nghênh Bắc Kinh cắt đứt mọi giao dịch ngân hàng với Bình Nhưỡng ».
Trong số những chủ đề mà ông Tillerson sẽ đề cập tới với phía Trung Quốc chắc hẳn sẽ có một vấn đề liên quan tới số liệu thống kê vừa được cơ quan thuế vụ Trung Quốc công bố : Tháng 8/2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,6 triệu tấn than của Bắc Triều Tiên, trái với quy định của Liên Hiệp Quốc hiện hành từ tháng 2/2017.
Liệu có nên tăng cường các biện pháp trừng phạt ? Nối lại đối thoại hay sử dụng vũ lực ? Trên tất cả những câu hỏi đó, tốt hơn hết là Washington và Bắc Kinh tìm ra đồng thuận trước khi tổng thống Donald Trump lần đầu đến Trung Quốc vào tháng 11 tới đây”.
Gia tăng áp lực với Bắc Triều Tiên
Chuẩn bị tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ, bộ Thương Mại Trung Quốc trong buổi họp báo sáng nay (28/09/2017) cho biết Bắc Kinh đang “áp dụng toàn bộ” các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc : cấm nhập than đá và hải sản của Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Reuters, thông cáo này nhằm xua tan mọi nghi ngờ Bắc Kinh vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.
Về phía Malaysia, chính quyền Kuala Lumpur ngày 28/09/2017 thông báo cấm tất cả công dân nước này tới Bắc Triều Tiên. Hãng tin Reuter trích dẫn một thông cáo của bộ Ngoại Giao Malaysia cho biết như trên và nhắc lại rằng, cho tới nay Malaysia là một trong những quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt đẹp nhất với chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng quan hệ song phương đã xấu hẳn đi sau vụ người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un là Kim Jong Nam bị ám sát tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.
Còn tại Seoul một số các chuyên gia an ninh Hàn Quốc dự báo Bắc Triều Tiên sẽ còn tiếp tục bắn thử tên lửa hoặc thử vũ khí nguyên tử vào giữa tháng 10/2017, đúng vào lúc Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19.
Nhận xét
Đăng nhận xét