Xử Trịnh Xuân Thanh đúng chuẩn mực tố tụng quốc tế: Lối thoát cho chính phủ VN?

27/09/2017



Cơn khủng hoảng ngoại giao “Trịnh Xuân Thanh” của chính phủ Việt Nam không hề hạ nhiệt, mà ngược lại, đã trở nên căng thẳng hơn trong những ngày cuối tháng 9/2017.


Ngày 22/9/2017, Cộng hòa Liên bang Đức chính thức thông báo, họ sẽ tạm ngừng vô thời hạn quan hệ hợp tác chiến lược (strategic partnership) với Việt Nam. Mối quan hệ này từng được cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh là vô cùng quan trọng – trong một cuộc gặp năm 2015 với bà Angela Merkel, Thủ tướng CHLB Đức.

Đức không chỉ là quốc gia Châu Âu đứng đầu trong việc đầu tư và phát triển ở Việt Nam. Họ còn là tiếng nói có trọng lượng nhất trong việc thương thảo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (Vietnam-EU Free Trade Agreement – gọi tắt là Vietnam-EU FTA).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và bà Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2015. Ảnh: TTXVN.
Vì vậy, đối với vụ việc Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra một phương pháp giải quyết dứt điểm.

Thông cáo báo chí ngày 22/9/2017 từ phía CHLB Đức đã nhắc đến một đề nghị có vẻ là phù hợp và khả thi nhất.

Đó là, CHLB Đức yêu cầu phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh phải diễn ra đúng theo tinh thần nhà nước pháp quyền (rule of law), và phải có quan sát viên quốc tế (international observers) tham gia giám sát.

Yêu cầu này có thể xem là một “cái thang” tốt nhất giúp cho chính phủ Việt Nam thoát khỏi cơn khủng hoảng ngoại giao lần này.

Tuy nhiên, để làm được đúng như yêu cầu của CHLB Đức và tuân theo chuẩn mực của quốc tế, thì Việt Nam phải chấp nhận tiến hành một phiên toà khác thường bậc nhất trong lịch sử tư pháp kể từ năm 1975 đến nay.

Và điều này không hề dễ dàng cho một chế độ toàn trị.

Xây dựng nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo quyền được xét xử công bằng (fair trial) của tất cả bị cáo, kể cả bị cáo của các phiên tòa chính trị.

Chính phủ Việt Nam luôn đề cao việc hoàn thiện nền tư pháp và xây dựng một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, muốn là một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, trước hết hệ thống tư pháp phải tuân thủ chuẩn mực tố tụng (due process).

Điều này có nghĩa gì?

Đó là tất cả các bị cáo trong mỗi vụ án – chính trị hay phi chính trị – đều phải được đảm bảo quyền được xét xử công bằng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quyền được xét xử công bằng của các bị cáo tại Việt Nam vẫn chưa đạt được chuẩn mực của luật quốc tế, đặc biệt là đối với các phiên tòa chính trị.

Một trong những vụ án chính trị nổi tiếng nhất gần đây, phiên tòa “kín” xét xử Ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm) và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị kết án do cáo buộc vi phạm Điều 258 Bộ Luật Hình sự. Ảnh: Vietnamnet
Theo tổ chức Uỷ ban Luật gia Quốc tế (International Commission of Jurists – ICJ), thì mỗi bị cáo đều có quyền được xét xử công bằng bởi một tòa án độc lập, công bằng, và có năng lực.

Điều này không chỉ là cần thiết để bảo vệ quyền con người của bị cáo và của các nạn nhân, mà nó còn giúp đảm bảo công lý sẽ được thực thi (proper administration of justice).

Hơn nữa, đó là một phần không thể thiếu được trong một nhà nước pháp quyền.

Chúng ta hãy tham khảo sổ tay dành cho các quan sát viên độc lập (manual for the independent trial observers) của tổ chức ICJ. Theo đó, ICJ đưa ra các tiêu chuẩn dùng để đánh giá xem một quy trình tố tụng có đảm bảo quyền được xét xử công bằng của các bị cáo hay không.

Nếu chiếu theo sổ tay ICJ, chúng ta có thể thấy tại Việt Nam hiện nay, một phần lớn các tiêu chuẩn này vẫn chưa được thực thi nghiêm chỉnh.

Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu cho những vi phạm thường xuyên xảy ra trong quy trình tố tụng ở Việt Nam.

 Quyền được xét xử công khai (public trial)

 Về nguyên tắc, các phiên tòa ở Việt Nam là công khai. Tuy nhiên, chính quyền vẫn xử kín trong nhiều vụ án hình sự, trong đó có các vụ án chính trị. Người dân, thân nhân của các bị cáo hay các tổ chức quốc tế, v.v. không được tham gia. Lực lượng an ninh luôn vây chặt và phong tỏa các khu vực xung quanh tòa án.

 Quyền được đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence)

 Tuy quyền được bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội của bị can, bị cáo được ghi nhận trong luật. Thế nhưng, trong thực tế, đặc biệt là đối với các vụ án chính trị, thì rất nhiều bản án đã được chuẩn bị từ trước phiên xử, cơ quan điều tra cũng mặc nhiên cho rằng bị can, bị cáo là có tội nên tiến hành các biện pháp bức cung, nhục hình một cách tương đối phổ biến.

 Quyền được bào chữa (right to defense)

 Các luật sư trong các vụ án hình sự, chính trị thường xuyên không được tiếp cận thân chủ trong nhiều tháng. Ngoài ra, họ cũng bị cản trở tiếp cận hồ sơ vụ án. Vì vậy, luật sư của bị cáo không có đủ thời gian chuẩn bị phương án bào chữa tốt nhất.

 Quyền được truyền gọi nhân chứng (right to call and examine witness)

 Thẩm phán trong các vụ án chính trị, ví dụ như hồ sơ của Anh Ba Sàm, hay Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – đã bác bỏ đề nghị  của các luật sư về việc triệu tập nhân chứng.

 Quyền không bị ép cung và thú tội hay làm chứng chống lại bản thân (right not to be compelled to confess guilt or testify against oneself).

 Các hồ sơ tử tù kêu oan thường xuyên có các cáo buộc là họ bị tra tấn để ép cung.

 Quyền được yêu cầu hủy bỏ những chứng cứ được thu thập một cách trái pháp luật, trong đó có tra tấn (right to exclude evidence obtained by illegal means, including toruture)


Trong hồ sơ Anh Ba Sàm – các bằng chứng dùng để buộc tội ông đều là từ những hành vi trái luật của nhân viên điều tra, nhưng vẫn được thẩm phán sử dụng để đưa ra phán quyết.

Từ trái qua: ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Nguyễn Tiến Trung, ông Lê Thăng Long và ông Lê Công Định tại phiên xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh ngày 01/2010. Yêu cầu được giám sát phiên xử này của tổ chức IBA đã bị chính phủ Việt Nam từ chối. Ảnh: AFP.
Nếu các quan sát viên quốc tế được giám sát quy trình xét xử, thì đó sẽ là một bước ngoặt lớn trong nền tư pháp hình sự tại Việt Nam.

Việt Nam vốn chưa bao giờ chấp nhận yêu cầu của các tổ chức nước ngoài xin được giám sát các phiên tòa hình sự.

Vào năm 2010, Hội Luật sư Quốc tế (International Bar Association – IBA) đã yêu cầu được tham gia giám sát phiên tòa xét xử doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Lê Công Định. Yêu cầu này không những bị từ chối, mà sau đó, hai vị quan sát viên của tổ chức IBA còn bị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thẩm vấn.

Trong khi đó, muốn đảm bảo là một phiên tòa có xét xử đúng theo chuẩn mực tố tụng của thế giới hay không, thì việc tham gia và đánh giá của các quan sát viên quốc tế là hết sức cần thiết. Nếu không, chúng ta lấy gì để đảm bảo là các chuẩn mực tố tụng sẽ được tuân theo, nếu phía chính phủ Việt Nam luôn vừa đá bóng vừa thổi còi tại mỗi phiên tòa?

Vì vậy, nếu Việt Nam chấp nhận yêu cầu của CHLB Đức thì hồ sơ này sẽ trở thành một tiền lệ quan trọng cho nền tư pháp Việt Nam.

Từ nay trở đi, các tổ chức xã hội dân sự và các luật sư có thể đòi hỏi tòa án Việt Nam phải áp những chuẩn mực về tố tụng – ví dụ như sáu quyền được nêu ở trên – cho tất cả các vụ án.

Ngoài ra, các quan sát viên nước ngoài và báo chí quốc tế cũng có thể yêu cầu được tiếp cận và giám sát bất kỳ vụ án nào tại Việt Nam, đặc biệt là các vụ án chính trị.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ là một tiền lệ về chuẩn mực tố tụng, chứ không phải là một đặc quyền chỉ dành riêng cho ông ấy.

Chấp nhận thực thi chuẩn mực tố tụng của quốc tế sẽ là cải cách tư pháp quan trọng nhất để giúp Việt Nam cải thiện hình ảnh “nhà nước pháp quyền” sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh.

Từ khi vụ việc xảy ra, các luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức – như bà Petra Isabel Schlagenhauf – luôn quan ngại rằng ông ta sẽ không nhận được một phiên xử công bằng ở Việt Nam. Đó cũng có thể là một phần lý do khiến chính phủ Đức đã đưa ra yêu cầu phía Việt Nam trao trả ông ta cho họ trong thông cáo báo chí ngày 2/8/2017.

Nếu Việt Nam chấp nhận và cam kết xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh đúng theo chuẩn mực tố tụng quốc tế như đã nêu ở trên, thì hành động đó sẽ minh chứng cho một chính phủ biết tôn trọng, và tuân theo tinh thần nhà nước pháp quyền.

Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng mong muốn những cáo buộc về hành vi thất thoát hàng trăm triệu đô la của một cựu quan chức được xét xử công khai và đúng trình tự pháp luật. Việc nhà nước chấp nhận tuân theo chuẩn mực tố tụng quốc tế sẽ giúp cho công chúng có thêm niềm tin vào nền tư pháp của Việt Nam.

Đối với các luật sư, luật gia, và sinh viên luật, thì đây là một dấu hiệu cho thấy nền tư pháp của Việt Nam bắt đầu làm ra những bước cải cách thật sự. Việc các quan sát viên quốc tế lần đầu tiên được tham gia vào quy trình xét xử của một vụ án, sẽ giúp giám sát việc thực thi những chuẩn mực tố tụng này ở các phiên tòa sau.

Các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động ở Việt Nam cũng có thể nắm bắt cơ hội này để đấu tranh. Họ có thể yêu cầu bộ ngoại giao các nước, và các tổ chức nhân quyền quốc tế đề ra những đòi hỏi tương tự đối với các hồ sơ vụ án chính trị. Ví dụ như phiên xử phúc thẩm Mẹ Nấm – blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong thời gian sắp tới.

“Chiếc thang” để bước xuống và giải quyết vụ khủng hoảng ngoại giao và chính trị năm 2017 của Việt Nam đã được người Đức đề xuất. Liệu chính phủ Việt Nam có biết nắm bắt cơ hội này hay không?

Nếu có, điều này sẽ đồng thời là một bước tiến dài trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền thực thụ cho Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một thử thách trực tiếp từ nhánh tư pháp và khối xã hội dân sự đến chế độ toàn trị.

Quỳnh Vi

Tài liệu tham khảo:



(Luật Khoa)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?