‘Nông thôn mới’ làm mới những oán hờn
Trân Văn
31-10-2017
Bất kể ông Hoàng Văn Trà – Chủ tịch tỉnh Phú Yên, bà Hồ Nguyên Thảo – Bí thư huyện Tây Hòa, ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch xã Sơn Thành Tây cùng khẳng định việc chặn xe hoa, buộc gia đình ông Dương Thanh Tuấn phải nộp hai triệu đồng mà ông còn thiếu chương trình “xây dựng nông thôn mới” là sai, song ông Phạm Văn Quảng, Trưởng thôn Sơn Tây vẫn chưa chịu tổ chức xin lỗi gia đình ông Tuấn.
Theo lời ông Quảng thì ông phải chờ ý kiến cuối cùng của Chi bộ thôn. Tổ chức xin lỗi sẽ làm… chính quyền thôn mất mặt, không còn uy tín để làm việc!
Sau khi tờ Pháp Luật TP.HCM tường thuật chuyện cả Phó Bí thư Xã đoàn, lẫn Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn cùng công an thôn Sơn Tây đổ ra đường chặn xe hoa, buộc gia đình ông Tuấn phải nộp khoản tiền mà ông còn thiếu chương trình “xây dựng nông thôn mới”, nhiều độc giả của tờ Pháp Luật TP.HCM cũng như người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã đòi phải nghiêm trị hành động càn rỡ này.
Sự phẫn nộ của công chúng và báo giới hoàn toàn chính đáng, người ta không thể chấp nhận chuyện cán bộ thôn chọn thời điểm gia đình ông Tuấn tổ chức đón dâu để gây sức ép (cầm giữ xe hoa suốt một tiếng và chỉ cho gia đình ông Tuấn tiếp tục rước dâu khi mẹ ông Tuấn ký vào “biên bản”, cam kết ngày giờ thanh toán nợ chương trình “xây dựng nông thôn mới”).
Tuy nhiên có một điểm rất ít người chú ý, đó là chính chương trình “xây dựng nông thôn mới” đã đẩy các cán bộ thôn Sơn Tây – những kẻ thừa hành – vào thế phải hành xử càn rỡ như vậy. Ông Quảng phân bua: Trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”, nhà nước chỉ cho thôn Sơn Tây xi măng để làm con đường dài 1.800 mét. Dân chúng trong thôn phải đóng góp các chi phí còn lại (mỗi nhân khẩu phải nộp 1,5 triệu đồng – kể cả trẻ sơ sinh). Vào thời điểm làm đường (2014), ông Tuấn (cư trú nơi khác) vẫn còn hộ khẩu tại thôn Sơn Thành Tây nên gia đình của ông không thể thoái thác nghĩa vụ này.
***
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 2.016 xã (23% tổng số xã) đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới”.
Cũng theo thống kê vừa kể thì song song với con số 2.016 xã tại Việt Nam đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do “xây dựng nông thôn mới” và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Tại một cuộc họp của Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) diễn ra hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Phương một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét – công nhận đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” không hợp lý nên chương trình “xây dựng nông thôn mới” trở thành lãng phí vì không hiệu quả. Ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo “tiêu chuẩn nông thôn mới” đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế.
Ở cuộc họp vừa kể, những đại biểu khác nói thêm rằng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình “xây dựng nông thôn mới”, chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Vào thời điểm ấy, ông Nguyễn Tuấn Anh, một đại biểu của tỉnh Bình Phước đề nghị phải xem kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới có tương xứng với chi phí hay không, có gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho nông dân, đặc biệt là các gia đình nghèo hay không? Đại biểu này đề nghị kiểm tra xem có bao nhiêu gia đình bị ép buộc đóng góp quá mức nên phá sản.
Theo lời ông Anh, vốn đầu tư để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” tại một xã ở Bình Phước khoảng 175 tỉ đồng. Bình Phước hiện có khoảng 100 xã cần hoàn tất chương trình “xây dựng nông thôn mới”, tổng vốn sẽ khoảng 175.000 tỉ đồng. Từ nay đến 2025 – thời điểm phải hoàn thành chương trình “xây dựng nông thôn mới” trên toàn Việt Nam là 11 năm – tính ra, riêng chương trình “xây dựng nông thôn mới”, mỗi năm Bình Phước phải chi 15.000 tỉ đồng. Bình Phước lấy từ đâu ra khoản này trong khi mỗi năm, tỉnh này chỉ thu về được khoảng 4.000 tỉ đồng?
Đáng nói là sau năm năm thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”, dù di họa của nó rất rõ ràng: Nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu, chẳng hạn như trả lương cho giáo viên. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”, nhưng không được thanh toán,… nhưng cuối năm 2015, trước khi mãn nhiệm kỳ (2011 – 2016), 436/437 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 vẫn tán thành việc chi 193 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Trong 193 ngàn tỉ đồng đó, chính quyền trung ương sẽ chi 63.155 tỉ, chính quyền các địa phương sẽ chi 130.000 tỉ và tất nhiên từ trẻ sơ sinh đến người già chưa kịp thở hơi cuối cùng trên toàn quốc sẽ cùng nhau gánh vác khoản tiền khổng lồ ấy.
So với các đại biểu Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc hội khóa 14 tiến bộ hơn ở chỗ nêu ra hàng loạt băn khoăn nhưng không có ai đòi dẹp bỏ chương trình “xây dựng nông thôn mới”.
Tại sao? Chương trình “xây dựng nông thôn mới” vừa là một trong những “chủ trương lớn” của Đảng CSVN, vừa được Quốc hội và chính phủ các nhiệm kỳ trước tuyên bố là “mục tiêu quốc gia”!
***
Dân có thể mạt, ngân khố có thể rỗng, nợ nần có thể tăng, kinh tế có thể tiếp tục suy thoái vì các nguồn lực suy kiệt nhưng dứt khoát không thể dừng chương trình “xây dựng nông thôn mới”.
Không có chương trình “xây dựng nông thôn mới” làm sao những viên chức như các ông Trần Hoàng Duyên (Bí thư), Phan Thành Đông (Chủ tịch), Lâm Thành Sáo (Phó Chủ tịch) huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có cơ hội cho chính quyền vay hàng chục tỉ đồng để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới” rồi tính lãi…
Quan trọng hơn, không có chương trình “xây dựng nông thôn mới”, không thể tạo ra “diện mạo” mới cho nông thôn thì lấy gì làm cơ sở để ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN mạnh dạn đưa ra những tuyên bố kiểu như: Chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình”, rồi lớn tiếng hỏi hàng trăm triệu người Việt: Nhìn một cách tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không?
baotiengdan.com/2017/10/31/nong-thon-moi-lam-moi..
Nhận xét
Đăng nhận xét