Tin Việt Nam – 31/10/2017

Tin Việt Nam – 31/10/2017

Quần chúng tự phát đe dọa linh mục

Hai linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp và Giuse Nguyễn Ngọc Ngự, quản xứ Đông Kiều, vào ngày 30 tháng 10 bị một nhóm được giải thích là ‘quần chúng tự phát’ đe dọa. Vụ việc xảy ra ngay sau khi hai linh mục vừa ra khỏi có cuộc làm việc với cơ quan chức năng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Chân Như có cuộc nói chuyện với linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế về tình hình liên quan. Trước hết ông cho biết phản ứng của các linh mục thuộc Hạt Đông Tháp về tình trạng những nhóm cờ đỏ gây hấn:
Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Các cha trong Hạt nói cần họp lại để có biện pháp gì đó chứ không thể để họ lấn lướt như thế được. Tôi nói rằng giáo dân Đông Triều ít. Xã Diễn Mỹ có 7 ngàn dân mà giáo dân chỉ có 700 mà lại không phải ở theo nhóm mà ở cách nhau. Mấy gia đình ở cách giáo xứ chỉ có 1 cây số thì hơn hai tháng rồi bị họ phá tan nát tài sản. Thậm chí Tượng Chúa bị đập bể, tượng Đức Mẹ bị bắn thủng mặt. Rồi sau đó một gia đình bị phá phách, đập tượng Thánh Giuse, một gia đình bán quán cà phê bị đập phá.
Theo tôi nghĩ nếu cả hạt đến ‘làm thế này, thế khác’ thì chỉ được một lần đó thôi; khi mình về họ sẽ trả thù. Ngay cả chuyện sau khi các cha trong hạt làm đơn tố cáo, họ lại kéo ‘xã hội đen’ đến phá phách các gia đình ở đó. Nên tôi bảo các cha cứ xem họ làm như thế nào đã, trước mắt chờ lặng lại chứ kéo xuống thì sợ hậu quả để lại khiến Xứ Đồng Kiều vất vả.
Bây giờ làm việc với chính quyền huyện, xã tôi không còn tin nữa.
Chân Như: Linh mục có thể cho biết ông đã về phục vụ tại giáo phận Vinh bao lâu rồi? Và trong thực tế từng xảy ra những vụ việc tương tự bao giờ chưa?
Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Tôi về đây được gần 6 năm rồi, từ đó đến nay cũng bình thường tôi. Vừa qua mới thành lập giáo xứ Đông Kiều và cha Ngự về quản xứ ở đó. Và từ việc xây một cái nhà trên đất nông nghiệp. Họ biết và tức tối lắm nhưng không làm gì. Sau này mới xảy ra chuyện cắm cờ và cái cổng chào giữa lương- giáo. Phía giáo xứ chưa kịp hạ xuống thì phía bên lương họ hạ xuống để căng băn-rôn ngày 2 tháng 9. Và chuyện cái cổng chào chỉ qua là ‘giọt nước tràn ly’ đối với chuyện cái nhà (xây trên đất nông nghiệp) thôi.
Chân NhưTheo linh mục có phải sau khi xảy ra những vụ biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường thì tình trạng những người tự xưng ‘cờ đỏ’ xuất hiện mạnh mẽ hơn?
Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Theo tôi nghĩ, vụ việc Formosa đã đành, nhưng họ thấy tình hình chính trị và muốn bảo vệ chế độ độc đảng nên họ lên mặt đàn áp một số nơi như vậy. Tuy nhiên chỉ có thể đàn áp một số nơi ít thôi, chứ những nơi đông thì họ không dám.
Thì cũng có chuyện Formosa nên họ ‘tức’ sang những chuyện khác. Theo tôi nghị họ muốn bảo vệ chế độ mà họ muốn làm bằng được. Ngay cả ngày hôm kia, cả một đội cờ đỏ cả từ ở Hà Nội vào về tập trung dưới Văn Thai, Diễn Hải làm những ‘trò’ rất mất lịch sự, ‘vô học’.
Chân Như: Linh mục nhận định về tác động của tình trạng các nhóm cờ đỏ đối với tình hình an ninh- trật tự tại những nơi mà số này xuất hiện ra sao?
Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế: Nói thật sống trong chế độ này đến bây giờ tôi không thể tin được vì tôi về đây mấy năm sống rất đoàn kết lương giáo và với tinh thần đối thoại. Gần đây ngay tại xã Diễn Hồng này có miếng đất của Nhà Thờ mà giáo dân hiến cách đây hơn 60 năm rồi. Miếng đất rộng hơn 1 ngàn mét vuông thôi; mà mới đây xã họ mới giải quyết chỉ vì nể thôi.
Cách đây mấy hôm tôi lên huyện và nói với chính quyền là các ông hãy làm thế nào để chúng tôi tin. Chứ hình như chính quyền đến với chúng tôi là xã giao để làm việc thôi chứ không chân tình. Hôm trước các vị nói với chúng tôi khác; nhưng sau đó các vị làm khác.
Chân Như: Vậy theo linh mục cần tạo điều kiện gì để không xảy ra tình trạng chia rẽ ‘lương- giáo’ tại địa phương như hiện nay?
Linh mục Phạm Xuân Kế: Bây giờ để hai bên hòa hợp nhau hai bên phải chân tình, chính quyền phải tạo điều kiện cho những sinh hoạt, nhu cầu của bên giáo hội.
Đối với Công giáo họ tìm cách chèn ép, đàn áp. Bây giờ tôi không tin được nữa bởi vì qua bao lần gặp gỡ, bề ngoài họ rất thân thiện; nhưng sau gặp gỡ thì không phải như vậy. Như sau khi xảy ra vụ Đông Kiều, họ nói phải điều 30-40 công an đến để giữ trật tự; nhưng rồi tài sản của công dân vẫn bị phá phách. Mà công an giỏi lắm mà, một ‘con kiến’ vào trong huyện này công an vẫn biết, mà sao những người đến đập phá mà được để ‘tung hoành’ như thế buộc lòng chúng tôi phải suy nghĩ, đặt câu hỏi ‘có sự dàn dựng, chống lưng’ của chính quyền.
Chân Như: Chân thành cám ơn linh mục.

Hội Cờ đỏ, con bài nguy hiểm

Kính Hòa RFA
Ngày 30 tháng 10, 2017 hai linh mục ở Giáo phận Vinh đến làm việc với Ủy ban nhân dân xã Diễn Mỹ, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thì bị những người tự xưng là Hội Cờ đỏ bao vây thóa mạ, đe dọa, hai ông phải trú trong Ủy ban để an toàn.
Chuyện gì đang xảy ra?
Có phải chính quyền đứng sau Hội Cờ đỏ
Đây không phải là lần đầu tiên Hội cờ đỏ này xuất hiện, vào tháng đầu tháng Chín, năm 2017, một số thành viên của hội này đã đến một giáo xứ ở Đồng Nai, mang theo vũ khí, đe dọa các linh mục ở đây, với lý do là một linh mục ở đây lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý về những vấn đề xã hội trên trang Facebook của mình. Sau khi vụ việc được đem ra cơ quan công quyền, một thanh niên của nhóm này đã bị phạt 8 triệu 200 ngàn đồng, nhưng cơ quan công an từ chối trao văn bản kết quả điều tra cho những người bị đe dọa là các linh mục ở đây.
Đây là sự yếu kém của cái gọi là công tác đối thoại với dân… Chỉ đẩy tới chuyện dân nghi ngờ chính quyền, đẩy tới mâu thuẫn của các nhóm dân cư khác nhau.
-Ông Nguyễn Khắc Mai.
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, việc thành lập Hội Cờ đỏ là có tôn chỉ rất rõ ràng:
“Đầu tháng Năm, năm 2017, khi mà Hội cựu chiến binh cũng như các hội khác, kêu gọi thành lập Hội Cờ đỏ, thì họ có một mục đích tôn chỉ rất rõ ràng, đó là lập nên để trấn áp người giáo dân biểu tình khiếu kiện Formosa và diệt giặc đạo. Khi họ nói diệt giặc đạo thì họ chỉ đích danh những người họ muốn giết, đó là Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận Vinh, Linh mục Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, và Linh mục Nguyễn Đình Thục,”
Vào ngày 29 tháng 10, theo Facebook của một người có tên là Quỳnh Hoan, thì tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có cuộc gặp mặt của hơn một 1000 thành viên của các Hội Cờ đỏ ở Hà Nội, Nghệ An. Chúng tôi có liên lạc với bộ phận phụ trách thông tin của Huyện Quỳnh Lưu để hỏi về việc này nhưng không liên lạc được.
Chúng tôi cũng liên lạc với một thành viên của Hội Cờ đỏ Hà Nội là anh Nguyễn Quang Bách, thì anh này trả lời là không có chuyện đe dọa các linh mục, cũng như Hội Cờ đỏ có giấy phép thành lập của chính quyền. Qua liên lạc với cô Quỳnh Hoan, người được cho là đứng đầu Hội Cờ đỏ ở xã Sơn Hải, chúng tôi hỏi rằng những việc làm như đe dọa tính mạng và phá hoại tài sản người khác sẽ bị xem là tội phạm hay không? Cô Quỳnh Hoan không trả lời.
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam thì sự thành lập của Hội Cờ đỏ là có sự tiếp tay của chính quyền, ông đưa ra bằng chứng là trong những vụ lộn xộn có thành viên của Hội Cờ đỏ tham gia, không thấy các nhân viên cảnh sát có hành động gì cả.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Cơ quan dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đồng tình quan điểm này:
“Có thể có sự chỉ đạo của một số nhóm cầm quyền nào đấy. Bên công an, bên tuyên giáo, hoặc các tổ chức đảng ra lệnh gì đấy, bật đèn xanh cho họ làm, làm rầm rộ lắm. Tôi thấy rất đáng lo vì có thể là chính quyền đang bật đèn xanh cho một trạng thái vô chính trị, vô chính phủ, bất chấp đạo lý và luật pháp.”
Chúng tôi có liên lạc với một số người làm công tác tuyên giáo của Đảng cộng sản nhưng không được.
Sự nguy hiểm của xung đột Lương Giáo
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc người dân ở những giáo xứ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa làm hại, biểu tình đòi quyền lợi là việc làm chính đáng của họ, nhưng nếu chính quyền không thích và dùng những nhóm Cờ đỏ để đàn áp người dân, thì đó là một sai lầm:
Nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy có những xung đột lương giáo, và xung đột lương giáo này là do chính quyền gây nên.
-Linh mục Đặng Hữu Nam.
“Đây là sự yếu kém của cái gọi là công tác đối thoại với dân, mà đảng cộng sản gọi là dân vận, nhưng có lẽ là hệ thống dân vận không đối thoại được với dân. Pháp luật cũng không làm gì đến nơi đến chốn về các vấn đề mâu thuẫn các mặt trong xã hội. Đây là thể hiện sự yếu kém của chính quyền hiện nay.
Chỉ đẩy tới chuyện dân nghi ngờ chính quyền, đẩy tới mâu thuẫn của các nhóm dân cư khác nhau.”
Trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều lần những nhóm người được tổ chức như Hội Cờ đỏ để tấn công những người đối lập, hay các tổ chức tôn giáo đã từng xảy ra, và thường được gọi là những nhóm quần chúng tự phát. Những việc này đã xảy ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất, với những nhóm bần nông được tổ chức để đấu tố những người thuộc tầng lớp địa chủ, trung nông, hay trí thức. Những cuộc đấu tố này đã làm bùng nổ một cuộc nổi dậy cũng tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, chống lại chính quyền cộng sản vào năm 1956.
Linh mục Đặng Hữu Nam bình luận:
“Nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy có những xung đột lương giáo, và xung đột lương giáo này là do chính quyền gây nên. Tất cả những vụ xung đột lương giáo dù ở Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới, đều để lại hậu quả vô cùng tàn khốc mà lịch sử rất khó làm cho vết thương lành miệng. Đó cũng là một điều rất tệ hại cho nhân loại.”
Trên vùng đất miền Trung từ Quảng Bình ra đến Nghệ An, đã từng xảy ra những vụ xung đột Lương Giáo đẫm máu, tiếp theo chính sách cấm đạo và bức đạo Công giáo của các vua Minh Mạng, Tự Đức của triều đình nhà Nguyễn. Chính việc bức đạo này đã làm cho một số làng Công giáo ở vùng này theo thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Ông Hoành Linh Đỗ Mậu, một cựu tướng lãnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nay đã mất, viết trong hồi ký của ông rằng tại vùng quê Quảng Bình, vào những năm 1950 vẫn còn vô số những nấm mồ của nhiều người chết trong những xung đột Lương Giáo đó.
Ông Nguyễn Khắc Mai rất lo ngại:
“Nếu bọn này không được ngăn chận, làm quá đà, ví dụ như gây ra đập phá, xúc phạm sự linh thiêng của tôn giáo thì chắc chắn giáo dân họ không thể yên lặng. Và như thế là rất nguy hiểm.”
Trên trang Facebook của cô Quỳnh Hoan, của Hội Cờ đỏ tại Nghệ An, người ta thấy những status mắng chửi các giám mục, linh mục tại Nghệ An và Hà Tĩnh.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói với chúng tôi:
Mặc dù chúng tôi sống trên tinh thần ôn hòa, yêu thương tha thứ của người có đạo, nhưng chúng tôi cũng sẳn sàng sử dụng các luật pháp được phép để chúng tôi bảo vệ quyền lợi và mạng sống của mình.”
Ông nói rằng ông và các linh mục hiện nay đang kêu gọi giáo dân giữ bình tĩnh, tránh sự khiêu khích.
Sự kiện xuất hiện Hội Cờ đỏ làm cho Tiến sĩ Lê Tuấn Huy tại Sài Gòn nhớ lại thời điểm cách đây hơn hai năm, vào tháng Ba, năm 2015, khi nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông tại Hà Nội, một nhóm thanh niên ăn mặc đồ đỏ, cầm cờ đỏ có sao vàng hay búa liềm đến, và suýt đã xảy ra xung đột với những người biểu tình. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Huy lúc đó viết rằng, những cái loạn của hiện tại đã định hình, cái loạn của tương lai cũng được dự báo: Trên đất nước này, một ngày kia, sẽ có cả những lực lượng cực hữu và cực tả đấu tranh hết sức gay gắt, thậm chí bằng chủ trương vũ lực.

APEC: Làm gì để không ai bị bỏ lại phía sau?

Ý kiến nói thành viên APEC có nhiều việc cần làm để giảm sự phân hóa rõ ràng về kinh tế giữa những cá nhân giàu có và người yếu thế.
Trong bài viết ‘Tám ý tưởng vì một nền kinh tế APEC không để ai bị bỏ lại phía sau’, Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc Gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng chính các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với khoảng cách giàu nghèo đang trở nên rộng hơn bao giờ hết.
Tác giả mô tả Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung.
“Các chính sách này chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho một nhóm nhỏ trong khi hàng triệu phụ nữ, công nhân và nông dân đang bị tụt lại phía sau.
“Tại Indonesia, 1% tổng dân số nắm giữ nửa tổng tài sản của toàn nước và bốn người giàu nhất có khối tài sản lớn hơn 100 triệu người nghèo nhất. Tại Việt Nam, thu nhập trong một năm của 210 người siêu giàu dư sức để đưa 3.2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực. Tương tự, tại Thái Lan, 1% những cá nhân giàu có sở hữu 56% khối tài sản quốc gia,” tác giả viết.
Theo bà Babeth Ngọc Hân Lefur, mô hình kinh tế trong khu vực đang chuyển lợi ích của phụ nữ, công nhân, nông dân, ngư dân và người sản xuất nhỏ sang cho các thế lực cao hơn.
“Thay vì mở rộng tiếp cận đất đai và những nguồn lực sản xuất khác cho nhóm phụ nữ, công nhân và người dân nghèo, mô hình kinh tế hiện nay vẫn tiếp tục làm giàu cho một vài cá nhân thâu tóm những nguồn lực này.
“Phụ nữ thường bị phân biệt đối xử trong lao động việc làm, như không được trả công và những công việc trả lương thấp là cơ sở tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, nhưng chính hệ thống mà họ đang đóng góp này lại bỏ họ tụt lại phía sau.
Theo tác giả nền tài khóa “không công bằng” mà ở đó những tập đoàn lớn và cá nhân giàu có không đóng đúng và đủ nghĩa vụ thuế, đang làm ảnh hưởng đến đầu tư công cho các dịch vụ thiết yếu, góp phần làm giảm cơ hội cho thế hệ tương lai, phá vỡ vòng xoáy nghèo đói.
“Hầu hết các quyết định về kinh tế được hình thành sau những cánh cửa kín mà thiếu hẳn cơ chế tham gia của các bên liên quan trong đó có người dân,” là yếu tố được nhắc tới.
Các nhà lãnh đạo APEC đều nhất trí rằng tăng trưởng bao trùm cần phải là trọng tâm thảo luận trong cuộc họp thượng đỉnh lần này. Việt Nam, quốc gia chủ trì cuộc họp năm nay, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội.
Giám đốc Quốc Gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đưa ra điều bà gọi là những đề xuất để hiện thực hóa khát vọng của APEC về cái gọi là “tăng trưởng bao trùm”.
“Các nhà lãnh đạo APEC cần nhìn nhận bất bình đẳng đang gia tăng là mối đe dọa tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực. APEC cần thúc đẩy hợp tác trong khu vực và toàn cầu để xóa bỏ xói mòn cơ sở thuế, chuyển lợi nhuận và nâng cao khả năng quản lý thuế, thiết lập những quy định về mức lương đủ sống…”
Bài viết nêu bật nhu cầu cần hỗ trợ các Doanh nghiệp Siêu nhỏ, Nhỏ và Vừa (MSMEs) do phụ nữ lãnh đạo và làm chủ trong khi thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của công dân.
“Nghèo đói và bất bình đẳng cực đoan không phải do số phận gây ra. Những vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết và xóa bỏ.
“Các nhà lãnh đạo APEC giữ một vai trò đặc biệt trong việc chấm dứt những vấn đề dai dẳng này bằng việc kiến tạo và thúc đẩy nền kinh tế nhân văn mà ở đó không ai bị bỏ lại phía sau, một thế giới tươi sáng cho các thế hệ sau,” tác giả kết luận.

Giáo sư Carlyle Thayer nói về

chuyến thăm VN chính thức của ông Trump

Nhà Trắng hôm 16/10 thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam vào ngày 11/11, sau khi dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
RFA trò chuyện với Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc xoay quanh chuyến thăm Hà Nội của ông Trump.
Lan Hương: Thưa Giáo sư, như chúng ta đã biết vào ngày 11/11 tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Hà Nội sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Vậy Giáo sư có thể cho biết hai bên sẽ bàn thảo những vấn đề gì?
GS. Carl Thayer: Tôi nghĩ việc Tổng thống Trump quyết định thăm chính thức Hà Nội sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh APEC là một điều rất quan trọng. Đặc biệt khi ông ấy quyết định rời Malina sớm hơn lịch trình và quyết định không dự Hội nghị Cao cấp Đông Á. Tại APEC, ông ấy sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng có lẽ sẽ không gặp Tổng thống Nga Putin.
Nhưng tôi nghĩ chuyến thăm này cũng là thường tình thôi, bởi vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi là lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng. Và Việt Nam cũng được chính quyền của ông Trump hứa hẹn là sẽ mở rộng quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập dưới thời Tổng thống Obama. Mối quan hệ này bao gồm 9 lĩnh vực hợp tác khác nhau. Việt Nam rất năng nổ trong việc chủ động đề nghị bàn thảo các thỏa thuận thương mại song phương, bởi vì Việt Nam xuất siêu hơn 30 tỷ đô la sang Mỹ và đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia xuất siêu sang thị trường này.
Hơn nữa, trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi của ông Phúc, họ cũng thông báo là sẽ ký các thỏa thuận thương mại trị giá hơn chục tỷ đô la, trong đó sẽ dành vài tỷ mua sắm máy bay.
Tôi nghĩ rằng trong lần gặp gỡ này hai bên sẽ không đề cập chuyện gì cụ thể, mà chỉ nhắc chung chung chuyện hợp tác thương mại trước đây đã nói tới. Nhưng tôi nghĩ họ đồng quan điểm về chuyện biển Đông, và họ sẽ nhắc tới chuyện những quy tắc chung, không sử dụng vũ lực và ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng có lẽ sẽ sử dụng tiến trình ngoại giao tiêu chuẩn mà ASEAN đề ra.
Hợp tác tuần duyên biển giữa hai nước ngày càng tăng, nên cũng có thể được nhắc tới. Đặc biệt họ có thể tuyên bố sẽ mua thêm chiếc tàu lớp Hamilton.
Nhìn chung họ sẽ nói rằng muốn mở rộng hay tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện giống như đợt ông Phúc sang Washington vậy. Nhưng những vấn đề khác có thể được nhắc đến như khoa học, công nghệ, giáo dục, cam kết của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương do chiến tranh gây ra bởi chất độc màu da cam và chuyện tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh của cả hai bên. Việt Nam muốn Mỹ cung cấp những thông tin về những người lính bị bắt giữ và chôn cất trong chiến tranh. Vì vậy, họ có thể bàn đến chuyện này trong cuộc gặp.
Nhưng điều sẽ không được nhắc tới đó là cam kết của Mỹ về bất cứ quan hệ đa phương nào với khu vực. Mỹ tất nhiên sẽ hỗ trợ ASEAN nhưng sẽ là sau chuyến thăm Việt Nam.
Lan Hương: Ông có nghĩ Tổng thống Trump sẽ nhắc đến vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam không?
GS. Carl Thayer: Trong thông cáo thì họ có nhắc tới đó, nhưng tất nhiên họ sẽ nói rằng họ tổ chức đối thoại rồi thì Mỹ nói thế này, Việt Nam nói thế kia rồi ghép lại thành một bài. Mỹ đang phản đối chính quyền Myanmar liên quan đến khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya. Việt Nam gần đây ngày càng gia tăng việc bắt giữ các blogger, các nhà bất đồng chính kiến và số vụ đàn áp, đánh đập do côn đồ có quan hệ với chính quyền cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên tôi không nghĩ ông Trump sẽ nói đến chuyện này.
Lan Hương: Các Tổng thống Mỹ khác đến thăm Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ của họ, trong khi ông Trump quyết định thăm Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy. Điều này có ý nghĩa thế nào với quan hệ hai nước?
GS. Carl Thayer: Một trong những chính sách của ông Trump là chú trọng vào khu vực Đông Bắc Á vì Bắc Triều Tiên. Thông cáo từ Bộ Ngoại giao nói rõ rằng chuyến thăm lần này có hai mục đích chính thứ nhất là để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, thứ hai là dịp để Mỹ cùng Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc bàn bạc chuyện Bắc Hàn. Và khi ông Trump tới Đông Nam Á, ông ấy muốn mọi người ủng hộ ông ấy liên quan đến chuyện Bắc Hàn.
Về chuyến đi Việt Nam, ông ấy muốn đến dự APEC là vì có nhiều “mật ngọt” tại sự kiện này. Đó là dịp ông ấy được gặp gỡ những doanh nhân hàng đầu của APEC. Và thông điệp ở đây là nếu anh muốn tự do thương mại đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương, anh phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế rất cao về dịch vụ, thương mại kỹ thuật số, hay thương mại nói chung. Và đây cũng là những yếu tố trong thỏa thuận thương mại tự do. Nếu anh muốn tự do thương mại với Mỹ thì đây là những tiêu chuẩn anh phải đáp ứng. Thỏa thuận thương mại tự do của châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang trong giai đoạn treo, vì ông Trump sẽ không ký trừ khi quốc gia đó đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra.
Về việc ông Trump quyết định thăm chính thức Hà Nội thay vì tới APEC rồi về nước, tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận công lao của đại sứ Việt Nam tại Mỹ ông Phạm Quang Vinh và đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Họ đã thuyết phục ông Trump rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược chủ chốt trong khu vực, mang lại lợi ích to lớn cho nước Mỹ. Mặc dù Việt Nam không phải là đồng mình của Mỹ, nhưng đem đến nhiều lợi ích kinh tế, quan hệ quân sự và an ninh hàng hải. Và hơn nữa, ông Phúc đã tới thăm Mỹ thì ông Trump cũng nên tới thăm Việt Nam vì có đi thì nên có lại.
Lan Hương: Ông nghĩ chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?
GS. Carl Thayer: Một phần của chuyến đi là để bàn chuyện Bắc Hàn, mà Việt Nam lại rất quan tâm làm thế nào để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các nước vì sẽ ảnh hưởng đến thương mại và làm rối loạn trật tự trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam. Hơn nữa Việt Nam và ASEAN cũng tích cực kêu gọi thực hiện chính sách phi hạt nhân hóa. Và Việt Nam rất cần đến sự can thiệp của Mỹ vì lợi ích chung cho cả hai bên. Chính vì vậy khi tàu Mỹ tới biển Đông, Việt Nam luôn luôn hoan nghênh điều đó, miễn là điều đó phục vụ lợi ích khu vực. Nhưng tất nhiên ý đồ của Việt Nam là Mỹ cân bằng sự lấn át của Trung Quốc.
Việc Mỹ không tham dự Hội nghị Cao cấp Đông Á cũng có thể khiến nhiều kế hoạch không được đảm bảo, trong đó có dự tính duy trì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP thứ hai với 11 thành viên mà không có sự góp mặt của Mỹ. Việt Nam là một trong những nước tham gia TPP. Một mặt Việt Nam không muốn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ được thiết lập sau chuyến thăm của ông Phúc. Trong khi Thủ tướng mới của New Zealand đang cố gắng thay đổi TPP. Nhưng sau APEC, chúng ta sẽ biết liệu những quốc gia này có tiếp tục duy trì thỏa thuận hay không bởi vì không có Mỹ nhiều mục tiêu trong TPP khó lòng đạt được. Và Việt Nam cần lựa chọn hướng đi phù hợp cho mình.
Việt Nam sẽ rất vui vì chuyến thăm chính thức này của ông Trump. Bởi vì một khi những lãnh đạo cấp cao đồng ý thì các bộ ngành sẽ tuân theo. Đó là mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam.
Lan Hương: Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào với Mỹ?
GS. Carl Thayer: Đây là một câu hỏi rất khó, bởi vì như chúng ta đã biết chính sách ngoại giao kiểu kinh doanh của ông Trump. Ông ấy chẳng có chiến lược toàn diện nào hết. Theo luật của Quốc hội Mỹ thì sau khi nhậm chức 150 ngày lẽ ra ông ấy phải công bố kế hoạch cụ thể cho nhiệm kỳ của mình, nhưng đến giờ này vẫn chưa thấy có.
Việt Nam thì luôn muốn sự hỗ trợ song phương và hỗ trợ cho cả ASEAN, cho APEC, hay EAS và muốn Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo. Nhưng với ông Trump thì chẳng có vai trò lãnh đạo nào cả, vì quan điểm của ông ấy là phải theo cách của tôi không thì không có cách nào hết. Và miệng ông ấy chưa bao giờ phát ngôn ra được từ “đa phương”. Điều này khiến Việt Nam không vui, vì Việt Nam muốn quan hệ đa phương vì dễ điều chỉnh mà mang lại ảnh hưởng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên nếu ông Trump không đến Việt Nam, thậm chí là để dự APEC, mới thực sự là thảm họa. Chuyến đi này là dịp để ông ấy học hỏi về châu Á những điều ông ấy chưa biết. Và ông ấy sẽ đến Việt Nam sau chuyến thăm Trung Quốc, như vậy sẽ là dịp để Việt Nam hỏi han về chuyến thăm này. Vì bấy lâu nay Hà Nội luôn lo sợ hai quốc gia này sẽ gắn bó keo sơn với nhau và Việt Nam sẽ là nạn nhân.
Lan Hương: Nếu ông có cơ hội được tư vấn cho ông Trump, ông sẽ khuyên ông ấy nói với Việt Nam điều gì?
GS. Carl Thayer: Đầu tiên tôi phải nói với ông ấy thật là sai lầm khi không đến dự Hội nghị Cao cấp Đông Á.
Tôi cũng muốn nói với ông ấy một vài điều rằng vị thế quân sự của Hoa Kỳ đang ngày càng lớn mạnh trong khu vực nhờ Bộ trưởng Mattis, đó là sự tự do tuần tra hàng hải. Nhưng Hoa Kỳ cần thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn, lấy các tiêu chuẩn của Trump và cố gắng đa phương hoá chúng. Tôi sẽ khuyên rằng nếu Hoa Kỳ cắt sự trợ giúp thông qua Bộ Ngoại giao, điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh con người, quyền của phụ nữ, sức khoẻ hàng ngày của người dân khu vực sông Mê Kông.
Hoa Kỳ cần phải có tất cả các yếu tố quyền lực quốc gia kết hợp với nhau.  Đó là các yếu tố quyền lực về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá và quân sự kết hợp lại với nhau. Tôi đã nghe ông bộ trưởng James Mattis nhắc đến thuật ngữ này nhiều lần nhưng chưa thấy ông Tillerson và các bộ trưởng khác nhắc tới.
Tôi nghĩ Mỹ nên khuyến khích Việt Nam trong việc đóng vai trò chủ chốt. Việt Nam là một thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ trong năm 2008 và 2009, và bây giờ là một ứng cử viên một lần nữa. Và Việt Nam sẽ bắt tay vào việc gìn giữ hòa bình bằng cách hỗ trợ bệnh viện dã chiến cấp 2 và cung cấp binh chủng cho Nam Sudan. Mỹ đang ủng hộ điều đó, và tôi nghĩ rằng điều này sẽ mang lại kết quả tích cực. Như vậy, Việt Nam đang góp phần giúp đỡ chống lại chiến tranh khủng bố bằng cách ổn định hóa một khu vực của thế giới.
Lan Hương: Ông sẽ khuyên chính phủ Việt Nam nói gì với ông Trump?
GS. Carl Thayer: Tôi nghĩ rằng rõ ràng là ngoài khía cạnh song phương, họ nên thúc đẩy ông ấy rằng ASEAN cần giữ vai trò trung tâm cho kiến ​​trúc khu vực. Và cách tốt nhất là Hoa Kỳ hỗ trợ, phối hợp và thảo luận các sáng kiến ​​với ASEAN hơn là cứ đơn phương ban hành. Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm của ông tới khu vực, và nên nói rằng ông và nội các của ông nên đến  thăm Việt Nam nhiều hơn. Ông Obama từng nói rằng tất cả các thành viên nội các nên đến thăm châu Á mỗi năm một lần. Việt Nam cũng có thể khen ông ấy rằng sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông là rất cần thiết, và làm ông ấy hãnh diện. Ngay cả các đồng minh thân cận trong khu vực như Úc có thể hợp tác với Hoa Kỳ nhưng chúng tôi cần sự lãnh đạo, chứ không muốn sự phiền nhiễu. Việt Nam rất giỏi trong việc làm người khác hãnh diện và đó là một điều tốt. Cứ nói với ôngTrump rằng Việt Nam trân trọng tính nhất quán trong mục đích của Hoa Kỳ, và khuyến khích ông ấy đưa Việt Nam vào chiến lược an ninh quốc gia vì hiện giờ nó đang được soạn thảo.

Kiểm tra liên hợp nghề cá

vùng đánh bắt chung ở Vịnh Bắc Bộ

Hoạt động kiểm tra liên hợp nghề cá vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ Việt Nam- Trung Quốc lần thứ 2 năm 2017 được khởi động và sẽ kết thúc vào ngày 3 tháng 11 tới đây.
Tin cho biết vào chiều ngày 30 tháng 10, đoàn công tác của Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam rời cảng Đình Vũ, Hải Phòng lên đường ra vị trí tập kết để chuẩn bị cho hoạt động vừa nêu.
Cụ thể lần này lực lượng Cảnh sát Biển của hai phía tiến hành kiểm tra qua 11 điểm trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ. Cảnh sát biển của phía Việt Nam và Trung Quốc sẽ kiểm tra tàu cá hoạt động tại vùng đánh bắt chung.
Mục đích của chuyến kiểm tra tại vùng đánh bắt chung ở Vịnh Bắc Bộ lần này được cho biết nhằm tăng cường công tác quản lý tàu cá trên biển, duy trì trật tự hoạt động nghề cá trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.
Tin nêu rõ là lực lượng Cảnh sát Biển hai phía sẽ tuyên truyền giáo dục cho ngư dân chấp hành các qui định trong Hiệp Định Nghề Cá Vịnh Bắc Bộ mà Bắc Kinh và Hà Nội ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000.

Đề xuất nhấn chìm chất thải xuống biển Quy Nhơn

Gần 500 ngàn mét khối chất thải nạo vết duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn được Cục Hàng Hải Việt Nam đề nghị Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bình Định cho nhận chìm xuống biển địa phương.
Mạng báo Tuổi Trẻ vào ngày 31 tháng 10 dẫn phát biểu của giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi Trường tỉnh Bình Định, ông Đặng Trung Thành rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh này đã giao cho Sở Tài Nguyên- Môi trường phối hợp cùng Cục Hàng Hải Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ để kiểm tra, thẩm định, trình cấp trên duyệt cấp phép.
Tin cho biết tọa độ được đề nghị cho nhận chìm lượng chất thải vừa nêu là ngoài phao số 0 mà theo qui định là tối thiểu các bờ biển 2,5 kilomet trở ra.
Ông Đặng Trung Thành nói rằng việc nhận chìm để khơi thông luồng chảy ở cảng Quy Nhơn là cần thiết; tuy nhiên vì kinh tế mà đánh đổi môi trường vì việc làm này có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường biển.
Vào tháng 7 vừa qua, kế hoạch cho nhận chìm 1 triệu mét khối bùn, cát ra vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận phải ngưng lại. Lý do vì phản ứng mạnh mẽ của giới chuyên gia và dân chúng địa phương vì chất thải đổ xuống biển làm chết san hô, hải sản gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng lâu dài đến đời sống cư dân địa phương.

Dự kiến 4 nguyên thủ sẽ thăm chính thức Việt Nam

Tin cho biết nhân dịp đến dự hội nghị cấp cao APEC năm nay ở thành phố Đà Nẵng, bốn vị nguyên thủ quốc gia dự kiến sẽ chính thức công du Việt Nam.
Ngoài thông cáo của Nhà Trắng đưa ra hồi ngày 16 tháng 10 xác nhận tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ chính thức công du Việt Nam vào ngày 11 tháng 11 sau khi dự hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng; truyền thông trong nước vào ngày 31 tháng 10 dẫn phát biểu của Bộ Trưởng Ngoại Giao kiêm phó thủ tướng Việt Nam, Phạm Bình Minh, rằng dự kiến Hà Nội sẽ đón thêm ba bị nguyên thủ khác gồm thủ tướng Canada- Justin Trudeau, tổng thống Chi Lê- Michelle Bachelet, tổng bí thư-chủ tịch Trung Quốc- Tập Cận Bình.
Ông Phạm Bình Minh nói với báo giới bên lề kỳ họp Quốc Hội thứ tư Khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội rằng Việt Nam đã sẵn sàng để đón các lãnh đạo của những nước lớn trên thế giới.
Theo lời ông Phạm Bình Minh thì việc bốn nhà lãnh đạo có quyết định thăm chính thức Việt Nam trong tháng 11 chứng tỏ công tác ngoại giao của Việt Nam trong năm nay thành công. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam thì các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước như thế sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương chứ không chỉ đa phương qua Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 tại Đà Nẵng.

Tại sao Tổ chức Hội Anh em dân chủ bị đàn áp?

Kính Hòa RFA
Giữa tháng 10, 2017, nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa, sống ở Hải Phòng bị cơ quan an ninh thành phố này thẩm vấn trong thời gian tám ngày, với những cáo buộc có liên quan đến Hội Anh em dân chủ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là người mới nhất có liên quan đến vụ trấn áp Hội Anh em dân chủ suốt một năm nay.
Có nhiều hội, nhóm hoạt động không chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản, nhưng tại sao Hội Anh em dân chủ lại bị đàn áp mạnh tay như vậy trong thời gian qua?
Đàn áp Hội Anh em dân chủ
Hội Anh em dân chủ được Luật sư Nguyễn Văn Đài và một số đồng sự thành lập vào tháng Tư năm 2013, với chủ trương đấu tranh bất bạo động cho dân chủ ở Việt Nam.
Tháng 12 năm 2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài, và một người cộng sự là cô Lê Thu Hà bị bắt với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 luật hình sự Việt Nam.
Đến tháng Bảy, 2017 có thêm bốn thành viên của Hội Anh em dân chủ bị bắt, đó là mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển, với tội danh hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 luật hình sự Việt Nam.
Một tháng sau, ông Nguyễn Trung Trực, người được giao nhiệm vụ phát ngôn nhân của Hội Anh em dân chủ bị bắt, cũng theo điều luật số 79.
Đầu tháng Chín, đến phiên ông Nguyễn Văn Túc, thành viên Hội Anh em dân chủ ở Thái Bình bị bắt.
Có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đại hội vừa rồi là những người cứng rắn.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Ngày 20 tháng 10, một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Đà Nẵng là anh Khúc Thừa Sơn bị thẩm vấn vì tình nghi có liên quan đến Hội Anh em dân chủ.
Sau khi kết thúc việc thẩm vấn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cơ quan an ninh thành phố Hải Phòng nói với ông rằng họ không bắt giam ông. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói với chúng tôi:
Họ gắn tôi vào vụ án anh Nguyễn Văn Đài và Hội anh em dân chủ. Họ biết tôi có tham gia vào Hội anh em dân chủ trong thời gian hai tháng, sau đó tôi rút. Họ qui kết Hội anh em dân chủ có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, vi phạm vào điều 79 bộ luật hình sự của nước Việt Nam. Nhưng tôi bác bỏ qui kết của họ.”
Ông Nghĩa nói rằng nếu thấy những thành viên của Hội Anh em dân chủ có tội thì hãy đưa ra bằng chứng, và để tòa án quyết định.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa tham gia Hội Anh em dân chủ trong thời gian hai tháng, từ tháng 12 năm 2015 đến tháng Giêng năm 2016, và ông xin rút lui vì lý do sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì những thành viên của Hội Anh em dân chủ là những con người rất ôn hòa. Trên trang web của Hội Anh em dân chủ người ta thấy tất cả các bài viết là nhắm vào những vụ bê bối trong quản lý kinh tế, những vấn đề an sinh xã hội tại Việt Nam.
Vậy tại sao họ lại bị đàn áp?
Những lý do đàn áp
Khi được đặt câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội trả lời:
“Nó có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đại hội vừa rồi là những người cứng rắn. Hoàn cảnh bây giờ làm cho họ lo sợ, vì phong trào dân chúng theo tôi đánh giá là phát triển đến mức có thay đổi về chất. Hội Anh em dân chủ lại là một hội có tổ chức chặt chẽ, của một tổ chức chính trị rất là cổ điển.”
Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2016, một tháng sau khi Luật sư Đài bị bắt. Sau đại hội này, nhiều tướng lĩnh quân đội và công an được vào trung ương đảng và bộ chính trị, những nơi có quyền lực chính trị lớn nhất nước.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết ông không biết gì nhiều về Hội Anh em dân chủ vì thời gian hoạt động chỉ có hai tháng, nhưng ông cho rằng Hội này có tổ chức chặt chẽ, và trải rộng từ Bắc đến Nam.
Anh Lê Sơn, một cựu tù nhân chính trị, cho biết nhận định của mình về vụ đàn áp Hội Anh em dân chủ:
“Họ có đề cương rất rõ ràng, rất cụ thể, đó là Việt Nam tự do dân chủ, nhân quyền, có được đa nguyên đa đảng và hoạt động xã hội dân sự tự do. Đương nhiên với việc làm như thế thì đảng cộng sản họ không thích, và đến một lúc nào đó họ sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ, bố ráp. Họ đã bắt bớ một loạt những người được cho là chủ đạo từ Bắc vào Nam để làm giảm sức mạnh của Hội Anh em dân chủ.”
Vào tháng Bảy năm 2015, trong một lần trao đổi với Đài Á châu tự do, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho chúng tôi biết rằng tổ chức của ông không có mục tiêu lật đổ, mà là đấu tranh bất bạo động, đi vào chiều sâu:
Theo quan sát của cá nhân tôi thì là do tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình Hoa Kỳ, sau khi ông Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, thì điều đó có lợi cho họ, nên họ ra tay đàn áp.
-Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
“Mình tìm kiếm những người có khả năng tham gia ứng cử để mình đào tạo, trở thành những người lãnh đạo ở cấp địa phương tới trung ương trong tương lai.”
Ông cũng kể lại rằng vào thời kỳ đầu mới thành lập, năm 2013, cơ quan an ninh liên tục gây sức ép bắt buộc Hội Anh em dân chủ phải chấm dứt hoạt động, nhưng sau đó họ đã đổi thái độ, và đối xử với Hội Anh em dân chủ một cách ôn hòa:
“Trước đây khi làm việc với nhau thì họ luôn có vẻ kể cả bề trên, luôn luôn muốn áp đặt với chúng tôi. Nhưng bây giờ thì không. Thái độ của họ thay đổi hoàn toàn, họ vẫn nói mình không nên làm cái này cái kia, hay từ từ hẳn làm, nhưng không còn kiểu áp đặt ra lệnh theo kiểu ăn sống nuốt tươi mình được.”
Khoảng thời gian 2014-2015 cũng là lúc Việt Nam đang rất nổ lực để tham gia vào Hiệp ước đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương do Mỹ cầm đầu, với những điều kiện ràng buộc về nhân quyền và quyền lợi lao động theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Lúc đó dư luận thậm chí đã nói đến việc thành lập nghiệp đoàn tự do tại Việt Nam.
Giải thích về việc gia tăng đàn áp Hội Anh em dân chủ trong năm 2017, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng việc đó có phần quan trọng là do ảnh hưởng của tình hình quốc tế, ông nói:
Theo quan sát của cá nhân tôi thì là do tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình Hoa Kỳ, sau khi ông Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, thì điều đó có lợi cho họ, nên họ ra tay đàn áp khủng bố những người hoạt động xã hội dân sự trong nước, khi mà Hoa Kỳ đã không còn quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền Việt Nam, đã tạo điều kiện cho chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp. Thời Tổng thống Obama, việc quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền trên toàn thế giới, cũng như vấn đề dân chủ nhân quyền ở Việt Nam được chính phủ thời đó chú trọng hơn.”
Ông nói tiếp sở dĩ như vậy là do phong trào đấu tranh cho dân chủ ở trong nước còn rất ít và yếu, do vậy tình hình quốc tế rất có ảnh hưởng đến hoạt động dân chủ trong nước. Giải thích tại sao sau đến bốn năm hoạt động, Hội Anh em dân chủ mới bị đàn áp mạnh tay, ông nói tiếp:
Luật pháp của nhà nước cộng sản là như vậy, nó xử lý theo từng thời gian, theo từng trạng thái và theo từng cá nhân, chứ không phải là một thứ luật pháp nghiêm minh và sòng phẳng.”
Ông Nguyễn Quang A thấy có sự tương đồng giữa việc đàn áp Hội Anh em dân chủ với việc đàn áp tổ chức của Luật sư Lê Công Định, Kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, và Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung vào năm 2009, đó là sự lo ngại của đảng cộng sản đối với những tổ chức mang khuynh hướng chính trị và có tổ chức chặt chẽ.

Tổng thống Trump thăm chính thức Việt Nam ngày 12/11

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam hôm 12/11, sau khi dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng hôm 10 và 11/11, các nguồn tin ngoại giao xác nhận với VOA.
Chi tiết các hoạt động của tổng thống Mỹ không được tiết lộ vì lý do an ninh, song theo thông tin VOA có được, ông Trump sẽ gặp ba lãnh đạo hàng đầu trong số “tứ trụ” của Việt Nam. Riêng cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có trong lịch ở thời điểm này, và chưa rõ lý do vì sao.
Có phần chắc vị tổng thống thứ 45 của Mỹ, người thuộc đảng Cộng hòa, sẽ không gặp gỡ, đọc diễn văn trước cử tọa gồm hàng trăm người, chủ yếu là giới trẻ, như các tổng thống tiền nhiệm Clinton và Obama của đảng Dân chủ đã làm khi họ thăm chính thức Việt Nam lần lượt vào các năm 2000 và 2016.
Một vị tổng thống khác thuộc đảng Cộng hòa, ông Bush, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 sau khi dự APEC, đã không đọc diễn văn trước công chúng.
Các chặng dừng chân ở Việt Nam của Tổng thống Trump nằm trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của ông kéo dài từ ngày 3 đến 14/11, với các điểm đến bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines.
Chuyến công du nhằm mục đích nhấn mạnh tới “cam kết của ông đối với các mối quan hệ đối tác và liên minh lâu bền của Hoa Kỳ”.
Trước khi đến Việt Nam, ông Trump đặt chân tới Hawaii vào ngày 3/11, thăm Nhật ngày 5/11 và sau đó là Hàn Quốc vào ngày 7/11. Tại hai quốc gia Đông Á này, vấn đề Triều Tiên sẽ nằm cao trong nghị trình.
Vào ngày 8/11, Tổng thống Trump sẽ tới Bắc Kinh, Trung Quốc, và tham gia vào một loạt các sự kiện văn hóa, thương mại và song phương, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Trump sẽ kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ tại Manila, Philippines, sau khi rời Việt Nam ngày 12/11.
Tại Phillipines, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như 40 năm ngày thiết lập quan hệ ASEAN và Mỹ. Ông cũng sẽ hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Ông Tập tiếp đặc phái viên của TBT Trọng

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam hãy có nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định quan hệ giữa hai nước, Tân Hoa Xã đưa tin.
Lời kêu gọi của ông Tập, người vừa được Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc tái xác lập vị trí lãnh đạo trong năm năm tới, được đưa ra trong cuộc gặp với ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam.
Trong chuyến đi lần này, ông Hoàng Bình Quân đảm nhiệm vai trò đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại cuộc gặp gỡ, ông Tập khẳng định rằng bộ máy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ làm với dàn lãnh đạo của Tổng bí thư Trọng.
Mục tiêu, ông nói, là nhằm làm sâu sắc hơn nữa các trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, triển khai những nội dung quan trọng mà hai bên đã nhất trí, và xử lí thích hợp các vấn đề có liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định trong quan hệ song phương, Tân Hoa Xã tường thuật.
Ông Tập nói rằng hai đảng của hai nước đều là các đảng cầm quyền ở các đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa, và cần phải nhìn mối quan hệ Việt-Trung từ một vị trí cao hơn, ở một mức độ sâu sắc hơn, và cần mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ vận mệnh.
“Kết quả Đại hội Đảng”
Nhắc tới kết quả Đại hội 19, ông Tập nói rằng ông đã kêu gọi các đảng viên hãy tiếp tục theo đuổi khát vọng và giữ vững sứ mệnh, và điều đó cũng áp dụng vào sự phát triển của quan hệ Việt-Trung.
Đem theo lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới Chủ tịch Tập, ông Hoàng Bình Quân nói rằng Việt Nam muốn hiểu rõ hơn về tinh thần của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, và về Tư tưởng Tập Cận Bình trong vấn đề Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, theo Tân Hoa Xã.
Ông Hoàng Bình Quân cũng khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời đại mới lên một tầm cao mới.
Trong chuyến đi, ông Hoàng Bình Quân đã gặp với ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi gặp ông Tập, truyền thông Việt Nam nói.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hoàng Bình Quân đảm nhận vai trò đặc phái viên của Tổng bí thư Trọng tới gặp ông Tập.
Hồi đầu năm ngoái, ông đã sang Trung Quốc “thông báo trực tiếp” kết quả Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam tới lãnh đạo Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp với vị khách Việt Nam hôm 29/2/2016, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam cùng chung số phận, cũng như hai đảng cộng sản của hai nước”, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.

‘Đụng’ đại gia Đà Nẵng, một nhà báo bị cấm xuất cảnh

Hội Nhà báo Việt Nam vừa lên tiếng trên báo chí cho biết hội này đang làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ vụ Công an Đà Nẵng cấm nhà báo Dương Hằng Nga xuất cảnh vì đơn tố cáo của “đại gia” Phan Văn Anh Vũ, còn gọi là “Vũ nhôm”, người mà gần đây cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi vì sao lại có biệt danh “mafia của Đà Nẵng”.
Trao đổi với báo chí hôm 31/10, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, ông Phan Hữu Minh, cho biết Công an Đà Nẵng đã có công văn xác nhận việc cấm xuất cảnh 3 tháng đối với nhà báo Dương Hằng Nga (tên thật là Dương Thị Hằng Nga), Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Tạp chí Giao thông Vận tải.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho biết Hội nhận được đơn khiếu nại của bà Nga vào ngày 13/9, theo Tuổi Trẻ.
Trong đơn, bà Nga cho biết khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để đi Myanmar, bà bị công an cửa khẩu lập biên bản không cho xuất cảnh với lý do bà thuộc diện “chưa được xuất cảnh” theo đề nghị của Công an thành phố Đà Nẵng.
“Gây khó dễ”
Bà Nga còn cho biết bà thường xuyên bị cơ quan công an triệu tập, thậm chí đưa người vào giường bệnh xét hỏi trong thời gian bà đang chăm sóc bố chồng đi mổ ở bệnh viện hồi tháng 6.
Nữ nhà báo cho rằng bà bị cơ quan công an điều tra “gây khó dễ” là do yêu cầu của ông Phan Văn Anh Vũ, biệt hiệu “Vũ nhôm”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Xây dựng 79, vì 8 bài báo bà viết trước đó với nội dung chống tiêu cực tại dự án Khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng, mà tập đoàn của ông Vũ đầu tư.
Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 26/10 ở UBND thành phố Đà Nẵng, một đại diện của Công an Đà Nẵng, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, cho biết công an Đà Nẵng nhận được đơn tố giác tội phạm đối với công dân Dương Thị Hằng Nga từ đầu năm 2017 nên cơ quan này đã thực hiện các bước theo đúng quy trình.
“Việc cấm xuất cảnh là đúng, không có gì sai phạm”, Vietnamnet trích lời Đại tá Dũng.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cho hay trong văn bản trả lời cho Hội, Công an Đà Nẵng viện dẫn vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra đối với đơn tố giác của ông Vũ, (cho rằng bà Nga đã viết một số bài báo có nội dung xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty, xúc phạm danh dự cá nhân ông), nên cơ quan an ninh điều tra không thông báo cho đương sự biết về đề nghị cấm xuất cảnh.
Vẫn theo văn bản trên, Công an Đà Nẵng khẳng định “điều tra viên không tự tiện vào bệnh viện mà được bà Nga gọi điện mời. Điều tra viên cũng chỉ thăm hỏi động viên người ốm chứ không phải xét hỏi như phản ánh của bà Nga”, theo trích dẫn của báo Tuổi Trẻ.
Trong đơn khiếu nại gửi Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng, bà Nga nói Công an Đà Nẵng đã “hình sự hóa” vụ việc dân sự, làm ảnh hưởng đến quyền công dân và tác nghiệp báo chí của bà.
Một đại diện của tạp chí Giao Thông Vận Tải, Thư ký Đỗ Hoàng Thạch, từ chối đưa ra nhận định với VOA về việc Trưởng đại diện của báo này bị cấm xuất cảnh.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Lưỡng, nói với VOA rằng tổ chức này sẽ chờ kết luận của cơ quan điều tra trước khi đưa ra quan điểm bênh vực cho nhà báo Dương Hằng Nga.
Ông Lưỡng nói: “Quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng chúng tôi là mọi việc xảy ra, khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thì đối với nhà báo, chúng tôi sẽ bảo vệ nhưng, trên cơ sở quan điểm của Hội Nhà báo Đà Nẵng, là bảo vệ phải theo pháp luật”.
Vũ “nhôm” là ai?
Dù là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn nắm trong tay hàng chục dự án lớn ở các khu “đất vàng” Đà Nẵng, nhưng ông Phan Văn Anh Vũ khá kín tiếng trước truyền thông. Cái tên “Vũ nhôm” chỉ mới được nhắc đến gần đây trên báo chí sau vụ “doanh nghiệp tặng xe bất thường” cho thành phố Đà Nẵng bị phanh phui, khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải “vào cuộc”.
Sau vụ này, “Vũ nhôm” lại liên tiếp bị nhắc đến trong hàng loạt vụ lùm xùm khác ở Đà Nẵng như Biệt thự ở bán đảo Sơn Trà, doanh nghiệp xé rừng…, nhưng nổi bật nhất là vụ hai lãnh đạo Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ, bị kỷ luật.
Tháng trước, trong lúc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ để chuẩn bị cho Kỳ họp 4 Quốc hội Khóa XIV, một số cử tri địa phương đã đặt câu hỏi “Vũ nhôm là ai mà người ta đặt cho biệt danh mafia của Đà Nẵng?”, theo Dân Trí.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng “Liệu có hay không ‘vùng cấm’ đối với nhà báo khi đề cập đến Vũ nhôm?”, đại diện Hội Nhà báo Đà Nẵng nói:
“Nhà báo chúng tôi hoạt động theo nhiệm vụ và theo luật pháp. Nếu trường hợp ông Vũ sai thì đã có luật pháp, người ta sẽ điều tra và có ý kiến. Nếu ông Vũ sai, ông Vũ phải chịu hình phạt của pháp luật Việt Nam”.
Khu đô thị Đa Phước là một dự án lấn biển ở Đà Nẵng, do công ty TNHH Daewon của Hàn Quốc làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 250 triệu đôla.
Dự án được khởi công ty năm 2008, với nhiều công trình lớn, bao gồm resort, sân golf 18 lỗ theo chuẩn quốc tế, chung cư cao tầng với 8.500 căn hộ, trường học quốc tế, bến du thuyền… Tuy nhiên, sau khi hoàn thành lấn biển giai đoạn 1, công ty Daewon đã “không thể tiếp tục dự án” vì “gặp nhiều trở ngại”, theo Người Lao Động.
Dự án đã được chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty TNHH Sunrise Bay, mà ông Phan Văn Anh Vũ là người đại diện pháp luật.

Radar biển Đồng Hới gần triệu đô điêu tàn sau 5 năm

Một trạm radar giám sát mặt biển được đầu tư với hơn 20 tỷ đồng ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, giờ đây ở trong tình trạng hư hỏng, đổ nát chỉ sau hơn 5 năm hoạt động.
Một số báo Việt Nam như Làng Mới, Tiền Phong, Pháp Luật trong những ngày cuối tháng 10 đăng trên mạng các hình ảnh cho thấy cảnh tường sập, hàng rào hoen gỉ rơi rụng, các cánh cửa mục nát tại trạm.
Các báo dùng từ “điêu tàn”, hay “tan nát” và “xuống cấp nghiêm trọng” để mô tả tình trạng của trạm radar rất quan trọng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong đoạn video dài hơn 2 phút do nhà báo Trương Châu Hữu Danh đăng trên trang Facebook cá nhân chiều 31/10, những cảnh quay thể hiện cảnh “vườn không nhà trống” tại nơi mà trên nguyên tắc phải làm việc 24/24 giờ để cảnh báo sóng thần, tàu nước ngoài, cũng như phục vụ cứu hộ cứu nạn.
Theo đoạn video, trạm có hai khối nhà một tầng. Các cửa ra vào của trạm đều đóng chặt, có then và các ổ khóa ở ngoài. Ở phần cuối video, người xem được thấy khung gỗ của cửa sổ đã mục ruỗng đến mức chỉ dùng vài ngón tay cũng có thể làm rời ra cả mảng lớn của cửa.
Qua một ô cửa sổ để ngỏ với cánh cửa đã rụng hết kính, có thể thấy các phòng làm việc dơ bẩn, gần như bỏ hoang.
Xin lỗi anh là tôi không trả lời qua điện thoại được anh nhé … Anh là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thì tôi chỉ có thể trả lời như vậy được.
ông Vũ Trường Sơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thông tin trên báo trong nước cho biết trạm radar Đồng Hới được đưa vào sử dụng hồi đầu tháng 5/2012. Cùng thời gian này còn có hai trạm radar biển khác ở Hà Tĩnh và Hải Phòng cũng bắt đầu vận hành.
Ba trạm này nằm trong số 18 trạm sẽ lắp đặt dọc bờ biển Việt Nam từ năm 2011 đến 2020, trong khuôn khổ một dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dẫn thông tin từ bộ, một số tờ báo cho biết các trạm sử dụng công nghệ radar tần số cao của Mỹ. Bộ nói mỗi trạm có thể quét và giám sát chính xác những vật thể từ độ xa tới 300 kilomet trên mặt biển, giúp phát hiện tầu lạ, cảnh báo sớm sóng thần, giám sát dầu tràn, phục vụ tìm kiếm cứu nạn, cũng như dự báo các đàn cá cho ngư dân.
Số liệu thu được từ các trạm radar có thể sử dụng được ngay mà không qua xử lý, và có thể chuyển đến ngay tới điện thoại thông minh của cá nhân qua đường truyền internet, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy các trạm cần có nhân viên, song họ chủ yếu có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra hoạt động của radar, bảo quản và xử lý các tình huống bất thường.
Chưa có thông tin về tình trạng của hai trạm ở Hải Phòng và Hà Tĩnh, nhưng sự xuống cấp nặng nề của trạm radar Đồng Hới được báo chí đưa tin làm dấy lên câu hỏi của công chúng về hiệu quả sử dụng hàng chục tỉ đồng ngân sách, cũng như liệu trạm này có mang lại lợi ích gì trên thực tế.
VOA đã liên lạc với ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng ông từ chối trả lời các câu hỏi.
“Xin lỗi anh là tôi không trả lời qua điện thoại được anh nhé. Rất cảm ơn anh đã quan tâm, nhưng mà về phía chúng tôi thì chúng tôi không thể trả lời qua điện thoại như thế này được, vì anh giới thiệu như thế thì cũng như người bình thường, mà báo chí thì nó phải có nguyên tắc anh ạ. Anh thông cảm cho cái việc đấy, anh nhé. Anh là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thì tôi chỉ có thể trả lời như vậy được”.
Trả lời một số báo Việt Nam, chính vị phó tổng cục trưởng này xác nhận trạm Đồng Hới “có ngã đổ tường rào và chúng tôi đã báo cáo thiệt hại”. Dù vậy, ông khẳng định “hiện trạm vẫn đang hoạt động bình thường”.
Có tin để xây trạm này, Tổng cục Biển và Hải đảo đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cấp 20.000 m2 đất. Đến nay, tổng cục mới xây xong phần chính của trạm và một vài công trình phụ trợ.
Các báo Việt Nam nói phía tỉnh Quảng Bình đã gửi văn bản giục tổng cục thực hiện tiếp dự án và phải có cam kết về tiến độ. Chính quyền tỉnh có thể xem xét thu hồi phần đất không sử dụng, các báo cho hay.
Ông Vũ Trường Sơn xác nhận với báo chí trong nước rằng “địa phương có thông báo thu lại đất” song phía tổng cục của ông “chưa có ý kiến về việc này”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?