Đọc báo Pháp – 28/10/2017

Đọc báo Pháp – 28/10/2017

Giấc mơ Trung Hoa, ác mộng thế giới

Tác giả Christian Makarian trên L’Express tuần này khi viết về Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 đã nhận định « Giấc mơ Trung Hoa, ác mộng cho thế giới ». Bài viết mô tả, hàng ngàn đại biểu Đảng bỗng xuất hiện như từ trong quá khứ, với những nụ cười giả tạo và cờ đỏ rợp trời, chẳng khác nào thời kỳ chủ nghĩa cộng sản làm mưa làm gió.
Trong khung cảnh hoành tráng này, vẫn phải đặt ra câu hỏi về tương lai của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trung Quốc « sẽ có một chỗ đứng trung tâm trên trường quốc tế ».
Không ai nghi ngờ về điều đó, nhưng tất cả vấn đề đều nằm ở đây. Với dân số 1,4 tỉ người, sự « thành công » của Trung Quốc có liên quan đến toàn thế giới. Tập Cận Bình đã tuyên bố trước các đồng chí đang đứng im phăng phắc như tượng: « Chúng ta ngày nay có khả năng hơn bao giờ hết để thực hiện mục tiêu đại phục hưng quốc gia ».
Phục hưng đại quốc như thế nào ? Bắt đầu bằng « Kiên quyết phản đối mọi lời nói và hành động nhằm đặt lại vấn đề, bóp méo hoặc chối bỏ hệ thống chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Tiếp theo là đưa trên 80 triệu người nghèo bước vào giai cấp trung lưu ngay từ đầu thập niên tới. Cuối cùng, từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, « Giấc mơ Trung Hoa » là trở thành một người khổng lồ trên mọi mặt.
Tập Cận Bình thậm chí còn dùng ngôn ngữ của một thủ lãnh chiến tranh, nhấn mạnh « Quân đội khi vào trận là phải chiến thắng ». Hướng về chính quyền Đài Loan và phe đòi độc lập ở Hồng Kông, người đứng đầu Trung Quốc vừa đe nẹt vừa chiêu dụ.
Tăng cường quyền lực cá nhân, cường điệu chủ nghĩa dân tộc, sùng bái lãnh tụ quá trớn…chế độ Bắc Kinh hứa hẹn là một mối đe dọa. Trong khi Donald Trump, Brexit, khủng hoảng Catalunya… đang gây quan ngại, thì một mối lo khác bỗng xuất hiện, bao trùm lên tất cả. Trong khi những nền dân chủ ngày càng gặp khó khăn, thì Bắc Kinh dấn những bước mạnh mẽ.
L’Express cho rằng, việc Tập Cận Bình xử sự như một Mao Trạch Đông mới là rất nguy hiểm cho sự thăng bằng trên thế giới. Bởi vì nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của năm 2017 hoàn toàn không giống chút nào với đất nước nghèo khổ của thời Sách Đỏ, mà là động lực phát triển của thế giới. Nhưng người đứng đầu cường quốc khổng lồ này lại là người quảng bá cho chủ nghĩa toàn trị. Bắc Kinh không ngại ngần đề cao trở lại  quan niệm của đế chế Trung Hoa xưa, « Trung Quốc là cái rốn của vũ trụ, là toàn thể diện tích dưới bầu trời ».
Chống Tập Cận Bình là chống Đảng !
Trong bài « Sự phong thánh cho Tập Cận Bình », tuần báo The Economist đánh giá việc ghi « Tư tưởng Tập Cận Bình » vào Điều lệ Đảng đã giúp củng cố quyền lực của ông Tập không chỉ một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, mà là suốt đời. Tập Cận Bình nay ngang hàng với Mao Trạch Đông, một vinh dự mà những người tiền nhiệm không có được.
Cá nhân ông Tập đã được đồng hóa với Đảng, chống Tập Cận Bình là chống Đảng ! Điều này có nguy cơ khiến cấp dưới chỉ nói với ông Tập những gì ông ta muốn nghe mà thôi, và như vậy có thể dẫn đến các quyết định tồi tệ.
Một số người cho rằng việc sửa đổi Điều lệ Đảng không làm tăng nhiều quyền lực cho Tập, vì người cộng sản dù sao cũng phải tuân lệnh Đảng. Không có « Tư tưởng Đặng Tiểu Bình »,nhưng ảnh hưởng ông Đặng vẫn rất lớn. Đưa được tên mình vào Điều lệ, có lẽ giúp sức cho ông Tập trong trận đấu sắp tới, hơn là mang ý nghĩa ông đã thắng được cuộc chiến.
Theo The Economist, thoạt nhìn vào danh sách các ủy viên thường trực Bộ Chính trị thì có thể nghĩ như thế. Chỉ có một trong số năm ủy viên mới là thân cận với Tập Cận Bình, bốn người còn lại được cho là thuộc các phe nhóm khác. Còn Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập thì về hưu.
4/5 ủy viên thường vụ mới thuộc các phe nhóm khác
Hai ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) và Uông Dương (Wang Yang) thuộc cánh Đoàn Thanh niên Cộng sản của ông Hồ Cẩm Đào. Hai tân ủy viên khác thuộc phe Giang Trạch Dân – tổng bí thư 1989-2002, nguyên bí thư Thượng Hải. Đó là Hàn Chính (Han Zheng), bí thư Thượng Hải hiện nay và Vương Hộ Ninh (Wang Huning), người viết diễn văn cho ông Tập. Vương Hộ Ninh còn là « quân sư », không chỉ cho « Tư tưởng Tập Cận Bình » mà cả « Thuyết Ba đại diện » của Giang Trạch Dân và « Quan điểm Phát triển Khoa học » của Hồ Cẩm Đào.
Ông Vương sẽ trở thành trưởng ban tuyên huấn đầu tiên từng học ở Mỹ (đại học Berkeley). Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), người sẽ phụ trách chống tham nhũng, thuộc nhóm nào không rõ. Chỉ có Lật Chiến Thư là người gần gũi với ông Tập. Hai ông gặp nhau hồi thập niên 80, lúc cùng công tác ở tỉnh Hà Bắc. Trước khi trở thành tổng bí thư năm 2012, ông Tập đến thăm Quý Châu, nơi Lật Chiến Thư làm bí thư, và trở nên thân thiết từ lúc đó.
Như vậy, về thành phần Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất, Tập Cận Bình đã nhượng bộ các phe đối địch ? Không đơn giản như thế, vì trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập đã dựng lên hệ thống « các nhóm chỉ đạo nhỏ ». Trên thực tế, Tập Cận Bình lãnh đạo thông qua các nhóm này, làm giảm bớt quyền hạn của Ban Thường vụ. Bốn ủy viên thường vụ mới là thành viên của các nhóm chỉ đạo này, có lẽ họ đã chịu ơn mưa móc của ông.
Áp đảo ở Bộ Chính trị, nhưng không chỉ định người kế nhiệm
Ở hàng thấp hơn, ảnh hưởng Tập Cận Bình rất rõ nét. Hơn phân nửa trong số 18 ủy viên còn lại của Bộ Chính trị là người của ông Tập, kể cả hai tân ủy viên là Thái Kỳ (Cai Qi), bí thư thành ủy Bắc Kinh và Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), bí thư Trùng Khánh.
Đáng chú ý nhất là sự thiếu vắng người kế nhiệm. Là chủ tịch nước, Tập Cận Bình chỉ có thể làm hai nhiệm kỳ, cho đến năm 2023. Chức tổng bí thư thì không có quy định cụ thể, nhưng theo thông lệ cũng chỉ hai nhiệm kỳ, kết thúc vào năm 2022. Trong Đại hội Đảng 19, người ta hy vọng có được dấu hiệu về một khuôn mặt sẽ nối ngôi. Một nhân vật như thế phải tương đối trẻ để lãnh đạo Đảng đến tận năm 2032, tức là không thể sinh trước năm 1960. Nhưng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, người trẻ nhất là Triệu Lạc Tế sinh năm 1957.
Tập Cận Bình vẫn có thể chỉ định người kế vị trong những năm tới, nhưng hiện nay không có ai trong danh sách chờ. Ông Tập đang một mình một chợ, và có thể tự ý quyết định ở lại tiếp, sau 2022.
Lên ngang hàng với Mao, Tập Cận Bình có quyền lực trọn đời
Với tên tuổi được ghi trong Điều lệ Đảng, Tập Cận Bình sẽ là người có tiếng nói quyết định cuối cùng, dù có đang tại vị hay không. Cùng với Mác, Lênin, Mao và Đặng, nay Tập cũng ngang hàng với những ông tổ cộng sản ; quyền lực ông không chỉ kéo dài thêm 5 năm mà là trọn đời.
« Tư tưởng Tập Cận Bình » là một sự cập nhật luận thuyết của Đặng Tiểu Bình, mang tên « Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Nhưng rõ ràng là Tập trái ngược hẳn với Đặng.
Năm 1980, Đặng Tiểu Bình lập luận rằng Trung Quốc phải được lãnh đạo tập thể, rằng tập trung quá nhiều quyền hành vào tay một con người là không tốt cho đất nước, và Đảng cần phải quy hoạch trước các lãnh đạo tương lai. Ông Đặng cũng quy định ủy viên Bộ Chính trị không thể ngồi lại thêm một nhiệm kỳ nếu đã 68 tuổi. Về đối ngoại, Đặng Tiểu Bình chủ trương không phô trương, mà phải giấu kỹ thực lực, ẩn nhẫn chờ thời.
Tất cả những quan điểm trên nay đã bị xếp xó. Một bài bình luận trên Nhân Dân Nhật Báo nói rằng « Tư tưởng Tập Cận Bình » xứng đáng có được « sự chú ý của toàn thế giới », còn Tân Hoa Xã so sánh sức mạnh của « Tư tưởng Tập Cận Bình » với « các nền dân chủ đang lung lay ».
Ông Tập đã đưa ra một số chỉ dấu cho thấy nhiệm kỳ sắp tới của ông sẽ khác nhiệm kỳ đầu. Ông dõng dạc tuyên bố trong Đại Hội : « Chính quyền, quân đội, xã hội, trường học, đông tây nam bắc, Đảng lãnh đạo tất cả ! ».

Putin, Sa hoàng thế kỷ 21

Còn tại nước Nga, « Một Sa hoàng đã ra đời, 100 năm sau cuộc cách mạng Nga », theo The Economist. Ảnh bìa tuần báo Anh là tổng thống Nga Vladimir Putin mặc triều phục, với ngù vai và huy chuơng là hỏa tiễn, xe tăng, chiến đấu cơ. Tờ báo cho rằng một thế kỷ sau khi vương triều bị lật đổ, nước Nga vẫn đang dưới sự thống trị của một Sa hoàng mới.
Phương Tây vẫn coi ông Vladimir Putin là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Stalin đến nay. Mười bảy năm sau khi lên nắm quyền, Putin vẫn điều khiển nước Nga bằng bàn tay sắt. Cả hai phe cải cách và bảo thủ ở Matxcơva đều cho rằng Putin là Sa hoàng của thế kỷ 21.
Cho dù Putin vẫn e ngại các cuộc « cách mạng màu », mối đe dọa lớn nhất không phải là một cuộc nổi dậy tập thể kiểu bôn-sê-vích. Từ mùa xuân 2018, tổng thống Nga bắt đầu nhiệm kỳ 6 năm cuối cùng, sau cuộc bầu cử mà ông chắc chắn sẽ thắng. Người ta lo sợ vị Sa hoàng mới này khi ra đi sẽ để lại phía sau một nước Nga hỗn loạn.
Ai sẽ nối ngôi Sa hoàng Putin ?
Cũng như Sa hoàng, từ khi tấn công vào các đại gia, nắm lấy truyền thông và ngành dầu khí, tất cả các ngả đường dẫn đến quyền lực và tiền bạc đều phải thông qua Putin. Cũng như Sa hoàng, Putin phải đối mặt với câu hỏi, nên hiện đại hóa nước Nga theo kiểu phương Tây với các quyền dân sự và chính phủ đại diện, hay giữ ổn định bằng cách đi theo hướng ngược lại ? Câu trả lời của Putin là giao phó kinh tế cho các nhà kỹ trị tự do, còn chính trị do các cựu sĩ quan tình báo KGB nắm. Tất nhiên là chính trị đứng trên kinh tế, và nước Nga đã phải trả giá. Dù vượt qua được các trừng phạt, nền kinh tế vẫn lệ thuộc nặng nề vào nguồn lợi thiên nhiên.
Và cũng như Sa hoàng, Putin củng cố quyền lực bằng đàn áp và chinh chiến. Trong nước, đối lập và các nhà hoạt động xã hội kể cả cho nữ quyền, các tổ chức phi chính phủ, người đồng giới đều bị trấn áp. Ở bên ngoài, Putin sáp nhập Crimée bằng vũ lực, còn việc tham gia vào cuộc chiến Syria và Ukraina được truyền thông nhà nước khoác lên một vầng hào quang.
Vấn đề là ai sẽ lên nối ngôi Putin ? Ông ta không thể truyền ngôi cho con cháu, hay thông qua tôn ti trật tự của đảng Cộng Sản. Putin cần một người đủ yếu để có thể kiểm soát, nhưng lại đủ mạnh để loại các đối thủ – một bài toán khó giải. Ra đi nhưng giựt dây trong hậu trường như Đặng Tiểu Bình, hay né tránh chỉ định người kế nhiệm như Tập Cận Bình mới đây ?
The Economist nhận định, do thiếu vắng một cơ chế dân chủ để có được tính chính danh, nhà lãnh đạo mới sẽ phải đấu đá kịch liệt để ngoi lên nắm quyền. Trong một quốc gia sở hữu vũ khí nguyên tử, điều này rất đáng lo sợ.

Giấc mơ tan vỡ của người Kurdistan ở Irak và Syria

Trong khi hoàng đế đỏ Tập Cận Bình mơ làm bá chủ thế giới, Vladimir Putin ôm mộng khôi phục thời hoàng kim của Liên Xô, thì tại Trung Đông khói lửa, một giấc mơ khác vừa tan vỡ. Đó là giấc mơ lập quốc của người Kurdistan, sau khi máu họ đã đổ xuống để chiến thắng được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS).
Bị quân đội và dân quân Iran cũng như quân Irak theo hệ phái Shia tấn công ở Kirkouk, người Kurdistan có nguy cơ bị mất đi Nhà nước mà họ hy vọng sẽ thành lập được tại Irak. Còn tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ với sự đồng tình của Mỹ, sẽ không cho phép họ được tự trị.
The Independant trong bài viết « Một chiến thắng cay đắng », được Le Courrier Internationaldịch lại, đặt câu hỏi, chiến thắng Raqqa (Syria), phần lớn là nhờ xương máu của dân quân Kurdistan, liệu có thể gây thiệt hại cho chính họ ? Người Kurdistan hiện đang trấn đóng các vùng Ả Rập Sunni, không có hy vọng được giữ lại mảnh đất này.
Le Courrier International cũng trích dịch bài báo của tờ báo Do Thái Ha’Aretz « Teheran có thể cám ơn Trump ». Tại Irak, các đơn vị Shia do Iran tài trợ đã khiến dân quân Kurdistan phải đầu hàng và rút lui ở Kirkouk và Sinjar, trong khi người Kurdistan là nhân tố thân phương Tây nhất. Lẽ ra nên âm thầm đề nghị chính quyền Bagdad thương lượng với người Kurdistan, chính quyền Trump lại bỏ rơi họ, khiến Iran được rảnh tay thao túng.

Video game, thi đại học, tiếng Pháp :

Tựa chính các tuần báo Pháp

Các tuần báo xuất bản tại Paris kỳ này đều tập trung vào các chủ đề của xã hội Pháp. L’Express chạy tựa « Video game chinh phục được 2/3 người Pháp : Tất cả đều chơi game ». L’Obs nói về « Thi tuyển vào đại học : Chấm dứt một điều cấm kỵ », Le Point đặt ra những vấn đề xung quanh ngôn ngữ Pháp. Riêng Le Courrier International dành chủ đề tuần này cho Facebook : fake news, nghi ngờ thao túng chính trị và một loạt sai sót…dường như gió đã đổi chiều đối với người khổng lồ internet này chăng ?

Tin đọc nhanh

(AFP) – Gay Pride tại Đài Loan, cuộc tuần hành lớn nhất của giới đồng tính tại châu Á. Lần đầu tiên từ sau quyết định cho các cặp đồng giới tính kết hôn, chiều ngày 28/10/2017 tại Đài Bắc hàng chục ngàn người tuần hành trong không khí lễ hội Gay Pride với rất nhiều các tiết mục văn nghệ, hóa trang. Đài Loan tiên phong trong lĩnh vực công nhận quyền của người đồng tính được.
(Bloomberg) – Phái đoàn hùng hậu các doanh nhân Mỹ theo tổng thống Trump sang Trung Quốc. Theo Bloomberg ngày 28/10/2017, sẽ có khoảng 40 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ tháp tùng tổng thống Donald Trump sang Bắc Kinh trong ba ngày từ mồng 8 đến 10/11/2017. Trong số này, các công ty năng lượng của Mỹ chiếm vị trí áp đảo. Hoa Kỳ đầu tư hàng tỷ đô la vào Trung Quốc trong dịp này.
(AFP) – Caracas nỗ lực tìm kiếm trung gian hòa giải với phe đối lập Venezuela. Đại diện của chính quyền Venezuela ngày 27/10/2017 đề nghị ngoại trưởng Cộng Hòa Dominicana đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Caracas với phe đối lập Venezuela. Tin trên do chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến Venezuela thông báo. Đầu tuần, đối lập Venezuela đình chỉ các vòng thương thuyết với Caracas đang được mở ra tại thủ đô Cộng Hòa Dominicana. Tới nay mọi nỗ lực nối lại đàm phán đều thất bại.
(AFP) – Irak-Kurdistan: Hưu chiến 24 giờ. Chính quyền Irak ngày 28/10/2017, thông báo đã ra lệnh hưu chiến trong vòng 24 giờ, để các lãnh đạo quân sự Irak và Kurdistan có thể tiến hành thương lượng rút quân đội Kurdistan khỏi những vùng tranh chấp ở Irak. Phát ngôn viên thủ tướng Irak cho biết: Nhiệm vụ chính của ủy ban chung giữa chính quyền Bagdad và chính quyền Kurdistan là nhằm giúp cho việc triển khai quân đội liên bang dọc theo biên giới với vùng tự trị Kurdistan được diễn ra một cách hòa bình mà không gây đổ máu.
(AFP) – Ankara bắt giữ 49 nghi can khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã mở chiến dịch truy lùng quân khủng bố sáng ngày 28/10/2017 và đã bắt giữ 49 thành viên một tổ chức bị cho là thuộc Nhà Nước Hồi Giáo. Tin trên được đưa ra một ngày trước lễ quốc khánh Thổ Nhĩ Kỳ. Từ hai năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bị tấn công khủng bố. Gần đây nhất là vụ một hộp đêm tại Istanbul bị đánh bom, trong đêm mồng 1 Tết dương lịch, làm 39 người thiệt mạng.
(AFP)- Guyane tiếp tổng thống Macron trong không khí căng thẳng. Ngày 28/10/2017, tổng thống pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến thị sát 2 ngày vùng lãnh thổ hải ngoại Guyane. Nhiều cuộc biểu tình chỉ trích Paris bỏ rơi vùng lãnh thổ này diễn ra trong thời gian nguyên thủ Pháp có mặt tại đây. Vì lý do an ninh, tổng thống Macron tối qua đã phải hủy dự án đến thăm một cơ quan cảnh sát tại Cayenne, thủ phủ Guyane.
(AFP) – Cảnh sát và quân đội Brazil đột kích vùng ngoại ô bạo động. Khoảng 300 cảnh sát Brazil với sự yểm trợ của quân đội, xe bọc thép và trực thăng, từ sáng hôm qua 27/10/2017 đã bất ngờ tràn vào nhiều vùng ngoại ô nghèo khó của Rio de Janeiro, nơi bạo lực đang trỗi dậy và một sĩ quan cảnh sát đã bị bắn chết vào tuần trước
(Reuters) – Thêm một nhiệm kỳ cho thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản. Ông Haruhiko Kuroda, 73 tuổi, có nhiều khả năng được giữ lại thêm một nhiệm kỳ thứ hai, 5 năm. Nhật báo kinh tế Nikkei ấn bản ngày 28/10/2017 tiết lộ như trên. Trên nguyên tắc ông Kuroda mãn nhiệm vào tháng 4/2018, nhưng ông được thủ tướng Abe tín nhiệm. Trước đó, có tin đồn thống đốc Kuroda chuẩn bị về hưu.
(AFP) – Washington áp dụng luật chống bán phá giá lên nhôm Trung Quốc. Hôm 27/10/2017, bộ Thương Mại Mỹ thông báo sẽ áp dụng luật chống bán phá giá đối với một số loại lá nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc. Mức thuế sẽ tăng từ 96,81 % đến 162,24 % tùy theo các doanh nghiệp Trung Quốc chịu tác động của luật này. Quyết định cuối cùng về mức thuế áp dụng sẽ được đưa ra vào tháng 2/2018 tới.
(Reuters) – Cam Bốt trục xuất 61 nghi can sang Trung Quốc. Cảnh sát Cam Bốt hôm nay 28/10/2017 đã trục xuất sang Trung Quốc 61 người Hoa bị Bắc Kinh truy nã vì nghi ngờ lừa đảo qua internet và điện thoại. Tuy nhiên Đài Loan lên tiếng phản đối, nói rằng 19 người trong số này là công dân của mình, tố cáo Phnom Penh hành động theo chỉ thị của Bắc Kinh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?