Giao thông và văn hóa ứng xử


Thạch Đạt Lang
27-2-2018
Một cảnh giao thông hỗn loạn ở Việt Nam. Ảnh: báo TN
Dường như có một quy luật rất ít người để ý đến, đó là tình trạng giao thông, phong cách ứng xử của người đi đường biểu lộ trình độ, nếp sống văn hóa của một dân tộc.
Tuần vừa qua, trong một stt trên Facebook, một người bạn phàn nàn, đúng hơn là bực tức lẫn giận dữ, đưa lên những “sự cố” mà bạn đã gặp trong một khoảng thời gian chưa tới một tiếng đồng hồ “tham gia giao thông” như sau:
Quốc lộ. Một mụ chạy ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm. Đang chạy bỗng lạng lạng ra giữa làn xe đang xuôi chiều, thắng kít, móc điện thoại ra alo alo. Nó lạng ra tránh mụ. Muốn dừng xe lại đạp cho mụ một phát nhưng nó lại chạy luôn.
Quốc lộ. Một thằng có tí tuổi rồ ga từ sau vượt lên, lạng vào trước mặt nó rồi nhả ga. Nó thắng vội. Văng tục, ‘Địt cụ thằng già!’
Quốc lộ. Một thằng có tí tuổi khác rồ ga vượt xe của một bà mẹ chở con nhỏ. Cũng lạng vào đầu xe và giảm ga trước đầu xe họ. Nó muốn rồ ga phóng lên tống cho thằng già một đạp nhưng nó lại thôi.
Ngã tư. Đèn xanh. Xe đang lưu thông. Một thằng tầm tuổi nó băng qua đường, tay huơ huơ lên trời. Một đứa trẻ phải thắng gấp để không tông vào hắn. Hắn chỉ tay vào mặt đứa trẻ chửi địt mẹ địt cha. Nó lại muốn bay xuống xe tát cho thằng nọ một phát, nhưng nó chạy luôn.
Tắc đường. Xe nhích từng chút. Thằng chạy sau đít nó bóp còi tin tin tin tin. Nó muốn bỏ xe lao xuống túm cổ áo tống một đấm vào mặt hắn. Nhưng nó chỉ quay đầu lại đưa ngón tay giữa lên rồi lại tiếp tục nhúc nhích giữa dòng xe cộ.
Dốc cầu. Mụ trẻ chạy xe ga. Thằng con đứng ở trước, chỗ để chân, đầu gục vào cổ xe, ngủ gật. Mụ vừa chạy lên dốc cầu bằng một tay, tay kia thò túi quần móc điện thoại ra, mắt nhìn điện thoại, tay bấm bấm.
Nó chạy trờ tới. ‘Ê, mày muốn tự sát thì dừng xe lại, đặt thằng bé xuống rồi nhảy xuống cầu kia kìa, con dở!’
Con mụ chửi vói theo cái gì chẳng biết. Thằng bạn chạy cùng chứng kiến, vượt lên, bảo: ‘Mày trông hiền lành thế thôi mà có lúc đanh đá gớm!’
Càng ngày nó càng hạn chế ra đường vì nó sợ một lúc nào đó con quỷ trong người nó sẽ không chịu ở yên mà nhảy xổ ra, gây họa”.
Con quỷ trong người bạn chưa nhẩy xổ ra gây họa nhưng rõ ràng chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất đã xảy ra 231 tai nạn lưu thông trên cả nước, gây thiệt mạng cho 179 người và 183 người khác bị thương, tăng 27% so với cùng thời gian năm 2017.
Tình trạng này thật ra đã có từ lâu dưới chế độ CSVN chứ không phải mới đây nhưng càng ngày càng gia tăng, nhanh hơn tăng trưởng kinh tế hàng năm. Từ lúc dân số ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, thủ đô Hà Nội… tăng lên đến chóng mặt vì dân nhập cư từ các tỉnh khác, do mưu sinh, ào ạt kéo về, cộng với số lượng xe gắn máy, ô tô được nhập cảng, cấp giấy phép lưu hành bừa bãi, không tương ứng với sự phát triển đường xá, cầu cống.
Status của bạn diễn tả khá đầy đủ cách ứng xử kém văn hóa, thiếu ý thức, không được giáo dục, coi thường sinh mạng mình lẫn mạng sống người khác trong một xã hội phát triển không bình thường.
Câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguyên nhân chính đưa đến cách ứng xử thiếu văn hóa của người dân trong khi giao thông trên đường phố như vậy?
Thật dễ dàng kết luận: Ồ! Luật pháp không nghiêm minh, người dân không được giáo dục về luật lệ giao thông, bằng lái không được cấp phát đúng tiêu chuẩn thi cử, cảnh sát giao thông không làm tròn phận sự, không có trách nhiệm, đời sống có quá nhiều căng thẳng, dễ sinh ra nóng giận…vân vân và vân vân…
Tất nhiên những nguyên nhân vừa kể không sai, nhưng chưa đủ. Nguyên nhân chính tiềm ẩn trong bản chất của đa số người Việt Nam cần phải nói đến, đó là lòng ích kỷ, muốn vượt lên hơn người khác, sự tự tôn, tâm lý kẻ cả, lúc nào cũng nghĩ rằng mình phải, mình đúng, dù có trái lè ra. Những tính xấu này dễ dàng biểu lộ khi “tham gia giao thông”.
Năm 2008, lần về VN cách đây đúng 10 năm, người viết chứng kiến một tai nạn giao thông. Trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, hai chiếc taxi đụng nhau khá nặng. Hai lái xe bước ra gầm gè chửi nhau, quơ tay múa chân, đổ lỗi cho nhau, bỏ mặc mấy hành khách trong xe đang bị chấn thương, có người bị chảy máu đầu.
Người đi đường thấy thế mới gọi chiếc taxi khác đưa nạn nhân vào bệnh viện. Không biết sự việc sau đó đã được giải quyết như thế nào, nhưng trong các nước có luật pháp nghiêm minh, rõ ràng, hành động bỏ mặc hành khách khi bị tai nạn để tranh cãi phải trái của lái xe, dễ bị truy tố ra tòa về tội thiếu trách nhiệm trong việc vận chuyền hành khách.
Cũng lần về đó, được người anh họ chở vào Chợ Lớn ăn mì hoành thánh. Hai anh em đang chạy chiếc Honda 50 chậm chậm trên đường Trần Hưng Đạo thì một cô gái chạy vọt qua mặt, cắt đầu quẹo phải. Tai nạn xẩy ra, người viết chỉ xây xát nhẹ, người anh trầy đầu gối khá nặng. Cô gái trạc độ 20-22 tuổi không bị ngã, thắng xe lại, nhẩy xuống nói khơi khơi: Sao chú chạy xe kỳ vậy?
Người anh họ vừa đau vừa giận dữ trả lời: Kỳ là sao? Cô chạy cắt đầu tôi, gây tai nạn còn hỏi ngang thế à? Cô gái nhún vai: Cháu tưởng chú cũng quẹo phải!
– Mja! Chạy xe mà tưởng là sao? May là lúc đó có anh bảo vệ một công ty trông thấy tai nạn rõ ràng do cô gái gây ra nên bước đến, nói cô gái đứng đó để anh gọi cảnh sát giao thông đến làm biên bản. Lúc đó cô mới biết sợ và rối rít xin lỗi được bỏ qua nhưng với lý do rất xấc xược là cô phải đi đến trường học ngay bây giờ.
Người viết từng ghé qua Thái Lan, Singapore và nhiều thành phố, thủ đô các nước khác trên thế giới, nhưng có lẽ không nơi nào văn hóa ứng xử khi xảy ra tai nạn giao thông giống như ở Việt Nam. Cách ứng xử biểu lộ sự hung hăng, trốn tránh trách nhiệm, luôn tìm cách giành lẽ phải về mình.
Việc hành xử kém văn minh, thiếu lịch sự nơi nào cũng có, tuy nhiên ở những đất nước luật pháp nghiêm minh, việc biểu lộ thái độ bất chấp an toàn giao thông chỉ là cá thể, dễ bị phạt vạ rất nặng, tương tự như việc nhục mạ người khác bằng lời nói hay cử chỉ khiếm nhã.
Không so sánh Việt Nam với Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Philippines… chỉ so sánh với Bangladesh. Thu nhập bình quân của người Việt Nam cao hơn, dân số VN ít hơn, mật độ dân số thưa thớt hơn, phát triển kinh tế hàng năm cao hơn nhưng văn hóa ứng xử trong giao thông của người Việt còn kém xa người dân Bangadesh ở thủ đô Dhaka. Tại sao?
Lỗi chính tất nhiên do chế độ CS gây ra, bộ Giao Thông-Vận Tải, CSGT, giáo dục học đường, giáo dục xã hội không làm tròn trách nhiệm, nhưng chính người dân cũng góp phần không ít vào tệ nạn cư xử kém văn hóa lúc đi đường.
Nên xử sự như thế nào khi giao thông trên đường phố, khi tai nạn xẩy ra cho đúng với văn hóa mà chúng ta thường tự hào? Độc giả hãy tự tìm câu trả lời cho chính mình bởi vì biểu lộ văn hóa giao thông cũng chính là biểu lộ văn hóa mà chúng ta hấp thụ được từ trong gia đình, giáo dục học đường, xã hội.


https://baotiengdan.com/2018/02/27/giao-thong-va-van-hoa-ung-xu/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?