Tin Việt Nam – 27/02/2018
Tác giả ca khúc Chiều Mưa Biên Giới qua đời ở Sài Gòn
Tin cho hay tác giả ca khúc Chiều Mưa Biên Giới qua đời tại TP. Hồ Chí Minh vào đêm 26/2, hưởng thọ 85 tuổi.
Các nhạc phẩm của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được nhiều thế hệ khán giả biết đến là: Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Nhớ Một Chiều Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca…
Ông còn là giám đốc hãng băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng là sĩ quan Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc đại tá. Ông xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu và sau đó là trường Võ Bị Quốc Gia do Chính phủ Quốc gia mở ra tại miền Nam Việt Nam vào cuối thập niên 1940.
‘Tài năng và im lặng’
Sau 1975, ông bị bắt đi cải tạo 10 năm. Kể từ đó ông ngừng sáng tác nhạc. Ông quyết định không đi xuất cảnh Mỹ theo diện H.O, mà ở lại Sài Gòn sống cùng vợ tại quận Phú Nhuận.
Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lại một lần nữa, tiếp tục thắp thêm một ánh sáng trên bầu trời kỷ niệm về một nền văn hóa vô cùng đặc sắc của miền Nam Việt Nam trước năm 1975.nhạc sĩ Tuấn Khanh
Hôm 27/2, từ Sài Gòn, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: “Cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có thể gói gọn trong hai chữ là tài năng và im lặng.”
“Sau năm 1975, ông gần như không giao du, sinh hoạt với ngoài đời, cũng như không nhận phát biểu hay nói gì về mình. Vào khoảng năm 2006-2008, trong phong trào các trung tâm ca nhạc của người Việt hải ngoại thực hiện các chương trình tác giả – tác phẩm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được nhiều lời mời đi Mỹ, thế nhưng ông đều từ chối.”
“Điều này nhất quán với cách sống của ông. Sau năm 1975, ông cũng từ chối không làm hồ sơ đi H.O và chọn ở lại quê nhà, trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Trọng Tuyển. Ít ai biết người đàn ông lúi húi giúp vợ bán bánh mì, là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nổi tiếng, và từng là đại tá, Chánh Văn phòng cho Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng hòa.”
“Như nhiều nhạc sĩ khác, ông cũng phải đi học tập cải tạo, nhưng thời gian lên đến 10 năm.”
“Trong lịch sử âm nhạc của miền Nam Việt Nam, chỉ có một số ít các multi-talent (người đa tài) như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Nguyễn Văn Đông. Ngoài sáng tác ca khúc, các ông còn là đạo diễn, tuyển chọn biên tập và sản xuất chương trình cho đài phát thanh, truyền hình. Hơn nữa, các ông còn sáng tác ở các thể loại dân ca và sân khấu kịch nghệ, cải lương… “
“Sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lại một lần nữa, tiếp tục thắp thêm một ánh sáng trên bầu trời kỷ niệm về một nền văn hóa vô cùng đặc sắc của miền Nam Việt Nam trước năm 1975.”
Hôm 27/2, ca sĩ Thanh Tuyền, người gắn bó với dòng nhạc của Nguyễn Văn Đông từ lúc bà bắt đầu đi hát trước năm 1975, nói trong chương trình Livestream của Trung tâm Thúy Nga: “Nếu không có chú Nguyễn Văn Đông thì sẽ không có ai biết đến Thanh Tuyền.”
“Một lần chú nói với tôi rằng muốn tôi thấy hát Chiều Mưa Biên Giới ngay tại Việt Nam. Và tôi đã làm được điều này tại Hà Nội mấy tháng trước khi chú mất.”
“Trước Tết Mậu Tuất, tôi có về Sài Gòn thăm chú Đông. Chú nói sau lần này không biết có gặp lại không.”
“Chú nói với tôi rằng cuộc đời chú không muốn bon chen, chỉ muốn sống tại quê nhà. Lẽ ra chú đã có thể đi Mỹ theo diện H.O nhưng chú đã chọn chết trên quê hương.”
‘Nhiều người không phục về cách phong GS ở VN’
Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam vừa đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát phong giáo sư, phó giáo sư thêm 8 ngày, đến hết ngày 28/2.
Văn bản Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết do có thời gian nghỉ Tết nên Bộ Giáo dục xin lùi thêm 8 ngày để rà soát.
Trước đó, vào đầu tháng Hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xem lại danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 để kiểm tra có tiêu cực hay không.
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu về chất lượng giáo dục nói với BBC rằng nhiều người ‘không phục’ về cách thức xét duyệt phong các chức danh giảng dạy giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam.
Bàn về chuẩn và cách thức công nhận và trao các chức danh này ở Việt Nam thời gian qua và hiện nay, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, nhà nghiên cứu giáo dục ở TPHCM, nói:
“Chuẩn nghe thì ghê gớm, nhưng cách xét duyệt thì khá cảm tính và do những con người được ngồi trong hội đồng quyết định, cho nên không chỉ năm nay, mà tôi nghĩ điều đó đã xảy ra không chỉ một hai năm nay, có lẽ đã 5-7 năm nay rồi.
“Không phải là mọi người đều đồng ý và cũng có những trường hợp vì người ta thấy nó cảm tính, hoặc các chuẩn mực không được rõ ràng nên có những người tôi biết từ chối không xin phong phó giáo sư.
“Ngay chữ ‘phong’ có nhiều người cũng không thích, tôi cũng vậy, tôi không thích chữ ‘phong’, phong lại là suốt đời và gắn với những quyền lợi, lợi ích, lương bổng này kia, tôi cho là cách làm đó cũng có rất nhiều người có thể nói ra hoặc không nói ra, nhưng người ta không cảm thấy phục lắm.”
‘Hai tiêu chuẩn bị thắc mắc nhiều’
Theo chuyên gia giáo dục này, có hai tiêu chuẩn trong việc công nhận và trao các chức danh giảng daỵ giáo sư, phó giáo sư nhận được nhiều thắc mắc nhất trong công luận là trình độ ngoại ngữ đảm bảo cho giảng dạy, nghiên cứu và thứ hai là chất lượng các công trình khoa học và công bố quốc tế được coi là ‘hạn chế’ ở nhiều người đã được xét và phong.
Trả lời câu hỏi để khắc phục các vấn đề đang nhận được nhiều phê phán của công luận liên quan chất lượng việc phong, tặng các chức danh giảng dạy nêu trên thì cần ưu tiên làm gì và bắt đầu từ đâu, bà Vũ Thị Phương Anh, nói:
Tôi cũng không biết là sẽ phải bắt đầu từ chỗ nào! Bởi vì về mặt quan niệm, tôi thấy ngay cả những người đang nắm giữ những chức vụ trong hệ thống giáo dục, nếu suy nghĩ của họ không thay đổi, tôi không cho là dễ cải thiện tình hình nàyTS. Vũ Thị Phương Anh
“Tôi cũng không biết là sẽ phải bắt đầu từ chỗ nào! Bởi vì về mặt quan niệm, tôi thấy ngay cả những người đang nắm giữ những chức vụ trong hệ thống giáo dục, nếu suy nghĩ của họ không thay đổi, tôi không cho là dễ cải thiện tình hình này.
“Vì mọi người vẫn xem đó là quyền lợi là sự ban ơn, cứ như là vua phong cho, thừa nhận ông hay bà này đã làm 30-40 năm trong ngành thì phải phong cho họ một danh hiệu nào đó, đó cũng là một cách để trả ơn, trả công v.v…
“Tôi nghĩ là nếu như những người tạm gọi là lãnh đạo giáo dục mà suy nghĩ như vậy, mà điều đó có, rất thâm căn cố đế, thì làm sao có thể thay đổi?
“Tôi thấy có một trào lưu là những người trẻ hơn đi học hành tử tế ở nước ngoài về, hoặc họ phải chứng minh năng lực bằng cách công bố quốc tế thực sự và có tham gia với cộng đồng khoa học mà họ quen biết từ thời còn học nước ngoài, đó là những người thực sự chứng minh được và cuối cùng họ cũng đạt được phong này khác, họ chấp nhận là phải được phong thôi, vì ở Việt Nam như vậy, nhưng họ chứng minh năng lực để họ không bị xấu hổ với những chuyện đó.
“Còn khuynh hướng nữa là có nhiều người tảy chay cái đó, những người trẻ và có năng lực thật, nhưng họ không xin, họ không xin phong cái gì hết. Tôi nghĩ rằng nếu những điều đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, những người trẻ, có năng lực như vậy, mà họ làm điều đó nhiều hơn, thì nó sẽ thay đổi từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống.
“Còn về mặt hệ thống, tôi không biết cho tới khi nào thay đổi được cái đầu của những người lãnh đạo ngành giáo dục, thì nó mới thay đổi được và tôi không có ý kiến gì về việc đó.
“Tôi nghĩ là thực tế cuộc sống, người ta đang làm cách khác, cái cách mà tôi đã nói: hoặc là tẩy chay, hoặc là cố gắng chứng minh năng lực để đạt được danh hiệu đó mà không xấu hổ với danh hiệu,” bà Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ giáo dục thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng của Việt Nam, nêu quan điểm với BBC.
Thực tế cuộc sống, người ta đang làm cách khác, cái cách mà tôi đã nói: hoặc là tẩy chay, hoặc là cố gắng chứng minh năng lực để đạt được danh hiệu đó mà không xấu hổ với danh hiệuTS. Vũ Thị Phương Anh
Trước đó, trên trang web của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có thông báo về kỳ họp của hội đồng này trong hai ngày 31/1 và 1/2/2018.
Thông báo này cho biết kỳ họp đã nghe báo cáo về tình hình đăng ký và xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 tại 110 Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở (HĐCDGSCS) và 28 Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành (HĐCDGSN).
Thông báo khẳng định các HĐCDGSCS, HĐCDGSN “thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế và theo chỉ đạo của HĐCDGSNN, nhất là các chỉ đạo cụ thể, sát sao, kịp thời của Chủ tịch và Thường trực HĐCDGSNN”.
Cải cách thể chế ở Việt Nam quá chậm chạp?
Luật sư Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội
5 giờ trước
Mới đây báo chí trong nước đưa tin về tình hình đón tết tại nhà tù Tần Thành ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Thông tin cho biết nhiều người nguyên là quan chức cao cấp được giam giữ tại nơi này như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai.
Tới nay do nhà tù bị quá tải vì chương trình chống tham nhũng của Trung Quốc cho nên nhiều đặc quyền các quan chức được hưởng như ăn uống cùng người thân trong dịp tết này đã bị cắt bỏ.
Là một luật sư, thông tin tôi đáng quan tâm nhất là các báo cho biết nhà tù Tần Thành là trại tù duy nhất của Trung Quốc do Bộ Công an quản lý, còn lại đều thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp.
Đây là một tiến bộ lớn trong cải cách tổ chức bộ máy nhà nước của Trung Quốc, bước tiến bộ theo hướng dân sự hóa các hoạt động của nhà nước ở những lĩnh vực mà trước đó vốn mang đậm yếu tố an ninh chính trị như giam giữ.
Nhìn lại Việt Nam
Các cải cách đổi mới của Trung Quốc trong lĩnh vực bộ máy nhà nước để tương thích với kinh tế thị trường đã bỏ lại Việt Nam kém xa. Các bộ ngành ở Việt Nam còn đang tự giam hãm mình bằng những nhận thức lạc hậu về khoa học tổ chức bộ máy nhà nước.
Liên quan đến vấn đề giam giữ, tìm hiểu thì được biết hồi năm 2015 khi thảo luận ban hành về Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã có ý kiến từ phía Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi đó bà Lê Thị Nga đã đề xuất chuyển cơ quan quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp nhưng đã không được tiếp thu.
Việc chuyển quyền quản lý như vậy là nhằm mong muốn tách bạch giữa các hoạt động giam giữ và điều tra để ngăn ngừa giảm bớt các vấn đề bức cung nhục hình, bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, nhưng rất tiếc đã không được chấp nhận.
Các cải cách đổi mới của Trung Quốc trong lĩnh vực bộ máy nhà nước để tương thích với kinh tế thị trường đã bỏ lại Việt Nam kém xa. Các bộ ngành ở Việt Nam còn đang tự giam hãm mình bằng những nhận thức lạc hậu về khoa học tổ chức bộ máy nhà nước.
Tìm hiểu sâu hơn thì thấy, hóa ra từ trước đó 10 năm, vào năm 2005 Bộ Tư pháp khi đó do ông Uông Chu Lưu làm Bộ trưởng cũng đã đề xuất chuyển lực lượng quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp.
Theo ý kiến của Bộ Tư pháp khi đó thì qua khảo sát phần lớn các nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc… đều giao cho Bộ Tư pháp quản lý thi hành án hình sự và các trại giam để dân sự hóa hoạt động thi hành án hình sự.
Theo Bộ Tư pháp thì dân sự hóa có nghĩa là lực lượng quản lý trại giam sẽ không phải là lực lượng vũ trang, không cần trang bị vũ khí “nóng”, chỉ có một số công cụ hỗ trợ như dùi cui, roi điện…
Bộ Tư pháp cũng cho rằng việc chuyển đổi nhằm bảo đảm sự khách quan, vì cơ quan điều tra vừa có chức năng điều tra, lại vừa trực tiếp giam giữ họ thì không bảo đảm khách quan.
Trước những lo ngại xáo trộn, Bộ Tư pháp khi đó cho rằng việc chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao “trọn gói” toàn bộ nhân sự, tổ chức, bộ máy thi hành án hình sự hiện có. Vì thế sẽ không tạo ra sự xáo trộn về tổ chức và cán bộ cũng như về cơ sở vật chất và kỹ thuật.
Tới nay sau 13 năm nhìn lại, các ý kiến đề nghị chuyển đổi cơ quan quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp vẫn chưa được thực hiện. Đó là một quãng thời gian quá dài cho một chương trình cải cách thiết chế bộ máy nhà nước. Đồng nghĩa với đó bộ máy nhà nước đã không có được một thiết chế bộ máy khoa học, tước đoạt đi của người dân cơ hội được thụ hưởng một nền tư pháp chuẩn mực có khả năng đảm bảo công lý.
Không chỉ tư pháp
Nhìn rộng ra thì thấy có rất nhiều chương trình cải cách được đề ra nhưng rất kém khả năng thực hiện.
Ví như mấy năm trước có đề án thành lập tòa án cấp khu vực, nhằm giảm tránh sự phụ thuộc của tòa án vào các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương, ví như tòa án cấp huyện hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương cấp huyện, những vụ kiện hành chính dân kiện tòa xử cơ bản là thua, nhưng rồi Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 cũng không làm được.
Đề án để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã phường do Bộ Nội vụ đề xuất từ năm 2008 được hy vọng là bước tiến của dân chủ, được kỳ vọng gia tăng các sinh hoạt dân chủ cho bộ máy công quyền, nhưng rồi cũng không làm được.LS Ngô Ngọc Trai
Hay ví như kế hoạch bãi bỏ thiết chế Hội đồng Nhân dân xã, phường, thị trấn, biết bao ý kiến với đầy đủ tính hợp lý đúng đắn được đưa ra nhưng cũng không làm được. Cùng với đó là đề án để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã phường do Bộ Nội vụ đề xuất từ năm 2008 được hy vọng là bước tiến của dân chủ, được kỳ vọng gia tăng các sinh hoạt dân chủ cho bộ máy công quyền, nhưng rồi cũng không làm được.
Cho đến 10 năm sau, khi Luật Tổ chức Chính quyền Địa phương được ban hành năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định về thiết chế Hội đồng Nhân dân cấp xã và cơ quan này giữ thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp. Những kỳ vọng cho dân bầu trực tiếp vẫn chỉ là ảo vọng xa xôi.
Cải cách để phát triển
Trông sang Trung Quốc thì thấy họ đã thực hiện nhiều chính sách mà chưa bàn đến tính đúng sai ra sao nhưng điều thấy rõ là hiệu năng làm việc của bộ máy của họ là không hề nhỏ. Ngay như kế hoạch chống tham nhũng, họ làm đến nỗi quá tải cả nhà tù thì mới thấy hiệu năng làm việc như thế nào.
Những cải cách của Trung Quốc và đặc biệt là hiệu năng làm việc của bộ máy là cái chắc chắn đã đưa đến những thành tựu kinh tế, biến họ thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Còn Việt Nam thì sao?
Ở Việt Nam lâu nay, về nguyên bản bộ máy nhà nước được thiết lập theo mô hình toàn trị. Đó là một hệ thống bộ máy cồng kềnh, ngoài các cơ quan đảng, chính quyền nhiều tầng nấc, còn có các hội đoàn đi sâu vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội để kiểm soát và duy trình quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng sản.
Mô hình [của VN] rất hiệu quả cho việc kiềm tỏa, trấn áp và duy trì quyền lãnh đạo. Nhưng đó lại là mô hình ‘không có tính kinh tế’ vì quá tốn kém và không thích hợp với nền kinh tế thị trường vốn mang yếu tố cốt lõi là khai phóng sức sáng tạo và trao quyền tự chủ cho người dân.LS Ngô Ngọc Trai
Mô hình kiểu đó rất hiệu quả cho việc kiềm tỏa, trấn áp và duy trì quyền lãnh đạo. Nhưng đó lại là mô hình ‘không có tính kinh tế’ vì quá tốn kém và không thích hợp với nền kinh tế thị trường vốn mang yếu tố cốt lõi là khai phóng sức sáng tạo và trao quyền tự chủ cho người dân.
Nhận ra được điều đó từ lâu nay nhiều lãnh đạo ban ngành cũng đã nói nhiều đến cải cách thể chế, tinh giản bộ máy, dân sự hóa nhiều lĩnh vực vốn được gán cho an ninh chính trị. Nhưng nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu, các tiến bộ cải cách trong bộ máy nhà nước diễn ra rất chậm chạp.
Nay để tránh cho sự tụt hậu quá xa, Việt Nam không còn cách nào khác là phải tiến hành cải cách dứt khoát khẩn trương mau chóng.
*Bài phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, luật sư sống và làm việc ở Hà Nội.
Phóng viên không biên giới lên án
việc bắt cóc blogger Phạm Đoan Trang
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) hôm 27/2 ra thông cáo lên án hành động bắt cóc blogger Phạm Đoạn Trang của an ninh Việt Nam hôm 24 tháng 2 vừa qua, và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép lên chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Blogger, nhà báo Đoan Trang bị an ninh Việt Nam bắt cóc ngay tại nhà riêng của mình vào hôm 24/2 khi cô trở về nhà ăn tết cùng gia đình. An ninh Việt Nam sau đó đã giữ blogger này suốt 23 tiếng đồng hồ để thẩm vấn cô về cuốn sách ‘Chính trị bình dân’ mà cô viết và xuất bản hồi năm ngoái.
Sau khi được trở về nhà, an ninh tiếp tục cảnh báo cô không được rời nhà và cho người canh gác căn hộ của blogger này liên tục sau đó. Theo RSF, điện và internet cho căn hộ của blogger cũng bị cắt và cô hiện đang trong tình trạng giam lỏng.
Phóng viên Không biên giới kêu gọi Quốc hội liên Âu không chuẩn thuận hiệp định tự do thương mại với Việt Nam mà theo dự kiến sẽ được thông qua vào vài tháng tới và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Thông cáo của RSF viết sau khi quốc hội liên Âu thông qua một nghị quyết khẩn cấp hồi tháng 12 vừa qua về tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam, thì EU không thể tiếp tục thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam.
Việt Nam chỉ phát hiện một phó giáo sư
không đủ tiêu chuẩn
Chỉ phát hiện một trường hợp phó giáo sư được công nhận nhưng không đủ tiêu chuẩn. Đó là kết quả được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa ra sau khi tiến hành rà soát, trong cuộc họp báo vào chiều ngày 27/2.
Báo Dân Trí dẫn lời của một thành viên trong Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước rằng trường hợp ứng viên phó giáo sư được công nhận bị phát hiện không đủ tiêu chuẩn thuộc ứng viên ở một trường đại học, và đã được báo cáo về Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước.
Riêng trường hợp giới giới chuyên môn thắc mắc về Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận giáo sư trong năm 2017, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Y tế, Giáo sư Phạm Gia Khánh, vào chiều ngày tháng Hai cho biết bà Kim Tiến thừa điểm xét duyệt hồ sơ giáo sư, với 3 bằng tiến sĩ, 4 bằng thạc sĩ và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh.
Giáo sư Phạm Gia Khánh cho biết thêm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có 91 bài báo khoa học, trong đó 14 bài đăng trên tạp chí quốc tế ISI, quy đổi tổng điểm tương đương 34,38, trong khi chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm.
Trước đó, sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.226 giáo sư, phó giáo sư được xét duyệt trong năm 2017, nhiều chuyên gia lên tiếng đề nghị Nhà nước cần vào cuộc để kiểm tra vì số giáo sư, phó giáo sư được công nhận trong năm 2017 tăng cao kỷ lục trong vòng 4 thập niên qua.
Trước phản ánh của giới chuyên gia và dư luận, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo và Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước rà soát lại việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng Hai.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước tuyên bố sẽ cương quyết không công nhận ứng viên nào được phát hiện không đủ tiêu chuẩn.
Vào ngày 21 tháng Hai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi công văn lên Văn phòng Thủ tướng đề nghị được lùi thời hạn báo cáo rà soát lại việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 đến hết ngày 28 tháng Hai, vì thời gian rà soát trùng thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Phóng sinh sao không phóng thích?
Blogger Nguyễn Tường Thụy
1.
Mùng 9 Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội). Tại đây, ông phóng sinh một lồng chim. Vài chục con chim được nhốt sẵn trong một cái lồng, nắp lồng buộc bẳng những dải lụa điều, đậy một tấp lụa vàng. Tấm lụa vàng được nhấc ra, những dải lụa điều được gỡ, Chủ tịch Trần Đại Quang trịnh trọng nhấc nắp lồng và lập tức những con chim đang khao khát tự do bay ra. Và… vỗ tay.
Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của nhà Phật, được duy trì có lẽ từ nhiều nghìn năm nay. Phóng sinh không chỉ là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh không chỉ ở nghi lễ mà ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Ví dụ người ta đi đường gặp thì mua cả chậu cá còn sống, thả tại chỗ, không cần ai biết đến.
Trong nghi lễ, người ta thường chọn chim để phóng sinh vì hình ảnh những con chim đang trong cảnh tù túng, giam cầm được tung bay lên trời là biểu tượng đẹp nhất của tự do.
Phóng sinh là hành vi từ tâm, nhân đạo. Vì vậy, Đức Phật khuyên con người không sát sinh, các nhà tu hành không ăn mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cũng có những mặt trái của nó. Để có được lồng chim cho Chủ tịch nước thả ra, người ta phải tìm mua chim. Có cầu ắt có cung. Vậy ắt có kẻ bẫy chim để bán cho ông thả. Những con chim mà ông Quang thả ra, trước sau nó cũng ở trên trời. Có chăng, thả được 100 con thì những con bị bắt phải bắt nhiều hơn số đó vì sẽ có thêm những con bị què, bị chết hay chui vào các nhà hàng đặc sản. Nếu không có nhu cầu phóng sinh vào các dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy…, động vật bị săn bắt vào những dịp này sẽ ít đi
Mặt khác, là nghi lễ của đạo Phật, việc phóng sinh chủ yếu nằm trong phạm vi các nhà chùa, các nhà tu hành. Nhưng khi Chủ tịch nước chủ trì việc phóng sinh, nó trở thành một thông điệp, thành sự khuyến khích trong toàn xã hội. E rằng rồi đây, người người bẫy chim, nhà nhà bẫy chim để bán phóng sinh. Cứ mỗi chu kỳ bắt – thả, chim sẽ hao đi một số.
2.
Việc đầu xuân Chủ tịch nước thả chim phóng sinh cũng hình thức như các lãnh đạo khác trồng cây. Thường là họ trồng cây đã trưởng thành. Cây cao gấp mấy thân người trồng, lại đã sinh ra các rễ phụ sum xuê. Lồng chim của ông Quang phủ lụa vàng, buộc lụa điều thì cán xẻng trồng cây của các lãnh đạo khác cũng xanh xanh đỏ đỏ. Lại có khi còn trải bạt để các lãnh đạo trồng cây cho khỏi bẩn giầy nữa. Gợt vài xẻng đất, tưới một tí nước được chuẩn bị sẵn là xong việc và… cũng vỗ tay. Nếu chim phóng sinh được bắt ở chỗ này, thả ở chỗ khác, thì cái cây các lãnh đạo trồng cũng đang sống yên ổn ở chỗ này bứng ra chỗ khác. Nó là di chuyển vị trí của cây chứ không phải là trồng. Mỗi lần như thế, cây thêm một lần đau đớn.
Trồng cây là phải thêm cây cho xã hội, là những cây giống được ươm ở vườn được nhân ra. Đồng ý rằng các vườn cây cũng có những cây to để bán cho các nhà giàu, các cơ quan nhưng đấy chỉ là di chuyển cây đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp, thỏa mãn nhu cầu thể hiện chứ không phải trồng thêm cây cho xã hội.
Cứ nhìn cảnh trồng cây hay thả chim phóng sinh, người ta thấy rõ tính hình thức và nó cứ giả giả thế nào.
3.
Nói đến chuyện thả chim phóng sinh chim tức là trả tự do cho chim, lại nghĩ đến những tù nhân lương tâm nhiều năm bị giam cầm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đông lạnh, hè nóng, tình cảm bị chia cắt. Nhất là dịp tết đến xuân về, sự đau đớn về tình cảm lại càng nhức nhối. Chẳng thế mà Đinh La Thăng còn xin được về ăn tết với gia đình rồi mới thi hành án.
Một danh sách của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cho thấy có 91 người đang bị giam giữ. Danh sách có thể còn sót và chưa tính những người bị bắt từ đầu năm 2018. Như vậy hiện nay có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở các trại giam trên toàn quốc. Họ là những người không có tội. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội, nói lên sự thật, dám biểu đạt chính kiến của mình và cất lên lên tiếng nói tự do. Đó là những con người cần được trả tự do nhất. Nếu họ có tâm từ bi thật khi phóng sinh chim thì họ cũng có đủ từ bi để trả tự do cho những tù nhân lương tâm. So với con chim, ai cũng biết là con người cần và đáng được tự do hơn cả. Phóng thích tù nhân lương tâm cũng có nghĩa là phóng thích những điều cay cú, hơn thua, cố chấp và thù hận ra khỏi con người mình để mình cũng được tự do.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Lễ hội, những hủ tục mê tín và chính sách ngu dân
Blogger Song Chi
Quanh năm lễ hội
Việt Nam là một đất nước có nhiều lễ hội, có lẽ cũng phải thuộc vào top 10 của thế giới, với khoảng trên dưới 8000 lễ hội hàng năm. Lễ hội ở VN phong phú và đa dạng, nào lễ hội dân gian (chiếm phần lớn tổng số lượng lễ hội cả năm), lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, các loại lễ hội khác…Rồi thì mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi làng, dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số anh em…đều có những lễ hội khác nhau. Có lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp làng v.v…
Ngoài những lễ hội chi phối đời sống của hầu hết mọi người dân, mọi gia đình trên cả nước như Tết Nguyên Đán, Lễ Vu Lan hay tết Trung Thu, thì có nhiều lễ hội lớn, được tổ chức quy mô, người dân ai cũng biết hoặc từng tham dự như lễ hội Đền Hùng-Phú Thọ, lễ hội chùa Hương-Hà Nội, Lễ hội Yên Tử-Quảng Ninh, Lễ hội đền Gióng-Sóc Sơn, Hà Nội, lễ hội Lim-Bắc Ninh, lễ hội đền Trần-Nam Định, lễ hội cầu Ngư-Huế, Đà Nẵng, Lễ hội Katê-Ninh Thuận, Bình Thuận, Lễ hội Bà Chúa Xứ-An Giang, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ…
Lễ hội nhiều cũng có cái hay là phản ánh sự phong phú, giàu có của nền văn hóa nước nhà, là dịp cho người dân vui chơi, thưởng thức những trò chơi dân gian hoặc ôn lại những giai thoại, giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm thấy gắn bó với cộng đồng, xóm làng…Nhưng dường như càng về sau này, lễ hội ở VN càng nhiều “biến tướng”. Từ trong ý thức của người dân cho tới cách tổ chức.
Bên cạnh những lễ hội có tính chất tàn bạo, dã man, đã từng có nhiều ý kiến chỉ trích, đề nghị hủy nên bỏ như lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh, lễ hội Cầu trâu lấy vồ đập đầu trâu đến chết tại Phú Thọ, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên… nhiều lễ hội còn mang nặng tính chất trần tục, hoặc mê tín dị đoan. Năm nào đến mùa lễ hội, nhiều nhất là vào mùa Xuân sau Tết Nguyên đán, chúng ta cũng đọc thấy những bài báo nói về nạn chặt chém ở các lễ hội đền này chùa kia, cảnh người dân chen nhau đi lễ đông đến nghẹt thở, bên trong đền, chùa khói nhang nghi ngút còn ngay bên ngoài cổng bày bán đủ loại thịt rừng, từng con thịt còn đẫm máu tươi…; cảnh người dân tranh nhau, xô đẩy nhau cướp lộc, cướp “ấn”…
Chỉ riêng cái trò đốt vàng mã mỗi năm hàng tỷ đồng biến thành đồ mã sau đó hóa ra tro. Hay cái trò phóng sinh, ngày càng được nâng lên tầm quy mô, có cả cấp chính quyền, lãnh đạo nhà nước tham gia. Chẳng hạn, lễ phóng sinh chim, hàng chục tờ báo chính thống đưa tin chiều 24.2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dâng hương khai xuân Mậu Tuất 2018 tại Điện Kính Thiên – khu di tích Hoàng thành Thăng Long, “Sau khi làm lễ dâng hương, tại thềm Rồng – Điện Kính Thiên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thực hiện nghi lễ thả chim phóng sinh dịp đầu xuân, cầu mong quốc thái, dân an…”(“Chủ tịch nước thực hiện nghi lễ phóng sinh cầu quốc thái, dân an”, VOV)
Lễ phóng sinh cá lớn nhất Hà Nội, theo báo chí, đây là năm thứ 4 được tổ chức với “10.000 người chuyền tay phóng sinh hơn 5 tấn cá ở Hà Nội” (VNExpress), có người đại diện chính quyển địa phương, có nhà sư tham gia.
Việc phóng sinh chim, cá hay loài vật, là điều hay nhưng như nhiều ý kiến xác đáng nêu ra trên mạng xã hội facebook, nếu được làm với lòng thành, tự mỗi người làm, và nếu tình cờ gặp con cá bị mắc cạn, con chim, con thú bị mắc bẫy mà chúng ta cứu và thả chúng về với nước, với bầu trời, với tự do…thì mới là việc thiện. Còn con chim đang bay, con cá đang bơi bị chúng ta bắt, bẫy về rồi lại thả ra, cứ thả xong rồi bắt, xoay vòng nhiều lần trong mùa phóng sinh, có những con bị kiệt sức mà chết, thì có còn là việc thiện, là phóng sinh hay sát sinh? Hay việc cứu con vật không còn là mục đích chính mà cái ý muốn thực dụng nhằm tạo nghiệp thiện, tạo may mắn cho người thực hiện nghi thức phóng sinh mới là chính?
Và tại sao phải tổ chức một cách quy mô, có cả quan chức, lãnh đạo tham dự? Phải chăng do cái “bệnh” hình thức, khoa trương, của nhà nước này từ hồi nào tới giờ không thay đổi được? Không chỉ phóng sinh “cầu cho quốc thái, dân an”, mà còn đua nhau trồng cây nhưng không phải trồng cây con, ươm cây mới mà là bứng cây to có sẵn rồi trồng lại! Toàn những trò phản khoa học, và phô trương như thế.
Người Việt ngày càng trở nên mê tín, dị đoan?
Cả một xã hội mê tín dị đoan, trông chờ, hy vọng vào những sự may rủi; đi chùa cúng Phật, nhét tiền vào tay Phật để được Phật phù hộ làm ăn phát tài, mua bay bán đắt; đốt vàng mã cho người âm, đốt cả xe máy, biệt thự, “chân dài” để người âm hài lòng mà phù hộ cho; tranh nhau cướp lộc, cướp “chiếu thiêng” mong sinh quý tử, tranh nhau đội mưa xếp hàng mua vàng ngày vía Thần Tài để cầu may, leo bao nhiêu bậc thang lên chùa để lấy “nước thánh”… Đua nhau lễ lạy, cúng bái đủ thứ bái vật, rồi thì chạy theo những thứ hình thức tốn kém, hoang phí, vô bổ, chẳng hạn, dân thì chi hàng triệu, hàng chục triệu đốt vàng mã, quan thì đề xuất làm bánh giầy nặng 3 tấn dâng Vua Hùng, đổ 12 tỷ nhập ngàn cây long não từ Tàu gọi là để “làm đẹp” đường phố…
Dân các nước khác nhìn vào chắc chẳng thể nào hiểu được tại sao người Việt chúng ta phải khổ nhọc thế!
Thật ra điều đó cũng không có gì khó hiểu. Khi đời sống có quá nhiều mối lo toan, bấp bênh, bất trắc, khi con người không còn có niềm tin vào chính quyền, vào luật pháp, vào giáo dục, không được che chở, bảo vệ bởi chính quyền, luật pháp, không được sống trong một quốc gia có những chính sách về an sinh xã hội để giúp đỡ khi bệnh tật, lúc tuổi già, khi tai nạn xảy ra (mà ở nước ta thì đủ thứ tai nạn trời ơi đất hỡi từ trên đầu rơi xuống mỗi ngày, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rủi ro do thói làm ăn bất cẩn, vô lương tâm, vô trách nhiệm của người khác, chết do ung thư, bệnh tật vì môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, nhiễm độc…)… thì họ phải tìm đến thánh thần, phải cầu xin trời phật, người âm phù hộ thôi. Người nghèo đã thế mà người giàu cũng thế.
Dân chúng mê tín, làm theo những hủ tục đã đành, quan còn mê tín gấp bội dân, càng có nhiều tiền, càng có chức tước thì càng lo sợ mất tiền, mất ghế, sợ bị các phe cánh khác hãm hại… nên càng siêng đi cúng bái, lễ lạc, giải hạn…Cũng là do cái thực tài không có, trí tuệ không có, chức tước chẳng qua là do con ông cháu cha hay bỏ tiền ra mua, nên tâm mới bất an, và mới làm những chuyện mông muội như vậy.
Còn nhà cầm quyền thì chẳng những không hạn chế, ngăn cấm những hủ tục mê tín dị đoan, những lễ hội man rợ, những trò hoang phí vô bổ mà còn duy trì, mở rộng, quảng bá quy mô hơn như chúng ta thấy.
Cái hình ảnh xã hội VN ngày hôm nay là một “thành tựu” to lớn của đảng cộng sản trong việc làm ngu dân, không chỉ bằng một nền giáo dục lạc hậu, tuyên truyền, nhồi sọ mà còn bằng việc duy trì, phục dựng các loại tín ngưỡng văn hóa dân gian, hủ tục… làm cho dân mải sa đà vào những chuyện lễ hội ăn chơi, mê tín mà quên đi bao nhiêu vấn đề của đất nước. Dân muốn tiêu tiền, phung phí, mê tín sao cũng được nhưng dân chỉ cần thức tỉnh, lên tiếng chuyện này chuyện kia là bị xách nhiễu, hành hạ, bỏ tù, kết án dài hạn ngay lập tức!
Làm cho dân ngu đi là để dễ bề cai trị, chế độ độc tài nào cũng vậy.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Bộ Giáo dục yêu cầu giảng viên sư phạm
phải có bản lĩnh chính trị vững vàng
Hôm 26 tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công bố dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, áp dụng tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các tổ chức cá nhân có liên quan. Mạng báo Vietnamnet loan tin hôm 27 tháng 2.
Theo dự thảo, giảng viên phải đáp ứng năm tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực phát triển quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, giảng viên sư phạm cũng cần phải đóng góp vào việc xây dựng môi trường giáo dục, phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội, giáo viên, người học, giới khoa học chuyên ngành và các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp.
Điểm đáng chú ý về tiêu chuẩn phẩm chất nghề nghiệp, ngoài yêu cầu về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, giảng viên còn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giảng viên phải biế sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và nghiên cứu.
Theo dự kiến, từ năm 2018 đến 2020, kết quả đánh giá hàng năm sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng để xây dựng chế độ, chính sách đào tạo bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ giảng viên.
Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề giảng viên sư phạm được xin góp ý đến hết ngày 26/4.
Công an xử lý các lái xe phản đối trạm BOT Biên Cương
Công an tỉnh Quảng Ninh ngày 25/2 cho biết công an thành phố Cẩm Phả đã tạm giữ hành chính 1 người và răn đe 24 người khác về hành vi quá khích gây mất trật tự an ninh tại trạm thu phí BOT Biên Cương ở thành phố Cẩm Phả thời gian vừa qua.
Theo công an Quảng Ninh, vào chiều ngày 22/2, một số lái xe và đối tượng kích động người dân ở thành phố Cẩm Phả gây rối, cản trở hoạt động của trạm BOT Biên Cương gây ách tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng, và gây bức xúc dư luận
Công an Cẩm Phả đã ra quyết định tạm giữ hành chính đối với một người tên Phạm Chiến Thắng ở thành phố Cẩm Phả về hành vi gây rối trật tự công cộng. Theo công an Quảng Ninh, người này vào buổi tối ngày 22/2 đã đứng chặn đầu xe trước cửa soát vé, dùng kèn hơi thổi liên tục, kích động mọi người tập trung tại khu vực thu phí gây mất an ninh trật tự.
Công an tỉnh cho biết sẽ tiếp tục nắm tình hình, rà soát, phân loại các trường hợp người dân đi đến trạm tập trung đông người trái phép và xử nghiêm các trường hợp chống đối tại trạm.
Vào hai ngày 21 và 22/2 nhiều lái xe và người dân ở thành phố Cẩm Phả đã tập trung phản đối trạm thu phí BOT Biên Cương vì cho rằng trạm đặt sai vị trí và thu phí quá cao.
Một tài xế có mặt ở trạm trong hai ngày này cho biết việc phản đối đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khiến trạm phải xả nhiều lần trong hai ngày.
Trạm BOT Biên Cương do công ty Cổ phần BOT Biên Cương là chủ đầu tư. Công ty này đã đầu tư vào dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn từ Hạ Long đi Mông Dương với chiều dài 38 km và thiết kế 4 làn xe với tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng.
Trạm thu phí đã bắt đầu thu phí từ ngày 13/2 nhưng đã vấp phải sự phản đối của người dân. Sau đó trạm ngừng thu phí trong suốt dịp tết cho đến ngày 21/2.
Dân chặn đường phản đối doanh nghiệp gây ô nhiễm
Chiều ngày 26 tháng 2 khoảng 30 người dân xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã dàn hàng ngang giữa quốc lộ 1 để phản đối việc chính quyền phê duyệt xây dựng một dự án chế biến hải sản tại địa phương mà họ e ngại sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Tin trong nước cho biết đa số người dân là phụ nữ và họ bắt đầu tập trung từ khoảng 13h đến tận 16h mới giải tán, lúc bấy giờ giao thông mới trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết dự án chế biến thủy sản này được tỉnh Bình Định phê duyệt từ năm 2008. Sau đó giữa doanh nghiệp và người dân địa phương xảy ra một số mâu thuẫn nên dự án này được lệnh tạm dừng triển khai vào ngày 23 tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên người dân lo lắng dự án này vẫn tiếp tục và sẽ gây ô nhiễm môi trường nên họ phản đối.
Cũng theo ông Dũng, chính quyền huyện đã thuyết phục người dân ổn định tư tưởng, và thực hiện việc khiếu nại, phản đối theo đúng quy định của pháp luật.
Các nhà hoạt động ở HN
bị an ninh tăng canh giữ, cấm đi lại
Hàng chục nhà hoạt động ở Hà Nội nhận thấy chính quyền tăng cường canh giữ, theo dõi họ, thậm chí cấm đi lại đối với một số người hôm 27/2. Anh Trịnh Bá Phương nói diễn biến này có thể là do chính quyền “lo lắng” về một cuộc gặp mặt đầu xuân của giới đấu tranh.
Trên các trang Facebook cá nhân của mình, các nhà hoạt động trong đó có Huỳnh Ngọc Chênh, Trịnh Bá Phương, Trịnh Kim Tiến và Lê Văn Sơn, chia sẻ thông tin rằng các nhân viên an ninh “canh cửa gắt gao” ở nhiều địa điểm.
Ông Chênh nói những nơi đó hầu hết là nhà của giới đấu tranh, những người từng tham gia biểu tình chống Trung Quốc, các nhà hoạt động xã hội dân sự, dân oan mất đất đai, v.v…
…tôi rất bất bình về việc họ chặn xe của tôi sáng hôm nay. Tôi bảo nếu không đi xe thì tôi đi bộ mà họ vẫn theo tôi, họ nói không thể đi được. Đây đúng là một biểu hiện rõ nét nhất của chế độ công an trị, kìm kẹp người dân, tước đoạt quyền tự do của người dân.
Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu
Theo ông Chênh, nhà của ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập không được nhà nước công nhận, “có đến cả chục người bao vây”; nhà anh Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động vì quyền đất đai, “có cả xe thùng đến gác”; các nhà hoạt động như anh Ngô Duy Quyền, chị Trần Thị Thảo, chị Đặng Bích Phượng bị cấm hoặc hạn chế đi lại. Một số nhà hoạt động khác “bị công an khu vực đến ngồi canh kín đáo”.
Anh Trịnh Bá Phương cho VOA biết việc công an bố trí người theo dõi gia đình anh vẫn kéo dài từ trước đến nay nhưng đã trở nên căng thẳng hơn trong vòng 3 ngày gần đây.
Anh cho rằng một phần có liên quan đến vụ công an cưỡng chế nhà hoạt động Phạm Đoan Trang đến “làm việc” hôm 24/2, nhưng lý do chính có thể là chính quyền lo ngại về kế hoạch gặp mặt của vài chục nhà hoạt động ở nhà ông Nguyễn Tường Thụy hôm 27/2.
Cuộc gặp, nếu diễn ra, sẽ góp phần tăng thêm tình đoàn kết của giới hoạt động trong bối cảnh “có sự gia tăng đàn áp khốc liệt” của chính quyền trong mấy tháng gần đây, anh Phương nói.
Tuy nhiên, như nhiều người khác, anh Phương và mẹ, bà Cấn Thị Thêu, một nhà hoạt động mới ra tù, đã không thể đi quá xa khỏi nhà. Hai mẹ con anh cho VOA biết họ đã bị nhiều nhân viên công an đã “chặn đầu xe máy, gây nguy hiểm”.
Bà Cấn Thị Thêu nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã ra tù mà họ còn kìm kẹp tôi, họ ngăn cản quyền tự do đi lại của chúng tôi. Cho nên tôi rất bất bình về việc họ chặn xe của tôi sáng hôm nay. Tôi bảo nếu không đi xe thì tôi đi bộ mà họ vẫn theo tôi, họ nói không thể đi được. Đây đúng là một biểu hiện rõ nét nhất của chế độ công an trị, kìm kẹp người dân, tước đoạt quyền tự do của người dân”.
Không có tuyên bố hay phát ngôn nào từ phía nhà chức trách về việc họ gia tăng theo dõi, hạn chế các nhà hoạt động. VOA không thể liên lạc với họ để phỏng vấn. Nhận định về lý do đằng sau diễn biến mới nhất này, anh Trịnh Bá Phương nói:
“Việc các nhà hoạt động ngồi lại với nhau thôi họ cũng đã rất là lo sợ rồi. Họ còn lo sợ nhiều thứ khác nữa. Thí dụ, sau khi gặp gỡ đông đủ mọi người có thể sẽ đến hỗ trợ chị Đoan Trang, hoặc là sẽ có những thông điệp bằng băng-rôn, biểu ngữ để lên án sự đàn áp khốc liệt của phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”.
Bằng cách này cách khác cũng có một số cuộc gặp gỡ, mọi người ngồi lại với nhau, để nhắn gửi một thông điệp cho nhà nước cộng sản rằng đảng cộng sản Việt Nam chỉ là nhất thời thôi. Tôi tin chắc rằng chế độ sử dụng bạo lực và nhà tù để cai trị dân sẽ bị đào thải.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương
Giới hoạt động cho biết blogger nổi tiếng Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn Chính trị bình dân, hôm 24/2 đã bị ép buộc đi đến một đồn công an “làm việc”. Ngày 26/2, trong tình trạng nhà bị bao vây, chị đã đăng tuyên bố trên mạng xã hội rằng chị đấu tranh để xóa bỏ nhà nước cộng sản độc tài ở Việt Nam.
Theo nhà hoạt động trẻ Trịnh Bá Phương, sự gia tăng biện pháp hạn chế hiện nay, nếu xét đến bối cảnh là một loạt các cuộc bắt bớ và xử án tù những người đấu tranh, bất đồng trong mấy tháng gần đây, có thể là thông điệp từ chính quyền nhằm tạo áp lực tâm lý, hoặc đe dọa giới hoạt động, đấu tranh.
Tuy nhiên, anh cho rằng việc chính quyền mạnh tay hơn vẫn không làm các nhà hoạt động bị khuất phục:
“Sau sự việc năm 2017 họ đã bắt hàng chục người đấu tranh ở trong nước, nhưng tôi nhận thấy tất cả mọi người vẫn rất đoàn kết với nhau. Bằng cách này cách khác cũng có một số cuộc gặp gỡ, mọi người ngồi lại với nhau, để nhắn gửi một thông điệp cho nhà nước cộng sản rằng đảng cộng sản Việt Nam chỉ là nhất thời thôi. Tôi tin chắc rằng chế độ sử dụng bạo lực và nhà tù để cai trị dân sẽ bị đào thải”.
Một nhà hoạt động lâu năm, chị Nguyễn Thúy Hạnh, mới đây nhận định với VOA rằng những gì diễn ra gần đây cho thấy tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam “muốn dập tắt” tiếng nói của giới đấu tranh sau khi ông thắng thế trong cuộc “chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng”.
Dân Việt tấp nập xếp hàng ở biên giới c
hờ sang TQ tìm việc
Rất đông người dân đang xếp hàng đông nghẹt tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh lạng Sơn, để chờ làm giấy tờ thông hành sang Trung Quốc tìm việc làm, theo tường thuật của Dân Việt ngày 27/2.
Theo nguồn tin này, tình trạng dồn ứ người chờ làm giấy tờ sang Trung Quốc bắt đầu xảy ra từ ngày 21/2 (mùng 6 Tết) và kéo dài cho đến nay. Nguyên nhân là do thiếu việc làm tại địa phương trong thời gian nông nhàn, công việc lao động phổ thông ở Trung Quốc không đòi hỏi trình độ, lương lại cao hơn Việt Nam nên người dân ở các tỉnh biên giới như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… ùn ùn kéo nhau đi làm giấy thông hành sang Trung Quốc.
“Rất đông. Hiện tại theo thống kê bên kia thì cũng phải 10.000 người. Mỗi ngày đều đi rất đông, có ngày đi tới 1.000 người. Năm nào cũng thế, cứ sau Tết là đông”, một nhân viên làm dịch vụ giấy thông hành sang Trung Quốc ở Lạng Sơn cho VOA biết vào tối 27/2.
Đa số người dân Việt Nam sang Trung Quốc làm công việc thời vụ phổ biến vào thời điểm này là đi trồng mía. Khu vực tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, giáp giới với Việt Nam, là nơi sản xuất mía đường lớn nhất nước này.
Ông Lê Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn, được Dân Việt trích lời cho biết cơ quan này từ đầu năm 2018 đến nay đã hoàn tất 35.204 sổ thông hành cho người dân sang Trung Quốc. Viên chức này nói đây là tín hiệu đáng mừng vì điều đó có nghĩa là số lượng người dân đi “chui” sang Trung Quốc tìm việc sẽ giảm đi.
Những năm gần đây, giới hữu trách Việt Nam đã phải lên tiếng báo động về tình trạng người dân tìm cách đi “chui” sang Trung Quốc làm việc, sau khi xảy ra nhiều vụ lao động Việt Nam mất tích hay tử nạn khi sang Trung Quốc làm việc lâu dài.
Báo Công An Nhân Dân đầu tháng này có bài cảnh báo về những rủi ro mà người lao động “chui” Việt Nam phải đối mặt khi sang xứ người tìm kế mưu sinh. Ngoài việc bị buộc lao động khổ sai, không được bồi thường khi gặp tai nạn…, lao động Việt còn có nguy cơ bị chủ mật báo cho công an địa phương đến bắt để quỵt lương.
Rủi ro càng tăng cao đối với lao động chui người Việt khi nhiều địa phương ở Trung Quốc trao giải thưởng 100 tệ cho người phát hiện ra người nhập cảnh trái phép.
Theo số liệu của Phòng quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Lạng Sơn, con số người vượt biên trái phép sang Trung Quốc ở tỉnh này từ ngày 16/11/2016 đến 15/11/2017 lên đến 21.521 người. Con số này được cho biết đã giảm hơn 6.000 người so với năm trước. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng người Việt đi chui sang Trung Quốc làm việc đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhà chức trách. Tại một số tỉnh miền Trung, rất nhiều người dân đã bỏ sang Trung Quốc tìm việc sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa khiến họ mất nguồn sinh kế.
“Ngoại giao Biên giới” và Hợp tác Việt-Trung
Việt Nam và Trung Quốc hồi gần đây bàn về hợp tác tại 4 địa điểm Lạng sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai, và quảng bá kế hoạch thành lập cái gọi là một hệ thống “Hai quốc gia, một trạm kiểm soát biên giới”, một vùng tự do thương mại “trung lập”, nơi hai nước có thể bắt tay hợp tác để cùng kiểm soát những sự đi lại và giao lưu của hàng hóa xuyên biên giới, giảm bớt các thủ tục hành chánh rườm rà, và đẩy mạnh trao đổi thương mại.
Vào trung tuần tháng 11 năm 2017, nhân chuyến đi thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước anh em cộng sản ra Tuyên bố chung, khẳng định tình hữu nghị, đồng thời nói rằng kiên trì theo đuổi con đường phát triển xã hội chủ nghĩa “là lựa chọn đúng đắn”, hai bên mong muốn “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.”
Cả hai nhấn mạnh sự cần thiết phải phát huy vai trò điều phối của các cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Đảng và nhà nước, thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục có những bước chậm mà chắc hướng tới mục tiêu lâu dài, là thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, đặt cộng đồng quốc tế trước ‘sự đã rồi’, nhiều người Việt lo ngại Việt Nam, là nước nhỏ, sẽ thua thiệt, thậm chí bất lực, trước viễn ảnh ngày càng bị anh láng giềng khổng lồ công khai o ép. Những lo ngại ấy có cơ sở không? Liệu hợp tác biên giới Việt-Trung có xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông?
Hợp tác biên giới
Giáo sư Tạ Văn Tài thuộc Đại học Harvard, lập luận rằng việc lập khu hợp tác thương mại giữa hai nước có những mặt tích cực, kể cả xây dựng một trạm kiểm soát biên giới chung. Muốn thành lập một khu hợp tác hỗn hợp, hai bên sẽ đóng góp một diện tích đất đai tương đương và tìm cách quy hoạch để phát triển chung về thương mại.
Ý tưởng đó bắt đầu từ đâu và diễn tiến ra sao? Giáo sư Tạ Văn Tài:
“Cái này thì thực sự bắt đầu từ ông Trung Quốc. Ông ấy đề nghị từ năm 2007 mà phần lớn là ở các tỉnh. Ý tưởng bắt đầu từ các tỉnh.”
Giáo sư Tài cho biết từ năm 2007, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc đã đề nghị hợp tác với Lạng Sơn, rồi Quảng Ninh đề nghị với Móng Cái hợp tác với tỉnh Đông Hưng bên Trung Quốc. Cao Bằng thì cộng tác giữa 2 khu Trà Lĩnh (Việt Nam) với Long Bằng (Trung Quốc), và tới năm 2012, Lào Cai theo chân các tỉnh khác hợp tác với Hồng Hà bên Trung Quốc.
Giáo sư Tạ Văn Tài cho biết sau các tỉnh, sự hợp tác giữa hai nước được nâng lên cấp quốc gia:
“Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc ký một văn bản gọi là “Quy hoạch phát triển 2012-2016 về khu hợp tác kinh tế thương mại. Đến năm 2013 thì ký kết biên bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới Việt-Trung, rồi sau đó tới phương án tổng thể khu hơp tác kinh tế.”
“Họ muốn đẩy mạnh ‘ngoại giao biên giới’ giữa Trung Quốc với Việt Nam và mấy nước khác ở gần Trung Quốc như Lào, Myanmar, Kazachstan và Nga. Họ nói ‘ngoại giao láng giềng’ này là quan trọng thứ hai, chỉ sau ngoại giao với các nước lớn như Mỹ, Anh, Úc, Nhật vv…”
Giáo sự Tạ Văn Tài, Đại học Harvard
Đặc biệt tới 2017, khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Đà Nẵng, hai bên đã ký bản ghi nhớ về việc đẩy mạnh tiến độ đàm phán về khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Giáo sư Tạ Văn Tài miêu tả nỗ lực này của Trung Quốc là ‘ngoại giao biên giới’, ông giải thích:
“Họ muốn đẩy mạnh ‘ngoại giao biên giới’ giữa Trung Quốc với Việt Nam và mấy nước khác ở gần Trung Quốc như Lào, Myanmar, Kazachstan và Nga. Họ nói ‘ngoại giao láng giềng’ này là quan trọng thứ hai, chỉ sau ngoại giao với các nước lớn như Mỹ, Anh, Úc, Nhật vv…”
Nền ngoại giao ‘láng giềng’ đó đã được đẩy mạnh từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền, đưa đến việc các khu cộng tác thương mại được nâng cấp lên cấp quốc gia.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, được báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích lời bày tỏ lạc quan rằng Việt Nam và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với nhau, ông coi dự án này như một cách để 2 nước cộng tác với nhau vì các lợi ích chung, vượt lên trên cuộc tranh chấp ở Biển Đông để hướng tới phía trước.
Giáo sư Tạ văn Tài thuộc Đại học Harvard, chia sẻ sự lạc quan của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Ông nói sự hợp tác này có thể dẫn tới môt vùng kinh tế thương mại tự do, một phần nào tương tự như vùng kinh tế thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, Giáo sư Tạ Văn Tài lập luận rằng bất chấp những xung đột kéo dài hàng thập niên, vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể trở thành một khu tự do thương mại và hợp tác, kể cả một trạm kiểm soát chung.
Những lợi ích nào cho Việt Nam trong khu vực hợp tác đó? Ít nhất trạm kiểm soát cửa khẩu chung có thể tăng tính minh bạch của hoạt động hải quan, góp phần chống nạn tham nhũng xuyên biên giới.
Và trong bối cảnh phần lớn hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc là sản phẩm nông nghiệp, một hệ thống có khả năng giảm thiểu tệ nạn quan liêu hành chánh, và đẩy nhanh các thủ tục rườm rà tại vùng biên giới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, và giúp nhanh chóng đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng. Những sự hợp tác này, trong dài hạn, sẽ giúp giảỉ tỏa một phần những căng thẳng giữa hai nước trong những lĩnh vực khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét