Tin khắp nơi – 28/02/2018

Tin khắp nơi – 28/02/2018

Liệu ông Tập có rời sân bóng sau 2023?

Gia hạn nhiệm kỳ cho Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ là “trò hề”, theo ý kiến nêu công khai của ông Lý Đại Đồng, cựu tổng biên tập một tạp chí của Trung Quốc.
Nhà báo từng phụ trách tạp chí Băng Điểm của nhật báo Đoàn Thanh niên Trung Quốc đã gửi thư tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Kinh, nơi ông cư trú, phản đối đề nghị gia hạn các nhiệm kỳ chủ tịch và phó chủ tịch nước.
Nếu được thông qua, sửa đổi Hiến pháp về nhiệm kỳ “quá ba lần” này sẽ cho ông Tập Cận Bình cầm quyền quá năm 2023.
Không thể mặc định là cả nước đều đồng ý với kiến nghị sửa Hiến pháp. Người ta chỉ bị buộc im lặngLý Đại Đồng
Các báo quốc tế đã nói đây là động thái giúp ông Tập Cận Bình trở thành nhân vật số một “như Mao Trạch Đông”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ cho đề nghị sửa hiến pháp về nhiệm kỳ của lãnh đạo cao nhất, và ca ngợi ông Tập Cận Bình.
Báo China Daily nói bỏ hạn chế về nhiệm kỳ là cần thiết để “hoàn thiện hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.
Nhật Báo Quân Giải phóng thì viết động thái này là “cần thiết và đúng lúc vô cùng”.
Nhưng khi trả lời BBC Tiếng Trung qua điện thoại từ Bắc Kinh hôm 27/02/2018, nhà báo Lý Đại Đồng nói ông “đã quá già để mà sợ hãi”.
Ông giải thích vì sao ông nhắn trên mạng WeChat cho đoàn đại biểu Quốc hội từ thành phố Bắc Kinh, nói việc gia hạn nhiệm kỳ “sẽ chỉ gieo mầm nội loạn”.
“Là công dân Trung Quốc, tôi có nghĩa vụ phải cho các đại biểu Quốc hội biết quan điểm của mình. Tôi không quan tâm các đại biểu có hành động gì hay không. Nhưng không thể mặc định là cả nước đều đồng ý với kiến nghị sửa Hiến pháp. Người ta chỉ bị buộc im lặng.”
“Tôi không thể chịu được việc này nữa. Tôi đã thảo luận với các bạn bè và chúng tôi đều bực bội. Chúng tôi muốn nói lên sự phản đối của mình.”
Ông cũng cho hay, trên nguyên tắc, các đại biểu Nhân dân Đại hội Toàn quốc nhận tin nhắn của ông là đại diện cho vài triệu cử tri thủ đô, gồm có ông.
“Tôi thể hiện ý kiến của mình bằng cách an toàn, hợp pháp.”
Tên của ông Tập Cận Bình đã được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc với “tư tưởng” của ông thành một phần văn kiện Đảng.
Con người ông Tập trở thành ‘hạt nhân trung tâm’ của tổ chức hơn 90 triệu thành niên này sau kỳ đại hội cuối 2017
Các vấn đề lịch sử
Sinh năm 1952, từng làm tổng biên tập Băng Điểm (Freezing Point), một tuần báo thuộc Nhật báo Đoàn Thanh niên, ông Lý Đại Đồng bị đuổi việc năm 2006.
Lý do trực tiếp là ‘án báo chí’ khi Băng Điểm đăng một bài nghiên cứu đặt lại vấn đề về nhà Thanh và phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (Boxing rebellion).
Nhưng theo báo nước ngoài như The Guardian, nguyên nhân chính khiến ông Lý Đại Đồng bị sa thải là vì ông liên tục đòi quyền tự do thông tin ở Trung Quốc.
Hiện ông viết cho trang OpenDemocracy có trụ sở tại London nhưng các bài báo không được phép xuất hiện trên mạng ở Trung Quốc.
Những vấn đề lịch sử thường được trí thức Trung Quốc lật lại để nói lên các chủ đề hiện đại.
Ngay khi xuất hiện ý tưởng để ông Tập Cận Bình “gia hạn” nhiệm kỳ sau 2023, có ý kiến đã ví ông với Viên Thế Khải thời cuối nhà Thanh.
Blogger có nick Zhang Chaoyang viết trên mạng xã hội:
Đêm qua, giấc mơ phục hồi chế độ phong kiến của Viên Thế Khải đã trở lại trên quê hương.”
Từ một sứ quân đầy quyền lực, Viên Thế Khải sau khi Thanh triều bị lật đổ, đã làm Tổng thống nền Cộng hòa Trung Hoa năm 1912.
Sang năm 2015, ông tuyên bố lập vương triều Hồng Hiến theo Khổng giáo và tự xưng làm Đại Hoàng Đế.
Triều đại của ông Viên Thế Khải chỉ tồn tại được 83 ngày.

Cha con Kim Jong-un ‘từng dùng hộ chiếu Brazil giả’

Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và người cha quá cố Kim Jong-il từng sử dụng hộ chiếu Brazil giả để xin thị thực vào các nước phương Tây trong những năm 1990, các chuyên gia an ninh Tây Âu nói với Reuters.
Tin này được hãng tin Anh Reuters đưa hôm thứ Ba 27/3, dẫn lời năm nguồn tin an ninh cao cấp.
Reuters đăng ảnh hai cuốn hộ chiếu Brazil được cho là được cha con nhà ông Kim sử dụng, do sứ quán Brazil tại Prague cấp năm 1996. Cả hai người giữ hộ chiếu đều được viết là sinh ra ở Sao Paulo, Brazil.
Mặc dù từng có tin gia đình cầm quyền Bắc Hàn sử dụng giấy tờ đi lại được cấp với tên giả, hiếm khi có ví dụ cụ thể như lần này.
“Họ sử dụng những cuốn hộ chiếu Brazil này, có rõ ảnh của ông Kim Jong-un và Kim Jong-il, để tìm cách xin thị thực từ sứ quán các nước,” một nguồn tin an ninh cao cấp của phương Tây nói với Reuters với điều kiện không lộ danh tính.
“Điều này cho thấy mong muốn được đi nước ngoài và chỉ dấu nỗ lực xây dựng một con đường tẩu thoát của gia đình cầm quyền,” nguồn tin này nói thêm.
Bộ ngoại giao Brazil, cho biết họ đang điều tra vụ này, còn sứ quán Bắc Hàn tại Brazil từ chối bình luận.
Một nguồn tin Brazil, trả lời Reuters với điều kiện ẩn danh, nói hai cuốn hộ chiếu trắng là hợp pháp khi được gửi ra cho lãnh sự quán để phát hành.
Bốn nguồn tin an ninh Tây Âu khác khẳng định rằng hai hộ chiếu Brazil có ảnh của cha con ông Kim dưới các tên Josef Pwag và Ijong Tchoi đã được dùng để xin thị thực tại ít nhất là hai nước phương Tây.
Hiện chưa rõ liệu có thị thực nào được cấp cho hai hộ chiếu này không.
Các hộ chiếu này có thể được sử dụng để vào Brazil, Nhật và Hong Kong, các nguồn tin an ninh này cho biết.
Hồi 2011, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật đưa tin ông Kim Jong-un tới Tokyo khi còn bé bằng một hộ chiếu Brazil năm 1991 – trước ngày cấp của hai cuốn hộ chiếu Brazil mà Reuters được xem.
‘JOSEF PWAG’
Cả hai hộ chiếu có giá trị 10 năm đều có đóng dấu “Đại sứ quán Brazill tại Prague” với ngày cấp là 26/2/1996.
Các nguồn tin an ninh nói công nghệ nhận diện khẳng định các bức ảnh là của Kim Jong-un và cha ông.
Hộ chiếu có ảnh Kim Jong-un được cấp với tên Josef Pwag, sinh ngày 1/2/1983.
Có rất ít thông tin về nhà lãnh đạo Bắc Hàn này và thậm chí ngày sinh của ông vẫn gây tranh cãi. Ông có thể 12 hay 14 tuổi khi cuốn hộ chiếu Brazil này được cấp.
Ông Kim Jong-un đi học tại một trường quốc tế ở Berne, Thụy Sỹ, nơi ông giả là con trai một nhân viên lái xe của sứ quán Bắc Hàn.
Hộ chiếu của ông Kim Jong-il được cấp với tên Ijong Tchoi, sinh ngày 4/4/1940. Ông Jong-il qua đời hồi 2011. Năm sinh thực của ông là 1941.
Các nguồn tin an ninh từ chối bình luận các hộ chiếu này đã được cấp cho cha con ông Kim ra sao.
Hãng tin Reuters nói họ chỉ được xem bản sao của các cuốn hộ chiếu này nên không thể khẳng định liệu chúng có bị sửa đổi gì không.

Mỹ: người nhập cư bị giam

có thể không được đóng tiền thế chân

Toà án tối cao Hoa Kỳ vừa có phán quyết rằng người nhập cư bị giam giữ lâu dài không có quyền được điều trần định kỳ để xin được nộp tiền thế chân.
Với số phiếu 5-3, quyết định này làm đảo lộn một phán quyết năm 2005 rằng người nhập cư bị giam giữ trong khi chờ trục xuất có quyền được nộp đơn xin đóng tiền thế chân mỗi sáu tháng một lần.
5 vị thẩm phán bảo thủ của tòa án tối cao là thành phần quyết định trong phán quyết.
Quyết định trên áp dụng cho bất kỳ người nhập cư nào, bao gồm cả những thường trú nhân hợp pháp hoặc đang xin tị nạn.
Quyết định này sẽ được đưa trở lại Tòa Phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 để xét xem liệu Hiến pháp Hoa Kỳ có đòi hỏi phải có những phiên điều trần cho người nhập cư bị giam giữ xin nộp tiền thế chân.
Thuộc ý kiến đa số, Thẩm phán Samuel Alito viết: “Nhân viên sở di trú được phép giam giữ một số người nước ngoài trong quá trình tố tụng nhập cư, để xét xem những người này có đang ở Hoa Kỳ một cách hợp pháp hay không.”
Thẩm phán Stephen Breyer, trong một bản tuyên quan điểm bất đồng, chỉ trích gay gắt các đồng nghiệp.
Ông Breyer viết: “Chúng ta chỉ cần nhớ lại lời của Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt nhấn mạnh rằng tất mọi người nam và nữ, đều có”Những quyền không thể chuyển nhượng được” trong đó có quyền “Tự do”.
Sự kiện này đã được Hiệp hội Quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU) đưa ra tòa vào Thứ Ba, và cho biết họ sẽ tiếp tục cuộc chiến tại tòa án cấp dưới.
‘Hoàn cảnh cá nhân’
Ahilan Arulanantham, luật sư của ACLU, nói: “Trong một phần của nỗ lực đàn áp các cộng đồng nhập cư, chính quyền Donald Trump đang cố gắng nâng việc giam giữ người nhập cư đến các mức kỷ lục.
Ông nói với báo New York Times: “Qua trường hợp này, chúng tôi đã chứng minh được là khi người nhập cư được điều trần công bằng, các vị thẩm phán thường thả họ, dựa trên hoàn cảnh cá nhân.”
“Chúng tôi mong chờ được trở lại các tòa án cấp thấp hơn để chứng minh rằng các đạo luật này, hiện được Tòa án Tối cao diễn giải là luật yêu cầu bắt giữ mà không có bất kỳ điều trần nào, vi phạm thủ tục tố tụng.”
Quyết định này ảnh hưởng đến hàng ngàn người nhập cư đang ở trong các trung tâm giam giữ của Mỹ trong khi chờ trục xuất, vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường việc thực thi luật di trú.
Một phát ngôn viên của bộ tư pháp Hoa Kỳ, ông Devin O’Malley, nói với hãng thông tấn Reuters rằng phán quyết của Tòa Phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 đã thúc đẩy quá nhiều các cuộc điều trần xét đơn xin nộp tiền thế chân, và tạo ra nhiều hồ sơ tồn đọng trong hệ thống tòa di trú.
“Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện những cải cách thường tình để giảm bớt công việc còn ứ đọng, và quyết định của Toà án Tối cao hôm nay đảm bảo rằng các thẩm phán của Tòa Phúc thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 có thể tập trung thời gian của họ vào những vấn đề mà luật pháp đòi hỏi.” Ông O’Malley nói.

Bắc Hàn ‘cấp nguyên liệu vũ khí hóa học cho Syria’

Bắc Hàn gửi thiết bị có thể được dùng để sản xuất vũ khí hóa học đến Syria, truyền thông Mỹ dẫn phát hiện của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Các nguyên liệu gồm gạch chống axit, van chống ăn mòn và đường ống, các bài báo cho biết.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc chưa công bố cũng cho hay các chuyên gia về tên lửa của Bình Nhưỡng được nhìn thấy tại các cơ sở chế tạo vũ khí của Syria, New York Times tường thuật.
Cáo buộc này được đưa ra sau khi có các báo cáo về khí độc chlorine được quân đội Syria sử dụng nhưng chính phủ nước này bác bỏ.
Bắc Hàn đang bị áp các lệnh trừng phạt của quốc tế về chương trình hạt nhân.
Công ty ‘bình phong’
Các nguyên liệu được Bắc Hàn gửi lậu tới Syria. Gạch chống axit được dùng để xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học.
5 chuyến hàng được gửi tới Syria qua một công ty thương mại Trung Quốc vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Đây được cho là một phần của hàng chục lô hàng trong nhiều năm.
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria (SSRC) được cho là đã trả tiền cho Bắc Hàn qua một số công ty ‘bình phong’.
Washington Post tiếp cận báo cáo do ban chuyên gia Liên Hiệp Quốc biên soạn, đánh giá về mức độ Bắc Hàn tuân thủ các nghị quyết của tổ chức này.
Trong báo cáo hồi tháng 9/2017 đã được công bố, ban chuyên gia cho biết họ đang “điều tra ghi nhận về việc hợp tác về vũ khí hóa học bị cấm, tên lửa đạn đạo và vũ khí thông thường” giữa Syria và Bắc Hàn.
Báo cáo cho hay hai quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã chặn các chuyến hàng trên đường đến Syria và lô hàng bị nghi là do Bắc Hàn xuất khẩu theo hợp đồng với các công ty ‘bình phong’ đại diện cho SSRC.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric không cho biết liệu báo cáo bị rò rỉ này có được công bố hay không, nhưng người này nói với tờ New York Times: “Tôi nghĩ rằng thông điệp chính là tất cả các quốc gia thành viên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ các lệnh trừng phạt đang có hiệu lực”.
Chính phủ Syria được ghi nhận nói với ủy ban Liên Hiệp Quốc rằng sự hiện diện của Bắc Hàn tại Syria chỉ là các huấn luyện viên và vận động viên.
Syria đã ký kết Công ước về Vũ khí hóa học và đồng ý tiêu hủy kho vũ khí hóa học vào năm 2013 sau vụ tấn công bằng sarin giết chết hàng trăm người ở Ghouta.

Lewinsky:

Vụ bê bối Clinton là một ‘lạm dụng quyền lực’

Monica Lewinsky, cựu thực tập viên Nhà Trắng, người có quan hệ với cựu tổng thống Bill Clinton, cho biết đó là một “lạm dụng quyền lực” về phía ông.
Cô Lewinsky lúc đó 22 tuổi khi dính dáng vào mối quan hệ lãng mạn với vị Tổng thống hơn cô 27 tuổi.
Lewinsky vừa viết một bài tiểu luận cho tạp chí Vanity Fair, phản ánh về các sự kiện sau khi phong trào #MeToo.
Lewinsky cũng tiết lộ rằng cô đã bị chẩn đoán với hậu chấn thương tâm lý (PTSD) sau vụ bê bối.
Tình trạng này là do “bị công khai phê phán và tẩy chay” khi quan hệ tình cảm bị báo chí bàn tán trong truyền thông và ở tòa.
Tin tức về mối quan hệ của họ thống trị các chương trình tin tức của Mỹ vào năm 1998 và 1999, sau khi Tổng thống Bill Clinton bác bỏ quan hệ đó trước khi thú nhận là có “liên hệ thân mật không đúng đắn” với cựu thực tập viên Nhà Trắng.
Các dân biểu Hạ viện đảng Cộng hòa sau đó khởi sự tố tụng hình sự đối với Tổng thống, lập luận rằng ông đã nói dối các nhà điều tra liên bang. Nỗ lực đó cuối cùng thất bại, và ông Clinton nắm quyền cho đến năm 2001.
Trong bài tiểu luận, bà Lewinsky, 44 tuổi, nói rằng bà vẫn xác nhận lời khai năm 2014 rằng mối quan hệ của họ có sự đồng thuận, nhưng trầm ngâm về “sự khác biệt quyền lực to lớn” tồn tại giữa hai người.
Bà Lewinsky nói rằng vào thời điểm bà có ”hiểu biết hạn hẹp về hậu quả” và hối tiếc về quan hệ này mỗi ngày.
“Từ điển định nghĩa “sự chấp thuận là gì? “Để cho phép điều gì đó xảy ra,” bà viết.
“Và điều gì đó có ý nghĩa gì trong trường hợp này, với tương quan quyền lực giữa vị trí của ông ấy, và tuổi tác của tôi? … Ông ấy là sếp của tôi, ông ấy là người có quyền lực nhất trên hành tinh này. Ông ấy lớn hơn tôi 27 tuổi, với đủ kinh nghiệm cuộc sống để hiểu rõ hơn. “
Kể từ khi tái xuất hiện trước công chúng vào năm 2014, bà Lewinsky đã thường xuyên lên tiếng công khai chống lại ức hiệp trực tuyến, tự gọi mình là “bệnh nhân zero” về xu hướng Internet.
Phong trào #MeToo
Trong bài tiểu luận nói trên, Lewinsky cũng thảo luận về phong trào công khai chống lại quấy rối tình dục và hành hung ngày càng phát triển của phụ nữ.
Cô viết rằng đã rơi nước mắt sau khi được một trong những nhà lãnh đạo của phong trào #MeToo liên lạc, bày tỏ sự cảm thông rằng cô Lewinsky đã “quá đơn độc” trong suốt sự việc.
Lewinsky viết: “Cách cô lập là một công cụ mạnh mẽ đối với người chinh phục, và tôi không tin rằng nếu chuyện này xẩy ra hôm nay tôi sẽ thấy cô độc.
“Có một số người cảm thấy những kinh nghiệm tại Nhà Trắng của tôi không có chỗ trong phong trào này, vì những gì xảy ra giữa Bill Clinton và bản thân tôi không phải là hành hung tình dục, mặc dù bây giờ chúng ta nhận ra rằng đó là một sự lạm dụng quyền lực”.

Hàn Quốc than phiền với Đại sứ Trung Quốc

về việc máy bay quân sự bay vào không phận Hàn Quốc

Hàn Quốc đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Seoul vào thứ ba 27 tháng 2 để khiếu nại việc một máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào không phận của Hàn Quốc và đây là vụ việc thứ hai diễn ra trong năm. Hãng tin Reuters loan tin hôm 28 tháng 02
Máy bay của Trung Quốc đã bay hơn bốn giờ trong khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) vào thứ ba, khiến nước này phải cho nhiều máy bay chiến đấu theo sát, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói với Reuters.
Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc được báo biết chiếc phi cơ bay vào không phận Hàn Quốc và yêu cầu đưa ra cam ket sẽ ngăn chặn không để xảy ra những trường hợp tương tự. Ba quan chức khác của Trung Quốc đang có mặt tại Hàn Quốc cũng đã được triệu tập tới Bộ Quốc phòng vào sáng cùng ngày liên quan đến vụ việc xảy ra gần hòn đảo Ulleungdo ngoài khơi bờ biển phía đông của Hàn Quốc.
Giới chức Trung Quốc nói với quân đội Hàn Quốc rằng hoạt động máy bay này là một phần của các bài tập quân sự thường xuyên . Phát biểu tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng việc Trung Quốc đưa một máy bay huấn luyện vào “khu vực có liên quan” hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Một máy bay quân sự khác của Trung Quốc cũng đã bay vào KADIZ vào ngày 29 tháng Giêng, vừa qua. Trước đó vào năm 2017, hai trường hợp tương tự đã xảy ra.

Bắc Kinh sẽ mạnh tay hơn với Đài Loan

nếu Tập Cận Bình nắm quyền lâu dài

Bắc Kinh, Trung Cộng. (Reuters) – Đài Loan lo ngại nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với áp lực nhiều hơn từ Bắc Kinh, một khi Trung Cộng đổi hiến pháp để cho phép Chủ Tịch Tập Cận Bình nắm quyền vô thời hạn.
Các nhà phân tích đã cảnh báo như vậy hôm Thứ Ba 27 tháng 2. Trong giai đoạn trước mắt, ông Tập có thể sẽ không thúc đẩy nỗ lực tìm cách thu hồi Đài Loan, do cần giải quyết các vấn đề nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyên rằng, Đài Loan cần chuẩn bị cho tình huống Bắc Kinh sẽ mạnh tay hơn để sát nhập hòn đảo này. Ông Chao Chien-min, trưởng khoa Khoa học xã hội tại Đại học Văn hóa Trung Cộng tại Đài Bắc, cho rằng một khi ông Tập hoàn thành thâu tóm quyền lực, ông sẽ đẩy mạnh chính sách hợp nhất Đài Loan, vì đã có sự ủng hộ mạnh hơn từ giới cầm quyền.
Ông Chang Wu-ueh, giáo sư tại Viện nghiên cứu Trung Cộng ở Đại học Tamkang, Đài Bắc, dự đoán ông Tập có thể sẽ cầm quyền ít nhất thêm 1 thập niên nữa, và trong 10 năm tới, Đài Loan sẽ đối mặt với một Bắc Kinh cứng rắn hơn. Ít có khả năng ông Tập sẽ duy trì tình hình hiện tại trên eo biển Đài Loan, mà sẽ kêu gọi hợp nhất lãnh thổ, nhằm đạt tham vọng phục hưng quốc gia.
Theo các chuyên gia, hiện tại, một khi Tổng Thống Thái Anh Văn vẫn chưa tuyên bố độc lập, ông Tập Cận Bình sẽ không vội vã đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể sẽ chiêu dụ giới trẻ Đài Loan, bằng cách mời họ tham gia trao đổi giáo dục, văn hóa, và hỗ trợ kinh tế cho những ai muốn hợp tác với đại lục. (Ngô Bảo)

Jared Kushner bị mất quyền tham dự

các buổi báo cáo về tình báo

Washington DC. (Reuters) – Theo hai nguồn tin xin giấu tên của Reuters, Jared Kushner – con rể của Tổng Thống Trump, đồng thời cũng là cố vấn cao cấp  Tòa Bạch Ốc- bị mất quyền tham dự các buổi báo cáo về tình báo quan trọng nhất, tức là “the President’s Daily Brief”, khi Tòa Bạch Ốc bắt đầu áp đặt kỷ luật chặt chẽ hơn cho việc tiếp cận tài liệu bí mật quốc gia.
Ông Kushner là người hoạt động dưới sự kiểm tra an ninh tạm thời trong khoảng một năm, được tham dự các họp báo mang tính bí mật cao trong vài tuần qua. Nguồn tin thứ ba cũng xin giấu tên, cho biết gần đây Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Rod Rosenstein chuyển một số thông tin mới cho Luật Sư Don McGahn của Tòa Bạch Ốc, dẫn tới việc làm chậm lại hoặc ngưng việc kiểm tra an ninh cho ông Kushner. Theo Reuters, bản chất của thông tin đó không rõ ràng lắm. Hiện thời cũng chưa rõ liệu việc ông Kushner được phép truy cập tài liệu bí mật có được hồi phục hay không, nếu được thì khi nào sẽ tiếp tục.
Ông Kushner là một thương gia giàu có ở New York, kết hôn với ái nữ Ivanka của tổng thống, không nhận được sự kiểm tra an ninh toàn diện vì những liên kết tài chính quá mở rộng của ông, cần mất nhiều thời gian để kiểm tra.
Theo Reuters, ông Kushner sửa đổi mẫu đơn xin kiểm tra an ninh nhiều lần.
Phát ngôn viên của ông Kushner tại Tòa Bạch Ốc không đưa ra bất cứ bình luận nào. Tổng thống Trump cũng phớt lờ mọi câu hỏi của phóng viên về tình trạng của con rể Kushner. (Mai Đức)

Campuchia “sốc” vì Mỹ “khinh thường”, cắt viện trợ

Campuchia hôm 28/2 nói nước này buồn và sốc vì quyết định “khinh thường” của Hoa Kỳ về hạn chế các chương trình viện trợ do cảm nhận có những bước lùi về dân chủ ở Campuchia. Cùng lúc, Phnopenh cũng bênh vực hồ sơ dân chủ của mình.
Tòa Bạch Ốc hôm 27/2 cho biết họ đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ của Bộ Tài chính, USAID và quân đội dành cho các cơ quan thuế, quân đội và chính quyền địa phương của Campuchia – mà Tòa Bạch Ốc quy là do sự bất ổn gần đây.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nói với Reuters hôm 28/2 rằng “Dù buồn và sốc vì quyết định của nước bạn về trợ giúp phát triển, Campuchia kiêu hãnh duy trì và tiếp tục phát triển dân chủ một cách nhiệt tình”.
Ông Phay Siphan gọi việc cắt giảm viện trợ là “khinh thường” và “gian trá” trong lúc nước ông xây dựng dân chủ.
“Dân chủ thuộc về nhân dân chứ không thuộc về đảng phái đã bị giải thể”, ông nói.
Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập đã bị giải thể hồi tháng 11 năm ngoái.
Phát ngôn viên Phay Siphan nói thêm: “Campuchia đã có kinh nghiệm cay đắng về can thiệp của Hoa Kỳ và các nước phương Tây, họ đã cố thiết lập dân chủ trong giai đoạn 1970-1975, và đã thất bại”.
Thủ tướng Hun Sen chưa bao giờ tha thứ cho Hoa Kỳ vì đã ném bom vào Campuchia trong chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.
Tòa Bạch Ốc cho biết Washington đã chi hơn 1 tỉ đôla để trợ giúp Campuchia; trong thời gian tới, trợ giúp trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và rà phá bom mìn sẽ vẫn tiếp tục.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ:

Nên kiểm soát lý lịch, không nên cấm súng

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ hôm thứ Ba cho biết họ sẽ không trang bị vũ khí cho giáo viên và cũng không nâng độ tuổi tối thiểu cho phép mua súng trường bán tự động, một dấu hiệu cho thấy hai đề xuất của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không tiến xa trong Quốc hội sau một vụ xả súng trường học gây chết người ở Florida.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng các nhà lập pháp Cộng hòa đang tập trung vào việc cải thiện kiểm tra lí lịch người mua súng tiềm năng nhưng không mặn mà với việc ngăn chặn người Mỹ sở hữu một số loại vũ khí nhất định – một ý tưởng bị phản đối kịch liệt bởi Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), tổ chức chuyên vận động cho quyền sở hữu súng.
“Chúng ta không nên cấm công dân tuân thủ luật pháp được sở hữu súng,” ông Ryan nói trong một cuộc họp báo. “Chúng ta nên tập trung vào việc bảo đảm rằng những công dân không nên có súng ngay từ đầu không có được chúng.”
Cuộc tranh luận sôi sục từ lâu về luật súng ống lại được khơi dậy sau vụ thảm sát ngày 14 tháng 2 làm 17 người thiệt mạng tại trường trung học phổ thông Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, một vùng vùng ngoại ô giàu có của thành phố Fort Lauderdale.
Kể từ đó, ông Trump đã đề xuất một loạt các ý tưởng để ngăn các vụ xả súng tương tự, từ công tác cải thiện chữa trị sức khỏe tâm thần cho tới cấm “bump stock,” một thiết bị cho phép súng bán tự động nã hàng trăm phát đạn trong một phút.
Ông Trump được NRA công khai ủng hộ trong cuộc bầu cử năm 2016 và kể từ khi nhậm chức đã thực hiện một số bước để làm suy yếu luật kiểm soát súng.
Ông Ryan nói Hạ viện có phần chắc sẽ không có hành động về hai đề xuất gây tranh cãi của ông Trump. Một là cho giáo viên mang vũ khí vào lớp học và hai là nâng độ tuổi tối thiểu được phép mua súng trường tấn công kiểu quân đội từ 18 lên 21 tuổi.
Chính quyền cấp bang và cấp địa phương nên được phép quyết định liệu có nên trang bị súng cho giáo viên hay không, ông Ryan nói.
14 học sinh và 3 giáo viên tử vong ở Florida đã bị bắn bằng một khẩu súng trường tấn công bán tự động AR-15. Nhà chức trách nói tay súng bị buộc tội, Nikolas Cruz, mua nó vào năm ngoái khi anh ta 18 tuổi.

“Sự nguy hiểm khi lãng quên:

Chủ nghĩa Cộng sản là thứ phản tiến bộ”

Những thông tin sai lầm về chủ nghĩa cộng sản khiến cho chủ nghĩa này vẫn còn sức thu hút một cách nguy hiểm, theo nhận xét của bà Romina Bandura, một chuyên gia của CSIS:
“Thứ nhất, 26% dân số và 32% những người trẻ trong độ tuổi 18 đến 34 (sinh trong khoảng đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000) cho là có nhiều người bị giết dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush hơn dưới thời nhà độc tài Nga Joseph Stalin. Thứ hai, gần 70% người Mỹ và gần 60% thế hệ những người tuổi từ 16 đến 20 tin một cách sai lầm là nhiều người bị giết bởi Hitler hơn là bởi Stalin. Và thứ ba, nhiều người trẻ trong độ tuổi 18 đến 34 không biết các nhân vật lãnh đạo của cộng sản: 42% biết về Mao trạch Đông, 40% biết đến Che Guevara, 18% biết Stalin, 33% biết đến Lenin mà trong số này có 25% có quan điểm thuận lợi đối với Lenin.”
Ngoài ra, vẫn theo chuyên gia nghiên cứu Romina Bandura, còn có một số nguyên nhân khác khiến chủ nghĩa Cộng sản vẫn còn vị trí, trong đó phải kể đến thực trạng giới trẻ thiếu nhận thức về sự khủng khiếp, sự lừa gạt, dối trá của chủ nghĩa cộng sản. Lịch sử bị bóp méo cũng là điều đáng nói khi mà học sinh, sinh viên thường không được giảng dạy về sự ác độc, giết chóc và khủng bố của chủ nghĩa cộng sản. Thứ đến, vẫn còn một số người nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng tốt đẹp, và theo họ, vấn đề nằm ở chỗ thực thi chủ nghĩa này chưa đúng mà thôi. Chủ nghĩa cộng sản cũng bị lầm tưởng là một lựa chọn tốt hơn trong mắt những ai không hài lòng với kinh tế thị trường.
Trong 100 triệu người chết vì Cộng sản trên thế giới, chiếm phần lớn là ở Trung Quốc: 65 triệu nạn nhân. Kế đến là 20 triệu nạn nhân chết vì cộng sản Liên Xô. Tại Campuchea và Triều Tiên, mỗi nơi có 2 triệu nạn nhân. Số tử vong vì cộng sản ở Châu Phi là 1,7 triệu; tại Afghanistan là 1,5 triệu. Số nạn nhân chết vì cộng sản Việt Nam là 1 triệu người. Cộng sản Đông Âu cướp đi mạng sống của 1 triệu người. Cộng sản ở Châu Mỹ Latin chịu trách nhiệm 150 ngàn sinh mạng bị bức tử.
Đáp câu hỏi con số 1 triệu nạn nhân của cộng sản Việt Nam bao gồm những ai, ông Marion Smith, giám đốc điều hành Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, một diễn giả tại buổi hội thảo, đáp:
“Số này bao gồm những thiệt hại về thường dân trong chiến tranh Việt Nam, những người tù cải tạo…”
Ngoài những hậu quả tai hại đối với kinh tế và xã hội, các chuyên gia tại buổi hội thảo của CSIS cũng cho rằng chủ nghĩa cộng sản còn làm tổn hại đến môi trường nữa.
Ông Marion Smith giải thích:
“Tại Trung Âu, một trong những phong trào phản kháng sớm nhất bắt đầu với một số tổ chức môi trường biểu tình chống lại một số dự án của nhà nước làm tổn hại môi trường địa phương, như nguồn nước, đất đai, cảnh sắc thiên nhiên.”
Trả lời câu hỏi có phải chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc hay Việt Nam chẳng hạn đã tiến hóa thích nghi với tình hình để sống còn hay không. Ông Smith nói:
“Đảng Cộng sản đã học được những bài học của thế kỷ 20 hơn chúng ta học được về thế kỷ 20. Chúng ta phải hiểu rõ, công việc của chúng ta là làm thế nào chế ngự và hạn chế đảng cộng sản trên sân khấu thế giới. Nếu chúng ta hiểu được, chúng ta đã chế ngự được ảnh hưởng của cộng sản trong 20 năm qua tại châu Á cũng như chúng ta hạn chế được hoạt động của Cuba tại Venezuela trong 3, 4 năm qua. Do đó chúng ta chắn chắn là phải học những bài học lịch sử. Cộng sản Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Nước này đã sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho một chế độ độc tài, nhà nước kiểm soát. Thành thử, truyền thông xã hội và công nghệ thông tin không mang lại một xã hội cởi mở, và chủ nghĩa cộng sản hiện nay tinh khôn hơn.”
Một diễn giả khác tại buổi hội thảo, cô Laura M. Nicolae, hiện là sinh viên trường đại học Havard, con gái của một người tị nạn trốn khỏi chế độ cộng sản Romania, chia sẻ sự khó khăn của việc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài khi phải sống trong một chế độ độc tài cộng sản:
“Cha mẹ tôi trưởng thành trong chế độ cộng sản Romania với những hạn chế sách vở và các nguồn thông tin khác đến từ các nước phương Tây, nên không biết đời sống bên ngoài chế độ cộng sản như thế nào.”
Cô Nicolae cho rằng đối với giới trẻ sống trong thế giới tự do, việc giáo dục nhất thiết phải vừa lý thuyết vừa thực tế để họ khỏi bị chủ nghĩa cộng sản chiêu dụ. Cô khuyến nghị:
“Khi giáo dục giới trẻ thì phải nói thật rõ về chủ nghĩa cộng sản, không làm sai lạc nhưng nhấn mạnh đến hậu quả thực tế của chủ nghĩa này, sự mất mát về sinh mạng do chủ nghĩa cộng sản gây ra.”
“Điều tuyệt đối cần thiết là trong thế kỷ 21 này, Hoa Kỳ phải tiếp tục đại diện cho tự do và chúng ta phải quy tránh nhiệm cho chế độ cộng sản trong cách đối xử với người dân hay cách họ phá hoại mậu dịch quốc tế và giá trị của thế giới tự do,” giám đốc điều hành Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, Marion Smith, kêu gọi.

Tổng thống Trump đặt mua hai chiếc Air Force One

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đạt một thỏa thuận đặt mua hai chiếc chuyên cơ Air Force One mới trị giá tới 3,9 tỷ đôla với Boeing, Nhà Trắng thông báo hôm 27/2.
Phó thư ký báo chí Hogan Gidley cho hãng tin Reuters biết: “Tổng thống Trump đã đạt thỏa thuận không chính thức với Boeing về hợp đồng mua Air Force One mới với giá cố định”.
Ông nói thêm rằng hợp đồng này sẽ tiết kiệm cho người đóng thuế Hoa Kỳ hơn 1,4 tỷ đôla, nhưng Reuters đưa tin rằng con số này không thể được kiểm chứng độc lập.
“Ông chủ” Nhà Trắng từng nói rằng giá thành của Boeing để sản xuất máy bay thay thế cho Air Force One, một biểu tượng của tổng thống Mỹ, quá cao, đồng thời kêu gọi chính phủ liên bang “hủy hợp đồng”.
Tổng thống Trump đã đàm phán một hợp đồng tốt đẹp thay cho người dân Mỹ.
Thông cáo của Boeing.
Máy bay Boeing 747-8 được thiết kế làm Nhà Trắng “bay” và có thể vượt qua những tình thế tồi tệ nhất như chiến tranh hạt nhân, đồng thời được trang bị hệ thống điện tử quân sự, thiết bị liên lạc tiên tiến và hệ thống phòng không.
“Tổng thống Trump đã đàm phán một hợp đồng tốt đẹp thay cho người dân Mỹ”, Boeing nói trong thông cáo.
Nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ này nói rằng thỏa thuận bao gồm việc phát triển và xây dựng hai chiếc máy bay với các hạng mục độc nhất vô nhị như gói thiết bị liên lạc, cầu thang và các thiết bị khác.

TT Trump chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020

Tổng thống Donald Trump vừa chỉ định cựu cố vấn kỹ thuật số Brad Parscale vào chức Quản lý chiến dịch tranh cử để chuẩn bị tái tranh cử vào năm 2020.
Một thông báo chính thức mô tả ông Parscale như là một “tài năng xuất chúng, được mời chọn dựa trên bề dày thành tích.”
Trang Drudge Report, một trang mạng theo khuynh hướng bảo thủ, là trang đầu tiên đưa tin về việc chỉ định ông Parscale.
Ông Trump từng nói rằng ông có kế hoạch tái tranh cử tổng thống cho nhiệm kỳ thứ hai.
Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói: “Tất nhiên, ông [Trump] sẽ tái tranh cử.”

TQ có kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân

Trung Quốc đang phát triển các công nghệ để đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, truyền thông nhà nước đưa tin hôm 28/2, vào lúc Bắc Kinh đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng.
Theo Hoàn cầu Thời báo, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu (CSIC) của nhà nước, nhà sản xuất tàu hải quân lớn nhất của Trung Quốc, hôm 27/2 tiết lộ về tham vọng này khi nêu ra danh sách các tiến bộ kỹ thuật mà tập đoàn hy vọng sẽ đạt được trong khuôn khổ công cuộc nâng cấp vũ khí cho hải quân Trung Quốc từ nay đến năm 2025.
Thông báo của CSIC dường như đã được chỉnh sửa trên trang web của tập đoàn để xóa phần đề cập đến các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đoạn này được phổ biến rộng rãi trên internet của Trung Quốc.
CSIC đã đóng tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc chế tạo trong nước, hạ thủy hồi tháng 4 năm ngoái và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động năm 2020, sau khi tàu được lắp thiết bị và vũ khí.
Con tàu được thiết kế dựa trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, được mua lại dưới dạng tàu cũ từ Ukraine vào năm 1998.
CSIC cũng cho biết họ đang làm việc về chiếc tàu thứ ba, sẽ được thiết kế, đóng và trang bị hoàn toàn bằng công nghệ riêng của tập đoàn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia nói rằng nước này cần ít nhất sáu tàu sân bay, một nỗ lực có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ.

ĐCSTQ đồng ý cải tổ CP, chưa đưa ra chi tiết

Đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc hôm 28/2 đồng cải tổ sâu các bộ ngành của đảng và chính phủ để cải thiện chức năng của họ và thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao, nhưng đảng không đưa ra chi tiết về việc sắp xếp lại các bộ.
Thông báo sau cuộc họp kín 3 ngày của Ủy ban Trung ương Đảng, công bố qua Tân Hoa Xã, cho biết kế hoạch cải tổ sẽ được đưa ra quốc hội mang tính hình thức. Phiên họp quốc hội sẽ khai mạc hôm 5/3.
Tân Hoa Xã cho hay: “Chuyển đổi các chức năng của chính phủ và tối ưu hóa việc sắp xếp các cơ quan chính phủ cũng như triển khai các chức năng của họ là sứ mệnh quan trọng để tăng cường cải tổ cơ quan đảng và nhà nước”.
Mặc dù thông báo không cung cấp chi tiết về các cơ quan chính phủ nào có thể được sáp nhập, sắp xếp lại hoặc bị loại bỏ, nhưng tuyên bố cho hay họ sẽ tăng cường giám sát thị trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Một đoạn về quốc phòng trong thông báo cho biết đảng sẽ tăng khả năng chiến đấu của quân đội, nhưng cũng không nói cụ thể hơn.
Đảng cũng chấp thuận để các chính quyền địa phương sẽ có nhiều quyền tự quyết hơn, miễn là các quyết định đó tuân theo đường lối của chính quyền trung ương, Tân Hoa Xã nói.

Hàn Quốc: Chế tài không nhằm triệt hạ Triều Tiên

Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên là nhằm gây sức ép buộc quốc gia này phải từ bỏ tham vọng hạt nhân, chứ không phải để triệt hạ đất nước này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuyên bố tại Hội nghị Liên hiệp quốc về giải trừ quân bị hôm 27/2.
Phát biểu tại cùng sự kiện, đặc sứ Triều Tiên nói các biện pháp chế tài là vô hiệu, đồng thời nhấn mạnh rằng kế hoạch của Seoul và Washington muốn nối lại các cuộc tập trận chung sẽ làm tổn hại “tiến bộ tích cực hiện tại trong việc cải thiện quan hệ liên Triều”.
“Bản thân các biện pháp trừng phạt không phải là cứu cánh và không nhằm triệt hạ Triều Tiên mà là để giúp họ hiểu rằng tương lai của họ không nằm ở vũ khí hạt nhân mà ở chỗ hợp tác với cộng đồng toàn cầu hướng tới phi hạt nhân hoá,” ông Kang nói.
“Thông điệp nhất quán của chúng tôi là (Triều Tiên) phải đưa ra quyết định đúng đắn. Và nếu họ làm được như thế, chúng ta sẽ sẵn sàng làm việc cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng và thịnh vượng cho Triều Tiên “, ông Kang phát biểu trước diễn đàn ở Geneva.
Đại sứ Triều Tiên Han Tae Song cáo buộc Hoa Kỳ có “những động thái nguy hiểm” đe dọa mối quan hệ liên Triều đang cải thiện kể từ Thế vận hội Olympic tại Pyeongchang, Hàn Quốc.
“Hoa Kỳ nên biết rằng các biện pháp trừng phạt và áp lực sẽ không bao giờ đe dọa được CHDCND Triều Tiên và không bao giờ có hiệu quả”, ông Han nói.
Ông Han kêu gọi chính quyền Trump “chấm dứt những hành động khiêu khích khiến tình hình thêm căng thẳng, bao gồm việc triển khai khí tài hạt nhân quanh bán đảo Triều Tiên”, cũng như các chương trình tập trận chung mà ông Han nói là đang làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực.
Đại sứ Hoa Kỳ về giải trừ vũ khí Robert Wood phát biểu tại diễn đàn ở Geneva rằng Washington sẽ không bao giờ nhìn nhận Triều Tiên là một quốc gia vũ khí hạt nhân. “Vì vậy, Triều tiên cần phải chấm dứt yêu sách này. Sẽ không có chuyện đó.”
Thay vào đó, vẫn theo lời ông Wood , Triều Tiên phải đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng quốc tế ngưng các chương trình vũ khí bị cấm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Horii Manabu nói các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên là không thể chấp nhận được.
“Chúng ta chớ có mù quáng bởi chiến dịch thu phục của Triều Tiên,” ông Manabu nói, ám chỉ đến sự tham gia của Triều Tiên trong Thế vận hội Mùa đông vừa qua tại Hàn Quốc.

Anh, Nhật hợp sức ngăn Triều Tiên né chế tài

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người tương nhiệm phía Anh, bà Theresa May, đầu tuần này nhất trí hợp tác ngăn chặn các vụ chuyển hàng từ tàu này sang tàu kia hòng tránh các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc về các hoạt động buôn bán với Triều Tiên, theo loan báo từ Bộ Ngoại giao Nhật.
Kể từ cuối tháng 1, Tokyo đã phát hiện ba trường hợp hàng hóa dường như được chuyển từ các tàu đăng ký ở nước ngoài sang các tàu chở dầu của Triều Tiên trên Biển Hoa Đông, vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua vào tháng 9 năm ngoái.
Trong các cuộc điện đàm, ông Abe cũng nói rằng không thể đàm phán “có ý nghĩa” với Triều Tiên mà không dựa trên tiền đề giải trừ hạt nhân Bán đảo Triều Tiên.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục gây áp lực tối đa lên Triều Tiên để họ từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, theo Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Anh cho biết bà hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Abe và bày tỏ sự sẵn lòng hợp tác với Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Anh nói.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm một ngày sau khi Triều Tiên chứng tỏ – trong một cuộc họp cao cấp với Hàn Quốc bên lề Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang – rằng họ sẵn lòng tổ chức đàm phán với Mỹ.

Trung Quốc chiêu dụ nhân tài nước ngoài

đến Trung Quan Thôn

Khu công nghệ Trung Quan Thôn ở Bắc Kinh, một trung tâm lớn về trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn của Trung Quốc giống như Thung lũng Silicon của Mỹ, đang chào mời các tài năng nước ngoài với việc tung ra một danh sách các ưu đãi hấp dẫn, theo hãng tin Reuters.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh hôm 27/2 cho biết các lao động nước ngoài làm việc tại Công viên Khoa học Trung Quan Thôn sẽ được hưởng các điều kiện ưu đãi như thị thực dài hạn, được cấp giấy chứng nhận thường trú dài hạn, tự do du hành và nhiều phúc lợi kinh tế địa phương.
Đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo trước năm 2030, qua mặt cả Châu Âu và Mỹ, Trung Quốc đầu tư gần 150 tỷ đôla cho ngành công nghệ này. Ngoài ra, Trung Quốc còn thành lập nhiều trung tâm cao để phát triển các ngành như trí tuệ nhân tạo, người máy, và dữ liệu.
Tuy nhiên, ông Liu Minhua, Chủ nhiệm ủy ban bản lý Nhân sự Cấp cao của Đảng ủy Bắc Kinh nói Trung Quan Thôn, hay còn được gọi là Z-Park, vẫn thiếu nhiều nhân tài so với lực lượng nhân sự trình độ cao tại Thung lũng Silicon ở San Francisco.
Ông Liu nói với Reuters bên lề cuộc họp báo: “Z-Park chỉ có hơn 10.000 lao động nước ngoài. Tại Silicon Valley, có đến 1/3 lực lượng lao động là các tài năng công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.”
Mục đích là để thu hút các nhà khoa học hàng đầu và đội ngũ lao động có đầu óc đổi mới đến làm việc tại Bắc Kinh, ông Liu nói thêm.
Z-Park có 10 văn phòng liên lạc ở nước ngoài được thành lập để thu hút các tài năng công nghệ ở các nước như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và Phần Lan.
Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã vào tháng 9 năm ngoái, Z-Park đã cấp quy chế thường trú nhân cho 258 người nước ngoài từ năm 2016.
Năm 2017, Bắc Kinh đã xử lý tổng cộng 662 đơn xin việc người nước ngoài muốn được hưởng quy chế thường trú dài hạn theo một chương trình thu hút tài năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa đến công nghệ.
Chính quyền Bắc Kinh cho biết trong tương lai họ sẽ cho phép các chuyên gia nước ngoài mang theo người giúp việc đến phục vụ cho các nhân tài tại Trung Quan Thôn.

Nhật Bản tăng cường hệ thống trên biển

để đối phó với Trung Quốc

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo vào hôm qua, 27/02/2018, tiếp theo kế hoạch lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm trên đảo nhỏ Miyako, chính quyền Tokyo đã nghĩ đến việc triển khai một hệ thống tương tự trên đảo chính ở tỉnh Okinawa. Theo giới phân tích, mục tiêu mà Tokyo không nói ra chính là củng cố hệ thống phòng thủ của mình để sẵn sàng đối phó với tham vọng trên biển ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.
Kế hoạch phòng thủ vùng quần đảo phía tây nam nước Nhật đã được Tokyo bắt đầu thực hiện, với việc triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm lên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa, để tăng sức phòng thủ tại các hòn đảo xa xôi ở khu vực tây nam.
Thế nhưng, chính quyền Nhật Bản cũng thấy rằng Okinawa, đảo lớn nhất của tỉnh Okinawa, cũng cần được trang bị một đơn vị tên lửa khác, trong bối cảnh tàu Hải Quân của Trung Quốc thường xuyên qua lại khu vực eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa.
Tên lửa bố trí trên các đảo này là loại hỏa tiễn địa đối hạm Type-12 của Lục Quân Nhật Bản có tầm bắn hơn 100 km. Theo tính toán của Tokyo, mục tiêu của công cuộc triển khai lực lượng này là nhằm kiểm soát được toàn bộ khu vực eo biển Miyako.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, vấn đề dự phòng bất trắc tại vùng eo biển Miyako càng lúc càng được đặt ra một cách gay gắt hơn cho chính quyền Nhật Bản, vì lẽ chiến hạm Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, nhưng Tokyo vẫn luôn cảnh giác trước các hoạt động của tàu Trung Quốc.
Đề phòng Trung Quốc cũng là nguyên do thúc đẩy bộ Quốc Phòng Nhật Bản triển khai các đơn vị điều hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima, ở tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki ở Okinawa. Các đảo Miyako và Ishigaki cách không xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Từ nhiều năm nay, tàu công vụ Trung Quốc cũng thường xuyên thâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo này, được cho là để thách thức Nhật Bản.
Song song với việc bố trí tên lửa trên các đảo xa, Nhật Bản cũng đã nghĩ đến việc trang bị hàng không mẫu hạm cho quân đội của mình. Từ khi Tokyo đưa loại khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của họ vào hoạt động, mọi người đều cho rằng thực ra loại tàu đó chỉ mang danh nghĩa là khu trục hạm, chứ trong thực tế, đó là những chiếc tàu sân bay trá hình.
Cho đến gần đây, chính quyền Nhật Bản luôn bác bỏ lập luận cho rằng lớp tàu Izumo có thể biến thành hàng không mẫu hạm, thế nhưng, vào hôm qua 28/02/2018, một số quan chức bộ Quốc Phòng Nhật Bản đã công nhận thẳng với báo Asahi Shinbum rằng ngay từ đầu, loại tàu lớp Izumo đã được thiết kế để được cải tiến dễ dàng thành hàng không mẫu hạm, sử dụng loại máy bay hiện đại có khả năng lên thẳng hay cất cánh trên đường bay ngắn, như loại chiến đấu cơ F-35B của Mỹ.
Theo Asahi, việc Hải Quân Trung Quốc ngày càng bành trướng ảnh hưởng không xa lạ gì với tính toán chiến lược kể trên của Tokyo. Các chiến lược gia Nhật Bản đã nhận thấy rằng không thể chỉ dựa vào 3 căn cứ không quân cố định Naha của Nhật, Kadena và Futenma của Mỹ ở Okinawa, vì nếu xẩy ra chiến tranh, các căn cứ này chắc chắn là mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc.
Trong tình hình đó, việc sở hữu những căn cứ nổi như tàu sân bay sẽ trở thành cần thiết, nhất là khi các chiếc tàu này sẽ cho phép Tokyo đưa hỏa lực hùng hậu đến sát vùng Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc nhòm ngó.
Nhìn chung, khi giải thích về nhu cầu tăng cường quốc phòng, chính quyền Tokyo thường viện dẫn mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Nhưng phải nói là nhân tố Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào tiến trình gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản.

Afghanistan :

Nga “lấy độc trị độc”, dùng Taliban chống Daech

Nếu lực lượng Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo liên minh với nhau tại Afghanistan ? Kịch bản đó sẽ là một cơn ác mộng đối với Matxcơva, vốn từ lâu nay luôn tìm cách thuyết phục chính quyền Kabul và lực lượng Taliban đối thoại.
Để hiểu hơn về chiến lược của điện Kremlin ở Afghanistan, không nên chỉ quan tâm đến lịch sử đáng hổ thẹn về cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan trong những năm 1980. Bởi vì trước và sau cuộc chiến đó, Matxcơva luôn có một vai trò nhất định tại quốc gia này. Các lãnh đạo Afghanistan sau thời tổng thống Hamid Karzai đều đã hiểu và mong muốn Matxcơva đóng vai trò đó.
Trên đây là nhận định của Didier Chaudet trong bài viết « Tại sao Nga chơi trò lấy Taliban chống Daech ? » đăng trên trang mạng về châu Á Asialyst ngày 22/02/2018. Didier Chaudet là một nhà tư vấn độc lập, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị và an ninh tại Tây Nam Á (Iran, Pakistan, Afghanistan) và khu vực Trung Á thời hậu Xô Viết. Didier Chaudet hợp tác giảng dạy và nghiên cứu, làm việc với nhiều tổ chức tư vấn và viện nghiên cứu về Trung Á, Tây Nam Á. RFI xin lược dịch nội dung bài viết của nhà nghiên cứu Didier Chaudet.
Zamir Kabulov là đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine tại Afghanistan. Ngày 31/12/2016, Kabulov đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu về quan điểm của điện Kremlin về Taliban. Zabulov nhận định Taliban chỉ chủ trương hoạt động trong nước, không bị cuốn theo trào lưu cực đoan xuyên quốc gia.
Theo chuyên gia Didier Chaudet, nếu cái nhìn của Nga về tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo còn nhiều điều cần thảo luận, những phân tích của đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine tại Afghanistan khá đúng : trong những năm qua, Taliban đã tránh xa mục tiêu, đường hướng của các nhóm như Al Qaida hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Cái chết của thủ lĩnh tối cao Mullah Omar của Taliban đã dẫn đến sự chia rẽ trong nội bộ của tổ chức này, nhưng như cộng đồng quốc tế quan sát, Taliban hiện nay vẫn rất mạnh.
Cả Matxcơva và Washington đều hiểu rằng những gì đang xảy ra ở Afghanistan trong hiện tại chắc chắn sẽ thay đổi trong tương lai. Tạm thời, hiềm khích giữa Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo là một yếu tố then chốt trên chiến trường Afghanistan. Nhưng theo một số nguồn tin mà phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban luôn phủ nhận, Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã hợp tác với nhau trong vụ tấn công làng Mirzawalang của người Hồi Giáo theo dòng Shia vào ngày 05/08/2017.
Sự hợp tác này, dù chưa được xác thực, nhưng cho chúng ta thấy nếu chiến tranh tiếp diễn, một kịch bản tồi tệ cho cả Afghanistan và cộng đồng quốc tế rất có thể sẽ xảy ra. Đó là Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ hòa giải, hoặc Taliban ngày càng cực đoan và trở thành một tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Afghanistan. Sự hợp tác giữa Taliban và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong vụ tấn công làng Mirzawalang, dù mới chỉ là phỏng đoán, cũng đủ khiến Matxcơva phải lo ngại.
Trên bình diện an ninh, nếu đối thoại chính trị giữa Kabul và Taliban diễn ra theo đúng mong muốn của điện Kremlin, rất có thể Afghanistan và các quốc gia trong khu vực sẽ tránh được một thảm kịch an ninh về lâu dài. Cách nhìn nhận của Nga về tình hình Afghanistan cũng dựa trên quan điểm ngoại giao và địa chính trị của Matxcơva. Điều kiện tiên quyết để Taliban phối hợp với chính quyền duy trì hòa bình từ lâu nay vẫn là Mỹ phải rút toàn bộ quân ra khỏi lãnh thổ Afghanistan.
Đó cũng chính là mong muốn của Nga. Điện Kremlin đã thể hiện rõ ràng mong muốn đó sau khi Washington và Kabul ký hiệp ước an ninh song phương hồi tháng 09/2014 cho phép duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Afghanistan. Theo đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine, các căn cứ quân sự của Mỹ được triển khai sau hiệp ước an ninh nói trên cho thấy Mỹ muốn chống lại ảnh hưởng của Nga trong khu vực Trung Đông, cũng giống như việc Mỹ muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á. Và tình trạng hỗn độn tại Afghanistan phần nào là hệ quả của sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga.
Việc thành lập nhóm GCQ hồi tháng 01/2016 cũng góp phần chứng minh sự lo ngại của Nga là hoàn toàn có cơ cở. GCQ là nhóm gồm Mỹ, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan nhằm tìm kiếm tiến trình hòa bình giữa Kabul và Taliban. Việc « hất cẳng » Nga ra khỏi cuộc chơi là sự phủ nhận vài trò và sự đóng góp của Matxcơva trong hồ sơ Afghanistan. Điều này đương nhiên không làm Nga hài lòng.
Đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Poutine khi đó chỉ trích nhóm GCQ hoạt động không hiệu quả và thông báo điện Kremlin muốn thành lập một nhóm mới có tính đến lợi ích của tất cả các nước có liên quan trực tiếp, đương nhiên trong đó có Nga. Vào tháng 12/2016, cuộc thảo luận thứ ba của nhóm ba nước Nga, Trung Quốc và Pakistan về tình hình Afghanistan gợi nhắc rằng « hòn đá tảng » trong chính sách của Nga sau năm 2011 ở Afghanistan là mong muốn có được ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này.
Điều này chắc chẳng làm ai ngạc nhiên. Không nên nhìn nhận quan hệ Nga-Afghanistan chỉ đơn thuần qua cuộc xâm lược của Liên Xô từ năm 1979 và qua thất bại cay đắng của Matxcơva khi phải rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989. Bởi vì trước và sau giai đoạn xâm lược đó, bằng cách này hay cách khác, quốc tế vẫn cảm nhận được ảnh hưởng của điện Kremlin đối với Afghanistan. Người ta có thể nghĩ tới « cuộc chơi » mà ở đó Nga và Anh Quốc đối đầu nhau trong thế kỷ XX.
Người ta cũng có thể nghĩ tới sự ủng hộ của Liên Xô dành cho vua Amanullah Khan, vị vua theo chủ trương cải cách hồi những năm 1920, hoặc tới sự phát triển mạnh mẽ ảnh hưởng của Liên Xô tại Afghanistan vào những năm 1950-1960, rồi sau đó là giai đoạn Cộng Sản ở Afghanistan, hay việc Nga tiếp tục can dự vào tình hình nước này gián tiếp qua việc ủng hộ Taliban.
Sau khi Taliban suy yếu, Matxcơva đã hành động để hỗ trợ chính phủ mới tại Afghanistan tái thiết và ổn định lại đất nước. Trong giai đoạn 2002-2005, Nga đã hỗ trợ Kabul từ quân sự đến kỹ thuật. Năm 2007, Matxcơva đã xóa cho Afghanistan 90% khoản nợ từ thời Liên Xô, tương đương 11,1 tỉ đô la. Đây là bước ngoặt quan trọng trong quan hệ song phương, cho phép trao đổi kinh tế giữa hai nước phục hồi. Liên quan tới các dự án tái thiết Afghanistan, Matxcơva đã chủ động cử chuyên gia sang khảo sát để sửa chữa các công trình xây dựng từ thời Liên Xô tại nước này.
Chúng ta đều biết rằng, từ thời đó, Nga đã có liên hệ với Taliban. Bằng chứng là Matxcơva không hề muốn thấy Mỹ chế ngự được tiến trình hòa giải chính trị tại Afghanistan. Vào năm 2009, Nga cũng thừa nhận rằng một cuộc đối thoại với một số nhân vật của Taliban là cần thiết để tái thiết đất nước Afghanistan.
Mặc dù trên thực tế, Mỹ đã khẳng định được vị thế tại Kabul, nhưng Matxcơva luôn cho thấy họ rất quan tâm tới Afghanistan. Chuyến thăm của tổng thống Karzai trong hai ngày 20-21/11/2011, chuyến thăm Nga đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Afghanistan sau hơn 20 năm, cho thấy Kabul đã nhìn nhận sự quan tâm của điện Kremlin. Đó cũng là dịp để tổng thống Karzai tìm kiếm một cường quốc có thể giúp đỡ đất nước của ông sau khi NATO rút quân vào năm 2014.
Chính tổng thống Karzai cũng đã gây rúng động khi tiết lộ là cuộc đột kích nhắm vào các cơ sở bào chế heroine ở miền đông Afghanistan có sự tham gia của hai điệp viên Nga. Nhà nghiên cứu Didier Chaudet kết luận, sự việc trên giúp chúng ta hiểu rằng vai trò của Nga ở Kabul đã thay đổi. Đó không còn là một nước Liên Xô đã từng xâm lược Afghanistan trong những năm 1970, mà Nga một cường quốc, với sức ảnh hưởng lớn, có thể giúp đỡ Afghanistan có được sự ổn định.

Yemen : Mỹ và đồng minh lên án Iran

chuyển vũ khí cho phe nổi dậy Houthi

Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp Đức, trong một thông cáo hôm qua , 27/02/2018, đã lên án Iran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Yemen. Thông cáo công bố một ngày sau khi Nga dùng quyền phủ quyết ngăn chặn một nghị quyết ở Hội Đồng Bảo An lên án Iran.
Trong một báo cáo gần đây, chuyên gia Liên Hiệp Quốc theo dõi việc thi hành lệnh cấm vận đã kết luận là Iran đã không đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc hỏa tiễn và thiết bị bay không người lái do Iran sản xuất đến tay quân nổi dậy Houthi ở Yemen.
Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng nêu trong báo cáo là họ không thể xác nhận ai đã chuyển những vũ khí này, cũng như là chuyển qua những đường nào.
Nhưng đối với Washington và các đồng minh, rõ ràng là Iran đứng sau vụ việc. Đối với Matxcơva, không có bằng chứng nào chỉ rõ là do Iran, nên không thể lên án và mở đường để trừng phạt Teheran.
Thông cáo của Mỹ và các đồng minh hoan nghênh báo cáo các chuyên gia công bố vào ngày 15/02, lên án việc Iran không thực thi cấm vận, và kêu gọi Teheran ngưng ngay các hoạt động đi ngược lệnh của Liên Hiệp Quốc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong vùng.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại là từ mấy tháng qua, Washington đã tìm cách lôi kéo Paris, Luân Đôn và Berlin để cùng Mỹ đưa ra những biện pháp giới hạn ảnh hưởng của Iran trong khu vực và bắt bí Teheran về thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama.

Syria : Mỹ tố Nga là « lính cứu hỏa đốt nhà »

Nước Nga là « yếu tố gây bất ổn định tại Syria » để duy trì ảnh hưởng trong khu vực. Trên đây là nhận định của tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Trung Cận Đông tại Quốc Hội Mỹ trong cuộc điều trần hôm 27/02/2018. Theo tướng Joseph Votel, Matxcơva hoặc phải nhìn nhận là bất lực, không thể đem lại hoà bình, hoặc thừa nhận không muốn chấm dứt chiến tranh : thay vì cứu hỏa, Matxcơva lại kích động hận thù giữa chính quyền Damas, Ankara và lực lượng Kurdistan-Syria.
Trên chiến trường, quân đội Syria tiếp tục tấn công, bất chấp nghị quyết hưu chiến.
Thông tín viên Paul Khalifeh trong khu vực tường thuật :
“Các trận đụng độ dữ dội diễn ra ở nhiều mặt trận khác nhau ở Đông Ghouta, ngay khi lệnh hưu chiến bắt đầu có hiệu lực, vào trưa thứ Ba. Tổ chức Nhân Quyền Syria OSDH ghi nhận có đến 268 vụ oanh kích và pháo kích do quân đội Syria và « đồng minh » của họ tấn công vào căn cứ địa của phe nổi dậy. Sáng nay, các trận oanh kích và pháo kích gia tăng nhiều hơn.
Truyền thông nhà nước thì tường thuật những vụ pháo kích do phe nổi dậy rót vào ngoại ô Damas, nhất là ở Jaramana, phía nam thủ đô.
Trên bộ, lực lượng Syria mở cuộc tấn công vào Harasta, ở phía bắc Damas và dường như đã tiến được hơn một cây số rưỡi. 
Nhiều trận đánh ác liệt bằng súng nặng xảy ra suốt đêm ở mặt trận phía đông Ghouta. Các nguồn tin thân cận với Damas khẳng định quân chính phủ đã chiếm được Hoch al-Dawahira và Cheifounié. Mục tiêu của quân đội Syria, được cố vấn Nga và Iran trợ giúp, là cắt đôi khu vực nổi dậy từ đông sang tây.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?