Những hiểu lầm của người Mỹ về Tết Mậu Thân




Quân đội Hoa Kỳ
Image captionThủy quân lục chiến Hoa Kỳ tái chiếm lại Huế
Vào tháng 1 năm 1968, các chỉ huy quân đội của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã nhận thức được rằng kẻ thù của họ đang lên kế hoạch cho cuộc tổng tiến công.
Nhưng nói chung người Mỹ không hiểu được cuộc tấn công sắp xảy ra đó sẽ như thế nào, hay nó sẽ lan rộng ra sao. Một làn sóng các cuộc tấn công khắp miền Nam Việt Nam khiến lực lượng Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa phần nào bị bất ngờ vào các hôm 30 và 31 tháng 1 năm 1968.
Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân là một sự kiện có ảnh hưởng rất lớn, nhưng nó lại bị hiểu lầm. Một số huyền thoại về nó vẫn còn được lan truyền giữa những người Mỹ ngày nay. (Tôi không rõ với người Việt thì họ hiểu rõ hay hiểu nhầm Tết Mậu Thân đến mức nào.)
Sự hiểu biết thông thường của người Mỹ về cuộc tấn công này, đó là một chiến thắng quân sự cho lực lượng Mỹ nhưng lại là một thất bại chính trị, bởi vì nó làm suy yếu việc ủng hộ Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ - điều này về cơ bản là chính xác.
Nhưng cả hai nửa này lại thường bị phóng đại. 
Sự kiện Tết Mậu Thân không phải là thất bại quân sự trời giáng cho phe Cộng sản, cũng không phải là thất bại chính trị nặng nề cho Mỹ, như thường được khẳng định.
Người dân HuếBản quyền hình ảnhTERRY FINCHER
Image captionNgười dân Huế trở về nhà sau giao tranh tháng 1-2 năm 1968
Trong những tháng trước Tết Mậu Thân, các sĩ quan tình báo của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV), đã đưa ra ước tính cho thấy sức mạnh của quân đội Cộng sản tại Miền Nam Việt Nam tương đối yếu.
Họ nói rằng lực lượng Cộng sản đang suy yếu và Hoa Kỳ đang chiến thắng trong cuộc chiến. Các lực lượng tương đối yếu được miêu tả theo ước tính của MACV là sẽ không có khả năng tiến hành được chiến đấu hạng nặng trong một thời gian dài.
Sau cú sốc của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, các quan chức cấp cao, đặc biệt là Tướng William Westmoreland (chỉ huy MACV) và Phillip Davidson (trưởng bộ phận tình báo của Westmoreland), đã cố gắng giải thích cuộc tấn công này tương thích với các ước tính trước Tết.
Họ lập luận rằng đó là một hành động tuyệt vọng, và rằng Cộng sản không thể duy trì được một cuộc chiến tranh hạng nặng trong lâu dài. Tướng Westmoreland tuyên bố rằng "hầu như ở khắp mọi nơi ngoại trừ vùng ngoại ô ở Sài Gòn và Huế, cuộc chiến đã kết thúc chỉ trong hai đến ba ngày." Sau này, ít tác giả nào biện luận xa đến vậy, nhưng đa số thì vẫn bị thuyết phục rằng cuộc chiến kéo dài không quá một tháng. Thực tế là cuộc chiến hạng nặng bất thường này bắt đầu từ cuối tháng 1 năm 1968, tiếp tục hoàn toàn không bị gián đoạn trong vòng 21 tuần, tới tận cuối tháng 6. 
Ngay cả khi tuyên bố rằng cuộc chiến dữ dội diễn ra tương đối ngắn, những người tạo huyền thoại vẫn nhận định rằng nó hoàn toàn tai hại cho lực lượng Cộng sản. Westmoreland nói Việt Cộng "gần như bị tiêu diệt như một lực lượng" trong cuộc tấn công. Davidson nói, "Thật ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân lại đã tiêu diệt Việt Cộng.'' Các du kích Việt Cộng và cơ sở hạ tầng chính trị của Việt Cộng, các đơn vị nổi dậy, bị họ cho là đã hầu như bị tiêu diệt trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân.
Nhiều tác giả sau này đã bị thuyết phục rằng Việt Cộng không còn là nhân tố chính trong cuộc chiến tranh sau sự kiện Tết Mậu Thân, đã được thay thế bằng quân đội Bắc Việt. Một lần nữa điều này lại sai. Các đơn vị Việt Cộng dẫn đầu những cuộc tấn công vào ngày 30 và 31 tháng 1, và phải chịu thương vong khủng khiếp. 
Nhưng phần lớn quân Việt Cộng vẫn sống sót. Việt Cộng vẫn là thành phần tham gia quan trọng trong cuộc chiến kể cả sau khi giao tranh giảm đi một thời gian ngắn vào thời điểm cuối tháng 6 năm 1968. Việt Cộng vẫn kiểm soát ở đồng bằng sông Cửu Long. Quân đội Bắc Việt chỉ bắt đầu đóng vai trò quan trọng ở đó từ năm 1969.
Có những địa điểm mà những cán bộ của các tổ chức chính trị và hành chính mà người Mỹ gọi là "cơ sở hạ tầng" đã xuất hiện công khai, cố gắng dẫn dắt "cuộc tổng nổi dậy " chống lại chính quyền Sài Gòn, và phải chịu đựng kết quả nặng nề. Nhưng tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng toàn bộ đã bị tê liệt, dường như bị phóng đại một cách quá lớn. Khi chương trình Phượng hoàng bắt đầu gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho "cơ sở hạ tầng" vào cuối năm 1968 và 1969, đây không phải là một sự giả dối, nó không phải là tấn công một mục tiêu mà nó đã ngừng tồn tại.
Cựu binh Mặt trận Giải phóngBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHai cựu chiến binh của Mặt trận Giải phóng thăm mộ đồng đội ở nghĩa trang ngoại thành Huế
Các tuyên bố phóng đại về ảnh hưởng của cuộc tổng Tấn công Tết Mậu thân lên phe Cộng sản lẽ ra đã đặt ra một vấn đề logic: nếu cuộc tấn công Tết Mậu Thân là thảm hoạ to lớn cho lực lượng Cộng sản như đã được tuyên bố, Mỹ và Việt Nam Cộng hoà nên tiếp tục để giành được chiến thắng chung cuộc. Lời giải thích được đưa ra cho nghịch lý này là cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một cú sốc đối với công chúng Mỹ và chính phủ Hoa Kỳ. Nó làm Hoa Kỳ đã đánh mất ý chí chiến đấu và không cố gắng theo đuổi lợi thế cho mình.
Lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện Mậu Thân tại TPHCM ngày 31/1Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionLễ kỷ niệm 50 năm sự kiện Mậu Thân tại TPHCM ngày 31/1
Tướng Westmoreland đã viết, "Tổng thống Johnson và các cố vấn dân sự của ông ta đã quên mất một châm ngôn rằng khi kẻ thù đang tổn thương, bạn không nên giảm áp lực mà phải tiếp tục tăng áp lực." Trong tất cả những huyền thoại về sự kiện Tết Mậu Thân đó, điều này kéo dài lâu nhất. Nhiều người Mỹ vẫn còn tin rằng sự kiện Tết Mậu Thân là một cơn bùng phát bạo lực, và rằng nó đã tiêu diệt được hoàn toàn Việt Cộng. Nhưng họ có ý tưởng này chủ yếu là vì họ đọc từ các tác phẩm đã viết từ nhiều năm trước. Một huyền thoại xuất hiện thường xuyên hơn trong các tác phẩm được xuất bản gần đây là tổng tấn công Tết Mậu Thân làm Mỹ bị sốc tới mức chính phủ Mỹ đã từ bỏ việc theo đuổi chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách mới bán chạy của Mark Bowden, Huế 1968, là điển hình trong số đó. Bowden viết rằng trận đánh ở cố đô Huế, kéo dài đến cuối tháng 2 năm 1968, là "bước ngoặt không chỉ trong cuộc chiến, mà còn trong lịch sử nước Mỹ. Khi nó kết thúc, cuộc tranh luận liên quan đến chiến tranh tại Hoa Kỳ không bao giờ trở lại với sự chiến thắng, mà chỉ về việc làm thế nào để rút khỏi đó. "
Cuộc tranh luận thực sự đã xảy ra bên trong chính phủ Hoa Kỳ trong những ngày sau khi cuộc chiến ác liệt kết thúc tại Huế, không phải là làm thế nào, khi nào, hay liệu có nên rút ra khỏi Việt Nam mà là bao nhiêu quân đội được gửi đi, bên cạnh những đội quân đang ở đó. Tổng Tham mưu liên quân đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Lyndon Johnson gửi thêm lượng quân tiếp viện. Clark Clifford, người vừa mới được nhậm chức bộ trưởng quốc phòng, thực sự đang tìm kiếm một con đường để ra khỏi Việt Nam; Cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân là một gây sốc khủng khiếp đối với Clifford. Ông và một nhóm cấp dưới của ông đã phản đối đề nghị của quân đội cho việc mở rộng lực lượng quân đội Mỹ. Nhưng họ không dám đề nghị rằng không nên gửi thêm quân viện trợ mà họ chỉ lập luận rằng số lượng quân bổ sung được gửi sang Việt Nam nên được giữ ở mức tương đối nhỏ.
Họ biết rằng Tổng thống Johnson vẫn quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến, và nếu họ đề nghị từ bỏ mục tiêu đó, Tổng thống sẽ bác bỏ đề nghị của họ và có thể chấp nhận kế hoạch của quân đội để gửi thêm quân viện trợ.
Terry Fincher/Express/Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionLính thủy quân lục chiến Mỹ tại Huế, 23/2/1968
Tổng thống Johnson đã quyết định mở rộng một cách khiêm tốn lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam - chỉ khoảng chục ngàn quân chứ không phải hàng trăm ngàn quân. Nhưng ông có thể thấy được một sự thù địch gia tăng đối với cuộc chiến tại Hoa Kỳ, đặc biệt là trong đảng của ông. Ông muốn tỏ ra đang cố gắng hết sức kết thúc chiến tranh, ngay cả khi ông tìm kiếm chiến thắng. Vì thế trong diễn văn nổi tiếng ngày 31/3/1968, khi ông loan báo sẽ không tái tranh cử, ông nói trong nỗ lực mở đường tìm giải pháp thương lượng cho chiến tranh, ông sẽ "giảm đáng kể mức độ thù địch hiện nay". Nhưng điều này không đúng. Ông muốn có bất kỳ thương lượng hòa bình nào để tạo ra giải pháp theo đó Hà Nội từ bỏ mục tiêu chiến tranh, từ bỏ Việt Cộng, cho phép Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát toàn miền Nam. Ông đang tăng mức độ thù địch, chứ không phải giảm, nhằm ép kẻ thù chấp nhận giải pháp đó.
Johnson tiếp tục tăng cường lính Mỹ trên chiến trường Nam Việt Nam. Vào cuối tháng Giêng, khi Tết Mậu Thân mở màn, có 498.000 nhân viên quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam. Vào lúc có bài diễn văn Johnson cuối tháng Ba, có 515.000. Đến tháng Bảy có 537.000. Và cho đến tận cuối nhiệm kỳ tổng thống, Johnson vẫn yêu cầu họ gia tăng áp lực lên kẻ thù. "Theo đuổi tích cực kẻ thù. Không cho chúng có phút nghỉ ngơi. Để kẻ thù cảm nhận toàn bộ sức mạnh của bạn." Trong số 12 tháng đẫm máu nhất của cuộc chiến của người Mỹ, khi số lượng người Mỹ bị giết nhiều nhất, thì có tám tháng xảy ra sau diễn văn của Johnson.
Johnson đẩy mạnh chiến dịch ném bom. Trước Tết Mậu Thân, số bom cao nhất mà Mỹ đổ xuống Đông Dương trong một tháng là 83.000 tấn. Sau Tết, Johnson tăng lên 97.000 tấn trong tháng Ba, tháng dẫn tới diễn văn của ông. Từ tháng Tư tới tháng Tám sẽ là hơn 110.000 tấn mỗi tháng.
Bất chấp chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội, báo chí và công chúng, nhánh hành pháp Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến thắng trong 1968 và cả 1969. Điều mà đã bẻ gãy ý chí của Mỹ, khiến Tổng thống Richard Nixon phải loan báo ngày 8/6/1969 rằng sẽ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam, không phải là vì đợt bùng phát bạo lực ngắn đầu 1968 mà vì suốt hơn cả một năm giao tranh ác liệt. Trước 1968, số người Mỹ bị giết tại Việt Nam cao hơn 1.000 người đã chỉ xảy ra trong một tháng duy nhất. Nhưng từ tháng Giêng 1968 tới tháng Sáu 1969, con số hơn 1.000 người xảy ra trong 12 của 18 tháng đó. Chỉ đến tháng Tám 1969 mới là lần đầu tiên có việc giảm bớt quân số Mỹ ở Việt Nam cũng như giảm bớt số tấn bom đổ xuống trong một tháng.
Tác giả bài viết nhận bằng tiến sĩ về lịch sử Trung Quốc và Đông Nam Á từ Đại học Michigan của Mỹ. Gần đây ông chuyên nghiên cứu lịch sử Chiến tranh Việt Nam. Hai cuốn sách do ông viết và ông cảm thấy hài lòng nhất là The Myths of Tet: The Most Misunderstood Event of the Vietnam War (2017) và Tonkin Gulf and the Escalation of the Vietnam War (1996).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?