Lịch sử… cứ như mới hôm qua

RFA
Nguyễn Hoàng
09/01/2019



Biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm cuộc chiến chống Khmer Đỏ ở Campuchia hôm 4/1/2018 tại Hà Nội AFP
Một nửa chiếc bánh mì vẫn là chiếc bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Kỷ niệm 40 năm lật Khme đỏ mà không được phép nhắc tới vai trò Trung Quốc và rút ra các bài học đắt giá của những năm tháng Việt Nam từ “bộ đội nhà Phật” trở thành kẻ chiếm đóng, thì ý nghĩa của mùa kỷ niệm liệu còn gì?
----------
Mồng 7/1 năm nay trong nước kỷ niệm khá ồn ào, từ tội ác của Khme đỏ đến tình đoàn kết VN-Campuchia. Tuy nhiên, hai thực thể hiển nhiên ai cũng nhớ thì báo chí lề phải không được “xớ rớ” tới. Thứ nhất, “Trung Quốc là người ‘bảo mẫu’ cho chế độ Khme đỏ”. Thứ hai, “cái bẫy TQ dựng lên hồi bấy giờ đã khiến VN chảy máu, bị cô lập tuyệt đối trên trường quốc tế suốt 12 năm”.
Nửa sự thật không là sự thật
Kỷ niệm 40 năm lật Khme đỏ mà không cho phép nhắc tới vai trò Trung Quốc và rút ra các bài học đắt giá của những năm tháng VN từ anh hùng giải phóng, trở thành kẻ chiếm đóng, thì ý nghĩa của lễ kỷ niệm liệu còn gì?
Bỉnh bút Naya Chanda mô tả dịp này 40 năm trước, các cố vấn Trung Quốc lang thang trong các khu rừng rậm ở miền tây Campuchia đến 61 ngày, ngủ trong lều lợp cỏ tranh, ăn đồ hộp. Sứ mệnh của những nhà ngoại giao ấy chỉ chấm dứt khi Việt Nam tấn công vào thủ phủ của Pol Pot trong rừng già.


Một lãnh đạo của Khmer Đỏ là Ta Mok (phải) đang chào đón quan chức đại diện Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1979 AFP
Chiều 11/4/1979 vị đại sứ Trung Quốc cùng với bảy đồng nghiệp quần áo bẩn thỉu nhếch nhác, nước mắt đầm đìa lặng lẽ trốn qua Thái Lan.“Lần đầu tiên, đại diện của một vương triều trung tâm (tức là Trung Quốc) phải trốn chạy khỏi một vùng đất chư hầu (Campuchia) một cách thật tủi nhục”[1].
Mặc dù chiến thắng về mặt quân sự, nhưng theo ước tính, khoảng 25.000 chiến binh Việt đã mất mạng ở CPC từ tháng 12/1978 đến tháng 9/1989. Huy Đức trích từ trang mạng “SOHA”, dẫn lời tướng Hoàng Kiền, cho biết 12 vạn (120.000) bộ đội VN đã hy sinh trong các cuộc xung đột Tây Nam và trên biên giới phía Bắc (1977 — 1989).
“Chủ nghĩa nhân văn Tàu”
Hàng chục vạn người lính khác đã để lại một phần cơ thể họ trên đất nước chùa Tháp, nhiều chàng trai trong số họ để lại đôi chân trần, bởi một loại mìn rất đặc biệt do Trung Quốc chế tạo, không gây chết người nhưng cắt đứt luôn cả hai chân. (Không cho nạn nhân chết, chỉ để lại gánh nặng cho xã hội và chứng nhân cho lịch sử)[2]. Thế mới thấy “Chủ nghĩa nhân văn Tàu” thật rùng rợn! Lịch sử cứ như mới hôm qua đây thôi, cần được ôn lại một cách nghiêm túc và sòng phẳng!
Đối với Trung Quốc, “cuộc trường chinh” của họ từ bấy đến giờ xem ra lại “có hậu”. Hun Sen từng bị Đặng Tiểu Bình coi là “con rối của Việt Nam”, nay lại là đồng minh trung thành nhất của Bắc Kinh. Ngày nay, Campuchia đang có dấu hiệu biến thành một tỉnh của Trung Quốc.
Trước đây, Hun Sen từng tố cáo Trung Quốc là “kẻ chống lưng cho Khmer Đỏ”, nhưng năm 2012, Hun Sen công khai giúp Bắc Kinh ngăn chặn việc ASEAN ra thông cáo chung tại thượng đỉnh hàng năm, đồng lõa với hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.


Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) vẫy tay trong lễ kỷ niệm đánh dấu 40 năm lật đổ Khmer Đỏ ở Sân vận động Olympic ở Phnom Penh hôm 7/1/2019 AFP
Đặc biệt, bước sang 2018, khi Trung Quốc thực hiện “Dự án Koh Kong” thì đến cả lợi ích kinh tế lẫn chủ quyền quốc gia, Hun Sen cũng sẵn sàng hy sinh nốt. Tờ “Asia Times” nhận định: “Bắc Kinh đã có thể tận dụng ảnh hưởng của mình để biến CPC thành căn cứ cho mục tiêu chiến lược lâu dài của họ trên toàn vùng Đông Nam Á”.
Chẳng thế, không phải ngẫu nhiên, ngày 7/12/2018 Hun Sen đã phải sang tận Hà Nội để bảo đảm với Nguyễn Xuân Phúc, rằng Hiến pháp CPC không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Trong khi trước đó, truyền thông quốc tế lại đưa tin, Trung Quốc đã vận động hành lang CPC từ năm 2017 để thiết lập một căn cứ quân sự ở Koh Kong trong Vịnh Thái Lan.
Ông Hun Sen phủ nhận ngay những đồn đại trên và cho đấy là bịa đặt. Nhưng “thanh minh tức là thú nhận”, nhất là ở một đất nước có 43 cụm tượng phật Bayon 4 mặt khổng lồ với nụ cười đầy bí hiểm. Chưa nói, Hun Sen có lúc cũng đã đặt câu hỏi về “sự chống lưng” của Việt Nam dành cho ông ta, sau khi có thông tin cựu lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy từng bí mật đàm phán với một số quan chức ngoại giao VN. Hun Sen nói sẽ yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin về vụ này.[3]
“Hội chứng Khmer Đỏ”
Thật ra thì Hun Sen hoàn toàn có thể chất vấn “ngược” đối với VN để chạy tội. Bởi vì, ngay cả dải đất Việt Nam cũng đang dần dần nằm gọn vào tay Trung Quốc. Bô xít Tây Nguyên phía Tây; đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) ở phía Bắc; cảng nước sâu Vũng Áng Formosa (Hà Tĩnh) và đặc khu Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ở miền Trung và đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang) ở phía Nam (nay mai).
Những đặc khu nói trên danh nghĩa là kinh tế nhưng khi động binh, sẽ hiện nguyên hình thực chất là những đặc khu quân sự. Vậy thì VN “trách cứ” CPC nỗi gì? Trong tương lai gần, cả về tiến độ lẫn quy mô các đặc khu mở ra cho Trung Quốc, giữa CPC và VN, chưa chắc ai đã vượt ai!
Như vậy, “rổn rảng” kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng CPC thoát khỏi hoạ diệt chủng, dường như chỉ là lý do phụ. Lý do chính yếu hơn, đó là nỗi lo sợ về một “hội chứng Khme đỏ” có thể tái xuất hiện để kềm chế VN trong tương lai. Trong đợt kỷ niệm vừa qua, những “vùng huý kỵ” vẫn được cả VN lẫn CPC quán triệt để khỏi làm phật ý thiên triều, giờ là “đối tác chiến lược” của cả hai người anh em thù địch (brother enemy).
Để hoá giải “hội chứng Khme đỏ” và ngăn ngừa nguy cơ xuất hiên một “Khmer Đỏ không Pol Pot”, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện ngay sức mạnh mềm, để đủ sức thuyết phục “ông em” đầy bất trắc. Điều này, chỉ bằng sức mạnh quân sự không thôi là chưa đủ, quan trọng hơn đó phải là sự vượt trội của mô hình quản trị (governance) và chất lượng thể chế.
Một thực tế đáng ngại hiện nay, Việt Nam đang cho thấy sự tụt hậu so với cả hai “ông em” CPC và Lào trên một số tiêu chí như chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, tự do báo chí và xã hội đa nguyên… Thậm chí, khá nhiều doanh nhân khởi nghiệp Việt phải chạy sang tận Campuchia thì mới có đất dụng võ.
Nói cho cùng, thay vì ý tưởng về một “Liên bang Đông dương” gây tranh cãi, phải chăng Việt—Miên—Lào từ nay nên cùng tiến trên con đường tiếp thụ các giá trị phổ quát nhân loại. Nếu mỗi quốc gia này thụ đắc được mô hình nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự thì đó mới là đảm bảo cho hoà bình và thịnh vượng chung trên bán đảo vốn đã chịu quá nhiều đau khổ trong lịch sử ./.

------------

[1] https://thediplomat.com/2018/12/vietnams-invasion-of-cambodia-revisited/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn