Mỹ sắp thành công ép xuất khẩu dầu Iran về 0?

Đất Việt
Đông Phong
28/05/2019
Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố sẽ ngừng mua dầu từ Iran, trong khi đó cứu hỏa Nga mở vòi hạ nhiệt căng thẳng.
Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin trong ngành dầu khí Iran cho biết, gần như tất cả các nước không được Mỹ gia hạn miễn trừ trừng phạt việc mua dầu của Iran đã ngừng các hoạt động mậu dịch với nước này


. Iran thừa nhận không bán được dầu cho 8 nước bị Mỹ không gia hạn miễn trừ trừng phạt
Ông Rahim Zare, thành viên của Ủy ban kinh tế của Quốc hội Iran cho biết, 8 nước gồm Trung Quốc, Hy Lạp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, trước đây được Mỹ miễn trừ, được mua dầu của Iran bình thường song giờ đây không được gia hạn nữa, cũng đã kết thúc các hợp đồng thương mại với quốc gia vùng Vịnh.
Tổng cộng 1,6 triệu thùng dầu hàng ngày trong tháng 3 đã được giao cho 8 quốc gia nói trên nhưng cho đến nay đã không được đặt hàng thêm.
"Họ thực sự tuân thủ các lệnh trừng phạt" - ông Zare nói.
Tờ báo Mỹ dẫn thông tin từ trang tin tức theo dõi hàng hải FleetMon cho biết, một tàu chở dầu của Trung Quốc đã nhìn thấy đang bơm dầu từ nhà máy dầu trên đảo Kharg ở Iran vào giữa tháng 5, có thể coi là đang nối lại hoạt động mua dầu thô của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, con tàu chở dầu này sau đó đã đi đến Indonesia. Tại thời điểm này, nó vẫn ở ngoài khơi bờ biển Iran trong Vịnh Ô-man.
Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu mỏ Iran, vì các bể chứa trên bờ đã đầy, nhiều con tàu chỉ được sử dụng để lưu trữ dầu.
Tờ báo Mỹ cũng dẫn lời các doanh nhân ở Tehran lưu ý rằng, các công ty Trung Quốc không còn mua dầu của Iran nữa.
Song Iran vẫn chưa mất hy vọng có thể nối lại doanh số bán dầu cho Trung Quốc.
Một thương nhân Iran - người cuối cùng đã giao dầu Iran cho Trung Quốc thành công vào hai tháng trước, cho biết ông đang đàm phán việc bán tới 2 triệu thùng dầu cho một nhà máy lọc dầu nhỏ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông chưa nhận được sự chấp thuận của Chính phủ hai nước về giao dịch này.
Thông tin về việc Trung Quốc ngừng mua dầu của Iran thực hiện theo các sức ép từ Mỹ giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung leo thang, có thể vẫn là một tin tức chính xác, theo cách chính thức nhất.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ cũng đã xác nhận việc sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran bằng việc ngừng nhập khẩu dầu từ quốc gia vùng Vịnh.
Việc Iran đứng trước tình thế "thân cô thế cô" bị các nước là đối tác "bỏ rơi" trong cuộc đối đầu đầy bất công với Mỹ đã khiến một đồng minh lớn của Tehran như Nga, phải lên tiếng.
Nga nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 27/5 đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Iran về việc kêu gọi các nước ở vùng Vịnh kí hiệp ước không tấn công xâm lược lẫn nhau, gọi đây là "bước đầu để giảm căng thẳng".
Theo ông Lavrov, sáng kiến của Iran đã được đưa ra Hội đồng Hợp tác các nước Arab Vùng Vịnh.
Lời kêu gọi đoàn kết đưa ra vào thời điểm này mang một thông điệp ngoại giao hơn là cách thực thi Hiệp ước đó. Tehran đang muốn thêm một lời khẳng định từ các nước láng giềng về sự ủng hộ của họ đối với Iran chịu tác động của Mỹ chỉ ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế, chứ không bị tác động trong tình huống xảy ra xung đột.
Ngoại tưởng Iran Javad Zarif khi đưa ra ý tưởng này đã nói rằng, họ muốn các nước ở khu vực cùng nhau xây dựng một mối quan hệ cân bằng. Theo lời ông Zarif, Iran luôn sẵn sàng tự vệ khi bị tấn công, song không muốn dấn thân vào xung đột như vậy.
Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran về vấn đề quan hệ chính trị Abbas Araghchi thông báo ông có chuyến thăm tới Oman và sắp đến Kuwait, Qatar - các nước đều có quan hệ gần cận với Mỹ.
“Dù không đàm phán trực tiếp hay gián tiếp với Mỹ, nhưng Iran sẵn sàng thương lượng với mọi quốc gia trong vùng Vịnh nhằm tìm kiếm những mối quan hệ có tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng và lợi ích chung” - vị Thứ trưởng ngoại giao Iran nói.
Trong bối cảnh hiện nay, Iran thực sự vướng mắc trong việc xoay sở các cấm vận về xuất khẩu dầu mà Mỹ đặt ra với các bạn hàng lớn nhỏ của nước này ở trong và ngoài khu vực.
Khi tình hình trở nên xấu đi ở mức khó có thể xoay chuyển trong thời gian ngắn, Tehran buộc phải xoay sang cách kêu gọi sự ủng hộ về ngoại giao của các đồng minh và bạn bè trong khu vực để cứu vãn tình thế.
Với việc Iran tuyên bố đã bị các bạn hàng từ chối mua dầu, Mỹ đang có thêm lợi thế và có thể căn cứ vào đó để gây thêm áp lực với Tehran.
Khi đó, Nga dù đã nhắc tới việc sẽ không đi sửa lỗi sai cho Mỹ, như cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh, nhưng cũng đã lên tiếng bảo vệ đồng minh để tình hình không bị đẩy đi quá xa.
Dẫu vậy, thực tế tình hình xuất khẩu và giao dịch dầu ở Iran ra nước ngoài có thực sự tiêu cực đến mức đó hay không lại là một câu chuyện khác.

Đông Phong

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?