Tin Biển Đông – 29/05/2019
Thông tin khẩn: TQ cho đội tàu
cào nghêu ra Biển Đông,
đe dọa phá hủy môi trường sinh thái
Ngày 20/5, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết các đội tàu đánh bắt nghêu khét tiếng phá hoại môi trường của Trung Quốc lại gia tăng hoạt động tại Biển Đông.
Tàu Trung Quốc tái xuất sau 2 năm
Theo AMTI, sau khi giảm hoạt động trong giai đoạn 2016-2018, đội tàu đánh bắt nghêu Trung Quốc đổ về Biển Đông với số lượng lớn trong sáu tháng qua. Các đội tàu này thường gồm nhiều tàu nhỏ đi cùng với nhóm các “tàu mẹ” có tải trọng lớn hoạt động thường xuyên tại bãi cạn Scarborough và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
AMTI nhận định mô hình đánh bắt của các đội tàu phá hủy diện tích lớn rạn san hô trong vùng biển để khai thác giống nghêu khổng lồ đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những giống nghêu này có thể phát triển dài hơn 1m, nặng hơn 200 kg và sống hơn 100 năm tuổi. Vỏ nghêu được đưa về tỉnh Hải Nam, có thể được bán với giá hàng nghìn USD mỗi cái để chế tác đồ trang sức hoặc tác phẩm điêu khắc.
Phá hủy môi trường sinh thái
Biển Đông là một trong những khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng nhất thế giới, chiếm tới 76% các chủng loại san hô thế giới và 37% các loại cá sinh sống trong các rạn san hô. Theo Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), mỗi thập kỷ sẽ có 30% cỏ mọc dưới đấy biển, 16% các rạn san hô sống mất đi do ô nhiễm môi trường và khai thác tận diệt thiếu bền vững.
Tuy nhiên, hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với môi trường sinh thái. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác hải sản ồ ạt, bất hợp pháp, mang tính hủy diệt của ngư dân Trung Quốc ở các cùng chồng lấn trong khu vực Biển Đông đã gây ra suy giảm hệ sinh thái biển và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Theo tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C. (Mỹ) công bố tháng 9/2017, tổng lượng cá ở Biển Đông đã suy giảm khoảng 70-95% kể từ những năm 1950 và tỷ lệ đánh bắt đã giảm 66-75% trong 20 năm qua; hiện ở Biển Đông có thể chỉ còn 5% lượng cá so với thập niên 1950 và quá trình phục hồi các nguồn cá ở Biển Đông hiện nay rất thấp.
Trong khi đó, theo báo cáo của chuyên gia Victor Robert Lee, trong thời gian hoạt động từ năm 2012-2015, những đội tàu khai thác nghêu làm tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy hoàn toàn ít nhất 28 rạn san hô trên Biển Đông. Ngư dân Trung Quốc sử dụng chủ yếu phương pháp đánh bắt tàn phá các rạn san hô. Họ thả neo tàu, sau đó kéo lê như bồ cào dưới đáy biển, đập vỡ san hô và đào lớp trầm tích để thu hoạch nghêu lớn được dễ dàng. Hoạt động này được tiến hành đồng loạt và lặp đi lặp lại hàng trăm đến hàng nghìn lần, thực hiện bằng các công cụ đánh bắt thô sơ, tạo nên những “vết sẹo” dưới đáy biển. Những dấu vết khai thác có thể nhìn thấy rõ ở các vùng nước nông qua ảnh chụp vệ tinh. Đáng chú ý, gần đây tàu Trung Quốc còn dùng phương pháp gắn ống nhựa lớn vào máy bơm áp suất cao để hút nghêu. Phương pháp mới có tác hại môi trường thậm chí còn lớn hơn kiểu đánh bắt cũ. Các chuyên gia cảnh báo lớp trầm tích dưới đáy biển có thể phát tán trên quy mô lớn, làm ô nhiễm môi trường và rối loạn hệ sinh thái các vùng biển xung quanh.
Không những vậy, hoạt động khai thác của các đội tàu Trung Quốc có tác hại môi trường vô cùng nghiêm trọng. John McMacnus, chuyên gia tại Đại học Miami, ghi nhận tính đến năm 2016 có hơn 10.100 hecta san hô ở các vùng biển nông bị tổn hại vì hoạt động khai thác nghêu của Trung Quốc. Con số này còn lớn hơn diện tích san hô bị phá hủy vì hoạt động nạo vét và bồi đắp đảo nhân tạo trái phép là gần 6.000 hecta.
Địa điểm tàn phá
Theo nghiên cứu của CSIS, giới chức Trung Quốc dường như ý thức rõ và cho phép đội tàu khét tiếng này quay lại hoạt động trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy tàu đánh bắt nghêu bắt đầu hoạt động ở vùng biển quanh Đá Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ cuối năm 2018. Các hoạt động khai thác nghêu bằng phương pháp trên đi ngược lại quy định của luật pháp quốc tế và luật môi trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng vẫn ngang nhiên diễn ra sau khi Trung Quốc (7/2018) cho lắp đặt tại Đá Bông Bay cái gọi là trạm quan sát hàng hải “Ocean E-Station”, hỗ trợ định hướng cho tàu trong khu vực. Những mô tả về năng lực radar giám sát của cơ sở này cho thấy giới chức Trung Quốc đủ khả năng nắm được diễn biến ở thực địa nhưng không hề có động thái can thiệp.
Dấu vết khai thác nghêu khổng lồ cũng được phát hiện ở đảo Bạch Quy thuộc Hoàng Sa. So với ảnh chụp vệ tinh hồi tháng 2/2018, mặt biển khu vực ghi nhận vào tháng 11 cùng năm đã bị biến dạng với những dấu vết của hoạt động nạo vét.
Đội tàu Trung Quốc cũng xuất hiện tại bãi cạn Scarborough, vốn là điểm nóng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh tháng 12/2018 cho thấy số lượng lớn tàu Trung Quốc hiện diện tại vùng biển. So sánh ảnh chụp tháng 3 và tháng 12/2018 cũng cho thấy nhiều dấu vết nạo vét mới xuất hiện ở đáy biển. Các chuyên gia của CSIS nghi ngờ tàu Trung Quốc đang áp dụng thêm phương pháp khai thác mới ở bãi cạn Scarorough, đặc biệt tại các vùng biển sâu mà thiết bị nạo vét không tiếp cận được đáy biển.
AMTI cho biết hiện chưa phát hiện bằng chứng đủ vững chắc cho thấy hoạt động khai thác nghêu của đội tàu Trung Quốc đã xuất hiện tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia AMTI phát hiện một “tàu mẹ” cùng nhiều tàu nhỏ hiện diện ở vùng biển gần Đá An Nhơn (tên tiếng Anh là Lankiam Cay). Tàu mẹ của ngư dân Trung Quốc có chiều dài gần 20 m, nhỏ hơn các tàu xuất hiện tại Đá Bông Bay gần 10 m. Các tàu nhỏ ở hai trường hợp có kích thước tương đương. Các chuyên gia cũng chưa phát hiện những dấu sẹo đặc trưng trên đáy biển ở khu vực Đá An Nhơn. Điều này có thể cho thấy hoạt động khai thác nghêu gây hại cho môi trường vẫn chưa diễn ra sau khi đội tàu Trung Quốc đến khu vực.
Khả năng khôi phục của hệ sinh thái và môi trường ở Biển Đông:
Đối với các rạn san hô: Theo đánh giá của giới khoa học thì các rạn san hô tại khu vực Trường Sa tương đối nhỏ so với các hệ san hô lớn khác trên Trái Đất; song rất ít khả năng phục hồi được rạn san hô ở khu vực Trường Sa. San hô ở Trường Sa đã được hình thành cả trăm triệu năm và sự phát triển của san hô rất chậm nên khó có khả năng phục hồi được trong thời gian ngắn, mà có khi cần đến hàng nghìn năm mới khôi phục được phần nào.
Đối với nguồn cá và sinh vật biển khác: Theo nghiên cứu của Đại học British Columbia (Canada) vào năm 2015 cho thấy hiện nay khoảng 20% số đàn cá trong Biển Đông đang phục hồi, 50% số đàn cá đang bị khai thác ở mức đe dọa suy thoái và 30% số đàn cá đã bị khai thác và suy thoái tới mức gần như không còn khả năng phục hồi. Nguồn hải sản không
có khả năng phục hồi hoặc phục hồi chậm chủ yếu là do hoạt động cải tạo phi pháp, phá hủy môi trường sinh thái của Trung Quốc khiến các loại sinh vật mất môi trường sống, đẻ trứng và nuôi con non. Ngoài ra việc Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát, quản lý ngư dân, để người dân khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp và sử dụng phương pháp đánh bắt mang tính chất hủy diệt (ngư dân đã dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt như lưới mắt nhỏ, giã cào, điện, đèn công suất cao, thuốc nổ, chất độc xyanua… ) khiến nguồn cá và các sinh vật khác, đặc biệt là những sinh vật có giá trị kinh tế cao (rùa biển, trai biển…) không có khả năng phục hội.
Làm thế nào để bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông?
Đầu tiên, Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, bao gồm việc đưa binh lính ra triển khai trên các thực thể nhân tạo ở Trường Sa và nạo vét, cải tạo các đảo đá đang chiếm đóng. Bắc Kinh cũng cần triển khai các biện pháp hữu hiệu để quản lý, ngăn chặn ngư dân của họ đánh bắt tận diệt các loài hải sản ở Biển Đông, trong đó có việc sử dụng các phương thức tận diệt để đánh bắt nghêu khổng lồ. Ngoài ra, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc khôi phục môi trường sinh thái ở Biển Đông, không thể để tình trạng mình Trung Quốc phá hủy hệ sinh thái mà tất cả các nước trong khu vực phải gánh chịu hậu quả.
Thứ hai, các nước trong khu vực cần triển khai ngay kế hoạch quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường ở vùng biển tranh chấp để cứu vãn tài nguyên sắp cạn kiệt; tránh các hành động phá hủy môi trường biển nào như nạo vét, cải tạo đảo, hay xây dựng các cơ sở trên các rạn san hô chưa có nước nào kiểm soát.
Thứ ba, ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với những quy định mang tính ràng buộc và có những điều khoản về việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông.
Cuối cùng, UNCLOS đã có các điều khoản quy định rất rõ, rất cụ thể về việc bảo vệ môi trường sinh thái, các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc cũng đã ký kết và tham gia UNCLOS cần tuân thủ nghiêm.
Hoạt động quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông
và tác động tới tình hình tranh chấp chủ quyền
trong khu vực
Nhật Bản là quốc gia có lợi ích kinh tế gắn bó mật thiết với Biển Đông, 80% dầu thô của nước này đi qua Biển Đông quyết định sống còn đối với nền kinh tế nước Nhật Bản.
Biển Đông có vai trò quan trọng, mang tính sống còn đối với Nhật Bản
Nhật Bản có lợi ích gắn chặt với khu vực Biển Đông trên nhiều mặt như kinh tế, thương mại, ổn định về chính trị, an ninh và giao thông hàng hải:
Về khía cạnh an ninh, quân sự: Nhật Bản là một nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có vùng biển giáp với Biển Đông, vì vậy sự ổn định về môi trường chính trị, an ninh và quốc phòng trong khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Lãnh đạo Nhật đã nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm đảm bảo trật tự hòa bình không để xảy ra xung đột leo thang toàn khu vực. Một khi xung đột xảy ra ở Biển Đông, nhiều khả năng nhiều nước sẽ bị kéo vào cuộc chiến gây bất ổn toàn bộ khu vực, làm tắc nghẽn tuyến giao thông hàng hải ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Nhật cho rằng tranh chấp Biển Đông hiện nay đã không còn đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa ASEAN và Trung Quốc mà đã chuyển thành vấn đề an ninh cho toàn khu vực mà Nhật Bản và Mỹ cũng như các nước khác đều phải can dự.
Về khía cạnh kinh tế: Theo số liệu thống kê, Biển Đông có tuyến đường biển vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với Nhật Bản; hiện có khoảng 42% hàng hóa của Nhật Bản, chủ yếu là nguyên liệu dầu mỏ, than đá, quặng… đi qua Biển Đông. Nếu tuyến đường giao thông hàng hải qua Biển Đông bị tắc nghẽn sẽ gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Về quan hệ đồng minh: Lợi ích chính trị của Nhật Bản đối với đồng minh Mỹ cũng không kém phần quan trọng so với lợi ích về kinh tế thương mại của Nhật Bản trong khu vực Biển Đông. Mỹ là đồng minh số 1 của Nhật Bản tại châu Á – Thái Bình Dương; các lợi ích về an ninh của Nhật Bản và Mỹ có nhiều điểm tương đồng. Về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Hoa Đông, Mỹ đã nhiều lần cam kết sẽ áp dụng Điều 5 của Hiệp ước đồng minh giữa hai nước đối với cả quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang có tranh chấp với Trung Quốc. Mặt khác, lợi ích của Mỹ liên quan đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng tương đồng với Nhật Bản. Mỹ cần đảm bảo tự do thương mại trên biển và tự do trong việc di chuyển hải quân ở các vùng biển và Nhật Bản thấy cần đảm bảo con đường tự do thương mại không bị cản trở bởi bất cứ nước nào. Tokyo nhìn nhận rằng nếu để trật tự trên biển tại khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông bị tác động bởi các hành động có tính “cưỡng chế”, sẽ có những tác động bất lợi không chỉ ảnh hưởng tại Tây Thái Bình Dương mà cả trên phạm vi toàn cầu. Do đó, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động tự do hàng hải của đồng minh Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Quan điểm, lập trường của Nhật Bản liên quan vấn đề Biển Đông
Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Về chính thống, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển; Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp; Nhật Bản cũng lo việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (trong đó bao gồm Biển Đông) tự do và mở, các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, thương mại biển không bị cản trở ảnh hưởng đến thịnh vượng của Nhật Bản; Nhật Bản giúp nâng cao năng lực tuần tra hàng hải cho một số nước liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thể hiện vai trò quan trọng, tích cực thúc đẩy các biên liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cụ thể: (1) Sau khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý; các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển. (2) Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2016 đã nêu rõ các hoạt động hiện tại của Trung Quốc tại Biển Đông là bá quyền, đơn phương, hướng tới việc đặt các nước vào việc đã rồi trên vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. (3) Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Nhật Bản đã tích cực đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương mà ASEAN là trung tâm như ARF, ADMM+, Diễn đàn Đông Á (EAS). Cơ sở để Nhật Bản đưa vào chương trình thảo luận tại các diễn đàn đa phương này là khái niệm an ninh biển, nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình và đảm bảo tự do hàng hải hàng không dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế. (4) Tại Đối thoại Shangrila 13 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nhấn mạnh đến ba nguyên tắc của luật biển: Các quốc gia giải thích yêu sách dựa trên luật pháp quốc tế; các quốc gia không sử dụng vũ lực hay biện pháp cưỡng bức nhằm đạt được yêu sách; các quốc gia sẽ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. (5) Trong Tuyên bố Chung sau cuộc đối thoại giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản và Mỹ (2+2) vào tháng 7/2017, Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” bao gồm cả khu vực Biển Đông lẫn khu vực Ấn Độ Dương. Sáng kiến này của Nhật thể hiện việc Nhật muốn các nước lớn khác đều phải có trách nhiệm về sự tự do, rộng mở tại các vùng biển khu vực tuân theo luật pháp quốc tế.
Chiến lược an ninh của Nhật Bản thể hiện qua những mục tiêu mà nước này đề ra như sau:
Đầu tiên, hỗ trợ việc tăng cường khả năng khu vực:Nhật Bản có thể giúp cải thiện những khả năng biển của các nước trong khu vực Biển Đông, với ưu tiên cao nhất là xây dựng thúc đẩy năng lực hoạt động trên biển cho các quốc gia này, trong đó tăng cường năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển đang là ưu tiên cao nhất. Nhật Bản đã khởi xướng, và năm 2015 đã bắt đầu thực hiện, một số chương trình xây dựng khả năng cho các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và ViệtNam.
Thứ hai, ủng hộ chiến lược của Mỹ và duy trì sự hiện diện của Mỹ, hỗ trợ Mỹ thực hiện tự do hàng hải, là thành phần cốt lõi của chiến lược an ninh của Nhật Bản. Vì là đồng minh nên Nhật Bản phải thực hiện mục tiêu chiến lược này. Hơn hết, Mỹ có khả năng kiềm chế đối trọng với mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Thứ ba, tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực và ngăn chặn việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough; Thúc đẩy hơn nữa các cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội các nước Đông Nam Á ven biển. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản đã bắt đầu có các cuộc trao đổi quân sự với các quốc gia của khu vực Biển Đông, và nhìn chung các mối quan hệ của Nhật Bản với các nước này rất tốt. Các quốc gia này bao gồm Australia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam.
Không những vậy, Nhật Bản còn tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông thông qua việc tổ chức tập trận với các nước ven Biển Đông; thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí, viện trợ tàu chiến cho các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông; ủng hộ và tham gia kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không của Mỹ; tăng cường các hoạt động giao lưu quân sự với các nước trong khu vực…
Xu hướng chính sách của Nhật Bản
Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì chính sách Biển Đông như hiện nay, song sẽ có một số điều chỉnh nhỏ nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Cụ thể: Tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Nhật Bản tiếp tục kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Đồng thời, Nhật Bản tiếp tục lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhật Bản sẽ thúc đẩy hỗ trợ một số nước ASEAN nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển. Một mặt, Nhật Bản sẽ hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, Nhật Bản sẽ thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này.
Không những vậy, Nhật Bản sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ: Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật Bản luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.
Ngoài ra, Nhật Bản tiếp tục thông qua việc hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; từng bước tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản cũng tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực; hỗ trợ ODA mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước ven Biển Đông.
Tác động đối với tình hình Biển Đông
Biển Đông là con đường giao thông huyết mạch, do đó, duy trì hoạt động quân sự trong khu vực này là bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhật Bản cũng như các quốc gia khác có tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông. Vì có lợi ích quốc gia ở Biển Đông, nên Nhật Bản có thể hỗ trợ hợp tác với các quốc gia trong tranh chấp để trở thành bên trung lập giúp thúc đẩy quá trình giải quyết các tranh chấp một cách công bằng và hòa bình. Không những vậy, hoạt động quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông có khả năng tạo được sự cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực, phần nào kiềm chế đối trọng sự trỗi dậy ngày càng lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, với vị thế là đồng minh quân sự thân cận của Mỹ, hoạt động quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông còn có thể hỗ trợ giúp đỡ Mỹ, cũng như các nước trong khu vực bảo vệ lợi ích chính đáng trên biển.
Tuy nhiên, Nhật Bản tăng cường hiện diện ở Biển Đông có thể sẽ khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng, các quốc gia trong khu vực rất quan ngại khi có sự xuất hiện thường xuyên của các cường quốc quân sự. Chính vì thế, sự có mặt này làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang, không ngừng hiện đại hóa quân sự để sẵn sàng đáp trả lại hành vi đe dọa đến lợi ích của quốc gia mình. Việc liên minh quân sự riêng của Mỹ hoặc Nhật Bản đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực cũng tìm ẩn nguy cơ gây chia rẽ mất đoàn kết. Khối các quốc gia trong khu vực Biển Đông có nguy cơ chia thành hai nhóm, một nhóm thì chấp nhận liên minh quân sự với Mỹ hoặc Nhật Bản và một nhóm còn lại là các quốc gia không chấp nhận liên minh quân sự với Mỹ hoặc Nhật Bản hay với bất kỳ quốc gia nào khác. Vô hình trung, một số quốc gia trong tranh chấp sẽ trở nên yếu thế hơn nếu như quốc gia đang có tranh chấp với mình liên minh với một quốc gia khác để gia tăng sức mạnh quânsự. Việc các quốc gia này đẩy mạnh việc mua bán vũ khí tuy nhằm đạt được mục tiêu kinh tế nhưng chính nó cũng tiềm ẩn khả năng gây bất ổn khu vực, rất dễ rơi vào tình trạng chạy đua vũ trang gây đe dọa đến an ninh khu vực và thếgiới
Đà Nẵng trưng bày tàu cá
bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Biển Đông
Một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị tàu sắt Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa được đưa đến Nhà trưng bày Hoàng Sa sau 5 năm lai dắt về bờ.
Truyền thông trong nước vào ngày 29 tháng 5 cho biết tàu cá có số hiệu ĐNa 90152TS, do ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa hiến tặng cho thành phố Đà Nẵng được đặt tại mặt tiền đường Hoàng Sa, thuộc khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa, ở quận Sơn Trà.
Vào ngày 26/05/14, chiếc tàu cá này bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp ở ngư trường Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền khiến10 ngư dân trên tàu bị hất văng xuống biển. Các ngư dân Việt đến ứng cứu còn bị phía tàu sắt Trung Quốc gây cản trở.
Chủ nhân của tàu cá, bà Huỳnh Thị Như Hoa quyết định tặng cho Chính quyền thành phố Đà Nẵng chiếc tàu còn nguyên dấu tích bị đâm phía mạn trái với những thớ gỗ bị xé toang như là một chứng tích lịch sử tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ, được báo giới trích lời cho biết theo thiết kế ban đầu của Nhà trưng bày Hoàng Sa là không có hạng mục trưng bày tàu cá, tuy nhiên chiếc tàu cá này bị tông chìm vào thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong lãnh hải Việt Nam nên tàu cá này được quyết định cho trưng bày với mục đích như là một hiện vật để nhắc nhở các thế hệ người Việt rằng quần đảo Hoàng Sa đang bị cưỡng chiếm trái phép.
Truyền thông trong nước cũng cho biết bà Huỳnh Thị Như Hoa đã làm thủ tục khởi kiện tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá của bà, thế nhưng vụ kiện vẫn chưa được thực hiện vì nhiều lý do, nhưng không nói rõ lý do là gì.
Trung Quốc và Việt Nam hiện đang có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974.
Nhận xét
Đăng nhận xét