TQ không phải là nguồn gốc của các vấn đề kinh tế của Mỹ
Trung Quốc là một nước cố cải thiện mức sống người dân thông qua việc giáo dục, đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện công nghệ, theo quan điểm của giáo sư Jeffery Sachs được đăng trên CNN.
Theo CNN, Trung Quốc đang làm những điều mà bất kì quốc gia nào trên thế giới cũng sẽ làm khi đối diện với hiện thực lịch sử rằng, nước này đã từng nghèo khó và tụt hậu rất xa so với các cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, hiện chính quyền ông Trump đang nỗ lực ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. Điều này có thể sẽ là thảm họa với cả Mỹ và toàn thế giới.
Trung Quốc ngày nay đang bị đem ra làm “vật tế” cho sự bất công đang ngày càng dâng cao tại Mỹ. Trong khi các mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung vẫn mang lại lợi ích cho cả hai bên trong suốt nhiều năm qua, một số người lao động Mỹ đã bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những công nhân nhà máy ở vùng trung tây nước Mỹ, những người phải đối diện với sự cạnh tranh từ lực lượng nhân công giá rẻ nhưng có hiệu suất ngày càng cao tới từ Trung Quốc.
Thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc vì sự cạnh tranh rất bình thường trên thị trường lao động, Mỹ nên đánh thuế các khoản lợi nhuận khổng lồ của các công ty đa quốc gia và dùng các khoản tiền này để giúp tầng lớp người lao động phổ thông, xây dựng lại các hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, quảng bá các kĩ năng nghề nghiệp mới và đầu tư vào các ngành khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần phải hiểu rằng, Trung Quốc chỉ đang muốn bù đắp lại khoảng thời gian bị tụt hậu vì những lí do về địa chính trị và các thất bại kinh tế khác. Dưới đây là một số mốc thời gian để hiểu thêm về hoạt động phát triển kinh tế của Bắc Kinh trong suốt 40 năm qua.
Trong những năm cuối thế kỉ 19, Trung Quốc đã thua kém một nước Nhật Bản có nền công nghiệp đang nổi lên, đồng thời phải nhượng bộ trong những thỏa thuận thương mại bất công của châu Âu và Mỹ. Tiếp đó, nhà Thanh ở Trung Quốc sụp đổ vào năm 1911, đẩy Trung Quốc vào thời kì nội chiến.
Ngay sau đó là một loạt những sự kiện lớn khác như: kết thúc Thế Chiến 2, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, Kế hoạch Đại nhảy vọt những năm 1950, Cách mạng Văn hóa kéo dài cho tới năm 1977.
Vì vậy, Trung Quốc chỉ bắt đầu phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện các cải cách kinh tế toàn diện. Và dù Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong bốn thập kỉ trở lại đây, thì những di sản của suốt một thế kỷ nghèo đói, bất ổn, bị xâm chiếm và các mối đe dọa từ nước ngoài vẫn hiện hữu rất rõ ràng.
Hiện nay, dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng người dân vẫn chưa “thoát nghèo”. Năm 1980, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 2,5% Mỹ. Tới năm 2018, con số này mới chỉ đạt 15,3% so với Mỹ. Xét GDP qua sức mua tương đương, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của Trung Quốc vẫn chỉ cao hơn mức 28,9% so với Mỹ.
Trung Quốc đã phát triển theo hướng khá giống Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Đứng về góc nhìn kinh tế, Trung Quốc không có động thái nào khác thường so với những quốc gia mong muốn trở nên giàu có khác. Việc phát triển công nghệ là một trong những yếu tố then chốt nhất.
Các quốc gia bị thua kém về công nghệ có nhiều cách để cải thiện mình thông qua việc nghiên cứu, mô phỏng, mua công nghệ, hợp nhất, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài, và cả sao chép. Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, luôn luôn có những cuộc chiến không ngừng trong mảng sở hữu trí tuệ.
Điều đó cũng đúng với cả các công ty Mỹ hiện nay, và cuộc cạnh tranh đơn thuần là một phần thuộc hệ thống kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo công nghệ biết rằng, họ không thể dẫn đầu khi chỉ dựa vào việc bảo vệ tài sản trí tuệ, mà phải thông qua những đổi mới và phát triển.
Ví dụ, trong những năm đầu thế kỉ 19, Mỹ đã không ngừng áp dụng công nghệ của Anh và còn tuyển dụng những nhà khoa học tài năng từ nước ngoài. Và khi bất kỳ quốc gia nào muốn thu hẹp khoảng cách công nghệ, họ sẽ tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài. Chẳng hạn, chương trình tên lửa đạn đạo của Mỹ đã được tạo dựng nhờ các chuyên gia Đức sau Thế chiến 2.
Nếu Trung Quốc có ít dân số hơn, ví dụ như dân số chỉ ngang mức Hàn Quốc, với hơn 50 triệu dân, thì có thể Trung Quốc đã được Mỹ khen ngợi là một tấm gương vĩ đại trong việc phát triển kinh tế. Nhưng vì nước này quá lớn nên đã trở thành một sự cạnh tranh với Mỹ. Vì dân số Mỹ cũng chỉ chiếm 4,2% dân số thế giới và ít hơn 25% so với dân số Trung Quốc.
Thương mại với Trung Quốc giúp Mỹ có được những hàng hóa chi phí thấp và ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao. Điều này cũng gây ra tình trạng thất nghiệp ở một số ngành sản xuất cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Đây là nguyên tắc của ngành thương mại. Việc cáo buộc Trung Quốc giao dịch bất công là sai, bởi rất nhiều công ty Mỹ đã thu về lợi nhuận nhờ việc sản xuất ở Trung Quốc hoặc xuất khẩu hàng hóa sang nước này,.
Cuộc chiến thực sự của Washington không phải là với Trung Quốc, mà phải là với những tập đoàn khổng lồ của Mỹ. Có nhiều tập đoàn thu lợi nhuận lớn nhưng không trả cho nhân công mức lương phù hợp. Các lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ luôn thúc đẩy việc cắt giảm thuế và tăng quyền lực độc quyền mọi thứ cần thiết để mang lại nhiều lợi nhuận hơn, trong khi từ chối các chính sách giúp xã hội Mỹ công bằng hơn.
Ông Trump đang tấn công thương mại Trung Quốc dữ dội và tin rằng Trung Quốc sẽ cúi đầu trước phương Tây. Mỹ đang tìm cách ép buộc những công ty Trung Quốc thành công như Huawei bằng cách thay đổi đột ngột và đơn phương luật thương mại quốc tế.
Theo quan điểm của giáo sư Jeffery Sachs trong bài viết được đăng trên CNN, trừ khi có những sự thay đổi tỉnh táo, nếu không Mỹ có thể sẽ bị lôi vào vòng xoáy xung đột với Trung Quốc, đầu tiên là về kinh tế, sau đó sẽ tới địa chính trị, quân sự, và cuối cùng là thảm họa cho tất cả. Sẽ không ai chiến thắng trong một cuộc xung đột như vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét