Trump và Abe, hai nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế

mediaThủ tướng Nhật Shinzo Abe (P) tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump tại nhà khách chính phủ, Tokyo ngày 27/05/2019.U.S. President Donald Trump meets with Japanese Prime Minister S
Chỉ bốn tuần trước thượng đỉnh G20 Osaka –Nhật Bản, tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân công du xứ hoa anh đào. Nếu như Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Tokyo, ngược lại toàn bộ an ninh của Nhật Bản đều được đặt trong tay Hoa Kỳ. Sự vồn vã của Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên khiến Tokyo nửa mừng, nửa lo.
Tổng thống Donald Trump là nguyên thủ quốc tế đầu tiên được tân Nhật hoàng long trọng tiếp đón. Đây là một sự trọng thị đặc biệt mà hoàng gia Nhật chỉ dành riêng cho chủ nhân Nhà Trắng.
Trước Tokyo, từ Bắc Kinh đến Paris, Luân Đôn đều đã trải thảm đỏ đón nguyên thủ Mỹ, biết tổng thống Donald Trump thích được tâng bốc và đều xem đó là một ngôn ngữ để nói chuyện riêng với Donald Trump. Nhưng tất cả đều đã thất bại. Tổng thống Hoa Kỳ vẫn mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và đã không để Pháp thuyết phục ở lại trong hiệp định hạt nhân với Iran. Dù là Luân Đôn đồng minh thân thiết nhất Washington tại châu Âu, nhưng nguyên thủ Mỹ không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích chính quyền Anh ngay cả trên một số hồ sơ nội bộ của nước này.
Với Nhật Bản, từ khi tổng thống Trump nhậm chức tháng 1/2017, thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo thường xuyên lui tới phòng Bầu Dục hơn cả. Lần này là chuyến công du Nhật Bản lần thứ nhì của nguyên thủ Mỹ. Chưa kể là đến cuối tháng 6/2019, ông sẽ trở lại Nhật dự thượng đỉnh G20 Osaka.
Báo chí quốc tế nói đến một "mối quan hệ đặc biệt" giữa Donald Trump và Shinzo Abe. Điều đó không cấm cản tổng thống Hoa Kỳ vẫn đe dọa áp thuế vào xe hơi, thép và nhôm của Nhật bán sang Hoa Kỳ. Donald Trump không từ bỏ mục đích thu hẹp thâm hụt thương mại 70 tỷ đô la một năm của Mỹ với Nhật Bản. Về chiến lược, Tokyo đang lo ngại trước thái độ quá vồn vã của Donald Trump với Kim Jong Un nhất là sau thượng đỉnh Singapore 2018.
Về phía thủ tướng Nhật, Shinzo Abe liên tục chứng tỏ là một người bạn tốt với Donald Trump. Thậm chí ông là một trong hai nhà lãnh đạo trên thế giới đánh giá tổng thống Hoa Kỳ xứng đáng được đề cử tranh giải Nobel Hòa Bình, vì những nỗ lực giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Câu hỏi đặt ra là thủ tướng Nhật Bản đang tính toán những gì và liệu rằng, chiến thuật tâng bốc Donald Trump của ông có đem lại kết quả mong muốn hay không ? RFI Pháp ngữ đặt câu hỏi với chuyên gia Guibourg Delamotte, giảng dậy tại Học Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông, INALCO của Pháp.
Trước hết bà đánh giá về cách cư xử của thủ tướng Shinzo Abe với tổng thống Mỹ, Donald Trump :
Guibourg Delamotte : "Chắc chắn là Donald Trump cảm kích về mối quan tâm mà Shinzo Abe đã dành cho ông ngay từ đầu. Khác với châu Âu, Nhật Bản đã không xem thường Trump và nhờ đó Tokyo ghi được một điểm hết sức quan trọng trong mắt Donald Trump. Hơn nữa tôi thực sự nhận thấy có một sự tôn trọng nào đó giữa hai người mặc dù là họ xuất thân từ hai môi trường rất khác nhau. Câu hỏi đặt ra là chiến thuật đó của ông Abe có hiệu quả hay không, chúng ta phải nhìn nhận rằng hiện đang có nhiều hồ sơ gây bất đồng và đừng quên rằng Donald Trump không ngần ngại gì khi áp thuế nhắm vào kim loại của Nhật".
Ngay khi đặt chân đến Nhật Bản bắt đầu chuyến công du bốn ngày, tổng thống Mỹ đã tuyên bố ông muốn Mỹ Nhật có một mối quan hệ mậu dịch "công bằng" ?
Guibourg Delamotte : Đúng như vậy. Donald Trump chưa bao giờ đổi ý trên hồ sơ này. Ông ấy luôn trăn trở vì khoản nhập siêu 70 tỷ đô la của Mỹ với bạn hàng Nhật Bản. Tổng thống Hoa Kỳ cũng muốn bảo vệ công việc làm cho người Mỹ trên đất Mỹ. Cần chú ý rằng, Donald Trump là một doanh nhân, ông chủ trương đàm phán song phương để buộc Nhật Bản nhượng bộ. Ngược lại, thủ tướng Abe lại chủ trương đàm phán đa phương, điển hình là qua Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương đã được hoàn tất dưới thời tổng thống Obama. Nhưng rồi khi lên cầm quyền, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định đa phương này và đòi đàm phán lại từ đầu".
Chỉ riêng về thương mại, hai hồ sơ gây tranh cãi giữa Mỹ và Nhật Bản là công nghệ xe hơi và nông nghiệp. Washington vẫn đang đe dọa đánh thuế xe hơi Nhật và đây là điều mà Tokyo muốn tránh bằng mọi giá ?
Guibourg Delamotte : Vâng, đương nhiên. Mỹ là thị trường lớn nhất để xuất khẩu xe Nhật. Nếu như Washington tăng thuế thì giá thành sẽ bị đẩy lên, và như vậy xe Nhật sẽ đắt hơn đối với người tiêu dùng ở Mỹ, xe Nhật mất đi lợi thế cạnh tranh. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ sụt giảm. Tuy nhiên tháng 9 năm ngoái đôi bên đã bắt đầu dàn xếp với nhau, đã đưa ra một nền tảng để từ đó bắt đầu đàm phán. Theo thỏa thuận này, Tokyo và Washington đồng ý thu hẹp thâm hụt mậu dịch của Mỹ; Nhật Bản cam kết bảo vệ công việc làm cho người Mỹ. Đổi lại Washington chấp nhận để cho Nhật bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp, không cam kết nhiều với phía Mỹ so với những gì đã quy định trong thỏa thuận TPP mà Mỹ đã rút lui, hay là so với hiệp định tự do thương mại giữa Nhật với Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ là sớm hay muôn, thì đôi bên sẽ đạt được đồng thuận trên cả hai lĩnh vực này. Bởi vì Trump và Abe cần lẫn nhau, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược. Đặc biệt là trong nhãn quan của ông Trump, ông Abe luôn bày tỏ thiện trí hơn những đối tác khác rất nhiều.
Nhưng về mặt chiến lược, Iran và Bắc Triều Tiên hiện là hai điểm nhậy cảm của trục Washington –Tokyo ?
Guibourg Delamotte : Trước hết về Iran, cho đến nay, lập trường của Nhật gần với châu Âu hơn là với Mỹ, bởi vì Tokyo vốn có nhiều mối quan hệ làm ăn với Teheran. Nhật cũng mong Hoa Kỳ chóng xóa bỏ cấm vận Iran. Nhưng có ít khả năng là Shinzo Abe đương đầu với Donald Trump về hồ sơ này nhất là sau khi Nhật Bản trông thấy những nỗ lực của châu Âu đã không đi đến đâu. Tôi hoàn toàn tin tưởng là Tokyo sẽ có cùng quan điểm với Mỹ về hạt nhân Iran. Rủi ro đặt ra ở đây đối với Nhật, là Trump luôn dùng đòn vừa dụ, vừa dọa và ông hoàn toàn có thể đổi thái độ với Iran nếu chính quyền Teheran có một số nhượng bộ nào đó. Hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên phức tạp hơn. Nhật Bản từ trước tới nay vẫn chủ trương giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách toàn diện và không thể đảo ngược – Đây cũng là lập trường của Mỹ. Nhưng sự vồn vã của Donald Trump với Kim Jong Un khiến Tokyo hoang mang. Thêm vào đó, ở Washington ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng, Mỹ không nên có thái độ triệt để như vậy mà hãy lôi kéo Bắc Triều Tiên về phía mình, qua đó tăng cường kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thay đổi về hồ sơ Bắc Triều Tiên này của Mỹ không phù hợp với quan điểm của Nhật. Tokyo không muốn có những giải pháp nửa vời, hay là Washington có một số nhượng bộ với Bình Nhưỡng. Bởi đây là bước đầu để phá hủy luôn cả hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?