Trung - Ấn và cuộc đua căn cứ quân sự ở nước ngoài
Có lẽ đã qua thời Ấn Độ đóng vai trò như “người bảo vệ” duy nhất ở Ấn Độ Dương khi Trung Quốc đang vươn mình ngày một xa hơn với sự hiện diện của các căn cứ quân sự. Trong cuộc đua này, ai sẽ là người đi xa hơn?
Ảnh vệ tinh mới nhất về căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti.
Xuất phát từ lợi ích chiến lược
Trong báo cáo thường niên của Quốc hội Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc công bố tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong đó có Pakistan.
Theo ông C. Raja Mohan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học quốc gia Singapore, điều này không khiến Ấn Độ bất ngờ bởi lẽ New Delhi cũng đang theo dõi sát quá trình Bắc Kinh mở rộng hiện diện quân sự ở vùng tiểu lục địa này và xa hơn là ở khu vực Ấn Độ Dương.
Có thể nhận thấy, cho đến nay, trong chiến lược với Trung Quốc, Ấn Độ tập trung chính vào 3 mục tiêu:
Thứ nhất là chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở những nước láng giềng gần sát mình;
Thứ hai là tăng cường quan hệ quân sự với bạn bè và đối tác để cân bằng với Trung Quốc; thứ ba là tìm kiếm sự hiện diện quân sự ở nước ngoài như những gì Bắc Kinh đang làm.
Đầu năm 2018, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận 20 năm về việc xây dựng và sử dụng căn cứ quân sự trên đảo quốc Seychelles thuộc Ấn Độ Dương. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc đưa vào sử dụng căn cứ hải ngoại đầu tiên của nước này ở Djibouti năm 2017.
Cuộc chạy đua căn cứ quân sự ở nước ngoài giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng trở nên rõ ràng. Hiện nay, hai nước bắt đầu nhìn nhận vấn đề căn cứ quân sự ở nước ngoài không phải qua lăng kính ý thức hệ mà là thông qua các lợi ích an ninh.
Mặc dù Bắc Kinh đang đi trước trong việc tìm kiếm sự hiện diện quân sự ở nước ngoài nhưng New Delhi cũng đang bám sát và gấp rút hành động để bắt kịp đối thủ.
Mô típ của Bắc Kinh
Thế và lực của hai nước đã khác nhiều so với những giai đoạn trước của lịch sử, Trung Quốc đã là một cường quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy với những bước đi vững chắc. Quan điểm của họ về việc thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài cũng có sự thay đổi chiến lược.
Đối với Trung Quốc, khi các lợi ích kinh tế bắt đầu lan tỏa ra toàn cầu, Bắc Kinh sẽ cố gắng đảm bảo những lợi ích đó thông qua các căn cứ quân sự của riêng mình. Không chỉ Trung Quốc, bất kỳ cường quốc nào cũng làm như vậy.
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (quy mô GDP 13.000 tỷ USD) và có ngân sách quốc phòng thường niên cũng lớn thứ 2 thế giới (ở mức 250 tỷ USD), Trung Quốc có cả động cơ và phương tiện để thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Chiến lược của Bắc Kinh dường như đi theo mô típ "quân sự đi sau kinh tế".
Trong các báo cáo của Lầu Năm Góc nhiều lần nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc thúc đẩy các dự án như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có thể sẽ kéo theo việc thiết lập sự hiện diện quân sự ở nước ngoài dựa trên nhu cầu thấy rõ là đảm bảo an ninh cho các dự án BRI.
Trong thập niên qua, truyền thông Trung Quốc và Quân giải phóng nhân dân (PLA) đã công khai thảo luận về sự cần thiết của các căn cứ quân sự ở nước ngoài cũng như những thách thức tiềm tàng trong quá trình tìm kiếm và duy trì các cơ sở đó.
Kết quả là Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở Djibouti năm 2017 và có thể nhiều hơn nữa trong tương lai.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhận định "Trung Quốc sẽ tìm cách thiết lập thêm các căn cứ quân sự ở những nước có quan hệ truyền thống hữu nghị với Bắc Kinh và những lợi ích chiến lược tương đồng". Không ngạc nhiên khi Pakistan đáp ứng hoàn hảo các tiêu chí này.
Lầu Năm Góc lưu ý rằng Pakistan có tiền lệ cho nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ của mình. Islamabad rõ ràng là đối tác chính trị và quân sự thân cận nhất của Trung Quốc.
Mặc dù không có căn cứ chính thức nào, Trung Quốc đang từng bước tích hợp Pakistan vào chiến lược quân sự và các hoạt động của mình.
Cách xoay xở của New Delhi
Đối với Ấn Độ, khi cả Pakistan và Trung Quốc đã cùng đồng lòng quyết tâm hạn chế sức mạnh của New Delhi thì nước này khó có thể ngăn cản được Bắc Kinh làm điều họ muốn.
Do đó, Ấn Độ chỉ còn lựa chọn duy nhất là đối phó với điều này. Kịch bản các tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc sớm neo đậu thường xuyên ở các cảng Karachi hay Gwadar của Pakistan chắc chắn sẽ là một phần trong quá trình hoạch định quân sự của Ấn Độ trong tương lai.
Ở những nơi khác mà Ấn Độ có ảnh hưởng chính trị như Sri Lanka hay Maldives, New Delhi trên thực tế đã nỗ lực cạnh tranh và hạn chế tính chất cũng như quy mô của các hoạt động quân sự của Bắc Kinh.
Có lẽ, đã qua thời Ấn Độ đóng vai trò như “người bảo vệ” duy nhất ở Ấn Độ Dương, New Delhi ngày nay đang thúc đẩy khả năng phối hợp hoạt động của lực lượng vũ trang với các quốc gia bạn bè và đối tác.
Sau thời gian dài do dự, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận với Mỹ và Pháp về sử dụng căn cứ quân sự của nhau trong thời bình. Và việc New Delhi ký những văn kiện tương tự với các cường quốc khác như Nhật Bản và Australia sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang tìm cách tiếp cận các cơ sở quân sự ở một số nước theo một logic giống với Trung Quốc.
Nền kinh tế đang tăng trưởng và toàn cầu hóa của Ấn Độ đã đạt gần 3.000 tỷ USD và tham vọng chính trị của nước này là mở rộng quy mô GDP lên 5.000 tỷ USD trong 5 năm tới.
Các vấn đề cấp bách về an ninh của New Delhi đã không chỉ giới hạn ở các đường biên giới của họ nữa, và New Delhi cần bảo vệ các lợi ích đang mở rộng của mình bằng sự hiện diện quân sự ở nước ngoài và thiết lập các cấu trúc có tính tổ chức để thực hiện điều đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét