Đối thoại Shangri-La: Vì sao sau 8 năm, Bộ trưởng Quốc phòng TQ bất ngờ tái xuất giữa lúc Bắc Kinh đang "ngồi trên lửa"?
Thạc sỹ Lục Minh Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) |
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên sau 8 năm. Ảnh: Defense News
Trung Quốc để ngỏ diễn đàn Shangri-La từ 2011 đến 2018 có thể hiểu là một sự "lảng tránh" nghĩa vụ giải thích khi chính họ gây ra những căng thẳng ở Biển Đông.
Động thái bước ngoặt của Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La năm nay được cho là một động thái mang tính bước ngoặt của chính phủ Trung Quốc sau 8 năm chấp nhận "để ngỏ" cánh cửa đối thoại cấp Bộ trưởng tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á.
Trên thực tế, việc Trung Quốc "để ngỏ" cơ hội đối thoại cấp Bộ trưởng tại một diễn đàn đối thoại liên chính phủ như Shangri-La gần một thập kỷ (từ 2011 đến 2018) có thể hiểu là một sự "lảng tránh" nghĩa vụ giải thích khi chính họ là chủ thể tạo ra những căng thẳng tại Biển Đông bằng chuỗi hành động vi phạm luật pháp quốc tế và gặp phản ứng gay gắt từ cả dư luận khu vực quốc tế và khu vực.
Cụ thể, đó là các hành động vi phạm trong các năm 2011 (cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh của Tập đoàn PVN trong vùng EEZ của Việt Nam), 2012 (phong toả bãi cạn Scarborough của Philippines), 2014 (đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), 2016 (bác bỏ Phán quyết chung thẩm của Toà Trọng tài Biển Đông do Philippines khởi đơn kiện)...
Nói cách khác, trước những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, Trung Quốc buộc phải "giảm thiểu" phản ứng bất lợi từ dư luận quốc tế đến chính phủ Trung ương ở các Diễn đàn Đối thoại quan trọng như Shangri-La, và chỉ cử các phái đoàn học giả hoặc cán bộ cấp thấp hơn tham dự để "chống chịu" búa rìu từ mọi phía. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc chấp nhận "bỏ ngỏ" tạm thời cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Shangri-La, "nhường" sân cho Mỹ thể hiện lý luận về vai trò của siêu cường này.
Dĩ nhiên, phía Trung Quốc cũng đã "dự phòng" bằng việc thiết lập Diễn đàn Hương Sơn (từ năm 2006) và cũng mặc sức duy trì đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng tại thiết chế này với chương trình nghị sự hoàn toàn có lợi cho các lý luận của mình nhằm cân bằng ảnh hưởng và hoá giải các quan điểm tiêu cực thường niên từ Shangri-La. Tuy nhiên, với các quan điểm phê phán một chiều và sự thao túng dư luận quá rõ của Trung Quốc ở Diễn đàn Hương Sơn, uy tín của cơ chế này ngày càng tụt dốc, nên khả năng "đối trọng" với Đối thoại Shangri-La cũng dần mất đi hiệu quả.
Do đó, sự xuất hiện của ông Nguỵ Phượng Hoà tại Shangri-La lần này cho thấy hai xu hướng mới trong đối ngoại quốc phòng của Trung Quốc: Một là, Trung Quốc nhận ra không thể cứ sử dụng các chương trình nghị sự được thao túng ở "sân nhà" (như Diễn đàn Hương Sơn) để đối trọng dư luận quốc tế (như Đối thoại Shangri-La); và Hai là, chính phủ Trung Quốc cảm thấy không thể né tránh việc đối đầu trực tiếp về đối thoại quốc phòng tại "sân khách" nếu không muốn đối thủ của họ là chính phủ Mỹ có thêm thắng lợi trên mặt trận thông tin - tuyên truyền, mà ở đây là trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Những thiệt hại về thương mại hiện nay mà Trung Quốc gánh phải, thực tế cũng xuất phát từ các yếu điểm của họ trên mặt trận tuyên truyền chính sách đầu tư, khiến cho phía Mỹ có cơ hội khai thác và thu hút được dư luận hiệu quả hơn, từ đó thu hút được các bên tham gia ủng hộ nhiều hơn về phía Mỹ, từng bước định hình xu hướng cô lập đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Như vậy, sự tham gia cùng lúc của cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần này tại Đối thoại Shangri-La cho thấy phía Trung Quốc là nhằm mục tiêu "gỡ lại" những uy tín đã mất tại Diễn đàn này trong một bối cảnh Trung Quốc không thể để phía Mỹ giành thêm thị phần trên mặt trận thông tin - mặt trận nền tảng giúp xây dựng niềm tin với mọi đối tác truyền thống lẫn phi truyền thống.
Mục đích của Mỹ và Trung Quốc tại Shangri-La
Để phân tích mục tiêu chính của hai phía Mỹ và Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La sắp tới, trước mắt cần phải định hình phương thức hoạt động của cả hai bên trên mặt trận thông tin.
Trước hết, chính phủ Mỹ thường có truyền thống "đa phương đối thoại" để tạo ra các xu thế mới cho cả khu vực, sau đó mới tiến hành "song phương thực thi" theo kiểu "thuận nước đẩy thuyền", đưa các nước nhỏ vào quỹ đạo theo hướng tối đa hoá lợi ích cho phía Mỹ. Nên nhiệm vụ của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trong bài phát biểu vào ngày 1/6 sắp tới là nhằm củng cố các luận điểm về vai trò "kiến tạo hoà bình" và hướng đến "xác lập một trật tự an ninh bền vững mới" trong khu vực, hay còn gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của nước Mỹ .
Chiến lược mới của ông P. Shanahan có thể sẽ (i) mở rộng hơn 4 tiêu chí hợp tác quốc phòng song phương của Mỹ (hợp tác hướng biển, tăng cường tương tác, thực thi luật quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân) với các đối tác trong khu vực mà bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Matties đã công bố tại Shangri-La 2018; đồng thời (ii) công bố chuỗi biện pháp mới nhằm ngăn chặn các hành động của dân quân biển và "đội quân phức hợp" của Trung Quốc trên Biển Đông (như Đạo luật Cấm vận Biển Đông và Biển Hoa Đông đang được Quốc hội Mỹ thảo luận là một cách tiếp cận) để củng cố niềm tin của các đối tác khu vực trong tiến trình ngăn chặn các động thái "xâm lấn vùng xám" của Trung Quốc và (iii) gia tăng các thành viên chủ chốt trong trật tự an ninh mới của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bên cạnh khối Đồng minh Tứ cường (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc) là ASEAN, Anh và Pháp (theo lời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong buổi họp báo chung với Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 27/5 vừa qua).
Trong khi đó, phía Trung Quốc lại có cách tiếp cận đặc trưng với quy trình ngược lại so với Mỹ: "song phương đối thoại" để lôi kéo từng bên vào quỹ đạo, sau đó mới "đa phương thực thi" để khẳng định xu thế không đối nghịch với các lợi ích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, như đã phân tích, vai trò của ông Nguỵ Phượng Hoà tại Shangri-La lần này khả năng cao chỉ là để "giảm thiểu" ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận do phía Mỹ tạo nên, đồng thời cung cấp thêm quan điểm đối trọng từ phía Trung Quốc để hoá giải và gỡ gạc uy tín của nước này trong bối cảnh đang bị thiệt hại nặng nề từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nói cách khác, Trung Quốc hiện nay không thể thua thiệt hơn nữa về mặt dư luận, nên sự xuất hiện của ông Nguỵ Phượng Hoà chính là một trong những "chốt chặn" quan trọng chính phủ nước này trên mặt trận thông tin nửa cuối năm 2019.
http://soha.vn/doi-thoai-shangri-la-vi-sao-sau-8-nam-bo-truong-quoc-phong-tq-bat-ngo-tai-xuat-giua-luc-bac-kinh-dang-ngoi-tren-lua-20190530001247449.htm
theo Trí Thức Trẻ
Đọc thêm về:
Biển Đông nóng lên trước Đối thoại Shangri-La
16.9k lượt xemMỹ củng cố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
519 lượt xemBQP Mỹ: TQ sẽ lợi dụng Vành đai-Con đường để "rải căn cứ quân sự" khắp thế giới
7.1k lượt xem
Nhận xét
Đăng nhận xét