Bản chất thực sự của TQ khi tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 trái phép vào vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam


Xung quanh mục đích, ý đồ và bản chất thực sự của TQ khi tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 trái phép vào vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam những ngày qua, giới chuyên gia các nước cho rằng tất cả đều bắt nguồn và phục vụ chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Căn cứ pháp lý rõ ràng của Việt Namđã được quốc tế thừa nhận
Từ sau năm 1988, Trung Quốc, một mặt san lấp, xây dựng phi pháp để biến 7 thực thể địa lý ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ đánh chiếm thành các đảo nhân tạo rất lớn, đủ để bố trí thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại. Mặt khác, họ tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012...
Đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, bãi Cỏ Rong ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý. Gần đây nhất, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Namở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Tại sao Việt Nam khẳng định đó là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của mình trong khi Trung Quốc lại ngụy biện rằng khu vực mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đang hoạt động lại nằm trong phạm vi cái gọi là “vùng nước quần đảo Nam Sa (tên gọi phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam- TN)”? Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS, luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016, chúng tôi đánh giá lời khẳng định của Việt Nam có căn cứ pháp lý rõ ràng. Khu vực phía nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo UNCLOS, nó không thuộc quần đảo Trường Sa và càng không phải vùng tranh chấp.
Hành vi của TQ hoàn toàn trái luật pháp quốc tế
Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong EEZ và thềm lục địa của mình.Việt Nam cũng đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép phi lý này.
Trong khi đó, lập luận “gom” bãi Tư Chính vào cái gọi là “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS, và đặc biệt đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 bác bỏ. Phán quyết nêu rõ không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển bị liệt vào bên trong bản đồ “đường lưỡi bò” và không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Nam Sa” để biện minh cho hành động của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển bãi Tư Chính.
Khi phát hiện những hoạt động phi pháp của nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8, về đấu tranh ngoại giao, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Namvì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam cũng đã và đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.
Trong EEZ và thềm lục địa được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.
Các quốc gia khác, có biển và không có biển, có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải; hàng không; quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển...
Những gì đang diễn ra trên Biển Đông, khi Việt Nam phải lên tiếng phản đối hành vi của Trung Quốc, cho thấy việc đảm bảo ổn định tại vùng biển này vẫn rất khó khăn. Còn nhớ, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Shiyou 981 xuống Biển Đông vào năm 2014 đã khiến tình hình phức tạp nghiêm trọng, tổn hại quan hệ Việt - Trung và gây nên nhiều sự cố đáng tiếc.
Sau vụ việc trên, Trung Quốc nhiều lần cam kết cùng Việt Nam kiểm soát các bất đồng trên biển. Thế nhưng, hành động gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông lại đang khiến tình hình xấu đi. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy Việt Nam đã tiến hành phản đối qua nhiều kênh và cách thức khác nhau, trước khi chính thức công bố phản đối.
Bên cạnh những hành động “cơ bắp” mang tính đe dọa, Trung Quốc còn tập trung rất lớn vào khai thác các biện pháp phi quân sự hòng tìm cách kiểm soát Biển Đông. Điển hình như nước này lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học để đưa tàu ngầm, tàu lặn đến khu vực, rồi xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp hướng đến quân sự hóa vùng biển. Hay như việc thành lập các đơn vị hành chính, chức năng quản lý những khu vực ở Biển Đông, ban hành các quy định… cũng để thực hiện mục tiêu trên.
Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tận dụng những chiêu trò này nhằm phục vụ tham vọng kiểm soát Biển Đông mà không gây ra phản ứng quân sự trực tiếp. Trong bối cảnh đó, những nước nhỏ hơn đang có tranh chấp với Trung Quốc chắc chắn cần một chính sách ngoại giao phù hợp với vị thế bất đối xứng cả về kinh tế lẫn quân sự. Vì thế, chính sách đối ngoại cần hạn chế đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Bước đi hữu hiệu sẽ là tăng cường phối hợp cùng những đối tác quốc tế có cùng lợi ích trong việc đảm bảo sự ổn định cho vùng biển trong khu vực. Việc phối hợp không nhất thiết phải hình thành liên minh để đối đầu trực diện với Trung Quốc, mà có thể tận dụng các chương trình hợp tác nhằm tăng “đòn bẩy” để giải quyết các bất đồng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?