Trung Quốc 'vào cuộc' giải quyết bất ổn ở Hong Kong
BBC
29 tháng 7 2019
29 tháng 7 2019
Hong Kong hôm 29/7 mang thêm những vết sẹo mới sau một đêm biểu tình bạo lực với mũ cứng, ô và chai nước vứt bừa bãi ở một số đường phố trung tâm, khi Bắc Kinh chuẩn bị ra tuyên bố về cuộc 'khủng hoảng tồi tệ nhất' tại đây kể từ năm 1997, theo Reuters.
Trong một động thái cực kỳ hiếm hoi, Văn phòng Hong Kong và Ma Cao ở Bắc Kinh, nơi có thẩm quyền cấp nội các đối với thuộc địa cũ của Anh, sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 3:00 giờ chiều, giờ địa phương, về tình trạng bất ổn liên tục tại thuộc địa cũ của Anh này.
Động thái này được đưa ra sau một cuộc đụng độ dữ dội khác vào cuối tuần giữa người biểu tình và cảnh sát. Cảnh sát đã xịt hơi ga và bắn đạn cao su vào đám đông khi cuộc biểu tình trở nên bạo lực.
Cảnh sát hôm Chủ nhật 28/7 đã tìm cách bảo vệ văn phòng đại diện chính của Trung Quốc tại Hong Kong khỏi những người biểu tình vào cuối tuần thứ hai liên tiếp, bằng cách rào chắn các tòa nhà gần trung tâm tài chính.
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ ít nhất 49 người liên quan đến các cuộc biểu tình vào Chủ Nhật vì tội tụ tập trái phép và sở hữu vũ khí tấn công.
Hàng triệu người đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên đường phố chống lại dự luật dẫn độ hiện đang tạm hoãn. Dự luật này cho phép các nghi phạm hình sự ở Hong Kong được gửi đến Trung Quốc và bị xét xử tại các tòa án do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Các cuộc biểu tình bùng nổ tại Hong Kong từ ngày 1/7, là cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hong Kong kể từ khi thành phố này được Anh trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước, và đặt ra thách thức khó khăn nhất cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.
Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 dưới hình thức một quốc gia hai chế độ - hứa hẹn rằng người Hong Kong sẽ được hưởng các quyền tự do mà công dân ở Trung Quốc đại lục không được.
Nhiều người lo sợ Bắc Kinh đang gia tăng tước đoạt các quyền tự do đó.
Những gì bắt đầu như một phong trào phản đối dự luật dẫn độ nay đã phát triển thành các yêu cầu rộng hơn, bao gồm yêu cầu lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức, kêu gọi dân chủ và một cuộc điều tra độc lập về việc cánh sát dùng bạo lực chống lại người biểu tình.
Bà Lam cho đến nay đã từ chối đáp ứng bất cứ yêu cầu nào.
Các cuộc biểu tình đã có lúc làm tê liệt các khu vực tài chính, khiến các văn phòng chính phủ phải đóng cửa và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trên toàn thành phố. Giới chức cũng đã cảnh báo về tác động của tình trạng bất ổn đối với nền kinh tế Hong Kong.
Nhận xét
Đăng nhận xét