Sau ba năm, TQ tiếp tục tuyên truyền phản bác Phán quyết của Tòa Trọng tài
Sau khi Tòa Trọng tài (12/7/2016), Trung Quốc đã tìm mọi cách làm suy yếu giá trị pháp lý của Phán quyết, đồng thời triển khai tổng hợp nhiều biện pháp nhằm biện minh cho các hành động phi pháp trên Biển Đông.
Phản ứng cứng rắn ban đầu
Ngay từ khi Philippin khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2013, Trung Quốc thể hiện lập trường “ba không” đối với vụ kiện của Philippin: không thừa nhận giá trị của phiên tòa, không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và không chấp nhận việc sử dụng kết quả phiên tòa trong đàm phán tranh chấp với các nước.
Sau quá trình tranh tụng của Tòa Trọng tài và khả năng một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc sẽ được đưa ra, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với lập trường Biển Đông của mình.
Ngay trước khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết, Trung Quốc tuyên bố có 60 nước ở châu Phi, châu Âu, Trung Đông, Trung Á ủng hộ lập trường Biển Đông của họ. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, chỉ có 8 quốc gia đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ việc Trung Quốc tẩy chay quá trình xét xử và bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài. Những nước này bao gồm Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Ngoài ra, 5 trong số 60 quốc gia trong danh sách Trung Quốc công bố đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc, trong đó có hai thành viên của Liên minh châu Âu. Theo đánh giá của Euan Graham, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Lowy ở Sydney (Australia), danh sách mà Trung Quốc đưa ra “giống như một liên minh đầy mơ hồ, hoặc chỉ đơn giản là những nước không nắm rõ tình hình, chứ không phải là một khối đồng nhất”.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành một chiến dịch tuyên truyền trên khắp thế giới như liên tục đăng bài viết trên các tạp chí uy tín quốc tế và thuê đăng quảng cáo trên các báo lớn của các nước để bảo vệ lập trường của Trung Quốc, tuyên truyền chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định tôn trọng các nước láng giềng có chung tranh chấp, đổ lỗi cho Philippin, Mỹ và các nước khác là nguồn gốc gây ra căng thẳng ở Biển Đông. Như vậy, các chiến dịch vận động và tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy họ lo lắng trước Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ gây ra những bất lợi cho Trung Quốc.
Ngay khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo tuyên bố Phán quyết của Tòa Trọng tài là “vô hiệu” và “không có sự ràng buộc” với Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Phán quyết của Tòa Trọng tài gây “gia tăng căng thẳng” trong khu vực, làm “tổn hại nghiêm trọng” đến hòa bình và ổn định chính trị ở Biển Đông. Trong khi đó, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua mô tả Tòa Trọng tài đã ra “phán quyết yếu kém” về Biển Đông và cho biết Trung Quốc “không chấp nhận và không công nhận” Phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên Phán quyết của Tòa Trọng tài đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. Một ngày sau Phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc công bố Sách trắng với tựa đề “Trung Quốc kiên quyết giải quyết tranh chấp với Philippin ở Biển Đông thông qua đàm phán”, nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc đã “bỏ quên” phán quyết của Tòa Trọng tài
So với trước, trong và ngay sau khi Tòa tuyên bố phán quyết, từ năm 2017 đến nay Bắc Kinh lại triển khai một chiến dịch mới - chiến dịch “bỏ qua tất cả” để tuyên truyền về vụ kiện. Trung Quốc chủ động không đưa tin, không đề cập, không phát biểu, không nhắc đến phán quyết của Tòa trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí giới quan chức Trung Quốc, hay những chuyên gia, học giả theo phe cánh “Diều hâu”, hiếu chiến cũng rất ít khi đề cập về phán quyết. Hành động này của Bắc Kinh chủ yếu là do:
Thứ nhất, Bắc Kinh muốn thể hiện thái độ, lập trường “không tiếp nhận, không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết”; coi phán quyết chỉ là “tờ giấy trắng”, không có giá trị pháp lý, ràng buộc đối với Bắc Kinh.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn định hướng dư luận trong nước, hay nói cách khác, Bắc Kinh đang triển khai chính sách kiểm duyệt thông tin, không muốn để người dân trong nước hiểu rõ bản chất vụ kiện và cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc như thế nào.
Thứ ba, Bắc Kinh tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi “chịu trận” để các nước lên án, chỉ trích mà không đáp trả (trái ngược so với cách hành động, phản ứng của Trung Quốc từ trước đến nay), trong khi Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ cải tạo các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, đưa nhiều loại vũ khí, khí tài sát thương (tên lửa, máy bay chiến đấu, pháo cao xạ…) ra Hoàng Sa, Trường Sa…
Cuối cùng, Bắc Kinh không nhắc đến vụ kiện là muốn để nó dần dần chìm vào quên lãng, vì cho rằng khi mà Trung Quốc không nhắc đến thì có lẽ dần dần cộng đồng quốc tế cũng quên đi, không nhắc đến phán quyết nữa.
Tìm cách làm suy yếu phán quyết
Sau phán quyết, Trung Quốc chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc, trong đó có một số điểm nổi bật như: (1) Tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới các nước láng giềng, các nước hay can thiệp vào vấn đề Biển Đông; (2) Vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. (3) Răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. (4) Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán và đã nhất trí thông qua Khung COC với các nước ASEAN, từ đó tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (5) Trung Quốc chủ động đề xuất cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (3/2017) kêu gọi xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nước ven biển ở Biển Đông, song song với các cơ chế hiện có, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Cơ chế này không liên quan đến giải quyết tranh chấp, mà chủ yếu thúc đẩy hợp tác chuyên ngành.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng câu chữ để đánh lừa dư luận và tránh sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế liên quan phán quyết, cụ thể: (1) Trung Quốc sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; (2) Trung Quốc không gắn “đường chín đoạn” với yêu sách vùng biển và “quyền lịch sử”, song không làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi của các quyền này; (3) Trung Quốc cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.
Sử dụng tổ chức phi chính trị phản bác phán quyết
Hội Luật quốc tế Trung Quốc (15/5/2018) công bố tài liệu “Phê bình phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”, đưa ra các lập luận thiếu cơ sở pháp lý nhằm chỉ trích từng câu, chữ của Phán quyết Trọng tài, đồng thời bao biện cho yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tài liệu lặp lại những lập luận được đưa ra tại “Tài liệu lập trường của Trung Quốc” công bố năm 2014 trong đó cho rằng: (1) Bản chất của vụ kiện do Philippines khởi xướng là các tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Vấn đề chủ quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS nên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết; (2) Cơ chế trọng tài quốc tế cần sự đồng thuận của cả hai phía trong tranh chấp, việc Philippines đơn phương tiến hành khởi kiện là trái với luật quốc tế và vụ kiện không có giá trị với Trung Quốc; (3) Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn giữa hai quốc gia… quy định các bên chỉ sử dụng duy nhất phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Philippines đơn phương khởi kiện là phá vỡ cam kết với Trung Quốc và các nước ASEAN; (4) Giữa Trung Quốc và Philippines chưa có trao đổi cụ thể, thực chất về tranh chấp, vậy nên “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” - một điều kiện tiền đề để vận dụng cơ chế tài phán của UNCLOS - chưa được hoàn thành, do đó Philippines không thể sử dụng biện pháp trọng tài. (5) Vì Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 UNCLOS nên Trung Quốc không phải tham gia vào vụ kiện và không bị ràng buộc vào quyết định của Tòa Trọng tài. Đây là các lập luận cũ, đơn thuần là cách giải thích gượng ép, bó buộc tất cả mọi vấn đề trên biển vào vấn đề chủ quyền nhằm loại bỏ khả năng sử dụng các cơ chế tài phán nhằm làm sáng tỏ tranh chấp và đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ trong phán quyết. Tài liệu trên cũng chỉ trích phán quyết chia tách các vấn đề của tranh chấp Biển Đông bằng cách trích dẫn một cách chắp nối kết luận của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) trong một số vụ việc, nhưng bối cảnh áp dụng của các vụ việc được trích dẫn không có liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Tài Liệu chỉ trích từng kết luận của Tòa Trọng tài dựa trên cách giải thích sai lệch về luật quốc tế đối với quyền lịch sử và quy chế pháp lý của Trường Sa. Đối với quyền lịch sử, Tài liệu vẫn dựa trên cái gọi là thực tiễn trước khi có UNCLOS để khẳng định về sự tồn tại của quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử. Đáng chú ý, Nghiên cứu dẫn lại một loạt các tài liệu về hoạt động của người dân Trung Quốc tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định sự tồn tại của quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, các tài liệu này chủ yếu chỉ dẫn các “bằng chứng” về thực tiễn đánh cá, thu thập sản vật hoặc sinh sống tại Hoàng Sa và Trường Sa, không bao gồm các thực tiễn liên quan đến tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. Từ đó, việc Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử rộng lớn đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển là thiếu cơ sở pháp lý.
Tài liệu cũng cho rằng toàn bộ tất cả các cấu trúc gần Trường Sa được gộp lại thành quần đảo Trường Sa và nó “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Đồng thời, vùng biển của “quần đảo” Trường Sa theo quy định của “tập quán quốc tế”, tương tự quy chế của quốc gia quần đảo, tức là có đường cơ sở bao quanh tất cả các cấu trúc xa nhất của quần đảo và từ đó xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho cả quần đảo. Tài liệu cũng cố tình bỏ qua lịch sử đàm phán UNCLOS, phương án áp dụng đường cơ sở quần đảo cho nhóm đảo xa bờ đã được đề xuất nhưng cuối cùng đã được các nước thành viên trong đó có Trung Quốc nhất trí loại bỏ. Các thực tiễn ít ỏi, thiếu nhất quán và bị phản đối sau khi UNCLOS có hiệu lực không đủ để hình thành một tập quán quốc tế về việc áp dụng đường cơ sở thẳng kiểu quần đảo cho nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa. Từ các lập luận về quyền lịch sử và quy chế của Trường Sa, Tài liệu tiếp tục cho rằng các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là các hoạt động “bảo vệ chủ quyền và thực thi quyền tài phán”. Tuy nhiên, do quyền lịch sử của Trung Quốc bị bác bỏ và các cấu trúc của Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phần lớn Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển, theo đó, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Tài liệu ngụy biện cho rằng Tòa lập luận về hành động gây tổn hại cho hệ sinh thái không đồng nhất với ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, cho rằng hành động của tàu thực thi pháp luật với các tàu của Philippines không vi phạm Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs) mà nhằm trấn áp hành vi vi phạm quyền qua lại không gây hại tại Bãi Cỏ Mây.
Nhìn chung, Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Philippines - Trung Quốc là một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng tế vì nó không chỉ là cuộc chiến pháp lý giữa Philippin và Trung Quốc mà còn có nhiều ý nghĩa và tác động đối với quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Nhìn chung, phản ứng của giới chuyên gia về luật quốc tế và quan hệ quốc tế của nhiều nước và của tổ chức quốc tế đều đánh giá ý nghĩa tích cực Phán quyết của Tòa Trọng tài vì nó góp phần làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn mực về cách mà các nước hành xử trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể được sử dụng như một thông lệ ứng xử trong luật quốc tế cho những vụ kiện trong tương lai, nếu có, vì nó không chỉ góp phần vào việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông mà còn cả với tranh chấp về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới.
Đúng như những gì dự đoán, ba năm sau phán quyết, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những toan tính ở Biển Đông như tiếp tục hoạt động tôn tạo các đảo nhân tạo, kể cả việc bồi đắp bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp chính giữa Trung Quốc và Philippin ở Biển Đông và đưa vũ khí cùng với trang thiết bị quân sự đến các đảo này. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở những vùng biển tranh chấp với các nước trong khu vực, cản trở hoạt động của tàu thuyền các nước trong vùng biển tranh chấp... Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng sự áp đảo của lực lượng hải quân của họ để uy hiếp hoặc đụng độ với các nước có tranh chấp trong khu vực hòng chiếm thêm các thực thể do các nước khác đã chiếm đóng ở Biển Đông.
Nhận xét
Đăng nhận xét