Tin khắp nơi – 31/07/2019
Mỹ đẩy mạnh chiến lược an ninh
vào lúc Trung Quốc làm khu vực lo ngại
Các sự cố gần đây liên quan đến tàu Trung Quốc ở các vùng biển Đông Nam Á đang làm lung lay lòng tin của khu vực về sự thành thật của Bắc Kinh muốn thấy hòa bình trên biển, đồng thời tiếp sức cho nỗ lực của Mỹ đẩy mạnh xây dựng liên minh với các quốc gia không khuất phục trước hành động lấn tới của Trung Quốc.Hành động của Trung Quốc trên các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, kể cả vụ đối đầu tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, sẽ là chủ đề trong nghị trình thảo luận tại hội nghị an ninh giữa các ngoại trưởng ASEAN và đại diện các cường quốc thế giới vào ngày thứ Sáu 2/8.
Trong số các cường quốc đó có Hoa Kỳ, nước đã đề ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thách thức cao vọng bá quyền về hàng hải của Trung Quốc và tìm cách thắt chặt quan hệ với các quốc gia phản kháng lại Bắc Kinh.
“Vai trò của Hoa Kỳ là không thể phủ nhận và rất quan trọng, và họ cần gây thêm áp lực đối với Trung Quốc”, ông Nguyễn Hồng Hải, nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Queensland, Úc, nói.
“Cộng đồng quốc tế cũng cần phải làm điều đó. Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần quốc tế hóa điều đó”, ông Hải nói thêm.
Việc Việt Nam gần đây kêu gọi tập hợp cộng đồng quốc tế là bước đi rời khỏi những phản ứng thận trọng thường thấy của Việt Nam đối với Trung Quốc, nước tìm cách giải quyết các tranh chấp qua con đường song phương.
Theo chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer, việc Trung Quốc gần đây gia tăng các hành vi lấn tới không phải là điều ngẫu nhiên, mà là một phản ứng đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cũng như vì Hoa Ky gia tăng điều động máy bay ném bom và tàu hải quân Hoa Kỳ thực hiện tuần tra ở Biển Đông, nơi có lượng hàng hóa trị giá 3,4 nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm.
Ông Thayer cho rằng Trung Quốc đang tích cực ngăn chặn các nước láng giềng Đông Nam Á tiến hành thăm dò, khai thác các mỏ năng lượng ngoài khơi mà không có sự tham gia của Trung Quốc, đồng thời làm nản lòng các liên doanh nước ngoài.
“Việc Trung Quốc sử dụng ‘chiến thuật vùng xám’ chắc chắn sẽ khiến các quốc gia trong khu vực phải có biện pháp đối phó và chống đối”, ông Thayer đưa ra ý kiến. Theo ông, “Điều này mang lại rủi ro là các cuộc đối đầu trên biển sẽ leo thang”.
Bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Zhao Jianhua, nói hôm 29/7 rằng Trung Quốc cam kết tuân theo luật pháp quốc tế và làm việc tích cực với ASEAN để hình thành bộ quy tắc ứng xử hàng hải trong vòng ba năm tới.
“Từ những bên ở đầu chiến tuyến như Hồng Kông và Đài Loan, cho đến Philippines, Malaysia, Indonesia và chắc chắn là cả Việt Nam nữa – quý vị có thể thấy sự chống đối mạnh mẽ của rất nhiều quốc gia nhỏ hơn”, Richard Heydarian, một tay bút kiêm nhà phân tích thường trú ở Manila, đưa ra nhận định.
“Chắc chắn là Washington có không gian chiến lược đó để mà hành động”, ông Heydarian nói.
https://www.voatiengviet.com/a/my-day-manh-chien-luoc-an-ninh-vao-luc-tq-lam-khu-vuc-lo-ngai/5023117.html
Phản ứng của Mỹ trong vụ TQ đưa tàu
khảo sát trái phép trong vùng thềm lục địa
và đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế và khu vực, đang chú ý nhất trong số đó là phản ứng của Mỹ.Lần đầu tiên Mỹ chính thức coi “các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông là phi pháp”
Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một tuyên bố Mỹ quan ngại về sự can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí ở biển Đông, bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác đã có từ lâu của
Việt Nam. “Các hành động khiêu khích liên tục nhằm vào sự phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên biển đe dọa an ninh năng lượng khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố. “Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng bách và đe dọa của bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên biển nhằm củng cố yêu sách chủ quyền biển hoặc lãnh thổ của họ. Trung Quốc phải chấm dứt lối hành xử bắt nạt và kiềm chế tham gia hoạt động khiêu khích, gây mất ổn định như vậy”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm rằng “bằng cách ngăn việc phát triển ở biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng bách, Trung Quốc ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng có thể khai thác trị giá hơn 2.500 tỷ USD”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng, việc Trung Quốc gia tăng sức ép đối với các thành viên ASEAN để họ chấp nhận các điều khoản có lợi cho Trung Quốc, như hạn chế quyền hợp tác của các quốc gia ASEAN với nước thứ ba hoặc công ty thứ ba, càng bộc lộ rõ ý định của Bắc Kinh trong việc kiểm soát tài nguyên dầu khí ở biển Đông. “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực tranh chấp trên biển Đông, bao gồm sử dụng dân quân biển để đe dọa, cưỡng bách các quốc gia khác, làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
Dư luận chú ý đến nhiều việc Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng từ “Unlawful” (China’s reclamation and militarization of disputed outposts in the SCS, along with other efforts to assert its unlawful SCS maritime claims, including the use of maritime militia to intimidate, coerce, and threaten other nations, undermine the peace and security of the region). Phản ứng của Mỹ đối với các yêu sách chủ quyền và hành động của TQ ở Biển Đông được xem là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, khi lần đầu tiên Mỹ chính thức coi “các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông là phi pháp”.
“Lối hành xử cưỡng bách của TQ đối với các nước láng giềng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”
Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một chính trị gia có vai trò quan trọng hiện nay trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ngày 20/7 cũng đã lên án rằng Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hành xử cưỡng bách đối với các nước Đông Nam Á. “Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng của tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và ASEAN chia sẻ. Lối hành xử cưỡng bách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”, ông Bolton viết trên Twitter.
Tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam. “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngày 19/7.
http://biendong.net/bien-dong/29603-phan-ung-cua-my-trong-vu-tq-dua-tau-khao-sat-trai-phep-trong-vung-them-luc-dia-va-dac-quyen-kinh-te-cua-viet-nam.html
Hội đàm Mỹ-Trung mới
liệu có kết thúc chiến tranh thương mại?
Karishma VaswaniNhà báo mảng kinh doanh ở Châu ÁCác nhà đàm phán thương mại hàng đầu từ Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau lần đầu tiên trong vòng ba tháng trở lại đây vào thứ Ba để thử thực hiện một thỏa thuận, nhưng kỳ vọng vẫn rất thấp.
Dù đã có một thời gian tạm lắng rõ ràng kể từ khi hai bên ngồi xuống và nói chuyện, nhưng vẫn có rất nhiều điều đang ngầm diễn ra.
Giờ chúng ta đã có thêm bằng chứng mới cho thấy cuộc chiến thương mại đang gây tổn hại cho Trung Quốc và Mỹ như thế nào.
Dưới đây là ba điểm nhức nhối giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo thêm một lớp phức tạp khác cho các cuộc đàm phán.
Tàu chiến TQ ‘theo dõi’ diễn tập Mỹ-Úc?
Trump: Mỹ và Trung Quốc đang ‘rất, rất gần’
ASEAN gặp Mỹ: Cơ hội để Việt Nam đòi Trung Quốc ‘xuống thang’?
Campuchia mua nhiều vũ khí Trung Quốc
Về Huawei
Mỹ đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Huawei. Vào tháng 5, Mỹ đã áp lệnh cấm xuất khẩu đối với các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei vì lý do an ninh quốc gia.
Mặc dù điều này không làm tê liệt hoạt động kinh doanh của Huawei, nhưng nó đã làm náo loạn lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới.
Các công ty từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ đều lo lắng về tác động của lệnh cấm đối với các chuỗi cung ứng của họ, vì họ cũng có cần những sản phẩm của Huawei cần có các bộ phận của Hoa Kỳ ở bên trong.
Nhưng bất ngờ vào tháng 6 tại hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ đã làm dịu lập trường của ông đối với Huawei, bằng cách tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ cho phép một số công ty Mỹ bán cho công ty Trung Quốc.
Kể từ đó, có một sự bối rối trong chính quyền Trump về việc công ty nào có thể bán cho Huawei và họ có thể bán sản phẩm gì.
Quay trở lại Bắc Kinh, có một cảm giác rằng động thái này của Tổng thống Trump không phải là củ ‘cà rốt’ (phần thưởng) đối với Trung Quốc và đa phần là vì các công ty công nghệ Mỹ đã vận động hành lang một cách mạnh mẽ và phàn nàn rằng họ đã bị mất đi một khách hàng lớn.
Đối với Trung Quốc, Huawei không chỉ là một hãng doanh nghiệp. Đó là một biểu tượng vô địch quốc gia.
Bắc Kinh coi động thái của Mỹ là một cuộc tấn công không chỉ vào Huawei mà còn vào tham vọng thành công trên trường quốc tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự thay đổi quan điểm rõ ràng của Tổng thống Trump đối với Huawei không có nghĩa là Washington đang để công ty Trung Quốc này thoát.
Nó đã trở thành ‘nhân vật phản diện’ mà Mỹ sử dụng như một biểu tượng cho mọi thứ sai trái với nền kinh tế Trung Quốc, cáo buộc Huawei nhận sự hỗ trợ của Bắc Kinh và liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc – tất cả những gì mà công ty phủ nhận.
Lời hứa: Chiến tranh nông nghiệp
Một trong những điểm rào cản giữa Trung Quốc và Mỹ là nông nghiệp.
Tranh chấp thương mại cho thấy Bắc Kinh nhắm vào người nông dân Mỹ, bao gồm cả những người cung cấp nông sản như thịt, ngũ cốc và đậu nành, để trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Nhưng trong một cử chỉ thiện chí rõ ràng vào cuối tuần, trước cuộc hội đàm, Trung Quốc cho biết họ đã mua vài triệu tấn đậu nành từ Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau tại G20 vào tháng 6.
Bắc Kinh nói thêm rằng họ có thể mua thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.
Việc phía Trung Quốc sẵn sàng mua thêm sẽ được Washington coi là tích cực, giúp làm dịu đi sự nhạy cảm về vấn đề nông nghiệp.
Nhưng nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc các cuộc đàm phán diễn ra như thế nào trong vài ngày tới và mức độ tin cậy có thể được xây dựng giữa hai bên.
Dấu hiệu cảnh báo
Sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc và Mỹ đang ảnh hưởng toàn cầu.
Chỉ trong ba tháng qua, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng dữ liệu cho thấy những vết nứt mới trong nền kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại.
Xuất khẩu từ Trung Quốc và các nước ở châu Á đang suy giảm với tốc độ chóng mặt.
Một phần lý do là do sự chậm lại của Trung Quốc, nhưng lý do khác là cuộc chiến thương mại ngày càng gia tăng.
Nhiều công ty đang trì hoãn các kế hoạch mở rộng vì họ đang phân vân có nên rời khỏi Trung Quốc hay không, điều đó có nghĩa là các nhà máy mới không được xây dựng và các việc làm mới không được tạo ra.
Điều đó dẫn đến những cảnh báo về những rủi ro mà cuộc chiến thương mại này gây ra cho nền kinh tế toàn cầu từ các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
IMF dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm trong năm nay và năm tới, với chiến tranh thương mại là một trong những lý do chính.
Trong khi đó, dữ liệu kinh tế của Mỹ vào thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ít hơn so với năm ngoái.
Các số liệu cho thấy đầu tư thương mại và kinh doanh nước ngoài đã giảm khi Mỹ tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tất cả những điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ và Trung Quốc đi đến một thỏa thuận về thương mại.
Nhưng ba tháng qua các cuộc đàm phán chỉ cho thấy họ ngày càng xa nhau hơn, và các cuộc đàm phán đang ở trong tình trạng thậm chí còn bấp bênh hơn trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49174598
Đàm phán thương mại Mỹ – Trung ở Thượng Hải
thất bại
Thanh HàVòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 12 kết thúc tại Thượng Hải hôm nay, 31/07/2019, nhưng không đạt được kết quả gì. Buổi làm việc giữa phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc sớm hơn dự kiến.
Theo hãng tin Pháp AFP, sau chưa đầy bốn giờ họp kín, hai phái đoàn đã chia tay sớm hơn dự kiến đến 40 phút. Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin, vẻ mặt căng thẳng, đã lập tức ra sân bay, trở về Mỹ, không một lời phát biểu với báo giới về kết quả hai ngày làm việc vừa qua. Trưởng đoàn Trung Quốc, phó thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) cũng không lên tiếng.
Vào lúc đại diện của Bắc Kinh và Washington bắt đầu họp tại Thượng Hải hôm qua, tổng thống Trump qua một loạt tin nhắn trên Twitter đã tố cáo Bắc Kinh bội ước. Ông cho rằng phía Trung Quốc “luôn thay đổi thỏa thuận để có lợi cho họ”, và trái với cam kết, Trung Quốc vẫn chưa gia tăng mua nông phẩm của Hoa Kỳ. Những lời lẽ đó đã gây thêm khó khăn cho phái đoàn Mỹ.
Ông Donald Trump còn cảnh cáo Trung Quốc sẽ lầm to nếu muốn kéo dài thời gian, đợi đến bầu cử tổng thống năm 2020, để hy vọng đạt được một thỏa thuận có lợi hơn.
Báo chí Bắc Kinh đã đồng loạt lên án lời lẽ đao to búa lớn của chủ nhân Nhà Trắng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, họp báo sáng nay lập tức quy trách nhiệm cho phía Mỹ đẩy đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh vào bế tắc.
Các nhà quan sát quốc tế đã không chờ đợi vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Thượng Hải đạt kết quả, nhất là từ khi Donald Trump đòi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới xét lại quy chế “nền kinh tế đang phát triển” mà Trung Quốc đang được hưởng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190731-that-bai-tai-dam-phan-thuong-mai-my-trung-o-thuong-hai
Hoa Kỳ và Trung Cộng
sẽ tiếp tục đàm phán thương mại vào tháng 09
Tin từ Thượng Hải, Trung Cộng – Vào hôm thứ Tư (31/7), các viên chức thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và Trung Cộng đã gặp nhau tại Thượng Hải để tham gia các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài một năm qua, bất chấp những kỳ vọng thấp về tiến triển và những lời nhận xét hiếu chiến từ Tổng thống Trump.Kết quả buổi họp vào ngày thứ Tư chưa được thông báo một cách chi tiết. Nhưng cả hai bên đồng ý tiếp tục đàm phán vào tháng 09 năm nay tại Hoa Thịnh Đốn.
Khi đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin đến trung tâm thương mại của Trung Cộng vào hôm Thứ Ba (30/7), tổng thống Trump đã cáo buộc Bắc Kinh trên Twitter về hành vi câu giờ, và khuyến cáo về một kết quả tồi tệ hơn cho Trung Cộng nếu họ còn tiếp tục làm như vậy.
Các cuộc họp diễn ra khi một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động của nhà máy Trung Cộng đã suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 7. Các áp lực ngày càng gia tăng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải gánh chịu bởi cuộc chiến thương mại.
Vào sáng hôm thứ Tư (31/7), phó Thủ tướng Lưu Hạc đã gặp gỡ và bắt tay ông Lighthizer và ông Mnuchin tại Xijiao State Guest Hotel của Thượng Hải trước sự chứng kiến của truyền thông trước ngày đàm phán. Các viên chức này không đưa ra bất kỳ lời nhận xét nào.
Cho đến nay, cuộc tranh chấp thương mại giữa hai bên đã kéo dài hơn một năm, với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt các mức thuế trị giá hàng tỷ mỹ kim đối với hàng nhập cảng của nhau, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm rung chuyển thị trường tài chính. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-trung-cong-se-tiep-tuc-dam-phan-thuong-mai-vao-thang-09/
Trump mở mặt trận mới, “chơi rắn” TQ
trước đàm phán thương mại
Tổng thống Trump tuyên bố không chấp nhận quy chế “quốc gia đang phát triển” của Trung Quốc tại WTO, trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.Sau khi quyết định nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã tăng cường gây sức ép với Bắc Kinh bằng cách tuyên bố không chấp nhận quy chế “quốc gia đang phát triển” của nước này tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mỹ phản đối quy chế của Trung Quốc tại WTO
Trong thông báo đăng trên trang cá nhân Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Tổ chức Thương mại thế giới đang bị rạn vỡ khi các quốc gia giàu có nhất trên thế giới tự cho mình là những nước đang phát triển để tránh các quy định của WTO và nhận được quy chế đối xử đặc biệt. Điều này sẽ không xảy ra nữa”.
Trước đó hôm 26/7, ông Trump yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dừng việc coi Trung Quốc là một nền kinh tế “mới nổi” nếu WTO không thực thi các biện pháp nhằm hạn chế những lợi thế “không công bằng” của Bắc Kinh. Nhà Trắng cũng công bố các chỉ số kinh tế để chứng minh cho luận điểm của mình, chẳng hạn như “sự bùng nổ tăng trưởng” đã giúp Trung Quốc chiếm gần 13% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu, trở thành quốc gia có GDP lớn thứ hai thế giới.
Đáp lại, giới truyền thông Trung Quốc gọi chiến thuật của Washington là “mánh khóe cũ” và nhất định sẽ thất bại. “Các thành viên của WTO sẽ phải tranh luận về vấn đề này và cùng nhau đưa ra quyết định. Mỹ không phải là bên đưa ra tiếng nói cuối cùng”, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Huo Jianguo, phó chủ tịch Hội nghiên cứu về Tổ chức thương mại thế giới của Trung Quốc cho biết.
Còn tờ Tân Hoa xã đăng tải một bài bình luận cho rằng, Mỹ đang cố gắng đạt được đòn bẩy đối với Trung Quốc trước các cuộc đàm phán thương mại diễn ra tại Thượng Hải trong hai ngày 30 và 31/7, song cảnh báo nỗ lực này sẽ không bao giờ phát huy hiệu quả. “Để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ đã phủ bóng lên hệ thống thương mại đa phương và nền kinh tế mở trên toàn cầu. Những toan tính mang tính cá nhân như vậy đi ngược lại với thời đại, chắc chắn sẽ bị các bên phản đối và không thể thành công”, một đoạn trong bình luận viết.
Dù nhiều cuộc tấn công của ông Trump nhằm vào các hành vi thương mại của quốc gia khác vấp phải sự chỉ trích ngay trong nội bộ nước Mỹ, song lần này, những lời than phiền của ông về WTO, trong đó có vấn đề quy chế quốc gia đang phát triển lại nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Ông Jennifer Hillman, cựu thẩm phán WTO được Mỹ bổ nhiệm dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown nhấn mạnh: “ Các nước lớn và phát triển như Trung Quốc và Hàn Quốc không nên nhận quy chế này”.
Tranh cãi về động cơ thực sự của Mỹ?
Giới chuyên gia cũng đưa ra nhiều nhận xét khác nhau về mục đích của Mỹ muốn chấm dứt quy chế “quốc gia đang phát triển” dành cho Trung Quốc tại WTO. Sputnik dẫn lời giáo sư Fabio Massimo Parenti, thuộc Viện nghiên cứu Lorenzo de Medici của Italy nhấn mạnh: “Trong bất cứ tình huống nào, Mỹ cũng hành động đơn phương, chỉ xem xét các lợi ích riêng của nước này. Tổng thống Trump là “một ông trùm đánh thuế”. Ông đã phát động cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc và chia thế giới thành hai phe: bạn bè hay đối thủ, tùy theo mức độ mà các nước khác thực hiện hay không thực hiện mong muốn của Mỹ. Những động thái của Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc đã phủ nhận nhiều nguyên tắc của WTO”. Ông Parenti cũng lưu ý, Mỹ đang hối thúc WTO tiến hành các cải cách thị trường, “cáo buộc Trung Quốc” về mọi vấn đề mà không đưa ra bằng chứng, trong đó có cả vấn đề về an ninh quốc gia liên quan đến các tập đoàn viễn thông hoặc quyền sở hữu trí tuệ.
Cùng chung quan điểm này, ông Thomas Prusa, chuyên gia kinh tế tại Đại học Rutgers, New Jersey tin rằng, Mỹ đang muốn tăng cường gây áp lực với Trung Quốc trước cuộc đàm phán thương mại tại Thượng Hải. “Các quy tắc khác nhau dành cho các quốc gia đang phát triển trong WTO không có gì mới. Chính quyền Tổng thống Trump về cơ bản nói rằng họ không thích những thỏa thuận đã được đàm phán trong quá khứ. Việc thay đổi quy tắc có thể được thực hiện như một phần của cuộc đàm phán thông thường. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ (và các nước phát triển khác) sẽ phải đưa ra điều gì đó để đàm phán. Nhưng Mỹ chỉ muốn mọi việc diễn ra theo hướng một chiều tức là trao cho nước này nhiều lợi ích hơn. Đây không phải là cách đàm phán thương mại thường diễn ra”.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại Herbert A. Stiefel thuộc Viện Cato, ông Simon Lester đánh giá, vấn đề thực sự ở đây là một số quốc gia giàu có lại tự cho họ là những quốc gia đang phát triển để đảm nhiệm ít nghĩa vụ hơn tại WTO. “Không rõ tác động thực tế như thế nào, nhưng ít nhất về mặt lý tuyết, một số quốc gia đang thực hiện ít nghĩa vụ hơn so với năng lực của họ. Chính quyền Tổng thống Trump chỉ đòi hỏi họ thực hiện những nhiệm vụ cơ bản. Tuy nhiên các hành động mang tính đối đầu của Mỹ trong chính sách thương mại đã gây khó khăn đối với việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này”.
Vẫn chưa rõ liệu WTO – tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên và chưa từng thông qua bất cứ đợt cải cách lớn nào kể từ khi sáng lập đến nay, có đáp lại động thái mới nhất của Mỹ hay không?
Nhận xét về vấn đề này, ông Clete Willems, cựu quan chức phụ trách thương mại và chính sách WTO tại Nhà Trắng cho biết, bất cứ sự thay đổi nào về quy tắc của WTO sẽ chỉ có tác động trong thời gian ngắn và quyết định của Mỹ là động thái mang tính biểu tượng, thể hiện sự bất mãn của chính quyền Tổng thống Trump đối với WTO, đặc biệt là cách tổ chức này đối xử với Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh trở thành thành viên từ năm 2001.
Theo ông Willems, điều đó sẽ gây xáo trộn các cuộc đàm phán đang diễn ra tại WTO về trợ cấp đánh bắt cá, thương mại điện tử, tuy nhiên, không tác động ngay lập tức đến quan hệ thương mại giữa Mỹ với các quốc gia khác, không ảnh hưởng đến thuế quan, hạn ngạch hoặc giao dịch thương mại xuyên biên giới
http://biendong.net/dam-luan/29626-trump-mo-mat-tran-moi-choi-ran-tq-truoc-dam-phan-thuong-mai.html
Các cuộc thảo luận phi hạt nhân hóa Triều Tiên
sẽ sớm khởi sự?
Một giới chức cao cấp của Triều Tiên tuần trước nói với một người đồng cấp trong Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc rằng các cuộc thảo luận cấp làm việc nhằm vực dậy đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên có thể sớm khởi sự, Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết ngày 30/7.Người ta từng kỳ vọng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ gặp nhau bên lề diễn đàn an ninh Đông Nam Á ở Bangkok trong tuần này, nhưng ông Ri hủy chuyến đi, một nguồn tin ngoại giao cho hay.
Nguồn tin của Reuters hôm 30/7 cũng nói rằng dường như ông Ri sẽ không có mặt tại Bangkok.
Trả lời báo giới tại Tòa Bạch Ốc hôm 30/7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói “Chúng ta hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không thể nói trước chuyện gì sẽ xảy ra.”
https://www.voatiengviet.com/a/cac-cuoc-thao-luan-phi-hat-nhan-hoa-trieu-tien-se-som-khoi-su-/5022360.html
Hoa Kỳ sẽ gia hạn quyền miễn trừ trừng phạt
cho năm chương trình nguyên tử của Iran
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Ba (30/7), tờ Washington Post cho biết trong tuần này, Hoa Kỳ dự kiến sẽ tuyên bố gia hạn quyền miễn trừ lệnh trừng phạt đối với năm chương trình nguyên tử của Iran.Các quyền miễn trừ này sẽ cho phép Nga, Trung Cộng và các nước châu Âu tiếp tục hợp tác nguyên tử dân sự với Iran. Tờ Washington Post cho biết, trong một cuộc họp tại Phòng Bầu Dục hồi tuần trước, tổng thống Donald Trump đã đứng về phía Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, người đã đưa ra lập luận ủng hộ việc gia hạn quyền miễn trừ trước sự phản đối của Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã từ chối bình luận với hãng tin Reuters về vấn đề này.
Hồi tháng Năm, ông Pompeo đã gia hạn năm trong số bảy quyền miễn trừ trừng phạt thêm 90 ngày. Các quyền miễn trừ này cho phép nhà máy nguyên tử Bushehr, cơ sở làm giàu Fordow, tổ hợp nguyên tử Arak và Tehran Research Reactor của Iran hoạt động bình thường.
Hồi năm ngoái, tổng thống Donald Trump đã từ bỏ thỏa thuận nguyên tử năm 2015 với Iran và sáu cường quốc thế giới. Ông Trump tuyên bố rằng muốn có một thỏa thuận lớn hơn, không chỉ hạn chế hoạt động nguyên tử của Iran, mà còn giới hạn sự hỗ trợ của họ cho các nhóm dân quân ở Syria, Iraq,
Yemen và Lebanon, và kiềm chế chương trình hỏa tiễn đạn đạo của họ. Vào tháng 5, tổng thống Trump đã thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran để cố gắng ngăn chặn việc xuất cảng dầu của nước này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-se-gia-han-quyen-mien-tru-trung-phat-cho-nam-chuong-trinh-nguyen-tu-cua-iran/
Twitter đình chỉ tài khoản
được Trump tweet lại nội dung
Trong một động thái có thể sẽ khiến Tổng thống Donald Trump mạnh miệng hơn rằng các công ty truyền thông xã hội chống lại ông và những người ủng hộ, Twitter tối thứ Ba đình chỉ một tài khoản có nội dung mà ông vừa tweet lại chỉ vài giờ trước đó, theo CNN.Ông Trump tweet lại bài đăng từ một tài khoản hoạt động dưới tên “Lynn Thomas” có nội dung cáo buộc đảng Dân chủ là “kẻ thù thực sự của nước Mỹ”.
Tài khoản này được tạo vào tháng 9 năm 2018, tự mô tả là “Người ủng hộ Trump khốc liệt” và tuyên bố: “Tôi không phải là bot”.
Này Trump, tôi cũng là người Mỹ
Trump phủ nhận kỳ thị chủng tộc
Năm điều tranh cãi với đại sứ Anh cho thấy về Trump
Tweeter xác nhận với CNN rằng đã đình chỉ tài khoản ‘Lynn Thomas’ chỉ vài giờ sau khi Trump tweet lại, vì lý do vi phạm quy tắc của Tweeter, nhưng không nói rõ quy tắc gì.
CNN cho biết Daily Beast là cơ quan truyền thông đầu tiên tường trình việc đình chỉ.
Trong một cuộc phỏng vấn với C-SPAN phát sóng tối thứ Ba, ông Trump nói rằng ông “không hối hận” khi nói về hàng chục ngàn tweet mà ông đã gửi, nhưng cũng thừa nhận rằng khi ông tweet lại nội dung của những tài khoản khác thì đó có thể là vấn đề.
“Các tweet lại thường có vấn đề hơn. Bạn tweet lại một nội dung nào đó nghe có vẻ hay hay, nhưng hóa ra là từ một người dùng không phải là người hay nhất thế giới, đó là nguyên nhân gây ra vấn đề”, ông Trump nói.
Giải thích về việc sử dụng Twitter của mình, Trump gọi đó là “cách giao tiếp đáng kinh ngạc”, và cũng là cách chống lại những bài tường trình tiêu cực về mình.
Đầu tháng này, ông Trump đã mời một số các nhân vật cánh hữu trong thế giới mạng đến Nhà Trắng để dự một “hội nghị thượng đỉnh truyền thông xã hội”. Trong đó, Tổng thống than phiền về sự ”thiên vị có chủ đích” của Thung lũng Silicon đối với ông và những người ủng hộ ông.
Gần đây ông Trump đã sử dụng ngôn ngữ bị cho là phân biệt chủng tộc để tấn công bốn nữ dân biểu da màu. CNN tường trình rằng một phát ngôn viên của Twitter nói với CNN là các tweet này của Tổng thống không trái với quy tắc của Twitter – một kết luận, mà theo CNN, dường như mâu thuẫn với chính sách bằng văn bản của công ty này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49176794
Elizabeth Warren và Bernie Sanders
cùng bảo vệ Medicare For All trong cuộc tranh luận
Tin từ Detroit – Trong cuộc tranh luận hôm thứ Ba (30 tháng 7), hai thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders tuyên bố sẽ không công kích lẫn nhau, nhưng họ vẫn phải tự làm cá nhân họ nổi bật để giành lợi thế trước ứng cử viên dẫn đầu là cựu Phó Tổng thống Joe Biden.Theo đó, bà Warren và ông Sanders đã hợp tác để bảo vệ các chính sách mà họ đồng tình, thay vì mâu thuẫn lẫn nhau. Phần đầu tiên của cuộc tranh luận tập trung vào tương lai của hệ thống y tế của Hoa Kỳ, và liệu đảng Dân chủ có nên chấp nhận bảo hiểm Y Tế Đại Chúng (Medicare for All) hay không. Đảng Dân Chủ xem dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng là một trong những ưu tiên hàng đầu, trong khi chính quyền Trump nỗ lực để loại bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act) của cựu Tổng thống Barack Obama.
Dân biểu John Delaney đã công kích đề nghị Y Tế Đại Chúng – Medicare for All của bà Warren và ông Sanders đưa ra, ông lập luận rằng những người Hoa Kỳ nên được tiếp tục sử dụng bảo hiểm tư nhân nếu họ muốn. Sau đó, bà Warren và ông Sanders đều lên tiếng biện hộ cho đề nghị của họ.
Theo Reuters, các ứng cử viên có quan điểm khác nhau về chính sách di dân, cũng như mâu thuẫn về việc xem hành động vượt biên trái phép là bất hợp pháp.
Trong số các ứng cử viên cấp thấp đang nhắm đến mục tiêu tạo ra sự đột phá, cuộc tranh luận vào tối thứ Ba có thể là cơ hội cuối cùng đối với một số cá nhân. Theo đó, các ứng cử viên như Dân biểu Tim Ryan và cựu Thống đốc tiểu bang Colorado John Hickenlooper có nguy cơ không đủ điều kiện tham gia cuộc tranh luận thứ ba vào tháng 9 tại Houston.
Ủy ban Quốc gia Dân chủ sẽ tăng gấp đôi yêu cầu gây quỹ và bỏ phiếu để chọn ra các ứng cử viên tham gia các cuộc tranh luận tiếp theo vào tháng 9 và tháng 10. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/elizabeth-warren-va-bernie-sanders-cung-bao-ve-medicare-for-all-trong-cuoc-tranh-luan/
Thống đốc California ký luật
buộc ứng cử viên tổng thống công bố tờ khai thuế
Tin từ Los Angeles – Vào hôm thứ Ba (30 tháng 7), Thống đốc tiểu bang California ký luật yêu cầu các ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ phải công bố tờ khai thuế trong vòng năm năm gần nhất, trước khi tên của họ được in trên phiếu bầu tại tiểu bang.Theo Reuters, đây là hành động được xem là nhắm vào Tổng thống Donald Trump. Vào đầu tháng này, Thượng viện và Hạ viện tiểu bang đã thông qua điều luật trên, đánh dấu nỗ lực mới nhất của đảng Dân Chủ trong việc công khai thông tin tài chính của Tổng thống Trump. Người tiền nhiệm của ông Newsom, cựu thống đốc California Jerry Brown, từng phủ quyết điều luật tương tự với lý do vi hiến, và điều luật có thể tạo ra tiền lệ khiến các ứng cử viên tổng thống phải tiết lộ thông tin cá nhân.
Theo ông Tim Murtaugh, giám đốc truyền thông nhóm tranh cử của Tổng thống Trump, cho rằng điều luật này vi phạm Tu chánh án thứ Nhất. Vì tiểu bang không thể yêu cầu đảng chính trị chỉ định ứng cử viên nào được tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Theo Reuters, dù đã cam kết công bố tờ khai thuế sau khi Sở Thuế vụ (IRS) hoàn thành kiểm toán, nhưng Tổng thống Trump vẫn từ chối công khai. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã từ chối các yêu cầu của Ủy ban Thuế vụ Hạ viện gửi đến IRS về việc giao nộp tờ khai thuế kéo dài sáu năm của Tổng thống Trump. Vào tuần trước, Ủy ban đã khởi kiện ông Mnuchin và Bộ Tài chính để chống đối quyết định của ông.
Vào đầu tháng này, Thống đốc tiểu bang New York Andrew Cuomo cũng ký một điều luật sửa đổi, qua đó yêu cầu Bộ Thuế vụ và Tài chính của tiểu bang công bố bất kỳ tờ khai thuế nào mà ủy ban Hạ viện đang tìm kiếm. Vào tuần trước, Tổng thống Trump khởi kiện tiểu bang New York vì đã thông qua điều luật để trả đũa các chính sách, niềm tin chính trị của Tổng thống. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-california-ky-luat-buoc-ung-cu-vien-tong-thong-cong-bo-to-khai-thue/
Huấn luyện viên đội tuyển túc cầu nữ Hoa Kỳ từ chức
Vào hôm thứ Ba (30 tháng 7), Liên đoàn Túc cầu Hoa Kỳ thông báo bà Jill Ellis sẽ từ chức khỏi vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển nữ túc cầu quốc gia vào tháng 10, sau khi đội tuyển này giành được chức vô địch World Cup.Với quyết định trên, nữ huấn luyện viên 52 tuổi sẽ ra đi với tư cách là huấn luyện viên đầu tiên trong lịch sử giành hai danh hiệu FIFA World Cup Nữ. Trong một tuyên bố, bà Ellis bày tỏ vinh dự khi được huấn luyện đội tuyển quốc gia nữ, được làm việc cùng những người phụ nữ tuyệt vời là vinh dự của cả cuộc đời bà.
Theo đài CBS, bà Ellis sẽ tham gia hoạt động túc cầu Hoa Kỳ với tư cách là đại sứ trong vòng ít nhất một năm. Chủ tịch liên đoàn, ông Carlos Cordeiro cho biết cả liên đoàn và nền túc cầu Hoa Kỳ nợ bà Ellis lòng biết ơn.
Bà Ellis từ chức trong lúc đội tuyển túc cầu nữ Hoa Kỳ đang yêu cầu Liên đoàn túc cầu Hoa Kỳ nâng mức lương ngang bằng với đội tuyển túc cầu nam. Hôm thứ Hai (29 tháng 7), ông Cordeiro viết một bức thư thông báo đội tuyển nữ đã được trả lương nhiều hơn đội tuyển nam. Liên đoàn cũng công bố các dữ kiện nhằm hòa giải một vụ kiện liên bang, khi các nữ cầu thủ cáo buộc việc phân biệt đối xử giới tính, vì họ nhận số tiền thưởng thấp hơn so với đội tuyển nam.
Sau khi bà Eliis ra đi, đội tuyển quốc gia sẽ sớm bổ nhiệm một tổng giám đốc và huấn luyện viên trưởng mới. Khi Thế vận hội mùa hè tại Tokyo sắp khai mạc vào năm tới, đội tuyển nữ Hoa Kỳ có chưa đến một năm đến tập luyện dưới hệ thống mới. Đội tuyển nữ Hoa Kỳ đã giành được huy chương vàng thế vận hội vào năm 1992, 2004, 2008 và 2012 với ba huấn luyện viên trưởng khác nhau. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/huan-luyen-vien-doi-tuyen-tuc-cau-nu-hoa-ky-tu-chuc/
Tân Thủ tướng Anh
là người có quan điểm cứng rắn với TQ
Ngày 24/7, ông Boris Johnson đã chính thức trở thành tân lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, thay thế bà Theresa May trở thành Thủ tướng mới của nước Anh. Bên cạnh việc chèo lái nước Anh trong giai đoạn tiền Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), dư luận đang rất quan tâm và dự báo Tân Thủ tướng Anh là người có quan điểm và xu hướng hành động cứng rắn với Trung Quốc.Tân Thủ tướng Anh là ai?
Năm 1989, Boris Johnson được bổ nhiệm làm phóng viên của Daily Telegraph tại Brussels với nhiệm vụ chính là phản ánh các hoạt động của Ủy ban châu Âu. Năm 1994, Boris Johnson cưới vợ lần thứ hai, quay trở lại Anh và trở thành nhà phân tích chính trị nhiều kinh nghiệm. Những bài viết của Johnson trên tờ Daily Telegraph đã mang đến cho Johnson uy tín và nhiều giải thưởng nhưng cũng không ít lần khiến Johnson bị chỉ trích. Boris Johnson từng bị cáo buộc vào tội có thái độ không đúng với hiện tượng đồng tính và phân biệt chủng tộc. Ngoài làm việc cho Daily Telegraph và Spectator, Johnson còn có công việc trong lĩnh vực xe hơi. Trong khoảng thời gian này, Boris Johnson đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Sau khi từ chối kế hoạch của người cha để trở thành nghị sỹ Nghị viện châu Âu, Johnson quyết định tập trung phát triển sự nghiệp tại nước Anh, sau đó trở thành nghị sỹ nghị viện thành phố Henley thuộc khu Oxfordshire. Dù trở thành nghị sỹ nhưng Johnson vẫn theo đuổi nghiệp báo chí khi hay viết các bài báo, viết sách về chính trị và phát biểu trên truyền hình.
Với tư cách là người đứng đầu phong trào Brexit, Boris Johnson nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Thủ tướng Anh. Khi đó, dù bất kỳ ai nắm quyền Thủ tướng Anh cũng sẽ phải thực hiện tiến trình đàm phán với các nhà lãnh đạo EU về các điều kiện rút khỏi EU. Cho dù là người có kinh nghiệm tiến hành các cuộc đàm phán kiểu này nhưng ông David Cameron vẫn rút lui để khỏi phải “tích lũy thêm kinh nghiệm”. Những vấn đề về thực hiện Brexit đã được Boris Johnson đề cập đến trong bài viết trên Daily Telegraph. Theo Boris Johnson, thay đổi duy nhất của Brexit đối với người Anh là việc người Anh có thể tránh khỏi các phán quyết của Tòa án châu Âu. Người Anh sẽ có thể tự mình thông qua các quyết định, luật lệ của mình, cũng như kiểm soát được chính sách nhập cư. Tất cả các vấn đề khác như thị trường chung, tự do di chuyển, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa và khoa học… với châu Âu sẽ vẫn được thực hiện.
Những vụ việc liên quan TQ và Biển Đông đã diễn ra
Tháng 5/2017, khi còn là Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson đã tuyên bố triển khai hai tàu sân bay mới đến Biển Đông để tuần tra duy trì quyền tự do hàng hải, gồm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (hoàn thành năm 2017) và tàu HMS Prince of Wales (dự kiến hoàn thành năm 2020). Một năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết sẽ đưa HMS Queen Elizabeth cùng với Australia tiến hành tuần tra Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quân sự hóa mạnh mẽ Biển Đông.
Đến tháng 4/2018, tàu chiến Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa bất chấp phản đối của Bắc Kinh. Đầu năm 2019, Bộ trưởng Gavin Williamson xác nhận tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã được triển khai tới Thái Bình Dương để cùng tham gia sứ mệnh với dàn chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và Anh.
Xu hướng chính sách đối với TQ của Tân Thủ tướng Anh
Với quan điểm chống lại ý định độc chiếm Biển Đông thấy rõ của TQ, cùng khả năng xích lại gần Chính quyền Mỹ của Tổng thống D.Trump hậu nước Anh rời EU (Brexit), chính quyền Johnson rất có khả năng sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông trong thời gian tới. Ngoài ra, việc từng là “cường quốc biển” ở thế kỷ 19 (trước khi Mỹ thay thế) nhưng gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood thừa nhận “Hải quân Hoàng gia quá mỏng để bảo vệ các tàu Anh khỏi mối đe dọa từ
Iran”, chắc chắn ông Johnson sẽ phải xem xét việc nâng cao năng lực hải quân và tăng cường phối hợp với Mỹ tại Thái Bình Dương để tình trạng bị “ức hiếp” không tái diễn.
http://biendong.net/bien-dong/29602-tan-thu-tuong-anh-la-nguoi-co-quan-diem-cung-ran-voi-tq.html
Chính phủ Pháp bị chỉ trích
vì vụ một thanh niên chết đuối
Trọng NghĩaNgày 30/07/2019, Viện công tố vùng Loire xác nhận thi thể được vớt trên sông Loire ở Nantes chính là Steve Maia Caniço, thanh niên mất tích cách nay hơn một tháng trong một cuộc can thiệp của cảnh sát. Nhiều người đã ngay lập tức chỉ trích chính phủ, đặc biệt là bộ trưởng Nội Vụ.
Đích thân thủ tướng Edouard Philippe hôm nay, 31/07/2019, đã lên tiếng yêu cầu làm sáng tỏ vụ việc. Tại sân điện Matignon ( phủ thủ tướng ), bên cạnh là bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner, thủ tướng Édouard Philippe tuyên bố : « Cái chết của Steve Maia Caniço là một thảm kịch thật sự gây xúc động ». Ông cam kết sẽ « làm sáng tỏ » vụ này.
Một mặt, thủ tướng Pháp nhấn mạnh đến báo cáo của Tổng Thanh tra quốc gia cảnh sát (IGPN) khẳng định cuộc can thiệp của lực lượng an ninh ở Nantes không có liên hệ gì đến sự mất tích của Steve Maia Caniço, 24 tuổi, sống tại Nantes. Mặt khác, ông cũng yêu cầu IGPN tiến hành điều tra sâu hơn, làm rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan công quyền, như Tòa thị chính và sở Cảnh Sát, trong việc tổ chức lễ hội.
Sở dĩ đích thân thủ tướng Pháp phải lên tiếng là vì vụ mất tích của Steve Maia Caniço xảy ra khi có cuộc can thiệp gây tranh cãi của cảnh sát trong đêm 21 rạng sáng 22/06/2019, khi đang diễn ra lễ hội Âm nhạc hàng năm.
Các vụ xô xát đã nổ ra vào khoảng 4 giờ 30 sáng giữa khán giả và cảnh sát, đến yêu cầu ngưng chương trình biểu diễn âm nhạc tại bờ kè Wilson Wharf, một địa điểm không có rào bảo vệ trên đảo Nantes, bên bờ sông Loire. Trong khi xô xát, nhiều người bị rớt xuống sông, nhưng đã được cứu vớt an toàn, riêng Steve Maia Caniço thì bặt vô âm tính.
Chiến dịch can thiệp này của cảnh sát vùng Nantes cũng đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Việc cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su LBD đã bị chỉ trích gay gắt. Nhiều dân biểu đối lập thuộc các đảng Xã Hội, đảng Xanh hay Nước Pháp Bất khuất đã yêu cầu « sự thật và công lý phải được thiết lập ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190731-vu-thanh-nien-ten-steve-chet-duoi-chinh-phu-phap-bi-chi-trich
Nga : Chính quyền Matxcơva
vẫn cứng rắn với đối lập
Trọng NghĩaĐô trưởng Matxcơva Serguei Sobianine hôm qua, 30/07/2019, đã lên tiếng cảnh cáo phe đối lập là không để người biểu tình gây hỗn loạn ở thủ đô Nga, với tuyên bố : « Trật tự sẽ được duy trì ».
Thứ Bảy vừa qua, hơn một ngàn người đã bị câu lưu trong một cuộc biểu tình không được phép và xung đột với cảnh sát đã khiến 70 người bị thương. Hôm qua, tòa án đã ra lệnh tạm giam khoảng 60 người, còn 160 người khác bị phạt tiền.
Thông tín viên RFI tại Matxcơva, Daniel Vallot, tường thuật về thái độ không khoan nhượng của chính quyền Matxcơva :
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên từ sau cuộc biểu tình thứ Bảy vừa qua, đô trưởng Matxcơva đã cho thấy rõ lập trường. Sergueï Sobianine cám ơn cảnh sát, mà theo ông, đã « bị buộc » phải sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.
Ông tố cáo tình trạng hỗn loạn, vô trật tự, không tôn trọng luật pháp của các lãnh đạo đối lập và những người ủng hộ họ.
Viện Công Tố cũng cùng giọng điệu, yêu cầu một sự đáp trả « nghiêm khắc » trong trường hợp biểu tình không được phép.
Một dấu hiệu khác của thái độ cứng rắng của chính quyền : Mở điều tra về tội « gây rối loạn quy mô lớn », một thủ tục có thể dẫn đến án rất nặng 15 năm tù.
Rõ ràng là chính quyền quyết định làm tất cả để trấn áp đối lập.
Lãnh đạo chính của họ đang bị giam giữ, bị kết án từ 10 đến 30 ngày tù. Một đại diện phe đối lập đã bị bắt hôm qua khi vừa ra khỏi một cuộc họp ở tòa Đô Chính. Cuộc họp có mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận cho cuộc biểu tình sắp tới.
Cuộc tập họp vảo thứ Bảy tới đây như thế sẽ không được phép và như vậy sẽ lại có thêm một đợt bắt bớ nữa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190731-nga-chinh-quyen-matxcova-duy-tri-thai-do-cung-ran-voi-doi-lap
Tuần duyên Các Tiểu Vương Quốc
Ả Rập Thống Nhất đến Iran
Trọng NghĩaMột phái đoàn lực lượng tuần duyên Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã đến Teheran vào tối qua, 30/07/2019, để thảo luận về « hợp tác ở biên giới, chống buôn lậu », một dấu hiệu cho thấy hai bên xích lại gần nhau để làm giảm căng thẳng trong vùng. Cuộc họp lần cuối của lực lượng tuần duyên hai quốc gia là cách đây 6 năm.
Thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi, tường thuật từ Teheran :
Chuyến viếng thăm hiếm hoi này diễn ra trong lúc mà vùng Vịnh từ tháng 5 đã có những sự cố gây căng thẳng cao độ, từ vụ bốn chiếc tàu bị phá hoại ngày 13/05 ở một cảng Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cho đến vụ hai chiếc tàu dầu bị tấn công một tháng sau đó.
Đầu tháng 7, Teheran đã bắn hạ một chiếc drone của Mỹ ở eo biển Ormuz, rồi chặn giữ một tàu dầu của Anh, hai tuần sau khi một tàu dầu Iran bị Anh chặn ở gần Gibraltar.
Teheran cũng vừa công bố một video cho thấy tàu của Vệ Binh Cách Mạng cảnh cáo một tàu chiến Anh hộ tống tàu dầu là không nên can thiệp.
« Chúng ta phải ngăn chặn, không cho phép nước ngoài gây xáo trộn an ninh trong vùng của chúng ta », tướng Ghassem Rezaï,tư lệnh lực lượng biên phòng Iran tuyên bố như trên. Ông nói thêm là phải phát triển hợp tác ở vùng biên giới giữa các quốc gia trong vùng để bảo đảm an ninh.
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đồng minh chủ yếu của Ả Rập Xê Út, đã luôn luôn tố cáo chính sách của Iran trong vùng Vịnh và cả tại Yemen lẫn Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190731-phai-doan-tuan-duyen-tieu-vuong-quoc-a-rap-thong-nhat-den-teheran
Nhật Bản phản đối việc gây căng thẳng ở Biển Đông
Chính phủ Nhật Bản ‘quan ngại chính đáng’ và ‘phản đối mạnh mẽ’ bất kỳ hành động nào gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, một phản hồi bằng văn bản hôm 31/7/2019 của Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi BBC News Tiếng Việt cho biết.Ngoại trưởng Nhật Bản theo kế hoạch sẽ tham dự phiên họp an ninh với ngoại trưởng các nước khối ASEAN cùng đại diện Mỹ, Nga, Trung Quốc và Úc trong thứ Sáu 2/8, nhân Hội nghị Ngoại trưởng khối ASEAN lần thứ 52 được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
TQ hứa hẹn ‘làm việc tích cực’ về vấn đề Biển Đông
Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính?
Bàn tròn BBC: Đối đầu ở Bãi Tư Chính và phân tích, bình luận
Bãi Tư Chính: TQ ‘đẩy vấn đề’ tinh vi hơn
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á được trông đợi sẽ chiếm phần quan trọng trong nghị trình phiên họp này.
Nhật Bản quan ngại về tình hình Biển Đông
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về trở ngại liên quan tới hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 và kế hoạch tới đây sau khi Chính phủ Việt Nam thông báo gia hạn thời gian hoạt động của giàn khoan này tại Lô 06.1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trả lời bằng thư điện tử hôm thứ Tư 31/7 như sau:
“Bộ Ngoại giao Nhật Bản không thể bình luận về hoạt động của từng công ty của Nhật Bản.”
“Tuy nhiên, nhìn chung, Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề liên quan đến Biển Hoa Nam (Biển Đông) có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản.”
TQ có ý đồ gì trong cuộc đối đầu ở Bãi Tư Chính?
“Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Hoa Nam.”
“Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Hoa Nam đối với tất cả các nước liên quan.”
Trung Quốc ‘dọa nạt’ và thực chất ý đồ
Trước đó, trong một diễn biến liên quan, một học giả từ Viện Nghiên cứu chiến lược Chatham (Anh quốc) bình luận về vụ đối đầu trên Bãi Tư Chính với BBC Tiếng Việt, cho rằng Trung Quốc đã có hành đồng dọa nạt đối với Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Bill Hayton, đồng thời cũng là một ký giả, nói thêm rằng thực chất ý đồ của Bắc Kinh là muốn ép các nước phải ‘khai thác chung’ và các hoạt động khai thác phải được Trung Quốc đồng ý, dựa trên tuyên bố chủ quyền của cường quốc này.
Trung Quốc muốn trừng phạt Việt Nam vì Việt Nam bắt đầu khai thác, đã nghiên cứu và khai thác phần lòng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt NamÔng Bill Hayton
“Theo những gì tôi nghĩ, Trung Quốc rất muốn phủ quyết mọi việc khai thác dầu khí ở trong cái gọi là ‘Đường lưỡi bò’ mà họ đặt ra. Tức là họ muốn các nước Asean phải đồng ý khai thác chung,” Bill Hayton nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 25/7 từ Washington D.C. (Hoa Kỳ), nơi ông tham dự Hội thảo khoa học về Biển Đông lần thứ 9 do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức.
“Cụ thể là họ đã quấy rối với việc khai thác dầu khí không chỉ là của Việt Nam mà cả với Malaysia. Mọi người đều biết là công ty Rosneft của Nga đã nhận lại một số cơ sở khai thác của hãng BP của Anh vài năm trước và bây giờ đang tiến hành khai thác dầu khí.
“Còn các công ty của Malaysia cũng tiến hành khai thác dầu khí ở ngoài khơi của đảo Borneo, mà điều này thì Trung Quốc không muốn.
“Theo như tôi thấy, Trung Quốc muốn trừng phạt Việt Nam vì Việt Nam bắt đầu khai thác, đã nghiên cứu và khai thác phần lòng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thế nhưng Trung Quốc cũng muốn tất các các công ty thương mại ở bên ngoài muốn làm ăn ở trong vùng này về khai thác dầu khí thì phải được sự đồng ý của Trung Quốc.
“Hiện nay, Trung Quốc mới đang tiến hành thăm dò thương mại thôi, chứ chưa phải là khoan, hoặc thăm dò dầu khí, hoặc khai thác, thế nhưng Trung Quốc muốn tỏ ra rằng họ sẽ bảo vệ được những hoạt động đó và không muốn các nước khác thực hiện như vậy và ngăn chặn Việt Nam hoạt động ở cùng một chỗ.”
‘Mỹ phản ứng mạnh, Asean vẫn chia rẽ’
Về phản ứng của quốc tế và khu vực, ông Bill Hayton bình luận:
“Phát biểu của Mỹ, tôi thấy là rất mạnh mẽ, mạnh hơn bình thường, được công bố vào một ngày nghỉ, ngày thứ Bảy (20/7/2019), chứng tỏ Mỹ muốn đưa ra một thông điệp rất mạnh rằng các quốc gia trong khu vực này có quyền khai thác hay thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của mình.
“Và đấy cũng là cơ sở cho những cuộc chơi dựa trên pháp luật, pháp lý mà các nước trong vùng, cũng như quyền lợi của Hoa Kỳ muốn ủng hộ.
Chắc chắn là ủng hộ về chính trị, ủng hộ về các tuyên bố trên pháp lý, thì trên nguyên tắc, Anh quốc có thể làm đượcÔng Bill Hayton
Về phản ứng của chính phủ Việt Nam, những phản ứng đầu tiên cho tới thời điểm ngày 25/7, ông Hayton nói:
“Với chính phủ Việt Nam, tôi nghĩ rằng họ đang phải làm một động tác cân bằng, tức là họ không có một cuộc biểu tình như đã xảy ra cách đây 5 năm, nhưng đồng thời họ không muốn ở vị thế gọi là nằm bẹp dưới đất và để Trung Quốc bước qua. Do đó họ ở trong một vị thế khó khăn.”
Nhận xét về phản ứng của các nước trong khối Asean, học giả thuộc Viện Chatham House nói:
“Vấn đề ở đây chính là không có phản ứng gì và phản ứng không mạnh mẽ từ các nước Asean và Asean theo tôi gần như là không hoạt động gì trong lĩnh vực này.
“Lấy ví dụ như trong mười nước này, thì Campuchia sẽ không bao giờ ủng hộ một tuyên bố mạnh mẽ của nước khác về vấn đề Biển Đông. Do đó họ sẽ không thể có được sự đồng thuận.”
Về quan tâm của nước Anh đối với vấn đề xung đột, căng thẳng ở Biển Đông và giải pháp đề xuất có thể, ông Bill Hayton nói:
“Anh quốc từ xưa đến nay vẫn muốn ủng hộ cho những nguyên tắc tôn trọng pháp luật, chẳng hạn cụ thể như Công ước Luật Biển và tôi không thấy là Hải quân Hoàng gia Anh sẽ đi tuần tra bảo vệ cho Việt Nam.
“Thế nhưng chắc chắn là ủng hộ về chính trị, ủng hộ về các tuyên bố trên pháp lý, thì trên nguyên tắc, Anh quốc có thể làm được.”
‘Vẫn còn không gian để thỏa thuận’
Bình luận điểm đáng lưu ý về Hội thảo Khoa học lần thứ 9 về Biển Đông của Trung tâm CSIS của Mỹ, cũng như điểm quan trọng nhất trong tham luận của bản thân tại Hội thảo, nhà nghiên cứu Billy Hayton nói:
“Hội thảo này có rất nhiều người tham dự và chứng tỏ có sự quan tâm, ngay cả từ giới hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và đây là một sự quan tâm thường trực, tức là còn tiếp tục.
“Còn trong phần của mình, tôi trình bày những nghiên cứu của tôi về Biển Đông, về bản đồ, hay những cái tên của các hòn đảo ở đó.
“Kết luận chính của tôi là những tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra mới chỉ xuất hiện vào những năm 1946, 1947 về Trường Sa mà thôi.
“Vì thế theo tôi vẫn có những không gian để có thể thỏa hiệp, thỏa thuận được với nhau trong những vấn đề tranh chấp này,” học giả, kiêm ký giả Bill Hayton nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt từ London hôm 25/7/2019.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC News Tiếng Việtgồm bình luận của học giảBill Hayton, Tiến sỹ Trần Công Trục và những khách mời khác về sự kiện Bãi Tư Chính và thực chất cuộc đối đầu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49181524
Bắc Hàn ‘bắn thêm hai tên lửa đạn đạo’
trong một tuần
Bắc Hàn lại vừa bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra ra biển, theo quân đội Hàn Quốc, đây là lần phóng thứ hai trong một tuần.Hai tên lửa đã được phóng từ khu vực Wonsan vào đầu ngày 31/7.
Vụ phóng tên lửa tuần trước là cú khiêu khích đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gặp nhau vào tháng Sáu.
Bắc Hàn bắn thử hỏa tiễn ‘đời mới’
Pompeo nói gì về đàm phán Mỹ-Triều?
Người phương Tây sống, làm việc tại Bắc Hàn
Bắc Hàn gọi vụ phóng tên lửa này là “cảnh báo chính thức” cho Seoul về các kế hoạch tập trận chung với Washington.
Bắc Hàn từng thể hiện sự giận giữ khi các cuộc tập trận thường niên giữa Hàn Quốc và Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng tới – một sự kiện mà Bắc Hàn coi là chuẩn bị cho chiến tranh.
Điều gì xảy ra?
Các vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra vào lúc 05:06 và 05:27 giờ địa phương (20:06 GMT thứ Ba) từ khu vực Kalma gần cảng Wonsan.
Các tên lửa đã bay 250km (155 dặm) và đạt độ cao 30km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản, hay còn gọi là Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết các tên lửa được xác định là loại khác với các tên lửa phóng lần trước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xác nhận rằng không có tác động đến an ninh của Nhật Bản sau vụ phóng.
Vụ phóng này diễn ra chỉ sáu ngày sau khi Bắc Hàn bắn hai quả tên lửa tầm ngắn, với một tên lửa đạt tầm xa khoảng 690km (428 dặm) và một quả đạt 430km.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Bắc Hàn kể từ khi ông Trump và ông Kim tổ chức một cuộc họp ngẫu hứng vào tháng Sáu tại khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên, nơi họ đồng ý nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Tại sao vụ phóng xảy ra lúc này?
Vụ phóng tên lửa diễn ra sau khi Bình Nhưỡng lên tiếng giận dữ về các cuộc tập trận quân sự được lên kế hoạch giữa Hàn Quốc và Mỹ, một sự kiện thường niên mà hai nước từ chối hủy nhưng đã thu nhỏ quy mô một cách đáng kể.
Một nhà phân tích cho biết các vụ thử tên lửa có khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian sắp diễn ra cuộc tập trận quân sự.
“Bắc Hàn sẽ tiếp tục trút cơn giận bằng cách thử tên lửa … trong những ngày tới trước khi cuộc tập trận bắt đầu vào đầu tháng Tám”, Harry Kazianis thuộc Trung tâm vì Lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington, cho biết.
“[Đó] là một thông điệp gửi tới Washington và Seoul: hãy dừng các cuộc tập trận chung hoặc chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện khả năng tấn công của mình.”
Bắc Hàn gọi các cuộc tập trận này là “vi phạm tinh thần” của tuyên bố chung được ký bởi ông Trump và ông Kim tại cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên tại Singapore năm ngoái.
Bình Nhưỡng đã cảnh báo các cuộc tập trận có thể ảnh hưởng đến việc nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 29/7 nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán này có thể bắt đầu “rất sớm”, nhưng nói thêm rằng không có hội nghị thượng đỉnh nào được lên kế hoạch giữa các nhà lãnh đạo của cả hai nước.
Có gì mới về quan hệ Mỹ – Bắc Hàn?
Không có thêm cuộc gặp công khai nào giữa giới chức Mỹ và Bắc Hàn kể từ khi hai lãnh đạo gặp nhau vào tháng Sáu.
Năm ngoái, ông Kim cho biết Bắc Hàn sẽ ngừng thử hạt nhân và sẽ không còn phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nữa.
Tuy nhiên, hoạt động hạt nhân dường như vẫn đang tiếp tục và hình ảnh vệ tinh về địa điểm thử hạt nhân chính của Bắc Hàn cho thấy có những hoạt động tại đây vào tháng trước, cho thấy nước này có thể tái xử lý chất phóng xạ thành nhiên liệu bom.
Bình Nhưỡng cũng tiếp tục thể hiện khả năng phát triển vũ khí mới bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt.
Bắc Hàn đã tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm ngắn tương tự vào đầu tháng Năm, đây là lần thử nghiệm đầu tiên kể từ khi Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa năm 2017.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49174534
Đài Loan bắn hơn 100 tên lửa, F-16
giả định đánh tàu Liêu Ninh
Trong cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra hai ngày từ hôm 29/7, quân đội Đài Loan đã phóng tổng cộng hơn 100 quả tên lửa bao gồm 12 loại có tầm bắn qua eo biển Đài Loan. Hãng tin CAN của Đài Loan dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng cho biết tin này hôm 30/7.Cuộc diễn tập diễn ra vào giữa lúc Trung Quốc cũng đang tiến hành hai cuộc diễn tập khác ở phía bắc và tây Đài Loan từ hôm 28/7 và sẽ kéo dài đến ngày 2/8 tới.
CAN trích lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, ông Lee Chao-ming cho biết Đài Loan đã phóng 117 quả tên lửa tầm xa và tầm trung ra vùng biển ngoài khơi phía đông của Đài Loan trong hai ngày 29 và 30/7. Trong số này có 40 quả được phóng hôm 29/7.
Theo UPI, cũng trong cùng ngày, các chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan đã diễn tập nhắm bắn tàu chiến, sử dụng tên lửa chống tàu AGM-84 Harpoon. Diễn tập này được coi là giả định chống lại tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Theo Liberty Times của Đài Loan, những máy bay chiến đấu khác tham gia cuộc tập trận đã thả những trái bom 2.000 pound trong 8 lần để đánh chìm các mục tiêu tấn công trên biển.
Đây được coi là lần đầu tiên kể từ năm 2001, quân đội Đài Loan sử dụng tên lửa Harpoon trong một cuộc diễn tập.
Trước đó, hôm 29/7, Cơ quan An toàn Hàng hai của Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc bắt đầu thực hiện các cuộc tập trận trong tuần này gần Đài Loan.
Global times trích lời ông Wei Dongxu, một chuyên gia phân tích quân sự của Trung Quốc, cho biết những cuộc tập trận được Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa thực hiện hàng năm, nhưng Hoa Kỳ đã cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, và thậm chí còn bán vũ khí cho Đài Loan. Vì vậy, cuộc tập trận được coi như một sự đánh chặn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-is-firing-off-more-than-100-missiles-07312019100854.html
Hồng Kông: 44 người ra tòa với cáo buộc ‘bạo loạn’
Hơn 40 người ra trước một tòa án Hồng Kông hôm thứ Tư 31/7 và bị buộc tội bạo loạn vì vai trò của họ trong một cuộc biểu tình gần đây đã trở nên bạo động khi hàng ngàn nhà hoạt động đụng độ với cảnh sát gần văn phòng đại diện chính của Bắc Kinh ở Hồng Kông.Đây là lần đầu tiên nhà chức trách ở trung tâm tài chính này sử dụng điều khoản về kết tội gây bạo loạn.
Nhóm 44 người đã bị bắt giữ sau khi một cuộc tụ tập ôn hòa hôm 28/12 tại một công viên ở khu thương mại trung tâm thành phố nhanh chóng biến thành các vụ chạm trán rượt đuổi giữa hàng ngàn người biểu tình mặc đồ đen và cảnh sát.
Việc sử dụng luật chống bạo loạn có thể gâyphẫn nộ cho các nhà hoạt động, vốn trước đó đã yêu cầu chính phủ tránh sử dụng thuật ngữ “bạo loạn” khi nói tới các cuộc biểu tình.
“Tôi không sợ biểu tình. Những gì diễn ra hôm nay chỉ khiến tôi thêm tức giận”, Gartner, một người biểu tình 21 tuổi, nói ởbên ngoài tòa án. Anh từ chối cho biết tên đầy đủ.
Hầu hết các bị cáo được cho tại ngoại với số tiền bảo lãnh là 128 đô la Mỹ. Tòa áp dụng lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 6 giờ sáng đối với hầu hết những người trong nhóm, và nhiều người được lệnh không được ra khỏi Hồng Kông.
Những người bị buộc tội gồm sinh viên, thư ký, giáo viên, y tá, công nhân, nhân viên bán hàng và một phi công thuộc hãng hàng không chính của Hồng Kông, Cathay Pacific. Tất cả đều được tại ngoại và sẽ ra tòa lại vào ngày 25/9.
Hàng trăm người đã bao vây một đồn cảnh sát vào tối 30/7 sau khi 44 nhà hoạt động bị buộc tội, và vào sáng 31/7, hàng trăm người tập trung bên ngoài tòa án, hô vang “Cách mạng của thời đại chúng ta”, và “Hãy giải phóng Hồng Kông”.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa người Hồng Kông sang đại lục để xét xử. Nhưng giờ đây, các cuộc biểu tình đã phát triển thành một phản ứng dữ dội hơn chống lại chính quyền Hồng Kông và quan thầy của họ ở Bắc Kinh.
https://www.voatiengviet.com/a/hong-kong-44-nguoi-ra-hau-toa-ve-toi-bao-loan/5023208.html
TQ cam kết tuân thủ luật quốc tế
và ‘làm việc tích cực’ về vấn đề Biển Đông
Một quan chức ngoại giao cao cấp của Trung Quốc nói nước này cam kết tuân thủ luật quốc tế và tích cực cùng khối ASEAN xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Reuters tường thuật.Tuyên bố của Đại sứ Triệu Kiếm Hoa từ Manila được đưa ra vào lúc đang diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Bangkok, 29/7-3/8.
Tình hình căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á trên Biển Đông, trong đó có sự kiện ở Bãi Tư Chính ở khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, sẽ trở thành tâm điểm trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào thứ Sáu này.
Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính?
Biển Đông: Quanh vụ trao cờ cho ngư dân ‘bám biển’
Bãi Tư Chính: ‘Vận động ngoại giao là thế tự vệ tốt nhất cho VN’
Hôm 2/8 là lúc các nhà ngoại giao hàng đầu trong khu vực có cuộc họp về an ninh với các cường quốc thế giới.
Tham dự phiên họp sẽ có đại diện của Hoa Kỳ, quốc gia đã đưa ra “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” để thách thức tham vọng bá chủ trên biển của Bắc Kinh.
Washington cũng tích cực thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với các nước khác nhằm chặn bước Trung Quốc.
Đối đầu ở Bãi Tư Chính
Hà Nội hồi đầu tháng đã đòi Trung Quốc phải rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi khu vực Bãi Tư Chính.
Hoa Kỳ ngay sau đó đã lên án Trung Quốc là có “cách hành xử bắt nạt” và “hoạt động khiêu khích, gây bất ổn”.
Việt Nam có vẻ như cũng đã nhận được ủng hộ ngầm từ Nga, nước có hãng dầu khí quốc doanh Rosneft đang hoạt động theo hợp đồng ký với Việt Nam tại lô dầu khí ở Bãi Tư Chính.
Bắc Kinh nói đây là phần lãnh thổ mang tính lịch sử của Trung Quốc.
Một tàu tuần duyên Trung Quốc bị phát hiện là có mặt ở gần lô dầu khí này vào hôm 16/7. Tổ chức nghiên cứu Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải Á châu (AMTI) ở Mỹ gọi đó là “thái độ đe dọa” từ phía Trung Quốc.
Mỹ: TQ cần ‘dừng thái độ bắt nạt’ ở Biển Đông
Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
Bãi Tư Chính: ‘VN nên công bố chi tiết’ và đừng ‘hạn chế báo chí’
Hai ngày sau, hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã gửi thông điệp cá nhân, chúc mừng Rosneft Vietnam về hoạt động khai thác ở lô dầu khí này.
Nga là một trong 27 quốc gia có mặt trong phiên họp Diễn đàn Khu vực ASEAN vào thứ Sáu này tại Bangkok.
Cạnh đó là sự hiện diện của ngoại trưởng các nước Nhật, Mỹ, Trung Quốc và Úc.
Liên tục đụng độ
Philippines, Malaysia và Việt Nam là các quốc gia gần đây bị ảnh hưởng bởi tàu tuần duyên và tàu dân quân biển Trung Quốc.
Hôm thứ Tư 31/7, ngoại trưởng Philippines xác nhận đã gửi công hàm cho Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh cho tàu thuyền tới quanh đảo Thị Tứ mà Philippines đang kiểm soát.
Tàu tuần duyên mang số hiệu 35111 của Trung Quốc, là tàu đã xuất hiện gần khu vực hoạt động của Rosneft ở ngoài khơi Việt Nam, cũng được phát hiện đã tới gần một giàn khoan trên thềm lục địa của Malaysia hồi tháng Năm, theo AMTI.
Hồi tháng Sáu, một tàu cá Trung Quốc đánh chìm một tàu Philippines, khiến thủy thủ đoàn 22 người bị mắc kẹt tại bãi Reed Bank ở phía đông bắc Quần đảo Trường Sa, nơi có trữ lượng khí gas và nằm trong khu EEZ của Philippines. Bắc Kinh nói đó là một vụ tai nạn.
Hôm thứ Hai, 29/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận năm tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải thuộc phạm vi 12 hải lý của Manila trong tháng này mà không hề thông báo gì cho chính phủ Philippines. Ông gọi đây là việc “không tuân thủ các nghi thức quy định, cũng không thể hiện sự tôn trọng cần có”.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Kiếm Hoa, hôm thứ Ba 30/7 nói rằng Trung Quốc cam kết tuân thủ luật quốc tế và “làm việc rất tích cực” cùng khối ASEAN để xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong vòng ba năm.
“Bất kể là có trở nên hùng mạnh đến đâu thì Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách chiếm quyền lãnh đạo, cũng không bao giờ thiết lập các phạm vi gây ảnh hưởng,” ông Triệu nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49178534
Sinh viên TQ đại lục
‘tấn công’ sinh viên Hong Kong ở Úc
By Frances MaoBBC News, SydneyGiờ đã là tuần thứ tám của cuộc biểu tình ở Hong Kong, khơi nguồn từ sự phản đối dự luật dẫn độ rồi lớn dần sang sự phản đối đối với chính phủ và Bắc Kinh.
Và những xung đột đang diễn ra ở Hong Kong đã nhanh chóng lan tỏa ra sang Úc nơi, có hàng trăm sinh viên Trung Quốc đại lục và Hong Kong đang du học tại Úc.
Tại Đại học Queensland, căng thẳng trở thành các cuộc đụng độ dữ dội vào tuần trước, khi nhóm sinh viên ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong đụng độ với những sinh viên ủng hộ Bắc Kinh.
Hàng trăm người biểu tình đã la hét lên những lời lăng mạ và tục tiu trong khi quốc ca Trung Quốc phát ra từ một cái loa to.
Video được đăng lên mạng cho thấy những người ủng hộ Trung Quốc xé toạc áp phích từ tay nhóm sinh viên ủng hộ dân chủ Hong Kong, gây ra xô xát, va chạm.
An ninh đã nhanh chóng đến để tách các nhóm ra nhưng tình hình vẫn căng thẳng, Nilsson Jones, một sinh viên báo chí quay một số vụ đụng độ cho biết
“Một cách áp đảo, các sinh viên Trung Quốc [đại lục] là những kẻ hung hãn,” anh nói và nói thêm rằng nhóm sinh viên này cũng đông đảo hơn.
Các sinh viên Hong Kong tham gia các cuộc biểu tình nói với BBC rằng họ không làm gì để kích động phản ứng đó.
Christy Leung, 21 tuổi và Phoebe Fan, 22 tuổi, nói họ đã giúp tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa để ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại quê nhà.
“Mục tiêu của chúng tôi là để chúng em thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình ở Hong Kong và cho thấy chúng tôi cũng phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc”, Fan nói với BBC. “Chúng tôi không hề nói bất cứ điều gì về việc độc lập hay bất cứ điều gì như thế.”
Các sinh viên nói rằng cuộc biểu tình của họ bắt đầu diễn ra suôn sẻ nhưng sau đó bị bao vây bởi những người phản đối, chửi bới và phá hủy biểu ngữ của họ.
Leung nói rằng cô bị một người đàn ông “đến chỗ tôi và đập tấm áp phích ra khỏi tay tôi”.
“Một số bạn nam của tôi đi đến trước mặt tôi và ngăn anh ta lại, nhưng tôi cảm thấy dường như anh ta đang cố làm tổn thương tôi. Anh ta đã gô cổ một người trong cuộc đụng độ.”
Trước đó trong ngày, cũng có một cuộc biểu tình khác do các sinh viên Úc dẫn đầu lên tiếng ủng hộ phong trào phản kháng ở Hong Kong, và chỉ trích cách đối xử của người Uyghurs (Duy Ngô Nhĩ), nhưng cũng gặp phải sự đối đầu gay gắt từ những sinh viên đại lục.
Một sinh viên người Úc, Drew Pavlou, nói anh bị mẻ một chiếc răng và xương sườn bầm tím sau một cuộc đụng độ. Anh còn nói anh nhận được các tin nhắn đe dọa tính mạng trên mạng và phải có một nhân viên bảo vệ đi cùng đến lớp học.
‘Tôi thấy sợ hãi’
Fan và Leung nói rằng sự quấy rối đe dọa cũng tiếp diễn bên ngoài khuôn viên trường. Họ thấy hình ảnh của mình bị chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cùng với những tin nhắn đe dọa. Fan nói một bình luận cảnh báo cô sẽ “đối mặt với hậu quả”.
Một trong những người bạn của họ cũng bị “doxxed”, có nghĩa thông tin cá nhân bao gồm hộ chiếu, giấy chứng nhận kết hôn và mã sinh viên của anh bị công bố trực tuyến.
“Đừng lo, sẽ không có một cuộc sống yên bình cho anh ta ở Brisbane đâu,” một chú thích đi kèm thông tin này trên trang mạng xã hội Trung Quốc Weibo.
“Tôi cảm thấy rất lo lắng và phần lớn là sợ hãi vì tôi không chắc họ sẽ làm gì với tôi,” Fan nói.
Đại học Queensland không phản hồi trực tiếp về vụ việc của Fan, nhưng cho biết họ đang điều tra các cuộc biểu tình và đã đề nghị hỗ trợ cho sinh viên.
“Trường đại học cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và không khoan dung đối với bạo lực và đe dọa,” một phát ngôn viên nói.
Sinh viên Trung Quốc đại lục nói gì?
Lãnh đạo nhóm phản đối, Frank Wang, không trả lời yêu cầu bình luận của BBC nhưng nói với truyền thông địa phương rằng anh đã cảnh báo các sinh viên Hong Kong rằng “cuộc xung đột chắc chắn sẽ xảy ra” vào thứ Tư tuần trước.
“Điều xảy ra hôm nay không phải là về chúng tôi”, anh nói với đài ABC. “Họ tổ chức sự kiện, họ gây ra mọi thứ … họ cố làm chúng tôi tức giận.”
Một kiến nghị trực tuyến yêu cầu các trường đại học xin lỗi vì cho phép các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ được diễn ra đã nhận được hơn 3.000 chữ ký.
Các bài đăng khác trên mạng xã hội cho thấy căng thẳng đã lan sang các trường đại học khác. Một bài đăng cho thấy một biểu ngữ ủng hộ dân chủ đã bị phá hủy tại Đại học New South Wales ở Sydney.
Cũng có báo cáo vào thứ Ba về những vụ ẩu đả tương tự tại một trường đại học ở Auckland, New Zealand.
Một cuộc biểu tình khác dự kiến sẽ diễn ra tại Đại học Queensland vào thứ Tư, cáo buộc trường đại học đã không bảo vệ được quyền tự do ngôn luận trong khuôn viên trường. Phía quản lý nhà trường nói rằng an toàn của sinh viên là ưu tiên hàng đầu của họ. Những người tham gia đã được yêu cầu mang theo thẻ sinh viên và cảnh báo rằng họ có thể phải gỡ bỏ khăn che mặt.
Fan nói với BBC rằng cô muốn các sinh viên ủng hộ Trung Quốc “tôn trọng quyền tự do ngôn luận của chúng tôi”.
Nhưng cô nói rằng cô cảm thấy tức giận vì sự áp lực này thậm chí đã đến cả “trên đất Úc” và sợ rằng mình đang bị theo dõi.
“Tôi vẫn phải học ở đây, và bây giờ họ đang theo dõi tôi. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt … Tôi cảm thấy thiếu tự do để thể hiện quan điểm của mình.”
‘Yêu nước tự phát’
Chỉ có khoảng 200.000 sinh viên Trung Quốc tại Úc, và đang đem lại nhiều doanh thu cho ngành giáo dục Úc.
Sau cuộc đụng độ ở Queensland, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Brisbane, Xu Jie, nhấn mạnh rằng các sinh viên đại lục đang “yêu nước một cách tự phát”.
Và không rõ liệu sự nhiệt thành như vậy có được chỉ đạo bởi các cơ quan nhà nước hay không, các nhà phân tích Trung Quốc tại Úc cho biết.
Nhưng ngày càng có một mối quan ngại trong những năm gần đây về việc có bao nhiêu sinh viên Trung Quốc được hỗ trợ bởi chính phủ ở Bắc Kinh.
Chính phủ Úc đang điều tra vai trò của các Viện Khổng Tử – trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc do chính phủ Trung Quốc tài trợ – liên quan đến các luật mới đòi hỏi các tổ chức nước ngoài phải “cởi mở, hợp pháp và minh bạch”.
“Tôi nghĩ rằng lòng yêu nước và niềm tự hào của sinh viên Trung Quốc đủ để cho những điều này xảy ra thường xuyên, ngay cả khi không có sự chỉ đạo của chính phủ,” Dirk Van der Kley của China Matters, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Sydney nói.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne trả lời bằng cách nhắc lại rằng quyền tự do ngôn luận được bảo vệ ở Úc.
“Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm nếu bất kỳ cơ quan ngoại giao nước ngoài nào hành động theo cách có thể làm suy yếu các quyền đó, bao gồm bằng cách khuyến khích hành vi gây rối hoặc có khả năng bạo lực,” bà nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49174594
Hội nghị Bắc Đới Hà
Nguyễn Xuân NghĩaHội nghị tuyệt mật
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, giới quan sát quốc tế cho rằng lãnh đạo của Trung Quốc đang có hội nghị tuyệt mật tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà bên biển Bột Hải cách Bắc Kinh gần 300 cây số về hướng Đông. Theo dõi tin tức Trung Quốc, ông cho rằng nghị trình của cuộc họp này sẽ là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta cho là hội nghị đề cập tới các hồ sơ nóng bỏng, như trận thương chiến với Hoa Kỳ, tình hình gay go tại Hong Kong và quan hệ căng thẳng với Đài Loan. Nhưng tôi lại nghĩ hơi khác một chút.
- Trước hết, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn có hội nghị hàng tháng của Bộ Chính Trị dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Tập Cận Bình để thảo luận và giải quyết các hồ sơ nóng của Trung Quốc. Nhưng hội nghị tại Bắc Đới Hà lại do một bộ phận khác tổ chức và bảo vệ. Nó còn quy tụ các lão đồng chí đã về hưu nhằm góp ý với Bộ Chính Trị. Vì vậy, hội nghị tích lũy kinh nghiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo trước sau và đề cập tới nhiều vấn đề sâu xa lâu dài.
- Sau hai Đại hội đảng thuộc Khóa 18 và 19 vào cuối năm 2012 và 2017, người ta thấy một chuyển biến lớn là lãnh đạo đảng dần dần trao phó tối đa quyền lực cho ông Tập Cận Bình nhằm giải quyết nhiều bài toán gai góc và đầy mâu thuẫn của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của họ Tập, chế độ độc tài này đang lui về trạng thái “toàn trị” như dưới thời Mao Trạch Đông với Tập Cận Bình là nhà tư tưởng lớn.
Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, tôi ngờ rằng khi hội nghị Bắc Đới Hà có sự tham gia của các thế hệ lãnh đạo trước, từ Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào, nghị trình đặt ra phải có viễn cảnh xa. Xa nhất là từ năm 1921, khi đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời.
Nguyên Lam: Tức là ông dự đoán rằng các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc đang bàn về những chuyện xảy ra trăm năm về trước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khác với các chế độ dân chủ vài ba năm lại thay đổi sau mỗi kỳ bầu cử, lãnh đạo Trung Quốc nhìn sâu hơn về lịch sử và có nhiều dấu mốc lâu dài, như trăm năm sau ngày thành lập đảng vào năm 1921 hay 100 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời vào năm 1949. Làm sao tuyên truyền và huy động quốc dân cho các nhiệm vụ lịch sử đó khi đảng đang phải đối phó với nhiều mâu thuẫn cơ bản mà ông Tập Cận Bình đã đề ra và nói tới? Tôi nghĩ hội nghị Bắc Đới Hà sẽ tập trung vào các bài toán này.
Nguyên Lam: Ông nêu ra một ý lạ là tham vọng lịch sử của Trung Hoa Cộng sản đảng đối chiếu với các mâu thuẫn thật ra lại khá nan giải của xứ này. Thưa ông, vì sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Có ý thức lịch sử sâu xa, lãnh đạo Bắc Kinh hiểu bài tóan muôn thuở là Hoàng đế ở trên có nhiều quyền lực mà thiếu thông tin về thực tế ở dưới và bộ máy hành chính của triều đình lại không chịu trách nhiệm về những tai họa mà Hoàng đế không biết. Ông Tập Cận Bình có thể trở thành Hoàng đế vĩnh viễn sau hai nhiệm kỳ năm năm mà cũng biết nhược điểm ấy. Nhưng làm sao giải quyết bài toán này?
- Chuyện thứ hai là thế giới đổi thay với nhiều thách đố kinh tế cho đảng đã được các thế hệ lãnh đạo thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo nêu lên từ gần hai chục năm trước, như không cân đối, không phối hợp, bất công và thiếu bền vững. Làm sao đảng có thể thay đổi để giải quyết các mâu thuẫn đó mà không mất quyền? Thí dụ cụ thể, trước khi bùng nổ trận thương chiến với Hoa Kỳ, thì đà tăng trưởng đã chậm lại và chính thức chỉ còn khoảng 6-7%, thực tế có khi chỉ bằng một nửa.
Mâu thuẫn bên ngoài và bên trong
Nguyên Lam: Nếu như vậy thì vấn đề không chỉ là mâu thuẫn mậu dịch với nước Mỹ mà còn là những mâu thuẫn bên trong của Trung Quốc.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mâu thuẫn căn bản nhất mà có lẽ ông Tập Cận Bình cũng ý thức được vì ông nắm vững nhiều thông tin là làm sao dung hòa các yêu cầu trái ngược? Cụ thể là làm sao hiện đại hóa xứ sở, vừa du nhập quy luật tự do của thị trường vừa bảo vệ quyền kiểm soát của đảng? Tôi e rằng Tập Cận Bình vẫn cứ loay hoay trong các mâu thuẫn ấy khi đảng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng để các đảng viên thực hiện cho bằng được với nhiều tham ô lãng phí và gây hậu quả xấu cho đà tăng trưởng thiếu phẩm chất. Tại hội nghị Bắc Đới Hà, nhiều lão đồng chí đã về hưu tất nhiên nêu ra các câu hỏi gay go ấy.
Sự thật thì “người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già” và “nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung” khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Đấy là khi người ta không nêu ra nhiều vấn đề khác như gánh nợ quá nặng, tình trạng vỡ nợ của nhiều doanh nghiệp, vị trí bấp bênh của đồng bạc Trung Quốc, hoặc nạn lão hóa dân số với tốc độ nhanh nhất trong các nước đang phát triển và cái mà giới kinh tế gọi bẫy sập của lợi tức trung bình. Ông nghĩ sao về các vấn đề này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau bảy tám chục năm cải cách, các nước tiên tiến đều lên tới trình độ phát triển cao, với lợi tức bình quân một đầu người ở khỏang 40 nghìn đô la một năm. Trung Quốc chưa lên tới đó vì sản lượng hay năng suất của một người chỉ ở khỏang 12 ngàn đồng. Khi đảng chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày lập đảng trong một hai năm tới thì con số bình quân đó chưa thay đổi nhiều, cho tới năm 2025 may lắm lên tới 14 ngàn đô la một người. Nếu vậy, thành tích của đảng là gì? Thành tích đó là dời cột mốc nhằm đề cao thành tựu của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, là chủ nghĩa Hán tộc ngụy danh và sự hùng mạnh quân sự làm các nước kiêng nể.
Nguyên Lam: Chúng ta bước qua khía cạnh quốc tế của hồ sơ Trung Quốc, với các bài toán nổi cộm như Hong Kong hay Đài Loan và vùng biển Đông Nam Á mà nhiều người cho rằng sẽ thuộc nghị trình của hội nghị tại Bắc Đới Hà. Ông nghĩ sao về những chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có vấn đề thật và vấn đề giả! Bắc Kinh đã nắm Hong Kong trong tay từ năm 1997 mà thôn tính chưa nổi và nay còn hăm dọa sẽ thống hợp Đài Loan bằng giải pháp quân sự. Tôi cho là trong hội nghị tuyệt mật tại Bắc Đới Hà, các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc sẽ nói thật nói thẳng, rằng “Trung Quốc Mộng” do Tập Cận Bình đề ra nhằm xây dựng một trật tự mới của thế giới dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc để “bình thiên hạ” chỉ là một ảo vọng.
- Sự thật thì “người dân Trung Quốc chưa giàu mà đã già” và “nhà nước Bắc Kinh chưa hùng mà đã hung” khiến các nước lại liên kết với nhau để phòng ngừa. Các thế hệ lãnh đạo trước đây của đảng sẽ nhắc nhở ông Tập Cận Bình về thực tế khá phũ phàng này. Một thí dụ ít ai nhắc tới là Trung Quốc có tỷ lệ học sinh trung học cao nhất thế giới làm ai cũng sợ, nhưng gần một phần tư lại phá ngang, bỏ học. Tuyên truyền về các thời điểm lịch sử như 1921 hay 1949 thì khá huy hoàng, nhưng thực tế lại chẳng như vậy và kinh tế xứ này vẫn quá lệ thuộc vào việc nhập khầu kiến năng hay “know how” của nhiều nước khác. Vì vậy, hội nghị Bắc Đới Hà sẽ là phút nói thật ở bên trong.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi thú vị tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-beidaihe-meeting-07302019142136.html
Sau ba năm, TQ tiếp tục tuyên truyền
phản bác Phán quyết của Tòa Trọng tài
Sau khi Tòa Trọng tài (12/7/2016), Trung Quốc đã tìm mọi cách làm suy yếu giá trị pháp lý của Phán quyết, đồng thời triển khai tổng hợp nhiều biện pháp nhằm biện minh cho các hành động phi pháp trên Biển Đông.Phản ứng cứng rắn ban đầu
Ngay từ khi Philippin khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2013, Trung Quốc thể hiện lập trường “ba không” đối với vụ kiện của Philippin: không thừa nhận giá trị của phiên tòa, không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài và không chấp nhận việc sử dụng kết quả phiên tòa trong đàm phán tranh chấp với các nước.
Sau quá trình tranh tụng của Tòa Trọng tài và khả năng một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc sẽ được đưa ra, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch vận động hành lang nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với lập trường Biển Đông của mình.
Ngay trước khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết, Trung Quốc tuyên bố có 60 nước ở châu Phi, châu Âu, Trung Đông, Trung Á ủng hộ lập trường Biển Đông của họ. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, chỉ có 8 quốc gia đưa ra tuyên bố công khai ủng hộ việc Trung Quốc tẩy chay quá trình xét xử và bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài. Những nước này bao gồm Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Ngoài ra, 5 trong số 60 quốc gia trong danh sách Trung Quốc công bố đã thẳng thừng bác bỏ việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc, trong đó có hai thành viên của Liên minh châu Âu. Theo đánh giá của Euan Graham, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Lowy ở Sydney (Australia), danh sách mà Trung Quốc đưa ra “giống như một liên minh đầy mơ hồ, hoặc chỉ đơn giản là những nước không nắm rõ tình hình, chứ không phải là một khối đồng nhất”.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành một chiến dịch tuyên truyền trên khắp thế giới như liên tục đăng bài viết trên các tạp chí uy tín quốc tế và thuê đăng quảng cáo trên các báo lớn của các nước để bảo vệ lập trường của Trung Quốc, tuyên truyền chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định tôn trọng các nước láng giềng có chung tranh chấp, đổ lỗi cho Philippin, Mỹ và các nước khác là nguồn gốc gây ra căng thẳng ở Biển Đông. Như vậy, các chiến dịch vận động và tuyên truyền của Trung Quốc cho thấy họ lo lắng trước Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ gây ra những bất lợi cho Trung Quốc.
Ngay khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo tuyên bố Phán quyết của Tòa Trọng tài là “vô hiệu” và “không có sự ràng buộc” với Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Phán quyết của Tòa Trọng tài gây “gia tăng căng thẳng” trong khu vực, làm “tổn hại nghiêm trọng” đến hòa bình và ổn định chính trị ở Biển Đông. Trong khi đó, hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua mô tả Tòa Trọng tài đã ra “phán quyết yếu kém” về Biển Đông và cho biết Trung Quốc “không chấp nhận và không công nhận” Phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên Phán quyết của Tòa Trọng tài đối với yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. Một ngày sau Phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc công bố Sách trắng với tựa đề “Trung Quốc kiên quyết giải quyết tranh chấp với Philippin ở Biển Đông thông qua đàm phán”, nói rằng Trung Quốc sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trung Quốc đã “bỏ quên” phán quyết của Tòa Trọng tài
So với trước, trong và ngay sau khi Tòa tuyên bố phán quyết, từ năm 2017 đến nay Bắc Kinh lại triển khai một chiến dịch mới – chiến dịch “bỏ qua tất cả” để tuyên truyền về vụ kiện. Trung Quốc chủ động không đưa tin, không đề cập, không phát biểu, không nhắc đến phán quyết của Tòa trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí giới quan chức Trung Quốc, hay những chuyên gia, học giả theo phe cánh “Diều hâu”, hiếu chiến cũng rất ít khi đề cập về phán quyết. Hành động này của Bắc Kinh chủ yếu là do:
Thứ nhất, Bắc Kinh muốn thể hiện thái độ, lập trường “không tiếp nhận, không thừa nhận, không tuân thủ phán quyết”; coi phán quyết chỉ là “tờ giấy trắng”, không có giá trị pháp lý, ràng buộc đối với Bắc Kinh.
Thứ hai, Bắc Kinh muốn định hướng dư luận trong nước, hay nói cách khác, Bắc Kinh đang triển khai chính sách kiểm duyệt thông tin, không muốn để người dân trong nước hiểu rõ bản chất vụ kiện và cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc như thế nào.
Thứ ba, Bắc Kinh tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi “chịu trận” để các nước lên án, chỉ trích mà không đáp trả (trái ngược so với cách hành động, phản ứng của Trung Quốc từ trước đến nay), trong khi Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ cải tạo các thực thể nhân tạo ở Trường Sa, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, đưa nhiều loại vũ khí, khí tài sát thương (tên lửa, máy bay chiến đấu, pháo cao xạ…) ra Hoàng Sa, Trường Sa…
Cuối cùng, Bắc Kinh không nhắc đến vụ kiện là muốn để nó dần dần chìm vào quên lãng, vì cho rằng khi mà Trung Quốc không nhắc đến thì có lẽ dần dần cộng đồng quốc tế cũng quên đi, không nhắc đến phán quyết nữa.
Tìm cách làm suy yếu phán quyết
Sau phán quyết, Trung Quốc chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc, trong đó có một số điểm nổi bật như: (1) Tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới các nước láng giềng, các nước hay can thiệp vào vấn đề Biển Đông; (2) Vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. (3) Răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. (4) Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán và đã nhất trí thông qua Khung COC với các nước ASEAN, từ đó tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (5) Trung Quốc chủ động đề xuất cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (3/2017) kêu gọi xây dựng cơ chế hợp tác giữa các nước ven biển ở Biển Đông, song song với các cơ chế hiện có, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Cơ chế này không liên quan đến giải quyết tranh chấp, mà chủ yếu thúc đẩy hợp tác chuyên ngành.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng sử dụng câu chữ để đánh lừa dư luận và tránh sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế liên quan phán quyết, cụ thể: (1) Trung Quốc sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; (2) Trung Quốc không gắn “đường chín đoạn” với yêu sách vùng biển và “quyền lịch sử”, song không làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi của các quyền này; (3) Trung Quốc cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.
Sử dụng tổ chức phi chính trị phản bác phán quyết
Hội Luật quốc tế Trung Quốc (15/5/2018) công bố tài liệu “Phê bình phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”, đưa ra các lập luận thiếu cơ sở pháp lý
nhằm chỉ trích từng câu, chữ của Phán quyết Trọng tài, đồng thời bao biện cho yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tài liệu lặp lại những lập luận được đưa ra tại “Tài liệu lập trường của Trung Quốc” công bố năm 2014 trong đó cho rằng: (1) Bản chất của vụ kiện do Philippines khởi xướng là các tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Vấn đề chủ quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS nên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết; (2) Cơ chế trọng tài quốc tế cần sự đồng thuận của cả hai phía trong tranh chấp, việc Philippines đơn phương tiến hành khởi kiện là trái với luật quốc tế và vụ kiện không có giá trị với Trung Quốc; (3) Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn giữa hai quốc gia… quy định các bên chỉ sử dụng duy nhất phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Philippines đơn phương khởi kiện là phá vỡ cam kết với Trung Quốc và các nước ASEAN; (4) Giữa Trung Quốc và Philippines chưa có trao đổi cụ thể, thực chất về tranh chấp, vậy nên “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” – một điều kiện tiền đề để vận dụng cơ chế tài phán của UNCLOS – chưa được hoàn thành, do đó Philippines không thể sử dụng biện pháp trọng tài. (5) Vì Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 UNCLOS nên Trung Quốc không phải tham gia vào vụ kiện và không bị ràng buộc vào quyết định của Tòa Trọng tài. Đây là các lập luận cũ, đơn thuần là cách giải thích gượng ép, bó buộc tất cả mọi vấn đề trên biển vào vấn đề chủ quyền nhằm loại bỏ khả năng sử dụng các cơ chế tài phán nhằm làm sáng tỏ tranh chấp và đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ trong phán quyết. Tài liệu trên cũng chỉ trích phán quyết chia tách các vấn đề của tranh chấp Biển Đông bằng cách trích dẫn một cách chắp nối kết luận của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) trong một số vụ việc, nhưng bối cảnh áp dụng của các vụ việc được trích dẫn không có liên quan đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Tài Liệu chỉ trích từng kết luận của Tòa Trọng tài dựa trên cách giải thích sai lệch về luật quốc tế đối với quyền lịch sử và quy chế pháp lý của Trường Sa. Đối với quyền lịch sử, Tài liệu vẫn dựa trên cái gọi là thực tiễn trước khi có UNCLOS để khẳng định về sự tồn tại của quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử. Đáng chú ý, Nghiên cứu dẫn lại một loạt các tài liệu về hoạt động của người dân Trung Quốc tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định sự tồn tại của quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, các tài liệu này chủ yếu chỉ dẫn các “bằng chứng” về thực tiễn đánh cá, thu thập sản vật hoặc sinh sống tại Hoàng Sa và Trường Sa, không bao gồm các thực tiễn liên quan đến tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. Từ đó, việc Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử rộng lớn đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển là thiếu cơ sở pháp lý.
Tài liệu cũng cho rằng toàn bộ tất cả các cấu trúc gần Trường Sa được gộp lại thành quần đảo Trường Sa và nó “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Đồng thời, vùng biển của “quần đảo” Trường Sa theo quy định của “tập quán quốc tế”, tương tự quy chế của quốc gia quần đảo, tức là có đường cơ sở bao quanh tất cả các cấu trúc xa nhất của quần đảo và từ đó xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho cả quần đảo. Tài liệu cũng cố tình bỏ qua lịch sử đàm phán UNCLOS, phương án áp dụng đường cơ sở quần đảo cho nhóm đảo xa bờ đã được đề xuất nhưng cuối cùng đã được các nước thành viên trong đó có Trung Quốc nhất trí loại bỏ. Các thực tiễn ít ỏi, thiếu nhất quán và bị phản đối sau khi UNCLOS có hiệu lực không đủ để hình thành một tập quán quốc tế về việc áp dụng đường cơ sở thẳng kiểu quần đảo cho nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa. Từ các lập luận về quyền lịch sử và quy chế của Trường Sa, Tài liệu tiếp tục cho rằng các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là các hoạt động “bảo vệ chủ quyền và thực thi quyền tài phán”. Tuy nhiên, do quyền lịch sử của Trung Quốc bị bác bỏ và các cấu trúc của Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phần lớn Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển, theo đó, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Tài liệu ngụy biện cho rằng Tòa lập luận về hành động gây tổn hại cho hệ sinh thái không đồng nhất với ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, cho rằng hành động của tàu thực thi pháp luật với các tàu của Philippines không vi phạm Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs) mà nhằm trấn áp hành vi vi phạm quyền qua lại không gây hại tại Bãi Cỏ Mây.
Nhìn chung, Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc là một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng tế vì nó không chỉ là cuộc chiến pháp lý giữa Philippin và Trung Quốc mà còn có nhiều ý nghĩa và tác động đối với quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Nhìn chung, phản ứng của giới chuyên gia về luật quốc tế và quan hệ quốc tế của nhiều nước và của tổ chức quốc tế đều đánh giá ý nghĩa tích cực Phán quyết của Tòa Trọng tài vì nó góp phần làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn
mực về cách mà các nước hành xử trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể được sử dụng như một thông lệ ứng xử trong luật quốc tế cho những vụ kiện trong tương lai, nếu có, vì nó không chỉ góp phần vào việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông mà còn cả với tranh chấp về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới.
Đúng như những gì dự đoán, ba năm sau phán quyết, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những toan tính ở Biển Đông như tiếp tục hoạt động tôn tạo các đảo nhân tạo, kể cả việc bồi đắp bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp chính giữa Trung Quốc và Philippin ở Biển Đông và đưa vũ khí cùng với trang thiết bị quân sự đến các đảo này. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục đưa ra các lệnh cấm đánh bắt cá trái phép ở những vùng biển tranh chấp với các nước trong khu vực, cản trở hoạt động của tàu thuyền các nước trong vùng biển tranh chấp… Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng sự áp đảo của lực lượng hải quân của họ để uy hiếp hoặc đụng độ với các nước có tranh chấp trong khu vực hòng chiếm thêm các thực thể do các nước khác đã chiếm đóng ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/29367-sau-ba-nam-tq-tiep-tuc-tuyen-truyen-phan-bac-phan-quyet-cua-toa-trong-tai.html
Kiểm soát thượng nguồn sông Mekong:
TQ đang “bức tử” các nước hạ lưu
Tổ chức dân sự Mekong Butterfly cho rằng 8 đập thủy điện ở Trung Quốc là thủ phạm chính gây tình trạng nước sông xuống thấp kỷ lục khi đã giữ lại hơn 40 tỷ m3 nước phục vụ phát điện, tưới tiêu.Trung Quốc giữ nước gây ảnh hưởng tiêu cựu tới hạ lưu
Sông Mekong, tiếng Trung Quốc gọi là Lan Thương, là con sông dài thứ 7 ở châu Á, cung cấp nguồn sống và nơi cư trú cho các cộng đồng ven sông và các loài hoang dã tự nhiên dọc theo dòng chảy của nó từ Trung Quốc và Myanmar đến Lào và Thái Lan, xuống Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra biển. Việc xây đập của Trung Quốc trên thượng nguồn Mekong từ lâu đã được coi là mối nguy cơ về địa chính trị cho các nước hạ nguồn ven sông và là nguồn gốc cho các xung đột tiềm tàng cho toàn bộ tiểu vùng Mekong mở rộng, bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Nguy cơ này đã tự bộc lộ một cách bộc phát qua các mùa khô hàng năm, khi khoảng 60 triệu người trong các làng chài và cộng đồng dọc theo sông Mekong bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng bất kỳ sự phản đối nào cũng bị các hiện thực địa chính trị làm cho câm lặng.
Thông tin trên cho biết, trong giai đoạn nắng hạn hiện nay, mực nước xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng giảm lưu lượng xả nước xuống 500 m3/s. Tuy Trung Quốc (18/7) co tăng lượng xả lên 1.000m3/s, nhưng mực nước ở các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan vẫn thấp kỷ lục, khiến việc đi lại, đánh cá, bơm nước trở nên không thể. Theo Pianporn Deetes, điều phối viên tại Thái Lan của International Rivers, tổ chức bảo vệ các dòng sông và cộng đồng ven sông, hiện một số trạm bơm cấp nước ở cả Thái Lan và Lào (bao gồm ở Vientiane) cũng đang gặp vấn đề, đồng thời khẳng định điều này cho thấy rõ ràng các đập thủy điện của Trung Quốc đang làm vấn đề trầm trọng hơn.
Ngoài lượng mưa giảm, việc các đập thủy điện từ thượng nguồn thay đổi dòng chảy cũng là nguyên nhân khiến mực nước sông Mekong xuống thấp. Đáng chú ý, theo giới chuyên gia, năm nay có hiện tượng thời tiết El Niño, khiến lượng mưa và kéo theo đó là lượng nước trên sông Mekong giảm. Lượng nước vào Việt Nam không còn đủ để đẩy lượng mặn ra. Độ mặn cao ảnh hưởng đến canh tác, các vùng trồng lúa, đến nhu cầu nước sinh hoạt.
Không những vậy, phù sa và lượng cá về vùng đồng bằng sẽ ít đi, thay vào đó tích tụ ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ít phù sa dẫn đến sạt lở gia tăng và đất kém phì nhiêu. Báo cáo gần đây của Ủy hội sông Mekong cho thấy các dự án đập thủy điện trên dòng Mekong sẽ giảm hệ thủy sinh tới 40% vào năm 2020 và dự đoán 80% nguồn cá sẽ cạn kiệt vào năm 2040. Nguồn cá ở Việt Nam sẽ giảm 30%, trong khi ở Thái Lan giảm 55%, Lào 50% và Campuchia 35%.
Bản đồ do Bangkok Post công bố về các dự án đập dọc sông Mekong cho thấy Trung Quốc đã hoàn thành 10/11 dự án đập. Đoạn sông Mekong tiếp theo, đi qua Lào rồi đến Campuchia, trước khi sang tới Việt Nam có tới 9 dự án đập thủy điện khác nằm trong kế hoạch và hai dự án đang xây là đập Xayaburi và đập Don Sahong ở biên giới Lào – Campuchia.
Tiến sĩ Thitinan Pongsudhirak, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok chỉ ra rằng nền kinh tế lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào mực nước và giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa. Các nước hạ lưu sông Mekong vẫn dựa vào sông nước làm sinh kế, để khai thác thủy sản, làm môi trường nuôi trồng thủy sản. Việc Trung Quốc đang xây dựng các đập thủy điện mà không lắng nghe lo ngại của các nước bị tác động và “độc quyền, thao túng nguồn nước” giống việc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ngoài Biển Đông. Theo ông, các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, cần phải cùng nhau lên tiếng và kêu gọi các nước ASEAN khác ủng hộ, trong việc yêu cầu Trung Quốc có trách nhiệm hơn. Nếu Trung Quốc độc quyền nguồn nước, xây dựng đập một cách tùy ý và gạt đi các nước hạ lưu, chính họ sẽ ngày càng bị chống đối.
Trong khi đó, Quỹ Động thực vật hoang dã Thế giới (WWF) năm 2015 ví đập Don Sahong như “quả bom hẹn giờ đe dọa đến hệ sinh thái, an ninh lương thực của hàng triệu người và quần thể cá heo Irrawaddy đang nguy cấp trên sông Mekong… tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái suốt cho đến Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Các đập thủy điện sẽ phóng đại ảnh hưởng của thời tiết đối với Việt Nam nằm ở cuối dòng Mekong. Khi mưa nhiều, các đập lại xả xuống hạ lưu nhiều, lại gia tăng lũ lụt… Vì khi có quá nhiều nước, phải xả ra, nếu không vỡ đập. Nhưng khi khô hạn các đập lại làm cho hạ lưu khô hạn hơn.
Ngoại giao nguồn nước của Trung Quốc
Đây chính là lý do mà Trung Quốc mong muốn đưa các nhà lãnh đạo Mekong đến bàn họp cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC). Chương trình hội nghị thượng đỉnh của Bắc Kinh bao gồm năm điểm: từ kết nối hạ tầng, công nghiệp hóa, đến thương mại biên giới, quản lý nguồn nước, hợp tác nông nghiệp và giảm nghèo. Nhưng đằng sau các bức ảnh tuyên truyền và kế hoạch làm việc, ý tưởng của LMC biểu tượng hóa cho những nỗ lực khôn khéo của Trung Quốc nhằm thiết lập thể chế và luật chơi của mình.
Hơn nữa, sáng kiến LMC cũng cạnh tranh với Ủy hội sông Mekong (MRC), vốn được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam từ năm 1995 với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ quốc tế nhằm quản lý các nguồn lợi của con sông thông qua các nghị định thư và công ước quốc tế điều chỉnh các tuyến đường sông chính trên toàn cầu. Myanmar và Trung Quốc là các đối tác đối thoại của MRC nhưng Trung Quốc đã chủ tâm gạt MRC ra bên lề. Đối với Trung Quốc, sáng kiến LMC do Trung Quốc dẫn dắt mới là khuôn khổ quản lý sông Mekong hợp lý và được ưu tiên.
Các thủ đoạn của Trung Quốc trên sông Mekong là không đáng ngạc nhiên và thống nhất với các động thái tương tự như ở các nơi khác. Trong thực tế, những gì Trung Quốc đã làm bằng việc xây đập trên sông Mekong và giành ảnh hưởng không chính đáng lên các nước hạ nguồn là tương tự với và có liên quan đến các dự án xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Cách tiếp cận của Bắc Kinh vừa đơn giản vừa gây tranh cãi như tất cả đều có thể chứng kiến: xây trước, nói chuyện sau (nếu như có nói).
Ở Biển Đông, các nước ven biển của ASEAN đang xây dựng một mặt trận thống nhất và tìm kiếm sự cam kết can dự quốc phòng mạnh mẽ của Mỹ đối với khu vực. Đáp lại, Mỹ vừa tích cực vừa chừng mực. Tuy nhiên, sự thống trị của Trung Quốc trong phạm vi Mekong lại không thể bị kiềm chế bởi sự vượt trội của hải quân Mỹ. Châu thổ Mekong là để dành cho ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt nếu xét đến các chính thể chuyên chế tương tự nhau như ở Bangkok, Viên Chăn và Phnom Penh, những người đang được khuyến khích đi theo dòng chảy chuyên chế. Hà Nội phản đối Trung Quốc trên Biển Đông nhưng lại mềm giọng trong các vấn đề Mekong. Do vậy, Trung Quốc sẽ tự tung tự tác ở Đông Nam Á lục địa một thời gian nữa. Trung Quốc chắc chắn sở hữu những con đập mà nó xây dựng nhưng dòng nước chảy qua các con đập đó không phải của riêng Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ các rặng núi Himalaya và thuộc về tất cả những người đã phụ thuộc vào nó hàng thế kỷ qua. Việc đắp đập ngăn sông của Trung Quốc đã có những hậu quả tiêu cực trong thực tế.
Đối với Trung Quốc, chặn dòng nước vì lợi ích của chính mình rồi giả vờ nhân từ đề nghị chia sẻ nó với những nước hạ nguồn chỉ đem lại con bài mặc cả trong ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, cách tiếp cận thiển cận của Trung Quốc khi chơi theo luật chơi của mình mà không quan tâm đến các bên khác có thể gây tác dụng ngược. Hôm nay, Myanmar là nước không chắc sẽ phục tùng Bắc Kinh trong vấn đề Mekong. Sau này đó có thể là Thái Lan, khi đất nước quay trở lại với các quy tắc dân chủ, hoặc có lẽ là Việt Nam, khi đơn giản là nước này đã chịu đựng quá đủ. Quyền lực từ các con đập của Trung Quốc có thể đập lại lưng Trung Quốc khi các nước nhỏ đoàn kết lại để chống lại điều đó.
Những nước bị ảnh hưởng nặng nề
Tại Việt Nam, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế chính của quốc gia. Ngân hàng HSBC ước tính hạn hán tại Mekong sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng từ 6,7% xuống còn 6,3%. Trên 360.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt; gần 140.000 hecta của vùng
Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa chính của nước này, bị khô cạn. Các cánh đồng còn bị xâm nhập mặn, do nước biển tràn vào khi mực nước sông giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1926.
Tại Thái Lan, 27 trên tổng số 77 tỉnh, trong đó bao gồm cả khu vực hành chính Bangkok, chính thức bị liệt vào danh sách vùng chịu thảm họa hạn hán. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm 0,85%. Một minh chứng cụ thể nhất là hồ chứa nước tại đập Uboldrat, hồ cung cấp nước lớn nhất tỉnh Khon Kaen, kể từ tháng 3/2016 đã bị xác định trong tình trạng “dự trữ chết”, tức là mực nước đã tụt xuống dưới mức mà các máy bơm có thể rút nước để cung cấp cho các nơi khác. Để đáp ứng nhu cầu nước của mình, nhiều ngôi làng ở Thái Lan đã đào giếng tìm nguồn nước với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ, nhưng họ cũng phải đào sâu hơn những năm trước, có nơi sâu tới 40m. Tuy nhiên, giáo sư xã hội học của trường Đại học Khon Kaen, Buapun Promphaking cho biết những nguồn cung này sẽ sớm cạn kệt do mực nước ngầm cũng đã được tận dụng cho nông nghiệp trong đợt hạn hán từ năm 2015 và không phải nơi nào cũng có nước sạch vì ở nhiều quốc gia nước có nồng độ muối rất cao.
Tại Campuchia, hạn hán đã khiến cho tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tại quốc gia này giảm mạnh, từ 5% xuống chỉ còn 1% trong giai đoạn 2004 – 2012. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 dự kiến còn thấp hơn do hạn hán ngày một nghiêm trọng.
Các nước cần đoàn kết
Các nước ở lưu vực sông Mekong, đặc biệt là những nước nằm ở hạ lưu con sông dài thứ 7 của châu Á này, cần có một chiến lược tập thể để đảm bảo tương lai của mình trước sự kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng thượng lưu con sông và trước những thay đổi đang diễn ra trong môi trường địa chính trị toàn cầu.
Mặc dù tất cả 6 nước trong lưu vực sông Mekong ngày càng sử dụng nhiều tài nguyên từ con sông này – như xây đập ở dòng chảy và các nhánh chính, vận tải đường thủy và đánh bắt cá – song hiện vẫn không có các thủ tục rõ ràng để tất cả các nước này đảm bảo việc bảo vệ môi trường và phân phối tài nguyên công bằng. Bất đồng, đôi khi là những tranh cãi, trong việc sử dụng và quản lý nguồn nước đã xảy ra trong thập kỷ qua, khi một số hoạt động gây những ảnh hưởng xuyên biên giới. Việc xây và vận hành nhà máy thủy điện ở dòng chính sông Mekong trong vùng lãnh thổ của Lào và Trung Quốc cũng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các nước ở hạ lưu. Các con đập có thể tạo sự thay đổi bất thường của dòng chảy, cản trở đường thủy và ngăn cản sự di cư tự nhiên của các loài cá dọc theo dòng sông này.
Bốn nước ở hạ lưu sông Mekong – gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam – đã ký một thỏa thuận từ năm 1995, thiết lập các quy định cho việc sử dụng dòng sông và thành lập MRC để điều phối và thực thi thỏa thuận này. Là tổ chức liên chính phủ, MRC đang nỗ lực tác động tới quyết định của các quốc gia có chủ quyền về sử dụng nước như Lào – nước đã quyết định thúc đẩy dự án Xây dựng đập Xayaburi và đập Don Sahong ở dòng chính sông Mekong. Nhiều con đập nữa, trong đó có những con đập ở Pak Beng và Pak Lay, đang được lên kế hoạch xây dựng.
Cơ chế quan trọng của MRC theo thỏa thuận ký năm 1995 – được biết tới với tên gọi Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Nhất trí (PNPCA) – không mấy hiệu quả trong việc ảnh hưởng tới các quyết định của các nước thành viên. MRC và 4 nước thành viên giờ đây đối mặt với một thách thức lớn nữa là làm thế nào có thể giải quyết các vấn đề ở lưu vực sông Mekong, trong khi Trung Quốc đề xuất thiết lập LMC năm 2016, đưa tất cả 6 nước sông Mekong chảy qua vào một khuôn khổ. Mặc dù thẩm quyền của MRC và LMC là khác nhau, song có một số việc chồng chéo, đặc biệt là việc quản lý nguồn nước. Có một số lời kêu gọi mở rộng MRC trong vài năm qua để bao phủ cả phần phía trên lưu vực sông Mekong bằng cách mời Trung Quốc và Myanmar trở thành thành viên đầy đủ. Tuy nhiên, cả hai nước này hiện vẫn là “đối tác đối thoại” của MRC kể từ năm 1996. Điều này khiến MRC chỉ có thể có được một mức độ hợp tác nhất định về quản lý nguồn nước với việc Trung Quốc nhất trí chia sẻ dữ liệu thủy văn với tổ chức này.
http://biendong.net/bien-dong/29600-kiem-soat-thuong-nguon-song-mekong-tq-dang-buc-tu-cac-nuoc-ha-luu.html
TQ cảnh cáo Mỹ
bằng máy bay áp sát tàu Mỹ ở eo biển Đài Loan
Trung Quốc triển khai máy bay trinh sát không người lái để theo dõi tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Mỹ khi tàu này đi qua eo biển Đài Loan hôm 25/7Một trong số máy bay không người lái gián điệp mới của Trung Quốc, Soar Dragon (Rồng Bay) được điều tới để theo dõi Antietam, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga của Mỹ, khi nó đi qua eo biển Đài Loan hôm 25/7, hãng tin Đài Loan Up Media đưa tin. Eo biển Đài Loan rộng 180 km, ngăn cách đảo Đài Loan với Trung Quốc lục địa.
Đây được cho là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc điều máy bay trinh sát không người lái giám sát hoạt động tại eo biển Đài Loan vào ban đêm.
Soar Dragon, còn được biết đến với tên tiếng Trung là Xianglong – Rồng Bay, là câu trả lời của Trung Quốc đối với máy bay không người lái giám sát Global Hawk của quân đội Mỹ, mặc dù Soar Dragon nhỏ hơn RQ-4 rất nhiều, theo The National Interest. Popular Science cũng từng gọi Rồng Bay là “máy bay không người lái đẹp nhất Trung Quốc” cho thiết kế cánh song song đặc biệt của nó.
Tuy nhiên, Rồng Bay vẫn có khả năng duy trì thời lượng 10 giờ bay ở độ cao 18 km và sở hữu một loạt thiết bị giám sát, giống như “đối thủ” Mỹ Global Hawk.
Soar Dragon được đưa vào sản xuất năm 2016 và mới được phát hiện hoạt động một số lần ở ba căn cứ: căn cứ không quân Lingshui trên đảo Hải Nam; căn cứ không quân Yishuntun gần thành phố phía Đông Bắc Cát Lâm cách Triều Tiên 321 km; và Shigatse ở Tây Tạng, gần cao nguyên Doklam /Donglang hiện Trung Quốc và Ấn Độ có tranh chấp.
“Thiết kế độc đáo của Rồng Bay giúp nó phù hợp cho các hoạt động lâu dài ở độ cao lớn. Một khi máy bay không người lái được giao cho quân đội, nó sẽ tăng cường khả năng trinh sát tầm xa của PLA”, Wang Ya’nan, Tổng biên tập tạp chí hàng không vũ trụ nói với China Daily hồi năm 2016. “Hơn nữa, máy bay phản lực là nền tảng tốt cho các hoạt động tác chiến điện tử như thu thập thông tin tình báo và gây nhiễu điện tử.”
Theo truyền thông Đài Loan, “Rồng bay” không phải là máy bay duy nhất được Trung Quốc triển khai để giám sát hành trình của tàu tuần dương Antietam khi đi qua eo biển Đài Loan. Các máy bay chiến đấu J-11 và Su-30 của Bắc Kinh được cho là đã xuất kích 10 lần để theo dõi tàu Mỹ.
Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng triển khai trực thăng MH-60 Seahawk trong quá trình tàu Antietam đi qua eo biển Đài Loan. Máy bay này đã bay rất gần khu vực bờ phía Tây của eo biển. Ngoài ra, truyền thông Đài Loan cho biết tàu tuần dương Mỹ còn được P-8 Poseidon, máy bay chống hạm và chống ngầm của Mỹ, hộ tống khi di chuyển tại eo biển Đài Loan.
Theo trung tá Clay Doss, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, chuyến đi của tàu tuần dương Antietam qua eo biển Đài Loan phù hợp với luật pháp quốc tế, “thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do”.
Mỹ từng nhiều lần đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, trong đó lần gần nhất là vào tháng 5. Trung Quốc nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc và đây là vấn đề nhạy cảm, quan trọng nhất trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.
http://biendong.net/bi-n-nong/29622-tq-canh-cao-my-bang-may-bay-ap-sat-tau-my-o-eo-bien-dai-loan.html
TQ dừng cấp phép du lịch cá nhân đến Đài Loan
Trung Quốc sẽ ngừng cấp giấy phép đi du lịch cá nhân đến Đài Loan áp dụng cho người dân ở 47 thành phố của đại lục kể từ ngày 1/8, bộ văn hóa và du lịch Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư 31/7, viện dẫn tình trạng quan hệ với Đài Loan, nhưng không đi vào chi tiết.Người dân ở đại lục cần phải có giấy phép để du lịch sang Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh coi là một tỉnh phản nghịch thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trước đây chỉ có du khách từ 47 thành phố, như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hạ Môn, được phép tự đi riêng lẻ đến thăm Đài Loan.
Du khách đại lục có giấy phép được cấp trước ngày 1/8 có thể đi theo hành trình ban đầu, nhưng sau ngày đó, khách du lịch chỉ có thể đi theo nhóm, Vụ Du lịch Quốc tế Trung Quốc (CITS), đơn vị điều hành du lịch lớn của đại lục cho biết.
Hội đồng chuyên trách các vấn đề đại lục của Đài Loan nói họ kịch liệt phản đối và lên án động thái của Trung Quốc.
“Chính quyền đại lục đã đơn phương hủy bỏ thỏa thuận mà không trao đổi với phía chúng tôi”, hội đồng nói trong một tuyên bố.
“Chúng tôi không vui khi thấy hoạt động du lịch bình thường và sự giao lưu giữa hai bờ eo biển bị gián đoạn bởi các yếu tố chính trị”, vẫn theo bản tuyên bố.
Lệnh cấm được đưa vài hàng tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1/2020. Bắc Kinh vẫn tỏ thái độ nghi ngại đối với bà Thái Anh Văn từ khi bả trở thành tổng thống Đài Loan năm 2016. Phía Trung Quốc nghi ngờ bà đang thúc đẩy để Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập.
Hành động mới nhất của Trung Quốc được tung ra trong bối cảnh số lượng khách du lịchđại lục đến Đài Loan tăng mạnh trở lại, đạt 1,67 triệu người trong nửa đầu năm nay, tăng 28% so với một năm trước đó, theo các dữ liệu chính thức.
Năm ngoái, 2,69 triệu khách du lịch đại lục đã đến thăm Đài Loan, giảm 1% so với một năm trước và giảm 35% so với mức đỉnh năm 2015, theo dữ liệu từ Cục Du lịch Đài Loan.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-dung-cap-phep-du-lich-ca-nhan-den-dai-loan/5023399.html
Học giả Ấn Độ: Việt Nam không muốn đối đầu
nhưng sẵn sàng đáp trả nếu TQ vượt “ranh giới đỏ”
Theo học giả Ấn Độ, trong màn thể hiện trơ trẽn và hung hăng, Trung Quốc áp đặt chiến thuật bắt nạt đối với Việt Nam để tranh giành không gian biển cùng nguồn tài nguyên biển Đông.Tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Hành động gây hấn nói trên chỉ là một trong chuỗi hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc trên biển Đông.
Tiến sĩ Rajaram Panda, Nghiên cứu viên cao cấp của Quốc hội Ấn Độ, phân tích trên tạp chí Eurasia Review ngày 29/7 cho biết, đối với trường hợp bãi Tư Chính, Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt chủ quyền phi lý tại đây thông qua yêu sách “Đường 9 đoạn” – vốn đã bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague phán quyết bác bỏ vào tháng 7/2016.
Bãi Tư Chính nằm cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 770km, không phải là một phần của quần đảo này và hoàn toàn ở trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo ông Panda, Trung Quốc đã cố ý làm sai lệch thông tin khi cho rằng bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp.
Biển Đông là vùng biển có mật độ lưu thông hàng hải dày đặc hàng đầu thế giới, với giá trị hàng hóa lưu chuyển qua đây vào khoảng 5.000 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, Trung Quốc đã ngang ngược áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp đối với hơn 80% diện tích vùng nước quốc tế ở biển Đông.
Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam
Tiến sĩ Panda cho hay, trong thời gian xâm nhập và hoạt động trái phép trong EEZ Việt Nam, tàu khảo sát địa chất (Hải dương địa chất 8) của Trung Quốc đã di chuyển theo quỹ đạo “zíc zắc”, cho thấy nó đang tiến hành khảo sát dầu khí.
Theo các báo cáo độc lập của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cùng Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ (C4ADS), tàu Hải dương địa chất 8 – do Cục điều tra địa chất Trung Quốc vận hành – đã di chuyển ở vùng nước gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đây không phải là sự vụ duy nhất có dính líu đến Trung Quốc. Trước đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 đã có “thái độ đe dọa” và khiêu khích ở khu vực gần giàn khoan Hakuryu-5 thuộc lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn do Việt Nam và Nga liên doanh.
Ông Panda nhận định, những hành vi khiêu khích mới nhất cho thấy Trung Quốc đã không rút ra bài học nào từ quá khứ – như vụ Bắc Kinh điều giàn khoan Hải dương 981 gây hấn sâu trong vùng Đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam năm 2014 – và quyết thực hiện dã tâm bành trướng của mình bằng cách bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn.
“Trung Quốc cần phải hiểu rằng chiến lược như vậy sẽ chỉ đi ngược lại lợi ích của chính họ và có thể dẫn dắt liên minh các lực lượng tôn trọng các chuẩn mực toàn cầu sát cánh với nhau và chung tiếng nói chống lại Trung Quốc,” tiến sĩ người Ấn Độ viết.
Sự trơ trẽn của Bắc Kinh
Trung Quốc quyết tâm theo đuổi ý đồ viết lại các quy định toàn cầu theo ý chí riêng. Dường như không chùn bước sau khi bị đẩy lùi khỏi cách tiếp cận mang tính hiếu chiến, Bắc Kinh vẫn tuyên bố bảo vệ lập trường “rõ ràng và nhất quán” trong vấn đề biển Đông, mà không quan tâm rằng việc theo đuổi chính sách hiện nay sẽ mang lại những hậu quả.
Phản ứng trước báo cáo về hành vi chèn ép, cản trở các nước láng giềng tiến hành hoạt động dầu khí bình thường trên biển Đông, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 12/7 ngụy biện rằng “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lợi trên biển và chủ quyền” ở biển Đông và lặp lại luận điệu “kiểm soát tranh chấp với các bên liên quan thông qua đối thoại và tham vấn”.
Trong một cuộc họp báo khác, Cảnh Sảng tiếp tục ngang ngược tuyên bố Trung Quốc “hy vọng Việt Nam tôn trọng một cách thiết thực chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển liên quan, không có hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình”.
Ngày 16/7, trả lời câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982 mà Việt Nam và các nước ở biển Đông đều là thành viên.
Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Việt Nam sẵn sàng buộc Trung Quốc phải lui bước nếu cần thiết – tiến sĩ Panda bình luận. Trong chuyến thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ngày 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Cảnh sát biển “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là tình hình trên biển để kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương về đối sách xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời mọi hoạt động xâm phạm, vi phạm vùng biển, đảo của ta”.
Ông Panda nhận định, nếu Bắc Kinh thực sự sẵn sàng cho hòa bình thì Việt Nam cũng thể hiện rõ ràng nguyện vọng này, như thông điệp đã nêu trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư tại Bắc Kinh hồi tháng 7, “hai bên cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Hai bên tăng cường trao đổi các biện pháp nhằm giữ ổn định trên biển, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) nhằm giữ hòa bình, ổn định ở khu vực”.
Việt Nam không nhân nhượng trước những vi phạm
Ông Rajaram Panda bình luận, Việt Nam không muốn có đối đầu với Trung Quốc, nhưng đồng thời sẽ không nhân nhượng trước những hành vi khiêu khích và sẽ sẵn sàng đáp trả nếu Bắc Kinh vượt qua “ranh giới đỏ”. Theo ông, những cử chỉ hòa bình của Việt Nam đã mang lại hy vọng rằng sự vụ trong tháng 7 sẽ không leo thang thành đối đầu hay làm suy yếu quan hệ hai nước.
“Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam,” Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu ngày 19/7.
Theo bà Hằng, “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.
Yêu cầu tôn trọng các quy định quốc tế
Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng của luật pháp quốc tế cũng như việc các nước tuân thủ luật pháp.
Phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Phong trào Không liên kết diễn ra trong hai ngày 20-21/7/2019 tại Caracas, Venezuela, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải hàng không trong khu vực, giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp trên nền tảng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp
quốc và UNCLOS 1982, chấp hành đầy đủ DOC, và thúc đẩy đối thoại để sớm hoàn tất COC ở biển Đông hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng kêu gọi các nước kiềm chế, tránh những hành động làm phức tạp tình hình, bao gồm hành động đơn phương và quân sự hóa ở biển Đông.
http://biendong.net/doc-bao-viet/29596-hoc-gia-an-do-viet-nam-khong-muon-doi-dau-nhung-san-sang-dap-tra-neu-tq-vuot-ranh-gioi-do.html
Em họ ông Tập Cận Bình bị Úc ‘mở hồ sơ’
Nguyễn Quang Duy Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, ÚcChương trình 60 Minutes thuộc Đài Truyền Hình số 9 của Úc vào tối Chủ Nhật 28/07/2019 công bố phim tài liệu “Mở hồ sơ Crown” (Crown unmasked).
Chương trình 60 Minutes cho biết cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng với sự cộng tác của hai nhật báo lớn nhất nước Úc là The Age và The Sydney Morning Herald.
Cuộc chiến tình báo: Tập Cận Bình truy quét ‘nội gián’
Cựu nhân viên CIA nhận tội âm mưu làm gián điệp cho TQ
Cựu nhân viên CIA bị bắt giữ trong vụ ‘gián điệp Trung Quốc’
Hàng ngàn hồ sơ của sòng bạc Crown bị rò rỉ cho thấy có sự kết nối giữa sòng bạc và một tổ chức tội phạm, trong đó có người em họ của Tập Cận Bình tên là Ming Chai.
Các tài liệu cho thấy đương sự đang bị cảnh sát liên bang và Cơ quan Tình báo Úc (ASIO) điều tra về tội rửa tiền và tội tình báo.
Ming Chai là ai?
Cha của Ming Chai là Qi Ruixin, em trai của mẹ ông Tập Cận Bình.
Qi Ruixin gia nhập Đảng Cộng sản rất sớm và tham gia cách mạng, làm cán bộ Công an Vũ trang Nhân dân Trung Quốc. Ông mất năm 1987.
Theo Wall Street Journal, Tập Cận Bình nhìn nhận là “rất thân cận” với người cậu của mình, Qi Ruixin.
Trước khi định cư ở Úc vào đầu thập niên 1990, tại Trung Quốc Ming Chai cũng phục vụ trong ngành công an.
Từng liên hệ với Đảng Cộng sản, ông lại có thẻ thông hành Úc, như thế đã có Quốc tịch Úc, chứng tỏ guồng máy di trú, hành chánh và an ninh Úc quá lỏng lẻo.
Nhật báo Apple phát hành tại Hong Kong vào năm 2014 cho biết ông Chai hoạt động kinh doanh từ một khách sạn ở Hong Kong, sử dụng mối thân thuộc với ông Tập Cận Bình để tìm kiếm những hợp đồng làm ăn. Bài báo cho biết ông Chai đang bị các cơ quan chống tham nhũng ở Trung Quốc điều tra.
Hồ sơ Crown Casino tiết lộ từ năm 2014, Ming Chai đã là nhân vật rất, rất quan trọng của sòng bạc với thẻ VVIP (very very important person), đã kiếm được hằng chục triệu Úc kim từ sòng bạc, được tặng chíp đánh bạc, tặng vé tham dự Grand Prix và nhiều bổng lộc khác.
Đường dây tội phạm
Một nhân vật rất, rất quan trọng khác của Crown Casino là Tom Zhou, cùng đường dây với Ming Chai, cũng đang bị cảnh sát và tình báo Úc theo dõi.
Mỹ bắt một người âm mưu làm gián điệp cho TQ
Tình báo Mỹ: Huawei được an ninh nhà nước TQ tài trợ
Nhân viên tình báo Mỹ bị Trung Quốc mua chuộc thế nào?
Ngày 17/8/2016, cảnh sát liên bang khám xét một phi cơ sắp cất cánh từ phi trường Coolangatta, tiểu bang Queensland, vì tình nghi chuyến bay thuộc một tổ chức rửa tiền.
Máy bay đa số là người Trung Quốc, trong số đó có Ming Chai, Tom Zhou và hai người khác không rõ danh tánh đang bị cảnh sát và cơ quan tình báo Úc theo dõi.
Cảnh sát không tìm thấy dấu vết phạm pháp nhưng vô cùng ngạc nhiên vì không ai trên máy bay mang theo tiền mặt và điện thoại di động.
Đến nay vẫn chưa rõ những hành khách Trung Quốc này đi đâu và để làm gì. Một hành khách trên chuyến bay cho biết dự định đi New Zealand và ý định du hành mới chỉ có trước đó vài giờ. Chuyến bay được phép đi Tân Tây Lan.
Chỉ hai tháng sau, ngày 24/10/2016, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 19 nhân viên của văn phòng Crown Resorts tại Thượng Hải và Quảng Châu, trong đó có ba người mang quốc tịch Úc, về tội chiêu dụ công dân Trung Quốc ra ngoại quốc đánh bạc.
Từ đó lộ ra đường dây tội phạm mà Ming Chai và Tom Zhou là hai nhân vật được phim tài liệu 60 Munites đặc biệt “mở hồ sơ”.
Không có bằng chứng cho thấy Tập Cận Bình đã tiếp tay cho Ming Chai.
Tom Zhou là ai?
Tom Zhou có biệt danh “Mr Chinatown”, một tội phạm đã bị Văn phòng Công an Thành phố Vũ Hán (Wuhan) truy nã liên quan đến tổ chức mafia, lừa đảo, tống tiền lên đến hàng chục triệu Mỹ kim. Ba trong số đồng phạm với ông đã bị kết án tù vào năm 2013.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã thông báo lệnh bắt giữ Tom Zhou với cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol).
Tuy nhiên, ông vẫn chưa bị cảnh sát Úc bắt giữ, lại còn có thẻ thông hành Úc, như thế đã có quốc tịch Úc, và thường xuyên ra vào Úc. Một điều khó hiểu.
Có thể ông đã mang rất nhiều tiền từ Trung Quốc sang Úc để mua hai biệt thự ở Toorak, một khu giàu có nhất ở thành phố Melbourne. Căn đầu ông mua vào năm 2009 với giá $7.9 triệu Úc kim. Căn sau ông mua năm 2013 với giá $15 triệu Úc kim.
Ông còn làm chủ trang trại nghỉ mát ở Murrindindi một khu vực gần thành phố Melbourne. Ông đã từng tổ chức các chuyến du hành săn bắn tại trang trại này. Việc săn bắn như thế là vi phạm luật Úc.
Tom Zhou là chủ tịch hay có vai trò quan trọng trong ba tổ chức tại Úc. Các tổ chức này đều gắn bó với Mặt trận Thống nhất Trung ương TQ, giữ vai trò kiểm soát cộng đồng Úc gốc Hoa, ảnh hưởng công chúng, chính giới Úc.
Cách thức rửa tiền…
Luật Trung Quốc cấm người dân cờ bạc, chuyển tiền ra nước ngoài hay ra nước ngoài đánh bạc.
Để tránh luật, Crown Casino sử dụng các đại lý trung gian như Ming Chai, Tom Zhou và Simon Pan tổ chức đưa các đoàn du lịch gồm giới chức tham nhũng và người giàu có sang Úc vui chơi hưởng thụ.
Với sự cộng tác của những người như Ming Chai, sòng bạc Crown tự tin mở Văn phòng Du lịch tại Thượng Hải để chiêu dụ du khách Trung Quốc.
Du khách được hỗ trợ lo visa, được đưa rước bằng phi cơ riêng, đến Úc được di chuyển bằng xe limousine, ở trong những khách sạn 5, 6 sao để đánh bài, mãi dâm, rửa tiền và xây dựng quan hệ làm ăn.
Những người này có thể mua chip đánh bài Crown bằng nhân dân tệ tại Trung Quốc và được giao khi đến Úc.
Nếu họ thắng hay còn dư tiền họ được đổi lấy Úc kim. Họ có thể vay nợ để đánh bài tại Úc và trả nợ khi về lại Trung Quốc.
Thanh toán tiền bạc qua trung gian các đại lý nên rất khó biết danh tính người chơi bài.
Hồ sơ Crown tiết lộ riêng hai tuần đầu năm 2015, Mr Chinatown (biệt danh của Tom Zhou) đã mua $24 triệu Úc kim chip đánh bài. Ba tháng sau, con số này đã vượt tới $1.452 tỷ Úc kim.
Trong năm tài chính 2015-16, người đại diện cho Mr Chinatown ở thành phố Perth đã được Crown trả cho $28 triệu Úc kim tiền hoa hồng.
Luật Úc cho phép hình thức đại lý trung gian này, nhưng đây là một kẽ hở của luật pháp giúp cho việc rửa tiền trở nên dễ dàng.
Giới chức tham nhũng hay người giàu có tại Trung Quốc sử dụng nó để chuyển tiền sang Úc.
Giới tội phạm buôn bán ma túy tại Úc sử dụng nó để hợp thức hóa đồng tiền tại Úc hay chuyển tiền về lại Trung Quốc.
Biết rõ hình thức rửa tiền này nhưng giới chức Úc vẫn chưa tích cực sửa luật, vì mỗi năm Crown Casino mang lại cả tỷ Úc kim tiền thuế cho cả chính phủ tiểu bang lẫn liên bang, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người.
Giới chức Úc tiếp tay Casino?
Các hồ sơ bị rò rỉ còn cho thấy giới chức Úc làm việc tại Tòa Lãnh Sự Úc ở Thượng Hải, theo bảo lãnh của Crown và các đại lý như Tom Zhou, dễ dàng cấp visa cho người Trung Quốc sang Úc đánh bài. Giới chức Úc và Crown đã phủ nhận điều này.
Cựu trưởng nhóm bảo vệ biên giới, ông Roman Quaedvlieg tiết lộ cho Chương trình 60 Munites rằng ông đã được hai bộ trưởng và một dân biểu Úc vận động để giúp giải quyết nhanh chóng thủ tục nhập cảnh Úc cho các khách chơi bài tại sòng bạc Crown đến từ Trung Quốc.
Người Việt không lạ gì
Tháng 9/2014, Pete Hoàng Tân một tay chơi cờ bạc gốc Việt bị bắn vào mặt chết khi đang đứng chờ trên một con đường ở vùng ngoại ô Sydney.
Các tài liệu từ tòa án cho biết Pete Hoàng đã sử dụng $1 tỷ Úc kim tiền mặt phi pháp thông qua sòng bạc Crown từ năm 2000 đến năm 2012.
Dư luận tin rằng Pete Hoàng Tân bị thanh toán để che giấu tội rửa tiền của băng đảng tội phạm quốc tế.
Crown Casino là nơi duy nhất và liên tục cho tổ chức các chương trình ca nhạc với nhiều ca sỹ từ Việt Nam sang trình diễn.
Cộng đồng Úc gốc Việt vừa ra thông báo kêu gọi tham dự biểu tình phản đối đoàn ca nhạc “Chuyện Của Mùa Đông” tổ chức tại Crown Casino vào 7 giờ tối thứ Hai 5/8/2019 sắp tới.
Cần báo động…
Trở lại với việc Ming Chai, em họ của ông Tập Cận Bình, tổ chức đường dây tội phạm cho thấy chỉ vì tiền tình trạng đạo đức, tội phạm và an ninh tình báo tại Úc đã nguy ngập đến mức cần báo động.
Úc đã trở thành một môi trường hết sức dễ dàng cho các tổ chức tội phạm và gián điệp quốc tế hoạt động.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, hiện sống tại Melbourne, Úc, tổng hợp các thông tin từ Chương trình 60 Minutes tối Chủ Nhật 28/7/2019, và từ các bài viết trên ba tờ The Age, The Sydney Morning Herald và The Wall Street Journal.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49178535
Nhận xét
Đăng nhận xét