Phản ứng cứng răn của Mỹ lên án TQ ở Bãi Tư Chính


Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phía Mỹ đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn chỉ trích Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) đã phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đầu năm 2019 nói Trung Quốc “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc... không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây”. Thông cáo dùng nhiều lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, dùng các tàu dân quân để “áp đảo, ép buộc và đe dọa các nước khác, gây nguy hại đến hòa bình và an ninh của khu vực”. Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc “ngày càng gây sức ép buộc các nước ASEAN phải chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các điều khoản giới hạn quyền của các nước hợp tác với các công ty, các nước thứ ba”, và điều này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh muốn kiểm soát toàn bộ tài nguyên dầu khi trên Biển Đông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (19/7) cũng lên tiếng chỉ trích hành động đe dọa hòa bình và an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông John Bolton nhận định tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và ASEAN. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc nhằm vào các nước láng giềng Đông Nam Á đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình - ổn định khu vực.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên tại bang Colorado, Cựu giám đốc Ủy ban quân vụ chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát của Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Brose (20/7) khuyến nghị tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề biên giới giữa nước này với Ấn Độ nên trở thành những trọng tâm an ninh mà Washington cần phải hết sức chú ý. Tôi không biết khả năng bành trướng đáng lo ngại (của Trung Quốc) sẽ kết thúc tại đâu. Mỹ cần tập trung vào việc củng cố khả năng ngăn chặn những hành động bành trướng và gây hấn từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (22/7) chống chế, đồng thời vu cáo cho rằng: “Tình hình hiện tại ở Biển Đông nói chung là ổn định. Trong khuôn khổ triển khai toàn diện và hiệu quả DOC, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tích cực thúc đẩy hợp tác thực dụng trên biển và tham vấn về COC và bảo vệ hiệu quả hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc duy trì đối thoại và tham vấn với các bên liên quan ở Biển Đông và chủ động kiểm soát các tranh chấp liên quan. Cộng đồng quốc tế nhận thức được những sự thật này. Trong một thời gian dài, một số lực lượng ngoài khu vực như Hoa Kỳ đã đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề Biển Đông sẽ chỉ làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực. Những nhận xét của ông Pompeo và ông Bolton hoàn toàn không quan tâm đến sự thật và làm tổn hại đến nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; cho rằng các nước trong khu vực sẽ không bị lừa. Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt những hành vi vô trách nhiệm này, tôn trọng sự thật, tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Thực tế, việc Trung Quốc điều tàu thăm dò và tàu chấp pháp hoạt động ở bãi Tư Chính của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam đã khẳng định: “Khu vực các nhà giàn DK1 trên các bãi cạn Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không thuộc quần đảo Trường Sa, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào”. Cơ sở pháp lý để chúng ta khẳng định là tuân thủ theo Luật biển quốc tế năm 1982 (UNCLOS) đã ký kết, thì các vùng nói trên đều nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vì nó cách Đường cơ sở của Việt Nam chưa đến 200 hải lý.
Trước đó, từ ngày 12/7, báo chí quốc tế đã đưa tin về sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Một số tờ báo dẫn thông tin từ ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Đại học Hải chiến Mỹ cho biết vào thứ tư tuần trước đó (tức ngày 3/7), tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8) cùng với 2 tàu hộ tống số hiệu 3901 (12.000 tấn, có vũ trang) và 37111 (2.200 tấn), đã vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Lập tức, lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển cũng đã có mặt tại đây để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam được quy định rõ trong luật pháp quốc tế. Nhiều nhà quan sát quốc tế vẫn theo dõi sát diễn biến của nhóm tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam và thông tin về sự xuất hiện của một số tàu hải quân khác của nước này tại khu vực trên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?