Sau Ngô Sỹ Tồn, Đại sứ TQ tại ASEAN Hoàng Khê Liên lại tuyên truyền sai về tình hình Biển Đông
Trả lời phỏng vấn Nhật báo Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên (25/10) lại tuyên truyền sai về diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đồng thời cố tình đổ lỗi cho các bên liên quan là nguyên nhân khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.
Theo Hoàng Khê Liên, trong những năm gần đây, tình hình ở Biển Đông đã ổn định. Nguyên nhân chính là do “Trung Quốc đang bảo vệ chủ quyền, lợi ích của mình ở Biển Đồng, đồng thời tích cực đối thoại và hợp tác với tất cả các bên liên quan, cùng nhau xây dựng Biển Đông thành biển hòa bình, biển hữu nghị và biển hợp tác”. Hoàng Khê Liên cho rằng có thể tóm tắt thành bốn điểm sau:
Đầu tiên, quản lý đúng sự khác biệt. Trung Quốc nhấn mạnh vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến biển một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn; Các kênh liên lạc song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông luôn luôn suôn sẻ nhằm phát huy tác dụng trong việc đàm phán hiệp thương, quản lý bất đồng và tăng cường long tin chính trị; ngăn ngừa mở rộng, phức tạp hóa các vụ việc trên biển, tránh làm ảnh hưởng phát triển quan hệ các nước và quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác hàng hải. Trung Quốc tích cực thúc đẩy hợp tác thực dụng trong các lĩnh vực có nhu cầu chung, không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của các nước, nhất là trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển chung dầu khí ngoài khơi với các nước liên quan. Mục đích của hợp tác là cùng nhau giải quyết một số thách thức truyền thống và phi truyền thống cấp bách và đáp ứng mối quan tâm của các nước trong khu vực. Không những vậy, nó còn tạo ra một bầu không khí tốt, tăng cường niềm tin và tích lũy các yếu tố thuận lợi để duy trì tình hình ở Biển Đông.
Thứ ba, phát triển các quy tắc khu vực. Sự an toàn của Biển Đông dựa trên các quy tắc và trật tự được công nhận bởi các quốc gia trong khu vực. Đây là một điều rất quan trọng mà các nước đang làm. Để tránh làm cho những bất đồng thành tranh cãi hoặc thậm chí là xích mích, bạn cần có những quy tắc. Đó là lý do tại Trung Quốc và các nước ASEAN lần xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hiện đang đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Khung COC đã được thiết lập và các bên hiện đang đàm phán về văn bản này. Sau khi các quy tắc được thiết lập, hành động của tất cả các bên sẽ được quy phạm hóa, đồng thời quá trình xây dựng quy tắc cũng là một quá trình xây dựng niềm tin, xây dựng sự đồng thuận và hình thành một số ý tưởng chung, giúp tăng cường sự hiểu biết của tất cả các bên về tăng cường hợp tác và nhận thức chung về những khác biệt.
Thứ tư, ngăn chặn bên ngoài can thiệp. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong những năm gần đây chủ yếu đến từ “sự can thiệp từ bên ngoài”. Một số lực lượng bên ngoài xuất phát từ lợi ích của bản thân, muốn “định hướng” quá trình xây dựng các quy tắc trong khu vực, tìm các can thiệp vào tiến trình đàm phán xây dựng quy tắc của khu vực. Đối với Trung Quốc và ASEAN, điều rất quan trọng là phải xử lý đúng đắn các yếu tố bên ngoài, không cho phép nước ngoài can thiệp và làm hỏng tiến trình đàm phán, đồng thời luôn cảnh giác. Trung Quốc hy vọng rằng các nước bên ngoài khu vực sẽ tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đóng vai trò xây dựng thay vì ngược lại.
Ngoài ra, Hoàng Khê Liên cho rằng 4 khía cạnh trên là những gì Trung Quốc đang làm, chúng có hiệu quả và đang từng bước tiến tới ổn định; kiên trì bảo vệ “chủ quyền và quyền lợi” là tiền đề, đồng thời cùng thúc đẩy 4 phương diện công tác trên, tiến tới củng cố cục diện ổn định.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị cấp cao hợp tác truyền thông Trung Quốc - ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia, ông Hoàng Khê Liên (24/7) đã đưa ra những tuyên bố ngụy biện cho hành động phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tư Chính vừa qua. Ông Hoàng Khê Liên đánh giá quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới, đồng thời đề cập vấn đề biển Đông; cho rằng “tình hình biển Đông vẫn đang phát triển theo xu thế ổn định và có xu hướng tốt đẹp”. Hoàng Khê Liên cho biết ông ta “muốn nhấn mạnh ba từ khóa quan trọng”: Thứ nhất là “Xu thế ổn định theo hướng tốt đẹp”. Hoàng Khê Liên nhận định, “hiện nay dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, cục diện ổn định theo hướng tốt ở biển Đông đang thêm vững chắc, nguyện vọng cùng gìn giữ hòa bình ổn định ở biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN càng mạnh mẽ, hành động để thúc đẩy phát triển thịnh vượng ở biển Đông càng chắc chắn. Biển Đông từ một điểm cọ xát trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN dần chuyển biến thành điểm tăng trưởng trong đối thoại về vấn đề trên biển”. Thứ hai là “Tiến triển tích cực”. Theo đó, tại hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) cũng các nước ASEAN trong vòng 3 năm, và nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các nước ASEAN... Thứ ba là “Can thiệp từ bên ngoài”. Sự hòa bình và ổn định ở Biển Đông có không ít thách thức, nhưng đe dọa lớn nhất trên thực tế đến từ ngoài khu vực; xuyên tạc một số nước lớn bên ngoài viện cớ “tự do hàng hải” để điều động chiến hạm, chiến cơ đến gây sự tại Biển Đông, xâm nhập lãnh hải các nước hay tổ chức tập trận chung. Những nước này lo ngại bị giới hạn bởi các quy tắc trong tương lai ở khu vực, nên có ý đồ nhúng tay vào quá trình đàm phán COC.
Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN cũng chỉ trích thông cáo mới đây của Bộ ngoại giao Mỹ, ông Pompeo và ông Bolton; cho rằng “các sức mạnh ngoài khu vực không muốn nhìn thấy sự hòa bình và ổn định được khôi phục ở biển Đông; bất chấp sự thật, cố ý gây sóng gió, mưu đồ xuyên tạc chuyện Trung Quốc dùng thủ đoạn chèn ép để cản trở hoạt động dầu khí ở biển Đông của các nước ASEAN' để ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN”; đồng thời kêu gọi “mong rằng các nước ASEAN nêu cao cảnh giác, không để mắc lừa và chúng ta phải cùng nhau đề phòng và ngăn chặn thế lực bên ngoài quấy nhiễu, nắm chắc trong tay chìa khóa cho hòa bình ổn định khu vực, cùng làm tốt những công việc của khu vực, gìn giữ hòa bình ổn định khu vực”.
Tuy nhiên, sự thật khác xa so với những gì ông Hoàng Khê Liên tuyên bố. Diễn biến tình hình Biển Đông những năm gần đây đa phần đều căng thẳng, chủ yếu là do các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian gần đây, vệc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông cũng đã bị báo chí quốc tế phản ánh rộng rãi. Báo chí quốc tế dẫn lời các chuyên gia về hàng hải và hải quân thế giới cho biết, từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hành vi xâm phạm vào vùng biển, theo sự khẳng định của báo chí quốc tế, là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế. Những hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính - một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 90 hải lý.
Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng trước hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc khi đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi và bác bỏ của Việt Nam. Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nêu rõ, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thuộc vùng lãnh hải Malaysia và Việt Nam, trong đó có việc triển khai tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh tiến hành các hoạt động khảo sát địa chất gần bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam. Báo cáo của AMTI cũng chỉ rõ, những hành vi của Trung Quốc ở ngoài khơi Malaysia và vùng biển Việt Nam cho thấy nước này sẵn sàng có hành động cưỡng ép và dọa dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng.
Mỹ với vai trò là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và đã tuyên bố “có lợi ích sống còn” trên đại dương rộng lớn nhất thế giới này, Mỹ đã có những phản ứng mạnh trước hành vi gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng nhiều quan chức đã chỉ trích các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm tổn hại tới thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh: “Hành động bắt nạt của Trung Quốc” đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực.
Dư luận khu vực và thế giới cho rằng, là cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một Ủy viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác, hữu nghị trên toàn thế giới cũng như trong khu vực Biển Đông.
Nhận xét
Đăng nhận xét