TQ và Biển Đông sẽ là tiếp tục được Canada quan tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Justin Trudeau


Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 43 diễn ra ngày 21/10. Giới quan sát nhận định Chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ tiếp tục dành ưu tiên trong việc đối phó với Trung Quốc và tham gia vào vấn đề Biển Đông như nhiệm kỳ đầu.

Chiến thắng vừa đủ của Thủ tướng Justin Trudeau
Trong cuộc bầu cử vừa qua, Đảng Tự do (Liberal) của đương kim thủ tướng Justin Trudeau đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 43 của liên bang Canada với 156 trong tổng số 339 ghế quốc hội, nhưng không giành đủ 170 phiếu cần thiết để thành lập một chính phủ bởi thiếu 13 ghế nữa mới đạt đa số. Do đó, Thủ tướng Trudeau sẽ dẫn dắt một chính phủ thiểu số và buộc ông phải liên minh với ít nhất một đảng để có thể tiếp tục lãnh đạo Canada trong nhiệm kỳ tiếp theo. Chiến thắng của đảng Tự do được xem là khá bất ngờ vì các cuộc thăm dò dư luận trước đó cho thấy Trudeau và Andrew Scheer, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đối thủ đáng gờm nhất, luôn sát nút nhau trong mọi cuộc thăm dò. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, đảng Bảo Thủ chỉ giành được 122 ghế trong Quốc hội. Justin Trudeau trở thành Thủ tướng Canada năm 2015 với hình ảnh một lãnh đạo lôi cuốn và gần gũi. Ông được ca ngợi vì bổ nhiệm nội các trẻ và đa sắc tộc.
TQ sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Canada?
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, GS.TS. Allan Tupper, Trưởng khoa Khoa học Chính trị của Đại học British Columbia (Canada) nhận định rằng Thủ tướng Trudeau sẽ phải giải quyết vấn đề chính là mối quan hệ với Trung Quốc khi ông giành chiến thắng nhiệm kỳ hai. “Vấn đề chính của Thủ tướng Trudeau hiện tại là mối quan hệ với Trung Quốc. Hiện, kế hoạch dẫn độ Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei (Mạnh Vãn Châu) đang chờ xử lý đang khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ”, ông Tupper nhận định. Theo ông Tupper, Canada có rất nhiều mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và các mối quan hệ khác cũng đang được lên kế hoạch xây dựng. “Điều này phải được đề cập trực tiếp song thật khó để nói như thế nào. Vì vậy, Trung Quốc là một vấn đề ưu tiên rất đáng kể của chính quyền Thủ tướng Trudeau”.
Trưởng khoa Khoa học Chính trị của Đại học British Columbia cũng cho biết, việc tiếp tục Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như mở rộng nó, nếu có thể, là một mục tiêu quan trọng nữa của chính quyền ông Trudeau. Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 5/9 đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các “vụ giam giữ tùy tiện” như một công cụ để theo đuổi những mục tiêu chính trị nhằm gây sức ép về ngoại giao lẫn thương mại. “Các đồng minh phương Tây đã bày tỏ mối quan ngại về chiến thuật của Trung Quốc mà các nhà quan sát mô tả là ngoại giao con tin. Trung Quốc giam giữ người tùy tiện như một công cụ để đạt được các mục tiêu chính trị, quốc tế hoặc trong nước, là điều đáng quan tâm không chỉ với Canada mà còn với tất cả các đồng minh của chúng tôi”, ông Trudeau nói.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã trở nên tồi tệ sau khi Ottawa bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái với cáo buộc có liên quan tới việc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington với Iran. Chưa đầy 2 tuần sau, Bắc Kinh đã bắt giữ 2 công dân Canada là cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với các cáo buộc hoạt động gián điệp, cố gắng ăn cắp bí mật nhà nước, một động thái mà giới quan sát cho rằng để trả đũa Canada.
Canada sẽ tiếp tục can dự nhiều hơn ở Biển Đông
Khu vực Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng liên quan vấn đề tự do hàng hải trong khu vực cũng như trên thế giới và cũng không nằm ngoài sự phát triển của Canada. Nếu tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không được giải quyết và khi xảy ra xung đột quân sự trong khu vực nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước. Canada cũng là một quốc gia buôn bán với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và cũng là một thành viên của CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Vì vậy, vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia của Canada. Không những vậy, Trung Quốc tiến hành các hoạt động đơn phương ở Biển Đông là vi phạm các quy định luật pháp quốc tế, Canada có trách nhiệm thông qua các hành động của mình để cảnh báo các nước trên thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Canada là một quốc gia tôn trọng tự do dân chủ và luật pháp quốc tế nên Canada không thể là ngơ trước thực các quốc gia nhỏ như Indonesia, Philippines, Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc và bị Trung Quốc lấn lướt. Vì vậy, Canada phải có tiếng nói cùng với các đồng minh ngoại giao của mình ở khu vực Đông Nam Á.
Trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Trudeau, Canada đã có sự điều chỉnh chính sách liên quan vấn đề Biển Đông. Trước đây, để không làm ảnh hưởng quan hệ song phương với Trung Quốc, Canada thường hạn chế can thiệp và đưa ra những tuyên bố cụ thể về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo (phi pháp) và tiến hành quân sự hóa trên các thực thể này, Canada đã tích cực can dự và thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Tư lệnh Blair Saltel, Chỉ huy tàu hộ vệ HMCS Calgary của Canada (8/11/2018) cho biết Canada đã triển khai chiến hạm HMCS Calgary đến Tây Thái Bình Dương để tập trận chống tàu ngầm chung với Nhật Bản và Mỹ. Hiện tàu Calgary neo đậu tại một căn cứ hải quân gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng với tàu cung ứng Asterix. Cả 2 tàu này đều rời khỏi Canada từ tháng Bảy để tham gia sứ mệnh đi qua biển Hoa Đông tới Australia và tiến vào Biển Đông. Trước khi trở về Canada, tàu hộ vệ HMCS Calgary sẽ tới Sasebo, phía Tây Nhật Bản để tham gia thêm một đợt tập trận chiến tranh chống ngầm mới. Theo Đại tá Blair Saltel, Canada hy vọng mỗi năm có thể triển khai 1 hoặc 2 tàu chiến tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau với nhiều đồng minh khác nhau trong khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 4/2018, Thượng viện Canada đã thông qua bản kiến nghị của nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Kiến nghị “lên án hành vi thù địch và leo thang” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi toàn bộ các bên liên quan đến những tranh chấp tại Biển Đông đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Ngoài ra, kiến nghị này còn kêu gọi chấm dứt các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa trong khu vực, yêu cầu các nước tìm giải pháp hòa bình và tôn trọng những phán quyết của cơ quan phân xử quốc tế. “Thượng viện Canada đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng hành vi của quốc gia này trên Biển Đông là không thể chấp nhận và Thượng viện Canada cũng thúc giục Chính phủ đóng vai trò nguyên tắc đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong giai đoạn hiện nay”, theo bản kiến nghị.
Giới chuyên gia, học giả Canada cho rằngổn định ở châu Á - Thái Bình Dương mang lại lợi ích cho nước này và việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Canada. Trong bối cảnh đó, Canada cần mạnh mẽ thể hiện rõ quan điểm của mình trước một vấn đề quan trọng đang đe dọa ổn định ở một trong những vùng biển trọng yếu nhất của thế giới. Canada không nên quá né tranh nếu thực sự muốn trở thành một quốc gia bảo vệ chuẩn mực đạo đức chung và có niềm tin trách nhiệm như chính học thuyết giao giao mới của nước này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?