Tin khắp nơi – 31/10/2019

Tin khắp nơi – 31/10/2019

Ông Pompeo nói ‘Mỹ phải thách thức Đảng Cộng sản TQ’

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 31/10 lại dấn thêm một bước trong các phát biểu gần đây vốn đã gay gắt của Hoa Kỳ nhắm vào Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc, rằng họ tập trung vào việc thống trị quốc tế và cần phải bị thách thức, theo Reuters.
Chủ nghĩa Xã hội đang ‘nhen nhóm’ ở Mỹ?
Venezuela: Mỹ kêu gọi quốc tế ‘chọn một bên’
Phát biểu của ông Pompeo được đưa ra ngay cả khi chính quyền Trump cho biết họ vẫn dự kiến sẽ ký kết giai đoạn thỏa thuận đầu tiên để chấm dứt cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vào tháng tới, bất chấp việc Chile rút khỏi vị trí chủ nhà hội nghị APEC – nơi các quan chức Mỹ hy vọng sẽ diễn ra lễ ký kết.
Lặp lại bài phát biểu tuần trước của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền, thương mại và chiến thuật mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ từ lâu đã trân trọng tình bạn với người dân Trung Quốc, nhưng nói thêm:
“Chính phủ Cộng sản ở Trung Quốc ngày nay không giống với người dân Trung Quốc. Họ đang tiếp cận và sử dụng các phương pháp thách thức toàn bộ Hoa Kỳ, thế giới và chúng ta, và tất cả chúng ta cần phải đối đầu với những thách thức này …”
“Sẽ không thực tế nếu bỏ qua những khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống của chúng ta và tác động của sự khác biệt trong các hệ thống đó đối với an ninh quốc gia Mỹ,” ông Pomp Pompeo phát biểu trong buổi tiệc tối tại Viện Hudson ở New York.
Ông nói rằng Tổng thống Donald Trump, người đang có kế hoạch ra tranh cử vào năm tới, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc ngay từ ngày đầu cầm quyền.
“Ngày nay, chúng ta cuối cùng cũng nhận ra Đảng Cộng sản thực sự có thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ và các giá trị của chúng ta tới mức độ nào … và chúng ta có thể nhận ra điều này nhờ sự lãnh đạo của Tổng thống Trump.”
Tổng thống Trump không dự Thượng đỉnh Đông Á ở Bangkok
Bà Đầm Xòe: ‘Tôi không tin ông Trọng sẽ đi Mỹ’
Ông Pompeo cho biết ông sẽ có một loạt các bài phát biểu trong những tháng tới về các ý thức hệ và giá trị cạnh tranh, bao gồm các phát biểu về chiến dịch ảnh hưởng toàn cầu của các cơ quan tình báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các hoạt động kinh tế “không công bằng và ăn cướp” của Bắc Kinh.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc là một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin tập trung vào ‘đấu tranh’ và thống trị quốc tế – chúng ta chỉ cần lắng nghe những gì các nhà lãnh đạo của họ nói,” ông nói.
Ông Pompeo cho biết ông cũng sẽ nói về việc xây dựng năng lực quân sự của Trung Quốc “vượt xa những gì nước này cần để tự vệ”.
Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm sự đối đầu với Trung Quốc và muốn thấy một hệ thống thị trường cạnh tranh, minh bạch, có lợi cho cả hai bên. Ông nói rằng những bước đầu tiên để đạt được điều này có thể được nhìn thấy trong giai đoạn một của thỏa thuận thương mại, gần như đã được ký kết.
“Tôi rất lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt được điều đó. Đó là một điều tốt, một nơi mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau,” ông nói. “Tôi nghĩ điều này sẽ cho thấy chúng ta có thể đạt tới một điểm chung.”
Hôm thứ Ba 29/10, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đã phản ứng lại việc Mỹ chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, nói rằng điều này không ‘có lợi’ cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50244899

Trump không dự ASEAN,

châu Á lo ngại các cam kết của Mỹ

Minh Anh
Vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, tổng thống Mỹ, ngày 29/10/2019, trong một thông cáo, cho biết không đến dự các cuộc họp thượng đỉnh tại Bangkok, Thái Lan và cử cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien cùng bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, thay mặt ông.
Giới chuyên gia cảnh báo quyết định này của chủ nhân Nhà Trắng có nguy cơ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Bất chấp các tuyên bố hùng hồn về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, được xem như là « khu vực có tính chất quyết định cho tương lai nước Mỹ », chính quyền Donald Trump liên tục giảm sự hiện diện của Mỹ tại các cuộc gặp cấp cao như Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và ASEAN.
Năm 2018, tuy không dự thượng đỉnh ASEAN, nhưng phó tổng thống Mỹ, Mike Pence đã đại diện Hoa Kỳ đến dự các cuộc họp cấp cao ASEAN và Đông Á ở Singapore. Còn lần này, Mỹ chỉ cử hai quan chức cấp thấp – thấp nhất từ trước tới nay – đến dự các thượng đỉnh của ASEAN.
Một số nhà phân tích Thái Lan, được tờ Japan Times trích dẫn, nhận định, sự việc cho thấy ưu tiên của chính quyền Donald Trump là an ninh và thương mại. Quả thật, tổng thống Mỹ có ý định tham dự thượng đỉnh APEC chủ yếu tập trung vào kinh tế tại Chilê, nhưng rủi thay, tổng thống Sebastian Pinera vừa thông báo không thể tổ chức sự kiện này do cuộc khủng hoảng xã hội.
Thế nhưng, quan điểm trên của một số nhà phân tích Thái Lan không được nhiều chuyên gia tán đồng. Họ ghi nhận một cảm giác bất an từ nhiều nước châu Á. Theo các chuyên gia này, sự vắng mặt của tổng thống Mỹ trong cuộc họp ASEAN lần này, và việc gởi một phái đoàn cấp thấp hơn so với cả Trung Quốc và Nhật Bản là một dấu hiệu về việc Washington không hào hứng dấn thân vào khu vực, trong lúc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và đầu tư của Trung Quốc trong khu vực tăng vọt đáng kể.
Trên trang mạng New24, ông Amy Searight, cựu quan chức quốc phòng cao cấp dưới thời tổng thống Obama, hiện là cố vấn chính cho CSIS (Center for Strategic and International Studies – Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế) lưu ý rằng thượng đỉnh Đông Á đã trở thành diễn đàn đối thoại chiến lược hàng đầu cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện này thu hút sự tham gia của nhiều cường quốc khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như là 10 nước thành viên khối ASEAN.
Ông Piti Srisangnam, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về ASEAN, trường đại học Chulalongkorn, nhận định : « Việc Donald Trump gởi một nhân vật không thể đưa ra bất kỳ một quyết định nào tại một kỳ thượng đỉnh chứng tỏ Hoa Kỳ không còn xem ASEAN là quan trọng nữa ».
Vậy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở rộng của Hoa Kỳ có thực sự nghiêm túc hay không ? Nước Mỹ của Donald Trump có còn đáng tin cậy như là một đối tác chiến lược trong khu vực nữa hay không ? Đây chắc chắn là những câu hỏi mà nhiều nước Đông Nam Á đang đặt ra nhất là sau khi chứng kiến những gì Hoa Kỳ đối xử với đồng minh Kurdistan tại Syria.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191031-trump-khong-du-asean-chau-a-lo-ngai-cac-cam-ket-cua-myokk

Mỹ sẽ đối chất TQ về Biển Đông

Mỹ sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra tranh luận với Trung Quốc tại Thượng đỉnh Đông Á vào đầu tháng 11, theo tân Tổng lãnh sự Mỹ.
Bà Marie Damour, người đảm nhiệm vị trí Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM từ tháng 8, cho biết thông tin trên tại cuộc gặp với các phóng viên hôm nay, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Thượng đỉnh Đông Á (EAS) diễn ra tại Bangkok, nằm chuỗi các sự kiện của Hội nghị cấp cao ASEAN trong thời gian 2-4/11.
“Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) cần được vận hành và tuân thủ”, bà Damour nói, khẳng định bất kỳ nước nào cũng phải có quyền và trách nhiệm ngang nhau theo luật pháp quốc tế. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc thiếu trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”
Theo bà Damour, Mỹ và ASEAN có mối quan hệ chặt chẽ. Mỹ đã chú trọng hỗ trợ Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khu vực tăng cường năng lực. Mỹ cũng nhiều lần ra thông báo phản đối hành vi Trung Quốc ngăn cản khai thác tài nguyên trên lãnh thổ nước khác.
“Chúng tôi đặt trọng tâm vào việc đảm bảo thực thi luật pháp quốc tế và quyền lợi của tất cả các nước, hướng đến tự do hàng hải. Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ trong việc thực hiện vấn đề này”, bà Damour nói.
Từ đầu tháng 7, Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng nhóm tàu hộ tống bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam, Trung Quốc đều là thành viên. Nhóm tàu này rời vùng biển Việt Nam từ hôm 24/10, theo dữ liệu theo dõi tàu biển Marine Traffic.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 24/10 cáo buộc Trung Quốc hành động hung hăng, gây bất ổn khi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông. Ông cho rằng hành động quân sự hóa và cách tiếp cận của Trung Quốc với các nước láng giềng trong khu vực những năm qua “ngày càng khiêu khích”. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và nhiều quan chức, nghị sĩ Mỹ trước đó cũng chỉ trích Trung Quốc can thiệp hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm các quy tắc quốc tế.
Nhiều nước trên thế giới cũng như ASEAN bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông.
http://biendong.net/bi-n-nong/31190-my-se-doi-chat-tq-ve-bien-dong.html

Mỹ công bố video,

cảnh báo IS có thể ‘trả thù cho Baghdadi’

Quân đội Mỹ vừa công bố đoạn phim đầu tiên về vụ đột kích ở bắc Syria, giết chết lãnh tụ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trump: Lãnh đạo IS chết ‘sau cuộc tấn công của Mỹ’
Quân Iraq giành ưu thế ở Mosul
Tại sao độc tài lại rất ham làm thơ?
Video chiếu cảnh quân Mỹ bắn dân quân và tấn công khu nhà trú ẩn của Abu Bakr al-Baghdadi.
Baghdadi chạy vào hầm, rồi kích nổ đai bom tự sát.
Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ, nói hai trẻ em chết cùng Baghdadi trong hầm, không phải là ba như tin trước đó.
Ông nói quân Mỹ dự đoán IS sẽ có tấn công trả thù.
“Chúng tôi nghi ngờ họ sẽ có tấn công trả đũa. Chúng tôi chuẩn bị cho điều đó.”
Tướng Kenneth McKenzie nói ông không thể xác nhận có hay không việc Baghdadi khóc, như Tổng thống Donald Trump mô tả.
“Ông ta bò vào lỗ cùng hai trẻ nhỏ, rồi tự làm nổ, trong lúc tùy tùng còn ở mặt đất.”
“Quý vị có thể tự đoán đó là loại người gì, dựa theo hoạt động đó.”
Tướng McKenzie nói bốn phụ nữ mang đai bom tự sát và một người đàn ông bị giết tại khu nhà.
Ông nói có nhiều tay súng, không rõ số lượng, đã chết sau khi nổ súng vào trực thăng Mỹ.
Ông xác nhận lãnh tụ IS được tìm ra bằng mẫu DNA, vì mẫu đã được Mỹ lưu lại khi Baghdadi bị giam ở Iraq năm 2004.
Thi thể của Baghdadi đã được chôn ở biển “theo luật của xung đột vũ trang”, theo lời ông.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50249939

Hoa Kỳ sẽ thu hồi 1 tỷ Mỹ kim

từ nhà tài chính Malaysia Jho Low

Tin từ NEW YORK/KUALA LUMPUR – Vào hôm thứ Tư (30/10), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ký kết một thỏa thuận để thu hồi 1 tỷ mỹ kim trong các quỹ, được cho là bị cướp từ một quỹ đầu tư Malaysia của nhà tài chính Jho Low, trong một vụ tịch thu kỷ lục cho một cuộc điều tra chống tham nhũng của Hoa Kỳ.
Theo tin từ Reuters, chính quyền Hoa Kỳ cho biết khoảng 4.5 tỷ mỹ kim được rút ra từ 1Malaysia Development Berhad (1MDB), được thành lập năm 2009 bởi thủ tướng Malaysia Najib Razak. Kể từ năm 2016, trong vụ án lớn nhất từ trước đến nay trong chương trình chống chế độ tham nhũng, Bộ Tư pháp đệ đơn kiện dân sự nhằm thu giữ khoảng 1.7 tỷ mỹ kim tài sản bị tình nghi mua bằng tiền 1MDB bị đánh cắp.
Ông Low- người gọi thỏa thuận này là “lịch sử”- phải đối mặt với các cáo buộc ở cả Hoa Kỳ và Malaysia về vai trò chính của ông trong vụ bê bối. Trong một tuyên bố và tài liệu tòa án được nộp vào hôm thứ Tư (30/10), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết ông Low đồng ý trả lại một máy bay phản lực tư nhân, khu bất động sản cao cấp ở Beverly Hills, New York và Luân Đôn cùng các tài sản khác trị giá 700 triệu mỹ kim. Ngoài ra còn có một du thuyền trị giá 126 triệu mỹ kim, và 140 triệu mỹ kim tài sản khác trước đây bị tịch thu. Nếu được phê duyệt, sự việc này sẽ đánh dấu vụ tịch thu dân sự lớn nhất từng được Bộ Tư Pháp quyết định. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-se-thu-hoi-1-ty-my-kim-tu-nha-tai-chinh-malaysia-jho-low/

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm nhất trong năm nay

Tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại trong quý thứ ba, nhưng vượt kỳ vọng của một số nhà kinh tế về một mức suy giảm lớn hơn.
Dữ liệu của Bộ Thương mại đặt mức tăng trưởng GDP ở mức 1,9% trong ba tháng, vượt mức 1,6% dự đoán.
Mức tiêu dùng tăng tốt hơn dự kiến, bù đắp cho sụt giảm trong đầu tư kinh doanh và mức chi tiêu công thấp hơn.
Nhưng tăng trưởng vẫn chậm nhất trong năm 2019, và tin này đến vài giờ trước khi Cục Dự trữ Liên bang chuẩn bị đưa ra thông báo về lãi suất mới nhất.
Ông Trump trấn an nỗi lo suy thoái kinh tế Hoa Kỳ
Trump xem xét giảm thuế để thúc đẩy kinh tế Mỹ
Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo vì lo suy thoái kinh tế
Thương chiến Mỹ Trung sẽ đi về đâu?
Tăng trưởng GDP trong quý trước – ba tháng đến cuối tháng 6 – chỉ dưới 2%. Năm 2018, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,4% trong quý ba.
Cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc làm xói mòn niềm tin thương mại, trong khi sự kích thích mờ nhạt từ gói cắt giảm thuế 1,5 triệu đôla năm ngoái cũng đang phủ bóng lên phát triển kinh tế.
Phân tích của Andrew Walker, phóng viên kinh tế BBC
Đối với nhiều nhà kinh tế, mối lo ngại lớn nhất về triển vọng của Mỹ là xung đột thương mại với Trung Quốc và các nước khác.
Số liệu mới cho thấy xuất khẩu tăng trưởng nhẹ sau khi giảm đáng kể trong ba tháng trước, hưng đó là mức tăng khá yếu ớt.
Nhập khẩu, đa số phải chịu thuế bổ sung vì cuộc xung đột thương mại này, cũng tăng cao hơn, mặc dù cũng không tăng mạnh, sau hai quý không tăng trưởng.
Vì vậy, các con số cho thấy giao thương tiếp tục là một vấn đề cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tuy chậm, nhưng nói chung kinh tế vẫn tang và nói chung phù hợp với nhiều ước tính về tiềm năng thực tế của nền kinh tế.
Điều đó có nghĩa là không thể kỳ vọng kinh tế Mỹ tăng nhanh hơn nhiều trong một thời gian dài.
Số liệu hôm thứ Tư cho thấy mức tiêu dùng khá bền bỉ và xây mạnh hơn dự kiến, có thể làm giảm bớt lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ bước vào suy thoái.
Tăng trưởng chi tiêu, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Hoa Kỳ, đã chậm lại ở mức 2,9% vẫn còn lành mạnh trong quý trước sau khi tăng với tốc độ 4,6% trong quý hai, nhanh nhất kể từ quý thứ tư năm 2017. Mức chi tiêu đang được hỗ trợ bởi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong gần 50 năm.
Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại Kinh tế học Vĩ mô Pantheon, cho biết số liệu tăng trưởng “có thể tồi tệ hơn” nhưng quý IV “có thể sẽ bị”.
“Tăng trưởng chỉ cao hơn mức dự trù chủ yếu là do tiêu dùng tăng ở mức 2,9%.
“Chúng tôi không nghĩ là quý IV sẽ được mức chi tiêu tăng mạnh như vậy, nhất là vì dữ liệu về các chuỗi cửa hàng cho thấy giới tiêu thụ đã bớt mua sắm sau ngày 1 tháng 8 là Mỹ sẽ áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.”
Cắt giảm lãi suất?
Trong một tweet gửi đi hôm thứ Tư trước khi số liệu tăng trưởng được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khoe về “Nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Nhưng vào năm 2012, khi Barack Obama làm tổng thống, ông Trump đã cảnh báo rằng tỷ lệ tăng trưởng 1,9% báo hiệu một “rắc rối sâu sắc.”
Trước các số liệu GDP, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và có tác động khiêm tốn đến Mỹ, nói thêm là nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh với dòng vốn đầu tư tốt.
“Không có gì nghi ngờ rằng nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại và điều đó đã tạo một lực cản nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ”, ông nói tại một hội nghị đầu tư ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi.
Sau đó vào thứ Tư, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ được nhiều nhà kinh tế dự kiến sẽ kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày với thông báo cắt giảm lãi suất.
“Không có gì trong báo cáo hôm nay sẽ làm Fed ngạc nhiên”, Sal Guatieri, một nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets cho biết. “Khủng hoảng chi tiêu bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại sẽ thúc đẩy cắt giảm lãi suất lần thứ ba. Tuy nhiên, mức tiêu dùng còn mạnh có thể khiến mọi người phải xét lại trong các cuộc họp trong tương lai.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50245419

Truyền hình Mỹ đăng phóng sự

về nạn cướp tạng của chính quyền TQ

Kênh truyền hình Fox News của Mỹ mới đây đã công bố một phóng sự phơi bày nạn mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc bảo trợ và thực thi.
Trong đoạn video dài 8 phút được công chiếu ngày 25/10 và bài báo đăng trên website của Fox News một ngày sau đó, hãng tin Mỹ đề cập đến phán quyết của Tòa án Xét xử Trung Quốc (The China Tribunal), về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
Theo bài báo ngày 26/10 của Fox News, sau 12 tháng đánh giá độc lập về tất cả các bằng chứng có được, hội đồng gồm 7 thành viên của Tòa án Xét xử Trung Quốc kết luận, “ở Trung Quốc, nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm đã được tiến hành từ khá lâu”.
Hàng loạt tờ báo trên thế giới đưa tin về phán quyết này khi Tòa án công bố kết luật vào ngày 17/6. Kết luận của Tòa án cho biết: “Nạn thu hoạch tạng cưỡng bức đã xảy ra suốt nhiều năm, và các học viên Pháp Luân Công là một nguồn cung cấp tạng chủ yếu”.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn khí công thuộc trường phái Phật gia gồm 5 bài tập và sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Môn tập này bị đàn áp đẫm máu tại Trung Quốc từ năm 1999 đến nay, dù được yêu thích tại nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Tháng 5/2019, Thượng viện bang New York ra Nghị quyết J1115, mô tả “Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe tốt và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới”.
Tòa án Xét xử Trung Quốc kết luận quy mô của ngành công nghiệp cấy ghép tạng của Trung Quốc ước tính khoảng 1 tỷ USD, với thời gian chờ đợi được ghép tạng rất ngắn, nhiều website công khai rao bán các nội tạng quan trọng như tim, phổi, thận. Điều này là rất bất thường ở quốc gia mà tỷ lệ hiến tặng nội tạng thuộc hàng thấp nhất thế giới do quan niệm người chết cũng cần phải giữ toàn thây.
Fox News đã phỏng vấn các nhân chứng đưa ra lời khai cho Tòa án Xét xử Trung Quốc. Một trong số đó là Jennifer Zeng, hiện sống tại Mỹ, tác giả cuốn tự truyện Chứng kiến lịch sử (Witnessing History).
Sau khi thoát khỏi Trung Quốc, Jennifer Zeng viết lại hành trình đến với tự do của cô trong cuốn tự truyện “Witnessing History” (Chứng kiến Lịch sử).
Khi còn ở Trung Quốc đại lục, cô Zeng bị chính quyền bắt giữ vào tháng 2 năm 2000, chỉ vì cô là một học viên Pháp Luân Công. Cô đã trải qua những đòn tra tấn về thể xác và tinh thần, nhưng lại được khám sức khỏe kĩ lưỡng, như chiếu chụp nội tạng, xét nghiệm máu, kiểm tra thị lực.
Khi đó, cô không biết họ khám sức khỏe cho cô để làm gì, trong khi vẫn tra tấn cô.
Lúc bị lấy máu, cô nói rằng trước khi tập Pháp Luân Công cô đã bị viêm gan C. Sau khi được trả tự do vào năm 2001, cô Zeng sang tị nạn ở Australia, sau đó tới Mỹ. Khi biết đến thực trạng mổ cướp nội tạng trong các nhà tù của chính quyền Trung Quốc, Zeng nhận ra, có lẽ câu nói bâng quơ về viêm gan C khi đó đã giúp cô thoát khỏi danh sách những người chờ bị cướp tạng.
Bí mật nguồn tiền phi pháp của chính quyền Trung Quốc
Kênh truyền hình Fox News cũng phỏng vấn cô Han Yu, một học viên Pháp Luân Công Trung Quốc hiện sống tại Mỹ. Cô cho biết cha cô, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bắt giam vào tháng 5/2004. Cô biết tin cha cô đã tử vong ba tháng sau. Tiếp một tháng nữa, gia đình cô mới được phép nhìn thi thể của ông tại nhà xác của làng Xiao Zhuang, trước sự giám sát của hàng chục nhân viên công quyền.
Cô nói với Fox News: “Tôi nhìn thấy những vết thương hiện rõ trên mặt ông ấy, dù người ta đã trang điểm để che đậy đi, rất dễ thấy những vết bầm tím nghiêm trọng bên dưới mắt trái của ông ấy”.
Cô nhớ lại: “Có dấu của những vết khâu bắt đầu từ cổ họng của ông ấy xuống thân người, nơi bị quần áo che kín. Tôi cố gắng cởi nút áo của ông, nhưng cảnh sát nhìn thấy và nhanh chóng kéo tôi ra. Sau đó, một thành viên khác trong gia đình đi vào, mở được nút áo và nhìn thấy những mũi khâu kéo dài đến tận vị trí dạ dày”.
Cô Hu nghi ngờ cha cô đã bị chính quyền giết hại để lấy nội tạng. Cô cho biết gia đình không được quyền khám nghiệm tử thi và thi thể cha cô nhanh chóng bị hỏa táng.
Giải mã thất bại của Trung Quốc khi che giấu sự thật về Pháp Luân Công
Fox News cũng phỏng vấn cô Jiang Li về cha cô, ông Jiang Xiqing, một học viên Pháp Luân Công bị tống vào trại lao động cưỡng bức vào tháng 5 năm 2008. Cô kể rằng vào chiều ngày 27/1/2009, cô và ba thành viên khác trong gia đình đã đến thăm ông và thấy rằng sức khỏe tinh thần và thể chất của ông là bình thường.
Sau đó, lúc 3 giờ 40 chiều ngày hôm sau, trại lao động gọi điện báo tin ông đã chết và ngay lập tức cúp máy. Cô nói với Fox News rằng, 7 thành viên trong gia đình cô đã đến nhà xác lúc 10 giờ 30 tối cùng ngày, trong sự giám sát của các sĩ quan cảnh sát. Họ yêu cầu gia đình chỉ được phép nhìn thi thể trong 5 phút, không được mang máy ảnh hay thiết bị liên lạc, và chỉ được nhìn thầy phần đầu của ông trong phòng đông lạnh của nhà xác.
Cô Jiang Li kể lại cái chết bất thường của cha cô ở Trung Quốc (ảnh chụp màn hình phóng sự của Fox News).
Nhưng khi chị gái của cô chạm vào mặt cha, cô ấy hét lên rằng cơ thể ông vẫn còn ấm, hàm răng trên của ông đang cắn xuống môi dưới, ông vẫn còn sống! Các thành viên trong gia đình cố gắng kéo cơ thể của ông ra ngoài để hô hấp nhân tạo cho ông.
Bốn nhân viên cảnh sát mặc đồng phục và thường phục lập tức ngăn họ lại, sau đó ép buộc họ phải ký giấy hỏa táng và trả phí.
Gia đình cô đã tìm cách khiếu nại về vụ việc, nhưng các luật sư mà gia đình thuê nhanh chóng bị tống giam, nhà của gia đình cô bị lục soát. Cô Li bị buộc thôi việc vào năm 2010 mà không có lời giải thích nào, sau đó cô cũng bị bắt vào tù.
Fox News còn phỏng vấn ông Yu Ming, 47 tuổi, một học viên Pháp Luân Công Trung Quốc mới sang Hoa Kỳ tị nạn vào tháng 1 năm nay. Ông cho biết mình đã bị bắt cóc và tống giam nhiều lần, gần đây nhất là vào tháng 8/2013.
Ông Yu Ming, một học viên Pháp Luân Công mới đến Mỹ vào tháng 1/2019, trả lời phỏng vấn của Fox News (ảnh chụp màn hình phóng sự của Fox News).
Ông Ming cho biết những người bạn bị bắt như ông đã lần lượt biến mất. Gia đình của một học viên có tên Gao Yixi cho biết, họ đã nhìn thấy thi thể anh trong tình trạng “mắt mở to, bụng trống rỗng, không có nội tạng ở bên trong”.
Trước khi đến Mỹ, ông Ming đã bí mật ghi hình lại các cảnh trong các bệnh viện quân sự lớn ở Trung Quốc đại lục trong vòng vài năm. Theo Fox News, ông đã nộp những đoạn video này tới Tòa án Xét xử
Trung Quốc để làm bằng chứng cho hoạt động cấy ghép nội tạng bất hợp pháp do chính quyền Trung Quốc bảo trợ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31182-truyen-hinh-my-dang-phong-su-ve-nan-cuop-tang-cua-chinh-quyen-tq.html

Đảng Dân Chủ triệu tập cựu cố vấn an ninh

quốc gia John Bolton ra điều trần

Tin từ Washington, D.C. – CBS News dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết, Hạ Viên Dân chủ đã triệu tập cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton để điều trần trước các Ủy Ban Hạ Viện dẫn đầu cuộc điều tra luận tội.
Các nhân chứng khác khai nhận rằng ông Bolton rất tức giận trước việc luật sư riêng của Tổng Thống Trump, ông Rudy Giuliani, và những viên chức khác gây áp lực cho Ukraine, buộc Tổng Thống nước này phải điều tra về Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, một đối thủ chính trị của Tổng Thống Trump, và con trai ông là Hunter Biden. Ông đã từng tỏ ra lo ngại về mức anh hưởng của ông Giuliani trong ngành ngoại giao, cho dù ông ta không phải là một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Bolton từ chức khỏi Tòa Bạch Ốc vào tháng 9, trước khi cuộc điều tra luận tội xảy ra.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông Bolton có tuân theo lệnh triệu tập và xuất hiện tại phiên điều trần hay không.  CBS dẫn lời luật sư của ông John Bolton, Paula Reid, cho biết ông Bolton sẽ không sẵn sàng xuất hiện một cách tự nguyện, nhưng ông sẽ tuân theo một trát tòa.
Trong một tin tức có liên quan, các viên chức thuộc chính quyền Tổng Thống Trump cho biết vào tối Thứ Tư (ngày 30 tháng 10) rằng ông Tim Morrison, một chuyên gia Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia và cũng nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra luận tội, đã từ chức. Thông tin này được đưa ra ngay trước khi ông Morrison tham gia phiên điều trần trước các Ủy Ban Hạ Viện vào thứ năm (ngày 31 tháng 10).
Trước đó vào Thứ Ba (ngày 29 tháng 10), Ủy ban Nội quy Hạ viện đã họp tại Tòa Nhà Quốc Hội để soạn thảo một nghị quyết để vạch ra các quy tắc để tiến hành bước tiếp theo của cuộc điều tra luận tội, và các lãnh đạo Đảng Dân Chủ cho biết nghị quyết này sẽ được bỏ phiếu tại Hạ Viện cũng trong ngày Thứ Năm. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã từ chối nghị quyết trên và nói rằng “cuộc điều tra luận tội đã là một trò lừa đảo bất hợp pháp ngay từ đầu.” (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dang-dan-chu-trieu-tap-cuu-co-van-an-ninh-quoc-gia-john-bolton-ra-dieu-tran/

Khởi kiện chính quyền Trump vì chính sách

từ chối visa nếu di dân không thể mua bảo hiểm y tế

Tin từ Washington, D.C. – Vào Thứ Tư (ngày 30 tháng 10), một liên minh gồm các nhóm vận động vì người di dân và các tổ chức pháp lý, đã khởi kiện nhằm chống lại chính sách được Tổng thống Trump ban hành đầu tháng này, cho phép chính phủ từ chối visa từ những người di dân không thể mua bảo hiểm y tế hoặc chi trả các chi phí y tế ở Hoa Kỳ.
Các tổ chức nói trên đã yêu cầu Tòa án quận Hoa Kỳ ở Oregon ngăn chặn chính quyền Tổng Thống Trump thực hiện chính sách mới, dự kiến sẽ có hiệu lực vào Chủ Nhật (ngày 3 tháng 11).
Theo một ước tính từ Viện Chính Sách Di Dân, các yêu cầu từ chính sách mới có thể từ chối cho phép 375,000 người di dân nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Trong đơn kiện, liên minh đã áo buộc chính quyền cố gắng “đơn phương viết lại” luật di dân của quốc gia. Các nguyên đơn được liệt kê trong đơn kiện bao gồm một  số công dân Hoa Kỳ tài trợ visa cho các thành viên gia đình ở ngoại quốc có thể bị từ chối nhập cảnh vào Hoa Kỳ theo các yêu cầu nghiêm ngặt từ chính sách mới.
Theo chính sách mới, nhân viên lãnh sự của Bộ Ngoại giao sẽ chỉ chấp nhận đơn xin visa di dân được thực hiện ở ngoại quốc nếu người nộp đơn chứng minh rằng họ sẽ có khả năng chi trả bảo hiểm y tế trong vòng một tháng sau khi đến Hoa Kỳ. Nếu không, người nộp đơn sẽ cần phải chứng minh họ có
các nguồn tài chính để trả ” các chi phí y tế trước mắt” – một yêu cầu không được giải thích rõ trong chính sách.
Theo đài CBS News, đây chỉ là một trong những chính sách lớn mà chính quyền Tổng Thống Trump đã đưa ra trong vài tháng gần đây để thay đồi hệ thống di dân và cắt giảm đáng kể những người ngoại quốc muốn đến Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/khoi-kien-chinh-quyen-trump-vi-chinh-sach-tu-choi-visa-neu-di-dan-khong-the-mua-bao-hiem-y-te/

Máy bay không gian của Hoa Kỳ

có thể khởi đầu một lĩnh vực quân sự mới

Tin Washington DC – Theo giới quan sát quân sự, việc vũ khí hóa không gian đang ngày càng có khả năng thành hiện thực, sau khi chuyến thử nghiệm dài kỷ lục của máy bay không gian X-37B của Không quân Hoa Kỳ kết thúc vào tuần trước. Máy bay không gian có thể tái sử dụng duy nhất của thế giới, chiếc Boeing X-37B, đã quay về trung tâm Kennedy tại Cape Canaveral, Florida, vào Chủ Nhật, 27 tháng 10, sau 780 ngày trên quỹ đạo.
Theo Không quân Hoa Kỳ, các nhiệm vụ của máy bay đã được thực hiện thành công, bao gồm cả việc vận chuyển một vệ tinh nhỏ. Đây là nhiệm vụ thứ 5 và là nhiệm vụ dài nhất của chiếc máy bay không người lái, nâng tổng số ngày máy bay này hoạt động trong quỹ đạo lên 2,865 ngày. Không quân đang chuẩn bị cho nhiệm vụ thứ 6 của máy bay, dự kiến diễn ra trong năm tới. So với các phi thuyền con thoi, máy bay không gian này nhỏ hơn, nhưng có thể bay trong thời gian dài hơn, và có vẻ như được dùng hoàn toàn cho các mục đích quân sự. Bà Heather Wilson, cựu Bộ Trưởng Không Quân, từng nói rằng sức mạnh của X-37B là máy bay này có thể bay vòng quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình bầu dục, và có thể chuyển hướng khi đến gần khí quyển của Trái Đất để thay đổi quỹ đạo. Điều này có nghĩa là các đối thủ của Hoa Kỳ sẽ không thể thăm dò hay dự đoán hoạt động của máy bay X-37B. Theo giới chuyên gia quân sự, khả năng đổi vị trí nhanh chóng của X-37B cho phép máy bay này do thám hoặc tấn công các vệ tinh và các mục tiêu trên Trái Đất một cách dễ dàng. Nếu X-37B có thể chở được các vệ tinh nhỏ, máy bay này cũng sẽ chở được vũ khí hoặc các cánh tay robot, để bắt giữ các vệ tinh khác trong quỹ đạo.
https://www.sbtn.tv/may-bay-khong-gian-cua-hoa-ky-co-the-khoi-dau-mot-linh-vuc-quan-su-moi/

Chilê hủy tổ chức diễn đàn APEC và COP25

Thùy Dương
Tổng thống Chilê Sebastian Piñera hôm 30/10/2019 thông báo hủy đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC và thượng đỉnh Khí hậu COP25 của Liên Hiệp Quốc do nước này đang lâm vào khủng hoảng xã hội.
Thông báo trên được đưa ra gần 2 tuần sau khi phong trào phản kháng xã hội bùng nổ trong cả nước, kèm theo đó là nhiều vụ xô xát, cướp phá. Cho đến ngày hôm qua, các cuộc biểu tình chống bất công xã hội vẫn tiếp diễn, bất chấp việc tổng thống Sebastian Piñera đã cho cải tổ nội các.
Theo dự kiến, thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, quy tụ lãnh đạo các nước Thái Bình Dương, trong đó có cả Mỹ, Trung Quốc và Nga, sẽ diễn ra tại thủ đô Santiago của Chilê vào hai ngày 16 và 17/11. Còn thượng đỉnh khí hậu COP25 sẽ được tổ chức từ ngày 02 đến ngày 13/12, với sự tham gia của 25.000 đại biểu.
Vậy, phản ứng của người dân Chilê ra sao ? Từ Santigo, thông tín viên RFI Justine Fontaine gửi về bài phóng sự :
« Hôm nay là ngày thứ 13 liên tiếp hàng chục ngàn người biểu tình tập trung tại quảng trường Plaza Italia, ở trung tâm thủ đô Santiago. Cô Romi Jorquera, khoảng 30 tuổi, không ngạc nhiên về quyết định của tổng thống. Cô nói : Đất nước hiện giờ đang tập trung vào nhiều vấn đề khác. Các đòi hỏi xã hội mới là điều khiến người dân Chilê quan tâm vào lúc này. Vì thế, tôi không ngạc nhiên về việc ông Pinera hủy đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh COP và APEC.
Còn Ignacio Silva là sinh viên. Từ hai tuần nay, hầu như ngày nào anh cũng tham gia biểu tình. Ignacio Silva hài lòng về quyết định của tổng thống hủy đăng cai tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Anh phát biểu : Chúng tôi đã cho thấy là cái được gọi là thiên đường tân tự do Chilê chỉ là một điều hoang đường, không có thật. Bây giờ, chính phủ sẽ không hướng mọi sự chú ý vào thượng đỉnh APEC hay COP, mà phải tập trung tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội mà đất nước đang gánh chịu.
Đối với một người biểu tình khác, việc các nhà lãnh đạo thế giới tập hợp về Santiago để tham gia thượng đỉnh COP 25, trong khi các vụ trấn áp vẫn diễn ra trên đường phố, là điều không thể chấp nhận được.
Theo Viện công tố quốc gia Chilê, ít nhất 23 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, trong số đó tối thiểu 5 người bị các thành viên lực lượng an ninh giết hại ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191031-chile-huy-to-chuc-dien-dan-apec-va-cop25okk

LHQ khẩn cấp

tìm nơi đón Hội Nghị Khí Hậu COP25 thay thế Chilê

Mai Vân
Liên Hiệp Quốc đang ráo riết tìm nơi đón Hội Nghị COP25, sau khi tổng thống Chilê thông báo không thể đón hội nghị tại Santiago vào tháng 12/2019. Lãnh đạo Chilê đã phải quyết định như trên trong bối cảnh thủ đô Santiago rơi vào hỗn loạn với các cuộc biểu tình của dân chúng bùng lên từ nhiều tuần nay.
Theo thông tín viên RFI Carrie Nooten tại New York, vấn đề đã trở nên cấp bách vì chỉ còn vài tuần lễ để tổ chức lại tất cả.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc đặc trách biến đổi khí hậu CCNUCC có một số lựa chọn: Tổ chức Hội Nghị COP25 tại Bonn (Đức), nơi mà cơ quan có trụ sở. Cách thứ hai là tổ chức COP25 vào tháng 6/2020 cùng với các cuộc đàm phán về khí hậu được dự kiến tại Bonn.
Giải pháp thứ ba là tìm một nước tổ chức khác. Lựa chọn này ít khả thi hơn vì Chilê đã phải mất hàng tháng trời chuẩn bị để cho một hướng đi mạnh mẽ về khí hậu.
Theo Farhan Haq, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Chilê hiện vẫn là chủ tịch của Hội Nghị thứ 25, cho nên hướng đi mà Chilê vạch ra trong những tháng qua vẫn được duy trì. Vấn đề là tìm được một nơi họp thỏa đáng, và “với chút cơ may thì sẽ tìm được thôi”. Theo nhân vật này, đã có tiền lệ mà nước tổ chức không phải là nơi diễn ra hội nghị.
Năm 2017-2018 chẳng hạn, nước tổ chức COP23 là đảo quốc Fidji đã không đón được những người tham gia Hội Nghị COP23. Nhiều quan khách đã cho rằng Fidji ở một nơi quá xa xôi, hẻo lánh, vì thế hội nghị chính đã được tổ chức tại Bonn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191031-lhq-khan-cap-tim-noi-don-hoi-nghi-khi-hau-cop25-thay-the-chileokk-0

Âm nhạc đánh sập Bức Tường Berlin ?

Thanh Hà
Vào lúc nước Đức chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, nhiều nơi trên thế giới, thanh thiếu niên nắm lấy vận mệnh tương lai, RFI nhìn lại vai trò của giới trẻ tại Đông Berlin 30 năm trước đã góp phần dẫn tới sự tan rã của khối Xã Hội Chủ Nghĩa : Âm nhạc là nhát búa đầu tiên đánh sập Bức Tường Berlin.
Ngày 09/11/1989 bức tường chia cách thành phố Berlin trong suốt 28 năm sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Trên thực tế bức tường tưởng chừng là kiên cố này đã rạn nứt từ lâu. Tháng Giêng 1989 chủ tịch Hội Đồng Nhà Nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức Erich Honecker tuyên bố bức tường Berlin còn đứng vững mãi cả « trăm năm nữa ». Chỉ mười tháng sau, người dân Berlin với búa rìu đã đập tan nát biểu tượng của sự chia cắt và qua đó khép lại hơn 40 năm chiến tranh lạnh, khối Xã Hội Chủ nghĩa tan rã, Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản cáo chung.
Âm nhạc vũ khí lợi hại của phương Tây
Những nhát búa đầu tiên giáng xuống bức tường thực ra đã được khởi động từ trước năm 1989. Mọi việc khởi đầu với buổi trình diễn của nam danh ca người Mỹ, Bruce Springsteen ngày 19/07/1988. Anh
là nghệ sĩ Tây phương nổi tiếng đầu tiên đến Đông Berlin trình diễn. Trong vỏn vẹn bốn giờ đồng hồ, hơn 300.000 thanh niên Đông Đức khao khát tự do bị ca khúc Chimes of Freedom, nhạc và lời của Bob Dylan làm mê hoặc. Cho dù trước đó, Bruce tuyên bố với khán giả rằng anh đến diễn trên sân khấu Đông Berlin không để ủng hộ một chính quyền của « phe này hay phe khác mà chỉ để đưa dòng nhạc rock’n roll đến với khán giả Đông Berlin ». Dù vậy, Spingsteen không quên nói lên nguyện vọng tự đáy lòng : Anh « hy vọng một ngày nào đó những rào cản sẽ được dỡ bỏ ».
Vài tháng trước đó, tiếng hát của hai nhạc sĩ lớn của thế giới tự do là David Bowie và Michael Jackson từ phía bên kia bức tường vọng sang đã chinh phục con tim của giới trẻ đông Đức. Cũng chính vì tránh để cho giới trẻ cứ « dán mãi tai vào bức tường » nghe lóm những buổi trình diễn ở phía Tây Berlin, mà chính quyền Cộng Hòa Dân Chủ Đức dưới thời đại của Honecker đã mời một vài nghệ sĩ ngoài khối xã hội chủ nghĩa đến biểu diễn.
Một nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc từng đánh giá đêm biểu diễn tại Đông Berlin của Bruce Springsteen là sự kiện âm nhạc « quan trọng nhất trong thế kỷ 20 ». Trong đêm diễn ấy, nam danh ca người Mỹ đã gieo vào 300.000 trái tim tiếng chuông tự do. Khán giả của anh đêm đó nhận thấy một làn gió thay đổi đang thổi tới Cộng Hòa Dân Chủ Đức.
Tiếng đàn Violoncelle của nhạc sĩ người Nga
Hơn một năm sau, tháng 11 năm 1989, hình ảnh nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kéo đàn violoncelle dưới chân bức tường ngay tại trạm kiểm soát Checkpoint Charlie đi vòng quanh thế giới. Một người nghệ sĩ tóc bạc trắng, một cây đàn và bản Suites của Bach là biểu tượng hòa bình. Berlin đang hồi sinh.
Là một nhạc sĩ đàn violoncelle/cello bậc thầy của thế giới, Rostropovitch 30 năm trước đang sống yên bình tại một căn hộ sang trọng ở quận 16 Paris. Qua đài phát thanh ông hay tin bức màn sắt đang bị khai tử và thế là ông lập tức khăn gói lên đường đến Berlin. Cùng một người bạn thân, Rostropovitch với cây đàn đáp xuống sân bay Berlin. Ra khỏi phi trường, họ biết đi đâu ? Không ngần ngại, ông lấy tắc xi đến thẳng trạm kiểm soát Checkpoint Charlie, biểu tượng giữa hai thế giới Đông và Tây.
Những nốt nhạc đầu tiên từ bản Suites của Johann Sebastian Bach được cất lên, tiếng búa rùi nện vào bức tường im bặt. Chính nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch kể lại trong, buổi trình diễn ngẫu hứng đêm 11/11/1989, hai ngày sau làn sóng người Đông Berlin đầu tiên chính thức qua hàng rào biên giới dưới sự kiểm soát của lính biên phòng đôi bên, nhạc sĩ Rostropovitch đã tuyên bố đấy là « một ngày hạnh phúc », bởi ông biết rằng kể từ giờ phút đó Berlin không còn bị phân chia, người Đức hòa vào một khối và những nốt nhạc của Bach là keo sơn hàn gắn lại hai nửa tâm hồn của những con người bị Đông và Tây giằng xé. Cũng Rostropovitch tâm sự rằng ông cần thấy phải có mặt dưới chân Bức Tường ở vào thời khắc kịch sử đó để tri ân những người đã nằm xuống cũng tại nơi này.
Ở vào những năm 1950 Rostropovitch là một trong những tinh hoa của Liên bang Xô Viết. Ông là một nghệ sĩ tài hoa được đào tạo trong học viện âm nhạc quốc gia, là học viên hiếm hoi mới 23 tuổi đời đã đoạt giải thưởng mang tên Stalin. Nhưng bước vào đầu thập niên 1970 ông phạm phải hai điều cấm kỵ : một là tiếp xúc với nhà văn Soljennitsine, tác giả của Quần Đảo ngục Tù và hai là đứng về phía nhà bác học, nhà đấu tranh cho nhân quyền Sakharov. Gia đình Rostropovitch bị chính quyền Brejenev đưa vào danh sách đen.
Năm 1974 nhạc sĩ Mstislav Rostropovitch rời Liên Xô sanh định cư hẳn tại Mỹ, rồi Pháp. Ông là nghệ sĩ bốn bể là nhà với những vòng lưu diễn bất tận. Đã nhiều lần đi vòng quanh trái đất, nhưng theo lời con gái người nhạc sĩ nổi tiếng này, dù bị Liên Bang Xô Viết tước quyền công dân năm 1978, ông luôn thầm mơ có được ngày trở về.
Làn gió cách mạng tại Đông Âu
Dù vậy tất cả các nhà sử học đều đồng ý trên một điểm đó sự sụp đổ của Bức Tường Berlin chỉ là hồi kết từ những vết nứt chính trị trước đó trong khối cộng sản. Ngay tại Liên Xô, lần đầu tiên thành trì của chế độ Cộng Sản này tổ chức bầu cử tự do vào tháng 3/1989. Hungrary tháng 2/1989 không còn là một quốc gia độc đảng. Lại cũng Hungary ngày 10/09/1989 mở cửa biên giới với Áo. Đây là cửa ngõ đầu tiên giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Tháng 6 cùng năm, tại Vacxava, công đoàn Solidarnosc của Lech Valesa đắc cử trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên từ kể từ sau Thế Chiến.
Một lần nữa Hungary lại tiên phong, tuyên bố thoát khỏi vòng kềm tỏa của Matxcơva. Chỉ một tuần sau ngày Bức Tượng Berlin bị phá vỡ, đến lượt Tiệp Khắc tuyên bố độc lập. Tại Bulgari để tồn tại, đảng Cộng Sản phải chấp nhận mở cửa. Riêng tại Bucarest nhà độc tài Roumani Nicolae Ceausescu không cầm cự được thêm bao lâu trước khi nhận lấy cái chết khốc thảm đúng ngày lễ Giáng Sinh.
Một cách ôn hòa hơn, ba quốc gia ven biển Baltic trong vòng từ tháng 3 đến tháng 5/1990 tuyên bố độc lập. Tại Nam Tư chế độ của Slobodan Milosevic bị chống đối. Tiếp theo đó là một cuộc xung đột kéo dài cho đến tận năm 1999.
Nước Đức thống nhất và sự hình thành của Liên Hiệp Châu Âu
Về phần hai miền nước Đức là Cộng Hòa Liên Bang Đức thuộc khối tư bản và Cộng Hòa Dân Chủ Đức cùng bị Bức Tường Berlin dồn vào chân tường. Đông Đức kiệt quệ về kinh tế và không còn có thể trông chờ vào Liên Xô. Tây Đức cũng lúng túng không kém vì phải cưu mang người anh em bên sườn đông. Bonn cầu viện các đối tác Tây Âu và hướng về giải pháp thống nhất đất nước.
Hai đối tác lớn của Bonn là Anh và Pháp. Tại Luân Đôn, nữ thủ tướng Thatcher thận trọng. Tại Paris, François Mitterrand đồng tình với điều kiện, Bonn và Paris nhanh chóng đẩy mạnh khối châu Âu, hình thành một Liên Hiệp có tiếng nói quan trọng về chính trị.
Từ « Thị trường chung » phát triển thành « Cộng đồng kinh tế châu Âu », rồi « Cộng đồng châu Âu », dự án xây dựng « Liên Hiệp Châu Âu » được hình thành vào tháng 04/1990, tức là chưa đầy một năm sau khi Bức Tường Berlin sụp đổ.
Tháng 2/1992, hiệp ước Maastricht chính thức được ký kết, khai sinh ra Liên Hiệp Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191031-am-nhac-danh-sap-buc-tuong-berlin

Liban: Biểu tình bạo động tiếp diễn

dù thủ tướng đã từ chức

Mai Vân
Tình hình Liban vẫn hỗn loạn với những cuộc biểu tình bạo động tiếp tục diễn ra tại thủ đô Beyrouth và các thành phố lớn ngày 30/10/2019, bất chấp việc thủ tướng Hariri đã thông báo từ chức.
Thông tín viên RFI tại Beyrouth, Paul Khalifeh giải thích nguyên nhân:
Thời gian yên ắng chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Sau khi mở lại các trục lộ ngày hôm qua, tháo gỡ các rào cản đã làm tê liệt hoạt động từ hôm 17/10, tình hình đột nhiên căng thẳng trở lại vào buổi chiều tối. Một nhóm biểu tình xuất phát từ trung tâm thủ đô Beyrouth đã cắt ngang trục lộ chính nối liền các khu vực phía đông và tây thành phố, đúng ngay nơi đã diễn ra xô xát trước đó giữa người biểu tình với cư dân khu phố thân Hezbollah và phong trào Amal, một hệ phái Hồi Giáo Shia.
Cảnh tương tự cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác. Ở miền bắc Liban quân đội đã can thiệp để ngăn không cho người biểu tình chiếm đóng một quảng trường quan trọng bằng cách bắn chỉ thiên và ném lựu đạn cay trước khi rút lui.
Cho đến nửa đêm, cả nước Liban lại bị tê liệt.
Tình hình căng thẳng trở lại này đã khiến các trường học tiếp tục đóng cửa sau khi đã quyết định mở lai sau hai tuần lễ ngưng các buổi học. Các đại học cũng trong tình trạng tương tự.
Các diễn biến nói trên xảy ra vài giờ sau cuộc tuần hành trên đường phố Beyrouth của hàng trăm người ủng hộ thủ tướng từ nhiệm Saad Hariri và cũng là lãnh đạo đảng Hồi Giáo Sunni lớn nhất nước.
Trước lúc tình hình căng thẳng trở lại này, nhiều tin đồn, tuy đã được đính chính, đã lan ra về việc các đảng Hồi Giáo Shia muốn tổ chức biểu tình lớn để ủng hộ các lãnh đạo của họ, hay là về việc quân đội sẽ thiết lập tình trạng khẩn cấp.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191031-liban-bieu-tinh-bao-dong-tiep-dien-du-thu-tuong-da-tu-chucokkk

Nhật Bản: Triều Tiên phóng hai tên lửa ra biển

Triều Tiên đã bắn đi hai phi đạn mà chính phủ Nhật nói có thể là tên lửa đạn đạo, cả hai đều rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật hôm thứ Năm, theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản và quân đội Hàn Quốc,
Tên lửa đầu tiên không xác định được là loại gì, đã được phóng đi từ tỉnh Nam Phyongan, ở trung tâm Triều Tiên,vào lức 4:35 chiều thứ Năm- giờ địa phương (0735 GMT) theo Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) trong một tuyên bố. Phi đạn thứ hai được phát hiện vào lúc 4:38 chiều (0738 GMT).
Các tên lửa bay xa khoảng 370 km và đạt độ cao 90 km, JCS mô tả các tên lửa này là tên lửa tầm ngắn.
Chính quyền Nhật Bản cho biết hai tên lửa này đã rơi bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ).
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết các vật phóng trông giống như tên lửa đạn đạo đã được phóng đi từ Triều Tiên, và không rơi trên lãnh thổ của Nhật Bản.
Căn cứ không quân Mỹ ở Misawa, nằm cách Tokyo 700 dặm (1.127 km) về hướng bắc, đã ra cảnh báo tên lửa trực tuyến, kêu gọi nhân viên tìm nơi trú ẩn, trước khi ra thông báo chấm dứt cảnh báo.
Sự kiện tên lửa được phóng vào buổi chiều khác với một loạt thử nghiệm thực hiện trong năm nay, vốn vẫn xảy ra vào sáng sớm.
Vụ việc xảy ra nhằm ngày Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự lễ tang của mẹ ông, vừa qua đời hôm thứ ba.
Trong một lời nhắn gửi qua làng biên giới Bàn Môn Điếm vào cuối ngày thứ Tư, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gửi lời chia buồn sâu sắc của ông về sự mất mát của Tổng thống Moon Jae In, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết hôm thứ Năm.
Ngày hôm trước, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên, cho biết là những sự di chuyển của các bệ phóng (TEL), được sử dụng để bắn tên lửa, đã được phát hiện ở Triều Tiên.
Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc mở một cuộc họp khẩn sau vụ phóng hôm thứ Năm, và bày tỏ quan tâm về vụ phóng các tên lửa mà họ mô tả là ‘tầm ngắn’ này.
Lên tiếng sau vụ phóng, Ban Tham mưu liên quân Hàn quốc (JCS) nói Quân đội Hàn Quốc đang trong tư thế sẵn sàng và đang tiếp tục theo dõi và giám sát các diễn biến liên quan.
JCS kêu gọi Triều Tiên hãy chấm dứt các vụ phóng vì làm như vậy không có ích gì trong việc xoa dịu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã trở nên lạnh nhạt kể từ sau một loạt cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Moon và ông Kim hồi năm ngoái, và mặt khác, các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ để phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng đang bị đình trệ.
Bình Nhưỡng nói các tên lửa là cần thiết để bảo vệ miền Bắc chống lại các máy bay chiến đấu và vũ khí mới mà Hàn Quốc vừa mua lại của Mỹ, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Triều Tiên còn cáo buộc Hoa Kỳ và Hàn Quốc là vẫn tiếp tục các chính sách thù địch, kể cả các cuộc diễn tập quân sự.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-ban-trieu-tien-phong-hai-ten-lua-ra-bien/5146999.html

Biểu tình khiến Hong Kong rơi vào suy thoái ra sao?

By Virginia HarrisonBBC News
5 tháng biểu tình ở Hong Kong đã giáng một đòn “mạnh” vào các doanh nghiệp ở Hong Kong, đẩy nền kinh tế đến bờ vực.
Số liệu tăng trưởng sơ bộ dự kiến công bố vào thứ Năm cho thấy Hong Kong đã bước vào thời kỳ suy thoái, có nghĩa là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Trước những con số này, lãnh đạo thành phố Carrie Lam cảnh báo về một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Bà dự đoán nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng âm trong năm nay.
Nhà kinh tế học DBS Samuel Tse đồng ý rằng các số liệu sắp tới sẽ cho thấy Hong Kong sẽ chìm vào suy thoái – và sẽ còn gặp thêm nhiều khó khăn nữa.
“Chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ hồi phục nhanh,” ông Tse nói.
‘Tác động tàn khốc’
Các cuộc biểu tình, bắt đầu từ một dự luật dẫn độ từ thành phố về Trung Quốc đại lục đã gây áp lực lên các căng thẳng kinh tế hiện có.
Hong Kong đã đang phải vật lộn với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong khi một đồng nhân dân tệ yếu hơn đã đánh vào chi tiêu của du khách đại lục và tâm lý người tiêu dùng.
Dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã được rút lại, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và phát triển thành yêu cầu đòi tự do, và một cuộc điều tra độc lập về sự tàn bạo của cảnh sát.
Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động đã trở nên ngày càng dữ dội, với cảnh sát bắn đạn thật và người biểu tình tấn công các sĩ quan và ném bom xăng.
Những cảnh ấn tượng đó đã khiến khách du lịch buộc phải tránh xa thành phố này.
Vào tháng 8, lượng khách đến thành phố – một điểm đến du lịch và trung tâm trung chuyển phổ biến – đã đạt mức tồi tệ nhất kể từ đại dịch cúm SARS vào 2003. Số lượng khách đến thăm dự kiến giảm gần 50% trong tháng 10 so với năm ngoái.
Nhiều khách sạn đang vật lộn với những căn phòng trống và ông Tse nói rằng tỷ lệ trống đang chiếm khoảng 60%.
Một số khách sạn đã giảm giá với hy vọng có thêm khách du lịch, trong khi các báo cáo cho thấy nhiều người đã buộc nhân viên phải cắt giảm giờ làm việc hoặc nghỉ phép để đối phó với sự suy thoái.
Trong số những doanh nghiệp bị ảnh hưởng là Tập đoàn Ovolo. Công ty này điều hành bốn khách sạn ở Hong Kong thấy tỷ lệ khách giảm tới 30% trong ba tháng qua.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Ovolo, Girish Jhunjhnuwala nói: “Thật là tàn khốc khi thấy tình hình thành phố thời gian gần đây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là chúng tôi trong ngành khách sạn”.
Ông Jhunjhnuwala nói rằng công việc kinh doanh tốt hơn vào các ngày giữa tuần vì hầu hết khách chọn rời đi trước cuối tuần, khi các cuộc biểu tình thường bắt đầu. Công ty đã đưa ra các chính sách hủy đặt phòng vì sự thất thường của khác.
Với ít khách du lịch bay vào, các hãng hàng không cũng bị ảnh hưởng. Nhiều ngày biểu tình tại sân bay Hong Kong vào tháng 8, một trong những trung tâm trung chuyển bận rộn nhất thế giới, dẫn đến tình trạng hủy chuyến bay trên diện rộng.
Hãng hàng không hàng đầu của Hong Kong Cathay Pacific cũng bị sụt giảm mạnh về số lượng hành khách đến lãnh thổ trong hai tháng qua, trong khi Qantas nói rằng các cuộc biểu tình ảnh hưởng thu nhập nửa đầu năm khoảng 25 triệu đô la Úc (17 triệu đô la).
Người mua sắm biến mất
Dòng khách du lịch thưa hơn đã đè nặng lên các nhà bán lẻ trong thành phố, trong khí tâm lý tiêu dùng từ người dân địa phương cũng đã giảm đi.
Một số cửa hàng đã buộc phải rút ngắn thời gian giao dịch trong khi các nhân viên lo ngại về sự an toàn của họ vì các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực.
Một số doanh nghiệp đã phải đối mặt với các cuộc tấn công trực tiếp.
Những người phá hoại đã nhắm vào các công ty lớn của đại lục như Bank of China và công ty công nghệ Xiaomi. Các trạm dọc theo hệ thống tàu điện ngầm MTR của Hong Kong cũng liên tục bị tấn công, phá hoại hoặc thậm chí là phóng hoả.
Sự hỗn loạn đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh số bán lẻ, giảm 23% trong tháng 8, mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Sự suy giảm trong tháng Chín dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn.
Mất niềm tin
Ngoài ra, tình trạng bất ổn kéo dài đã làm lung lay niềm tin kinh doanh và khiến các đầu tư thất vọng. Điều đó có thể có tác động lâu dài hơn đối với nền kinh tế, ông Tse nói, khi các câu hỏi và sự không chắc chắn về tương lai của Hong Kong với vị thế là một trung tâm tài chính châu Á.
Thành phố cho đến nay đã đầu tư hơn 20 tỷ đô la Hong Kong để chống lại sự suy thoái bao gồm cả hỗ trợ cho các ngành vận tải, du lịch và bán lẻ. Nhiều biện pháp cứu trợ dự kiến sẽ được áp dụng.
Nhưng chính phủ lập luận rằng có rất nhiều điều có thể làm để ngăn chặn sự trượt dốc kinh tế.
“Để thực sự khắc phục vấn đề, chúng tôi phải luôn hợp tác để ngăn chặn bạo lực, ngăn chặn phá hủy cơ sở hạ tầng giao thông và các cửa hàng cụ thể, ngân hàng và tổ chức và để xã hội phục hồi càng sớm càng tốt,” Bộ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan viết trong một bài viết đăng trên trang blog của ông.
“Xã hội và nền kinh tế của chúng ta cần phải nghỉ ngơi và cần phải quay trở lại đúng hướng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50246559

Hồng Kông : Tranh thủ lễ hội Halloween

để biểu tình chống chính quyền

Thùy Dương
Tòa tối cao Hồng Kông ngày 31/10/2019 bắt đầu xét xử hai đơn kháng cáo liên quan đến lệnh cấm che mặt khi biểu tình mà chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã viện dẫn một đạo luật có từ thời
thuộc Anh năm 1922 để ban hành. Phiên xét xử diễn ra trong hai ngày, tình cờ trùng đúng vào dịp lễ hội hóa trang Halloween.
Những người tham gia phong trào biểu tình đòi dân chủ đang chuẩn bị lễ hội Halloween theo cách riêng, kêu gọi biến lễ hội hóa trang Holloween thành một cuộc biểu tình chống chính phủ, đeo mặt nạ hình nộm lãnh đạo đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), nhằm thách thức lệnh cấm che mặt mà chính quyền Hồng Kông đã ban bố.
Còn nhà chức trách Hồng Kông cho báo South China Morning Post biết là hơn 3.000 cảnh sát, với nhiều vòi rồng sẽ được huy động nhân dịp lễ Halloween đêm 31/10/2019. Lực lượng an ninh sẵn sàng can thiệp nếu người tham gia lễ hội gây rối. Một nguồn tin cảnh sát cho biết lực lượng cảnh sát thành phố sẽ yêu cầu những người tham gia lễ hội Halloween dỡ bỏ mặt nạ khi họ bắt đầu giương biểu ngữ.
Theo AFP, Ocean Park, một viên vui chơi giải trí lớn tại Hồng Kông, đã hủy lễ hội hóa trang Halloween năm nay, còn trạm tàu điện ngầm ngầm Central, gần một con phố rất sầm uất về đêm sẽ đóng cửa vào 21h.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191031-hong-kong-tranh-thu-le-hoi-halloween-de-bieu-tinh-chong-chinh-quyenokkk

Sau Ngô Sỹ Tồn, Đại sứ TQ tại ASEAN Hoàng Khê Liên

lại tuyên truyền sai về tình hình Biển Đông

Trả lời phỏng vấn Nhật báo Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên (25/10) lại tuyên truyền sai về diễn biến tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đồng thời cố tình đổ lỗi cho các bên liên quan là nguyên nhân khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.
Theo Hoàng Khê Liên, trong những năm gần đây, tình hình ở Biển Đông đã ổn định. Nguyên nhân chính là do “Trung Quốc đang bảo vệ chủ quyền, lợi ích của mình ở Biển Đồng, đồng thời tích cực đối thoại và hợp tác với tất cả các bên liên quan, cùng nhau xây dựng Biển Đông thành biển hòa bình, biển hữu nghị và biển hợp tác”. Hoàng Khê Liên cho rằng có thể tóm tắt thành bốn điểm sau:
Đầu tiên, quản lý đúng sự khác biệt. Trung Quốc nhấn mạnh vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến biển một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn; Các kênh liên lạc song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông luôn luôn suôn sẻ nhằm phát huy tác dụng trong việc đàm phán hiệp thương, quản lý bất đồng và tăng cường long tin chính trị; ngăn ngừa mở rộng, phức tạp hóa các vụ việc trên biển, tránh làm ảnh hưởng phát triển quan hệ các nước và quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác hàng hải. Trung Quốc tích cực thúc đẩy hợp tác thực dụng trong các lĩnh vực có nhu cầu chung, không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của các nước, nhất là trong một số lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải. Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển chung dầu khí ngoài khơi với các nước liên quan. Mục đích của hợp tác là cùng nhau giải quyết một số thách thức truyền thống và phi truyền thống cấp bách và đáp ứng mối quan tâm của các nước trong khu vực. Không những vậy, nó còn tạo ra một bầu không khí tốt, tăng cường niềm tin và tích lũy các yếu tố thuận lợi để duy trì tình hình ở Biển Đông.
Thứ ba, phát triển các quy tắc khu vực. Sự an toàn của Biển Đông dựa trên các quy tắc và trật tự được công nhận bởi các quốc gia trong khu vực. Đây là một điều rất quan trọng mà các nước đang làm. Để tránh làm cho những bất đồng thành tranh cãi hoặc thậm chí là xích mích, bạn cần có những quy tắc. Đó là lý do tại Trung Quốc và các nước ASEAN lần xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hiện đang đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Khung COC đã được thiết lập và các bên hiện đang đàm phán về văn bản này. Sau khi các quy tắc được thiết lập, hành động của tất cả các bên sẽ được quy phạm hóa, đồng thời quá trình xây dựng quy tắc cũng là một quá trình xây dựng niềm tin, xây dựng sự đồng thuận và hình thành một số ý tưởng chung, giúp tăng cường sự hiểu biết của tất cả các bên về tăng cường hợp tác và nhận thức chung về những khác biệt.
Thứ tư, ngăn chặn bên ngoài can thiệp. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong những năm gần đây chủ yếu đến từ “sự can thiệp từ bên ngoài”. Một số lực lượng bên ngoài xuất phát từ lợi ích của bản thân, muốn “định hướng” quá trình xây dựng các quy tắc trong khu vực, tìm các can thiệp vào tiến trình đàm phán xây dựng quy tắc của khu vực. Đối với Trung Quốc và ASEAN,
điều rất quan trọng là phải xử lý đúng đắn các yếu tố bên ngoài, không cho phép nước ngoài can thiệp và làm hỏng tiến trình đàm phán, đồng thời luôn cảnh giác. Trung Quốc hy vọng rằng các nước bên ngoài khu vực sẽ tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và đóng vai trò xây dựng thay vì ngược lại.
Ngoài ra, Hoàng Khê Liên cho rằng 4 khía cạnh trên là những gì Trung Quốc đang làm, chúng có hiệu quả và đang từng bước tiến tới ổn định; kiên trì bảo vệ “chủ quyền và quyền lợi” là tiền đề, đồng thời cùng thúc đẩy 4 phương diện công tác trên, tiến tới củng cố cục diện ổn định.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị cấp cao hợp tác truyền thông Trung Quốc – ASEAN ở thủ đô Jakarta, Indonesia, ông Hoàng Khê Liên (24/7) đã đưa ra những tuyên bố ngụy biện cho hành động phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Bãi Tư Chính vừa qua. Ông Hoàng Khê Liên đánh giá quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện mới, đồng thời đề cập vấn đề biển Đông; cho rằng “tình hình biển Đông vẫn đang phát triển theo xu thế ổn định và có xu hướng tốt đẹp”. Hoàng Khê Liên cho biết ông ta “muốn nhấn mạnh ba từ khóa quan trọng”: Thứ nhất là “Xu thế ổn định theo hướng tốt đẹp”. Hoàng Khê Liên nhận định, “hiện nay dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, cục diện ổn định theo hướng tốt ở biển Đông đang thêm vững chắc, nguyện vọng cùng gìn giữ hòa bình ổn định ở biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN càng mạnh mẽ, hành động để thúc đẩy phát triển thịnh vượng ở biển Đông càng chắc chắn. Biển Đông từ một điểm cọ xát trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN dần chuyển biến thành điểm tăng trưởng trong đối thoại về vấn đề trên biển”. Thứ hai là “Tiến triển tích cực”. Theo đó, tại hội nghị cấp cao Trung Quốc-ASEAN tháng 11/2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất hoàn thành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) cũng các nước ASEAN trong vòng 3 năm, và nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của các nước ASEAN… Thứ ba là “Can thiệp từ bên ngoài”. Sự hòa bình và ổn định ở Biển Đông có không ít thách thức, nhưng đe dọa lớn nhất trên thực tế đến từ ngoài khu vực; xuyên tạc một số nước lớn bên ngoài viện cớ “tự do hàng hải” để điều động chiến hạm, chiến cơ đến gây sự tại Biển Đông, xâm nhập lãnh hải các nước hay tổ chức tập trận chung. Những nước này lo ngại bị giới hạn bởi các quy tắc trong tương lai ở khu vực, nên có ý đồ nhúng tay vào quá trình đàm phán COC.
Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN cũng chỉ trích thông cáo mới đây của Bộ ngoại giao Mỹ, ông Pompeo và ông Bolton; cho rằng “các sức mạnh ngoài khu vực không muốn nhìn thấy sự hòa bình và ổn định được khôi phục ở biển Đông; bất chấp sự thật, cố ý gây sóng gió, mưu đồ xuyên tạc chuyện Trung Quốc dùng thủ đoạn chèn ép để cản trở hoạt động dầu khí ở biển Đông của các nước ASEAN’ để ly gián quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN”; đồng thời kêu gọi “mong rằng các nước ASEAN nêu cao cảnh giác, không để mắc lừa và chúng ta phải cùng nhau đề phòng và ngăn chặn thế lực bên ngoài quấy nhiễu, nắm chắc trong tay chìa khóa cho hòa bình ổn định khu vực, cùng làm tốt những công việc của khu vực, gìn giữ hòa bình ổn định khu vực”.
Tuy nhiên, sự thật khác xa so với những gì ông Hoàng Khê Liên tuyên bố. Diễn biến tình hình Biển Đông những năm gần đây đa phần đều căng thẳng, chủ yếu là do các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Thời gian gần đây, vệc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông cũng đã bị báo chí quốc tế phản ánh rộng rãi. Báo chí quốc tế dẫn lời các chuyên gia về hàng hải và hải quân thế giới cho biết, từ đầu tháng 7, tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng với nhiều tàu cảnh sát biển, tàu hải giám, tàu dân quân biển, trong đó có tàu cảnh sát biển loại lớn nhất và có vũ trang của Trung Quốc mang số hiệu 3901 với tải trọng 12.000 tấn, đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Nhóm tàu Hải Dương 8 đã có những hành vi xâm phạm vào vùng biển, theo sự khẳng định của báo chí quốc tế, là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế. Những hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực bãi Tư Chính – một bãi ngầm san hô thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 90 hải lý.
Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức có phản ứng trước hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc khi đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi và bác bỏ của Việt Nam. Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) nêu rõ, trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành vi quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi thuộc vùng lãnh hải Malaysia và Việt Nam, trong đó có việc triển khai tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh tiến hành các hoạt động khảo sát địa chất gần bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam. Báo cáo của AMTI cũng chỉ rõ, những hành vi của Trung Quốc ở ngoài khơi Malaysia
và vùng biển Việt Nam cho thấy nước này sẵn sàng có hành động cưỡng ép và dọa dùng vũ lực để ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng.
Mỹ với vai trò là quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương và đã tuyên bố “có lợi ích sống còn” trên đại dương rộng lớn nhất thế giới này, Mỹ đã có những phản ứng mạnh trước hành vi gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng nhiều quan chức đã chỉ trích các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu mỏ và khí đốt của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm tổn hại tới thị trường năng lượng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt “hành vi bắt nạt và không thực hiện những hành động khiêu khích cũng như gây bất ổn”. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh: “Hành động bắt nạt của Trung Quốc” đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa đến hòa bình cũng như ổn định ở khu vực.
Dư luận khu vực và thế giới cho rằng, là cường quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một Ủy viên Thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và một thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Trung Quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình ổn định, thúc đẩy hợp tác, hữu nghị trên toàn thế giới cũng như trong khu vực Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/31203-sau-ngo-sy-ton-dai-su-tq-tai-asean-hoang-khe-lien-lai-tuyen-truyen-sai-ve-tinh-hinh-bien-dong.html

Chiến dịch ‘vu khống tôn giáo’ trong các nhà thờ TQ

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục đàn áp tự do tín ngưỡng của người dân bằng cách trừng phạt các nhà thờ sử dụng Kinh thánh không được nhà nước cho phép và tịch thu các tài liệu in ấn khác, theo trang báo Mỹ The Western Journal ngày 28/10, trích lại bài báo của tạp chí tự do tôn giáo Bitter Winter.
Theo Bitter Winter, nhà thờ Tam Tự đường Fengyang ở tỉnh Liêu Ninh đã bị phạt một khoản tiền tương đương 1.400 USD (khoảng 32 triệu đồng) sau khi chính quyền tìm thấy các phiên bản Kinh thánh tiếng Hàn Quốc tại nhà thờ. Các nhà thờ Tam Tự khác cũng bị chính quyền tịch thu các ấn phẩm như báo, thánh ca và tờ rơi.
Bitter Winter cho biết, các động thái trên nằm trong chiến dịch “xóa bỏ nội dung khiêu dâm và các ấn phẩm bất hợp pháp trong các nhà thờ” mà chính quyền Trung Quốc đang triển khai.
Vào tháng 8, chính quyền quận Chongyang ở tỉnh Hồ Bắc đã xuất bản một bức thư yêu cầu “toàn dân phải hành động và thực hiện công tác dọn sạch tội phạm băng đảng và loại bỏ tội ác”, đồng thời “diệt trừ nội dung khiêu dâm và bất hợp pháp trong lĩnh vực tôn giáo!”
Một nhân viên nhà thờ mô tả chiến dịch này là “vu khống tôn giáo”. Một người khác nói rằng chương trình này là một cái bẫy để khiến mọi người lầm tưởng rằng thật sự có vấn đề nghiêm trọng trong các nhà thờ.
Giám đốc phụ trách Bitter Winter, ông Marco Respinti nói với Fox News rằng hoạt động này của chính phủ Trung Quốc là một “cuộc chiến văn hóa phức tạp và tinh vi”.
Ông nói: “Họ đang cố gắng kiểm soát tất cả các khía cạnh văn hóa, mà tôn giáo là một phần lớn trong văn hóa của người dân. Họ không chỉ cố gắng ngăn chặn mọi người biểu đạt niềm tin công khai vào tôn giáo, mà còn đi sâu vào kiểm soát cá nhân về mặt tín ngưỡng, họ đang gây sức ép tới người dân thông qua những lệnh cấm tài liệu tôn giáo này”.
Bài báo của Bitter Winter xuất hiện ngày 21/10, một tuần trước khi Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ Sam Brownback lên án tình trạng ‘giả điếc’ của Trung Quốc về đàn áp tín ngưỡng.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31180-chien-dich-vu-khong-ton-giao-trong-cac-nha-tho-tq.html

Thái Lan tăng cường an ninh cho hội nghị ASEAN

Thu Hằng
Từ ngày 31/10 đến 04/11/2019, tại Thái Lan, sẽ diễn ra các hoạt động ngoại giao của Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35. Ngay từ giữa tháng 10, chính quyền Bangkok huy động hơn một ngàn cảnh sát để bảo đảm an ninh cho sự kiện quan trọng này.
Thu Hằng – Bangkok ngày 31/10/201931/10/2019Nghe
Từ Bangkok, đặc phái viên RFI Thu Hằng cho biết thêm thông tin :
Hội nghị cộng đồng kinh tế ASEAN khai mạc ngày 31/10/2019 khởi đầu các hoạt động ngoại giao quan trọng như thượng đỉnh ASEAN, thượng đỉnh ASEAN với các đối tác, thượng đỉnh Đông Á.
Để bảo đảm an ninh, đề phòng sự cố tương tự loạt vụ nổ vào tháng 08/2019, chính quyền Bangkok đã huy động khoảng 1700 cảnh sát và nhân viên an ninh.
Theo báo chí Thái Lan, đích thân phó thủ tướng, tướng Prawit Wongsuwon, đã ra lệnh cho các cơ quan ninh rà soát, xem xét kỹ lưỡng tất cả các quy trình bảo đảm an ninh cho thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35. Bộ Nội Vụ, chính quyền thủ đô Bangkok và cảnh sát hoàng gia Thái Lan chịu trách nhiệm bảo đảm cho hệ thống camera hoạt động tốt, tại các khu công cộng ở thủ đô và các tỉnh lân cận.
Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 là hội nghị quan trọng nhất được tổ chức dưới sự chủ trì của Thái Lan năm 2019, trước khi trao quyền chủ tịch luân phiên cho Việt Nam năm 2020 vào tối bế mạc 04/11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok.
Những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh và các cuộc họp liên quan là hợp tác vì sự ổn định bền vững, quản lý biên giới, an ninh mạng, đấu tranh chống tình trạng tội phạm xuyên quốc gia, giảm thiểu thiên tai, phát triển bền vững, phát triển kinh tế, cuộc cách mạng 4.0…
Tổng cộng có khoảng 3.000 người tham dự, bao gồm các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao của ASEAN và của khoảng 20 quốc gia đối tác thương mại, cũng như báo giới. Trung tâm hội nghị Impact Muan Thon Thani, nơi diễn ra thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, nằm ở tỉnh Nonthaburi, cách Bangkok hơn 20 km về phía bắc.
Công chức tại Bangkok được nghỉ thêm hai ngày thứ Hai 04 và thứ Ba 05/11 để giảm giao thông, tránh tắc đường. Trong những ngày diễn ra hội nghị, người dân được khuyến cáo hạn chế sử dụng một số tuyến đường quanh ba sân bay ở Bangkok, cũng như trục đường chính dẫn đến trung tâm hội nghị. Nhiều tuyến đường thậm chí bị cấm giao thông vào một số thời điểm trong ngày để tạo điều kiện cho 20 đoàn xe chở nguyên thủ và lãnh đạo cao cấp, cũng như 60 đoàn xe chở bộ trưởng đến trung tâm hội nghị.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191031-thai-lan-tang-cuong-an-ninh-bao-dam-hoi-nghi-asean

Cảnh sát Úc phát hiện 400 kg ma túy ‘trong tương ớt’

Bốn người đàn ông vừa bị bắt, sau khi cảnh sát Úc phát hiện 400 kg chất gây nghiện methamphetamine dạng tinh thể giấu trong các chai tương ớt nhập khẩu.
Philippines: LHQ điều tra giết người khi chống ma túy
TQ là nguồn chính cung cấp ma túy vào Mỹ?
Chất gây nghiện methamphetamine dạng tinh thể, thường được đặt biệt danh là ‘ma túy đá’, là chất gây nghiện cực mạnh.
Nhà chức trách lục tìm thùng hàng chở tương ớt sriracha nhập từ Mỹ về Sydney, và phát hiện lô ma túy trị giá khoảng 207 triệu đôla Mỹ.
Cảnh sát sau đó bắt giữ bốn người đàn ông, 30, 34, 36 và 45 tuổi.
Hồi tháng Sáu, Úc cũng phát hiện lô hàng gây nghiện được giấu trong loa nhạc, chở đến Melbourne.
Số liệu mới nhất cho thấy hơn 30 tấn ma túy bị Úc thu giữ trong năm ngoái.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50249942

Chủ trương, hoạt động của Australia

ở Biển Đông năm 2019: Ủng hộ tự do hàng hải,

đề phòng hoạt động phi pháp của TQ

Từ đầu năm đến nay, Australia liên tục có các động thái tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực nhằm thể hiện cam kết ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như đề phòng, ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc.
Lên án, phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
Trong chuyến thăm Việt Nam (22-24/8), Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, các hành động cản trở những dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ; kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình; khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kêu gọi các bên liên quan xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay. Theo Thủ tướng Australia Scott Morrison, tầm nhìn của Australia hướng đến một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và cởi mới; và tầm nhìn bảo đảm các quốc gia độc lập, có chủ quyền, để bảo đảm cho khu vực hòa bình và thịnh vượng; cho biết Australia sẽ luôn coi trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, để bảo đảm một khu vực thượng tôn pháp luật; đồng thời, khẳng định, Australia sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.
Đáng chú ý, trong Tuyên bố chung trong chuyến thăm Việt Nam có điểm: Hai bên cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, thịnh vượng và an toàn trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Hai Thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc do ASEAN dẫn dắt, nhất là Cấp cao Đông Á. Trên tinh thần đó, hai Thủ tướng hoan nghênh Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đóng vai trò thiết yếu đối với hợp tác khu vực. Australia cam kết ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong việc đảm nhiệm các vai trò quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Australia cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Công trong các lĩnh vực như kết nối, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), biến đổi khí hậu và nguồn nước vì phát triển bền vững. Ngoài ra, hai Thủ tướng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến trên Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp. Hai Thủ tướng cũng bày tỏ quan ngại trước các hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở Biển Đông. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ. Hai nhà Lãnh đạo kêu gọi các bên tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tiếp tục giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và kêu gọi các bên tôn trọng và thực thi các phán quyết của các cơ chế này. Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Hai bên kêu gọi xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, không làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba hoặc quyền của các quốc gia theo luật pháp quốc tế và ủng hộ cấu trúc khu vực bao trùm hiện nay.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne (28/1) cho biết các hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm gia tăng sự quan ngại về ý đồ trỗi dậy của Bắc Kinh trong khu vực; cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và gia tăng quan ngại, đồng thời kêu gọi Trung Quốc xem xét lại cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế sẽ giúp xây dựng lòng tin rằng Trung Quốc ủng hộ và đề cao văn hóa chiến lược, trong đó tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia khác. Theo ông Pyne, những cường quốc càng lớn mạnh càng phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm, do vậy Trung Quốc nên hành xử với trách nhiệm lớn tại Biển Đông. Ngoài ra, Bộ trưởng Pyne nhấn mạnh “việc xây dựng và quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông không làm gia tăng lòng tin trong khu vực về ý đồ chiến lược của Trung Quốc, thay vào đó càng làm gia tăng sự lo lắng”; cho biết Australia “không có ý định kiềm chế Trung Quốc”, tuy nhiên Australia “quan tâm tới việc can dự và khuyến khích Trung Quốc triển khai sức mạnh theo
hướng gia tăng lòng tin và sự tin cậy trong khu vực” và Australia sẵn sàng tiến hành các hoạt động đa phương trên Biển Đông để chứng minh rằng đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, ông Christopher Pyne cũng cho biết thêm, Australia sẽ đầu tư hơn 90 tỷ đô la Australia vào một đội tàu ngầm, tàu khu trục và các tàu khác để tăng cường khả năng hàng hải, nhấn mạnh Australia hy vọng sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2021.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (12/6) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt được COC thực chất, hiệu quả và toàn diện.
Australia xây dựng căn cứ, lập đơn vị tác chiến đối phó Trung Quốc
Australia được cho là đang thực hiện kế hoạch bí mật xây dựng một cảng nước sâu mới để tiếp nhận lính thủy đánh bộ Mỹ trên bờ biển phía Bắc, nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Theo thông tin trên, cảng nước sâu trên nằm ở khu vực Glyde Point, cách cảng hiện tại của thành phố Darwin – thủ phủ của vùng lãnh thổ phía Bắc – khoảng 40km về phía Đông Bắc. Địa điểm này trước đây đã được chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia quy hoạch để phát triển cảng công nghiệp do biển ở đây tương đối sâu, song dự án này chưa thực hiện được vì thiếu kinh phí. Giới chuyên gia cho biết cảng mới sẽ là địa điểm lý tưởng để phục vụ hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên qua khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds (23/7) tuyên bố Australia sẽ thành lập một đơn vị quân sự mới nhằm kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang có xu hướng quan hệ gần hơn với Trung Quốc khi nước này tăng cường viện trợ đến những nơi thưa dân và giàu tài nguyên. Bà Reynolds chia sẻ “Lực lượng Hỗ trợ Thái Bình Dương sẽ triển khai một đội huấn luyện lưu động nhằm nâng cao năng lực, tính bền chặt và khả năng tương tác trong toàn khu vực trên một số lĩnh vực như: chiến dịch an ninh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và gìn giữ hòa bình”. Bà cũng nói thêm lực lượng này sẽ “thắt chặt thêm mối quan hệ với các nước trong khu vực thông qua các cuộc tập trận và các khóa huấn luyện”. Ngoài ra, việc thành lập đơn vị quân sự này sẽ gần như được triển khai trong năm nay. Trước đó, báo Express của Anh cho biết, Australia đang kêu gọi Mỹ cùng tham gia trong kế hoạch nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương.
Australia phối hợp đồng minh ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc
Tư lệnh Hải quân Pháp Barshe Prazuck (10/10) cho biết, trong thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo thông tin trên, thời gian tới, hải quân Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác trong các nhiệm vụ tuần tra chung, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự, trong đó có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân Charles De Gaulle.Ngoài ra, hải quân hai nước thống nhất sẽ trao đổi để không tuần tra trên cùng một vùng biển, thực hiện các nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay, tập trận chống ngầm và đổ bộ, trao đổi binh sĩ trên các tàu ngầm của hai nước.
Tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Australia-Mỹ, Australia và Mỹ thảo luận về nỗ lực chung nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.Tại Hội nghị Bộ trưởng 2+2 Australia – Mỹ, hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề trong đó tập trung vào “hợp tác giữa Australia và Mỹ tại khu vực Đông Nam Á cũng như Tây Nam Thái Bình Dương”, tăng cường can dự của Australia tại Thái Bình Dương, an ninh mạng, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quân sự, chống khủng bố và các hình thức bạo lực cực đoan trên mạng. Ngoài ra, Australia và Mỹ đã thảo luận về nỗ lực chung nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo (4/8) đã cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa Biển Đông” và mạnh mẽ phê phán Bắc Kinh trộm cắp tài sản trí tuệ và trong một loạt vấn đề khác… Đồng thời cho rằng đầu tư của Trung Quốc đã khiến các đồng minh của Mỹ và Australia lâm vào nguy cơ nợ nần.
Không những vậy, Mỹ – Australia (7-31/7) tiến hành tập trận “Talisman Saber 2019” tại cảng Brisbane (Australia). Cuộc tập trận năm nay còn có sự tham dự của các nước Anh, Nhật Bản, New Zealand và Canada, với 34.000 quân nhân. Các phái đoàn từ Ấn Độ và Hàn Quốc là quan sát viên. Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Thượng nghị sĩ Hon Linda Reynold, cho biết, cuộc tập trận được tổ chức nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Australia và Mỹ. 18 quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng đã được mời tham gia chương trình với tư cách khách mời quốc tế. Đáng chú ý, các quan chức quốc phòng Australia (8/7) cho biết, họ đang chú ý một
tàu giám sát của Trung Quốc neo ngay bên ngoài lãnh hải Australia để theo dõi cuộc tập trận quân sự nói trên. Trung tướng Greg Bilton, chỉ huy các hoạt động chung của Lực lượng quốc phòng Australia, tiết lộ, tàu giám sát Trung Quốc có lẽ đã đến bờ biển phía Đông Bắc Australia để có cái nhìn trực tiếp về cuộc tập trận quân sự trên. Theo Trung tướng Greg Bilton, “Australia đang dõi theo (tàu trinh sát Trung Quốc).Chúng tôi chưa biết đích đến của nó nhưng có thể nó sẽ đến bờ biển phía đông của Queensland và chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp”.
Phát biểu sau cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La 18, Australia, Nhật Bản và Mỹ (1/6) cam kết duy trì tự do hàng hải và trên không ở khu vực Biển Đông, đồng thời phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Cam kết trên được đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan. Theo đó, lãnh đạo 3 nước cam kết duy trì tự do hàng hải và trên không ở khu vực Biển Đông, đồng thời cũng quan tâm đến bất kỳ hành động quân sự hóa nào tại khu vực biển này nhằm chủ đích tranh chấp, tạo ra bất ổn và nguy hiểm. Trong tuyên bố chung, Mỹ, Australia và Nhật Bản cam kết sẽ cùng hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa vì mục tiêu an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương; nhấn mạnh rằng sẽ không để cho tình trạng vi phạm luật biển và luật quốc tế khác xảy ra đối với các xung đột ở Biển Đông; tái khẳng định Australia, Nhật Bản và Mỹ có chung quan điểm về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở, đa dạng, tuân thủ luật lệ và tôn trọng chủ quyền của các vùng có tranh chấp được giải quyết trên tinh thần hòa bình và không cưỡng ép.
Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Australia (16/5) lần đầu tập trận hải quân chung trên các vùng biển châu Á. Tham gia tập trận có tàu sân bay FS Charles de Gaulle của Pháp cùng các tàu hộ tống và 5 tàu hải quân khác, trong đó có một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ và một tàu ngầm của Australia. Theo thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ, trong đợt tập trận này, các tàu cùng thực hiện các khoa mục huấn luyện chung như triển khai đội hình, bắn đạn thật, tìm kiếm và cứu hộ. Đây là một phần trong kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và xa hơn, gồm Anh và Pháp, nhằm tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực.
Nhìn chung, trong năm 2019, quan điểm, chủ trương và hành động của Australia trong vấn đề Biển Đông tiếp tục được duy trì. Theo đó, Australia kêu gọi các nước liên quan giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực không bị ảnh hưởng, lên án các hành động quân sự hóa trong khu vưc.
http://biendong.net/bien-dong/31202-chu-truong-hoat-dong-cua-australia-o-bien-dong-nam-2019-ung-ho-tu-do-hang-hai-de-phong-hoat-dong-phi-phap-cua-tq.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù