Tin khắp nơi – 30/10/2019

Tin khắp nơi – 30/10/2019

Mỹ và Trung Quốc chưa sẵn sàng

 ký thỏa thuận thương mại tại Chile?

Thỏa thuận thương mại tạm thời Mỹ – Trung Quốc có thể không kịp hoàn thành để ký kết tại Chile vào tháng tới, Reuters dẫn nguồn quan chức Chính quyền Trump.
Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang làm việc, hoàn thành văn bản thỏa thuận thương mại để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Chile ngày 16 – 17/11. Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho rằng thỏa thuận sẽ không kịp hoàn thành để lãnh đạo hai nước ký kết vào tháng tới.“Nếu thỏa thuận không được ký ở Chile điều đó cũng không có nghĩa là thỏa thuận bị sụp đổ, mà chỉ có nghĩa là chưa sẵn sàng”, quan chức của chính quyền Mỹ nói với Reuters. “Mục tiêu của chúng tôi là ký thỏa thuận ở Chile. Nhưng văn bản này có thể chưa sẵn sàng. Hai bên vẫn đang cố gắng để có được tiến triển và hy vọng sẽ ký thỏa thuận tại Chile”.Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các quan chức hàng đầu của Mỹ đều cho biết Washington và Bắc Kinh đang có những tiến triển sau căng thẳng thương mại kéo dài gần 16 tháng, đồng thời lưu ý rằng mọi thứ cũng sẽ ổn nếu thỏa thuận này không được hoàn tất tại hội nghị APEC.
Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết hai bên vẫn đang làm việc để hoàn thành các nội dung cho thỏa thuận tạm thời. “Như tổng thống đã nói cách đây vài tuần, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc và hai bên đang làm việc để hoàn thiện văn bản cho việc ký kết ở Chile”, Judd Deere nói.Chứng khoán Mỹ ngay lập tức chuyển sang trạng thái tiêu cực sau khi Reuters dẫn các bình luận của quan chức chính quyền Mỹ về khả năng không ký kết được thỏa thuận thương mại phần một Mỹ – Trung vào tháng tới. Bởi vì các nhà đầu tư đặt cược các cuộc đàm phán thương mại đang tiến triển tốt, nhiều khả năng sẽ được ký kết tại Diễn đàn APEC ở Chile.Sau khi thỏa thuận thương mại tạm thời được ông Trump công bố vào ngày 11/10, thị trường kinh tế, tài chính Mỹ trở nên sôi động trở lại, hứa hẹn hỗ trợ cho các công ty bị ảnh hưởng sau gần 16 tháng căng thẳng thương mại về thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.Tờ South China Morning Post hôm 29/10 cho biết, các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến ​​sẽ ký thỏa thuận thương mại tạm thời vào ngày 17/11 “nếu mọi việc suôn sẻ”.Lighthizer cho biết hôm 25/10 rằng Washington và Bắc Kinh đang chuẩn bị hoàn thiện một số phần của thỏa thuận thương mại sau cuộc điện đàm giữa các nhà đàm phán hàng đầu của hai bên.Jude Blanchette, một thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết thỏa thuận giai đoạn một khôi phục hiện trạng trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm 2017. Tuy nhiên, cũng đặt ra câu hỏi hoài nghi về tiến bộ thật sự về thỏa thuận cho giai đoạn một. “Chúng tôi
thực sự chỉ tự hỏi liệu hai bên có vượt qua giai đoạn một hay không”, ông Jude Blanchette nóiCác quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận giai đoạn một này tập trung vào các giao dịch mua nông sản của Mỹ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tiền tệ và tăng khả năng tiếp cận cho các công ty Mỹ vào thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc. Các vấn đề khó tháo gỡ hơn như chính sách công nghiệp của Trung Quốc, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao công nghệ bắt buộc được trì hoàn để đàm phán sau đó, ông Jude Blanchette nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31187-my-va-trung-quoc-chua-san-sang-ky-thoa-thuan-thuong-mai-tai-chile.html

Vì chuyện Tân Cương,

thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung bị gãy?

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Zhang Jun cảnh báo những chỉ trích và bình luận của Mỹ về vấn đề Tân Cương “không có lợi” cho các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đại sứ Mỹ đáp trả ông không sợ.
Mỹ và 22 quốc gia khác tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cùng ký vào một tuyên bố chung gửi tới Ủy ban nhân quyền Đại hội đồng LHQ ngày 29-10.
Trong đó các nước này yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền con người, chấm dứt các vụ bắt bớ và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
“Thật khó chấp nhận được chuyện các người đang tìm mọi cách để đạt được một thỏa thuận thương mại, mặt khác lại đang bới móc chuyện khác, đặc biệt là nhân quyền và quy chụp người khác như vậy”, Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun tỏ ra bức xúc.
Ông Zhang khẳng định có những “tiến bộ” trong các cuộc đàm phán, song cảnh báo những bình luận mang tính can thiệp vào Tân Cương của Mỹ “không có lợi cho việc đàm phán”.
Đại sứ Trung Quốc cũng mô tả các cáo buộc chống lại Bắc Kinh là vô căn cứ và là “sự can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, một sự khiêu khích có chủ ý”.
Đáp trả lại hành động của 23 nước do Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc cũng tập hợp được 54 nước lên tiếng phản bác bằng việc ký vào một tuyên bố chung ca ngợi “những thành tựu tuyệt vời” của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống cực đoan, thiết lập trật tự ở Tân Cương.
Khi được hỏi về phát ngôn trên, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft nói thẳng vẫn sẽ đứng lên tại LHQ hay bất kỳ đâu để “bảo vệ những người đang đau khổ” cho dù đó là Trung Quốc hay nước nào khác.
Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Chile. Hai nhà lãnh đạo được kì vọng sẽ ký thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 trong thời gian này.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin độc quyền của Reuters, thỏa thuận này có nguy cơ không xong kịp thời hạn để ký vào ngày 16 hoặc 17-11.
“Nếu nó không được ký ở Chile, điều đó không có nghĩa là nó đã sụp đổ. Điều đó chỉ có nghĩa là nó chưa sẵn sàng”, quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ.
“Mục tiêu của chúng tôi là ký nó ở Chile. Nhưng đôi khi các văn bản chưa sẵn sàng. Mặc dù vậy mọi thứ vẫn đang tiến triển và chúng tôi hi vọng có thể chốt được nó ở Chile”.
Hôm 28-10, Tổng thống Trump đã viện dẫn tình hình bất ổn chính trị ở Chile và cho biết có khả năng sẽ ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc trước khi diễn ra APEC.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31177-vi-chuyen-tan-cuong-thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-bi-gay.html

Tổng thống Trump

sẽ không dự Thượng đỉnh Đông Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dự Thượng đỉnh Đông Á tổ chức từ ngày 3 đến 4/11 tới tại Bangkok, Thái Lan, và cử Cố vấn An ninh quốc gia dẫn đầu đoàn của Mỹ. Theo AFP, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ cử một giới chức cấp thấp như vậy đi dự Thượng đỉnh kể từ khi Washington được mời tham dự Thượng đỉnh này vào năm 2011.
Nhà Trắng cho biết Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ đến Thượng đỉnh. Đi cùng đoàn còn có Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Ông Wilbur Ross sau đó sẽ đi đến Indonesia và Việt Nam.
Theo AFP, việc Tổng thống Trump không tham dự Thượng đỉnh Đông Á lần này chắc chắn sẽ làm dấy lên những nghi ngại là Hoa Kỳ không còn tập trung vào Châu Á trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày một tăng.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama cam kết chuyển trục về khu vực Châu Á, cả Mỹ và Nga từ năm 2011 đều được mời tham dự Thượng đỉnh. Tổng thống Obama đã tham dự gần như tất cả các Thượng đỉnh chỉ trừ một lần vào năm 2013 và cử Ngoại trưởng John Kerry đi thay.
Tổng thống Trump dự Thượng đỉnh Đông Á lần đầu vào năm 2017 ở Philippines nhưng rời đi sớm do khóa họp diễn ra muộn. Ngoại trưởng Rex Tillerson đã dự thay. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu đoàn dự Thượng đỉnh ở Singapore.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-scales-back-attendance-at-east-asia-summit-10302019085202.html

Hoa Kỳ hạ cấp phái đoàn tham dự

hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bangkok

Tin từ WASHINGTON, DC – Hoa Kỳ hạ cấp độ tham gia các hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương tại Bangkok vào tuần tới, một hành động sẽ làm thất vọng các đối tác châu Á đang lo sợ tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Cộng, trong đó có Việt Nam.
Theo Tòa Bạch Ốc, tổng thống Trump dự kiến sẽ tham dự diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Chile vào giữa tháng 11. Nhưng viên chức cao cấp nhất của ông tới Bangkok vào tuần tới khi Thái Lan tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thường niên và Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN sẽ chỉ là Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross. Ông Ross dự kiến sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi hội tụ của các viên chức chính phủ và giám đốc điều hành doanh nghiệp bên lề EAS.
Tổng thống Donald Trump chỉ định cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien của Tòa Bạch Ốc làm đặc phái viên tại các hội nghị thượng đỉnh. Ông David Stilwell, thứ trưởng của Bộ Ngoại giao về vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cũng sẽ ở Bangkok. Phái đoàn Hoa Kỳ như vậy thua kém đáng kể về cấp bậc so với những nước khác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Cộng.
Mặc dù tuyên bố Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “khu vực quan trọng nhất đối với tương lai của Hoa Kỳ” trong báo cáo chiến lược của Ngũ Giác Đài trong năm nay, nhưng chính quyền tổng thống Trump giảm dần sự hiện diện của Hoa Kỳ tại các cuộc họp của EAS và ASEAN.  Năm 2017, mặc dù tổng thống Trump tham dự hội nghị US-ASEAN tại Manila năm 2017, nhưng ông không tham dự trọng hội nghị EAS. Năm 2018, phó tổng thống thăm dự hội nghị tại Singapore.
Nhiều người Việt trông đợi sự tăng diện của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực để giúp ngăn chặn bớt sự bành trướng của Bắc Kinh. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-ha-cap-phai-doan-tham-du-hoi-nghi-thuong-dinh-apec-tai-bangkok/

Hậu trường vụ đột kích tiêu diệt thủ lĩnh Daech

Cuộc đột kích của đặc nhiệm Mỹ thanh toán thủ lĩnh thánh chiến Daech Aobou Bakr al-Baghdadi chỉ kéo dài trong vòng 1 giờ nhưng đó là kết quả của công tác tình báo lâu dài, với sự đóng góp tích cực của các đồng minh Irak, người Kurdistan ở Syria và cả với nhóm thánh chiến đối thủ của Daech có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ tấn công không đơn giản như một « cuốn phim » của tổng thống Trump.
Vài giờ sau khi đội đặc nhiệm Delta Force hoàn thành nhiệm vụ trừ khử thủ lĩnh Daech, tổng thống Donald Trump đã tổ chức họp báo kể lại chi tiết vụ đột kích.
Nhiều lần ông nhắc lại là thủ lĩnh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã kêu khóc trước khi chết. Ông quả quyết đã theo dõi vụ đột kích bằng hình ảnh quay trực tiếp tại hiện trường. Ông Trump nhận xét : « Thật tuyệt vời khi xem, như một cuốn phim ».
Nhưng ngay sau đó, các chuyên gia quân sự bảo đảm rằng, nếu ông Trump có theo dõi vụ cuộc tấn công, thì cũng không thể nghe được âm thanh. Các hình ảnh được truyền từ hiện trường chỉ có thể là hình ảnh được quay từ vệ tinh nên chỉ thấy bên ngoài khu nhà. Hơn nữa, đó chỉ là những hình ảnh hồng ngoại cho thấy sự di chuyển của các lính đặc nhiệm qua những bức xạ nhiệt.
Được chất vấn về chi tiết này, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, cũng có mặt trong Phòng Tình huống với ông Donald Trump, không muốn trả lời về các chi tiết kêu khóc. Ông chỉ nói là không có các chi tiết đó và tổng thống chắc đã có trao đổi với các thành viên đội đặc nhiệm.
Điều đó có thể là ông Trump không trực tiếp theo dõi và ông đã bịa ra các chi tiết. Sáng thứ Hai, ông Trump ngỏ ý cho biết ông có thể cho công khai một phần băng video cuộc tập kích.
Hơn nữa, trong phát biểu, tổng thống Mỹ đã không ngần ngại nhận chiến công về mình. Thế nhưng theo các quan chức quân đội, quyết định rút quân khỏi Syria đã gây nguy hiểm cho toàn bộ kế hoạch truy bắt trùm khủng bố.
Ông Trump đã nắm được thông tin tình báo và quân đội đang lần ra dấu vết của Abou Bakr al Baghdadi, nhưng vẫn giữ quyết định rút quân, khiến mọi người bị bất ngờ buộc phải vội vàng ra tay.
Thu thập tin tình báo từ nhiều phía
Gọng kìm bắt đầu siết lại kể từ tháng 02/2018 khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt rồi trao trả cho Irak Ismael al-Ethawi, một trong năm trợ thủ của Abou Bakr al- Baghdadi. Theo chỉ đạo của thủ lĩnh tổ chức, nhân vật này được giao nhiệm vụ đi tuyển chọn các chỉ huy chiến trường của Daech.
Từ nhiều tháng, các nhân viên tình báo Irak (Inis) đã tìm cách tập hợp những mảnh ghép còn thiếu cuối cùng trong bức tranh Daech. Al-Ethawi đã khai với tình báo Irak về việc Baghdadi đã thoát khỏi các cuộc truy lùng như thế nào. Nhân vật người Irak này năm 2006 từng gia nhập al-Qaida trước khi bị người Mỹ bỏ tù vào năm 2008 trong suốt 4 năm. Điều quan trọng là y đã chỉ ra nhiều nơi lần trốn của thủ lĩnh Daech ở bên trong lãnh thổ Syria và cả tên của bốn người mà al-Baghdadi thường gặp ở Syria.
Ethawi rất thông thổ nước láng giềng Syria. Vợ anh ta là người gốc Syria và đó cũng là nơi anh ta nương náu từ cuối năm 2017 sau khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thất thủ ở Irak.
Là một con cáo già rất thạo việc giấu mình, al-Baghdadi di chuyển rất nhiều. Cùng lúc, ở vùng đông bắc Syria, Lực lượng Dân chủ Syria mà thành phần chủ yếu là quân Kurdistan, đồng minh của phương Tây chống Daech đang tập hợp các tin tình báo từ những lời khai của các binh sĩ thánh chiến bị bắt, cũng như những tin tức của các chỉ điểm được cắm vào hàng ngũ của quân khủng bố theo yêu cầu của CIA.
Năm 2006, tình báo Jordani đã làm rất thành công khi đưa được một nhóm nhân viên của họ xâm nhập và tiếp cận tới vòng trong cùng sát với lãnh đạo al-Qaida tại Irak là Abou Moussab al-Zarqaoui. Ông trùm này đã bị thanh toán hồi tháng 06/2016. Tuy nhiên, Baghdadi là kẻ khó tiếp cận hơn nhiều.
Đã 5 năm Baghdadi thoát được cuộc truy sát của rất nhiều kẻ thù. Từ khi vương quốc Hồi giáo tự xưng bị sụp đổ, các chỉ huy thánh chiến liên tiếp bị bắt. Tại Baghda, các cơ quan tình báo cũng đã tổ chức một « đơn vị đặc biệt » chống Baghdadi.
Mục tiêu thu gọn lại dần
Nhưng mối nguy hiểm thường hay đến từ chính những người thân cận nhất. Một trong số những bà vợ của trùm Daech bị bắt đã khai ra những nơi trú ẩn của y. Hồ sơ Baghdadi dầy lên và mục tiêu bắt đầu gọn lại và rõ nét dần. Mùa hè năm nay các cuộc truy lùng bắt đầu được tăng tốc. Nhiều tin tức tình báo quý giá đến từ các nguồn khác nhau về chính xác nơi Baghdadi trốn : Chắc chắn tại Syria, trong tỉnh Idlib, phía tây bắc đất nước này. Đó là vùng đang nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm thánh chiến khác như nhóm HayatTahrir al-Sham (HTS), kẻ thù của Daech. Đây còn là vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mạng lưới riêng.
HTS đã nhận được tin Baghdadi xuất hiện trong lãnh thổ của họ. Các nhóm thánh chiến tìm kiếm thủ lĩnh Daech ở Sarmin nhưng không có kết quả. Họ bắt sống được một trong số những trợ thủ của Baghdadi, là Abou Sleiman al-Khalidi. Đây là chi tiết chính của bức tranh ghép. Y là một trong số ba nhân vật xuất hiện bên cạnh Baghdadi trong video tung lên mạng hồi tháng 04/2019.
Theo một chỉ huy của lực lượng HTS được Reuters trích dẫn, thì al-Khalidi là chìa khóa để mở cửa vào hang ổ của Baghdadi. Các bộ phận tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ với tất cả các lực lượng nổi dậy Syria trong vùng Idlib, kể cả HTS. Điều này cho phép nghĩ rằng các tin tức tình báo tại chỗ đã được chuyển qua Ankara. Trong thông báo tiêu diệt al-Baghdadi, tổng thống Trump đã cảm ơn sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một điều hết sức ngạc nhiên là nhân vật bị truy lùng gắt gao nhất thế giới này đã nằm trong tỉnh Idlib từ ít nhất 6 tháng qua, chứ không phải như tin đồn đoán y đang lẩn trốn trong vùng sa mạc ở Irak hay phía
đông Syria. Phải chăng y nghĩ rằng sẽ an toàn hơn trong vùng được gọi là sào huyệt nhất của thánh chiến lớn nhất thế giới và trú tại đó, y được gần gũi với vợ con ?
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, các cơ quan tình báo của Ankara đã xác định được Baghdadi đang trên đường về gia đình y. 48 giờ trước khi đội đặc nhiệm Mỹ đột kích vào Baricha, họ đã thông báo cho Washington.
Thủ lĩnh Daech cùng 2 bà vợ và các con của y đã trú tại nhà của Abou Mohammed al-Halabi, một lãnh đạo của nhóm al-Din, lâu nay vẫn ủng hộ Daech. Nhân vật này cũng đã bị tiêu diệt trong cuộc tấn công của đặc nhiệm Mỹ. Nhóm thánh chiến thân al-Qaida này năm ngoái thường xuyên nằm vào tầm ngắm của quân Mỹ.
Bagdad cũng nhận đóng góp tin tình báo để dẫn tới tận nơi trú ẩn của Baghdadi. Một nguồn tin an ninh tại đây tiết lộ với Reuters rằng chính một cuộc điện thoại của một trong số của các bà vợ y mà người ta đã định vị được mục tiêu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-hau-truong-vu-dot-kich-tieu-diet-thu-linh-daech-0

Hai nhà ngoại giao Mỹ sắp điều trần

về điều tra luận tội TT Trump

Liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, hôm 30/10, một nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ điều trần trước các điều tra viên của Hạ viện về việc cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cảnh báo nhân viên này rằng luật sư Rudy Giuliani “là một tiếng nói quan trọng với tổng thống về vấn đề Ukraina”, có thể làm phức tạp các mục tiêu của Hoa Kỳ ở Ukraina, theo AP.
Cuộc điều trần của nhà ngoại giao Christopher Anderson sẽ cho thấy rõ rằng các quan chức chính quyền lo ngại về việc ông Giuliani dính líu đến chính sách Ukraina qua kênh liên lạc riêng, và về việc ông thúc ép điều tra về người của đảng Dân chủ, ngay cả trước cuộc điện đàm ngày 25/7 giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraina đang là tâm điểm của cuộc điều tra luận tội.
Ông Anderson sẽ mô tả một cuộc họp vào tháng 6, trong đó ông nói ông Bolton bày tỏ sự ủng hộ đối với mục tiêu tăng cường hợp tác năng lượng giữa Hoa Kỳ và Ukraina và thúc đẩy nhà lãnh đạo mới của Ukraina, ông Volodymyr Zelenskiy, tiến hành cải cách chống tham nhũng.
“Tuy nhiên, ông ấy [Bolton] cảnh báo rằng ông Giuliani là người có tiếng nói quan trọng với tổng thống về Ukraina, điều này có thể là một trở ngại cho sự gia tăng can dự của Nhà Trắng”, ông Anderson sẽ điều trần như thế, theo một bản sao của bài điều trần đã được chuẩn bị mà hãng tin AP có được. Ông Giuliani là luật sư riêng của Tổng thống Trump.
Bà Catherine Croft, một nhân viên ngoại giao khác, dự kiến cũng sẽ điều trần vào ngày 30/10. Bà dự kiến sẽ nói rằng trong thời gian làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia, bà đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ nhà vận động hành lang Robert Livingston nói với bà rằng đại sứ Mỹ tại Ukraina lúc đó, bà Marie Yovanovitch, cần phải bị sa thải.
Trước đó, hôm 29/10 một quan chức Mỹ cũng đã điều trần phục vụ cho cuộc điều tra luận tội do Hạ viện tổ chức.
Ông Alexander Vindman, một sĩ quan quân đội thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, điều trần rằng ông đã hai lần nêu lên mối lo ngại về việc chính quyền Trump yêu cầu Ukraina điều tra các Đảng viên Dân chủ và ông Joe Biden.
Ông Vindman, một trung tá phục vụ tại Iraq và sau đó trở thành một nhà ngoại giao, là quan chức đầu tiên ra điều trần, ông là người thực sự đã nghe được cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với ông Zelenskiy ngày 25/7. Ông đã trình bày mối quan ngại của mình với cố vấn chính của Hội đồng An ninh Quốc gia.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-nha-ngoai-giao-my-sap-dieu-tran-ve-dieu-tra-luan-toi-tt-trump/5145620.html

Truất phế tổng thống Trump :

Phe Dân Chủ muốn công khai các cuộc điều trần

Thụy My
Hạ Viện Mỹ chuẩn bị thủ tục đầu tiên trong tiến trình truất phế tổng thống Donald Trump. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2019, nhưng từ hôm qua phe Dân Chủ đã công bố chi tiết văn bản sẽ được đưa ra lấy ý kiến.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki cho biết thêm chi tiết :
Văn bản xác định các bước kế tiếp trong tiến trình liên quan đến vụ Ukraina, bắt đầu bằng các buổi điều trần. Cho đến nay, các nhân chứng vẫn ra điều trần trong các phiên họp kín, nhưng từ nay trở đi sẽ được công khai.
Những cuộc điều trần này luôn do Ủy ban Tình báo tiến hành, các thành viên có thể chất vấn các nhân chứng trong 90 phút. Là thiểu số ở Hạ Viện, phe Cộng Hòa cũng có thể tham gia các buổi điều trần, đặt các câu hỏi, nhưng bên cạnh đó còn có thể triệu tập những nhân chứng của mình, dưới một số điều kiện.
Đối với dân biểu Adam Schiff, người tiến hành cuộc điều tra ngay từ đầu, « người dân Mỹ có thể trực tiếp lắng nghe các nhân chứng và nhận ra những hành động không phù hợp của tổng thống ».
Văn bản cũng dự kiến chấp nhận cho ông Donald Trump và các luật sư của ông can dự vào, yêu cầu được tham khảo các tài liệu, tiến hành các cuộc thẩm vấn phản biện, nhưng chỉ khi nào Nhà Trắng chịu hợp tác. Trong trường hợp ngược lại, nghị quyết này cho phép ủy ban điều tra bác bỏ các đòi hỏi của ê-kíp tổng thống.
Nhà Trắng tối qua đã phản ứng rất nhanh, coi văn bản trên đây là lừa đảo. Một số đại biểu Cộng Hòa cho biết nghị quyết này không làm họ thay đổi chút nào, và tiếp tục tố cáo sự ngoan cố của phe Dân Chủ. Dù sao đi nữa, cuộc bỏ phiếu vào ngày thứ Năm tới sẽ là dịp để đo lường mức độ ủng hộ tiến trình phế truất.
Một nhân chứng gây bối rối cho ông Trump
Hôm qua trung tá Alexander Vindman, giám đốc phụ trách châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia là viên chức Nhà Trắng đầu tiên ra điều trần về cuộc điện đàm giữa tổng thống Donald Trump với đồng nhiệm Ukraina, Volodymyr Zelensky. Ông Vindman cho biết đã nghe được cuộc đàm thoại và đã hai lần bày tỏ mối quan ngại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-truat-phe-tong-thong-trump-phe-dan-chu-muon-cong-khai-cac-cuoc-dieu-tran

Ở hay đi ? Donald Trump còn đúng một năm

để chuẩn bị

Tú Anh
Không phải là lần đầu tiên câu hỏi liệu tổng thống Mỹ Donald Trump có cơ may tái đắc cử hay sẽ thất bại cay đắng được đặt ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới rối ren, và chỉ còn đúng một năm là đến ngày bầu tổng thống Mỹ, chuyện thắng bại của nhân vật chủ trương « Nước Mỹ trên hết » gây chia rẽ trong công luận Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.
Donald Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ hai hay sẽ hạ màn vào ngày 03/11/2020 ? Đúng 12 tháng nữa, cử tri Mỹ sẽ định đoạt tương lai của vị chủ nhân Nhà Trắng bị nhiều tiếng xấu, nhưng được một bộ phận dân chúng ủng hộ triệt để.
Nếu tái đắc cử , Donald Trump không những chiến thắng điều mà ông gọi là « thế lực tung tin giả » mà còn thoát được một cách ngoạn mục cuộc điều tra để truất phế ông.
Cơ may và rủi ro của Donald Trump như thế nào ?
Cho đến bây giờ, bên đảng Dân Chủ đối thủ chưa có một nhân vật nào lợi hại hơn tổng thống sắp mãn nhiệm.Trong số các chính trị gia tranh vé đại diện có nhiều phụ nữ, hai người da đen, một người đồng tính và hai nhân vật lão luyện, muốn lái con tàu Hoa Kỳ về phía tả. Phe Dân Chủ có một mục đích chung là không cho Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ hai, một thất bại mà từ sau Thế chiến thứ hai đến nay chỉ có ba vị tổng thống nếm mùi cay đắng.
Bầu cử tổng thống 2020 là « trận chiến vì linh hồn » nước Mỹ, cựu phó tổng thống Joe Biden xác quyết như thế. Phản ứng của của Donald Trump là lên án phe Dân Chủ « muốn phá nát đất nước ».
Nhà phân tích chính trị Allan Lichtman, giáo sư sử học gạo cội của American University nhận định : “Phải tìm lại trong lịch sử xa xưa, thời đại khủng hoảng, mới thấy có một cuộc đầu phiếu nóng bỏng và đầy bất trắc như cuộc bầu cử sắp tới“. Trong bầu không khí căng thẳng này, các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo Matxcơva tìm cách tác động vào sự lựa chọn của cử tri Mỹ như trong năm 2016.
Tác động toàn cầu
Kết quả đêm 03/11/2020 còn ảnh hưởng đến toàn cảnh thế giới. Bởi vì Hoa Kỳ đang là tâm điểm của xung khắc hay các hồ sơ nóng hiện nay :Thương chiến với Trung Quốc và châu Âu, tương lai liên minh NATO, chiến sự tại Afghanistan và Trung Đông, bế tắc hạt nhân Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu… Chiều hướng tiếp cận các vấn đề nóng bỏng này tùy thuộc hoàn toàn vào chính sách của Washington với một lãnh đạo mới hay vẫn là vị tổng thống đặt « Nước Mỹ trên hết », để rồi trở thành « Nước Mỹ cô độc » mà bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã cảnh báo.
Tuy nhiên, theo AFP, cho đến nay, rất khó dự đoán một cách chính xác những gì sẽ xảy ra trong bầu không khí giông bão này. Các kết quả thăm dò vẫn cho là điểm tín nhiệm của Donald Trump loanh quanh ở 40%. Thế nhưng đừng quên là trong cuộc bầu cử ba năm trước, không một cơ quan thăm dò nào dự báo Donald Trump chiến thắng cho dù thấp điểm tín nhiệm và thua Hillary Clinton đến 3 triệu phiếu. Chủ nhân Nhà Trắng rất có thể sử dụng lại chiến thuật cũ, huy động thành phần cử tri trung thành để chiếm đa số ở một vài tiểu bang quan trọng có nhiều đại cử tri để chiến thắng một lần nữa.
Do thành phần cử tri cốt lõi của đôi bên, phe muốn triệt Donald Trump và phe ủng hộ hết mình, đều kiên quyết lập trường, cho nên ít có hy vọng thay đổi đột ngột. Thông số cần theo dõi là nhóm cử tri « ủng hộ đôi chút » chính sách của Donald Trump có chao đảo vào giờ chót hay không, theo chuyên gia thăm dò ý kiến, Charles Franklin.
Cuộc điều tra để truất phế tổng thống, cho dù sẽ bị Thượng Viện ngăn lại, sẽ tạo cơ hội làm cho cuộc vận động tranh cử bốc lửa thêm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-o-hay-di-donald-trump-con-dung-mot-nam-de-chuan-bi-0

Giám đốc điều hành Boeing

điều trần tại quốc hội

Vào hôm Thứ Ba (29 tháng 10), Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg đã tham dự một phiên điều trần Quốc Hội.
Trong cuộc điều trần cho biết vào đầu năm 2019, trước vụ rơi máy bay chết người thứ hai của 737 Max hồi tháng 3, một phi công thử nghiệm từng đặt ra câu hỏi về sự an toàn của dòng máy bay này. Nhưng theo ông Muilenburg, ông chỉ biết chi tiết về các tin nhắn và email của phi công nói trên vào vài tuần trước. Theo CBS News, các tin nhắn nói trên được gửi đi từ tháng 11 năm 2016 và được giao nộp cho cảnh sát nhà điều tra của Bộ Tư pháp vào tháng 2 năm 2019. Nhưng nó không được công bố cho Cơ Quan Hàng không Liên bang (FAA) hoặc các cơ quan quản trị khác, mãi cho đến sau khi chiếc máy bay 737 Max thứ hai rơi tại Ethiopia vài tháng sau đó. Điều này cho thấy Boeing đang nỗ lực che giấu những lo ngại về an toàn của họ khỏi FAA và các cơ quan quản trị khác.
29/10 là một năm kể từ ngày máy bay 737 Max rơi lần đầu tiên tại Indonesia vào năm 2018. Lần rơi thứ hai tại Ethiopia, đã khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Tại phiên điều trần, ông Muilenburg liên tục được hỏi về những gì Boeing biết về các vấn đề an toàn của 737 Max, và thời điểm công ty nhận ra các vấn đề này là từ khi nào. Ông Muilenburg cho biết công ty đã nhận ra các sai lầm của họ, và đang nỗ lực sửa chữa dòng máy bay mới, đồng thời xin lỗi nhiều lần với thân nhân của những nạn nhân thiệt mạng. Ông nói rằng ông gọi điện thoại FAA để giải thích rằng công ty lẽ ra nên thảo luận với các cơ quan quản trị rõ ràng hơn.
Khoảng một chục thành viên gia đình của những người thiệt mạng trong hai vụ rơi máy bay 737 Max đã ngồi ở hàng thứ ba sau ông Muilenburg tại phiên điều trần. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/giam-doc-dieu-hanh-boeing-dieu-tran-tai-quoc-hoi/

Những đợt gió Santa Ana mạnh nhất

tấn công Nam California

Tin từ California – Theo tin từ KTLA5, đợt gió Santa Ana mới mạnh nhất trong mùa này đã mang đến những cơn gió dữ dội, có nhiều khả năng gây hỏa hoạn ở miền Nam California vào tối Thứ Ba (29 tháng 10).
Theo Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia, gió Santa Ana là những cơn gió mạnh, rất khô hạn, có khả năng cao sẽ gây hỏa hoạn cho khu vực cho đến sáng Thứ Năm (31 tháng 10). Nhà khí tượng học Joe Sirard cho biết Cơ Quan Thời Tiết Quốc Gia tại thành phố Oxnard phải ban hành khuyến cáo báo động đỏ mức  độ
đỏ, làm tăng thêm cảm giác cấp bách cho người dân về sự nguy hiểm của gió Santa Ana. Đợt gió Santa Ana năm nay có khả năng sẽ gây ra những vụ cháy rừng lớn như đám cháy Thomas Fire vào tháng 12 năm 2017, hay đám cháy Woolsey Fire vào tháng 11 năm 2018, thậm chí có thể tạo ra một “cơn bão lửa” như đám cháy rừng diễn ra vào tháng 10 năm 2007, thiêu rụi 900,000 acre diện tích rừng tại miền Nam California.
Những đợt gió Santa Ana mới nhất có vận tốc từ 50 đến 70 dặm/giờ tại các Quận Los Angeles và Ventura, và có thể lên đến 80 dặm/giờ tại vùng núi của Quận Los Angeles và thành phố Santa Monica. Ông Sirard cho biết thêm mặc dù gió Santa Ana có cùng cường độ từng xảy ra tại khu vực này trong quá khứ, nhưng điều kiện thời tiết khô cằn khiến đợt gió năm nay đặc biệt nguy hiểm.
Nhà khí tượng học Alex Tardy cho hay điều kiện thời tiết ấm và khô có thể kéo dài cho đến đầu hoặc giữa tháng 11, có khả năng sẽ gây thêm nhiều thiệt hại cho miền Nam California.
Tính đến thứ ba, California đang phải đối mặt với 11 vụ cháy rừng chưa được dập tắt mà Sở Cứu Hỏa California xem là nguy hiểm. Trong đó có đám cháy Tick Fire, Getty Fire và Saddleridge Fire ở Quận Los Angeles, và Kincade Fire ở Quận Sonoma. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nhung-dot-gio-santa-ana-manh-nhat-tan-cong-nam-california/

Tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể đã giảm trong quý III

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ có thể đã chậm lại trong quý III, do người dân hạn chế chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh giảm, điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất một lần nữa để kích cầu.
Báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm 30/10 phác họa bức tranh về nền kinh tế đang giảm tốc độ, nhưng chưa rơi vào suy thoái như thị trường tài chính vào đầu năm nay đã dự báo.
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ dự kiến sẽ giảm lãi suất lần thứ ba vào ngày 30/10. Fed đã cắt giảm lãi suất vào tháng 9 sau khi giảm lãi suất vay ngân hàng vào tháng 7 lần đầu tiên kể từ năm 2008.
Bà Lindsey Piegza, kinh tế gia trưởng thuộc tập đoàn tài chính Stifel ở Chicago, nói:
“Mất đà tăng trưởng tiếp diễn không chỉ biện manh cho hành động trước đó của Fed, mà còn tiếp tục duy trì nhu cầu kích thích chính sách bổ sung để ngăn chặn xu hướng các hoạt động kinh tế trong nước đang tiếp tục giảm.”
Tổng sản phẩm trong nước có thể tăng với tốc độ hàng năm là 1,6% trong quý 3, cũng do lượng hàng tồn kho nhỏ hơn, theo khảo sát của các nhà kinh tế của Reuters, sau khi tăng với tốc độ 2,0% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong năm 2018 và mức tăng trưởng trong năm nay dự kiến sẽ dưới 2,5%.
https://www.voatiengviet.com/a/tang-truong-kinh-te-my-co-the-da-giam-trong-quy-iii/5145339.html

LHQ kêu gọi

Trung Quốc ngưng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Thụy My
Trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại sứ Anh Karen Pierce thay mặt 23 nước thành viên đòi hỏi chính quyền Trung Quốc « tôn trọng luật pháp quốc gia, các nghĩa vụ quốc tế và những cam kết về nhân quyền, trong đó có tự do tín ngưỡng, tại Tân Cương và trên toàn quốc ».
Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc cùng với các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Đức trong cuộc họp báo nhấn mạnh, Bắc Kinh « phải khẩn cấp chấm dứt việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo khác ».
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho rằng những cáo buộc trên đây của phương Tây là « vô căn cứ ». Ông tố cáo việc « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, một sự cố tình khiêu khích ». Bên cạnh đó, Trương Quân còn cảnh báo Hoa Kỳ là động thái này « không giúp được gì » cho cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
AFP nhận xét, năm nay sự đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây trên vấn đề nhân quyền đã dấn thêm một bước, với việc Bắc Kinh không còn ngồi yên khi bị chỉ trích tại Liên Hiệp Quốc như những năm trước.
Hồi tháng Bảy, sau lá thư ngỏ của 22 nước đòi đóng cửa các trại cải tạo đang giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, lại xuất hiện một lá thư khác được 37 nước (hầu hết là châu Phi và Trung Đông) bênh vực chính sách của Bắc Kinh. Lần này, đối đầu với 23 nước phương Tây là nhóm 54 nước do Belarus đại diện, hoan nghênh « các kết quả tích cực chống khủng bố » của Trung Quốc tại Tân Cương.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-lien-hiep-quoc-keu-goi-trung-quoc-ngung-dan-ap-nguoi-duy-ngo-nhi

Biểu tình tại nhiều nơi:

Thế giới bước vào thời đại mới của cách mạng?

Những nguồn tin từ truyền thông thế ​​giới, từ Chile đến Hồng Kông, từ Liban đến Barcelona, cho thấy gần đây đã nổ ra nhiều hoạt động biểu tình quy mô lớn tại nhiều nơi trên thế giới. Khi tìm kiếm điểm chung của những hoạt động biểu tình này, người ta không thể không băn khoăn phải chăng thế giới đã bước vào một kỷ nguyên cách mạng mới?
Biểu tình Hồng Kông
Trong hoạt động biểu tình tại các nước khác nhau, tình tiết cũng thường rất khác nhau, nhưng dường như trong những biến động gần đây thường có điểm chung quan trọng là người tham gia biểu tình ở độ tuổi còn rất trẻ. Hầu hết trường hợp, chính những người trẻ tuổi đã xung phong đứng lên đòi hỏi thay đổi.
Lịch sử cho thấy, thường thì những người trẻ tuổi có xu hướng không muốn thuận theo trật tự cố hữu đang trói buộc họ, nhưng thực trạng sẽ càng trầm trọng thêm khi bối cảnh dân số và chính trị – xã hội rơi vào trạng thái càng cực đoan hơn.
So với các thời kỳ lịch sử, dường như hiện nay số người trẻ tuổi áp đảo hơn bao giờ hết. Trong số 7,7 tỷ người trên thế giới ngày nay có khoảng 41% dưới 24 tuổi. Ở Châu Phi, 41% dưới 15 tuổi. Ở châu Á và châu Mỹ Latin (chiếm 65% dân số thế giới), tỷ lệ này là 25%. Ở các nước phát triển thì ngược lại, 16% người châu Âu dưới 15 tuổi, nhưng khoảng 18% trên 65 tuổi, gấp đôi mức trung bình của thế giới.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hầu hết những người trẻ này đã hoặc sắp đến tuổi trưởng thành. Suy thoái kinh tế, sự trì trệ hoặc suy giảm mức sống và kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ đã thay đổi cuộc sống của họ. Hiện nay, nhiều hoạt động biểu tình xuất phát từ tâm lý bất bình của họ trước thực tế bất bình đẳng kinh tế và việc làm. Tại Tunisia, nơi bùng nổ Mùa xuân Ả Rập năm 2011, và nước láng giềng Algeria, các hoạt động biểu tình trên đường phố toàn do sinh viên và những người trẻ tuổi thất nghiệp khởi xướng, họ tức giận vì vật giá và thuế khóa gia tăng. Mới đây, tình trạng hỗn loạn tương tự cũng nổ ra tại Chile và Iraq.
Ở Ấn Độ, mỗi tháng có thêm cả triệu người bước vào tuổi 18, độ tuổi bắt đầu tham gia bầu cử. Tại Trung Đông và Bắc Phi, ước tính trong 5 năm tới có 27 triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động. Khi chính phủ bế tắc trong cung cấp việc làm, tiền lương và nhà ở đàng hoàng thì sẽ gặp phiền phức lớn.
Ngày nay, số lượng người trẻ chiếm đông đảo và được thụ hưởng giáo dục tốt hơn nhiều các thời đại trong quá khứ, họ cũng khỏe mạnh hơn và dường như không chấp nhận ràng buộc từ phong tục xã hội và tôn giáo, có lẽ vì vậy mà khao khát của họ cũng mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, lý do còn vì bùng nổ truyền thông mạng xã hội, sự tồn tại của tiếng Anh như một ngôn ngữ phổ quát, xu thế toàn cầu hóa thông tin và dân chủ hóa trên Internet, khiến những người trẻ tuổi thuộc mọi thành phần và bối cảnh xã hội đều cởi mở hơn trong lựa chọn cuộc sống, khát vọng mạnh mẽ hơn về tự do ngôn luận và thu nhập hợp lý.
Thực trạng xã hội thay đổi nhanh chóng như vậy đã kéo theo bất ổn chính trị. Phản kháng của người trẻ ở Liban mới đây là một ví dụ điển hình, do chính quyền tăng thuế đã khiến giới trẻ bất mãn. Tuy nhiên, một số hoạt động biểu tình, như ở Hồng Kông và Catalonia, ngay từ đầu đã bắt đầu từ hoạt động chính trị công khai. Người dân Hồng Kông đã phản đối chế độ độc tài của Trung Quốc bằng cách phản đối Dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, chiến dịch của họ đã được hưởng ứng từ đông đảo cộng đồng quốc tế.
Một yếu tố chung trong các hoạt động biểu tình giống như của người dân Hồng Kông là họ phải chiến đấu với chế độ độc tài, giới tinh anh và đầu sỏ chính trị; còn thế lực toàn trị này sẵn sàng sử dụng vũ lực để đàn áp, luôn lên án những người biểu tình là hành động bạo lực phá hoại.
Hy vọng một ngày nào đó, những hoạt động biểu tình riêng biệt này sẽ liên kết với nhau mang tính toàn cầu nhằm chống lại dối trá xảo quyệt, bất bình đẳng và áp bức. Nhưng cũng hãy bỏ chút thời gian suy nghĩ về một loại khả năng mà một ngày nào đó có thể đến với tất cả chúng ta: sự im lặng đến ngột ngạt ở những nơi tối tăm như Bắc Triều Tiên, Tân Cương và Tây Tạng thuộc Trung Quốc, Syria, Eritrea, Iran, Azerbaijan. Từ đây cho thấy, bảo vệ tiếng nói của những người trẻ “bất đồng chính kiến ​​ồn ào” này là đang bảo vệ chính chúng ta.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31185-bieu-tinh-tai-nhieu-noi-the-gioi-buoc-vao-thoi-dai-moi-cua-cach-mang.html

Vụ 39 người chết: Truyền thông quốc tế nói gì?

Một tuần kể từ khi nhà chức trách Anh phát hiện 39 thi thể trong xe thùng tại Essex phía đông London hôm 23/10, truyền hình và đài báo Anh nói riêng và toàn cầu nói chung liên tục theo dõi và tường thuật về thảm kịch này.
Trong khi nhà chức trách Anh chưa tuyên bố danh tính các nạn nhân bởi công tác giảo nghiệm còn đang được tiến hành, báo chí bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về khu vực được cho là nơi nạn nhân ra đi.
BBC và Reuters đều có phóng viên tới Yên Thành, Nghệ An, nơi có một số gia đình đề nghị ngoại giao Việt Nam thông qua phía Anh tìm người nhà mất tích.
Jonathan Head, phóng viên BBC News Đông Nam Á gặp một gia đình đang chờ đợi trong đau khổ và tuyệt vọng.
“Đã hơn 10 ngày kể từ lần cuối họ nghe tin từ Nguyễn Trọng Thái, 26 tuổi và rồi gia đình bắt đầu nghe được tin có chuyện chẳng lành và công an tới để lấy mẫu tóc và móng tay.
“Khả năng tồi tệ rằng con trai họ có thể nằm trong số 39 người chết trong xe thùng và mẹ của Thái chỉ biết trong đợi chính phủ Anh Quốc mau chóng tìm ra con trai mình.
Phóng viên BBC mô tả hầu hết nạn nhân trong xe được cho là tới từ khu vực này của Việt Nam và rất nhiều gia đình khác cũng đang cùng quẫn vì chưa có tin xác nhận.
“Người ta nói rằng, nghèo đói là nguyên nhân khiến người dân ở đây tìm đường ra nước ngoài, nhưng điều đó không hẳn chính xác”.
Vụ 39 người chết tại Anh: Làng quê Việt Nam chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Theo Jonathan Head, nhiều vùng của Việt Nam còn nghèo, nhưng ở đây, người ta thấy có thể giàu nhanh lên cỡ nào chỉ sau vài năm sống ở Anh và nhà lầu, xe hơi bóng loáng chính là động lực thúc đẩy các thanh niên ở đây tìm đường ra nước ngoài.
Bài phóng sự video có phỏng vấn Lê Đình Tuấn, từng đi trên một chuyến xe như vậy hơn 10 năm trước, với điểm đến cuối cùng là Anh sau khi trót lọt nhờ đi trong một chiếc xe tải.
“Tuấn được nhận vào làm trong một cơ sở trồng cần sa và sau đó bị bắt, ngồi nhà giam 7 tháng và bị trục xuất về Việt Nam và tuy vậy, đến thời điểm này, anh vẫn giữ ước nguyện được cùng cả gia đình sang Anh sinh sống.
Theo phóng viên BBC, thời gian qua đi đã hình thành một sợi dây liên kết ngầm giữa Anh Quốc và vùng quê này của Việt Nam. “Sợi dây từng được kết thành từ ước mơ đổi đời, nhưng giờ lại là bằng một thảm kịch,” Jonathan Head bình luận.
Vụ 39 người chết: Anh – Việt ‘đang chắp nối thông tin’
Vụ 39 người chết: Dư luận tiếc thương nhưng tranh cãi
Miền biển bị nhiễm độc
Bài ‘Postcards from a poisoned coast: Vietnam’s people-smuggling heartland‘ (tạm dịch ‘Ký sự từ miền biển bị nhiễm độc: Cái nôi buôn lậu người tại Việt Nam’ của James Pearson, trưởng văn phòng Reuters tại Hà Nội, viết sau chuyến đi tới Nghệ An vào tuần này nói về một số điểm đáng chú ý.
Theo quan sát của tác giả, Nghệ An và Hà Tĩnh có khá nhiều các biển quảng cáo về việc làm của các công ty xuất khẩu lao động hoặc du học nước ngoài.
“Hàng ngàn người bị hấp dẫn của một cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài mỗi năm, nhưng nhiều người đi theo con đường chui – thông qua những kẻ đưa người lậu và đôi khi là những chuyến đi nguy hiểm bằng đường biển và đường bộ.
Trong số những người từng lên đường từ Nghệ An đi tìm việc ở nước ngoài có nhà cách mạng cộng sản và người lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí MinhJames Pearson, Reuters, Hà Nội
“Hiện tượng này hiện đang được soi rọi mạnh sau khi 39 thi thể được phát hiện trong một chiếc xe tải ngoại vi London vào tuần trước và người ta lo rằng nhiều nạn nhân là người Việt từ Nghệ An và Hà Tĩnh”.
Bài viết mô tả việc làm thiếu thốn, chính quyền động viên [đi nước ngoài lao động], các băng đảng buôn lậu, thảm họa môi trường và áp lực của chính phủ đối với người Công giáo là “tất cả các yếu tố địa phương đằng sau làn sóng người di cư”.
Một người đàn ông có cháu nghi là nạn nhân trong số 39 người nói với Reuters rằng hầu như tất cả mọi người ở đây đều có người thân ở nước ngoài và rằng người già ở lại nhưng người trẻ phải tìm cách làm việc ở nước ngoài vì khó khăn về công việc ở địa phương.
“Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, lợi ích của người dân di cư hợp pháp ra nước ngoài để làm việc là rõ ràng,” theo tác giả.
“Ủy ban Nhân dân Tỉnh Nghệ An đã có một báo cáo về thúc đẩy xuất khẩu lao động trong tháng 9 này.
“Xuất khẩu lao động là ưu tiên của trong Chương trình phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm thúc tiến tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển nghề nghiệp và tạo thu nhập cho người dân, báo cáo về Quyết định số 274/2009 / NQ-HDND nói.
Trong khi GDP bình quân đầu người ở cả hai tỉnh thấp hơn mức trung bình quốc gia thì tiền chuyển từ nước ngoài về đóng vai trò cải thiện với chỉ riêng Nghệ An đã mang về 255 triệu đô la mỗi năm, theo truyền thông nhà nước.
Xuất khẩu lao động là một giải pháp cho thất nghiệp, Phó chủ tịch xã Thanh Lộc, huyện Cần Lộc, Nguyễn Quang Phú nói với Reuters. “Kiều hối đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân ở đây”.
“Bất chấp lợi thế kinh tế, thảm kịch vào tuần trước đã phơi bày giới hạn về khả năng Đảng Cộng sản quản lý việc mọi người ra đi như thế nào. Cộng đồng Công giáo mạnh và băng đảng buôn người đều gây đau đầu cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự cố nhiễm độc ngư trường cách đây ba năm trước là một động lực thêm để người ta tiếp tục ra nước ngoài,” tác giả phân tích.
Nhà báo James Pearson mô tả Nghệ An và Hà Tĩnh có bề dày quá khứ về hành trình ra nước ngoài tìm việc.
“Trong số những người từng lên đường từ Nghệ An đi tìm việc ở nước ngoài có nhà cách mạng cộng sản và người lập quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, đã đến Liên Xô cũ vào những năm 1990 trước khi về nước để xây dựng tập đoàn Vingroup của mình. Hà Tĩnh là quê của ông Vượng”.
Mimi Vu, một nhà hoạt động độc lập chống buôn người tại TP HCM, được dẫn lời nói: “Những người từ các tỉnh này [Nghệ An và Hà Tĩnh] có lịch sử nhiều năm về việc đi nước ngoài để kiếm tiền gửi về nước, đặc biệt là trong thời gian có chương trình xuất khẩu lao động cho các nước thuộc khối Xô Viết cũ.
“Sau nhiều thập niên, người dân tin rằng, đó là cách duy nhất để thành công và giúp gia đình bằng kiều hối, bà Vũ nói. Mặc dù không thể định lượng được, nhưng người dân địa phương và các chuyên gia nghiên cứu về buôn người tin rằng nhiều người rời đi với sự giúp đỡ của các băng đảng buôn lậu tại Việt Nam, những người tính phí nhiều ngàn đô la với các gia đình để đưa được người thân ra nước ngoài”.
Theo tác giả, cơ hội việc làm tại địa phương đã bị cản trở bởi thảm họa môi trường hồi 2016 với sự cố cá chết hàng loạt do ô nhiễm chất thải từ công ty Formosa dọc theo bờ biển miền Trung và điểm đầu tiên là Vũng Áng, Hà Tĩnh và thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt, và sinh kế của ngư dân.
“Báo tại tỉnh Hà Tĩnh vào tháng trước cho biết hơn 40.000 người rời tỉnh hàng năm để làm việc ở nơi khác, bao gồm cả tại nước ngoài,” Reuters dẫn nguồn chính phủ Việt Nam.
Trong khi đó nhà báo Annie Kelly từ tờ The Guardian của Anh kể về cuộc phỏng vấn cô thực hiện với một thanh niên Việt Nam vào năm ngoái vốn từng vượt từ Pháp vào Anh qua eo biển trong chiếc xe thùng sau khi được đưa qua nhiều địa điểm khác nhau.
Khi tới Pháp, cậu được nói phải trả 20 ngàn bảng và cách để trả món nợ mà bản thân cậu và gia đình không có khả năng chính là việc chấp nhận bị dưa vào cơ sở trồng cần sa tại Anh sau này.
Xét về luật thì có sự phân tách giữa công việc làm lậu và nô lệ hiện đại. Tức là một đằng là tội phạm trong khi cũng có thể được coi là nạn nhân và trên thực tế danh giới giữa hai khái niệm này là không thật rõ ràng.
Trên toàn Anh Quốc, hàng ngàn người bị đẩy vào tình trạng bị bóc lột và không được trả tiền khi làm ở nhà hàng, điểm rửa xe, cánh đồng nông nghiệp, cơ sở chăm sóc người cao tuổi, khách sạn và tiệm làm móng. Họ là những người ta có nhìn thấy nhưng lại không thấy, theo tác giả.
Bài viết bàn về thực trạng số vụ bị bắt và truy tố và kết tội liên quan tới nô lệ hiện đại và buôn người lậu là rất nhỏ so với số người sống chui lủi.
“Các kẻ buôn người nói với những nạn nhân rằng nếu họ gặp cảnh sát thì họ sẽ bị bắt và giam giữ, và thường thì đúng như vậy,” theo tác giả. “Con số chính thức nói có tới 15000 người bị kẹt vào một kiểu lao động nô lệ hiện đại nào đó. Trong khi đó giai đoạn 2017-18 chỉ có 185 người bị kết tội”.
Vấn đề nằm ở chỗ những nạn nhân có ra trình báo để đi theo qui trình xét xử theo luật với hy vọng được cấp qui chế tị nạn hay không.
Họ có thể thấy mình bị mắc kẹt trong tình thế phức tạp và cuối cùng, các nạn nhân có lẽ sẽ được đưa trở lại đất nước nơi họ ra đi: theo số liệu của chính phủ Anh, chỉ có 12% nạn nhân của cái gọi là nô lệ hiện đại được cấp qui chế vĩnh trú, tác giả cho biết.
Còn tờ Telegraph của Anh có bài mô tả khả năng 39 nạn nhân có thể bị chết ngạt thay vì bị chết cóng bởi tài xế tưởng xe này chở bánh quy.
Báo này dẫn nguồn nhà chức trách Bỉ xác nhận nghi phạm bị bắt ở cảng Dublin của Cộng hòa Ireland chính là tài xế đã chở thùng container chứa 39 thi thể tới cảng Zeebrugge của Bỉ trước đó.
Báo Het Nieuwsblad ở Bỉ dẫn lời quan chức ở cảng Zeebrugge nói tài xế Robinson được cho là đã nói rằng anh ta không cần bật hệ thống làm lạnh của container vì những chiếc bánh bên trong container này không cần phải làm lạnh.
Tuy nhiên hiện chưa có xác nhận độc lập nào trong bối cảnh phiên tòa xử tài xế đã và đang diễn ra.
Báo Trung Quốc chỉ trích báo chí phương Tây
Tờ Global Times của Trung Quốc chỉ trích “tiêu chuẩn kép” của truyền thông Anh và phương Tây quanh vụ 39 người chết.
Hôm 29/19, xã luận tiếng Anh và tiếng Hoa của báo này nói truyền thông phương Tây “máu lạnh” lợi dụng vụ việc để phê phán bất bình đẳng và nghèo ở Việt Nam, mặc dù cảnh sát Anh chưa xác nhận danh tính của nạn nhân.
Tờ báo này nói truyền thông phương Tây trước đó có các bài tương tự về Trung Quốc khi ban đầu tưởng đây là nạn nhân Trung Quốc.
“Dư luận châu Âu chưa kiểm điểm trách nhiệm đạo đức của họ vì bi kịch, nhưng lại xoay cáo buộc sang các nước nơi xuất phát của người di cư bất hợp pháp,” tờ báo viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50232751

Anh Quốc: Hạ Viện tán đồng

đề nghị bầu cử trước thời hạn

Mai Vân
Vào hôm nay, 30/10/2019 Viện Quý Tộc (tức là Thượng Viện) Anh Quốc xem xét đề nghị của thủ tướng Boris Johnson về việc tổ chức bầu cử trước thời hạn, vào ngày 12/12 tới đây. Đề nghị này vào hôm qua 29/10 đã được Hạ Viện Anh tán đồng với đa số áp đảo: 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống.
Thủ tướng Anh Boris Johnson rốt cuộc đã được toại nguyện và có thể hy vọng giành lại đa số tuyệt đối tại Hạ Viện, chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay và để thực hiện lời hứa đưa nước Anh ra khỏi châu Âu.
Tuy nhiên, theo Muriel Delcroix, thông tín viên RFI tại Luân Đôn, cuộc bầu cử không phải là không nguy hiểm đối với ông Johnson, cho dù thủ tướng Anh vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận:
Bị một Nghị Viện kiên quyết chọc gậy bánh xe với ý muốn làm chậm trễ càng lâu càng tốt tiến trình Brexit, ông Boris Johnson đã cạn kiệt giải pháp.
Và cũng như vậy, các đảng đối lập chống đối thỏa thuận Brexit của ông hay đơn giản là chống Brexit, sẽ phải đối mặt với nguy cơ thỏa thuận được thông qua và hy vọng về một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 tan thành mây khói.
Cuộc bầu cử trước thời hạn chớp nhoáng này, với vỏn vẹn 5 tuần lễ vận động vào mùa đông lạnh giá quả là không lý tưởng chút nào, nhưng sẽ cho phép tất cả các đảng có cơ may thay đổi cục diện chủ đề áp đảo của thời sự là vấn đề Brexit.
Được thêm uy tín vì đã thành công trong việc thương lượng lại thỏa thuận chia tay và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, thủ tướng Anh sẽ đặt lời hứa thực hiện Brexit vào trọng tâm cuộc vận động tranh cử, ngược lại với Công Đảng của ông Jeremy Corbyn. Ông này sẽ cố áp đặt chương trình xã hội, vốn đã giúp ông thành công trong cuộc bầu cử 2017.
Tuy nhiên đối với cả đảng Bảo Thủ lẫn Công Đảng, đây cũng là một cuộc đánh cược nguy hiểm. Họ sẽ phải đối đầu không khoan nhượng để duy trì hay giành thêm ghế, trước một bên là đảng Tự Do Dân Chủ và đảng muốn độc lập cho Scotland với thông điệp rõ ràng ủng hộ châu Âu, và bên kia là đảng dứt khoát đòi Brexit của Nigel Farage, chủ trương ra khỏi châu Âu mà không cần thỏa thuận.
Và chính đối thủ đáng gờm này, đại diện cho những người ủng hộ Brexit đang mệt mỏi, bực tức, sẽ ra sức nêu bật kẽ hở của những đảng không tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý và đưa đất nước vào tình trạng tê liệt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-anh-quoc-ha-vien-tan-dong-de-nghi-bau-cu-truoc-thoi-han

Năm 1518,

« dịch bệnh nhảy múa » bùng phát ở Strasbourg

Minh Anh
Cách nay hơn 500 năm, tại Strasbourg, đông bắc nước Pháp, bùng nổ một dịch bệnh kỳ lạ ít ai biết đến : Đó là « Dịch bệnh nhảy múa ». Nhiều người dân thành Strasbourg bắt đầu nhảy múa thâu đêm suốt sáng cho đến khi chết vì kiệt sức. Hơn 500 năm sau, nguyên nhân của dịch bệnh vẫn còn là một điều bí ẩn.
« The Dancing Plague »
Đó là một ngày hè năm 1518. Trên những con phố nhỏ hẹp của thành phố Strasbourg, đông bắc nước Pháp và tại những quảng trường, hàng chục người, nhảy múa điên cuồng theo nhịp gõ của tiếng trống, tiếng đàn vion và tiếng kèn túi. Bầu không khí lại không có chút gì là lễ hội cả. Cảnh tượng nhảy múa thậm chí « kinh hoàng ».
Trong tác phẩm « A Time to Dance, a Time to Die: The Extraordinary Story of the Dancing Plague of 1518 » (tạm dịch là Một thời nhẩy múa, một thời để chết : Câu chuyện kỳ lạ về dịch bệnh nhảy múa năm 1518), ông Jean Waller, sử gia về ngành Y, trường đại học Michigan mô tả lại những cảnh tượng hãi hùng, ở đó nhiều phụ nữ, đàn ông và trẻ nhỏ nhảy múa điên cuồng đã kêu gào, cầu xin trợ giúp vì không thể nào ngừng lại được. Ông viết : « Ánh mắt của họ khờ dại, mặt ngước lên trời, tay và chân của họ cử động theo từng cơn co giật và mệt mỏi ; áo, váy và quần ướt đẫm mồ hôi, dán chặt vào thân hình gầy còm. »
Trong vòng vài ngày số trường hợp « nhảy múa như bị ma nhập » này tăng lên và lan truyền như một loại virus, gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc tại khu thành vùng Alsace. Theo một nhân chứng thời kỳ đó, mỗi ngày có đến gần 15 người gục quỵ, nạn nhân của tình trạng cơ thể bị mất nước hay trụy tim mạch.
Trong một chương trình phát thanh của đài France Culture, nhà văn Jean Teulé, khi sưu tầm các tài liệu cho quyển tiểu thuyết Entrez dans la danse (tạm dịch Hãy vào nhảy đi), xuất bản tháng 3/2018, cho biết hiện tượng này kỳ lạ đến mức đại văn hào người Anh, William Shakespeare gọi đó là « The Dancing Plague ».
« Đúng vậy. Ông ấy gọi hiện tượng này là Dancing Plague, nghĩa là ʺdịch nhảy múaʺ. Điều này được thấy rất rõ. Câu chuyện này bình thường ra phải rất nổi tiếng ở Pháp. Tất cả mọi người lẽ ra phải biết chuyện này. Nhưng đây lại điều xấu hổ của giới tăng lữ năm 1518 đến mức họ đã tìm cách xóa sạch câu chuyện này đi nếu có thể hay giảm thiểu tầm mức đến tối đa. Hơn nữa, hai ba năm sau sự kiện 1518, giới tăng lữ tại Strasbourg có thái độ hành xử uế tạp, đạo Tin Lành đã hạ bệ và đuổi đạo Thiên Chúa ra khỏi Strasbourg trong vòng 150 năm ».
Frau Troffea : Bệnh nhân đầu tiên
Chuyện gì đã xảy ra thời kỳ đó ? Mọi việc bắt đầu từ một người phụ nữ có tên gọi Frau Troffea, một người phụ nữ bất hạnh. Chính cô là người đã khai màn vũ hội « kinh hoàng » này vào một ngày trung tuần tháng 7/1518. Giới chuyên gia về dịch tễ học ngày nay gọi cô là bệnh nhân đầu tiên (patient zero).
Số phận của người phụ nữ này đã gợi trí tò mò của Paracelse (1493 – 1541), bác sĩ và nhà luyện đan người Thụy Sĩ, sau này được xem như là một những nhà sáng lập ngành độc tố học. Bị mê hoặc bởi giai đoạn điên cuồng tập thể kỳ lạ này, ông đã đến tận nơi năm 1526 để điều tra. Đây cũng chính là nguồn tư liệu quý giá để ông Jean Teulé tham khảo, viết nên cuốn tiểu thuyết của mình.
« Một người phụ nữ tên là Frau Troffea, ngày thứ Sáu 12/07/1518, rời khỏi nhà ở đường Jeu-des-Enfants, trên tay bế đứa con còn bú ẵm, cô đi đến tận cây cầu Corbeau rồi ném đứa nhỏ xuống sông. Cô không còn sữa, không thể nào cho con bú được nữa, thật tình cô không thể nào nuôi đứa bé. Cô ấy trở về phố Jeu-des-Enfants và tại con phố này cô bắt đầu nhảy múa.
Nhiều người khác có cùng cảnh ngộ bế tắc như cô, khi nhìn thấy như vậy, họ đến gần và cũng bắt đầu nhảy múa. Cuộc nhảy múa này bắt đầu lây lan, tất cả mọi người cũng đi theo bóng của Troffea. Vấn đề là một khi bước vào nhảy múa họ không tài nào dừng lại được. Họ nhảy múa thâu đêm suốt sáng và trong nhiều tuần liền.
Các thầy thuốc bắt đầu tự nhủ làm sao điều này có thể xảy ra ? Bởi vì, ngay cả những người ốm yếu gầy còm nhất cũng không thể nào dừng nhảy múa được. Bàn chân rướm máu, sụn lòi cả ra. Người ta chết vì kiệt sức hay bị trụy tim. Có lúc lên đến 30 người chết mỗi ngày. Giới tăng lữ và ông thị trưởng vất vả tìm mọi cách có thể, nhằm chấm dứt cuộc nhảy múa nhưng bất thành ».
Trong vòng hơn 10 ngày, đến ngày 25/07/1518, có 50 người bị lây nhiễm. Tổng cộng cơn dịch này gây ra khoảng 400 nạn nhân. Giới y khoa thời kỳ đó đi theo thuyết thể dịch cho rằng nguyên nhân của căn bệnh là do « máu quá nóng ». Hội đồng thành phố quyết định « dĩ độc trị độc ». Mở thêm không gian cho những người tham gia nhảy múa và mời thêm hàng chục nhạc công chuyên nghiệp để cổ vũ họ cả ngày lẫn đêm.
Một sai lầm về y tế cộng đồng nghiêm trọng ! Khi cho thấy cảnh người ta nhảy múa, chính quyền chỉ khuyến khích cho sự lây lan. Thất bại, hội đồng thành phố thay đổi ý kiến vào cuối tháng Bảy: Dẹp gỡ bục nhảy, cấm các dàn nhạc. Nhưng hiện tượng này chỉ chấm dứt vài tuần sau đó, khi những « vũ công » lạ đời này được gởi đến vùng Saverne, cách Strasbourg một ngày đi đường, để tham dự một lễ vinh danh thánh Guy, người che chở cho những bệnh nhân mắc chứng co giật (giới y khoa gọi là bệnh Huntington).
Chứng cuồng loạn tập thể ?
Nhiều thế kỷ trôi qua, nhiều kịch bản đã được đưa ra để giải thích dịch bệnh ở Strasbourg : Ngộ độc ecgotin (trúng độc từ lúa mạch đen bị nhiễm chất mycotoxin, một loại nấm mốc) ; sùng bái dị giáo, ma quỷ ám, hay chứng cuồng loạn tập thể.
Tuy nhiên, nhà văn Jean Teulé, nhắc lại lưu ý của sử gia John Waller, cho rằng bối cảnh xã hội thời đó giữ một vai trò chính yếu. Những hiện tượng như bị « ma nhập » đó có khả năng xảy ra ở những người yếu về mặt tâm lý và tin vào sự trừng phạt của quỷ thần. Do vậy, Strasbourg lúc ấy hội đủ hai điều kiện. Thành phố đã phải hứng lấy nhiều dịch bệnh liên tiếp bất thường và nạn đói, đồng thời người dân thành này tin ở thánh Guy, có thể trừng phạt cũng như là chữa trị nhiều chứng bệnh, nhất là bằng cách nhảy múa.
« Đấy chính là vào lúc giáo hoàng Lêô X cho xây đại giáo đường thánh Phêrô. Vào thời kỳ này còn có một thứ khác không thể tin được đó là ʺbán xá tộiʺ. Nếu người dân cho tiền giới tăng lữ, cho càng nhiều, thời gian chịu khổ cực hay sống ở địa ngục càng giảm. Người dân thành Strasbourg thời đó hoặc là phải ném con xuống sông vì phụ nữ không có sữa cho con bú, hoặc thậm chí họ ăn thịt cả đứa trẻ.
Những người phụ nữ đó không thể cúng tiền cho giới tăng lữ và họ bị giới tăng lữ đe dọa bỏ chôn thây trên một ngọn đồi nằm ở ngoài bờ thành mà họ gọi là đồi đao phủ, mảnh đất duy nhất không được ban phép thánh ở Strasbourg. Và như vậy, mãi mãi ở địa ngục. Người ta vì thế trở nên điên loạn đến mức chỉ có nhảy múa mà thôi ».
Hơn 500 năm sau, giai đoạn đen tối này vẫn tiếp tục kích thích trí tò mò của nhiều nhà nghiên cứu. Bởi vì, đó không phải là một giai thoại. Chứng nhảy múa điên cuồng tại Strasbourg, tuy không phải là cơn dịch đầu tiên, cũng không là trận dịch cuối cùng, nhưng đó lại là một trong những cơn dịch được ghi lại nhiều nhất. Tài liệu lưu trữ thời kỳ đó bao gồm các ghi chú từ nhiều thầy thuốc, những bài thuyết giáo, biên niên sử địa phương, hay những tờ giấy bạc do hội đồng thành phố phát hành…
Thậm chí đây còn là dịch bệnh được tái hiện một cách cụ thể nhất. Sử gia John Waller nhấn mạnh, đấy có thể bởi vì dịch bệnh này xảy ra ngay sau khi có phát minh về ngành in ấn. Le Monde, trong một số báo ra tháng 7/2014, cho rằng trong thời gian từ 1200 đến 1600, tổng cộng có khoảng 20 giai đoạn như thế. Dịch bệnh gần đây nhất có lẽ là tại Madagascar năm 1863.
Dẫu sao như nhận xét của nhà văn Jean Teulé, « dịch nhảy múa 1518 là vũ hội đầu tiên, lớn nhất, điên rồ nhất nhưng cũng là vũ hội chết chóc nhất trên thế giới… »
http://vi.rfi.fr/phap/20191030-nam-1518-dich-benh-nhay-mua-strasbourg

Putin thăm Hungary, Mỹ lo ngại

về « ngân hàng của Kremlin » ở Budapest

Thụy My
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm nay 30/10/2019 tại Budapest. Đây là lần thứ tám hai bên tiếp xúc để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Lãnh đạo hai nước thảo luận về việc ký kết các hợp đồng cung ứng khí đốt của Nga cho Hungary, mở rộng một nhà máy điện nguyên tử tại Hungary và một dự án liên doanh cung ứng thiết bị đường sắt cho Ai Cập.
Tuy nhiên, chuyến viếng thăm lần này của nguyên thủ Nga diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) của Nga chuyển trụ sở chính từ Matxcơva sang Budapest và đi vào hoạt động từ tháng trước. Phe đối lập Hungary và chính quyền Mỹ lo ngại định chế này là cánh tay kéo dài của tình báo Nga, một « con ngựa thành Troie của Putin » tại Trung Âu.
Được thành lập năm 1970, từ thời Liên Xô, ngân hàng này ngoài Nga còn có các cổ đông là Việt Nam, Cuba, Mông Cổ cùng với năm nước Trung và Đông Âu (Bulgari, Rumani, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc). Chủ tịch Hội đồng quản trị do Nga áp đặt là Nikolai Kosov, mà theo báo chí Hungary, nhân vật này có cha mẹ và ông đều từng làm việc cho KGB. Đại diện Hungary ở IIB, Imre Boros cũng từng hoạt động trong ngành tình báo trước năm 1989.
Trong năm 2018, tổng dư tín dụng của IIB là khoảng 830 triệu euro. Sang năm, khi hoạt động ổn định, IIB sẽ có hơn 100 nhân viên, tất cả đều được quyền đặc miễn ngoại giao nhờ vào tư cách đa phương và liên chính phủ của ngân hàng này.
Đại sứ Mỹ tại Budapest, David Cornstein bày tỏ quan ngại Matxcơva có thể lợi dụng IIB để lũng đoạn không gian Schengen. Một số dân biểu Mỹ cũng nghi ngờ Ngân hàng Đầu tư Quốc tế là một nhánh của tình báo Nga, còn đối lập Hungary tố cáo sự hiện diện của IIB « gây phương hại đến an ninh quốc gia».
Tuy nhiên IIB bác bỏ giả thiết làm gián điệp, tự giới thiệu là ngân hàng đầu tư phát triển đầu tiên đặt trụ sở ở Đông Âu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-putin-tham-hungary-my-lo-ngai-ve-%C2%AB-ngan-hang-cua-kremlin-%C2%BB-o-budapest

Con bài chiến lược

giúp Nga, Trung, Ấn hạ bệ đồng USD

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có thành tựu bước đầu trong việc thay thế hệ thống của Mỹ.
Sử dụng sức mạnh đồng USD và hệ thống thanh toán tiền tệ lớn mạnh của mình, Mỹ đã công bố hàng loạt các trừng phạt thương mại, không cho các quốc gia khác được giao dịch với thế giới. Với tầm ảnh hưởng của mình, Mỹ đã đe dọa nhiều nước sử dụng hệ thống tin nhắn tài chính SWIFT để kiểm soát việc gây sức ép này.
Trước sức ép ngày càng tăng, những quốc gia bị trừng phạt, gồm có Nga, đang ngày càng mở rộng liên minh không sử dụng “hàng Mỹ” mà tạo ra một hệ thống nhắn tin tài chính mới là SPFS liên kết với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc là CIPS.
Mới đây, Nga và Trung Quốc cùng phát đi tín hiệu lạc quan là họ đã “kéo” được Ấn Độ – một thành viên trong khối thương mại BRICS – gia nhập vào liên minh liên kết sử dụng hệ thống tin nhắn tài chính không phải của Mỹ. Ấn Độ sau khi có những động thái mua vũ khí quân sự của Nga cũng đã bị Washington cảnh báo về khả năng chịu trừng phạt.
Ấn Độ hiện chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước song họ có kế hoạch kết hợp nền tảng của Ngân hàng Trung ương Nga để phát triển một dịch vụ như vậy tại nước này.
Theo Izvestia, các bên liên quan sẽ làm việc trên một nền tảng duy nhất và đồng bộ mà không gặp bất kỳ khó khăn nào với các giao dịch tài chính.
Nga đã bắt đầu phát triển SPFS vào năm 2014 trong bối cảnh Washington tung ra các mối đe dọa ngắt Nga khỏi hệ thống viễn thông tài chính SWIFT.
Giao dịch đầu tiên thông qua SPFS được thực hiện vào tháng 12/2017. Cho đến nay phía Nga cho biết đã có tới 3 tỷ người trên thế giới tiếp cận được hệ thống này.
“Chúng tôi có cơ hội kết nối cả ngân hàng nước ngoài và pháp nhân nước ngoài với SPFS. Ngày nay khoảng 400 người dùng đang tham gia hệ thống. Các thỏa thuận đã được ký với 8 ngân hàng nước ngoài và 34 pháp nhân, tổ chức” – một đại diện của bộ phận thanh toán quốc tế thuộc Ngân hàng Nga cho biết.
Hệ thống của Nga phù hợp với những quốc gia đang chịu sức ép đe dọa trừng phạt của Mỹ. Iran là một ví dụ.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các nước châu Âu đã phải tìm nhiều cách để yêu cầu Iran thực hiện các cam kết của thỏa thuận cũ. Một trong số đó là thiết lập kênh thanh toán riêng với Iran.
Hiện các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) do Nga dẫn đầu cũng đang làm việc với Ngân hàng Nga về các lựa chọn kỹ thuật nhằm kết nối với hệ thống SPFS của Nga.
Năm ngoái, SWIFT đã cắt một số ngân hàng Iran khỏi hệ thống nhắn tin của họ và điều này phần nào gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của Tehran.
Đây có thể coi là những thành công bước đầu của Nga trong việc phát triển các công cụ có thể thay thế các nỗ lực đe dọa kinh tế Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31176-con-bai-chien-luoc-giup-nga-trung-an-ha-be-dong-usd.html

Có không Mùa xuân Ả Rập mới ở Trung Đông?

Jeremy BowenBiên tập viên Trung Đông
Khi những ngày cuối cùng của mùa hè ở Trung Đông sắp qua đi, khu vực này liệu có rơi vào một Mùa xuân Ả Rập mới không?
Tại Iraq, người biểu tình bị bắn chết trên đường phố.
Tại Lebanon, người biểu tình làm tê liệt đất nước và dường như chuẩn bị hạ bệ chính phủ của thủ tướng Saad al-Hariri.
Trong những tuần gần đây, lực lượng an ninh Ai Cập đã đè bẹp nỗ lực phản đối chống lại chính quyền của Tổng thống Abdul Fattah al-Sisi.
Iraq, Lebanon và Ai Cập có rất nhiều điểm khác biệt. Nhưng những người biểu tình có chung những bất bình, và chúng được chia sẻ bởi hàng triệu người, đặc biệt là giới trẻ, trên khắp Trung Đông.
Các cuộc biểu tình đang diễn ra trên thế giới
Thời khắc thảm họa với chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ
Bảy điều giúp bạn hiểu cuộc chiến ở Syria
Theo thống kê sơ bộ có khoảng 60% dân số trong khu vực dưới 30 tuổi. Dân số trẻ có thể là một tài sản lớn với một quốc gia. Nhưng chỉ khi nền kinh tế, hệ thống giáo dục và các thể chế của nhà nước vận hành tốt để đáp ứng nhu cầu của họ, và với một số trường hợp ngoại lệ thì điều đó không xảy ra.
Giới trẻ ở Iraq, Lebanon và những nơi khác trong khu vực thường mệt mỏi vì những thất vọng mà có thể dễ dàng dẫn tới cơn thịnh nộ.
Tham nhũng tràn lan
Hai trong số những khiếu nại lớn nhất của người biểu tình là chống tham nhũng và thất nghiệp. Cái này dẫn tới cái kia.
Iraq được xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, theo các chỉ số tham nhũng trên toàn thế giới. Lebanon đỡ hơn một chút, nhưng không nhiều.
Tham nhũng được xem như căn bệnh ung thư. Nó nuốt chửng tham vọng lẫn hy vọng của các nạn nhân.
Những người thất bại trong một hệ thống tham nhũng có thể rất tức giận, và rất nhanh chóng ngay cả khi những người có trình độ đào tạo cũng không kiếm được việc làm, và họ chứng kiến có những người đang nhồi nhét cho đầy túi họ.
Khi các thể chế của nhà nước – chính phủ, tòa án và cảnh sát – liên kết với nhau, nó là dấu hiệu cho thấy cả hệ thống đang thất bại.
Ở cả Lebanon và Iraq, người biểu tình không chỉ muốn chính phủ của họ từ chức. Họ còn muốn toàn bộ hệ thống quản trị được cải tổ hoặc thay thế.
Ngọn lửa bùng cháy
Một trong những thực tế thảm hại của Iraq là bạo lực đã ăn sâu vào xã hội. Khi những người biểu tình chống thất nghiệp, tham nhũng và chính phủ xuống đường, ngay lập tức súng đạn được sử dụng để chống lại họ.
Các cuộc biểu tình trên đường phố Iraq, cho đến nay, dường như là không có người lãnh đạo. Nhưng nỗi sợ hãi trong chính phủ là khi thời gian trôi qua, và thương vong gia tăng, họ có thể trở nên có tổ chức hơn.
Người biểu tình nhắm vào các pháo đài quyền lực của chính phủ, đáng chú ý là Vùng Xanh (Green Zone) bao quanh ở Baghdad. Nơi đây từng là trung tâm chiếm đóng của Hoa Kỳ. Giờ đây nó là nơi tọa lạc văn phòng chính phủ và sứ quán, cũng như nhà của những người nổi tiếng.
Các cuộc biểu tình khởi phát từ Baghdad, và đã lan rộng. Qua một đêm tại thành phố thánh Karbala, có nhiều báo cáo chưa được xác nhận về số người thiệt mạng và bị thương khi những người biểu tình phóng hỏa. Video được đăng tải trên mạng xã hội về những người đàn ông đang chạy khỏi đám cháy.
Kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, tỷ lệ thương vong tăng đều đặn. Tin từ Baghdad cho hay một số binh sĩ Iraq xuất hiện cùng với quốc kỳ quấn quanh vai, cho thấy những gì dường như là sự đoàn kết với người biểu tình.
Nhưng báo cáo cũng nói rằng những người đàn ông mặc đồ đen, một số đeo mặt nạ, đã nổ súng. Có giả thuyết cho rằng họ là dân quân thân Iraq.
Công việc dang dở
Các cuộc biểu tình bắt đầu ở Lebanon hôm 17/10 sau khi chính phủ áp dụng thử thuế đối với thuốc lá, xăng dầu và cuộc gọi trên ứng dụng WhatsApp. Thuế mới này đã nhanh chóng bị hủy bỏ nhưng đã quá muộn.
Lúc đầu, các cuộc biểu tình ở Lebanon rất hòa nhã. Nhưng căng thẳng rất thực tế ở nước này đang hiện ra, với một số vụ bạo lực bùng phát.
Vậy thì đây có phải là một Mùa xuân Ả Rập? Hơn bất cứ điều gì, nó là biểu hiện của công việc còn dang dở từ năm 2011.
Các cuộc nổi dậy năm đó đã không mang lại tự do vốn được mong mỏi cho những người biểu tình chống lại các nhà lãnh đạo chuyên chế. Nhưng người ta vẫn đang cảm nhận hậu quả của cuộc nổi dậy, trong số đó là chiến tranh ở Syria, Yemen và Lybia, và một nhà nước Ai Cập hà khắc hơn.
Và những bất bình đã châm lửa cho các cuộc nổi dậy hồi năm 2011 vẫn còn đó, một số trường hợp còn sâu sắc hơn.
Sự thất bại của hệ thống tham nhũng để đáp ứng nhu cầu của phần lớn dân số và những người trẻ đảm bảo rằng sự giận dữ và thất vọng đằng sau các cuộc biểu tình sẽ không biến mất.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50234981

Thổ Nhĩ Kỳ lên án hai nghị quyết của Hạ viện Mỹ,

triệu tập đại sứ

Ngày 30/10, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án hai nghị quyết do Hạ viện Hoa Kỳ thông qua trong tuần này nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xâm lược miền bắc Syria và gọi vụ giết hại người Armenia thời Đế chế Ottoman là một cuộc diệt chủng, theo trang The Hill.
Trong tuyên bố với các đảng viên đảng cầm quyền quốc gia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ “lên án mạnh mẽ” nghị quyết được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 29/10 nhằm trừng phạt chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc tấn công đánh vào lực lượng người Kurd ở Syria, theo AP.
Hạ viện Hoa Kỳ cũng thông qua một nghị quyết khác, trong đó gọi vụ giết người Armenia năm 1915 thời Đế quốc Ottoman là tội diệt chủng. Tuy nhiên, nghị quyết này cũng bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ, Tổng thống Erdoğan được dẫn lời nói.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố: “Chắc chắn, nghị quyết này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Hoa Kỳ trước dư luận của Thổ Nhĩ Kỳ”, theo AP.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết bà rất vinh dự được tham gia cùng các đồng nghiệp của mình “để tưởng nhớ đến một trong những tội ác tàn bạo của thế kỷ 20: vụ giết hại có hệ thống khiến hơn 1,5 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em Armenia của Đế quốc Ottoman”.
The Hill cho biết Ankara cũng triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ David Satterfield về hai nghị quyết này, trong khi mối quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm các vùng đất do người Kurd nắm giữ ở Syria, một lực lượng được Washington hậu thuẫn.
https://www.voatiengviet.com/a/tho-nhi-ky-len-an-hai-nghi-quyet-cua-ha-vien-my/5145632.html

Thổ Nhĩ Kỳ:

Tối hậu thư đuổi người tị nạn Syria hết hạn

Mai Vân
Người Syria không giấy tờ, như tại thành phố lớn Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, phải rời khỏi thành phố chậm nhất là vào ngày hôm nay, 30/10/2019, nếu không muốn bị bắt giữ. Đây là nội dung tối hậu thư mà chính quyền Ankara đã đưa ra nhắm vào người tị nạn Syria, mà số lượng tại Thổ Nhĩ Kỳ được ước tính lên đến hơn 3 triệu người.
Các tổ chức phi chính phủ lo ngại những người Syria này bị ép buộc hồi hương. Thông tín viên RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, đã nêu bật trường hợp một nhà đối lập Syria :
Obeida sống tại Thổ Nhĩ Kỳ đã 8 năm rồi, và đã lâm vào tình trạng cư trú bất hợp pháp từ 1 tháng nay. Nhà đối lập 33 tuổi đã vào Thổ Nhĩ Kỳ với hộ chiếu Syria và visa sinh viên. Tháng 9 vừa qua, hộ chiếu hết hạn và giấy cư trú cũng vậy. Obeida lại không muốn đến đại sứ quán Syria, do đó rơi vào tình trạng không giấy tờ hợp lệ.
Obeida kể lại cuộc sống hiện nay: Tôi không thể đi xa khỏi chỗ tôi ở, và luôn phải đi bộ, không dám dùng phương tiện công cộng vì sợ bị cảnh sát kiểm tra. Khi họ biết tôi không có giấy tờ, là tôi sẽ bị gởi ngay đến trại giam.
Những người Syria sống tại Istanbul mà không đăng ký – ít nhất là hàng chục ngàn người – phải rời khỏi nơi này trước ngày 30/10. Nếu không đi, họ có nguy cơ bị bắt và – về mặt chính thức – sẽ được đưa trở về tỉnh nơi họ đã đăng ký. Nhưng nói cách khác là họ sẽ bị cưỡng bức trở về Syria đang có chiến tranh.
Các tổ chức phi chính phủ tố cáo việc chính quyền Ankara đã trục xuất hàng trăm người Syria trong những tháng qua, nhưng chính quyền đã phủ nhận điều này. Đây là nỗi lo sợ của Obeida đã không đăng ký ở bất cứ nơi nào.
Obeida giải thích: Trong nhiều năm trời, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng cánh tay đón chúng tôi. Để chúng tôi sống và làm việc ở mọi nơi. Và đột nhiên để làm dịu nỗi bực tức của dân chúng, chính quyền đã nhắm vào người tị nạn trong những vùng bị cho là có quá đông người tị nạn.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng đưa gần 2 triệu người tỵ nạn Syria đến vùng trái độn ở miền bắc Syria. Đó là một trong những mục tiêu lớn cuộc tấn công vào đầu tháng này nhắm vào lực lượng Kurdistan.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191030-tho-nhi-ky-toi-hau-thu-duoi-nguoi-ti-nan-syria-het-han

Thủ tướng Lebanon Hariri từ chức

Tin từ BEIRUT, Lebanon – Vào hôm Thứ Ba (29/10), một đám đông trung thành với các nhóm Hồi Giáo Shi’ite Hezbollah và Amal tấn công và phá hủy một trại do những người biểu tình chống chính phủ thành lập ở trung tâm Beirut. Trong lúc đó, thủ tướng Saad al-Hariri tuyên bố từ chức.
Ở trung tâm Beirut, những người đàn ông mặc đồ đen cầm gậy và ống phá hủy trại biểu tình vốn là tâm điểm của các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại giới tinh hoa chính trị bị buộc tội tham nhũng tràn lan và khiến Lebanon rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế. Màn phô trương thanh thế này diễn ra sau khi lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah tuyên bố hồi tuần trước, rằng những con đường bị người biểu tình đóng cửa phải được mở lại, đồng thời cho rằng những người biểu tình được kẻ thù nước ngoài tài trợ và thực hiện mục tiêu của họ.
Khói đen bốc lên khi một số lều bị đốt cháy. Trước đó, những người ủng hộ Hezbollah và Amal phân tán trong khu vực trung tâm thành phố thủ đô, hô to “Shia, Shia” và chửi rủa những người biểu tình. Các lực lượng an ninh không can thiệp để ngăn chặn cuộc tấn công. Các nhân chứng cho biết trong sự việc này, những người biểu tình bị đánh bằng gậy và kêu gọi giúp đỡ trong khi bỏ chạy. Cuối cùng, hơi cay cũng phải được bắn ra để giải tán đám đông.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/dam-dong-ung-ho-hezbollah-va-amal-pha-huy-trai-bieu-tinh-o-beirut-thu-tuong-hariri-tu-chuc/

Biển Đông dự kiến sẽ được thảo luận

tại Thượng đỉnh ASEAN 35

Việc Hoa Kỳ chỉ cử Bộ trưởng Thương mại tham dự Thượng đỉnh Đông Á sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan tuần này sẽ khiến các quốc gia đối tác châu Á thất vọng.
Các nước này đang rất lo lắng trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Reuters dẫn một tuyên bố của Nhà Trắng loan tin rằng, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ tham dự diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Chile giữa tháng 11 tới.
Thương chiến Trung Mỹ: ‘ASEAN chắc chắn bị ảnh hưởng’
ASEAN làm gì nếu có xung đột ở Biển Đông?
Với Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN thường niên sẽ diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, cùng với Thượng đỉnh ASEAN, từ ngày 2-4/11, quan chức cấp cao nhất của chính quyền Hoa Kỳ tham dự sẽ là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Ông Ross cũng dự kiến sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết rằng, Tổng thống Trump đã chỉ định cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien làm đặc phái viên của ông tại các hội nghị thượng đỉnh.
David Stilwell, trợ lý‎ Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương cũng sẽ đến Bangkok, nhưng phái đoàn Hoa Kỳ sẽ ở cấp cao hơn các quốc gia khác trong khu vực gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Báo cáo chiến lược của Lầu Năm Góc năm nay tuyên bố rằng, Ấn Độ – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên với nước Mỹ trong tương lai, và chính quyền Trump cũng đã dần tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại các hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Đông Nam Á.
Tuy Tổng thống Trump đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Đông Nam Á, diễn ra vào năm 2017, tại Manila, Philippines, nhưng ông chưa bao giờ tham dự một cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á nào cả. Năm ngoái, Phó Tổng thống Mike Pence là đại diện cho Hoa Kỳ tại các cuộc họp này ở Singapore.
Ngược lại, người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Barack Obama lại tham dự tất cả các cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á kể từ năm 2011, chỉ trừ một lần vào năm 2013, ông phải hủy bỏ kế hoạch tham dự do chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa.
Một vấn đề thực sự
Các nhà ngoại giao châu Á nói rằng, việc thiếu đại diện cấp cao nhất của Hoa Kỳ tại Bangkok sẽ gây thất vọng giữa khi khu vực này ngày càng lo ngại trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tổng thống Trump có kế hoạch tham dự cuộc họp của APEC ở Chile, vốn chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế. Ông Trump từng nói rằng, tại đây, ông hy vọng sẽ ký kết phần đầu thỏa thuận với Trung Quốc, nhằm tiến tới chấm dứt cuộc chiến mậu dịch kéo dài và gây nhiều tổn hại.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói rằng, việc ông Trump vắng mặt ở Bangkok sẽ đặt dấu hỏi về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này, nhất là sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vào năm 2017, ngay sau khi ông Trump nhậm chức.
Matthew Goodman, cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, nói với hãng tin Reuters rằng, kế hoạch của Hoa Kỳ tại Bangkok là “một vấn đề thực sự.”
“Như Woody Allen đã nói, 80 hoặc 85% cuộc sống thể hiện qua những gì ở bên ngoài. Và điều đó càng đúng với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Nếu xuất hiện, bất cứ điều gì bạn nói hay làm, bạn đều sẽ nhận được sự khen ngợi. Còn nếu không, đó quả là một vấn đề thực sự.”
Amy Searight, từng là quan chức quốc phòng cấp cao dưới thời Tổng thống Obama và hiện là cố vấn cấp cao của CSIS, cho biết, Thượng đỉnh Đông Á đã trở thành diễn đàn đối thoại chiến lược hàng đầu cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thu hút các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như của 10 quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Bà nói, với Reuters rằng, việc không có nhà lãnh đạo cấp cao nào của Hoa Kỳ tham dự một hội nghị thượng đỉnh gồm 17 nhà lãnh đạo khác đến từ Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là tin rất nổi bật.
“Tôi nghĩ, thông tin đó khiến người ta phải đặt câu hỏi… chính quyền này nghiêm túc đến mức nào trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Mở và Tự do. Nó cũng khiến người ta đặt câu hỏi về độ tin cậy của Hoa Kỳ, với tư cách là đối tác chiến lược của khu vực này,” bà nói.
Thúc đẩy RCEP
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị thượng đỉnh khác diễn ra sau Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, từ ngày 2-4/11. Tuy nhiên, các hội nghị của các quan chức ngoại giao đã diễn ra từ ngày 31/10.
Dự kiến có 3.000 quan chức và nhà báo đến từ 10 nước Đông Nam Á và các quốc gia trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand, Ấn Độ tham gia các hội nghị lần này.
Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề như: hợp tác, xây dựng ổn định theo hướng bền vững, quản lý biên giới, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa, phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuẩn bị cho thế hệ mới, chuyển đổi số, sử dụng công nghệ và đổi mới-sáng tạo kỹ thuật số và thúc đẩy giáo dục và chăm sóc đối với tất cả các nhóm dân cư.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự hội nghị này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN này, dự kiến diễn ra lễ trao vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 cho Việt Nam.
Còn theo AFP, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kỳ này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy việc ký kết hiệp định RCEP, để hình thành một khu vực tự do thương mại bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước khác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Hiệp định RCEP được khởi xướng vào tháng 11/2012, với mục đích thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa các nước nói trên, tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.
Nếu được ký kết, hiệp định này dự kiến sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Con số này lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phiên bản mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1/2017.
Các nhà đàm phán của RCEP hiện đã sẵn sàng tuyên bố kết thúc các cuộc đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, với việc hoàn tất đàm phán khoảng 80% thỏa thuận thương mại.
Biển Đông sẽ được thảo luận
Tuyên bố chung ASEAN nhắc đến ‘sự cố nghiêm trọng’ ở Biển Đông
Vai trò Việt Nam ở Hội nghị Cấp cao Asean
Tờ The Economic Times ngày 27.10 đưa tin Thái Lan và ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung dự kiến được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14.
Còn bBusinessmirror của Philippines dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nước này, bà Junever Mahilum-West, cho biết là Tổng thống Rodrigo Duterte dự kiến thúc đẩy việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) khi ông dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan.
“Tôi không muốn nói trước những gì Tổng thống sẽ phát biểu. Nhưng xem xét các điều kiện và tình hình thực tế, cả trên đất liển lẫn trên biển như ở Biển Đông, tôi nghĩ Tổng thống sẽ phải phát biểu điều gì đó về chuyện này,” bà nói.
Bà Mahilum-West cũng cho biết là vấn đề về COC sẽ được thảo luận trong cả ba trụ cột hợp tác của ASEAN gồm an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội.
“Như vậy, vấn đề đó sẽ được thảo luận. Sau đó, tôi nghĩ, chúng ta có thể hy vọng rằng, các quốc gia sẽ đưa ra quan điểm của mình. Tuy nhiên, với các thảo luận chuyên sâu, chúng ta không mong đợi điều đó sẽ xảy ra trong hội nghị này, cũng như các hội nghị sau đó,” bà cho biết.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philipines Albert del Rosario cho rằng, Philippines nên cảnh giác tối đa để bảo đảm rằng, COC không được Bắc Kinh sử dụng nhằm phá hoại chiến thắng pháp lý của vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn nếu không bị COC ràng buộc.
Ông del Rosario cũng cho rằng Philippines nên tham khảo ý kiến Việt Nam, chia sẻ quan điểm và đánh giá với nhau về COC có thể có một kế hoạch hành động thống nhất có lợi cho cả hai nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50231393

Tư tưởng của nhà nước Hồi Giáo

vẫn tồn tại ở Đông Nam Á

Tin Jakarta, Indonesia – Tuy Hoa Kỳ đã tiêu diệt thủ lãnh Nhà Nước Hồi Giáo Abu Bakr al-Baghdadi, nhưng tư tưởng của tổ chức khủng bố này vẫn lan truyền ở Đông Nam Á, và các cơ quan an ninh trên khắp khu vực đang đề phòng nguy cơ xảy ra các vụ tấn công trả thù. Nhà chức trách Indonesia và
Malaysia đang hết sức đề phòng, trong khi các chuyên gia chống khủng bố khuyến cáo rằng nhiều khả năng những kẻ trung thành với ISIS sẽ tràn vào Philippines.
Một chuyên gia chống khủng bố của Cơ quan cảnh sát hoàng gia Malaysia bình luận, cái chết của Baghdadi sẽ không có ảnh hưởng gì lớn tới Malaysia, do các vụ khủng bố tại đây thường gây ra bởi những kẻ tấn công đơn độc, bị cực đoan hóa bởi tư tưởng thánh chiến của ISIS. Một khi tư tưởng này chưa bị loại trừ, mối đe dọa khủng bố sẽ vẫn còn đó. Tương tự, nhà chức trách Indonesia cho biết hệ tư tưởng của ISIS đã lan truyền khắp nước này thông qua các mạng xã hội, và thâm nhập sâu đến mức việc ngăn chặn ảnh hưởng là hết sức khó khăn. Viên chức Indonesia nói lãnh đạo mới của ISIS sẽ là yếu tố quyết định xem các mối đe dọa khủng bố có giảm đi hay không, trong thời gian đó, Jakarta sẽ luôn đề phòng nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, theo giới chuyên gia, nhiều khả năng những kẻ trung thành với ISIS sẽ tràn vào Philippines, nơi duy nhất tại Đông Nam Á có những vùng lãnh thổ thật sự bị kiểm soát bởi những tổ chức ủng hộ Nhà Nước Hồi Giáo. Đảo Mindanao, hòn đảo ở phía nam Philippines, là khu vực thường xuyên xảy ra khủng bố. Vào năm 2017, một tổ chức liên minh với ISIS đã chiếm đóng thành phố Marawi trong 5 tháng, trước khi bị quân đội chính phủ đánh bại. Đây là vụ tấn công lớn nhất của IS tại Đông Nam Á, khiến 1,100 người thiệt mạng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/tu-tuong-cua-nha-nuoc-hoi-giao-van-ton-tai-o-dong-nam-a/

Nhà nước Triều Tiên bảo trợ kinh doanh ma túy?

Một nhà cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên Thae Yong Ho cho biết, việc buôn bán ma túy tại đất nước Triều Tiên là do nhà nước bảo trợ. Hiện nhà nước cũng lại đang tìm cách khắc phục tình trạng nghiện ma túy lan rộng, theo Yahoo Finance.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Yahoo Finance bên lề Diễn đàn Tự do Oslo 2019, Thae Yong Ho nói rằng: “Tại Bắc Triều Tiên, việc nghiện ma túy thực sự là một vấn đề. Đó là lý do tại sao, ngay cả chính phủ cũng đang tìm các biện pháp để ngăn chặn sự lan tràn của các loại ma tuý. Nhiều loại ma tuý thô thậm chí được sản xuất bởi các hộ gia đình”.
“Ở Bắc Triều Tiên họ gọi nó là băng, đá lạnh, bởi vì khi bạn sản xuất ra nó trông giống như một miếng băng nhỏ … ma tuý thực sự, thực sự, thực sự là một vấn đề”. Ông nói thêm.
Ông Thae từng là phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Vương quốc Anh, ông đã trốn sang Hàn Quốc vào năm 2016. Ông là một quan chức cấp cao đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên.
Trong khi số liệu thống kê về vấn đề nghiện ma túy ở Triều Tiên không được công bố, nhưng một số báo cáo riêng biệt đã xuất hiện.
Theo Andrei Lankov, một chuyên gia về miền Bắc Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, Hàn Quốc nói với New York Time: “Cho đến gần đây, thuốc lắc đã được nhìn thấy bên trong Bắc Triều Tiên nhiều như một loại đồ uống tăng lực – thứ gì đó như Red Bull được lan rộng”.
Theo Daily NK ghi nhận hồi đầu năm nay, số thanh thiếu niên nghiện đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng, với nhiều người ở độ tuổi 20 và 30, thậm chí cả học sinh trung học, dùng và hút thuốc lắc ngay trong các bữa tiệc sinh nhật.
Theo Radio Free Asia, thuốc lắc pha lê là mặt hàng quà tặng bán chạy nhất trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo truyền thông nhà nước, tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức nước này đã phải triển khai một loại thuốc tiêm Selen, được sử dụng để điều trị chứng nghiện.
Theo ông Thae, phần lớn ma tuý được đặt làm trong các nhà máy dược phẩm nhiều nhất là ở tỉnh Hamgyong. Ở phía nam Hamgyong là tỉnh Hamhung, đứng vào hàng thứ hai, tập trung sản xuất thuốc lắc pha lê.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31181-nha-nuoc-trieu-tien-bao-tro-kinh-doanh-ma-tuy.html

Đài Loan thông qua luật

cho phép mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ

Quốc hội Đài Loan vào ngày 29 tháng 10 chuẩn thuận khoản ngân sách đặc biệt cho thời gian 7 năm tới để mua 66 chiến đấu cơ F-16 V của Hoa Kỳ.
Truyền thông Đài Loan cho biết sau khi các dân biểu thuộc cả đảng cầm quyền và phía đối lập đạt được đồng thuận vào ngày 24 tháng 10, Lập pháp viện vào ngày 29 tháng 10 thông qua dự luật cho phép mua đội chiến đấu cơ mới F-16 V của Hoa Kỳ.
Mục tiêu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của đảo quốc vào khi mối đe dọa từ Trung Quốc gia tăng.
Dự thảo luật có 6 điều khoản qui định chi phí tối đa cho thương vụ mua 66 chiến đấu cơ F-16 V của Mỹ không được quá 250 tỷ Đài tệ, tương đương chừng 8,08 tỉ đô la Mỹ. Nguồn kinh phí được cấp từ một ngân sách đặc biệt.
Các vị dân cử Đài Loan cũng thông qua bốn nghị quyết do phía đối lập khởi xướng yêu cầu phía Hoa Kỳ chuyển giao cho các công ty Đài Loan công nghệ của một số cơ phận chính loại chiến đấu cơ mới. Mục tiêu nhằm phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan và cuối cùng biến đảo quốc này thành một trung tâm khu vực chuyên duy tu, bảo trì chiến đấu cơ F-16.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 8 vừa qua chuẩn thuận kế hoạch bán 66 chiến đấu cơ F-16 V cho Đài Loan. Mục tiêu cụ thể là giúp đáp ứng nhu cầu phòng thủ của đảo quốc này. Theo kế hoạch Đài Loan sẽ nhận bàn giao số chiến đấu cơ F-16 V từ Hoa Kỳ vào năm 2023 đến năm 2026.
Hồi tuần trước, Quân đội Đài Loan cho biết họ nhận được dự thảo thư đề nghị và chuẩn thuận trong đó có những chi tiết về việc chào bán những chiến đấu cơ F-16 V cho Đài Loan.
Lần gần nhất Hoa Kỳ bán chiến đấu cơ cho Đài Loan là vào năm 1992. Tổng thống lúc đó là ông George H. Bush công bố thương vụ bán 150 chiến đấu cơ F-16 A/B cho đồng minh Đài Loan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-passes-special-budget-allowing-purchase-of-f-16v-fighters-from-us-10302019084202.html

Biểu tình Hong Kong:

Carrie Lam lại cảnh báo suy thoái kinh tế

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cho biết thành phố có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm trong năm nay sau khi nhiều tháng biểu tình đã làm suy yếu nền kinh tế.
Tình trạng bất ổn đã làm gián đoạn các doanh nghiệp và giáng một đòn nặng nề vào ngành du lịch và bán lẻ.
Joshua Wong bị cấm tranh cử vì nghi không trung thành với chính quyền
Hong Kong trước Quốc khánh TQ: Người biểu tình lên lịch, Joshua Wong sắp tranh cử
Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không?
Cảnh báo được đưa ra trước khi các số liệu tổng sản phẩm quốc nội sơ bộ được công bố vào thứ Năm 31/10, dự kiến sẽ cho thấy Hong Kong bước vào một cuộc suy thoái.
Điều đó được định nghĩa là hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Trong một cuộc họp ngắn tại Hong Kong hôm 29/10, bà Lam cho biết con số tăng trưởng quý ba có khả năng cho thấy kết quả đó.
Để chống lại sự lao dốc, bà cho biết đến nay thành phố đã bơm hơn 2,6 tỷ đôla để hỗ trợ nền kinh tế bao gồm các lĩnh vực vận tải, du lịch và bán lẻ.
Bà Lam cho biết chính phủ sẽ đưa ra nhiều biện pháp cứu trợ hơn nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.
Nhận xét của bà được đưa ra sau một cảnh báo tương tự từ Bộ trưởng Tài chính Paul Chan hồi cuối tuần. Ông nói rằng sẽ “vô cùng khó khăn” để đạt được mức tăng trưởng dự báo trước biểu tình của chính phủ từ 0% đến 1% cho năm 2019.
“Đây là cú đánh toàn diện vào nền kinh tế Hong Kong [vì các cuộc biểu tình] ,” ông Chan nói.
Hong Kong là một phần của Trung Quốc, nhưng công dân của họ có quyền tự trị hơn so với dân đại lục.
Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các nhà hoạt động ngày càng trở nên bạo động, khi cảnh sát sử dụng hơi cay và người biểu tình tràn vào đập phá tòa nhà quốc hội.
Những cuộc biểu tình khiến Hong Kong sụt giảm mạnh lượng khách du lịch, với số lượng khách dự kiến sẽ giảm 50% trong tháng Mười.
Hong Kong là một trong những thành phố được đến thăm nhiều nhất trên thế giới vào năm ngoái, với 30 triệu khách du lịch.
Các nhà bán lẻ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một số cửa hàng đã buộc phải rút ngắn thời gian giao dịch, trong khi người lao động cho hay họ lo ngại về sự an toàn của bản thân cũng như việc đi làm.
Ông Chan cho biết vào tháng Tám rằng doanh số bán lẻ đã giảm hơn 25% – mức giảm hàng tháng lớn nhất trong lịch sử.
https://www.bbc.com/vietnamese/50230552

Hong Kong đối mặt với những biểu tình lớn

vào ngày lễ Halloween

Hàng ngàn người ủng hộ dân chủ ở Hong Kong dự kiến sẽ đeo mặt nạ, mặc trang phục Halloween diễu hành vào ngày thứ Năm, 31/10.
Reuters cho biết, những người biểu tình sẽ diễu hành mà không có giấy phép của cảnh sát. Những người biểu tình sẽ tụ tập và diễu hành ở khu Lan Kwai Fong nơi có nhiều quán bar.
Hồi tháng này, đặc khu trưởng Hong Kong, bà Carrie Lam đã đưa ra lệnh cấm đeo mặt nạ đối với người biểu tình. Tuy nhiên, không có mấy người tuân theo lệnh cấm này. Trong khi đó, việc đeo mặt nạ cho ngày Halloween không bị cấm.
Cảnh sát Hong Kong đã ra thông báo cảnh báo người dân không đến những nơi có tập trung biểu tình vào ngày lễ Halloween vì lo ngại sẽ có những nguy hiểm.
Những cuộc biểu tình có lúc lên đến hơn 1 triệu người tham gia đã diễn ra ở Hong Kong suốt gần 5 tháng qua. Những người biểu tình đòi dân chủ và phản đối sự can thiệp của Bắc Kinh vào chuyện nội bộ của Hong Kong. Cho đến lúc này, đã có hơn 2.000 người tham gia biểu tình bị bắt giữ theo con số thống kê của cảnh sát Hong Kong. Trong số này có khoảng 700 người dưới 18 tuổi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hong-kong-braces-for-halloween-havoc-as-protesters-target-party-district-10302019084746.html

Hội nghị kỳ bốn, khóa 19 của Cộng đảng Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa
Sau nhiều tháng chờ đợi, tuần này, Hội nghị Kỳ bốn của Ban Chấp hành Trung ương thuộc Khóa 19 được đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập tại Bắc Kinh, từ ngày 28 đến 31 Tháng 10. Vì sao kỳ họp này lại quan trọng và đáng được lưu ý? Điễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu và giải thích…
Tầm quan trọng của Hội nghị kỳ bốn
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuối cùng thì Hội nghị Kỳ 4 của đảng Cộng sản Trung Quốc đã được triệu tập vào tuần này tại Bắc Kinh. Xin ông trình bày cho bối cảnh và giải thích về tầm quan trọng của biến cố đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin khởi đi từ một sáng kiến của Lenin, gọi là “dân chủ tập trung” mà có khi nhiều người sống trong các xã hội tự do dân chủ ít hiểu.
- Trung Quốc có khoảng một tỷ 400 triệu dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản. Đảng này có chừng 90 triệu đảng viên, năm năm một lần, họ đề cử gần ba ngàn đại biểu về thủ đô Bắc Kinh dự Đại hội đảng. Nơi đây, các đại biểu bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương gồm 205 Ủy viên và 171 người dự khuyết, mỗi lần họp như vậy thì gọi là một Khóa. Lần chót, vào cuối năm 2017, Đại hội đảng Khóa 19, gọi là “Thập cửu đại”, đã thành hình. Ban Chấp hành Khóa 19 đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 25 Ủy viên, và Thường vụ Bộ Chính trị có bảy người thật sự lãnh đạo cả nước. Nhưng trên cùng thủ lãnh tối cao là Tổng bí thư đảng, ông kiêm nhiệm chức “quốc gia chủ tịch”, và nhiều trọng trách khác của nhà nước và quân đội. Thủ lãnh hiện nay là Tập Cận Bình.
Thứ nhất, đảng hứa hẹn thịnh vượng cho người dân thì sự thịnh vượng chưa có, mà Trung Quốc còn có thể rơi vào “bẫy sập của lợi tức trung bình”. Thứ hai, đảng cho người dân niềm tự hào thay thế cho sự thịnh vượng, là Trung Quốc nay là cường quốc quân sự được thế giới nể trọng như đã thấy trong lễ Quốc khánh vào đầu Tháng 10. Sau Quốc khánh thì họ rơi vào thực tế.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Lý luận “dân chủ tập trung” vẽ ra một cái tháp, trên đỉnh cao là người ngự trị, bên dưới lần lượt là bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, 25 Ủy viên Bộ Chính trị, rồi Ban Chấp hành Trung ương có 205 người đại diện cho khoảng 2890 đại biểu là 90 triệu đảng viên đương nhiên thay mặt cho một tỷ 400 triệu dân.
- Về lý thuyết, điều lệ đảng quy định rằng cơ chế lãnh đạo tối cao giữa hai Khóa hay hai Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương. Về thực tế thì cơ chế lãnh đạo tập trung vào Bộ Chính trị và Tổng bí thư. Nhưng thực tế cũng đề ra là Bộ Chính trị phải triệu tập Hội nghị ban Chấp hành Trung ương, chừng bảy lần cho mỗi khóa. Nếu ta nhớ về quá khứ, các Hội nghị ấy có tầm quan trọng của nó, như Hội nghị Kỳ 3 của Khóa 11 vào Tháng 12 năm 1978 đã phát động việc cải cách của Đặng Tiểu Bình vào năm sau, hay Hội nghị Kỳ 4 của Khoá 13 vào năm 1989 đã quyết định thanh trừng Tổng bí thư Triệu Tử Dương trong vụ Thiên An Môn.
Nguyên Lam: Thưa ông, lần này, Hội nghị Kỳ 4 của Khóa 19 có thể dẫn tới quyết định gì không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, xin hãy nói về tiến trình và thủ tục quyết định, sau đó mới là quyết định về cái gì.
- Khi tổ chức một Đại hội năm năm một lần thì Bộ Chính trị cũ đã tranh luận, vận động và thuyết phục nhau để chuẩn bị nghị trình và nhân sự sẽ lãnh đạo, ai đi ai ở, ai lên ai xuống và ai làm việc gì. Vì vậy, vừa được đề cử vào Trung ương đảng, Ban Chấp hành bèn lập tức họp Hội nghị Kỳ 1 để đề cử 25 Ủy viên Bộ Chính trị. Cơ chế này mới chọn bảy hay chín người vào Thường vụ Bộ Chính trị. Sau đó mới phân công trách nhiệm điều khiển các bộ phận then chốt trong Đảng, Nhà nước và Quân đội, được công bố sau Hội nghị Trung ương Kỳ 2 để Quốc hội chính thức thông báo cho quốc dân vào khoảng Tháng Ba đầu năm. Tất cả đều là một vở kịch, nhưng là kịch câm vì chẳng có âm thanh và thông tin cho tới cuối.
Nguyên Lam: Như ông vừa trình bày thì sau Đại hội đảng của một Khóa mới, họ có ngay hai Hội nghị Trung ương để, thứ nhất đề cử lãnh đạo đảng, thứ hai là Hội nghị Trung ương sẽ thông báo các quyết định của lãnh đạo cho Quốc hội. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin hơi dài dòng về thủ tục trong phần bối cảnh. Ta nên nhớ tới cơ chế đảng, rồi nhà nước và quân đội, là một bộ phận bảo vệ đảng.
- Sau một Đại hội đảng thì Tổng bí thư đương nhiên kiêm nhiệm chức Chủ tịch và lãnh đạo 1) Quốc vụ viện do một Tổng lý cầm đầu, là Thủ tướng của Hội đồng Chính phủ, 2) cơ chế đại diện nhân dân là Quốc hội và 3) cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị gọi tắt là Chính Hiệp. Trong Quân đội là hai ủy ban trung ương có cùng tên và cùng cơ cấu nhân sự gọi là Trung ương Quân ủy hội, một bên là đảng, một bên là nhà nước, do Tổng bí thư cầm đầu, để đảng và nhà nước cùng lãnh đạo quân đội. Hệ thống đó được duy trì 10 năm, với vài thay đổi về nhân sự sau Đại hội 19 vào cuối năm 2017, cũng là Đại hội chuẩn bị cho việc chuyển quyền năm năm sau, tại Đại hội khóa 20 vào năm 2022.
- Kiểm lại thì sau một năm chuẩn bị Đại hội 18, cuối năm 2012, Đảng công bố thành phần lãnh đạo sau Hội nghị Kỳ 2 vào cuối Tháng Hai 2013 cho Quốc hội hợp thức hóa. Sau đó là tám tháng bàn thảo để Đảng công bố chủ trương đường lối cho thời gian tới sau Hội nghị Trung ương Kỳ 3. Hội nghị này được gọi tắt là “Tam trung hội” và quốc tế phiên dịch là Third Plenum hay Third Plenary Session.
- Trong tám tháng bàn thảo đó, mỗi lãnh tụ hay cơ chế lại phát biểu về đường lối để chuẩn bị dư luận và cũng để thuyết phục lẫn nhau hầu đưa ra chủ trương kinh tế thống nhất. Lần này, sau ba Hội nghị Trung ương của Đại hội Khóa 19, vào cuối năm 2017, vào Tháng Giêng năm 2018 và 28 Tháng Hai năm 2018, vì sao Tập Cận Bình lại trì hoãn Hội nghị Trung ương 4 cho tới 28 Tháng 10, 2019 mà lại chẳng thông báo gì về chủ trương kinh tế?
Những bất thường
Nguyên Lam: Đi từ thể thức quá khứ của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông thấy rằng có gì hơi bất thường, nhất là về kinh tế. Nguyên Lam xin đề nghị ông chia sẻ cho thính giả của chúng ta những nhận xét của ông về sự bất thường đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nếu tạm tổng kết thì sau 30 năm lãnh đạo của Mao Trạch Đông nhờ cực quyền và gian trá với cao điểm là 10 năm hỗn loạn của Cách mạng Văn hoá cho đến khi Mao tạ thế vào Tháng Chín năm 1976, Đặng Tiểu Bình mất hai năm đảo chánh nội bộ trước khi giành lại quyền bính. Ông công bố chiến lược “cải cách và khai phóng” sau Hội nghị Kỳ Ba của Khoá 11 vào Tháng 12 năm 1978. Nhưng 10 năm sau thì việc cải cách lại gây động loạn xã hội ở dưới và phân hóa chính trị trên thượng tầng nên mới có vụ khủng hoảng và tàn sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào Tháng Sáu năm 1989, cách nay đúng 30 năm. Ngày nay, cái bình mới là Tập Cận Bình đang gặp những bài toán tương tự.
Nguyên Lam: Thưa ông, những bài toán đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, Hội nghị Kỳ 3 của Khóa 18 đề ra chủ trương cải cách kinh tế theo quy luật thị trường mà chẳng tiến hành như dự tính và dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình còn đi vào tiến trình trái ngược, gọi là “quốc tiến, dân thoái”, quốc doanh thì được yểm trợ nâng đỡ chứ dân doanh hay tư doanh thì bị đảng đè nén và kiểm soát chặt chẽ. Về lý luận thì có gì đó khá bất thường.
- Về thực tế thì đà tăng trưởng kinh tế xứ này đã giảm mạnh, tới mức chưa từng thấy từ gần 30 năm qua, chính xác là 27 năm. Mà tăng trưởng chính thức là 6% là số liệu thống kê khó tin, chứ thực tế thì chỉ bằng phân nửa, chừng 3%. Và phân nửa đó là kết quả của các biện pháp kích thích kinh tế như bơm tiền và cho vay với lãi suất rẻ và thổi lên bong bóng đầu cơ với tệ nạn hủy hoại môi sinh và bất công xã hội. Tập Cận Bình không thể không biết thực trạng đó, nhưng bài toán của ông ta nằm ở chỗ khác.
Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì bài toán đó nằm ở đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2007, khi Tập Cận Bình được chuẩn bị kế nhiệm thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau các lãnh tụ là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, thì chính Hồ Cẩm Đào đã nói về nền kinh tế “bốn không” của Trung Quốc: “không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững”. Điều bất ngờ là nạn Tổng Suy Trầm năm 2008-2009 khiến Bắc Kinh ào ạt bơm tiền làm đà tăng trưởng vượt qua sản lượng của Nhật Bản vào năm 2010, và gây ảo giác, nhưng lại chất thêm vấn đề như Hồ Cẩm Đào đã thấy trước.
- Lên lãnh đạo sau Đại hội 18 từ cuối năm 2012, Tập Cận Bình muốn giải quyết mà không xong vì ưu tiên không là cải cách kinh tế cho tự do hơn mà là phối hợp để có sự “cân đối”. Họ Tập “phối hợp” bằng tập trung quyền lực qua việc diệt trừ tham nhũng để thanh lọc hàng ngũ đảng viên cao cấp và thanh trừng các đối thủ. Bài toán kinh tế vẫn nằm nguyên ở đó và dĩ nhiên trở thành trầm trọng hơn.
Ưu tiên chính trị
Nguyên Lam: Ông thấy ra hai bài toán của Tổng bí thư Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu, từ 2012 tới 2017, là chính trị và kinh tế, mà ưu tiên lại là chính trị?
Kết luận của tôi là ta sẽ mất thêm thời gian thẩm xét khả năng thuyết phục của Tổng bí thư Tập Cận Bình, nhưng nếu nhìn về dài thì ta không quên rằng trong lịch sử, nhiều cường quốc đã dùng giải pháp quân sự khi chẳng đem lại cơm áo như đã hứa hẹn với người dân. Đây là một kết luận bi quan.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nên hiểu ra ưu tiên chính trị đó vì đấy là sự tồn vong của đảng. Vì vậy, qua nhiệm kỳ hai, sau Đại hội Khóa 19, Tập Cận Bình còn được tập trung quyền lực cao hơn và đề ra “Tư tưởng Tập Cận Bình”, sửa Điều lệ đảng và Hiến pháp để lãnh đạo hơn hai nhiệm kỳ, thành “Hoàng đế vĩnh viễn”. Nhưng sau hai năm lãnh đạo tuyệt đối ấy từ cuối năm 2017, thực tế kinh tế lại suy đồi hơn, nên khó có Hội nghị Kỳ 4 để Ban Chấp hành Trung ương cùng thảo luận về giải pháp kinh tế mà sẽ thảo luận về tương lai chính trị, về họ Tập.
- Chúng ta nên chú ý tới hai điều. Thứ nhất, đảng hứa hẹn thịnh vượng cho người dân thì sự thịnh vượng chưa có, mà Trung Quốc còn có thể rơi vào “bẫy sập của lợi tức trung bình” vì thu nhập bình quân một đầu người vẫn chỉ lanh quanh 10.000 đô la một năm so với bốn năm chục ngàn của các xứ tiên tiến, kể cả 43 ngàn của dân Hồng Công. Thứ hai, đảng cho người dân niềm tự hào thay thế cho sự thịnh vượng, là Trung Quốc nay là cường quốc quân sự được thế giới nể trọng như đã thấy trong lễ Quốc khánh vào đầu Tháng 10. Sau Quốc khánh thì họ rơi vào thực tế.
Nguyên Lam: Và thực tế đó là Hội nghị Trung ương Kỳ 4 đang được tiến hành. Theo như ông nghĩ, tình hình rồi sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đang chứng kiến một vở kịch câm chưa hạ màn nên khó nói trước được. Tập Cận Bình trì hoãn Hội nghị Kỳ 4 tới 20 tháng có thể vì hơn 200 Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương không theo ý kiến của ông như Bộ Chính trị. Qua mấy tháng vận động, ông cố thuyết phục Trung ương đảng về sự chọn lựa của mình khi nói về kỷ luật đảng, về cách xử trí với các đảng viên không tuân thủ kỷ luật hơn là về đường lối kinh tế cho quốc dân trong bối cảnh quốc tế mới. Một giả thuyết dễ dãi là ông sẽ đề nghị mở rộng thành phần Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ bảy lên chín người như trước đây, để có một người thân tín là Trần Mẫn Nhĩ, đang là Bí thư Trùng Khánh, nhưng chấp nhận thêm Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, là người đã được chuẩn bị thay thế ông ta từ lâu.
- Kết luận của tôi là ta sẽ mất thêm thời gian thẩm xét khả năng thuyết phục của Tổng bí thư Tập Cận Bình, nhưng nếu nhìn về dài thì ta không quên rằng trong lịch sử, nhiều cường quốc đã dùng giải pháp quân sự khi chẳng đem lại cơm áo như đã hứa hẹn với người dân. Đây là một kết luận bi quan.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/the-cccp-fourth-plenum-10292019141515.html

Trung Quốc tố Mỹ ‘hiếp đáp kinh tế’

Trung Quốc ngày 29/10 tố cáo Mỹ có thái độ hiếp đáp kinh tế sau khi giới hữu trách Mỹ viện dẫn những quan ngại về an ninh đề nghị cắt ngân quỹ cho các thiết bị của Trung Quốc trong các mạng lưới viễn thông Mỹ.
Trung Quốc sẽ cực lực phản đối việc Mỹ lạm dụng sức mạnh nhà nước để áp chế các công ty Trung Quốc bằng những lời tố cáo vô căn cứ thiếu bằng cớ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, tuyên bố tại cuộc họp báo thường nhật.
“Thái độ hiếp đáp kinh tế của Mỹ là sự chối bỏ nguyên tắc kinh tế thị trường mà Mỹ luôn quảng bá,” ông Cảnh nói và khuyến cáo rằng hành động của Mỹ sẽ gây phương hại lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
“Chúng tôi muốn thúc giục Mỹ một lần nữa chấm dứt lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia,” ông Cảnh kêu gọi.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ tháng sau sẽ biểu quyết việc cấm các công ty viễn thông dùng trợ cấp nhà nước chi trả cho thiết bị mạng từ hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE.
Cơ quan này cũng tìm hiểu về tác động của việc yêu cầu các công ty loại bỏ thiết bị hiện dùng của Huawei và ZTE, đề nghị được cho là sẽ tiêu tốn đến 1 tỷ đô la.
Quốc hội đã có các dự luật đề nghị dành từ 700 triệu đến 1 tỷ đô la cho các công ty viễn thông thay thế các mạng lưới của họ.
Chính phủ Mỹ nói Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng thứ hai trên thế giới, đề ra một mối đe dọa về do thám.
Washington cũng áp lực các đồng minh cấm Huawei tham gia vào các mạng lưới viễn thông của các nước và hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ cho Huawei.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BB%91-m%E1%BB%B9-hi%E1%BA%BFp-%C4%91%C3%A1p-kinh-t%E1%BA%BF-/5144598.html

TQ phải công nhận chủ quyền của Manila

trên Biển Đông trước khi khai thác chung

Philippines và Trung Quốc tháng 8 đồng ý thành lập các nhóm làm việc khai thác thỏa thuận thương mại dầu khí ở Biển Đông, vấp phải quan điểm trái chiều nội bộ.
Bắc Kinh phải công nhận chủ quyền của Philippines trên Biển Đông trước khi hai bên có thể khai thác dầu khí chung, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo nói hôm 28/10.
“Đối với tôi, tiền đề cho việc thỏa thuận với Trung Quốc là việc nước này phải thừa nhận quyền chủ quyền và chủ quyền của chúng tôi trong các khu vực sẽ khai thác chung” – bà Robredo nói.
Philippines và Trung Quốc hồi tháng 8 đồng ý thành lập các nhóm làm việc để khai thác các thỏa thuận thương mại dầu khí ở Biển Đông.
Bà Robredo nhắc đến chiến thắng mang tính bước ngoặt của Philippines trước Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hague, phán quyết chống lại các yêu sách lịch sử phi pháp của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông năm 2016.
Philippines và Trung Quốc ký một bản ghi nhớ thỏa thuận về thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Manila vào tháng 11 năm 2018.
Đây không phải là lần đầu tiên Phó Tổng thống Robredo chỉ trích chính quyền ông Duterte nhân nhượng trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy thỏa thuận khai thác chung với Bắc Kinh.
Hồi tháng 9, bà Robredo công khai tuyên bố việc Tổng thống Duterte có ý định gạt phán quyết Biển Đông sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Bắc Kinh là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm. “Tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào không nên trả giá bằng việc duy trì các quyền của chúng ta đối với Biển Đông. Đảm bảo tương lai tốt đẹp cho thế hệ sau là một trong những trọng trách quan trọng và khó khăn nhất của bất cứ chính quyền nào”. Bà nói việc bán tương lai để lấy một thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc là một cách đáng xấu hổ để từ bỏ trách nhiệm đó.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8, Bà Leni Robredo thậm chí nói rằng người dân Philippines lo ngại Tổng thống Duterte “bán mình” cho Trung Quốc. “Tôi hiểu tại sao chính quyền mới thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ cần có một đường lối rõ ràng để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi. Tổng thống đã đưa ra rất nhiều tuyên bố mang lại cảm giác chúng tôi đang quen với những gì mà Trung Quốc muốn”, bà Robredo cho hay.
Không chỉ bà Robredo, nhiều chính trị gia và dư luận Philippines cũng phản đối gay gắt ý định gác phán quyết Biển Đông đổi lấy thỏa thuận khai thác chung với Bắc Kinh của chính quyền ông Duterte.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. lên tiếng khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là vượt lên trên thỏa hiệp giữa ông Duterte và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, do đó không thể gạt phán quyết sang một bên. Tương tự, hồi đầu tháng 9 Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cũng khẳng định Tổng thống Philippines không có thẩm quyền quyết định phán quyết của tòa bị bãi bỏ, bị đảo ngược hoặc bị phủ quyết.
http://biendong.net/bi-n-nong/31178-tq-phai-cong-nhan-chu-quyen-cua-manila-tren-bien-dong-truoc-khi-khai-thac-chung.html


Cam kết cho vay 9 tỷ USD, sau 3 năm

TQ mới chi chưa đầy 1 tỷ USD,

Philippines đặt dấu hỏi về lợi ích hợp tác

Sự chênh lệch về con số hỗ trợ tài chính trên đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về những lợi ích cụ thể từ chính sách thân Trung Quốc mà Tổng thống Duterte đã khởi xướng.
Cam kết 9 tỷ USD, hỗ trợ 1 tỷ USD
Trung Quốc và Philippines đã ký 6 thoả thuận vào tuần trước, qua đó nâng mức hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh cho quốc gia Đông Nam Á lên 924 triệu USD, tuy nhiên con số này vẫn là quá nhỏ so với mức cam kết 9 tỷ USD của Trung Quốc vào năm 2016.
Những thoả thuận mới nhất bao gồm các nghiên cứu khả thi cho 2 dự án xây dựng có liên hệ tới chương trình “Build, Build, Build” (Xây, xây, xây) của Tổng thống Duterte, một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mà ông kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Các dự án này bao gồm một cây cầu trị giá 530 triệu USD kết nối các đảo Panay và Guimaras thuộc miền trung Philippines, cũng như một tuyến đường cao tốc với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD ở quê hương ông Duterte tại thành phố miền nam Davao – vốn được cho đang ở giai đoạn cuối của “quá trình lập kế hoạch”.
Hiện những nghiên cứu này được công ty quốc doanh Tư vấn Cao tốc Trung Quốc CCCC cung cấp vốn và đồng thời triển khai. Vào thứ năm vừa qua, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã tham dự lễ kí kết các thoả thuận này tại Manila, sau đó ông Hồ Xuân Hoa đã có cuộc gặp với Tổng thống Duterte để khẳng định sự quan tâm của Bắc Kinh đối với việc đưa các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng của Philippine vào trong khuôn khổ các hoạt động đầu tư thuộc Sáng kiến Vành Đai và Con đường.
Tuy nhiên, những ý kiến đối lập với ông Duterte đặt câu hỏi tại sao khi đã qua nửa nhiệm kỳ, những khoản cho vay và hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh vẫn còn quá nhỏ so với con số 9 tỷ USD mà nước này đã cam kết vào tháng 10/2016.
Tiến độ chậm chạp trong dự án liên quan đến Trung Quốc
Tổng thống Philipin Rodrigo Duterte đã khởi xướng chính sách thân Trung Quốc và khẳng định sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho ngành du lịch và thương mại.
Khi đó, ông Duterte sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chứng kiến lễ kí kết 27 thoả thuận hợp tác song phương. Sự kiện này cũng đánh dấu nỗ lực của ông Duterte nhằm cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Trong khi ông Duterte đưa ra quan điểm một chính sách thân Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, hoạt động thương mại thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu của Philipine từ Trung Quốc đạt mức 22 tỷ USD trong năm 2018, nhưng xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á sang Trung Quốc chỉ đạt 8,8 tỷ USD.
Điểm qua những dự án tại Philippines nhận tài trợ từ Trung Quốc, chỉ có dự án thuỷ lợi dọc sông Chico với giá trị 62 triệu USD bằng vốn vay ưu đãi, với các dự án xây 2 cây cầu ở Manila đã bắt đầu quá trình thi công.
Alvin Camba, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học Johns Hopkins, cho rằng đa phần các dự án nằm trong khoản cam kết 9 tỷ USD của Trung Quốc có thể đã bị trì hoãn do “các yếu tố về thủ tục thay vì những lý do chủ quan”.
Những vấn đề như hủy bỏ, điều chỉnh hay trì hoãn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, hay biên bản ghi nhớ về hỗ trợ tài chính không phải là điều quá mới mẻ với Trung Quốc, Camba nói.
Wilson Lee Flores, một doanh nhân người Philippin gốc Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân Anvil, một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp trẻ Philipine gốc Hoa, nói rằng “hệ thống luật pháp của Philippines đòi hỏi các khoản vay và dự án cần có sự minh bạch nhất định. Mọi thứ phải trải qua các giai đoạn thẩm tra và đánh giá, do đó sẽ cần thời gian để các dự án này được phê duyệt”.
Hơn nữa, “chính phủ nhiệm kỳ trước của Philippines có quan điêm tiêu cực đối với Trung Quốc, do đó những nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong quá khứ gần như là không có. Khi ông Duterte lên nắm quyền, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0″, Flores nói.
Ngược lại, những nghiên cứu khả thi cho các dự án được Nhật Bản tài trợ đã hoàn tất, nên các dự án sẽ được phê duyệt một cách nhanh chóng, Flores nói thêm.
Dự án đập Kaliwa ở phía đông bắc Manila do Trung Quốc tài trợ, một kế hoạch trọng điểm trong chương trình “Xây, xây, xây” của ông Duterte cho thấy sự chậm chạp trong các dự án liên quan đến Trung Quốc.
Giám đốc Viện Kinh tế và Phát triển Quốc gia Ernest Pernia vào thứ năm cho biết Philippines và Trung Quốc đang thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án chung.
Ông Pernia thừa nhận Thượng viện Philippin đã huỷ một số dự án nằm trong chương trình “Xây, xây, xây” do lo ngại về tính khả thi, nhưng khẳng định không có dự án nào bị huỷ có liên quan đến nguồn vốn tài trợ từ Trung Quốc.
Flores cho rằng chuyến thăm của ông Hồ Xuân Hoa đến Philippin là một “dấu hiệu tốt”, không chỉ bởi việc Trung Quốc muốn giữ Manila trong quỹ đạo của nước này, trong bối cảnh các cường quốc khác như Nga, Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng sức ảnh hưởng ở khu vực.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31186-cam-ket-cho-vay-9-ty-usd-sau-3-nam-tq-moi-chi-chua-day-1-ty-usd-philippines-dat-dau-hoi-ve-loi-ich-hop-tac.html

Đập thủy điện gây tranh cãi của Lào bắt đầu hoạt động

Đập thủy điện đầu tiên ở hạ lưu sông Mekong bắt đầu đi vào hoạt động thương mại tại Lào hôm 29/10 giữa lúc dân làng ở Thái Lan biểu tình phản đối, vì cho rằng đập Xayaburi và nhiều công trình khác đang được thi công sẽ phá hủy sinh kế của họ trong tương lai, theo Reuters.
Đập Xayaburi 1.285 megawatt khởi sự hoạt động vào lúc mà nhiều khu vực trên dòng sông Mekong bị khô nước mặc dù đang ở cuối mùa mưa. Các nhà thầu và điều hành con đập nói con đập này không liên quan gì đến dòng chảy của con sông trở nên khô cạn.
Đập Xayaburi là dự án đầu tiên trong số ít nhất chín dự án thủy điện đang được xây dựng hoặc dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mekong tại Lào.
95% năng lượng sản xuất từ đập Xayaburi sẽ được bán cho Thái Lan với mức giá trung bình 2 baht (0,066 USD) mỗi đơn vị.
Một loạt các công trình xây dựng đập mới đã lót đường và sẽ đẩy nhanh các cuộc tranh chấp về an ninh lương thực và nguồn nước, sau nhiều năm lo lắng về 11 con đập hiện hữu do Bắc Kinh xây ở thượng nguồn sông Mekong đang làm tắc nghẽn dòng sông, vốn là sinh kế của hàng triệu người Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam từ bao đời nay.
Được xây dựng từ chín năm trước, trị giá dự án lên đến 135 tỷ baht (4,47 tỷ USD), đập Xayaburi do các công ty và ngân hàng Thái Lan tài trợ. Con đập đã gây tranh cãi từ khi mới bắt đầu xây dựng.
Hôm thứ Ba, các nhà sư Thái Lan ở bên bờ phía Thái Lan của sông Mekong đã tụng kinh và làm lễ cầu phước cho dòng sông.
Các nhà hoạt động của Nhóm Freedom Mekong trước đó đã cảnh báo là sông này đang đứng trước nguy cơ trở thành một dòng sông chết.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%ADp-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n-g%C3%A2y-tranh-c%C3%A3i-c%E1%BB%A7a-l%C3%A0o-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng/5144114.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù