TQ lại sử dụng viện trợ quốc phòng để lôi kéo, chi phối Campuchia


Nhân việc tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9 tổ chức hôm 20-22/10, Phái đoàn quân sự cấp cao Campuchia và nước chủ nhà Trung Quốc đã tiến hành hội đàm. Chính phủ Trung Quốc ký thỏa thuận viện trợ hơn 84,8 triệu USD cho quân đội hoàng gia Campuchia. Động thái này được giới quan sát đánh giá là nhằm lôi kéo sự ủng hộ và từng bước chi phối Campuchia của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực, quốc tế như tranh chấp Biển Đông

“Những viên kẹo bọc đường” mà TQ dành cho Campuchia
Báo chí Campuchia và Trung Quốc loan tin, theo thỏa thuận được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Bắc Kinh hôm 20/10, Bắc Kinh sẽ viện trợ 600 triệu nhân dân tệ (trên 84,8 triệu USD) để hỗ trợ Bộ Quốc phòng Campuchia. Tướng Tea Banh đang dẫn đầu phái đoàn Campuchia tới Trung Quốc để hội đàm về hợp tác quân sự. “Tướng Ngụy Phượng Hòa nói Trung Quốc và Campuchia là những người bạn thân thiết, nhấn mạnh hợp tác giữa quân đội hai nước rất chặt chẽ, đạt được những thành tựu quan trọng.
Đây là cơ chế giúp thúc đẩy quan hệ hai nước”, thông báo của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) cho hay. Theo thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ca ngợi tướng Tea Banh vì những nỗ lực tăng cường quan hệ, hợp tác giữa hai nước và khẳng định Trung Quốc cam kết cung cấp viện trợ và hỗ trợ để phát triển lĩnh vực quân sự của Campuchia. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho rằng quan hệ hai nước phát triển trong những năm qua và ngày càng được tăng cường dưới thời Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho Campuchia trong những năm gần đây. Ngoài các khoản viện trợ quân sự, Bắc Kinh trong năm 2017 đã hỗ trợ Phnom Penh 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương. Kể từ năm 2016, Campuchia đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận chung với Mỹ nhưng hai lần tổ chức diễn tập chung với Trung Quốc. Quân đội hai nước năm nay cũng tổ chức tập trận “Rồng Vàng” với quy mô lớn để tăng cường hợp tác. Ông Hun Sen hồi đầu năm cho biết Trung Quốc đồng ý viện trợ 4 tỷ nhân dân tệ (588 triệu USD) cho nước này trong giai đoạn 2019-2021. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết nhập khẩu 400.000 tấn gạo từ Campuchia, đồng thời thúc đẩy thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2023 và khuyến khích người Trung Quốc đầu tư nhiều hơn.
Đáp lại là việc Campuchia sẵn sàng đi ngược lại lập trường chung của ASEAN để ủng hộ TQ trong vấn đề Biển Đông!
Với vai trò chủ tịch ASEAN năm 2012, Campuchia đã từ chối đề cập đến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến các nước ASEAN lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh. Phó Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng nước chủ nhà Campuchia Hor Nam Hong lúc đó tuyên bố rằng “Lập trường của Campuchia là tranh chấp trên Biển Đông là chuyện song phương giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc, không phải cả khối. Vì vậy các bên tự giải quyết với nhau theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Không thể biến hội nghị này thành nơi phán quyết bên nào đúng bên nào sai”. Trên thực tế, vấn đề Biển Đông được đề cập trong tất cả các cuộc họp lần này với sự quan ngại sâu sắc từ nhiều phía. Phần lớn các bộ trưởng ASEAN đều thấy cần thiết phải đề cập tình hình ở Biển Đông trong tuyên bố chung và việc này là hết sức bình thường, không hàm ý đứng về bên nào.
Đến năm 2016, Quốc hội Campuchia tiếp tục lại gửi yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) bỏ một đoạn đề cập đến tranh chấp Biển Đông khỏi tuyên bố chung mà ASEAN dự kiến đưa ra vào cuối một cuộc họp tại Viêng Chăn (9/2016). Quan điểm của nước này vẫn là Biển Đông không nên được tập trung bởi các nước không liên quan, bởi vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng hơn hơn là vấn đề Biển Đông đối với người dân ASEAN, các nước ASEAN và cả Trung Quốc. Các nước bên ngoài nên tránh xa vấn đề này và không đưa ra phát ngôn vô trách nhiệm liên quan, hay vấn đề Biển Đông chỉ nên giải quyết giữa Trung Quốc với các bên liên quan. Năm 2018, Campuchia là nước chất vấn nhiều nhất những điểm liên quan tới Biển Đông trong Dự thảo Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 tại Singapore (4/2018). Campuchia là nước dẫn đầu với bảy trong tổng số 44 chất vấn văn kiện này, theo sau là Philippines với ba chất vấn. Campuchia yêu cầu bỏ cụm từ “bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn” trong mục “các nước thảo luận chân thành về Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây và đang diễn ra, bao gồm bồi đắp đảo và quân sự hóa ở quy mô lớn”.Campuchia tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của những lời lẽ trong văn kiện. Lập trường của Campuchia là ASEAN không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông và tranh chấp nên được giải quyết song phương giữa các bên.
Gần đây nhất, liên quan vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất xâm phạm và gây phức tạp tại Vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông từ tháng 6/2019, người phát ngôn chính phủ Campuchia ông Phay Siphan hôm 29/7 nhận xét phiên diện rằng “tình hình hiện nay ở Biển Đông là ổn định, nhưng có thể sẽ còn căng thẳng nếu tiếp tục có sự can thiệp từ bên ngoài. Những người bên ngoài không nên tiếp tục khuấy động rắc rối ở Biển Đông dưới danh nghĩa tự do hàng hải. Bất kỳ sự can thiệp nào từ bên thứ ba hoặc người ngoài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, mà còn khơi dậy đối đầu trên Biển Đông”, phát biểu của ông Phay Siphan.Ông Phay Siphan nói Campuchia mong muốn tất cả các bên có liên quan trực tiếp đến các bất đồng ở Biển Đông kiềm chế và tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình. “Cho đến nay, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được tiến triển ổn định trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và chúng tôi khuyến khích tất cả các bên tiếp tục đối thoại hòa bình vì sự hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”, ông Siphan nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù