Tin Việt Nam – 31/10/2019

Tin Việt Nam – 31/10/2019

Phạt 5 năm tù facebooker tội chống phá nhà nước

Thông tin được loan vào ngày 29/10 khi Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang tuyên phạt Nguyễn Văn Phước, 5 năm tù về tội “Làm, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, Phước đã tự tạo và nhờ người thân tạo các tài khoản trên mạng xã hội (facebook). Qua các tài khoản này, Phước dùng để theo dõi, gửi lời kết bạn với các tài khoản khác có ảnh đại diện liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa và các đối tượng được cho là phản động lưu vong.
Bên cạnh đó, Phước cũng nhiều lần livestream nói chuyện về tình hình chính trị và chia sẻ bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bang chính quyền và Đảng CSVN.
Ngày 29/4/2017, Phước làm 3 lá cờ vàng ba sọc đỏ dán lên tường nhà và khu vực khóm Đông An 6, phường Mỹ Xuyên và bị người dân phát hiện, trình báo công an.
Với những hành vi trên, ngày 29/10 Phước bị Tòa án An Giang tuyên phạt 5 năm tù giam.
Vào ngày 31/10, kiến trúc sư Phạm Xuân Hào, thạc sĩ, giảng viên khoa công nghệ Đại học Cần Thơ bị kết án 1 năm tù vì chia sẻ bài viết được cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng trên Facebook.
Trước đó, Tòa án Cần Thơ cũng đã tuyên phạt 2 bị cáo Nguyễn Hồng Nguyên (nick name “Bồ Công Anh”) và Trương Đình Khang (tên tài khoản Hồ Mai Chi) cùng ngụ quận Cái Răng lần lượt 2 năm và 1 năm tù cùng với tội danh như trên.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/5-years-in-prison-to-facebooker-discrediting-party-10312019095517.html

Giảng viên đại học bị kết án 1 năm tù

vì chia sẻ bài viết trên Facebook

Kiến trúc sư Phạm Xuân Hào, thạc sĩ giảng viên Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ hôm 31/10/2019 bị kết án 1 năm tù giam vì chia sẻ bài viết bị cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng trên Facebook.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 31/10.
Theo cáo trạng mà Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ tuyên tại phiên xử, thạc sĩ Phạm Xuân Hào đã phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 1, Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Cụ thể, bị cáo Phạm Xuân Hào, đã sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân để chia sẻ những bài viết tiêu cực trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của cộng đồng mạng xã hội; đưa ra những thông tin trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xâm phạm lợi ích của người khác.
Trước đó, Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ cũng đã tuyên phạt 2 bị cáo cùng ngụ tại quận Ninh Kiều với cùng tội danh nêu trên, là Đoàn Khánh Vinh Quang ở phường An Phú 2 năm 3 tháng tù giam và bị cáo Quách Nguyễn Anh Khoa ở phường An Cư 6 tháng tù giam.
Việt Nam là một trong những quốc gia xếp cuối bảng về tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, tính đến tháng 6 năm 2019, có ít nhất 133 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì thực hành các quyền tự do cơ bản.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế, EU và Hoa Kỳ đã từng lên tiếng chỉ trích Việt Nam về Luật An ninh mạng vừa đi vào hiệu lực từ hồi đầu năm 2019 vì cho rằng luật này nhằm mục đích hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến của người dân.
Theo thống kê của RFA, trong 9 tháng đầu năm 2019, các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 40 người với các cáo buộc tội âm mưu lật đổ nhà nước, tuyên truyền chống chế độ, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí và khủng bố.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/university-lecturers-jailed-for-sharing-negative-posts-on-facebook-10312019095222.html

Các lãnh đạo Petrolimex bị kỷ luật,

cách tất cả chức vụ trong đảng

Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào ngày 31 tháng 10.
Theo tin, Ủy ban kiểm tra trung ương (UBKT) đề nghị Ban bí thư thi hành kỷ luật ông Bùi Ngọc Bảo, nguyên ủy viên ban thường vụ đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương, nguyên bí thư đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Petrolimex.
Bên cạnh đó, trong ngày 31/10, UBKT cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên đảng ủy viên, nguyên bí thư chi bộ, nguyên chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Petrolimex Singapore; cảnh cáo đối với ông Trần Văn Thịnh, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên ủy viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc; kiểm trách ông Trần Minh Hải, phó bí thư thường trực đảng ủy và ông Nguyễn Thanh Sơn, ủy viên ban thường vụ đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
Trước đó, khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, UBKT kết luận Ban Thường vụ Đảng ủy Petrolimex thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để tập đoàn có nhiều vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ; trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản; hoạt động kinh doanh xăng dầu; cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước.
Trong đó, ông Bùi Ngọc Bảo, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn. Các ông Trần Văn Thịnh; Trần Minh Hải; Nguyễn Thanh Sơn và Nguyễn Quang Tuấn, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các cá nhân nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petrolimex-ceos-penalized-with-stripping-all-party-titles-10312019090430.html

3 bác sĩ trưởng khoa tuồn thuốc ra ngoài bán

Ba bác sĩ trưởng khoa Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa bị bắt và đều bị khởi tố về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Truyền thông trong nước cho hay, trong quá trình điều tra, công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện ba bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần tỉnh này cùng hai điều dưỡng viên đưa nhiều loại thuốc tuồn ra ngoài bán trục lợi, gây thất thoát cho Nhà nước hàng tỉ đồng.
Sáng 31/10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác nhận các nghi can trong vụ này gồm: ông Vi Du Lịch (bác sĩ, Trưởng khoa Nam 1), ông Phan Văn Giỏi (bác sĩ, Trưởng khoa Nam 2), bà Đinh Thị Thu Hồng (bác sĩ, Trưởng khoa Nữ) và hai điều dưỡng Phạm Thị Nhung, Phạm Thị Phương.
Lệnh khởi tố, khám xét nơi ở và làm việc của năm người trên được thực hiện vào ngày 30/10. Ba bác sĩ bị tạm giam; hai điều dưỡng được tại ngoại nhưng không được đi khỏi nơi cư trú.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết trong quá trình công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thanh Hóa, các ông Vi Du Lịch, Phan Văn Giỏi và bà Đinh Thị Thu Hồng đã lợi dụng việc kê đơn thuốc vật tư, y tế để cắt bớt thuốc, vật tư y tế của các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại bệnh viện này, rồi sau đó cho nhân viên đem bán ra ngoài để trục lợi.
Cũng theo truyền thông trong nước, đây là vụ án Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã lập chuyên án, tập trung, tích cực điều tra nhiều tháng nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chief-division-doctors-sell-medicine-in-illegal-way-10312019090031.html

7 người liên quan vụ VN Pharma tiếp tục bị khởi tố

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với 7 người liên quan đến vụ VN Pharma bán thuốc ung thư giả về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo Điều 194, Bộ Luật Hình sự 2015.
Cụ thể, 7 người bị khởi tố gồm 5 người trong Công ty Cổ phần VN Pharma là ông Nguyễn Minh Hùng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Trí Nhật và Ngô Anh Quốc – nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phan Cẩm Loan – nguyên Phó Trưởng phòng xuất nhập khẩu; Lê Thị Vũ Phương – nguyên Kế toán trưởng.
Ngoài ra còn 2 người của Công ty TNHH-TM hàng hải Quốc tế H&C là ông Võ Mạnh Cường – nguyên Giám đốc và Phạm Quỳnh Trang – nhân viên.
Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an trước đó đã đề nghị khởi tố bị can đối với 7 người vừa nêu, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam để tiến hành điều tra, làm rõ hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 xuất xứ từ Canada của VN Pharma trong khoảng thời gian từ năm 2012-2014.
Tuy nhiên trong thực tế, Công ty Health 2000 không có nhà máy sản xuất tại Canada.
VN Pharma đã nhập vào Việt Nam 1 lượng lớn thuốc do Health 2000 Inc cung cấp và trúng thầu vào bệnh viện các tuyến. Trong đó, chỉ từ năm 2011-2014, VN Pharma và một vài công ty con cũng như đối tác ủy thác đã nhập 47 lô thuốc từ Health 2000 với tổng giá trị hơn 4,4 triệu đô la Mỹ.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, 7 bị can vừa nêu cùng với 5 người khác đã bị Tòa án Nhân dân TPHCM tuyên xử từ 3 đến 20 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” trong phiên xử sơ thẩm các ngày từ 24/9-1/10.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/7-ppl-concerning-vn-pharma-case-continue-to-be-prosecuted-10312019084034.html

Hà Tĩnh xét xử “ông trùm”

đưa người vượt biên ra nước ngoài

Toà án Nhân dân huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt 5 năm tù đối với ông Phan Văn Lợi, người bị mệnh danh là “ông trùm” trong đường dây tổ chức đưa người vượt biên ra nước ngoài.
Theo VOV.vn loan tin vào ngày 31/10 cho biết như vừa nêu.
Theo cáo trạng, đầu năm 2018 ông Phan Văn Lợi kết hợp với một số người bà con họ hàng đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan để tổ chức đưa 48 người vượt biên trái phép vào nước này. Cáo trạng của tòa án Nhân dân huyện Nghi Xuân nêu rõ, để thực hiện vụ việc, ông Lợi đã đưa người vượt biên sang Trung Quốc sau đó lên tàu đi bằng đường biển nhập cảnh trái phép vào Đài Loan.
Đối với người lao động để đi đến Đài Loan phải thanh toán với số tiền khoảng 6.500 đô la cho đường dây của ông Lợi. Trong đó, họ phải đưa trước 500 đô la, số còn lại sẽ được thanh toán đầy đủ khi người lao động đặt chân tới Đài Loan. Đến nay, ông Lợi đã nhận được khoảng 600 triệu đồng từ việc này.
Được biết, trong số 48 người lao động vượt biên trái phép do ông Lợi tổ chức, có 2 người tử vong do bị lật thuyền; 28 người bị Cục tuần duyên bờ biển Đài Loan phát hiện và bắt giữ trục xuất về nước.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Phan Văn Lợi thành thật khai báo và gia đình có công với cách mạng nên tuyên phạt mức án 5 năm tù đối với bị cáo này.
Cũng tin liên quan Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội tiếp tục cảnh báo các trường hợp đi nước ngoài làm việc trái phép tại một số thị trường có đông lao động Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người.
Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết chỉ riêng thị trường Nhật Bản, hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang lưu trú tại đây. Cục cũng cảnh báo, Việt Nam gần đây đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài và số thực tập sinh nước ngoài bỏ trốn tại nước này.
Để hạn chế thực tế trên, Cục đề nghị các Sở LĐ-TBXH kiểm tra, ra soát, tình hình đi làm việc ở nước ngoài tại từng địa phương nhằm phát hiện các tổ chức môi giới, đưa người đi trái phép, chuyển cơ quan chức năng xử lý.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/five-years-in-prison-for-man-who-sending-people-abroad-illegally-10312019100012.html

Nghi phạm Việt Nam giết người

bị bắt ở Prague sau 24 năm lẩn trốn

Tin từ Prague, ngày 31/10/2019: Theo thoibao.de, cảnh sát Cộng hoà Czech đã bắt giữ Nguyễn Quốc Hùng, nghi can trong một vụ giết hai người Việt Nam khác ở Đức sau 24 năm nghi can này trốn chạy với tên tuổi khác.
Ông Hùng, 52 tuổi, được cho là thành viên một băng đảng buôn thuốc lá lậu ở  bang Sachsen miền Đông nước Đức, nơi nhiều nhóm sử dụng mọi hình thức bạo lực trong việc tranh giành nhau thu tiền hồ của người Việt bán thuốc lá lậu. Ông ta bị tình nghi là đã bắt trói, bịt miệng và sau đó thắt cổ giết chết hai anh em người Việt Nam (16 và 22 tuổi) vào đêm khuya ngày 30/7/1995 trong một căn hộ trên đường Zinzendorf tại thành phố Chemnitz.
Nghi can Hùng đã bỏ trốn khỏi thành phố. Cảnh sát Đức suy đoán Hùng đã bỏ trốn về Việt Nam. Tuy nhiên, nhà chức trách Đức vẫn lưu giữ hồ sơ và ông ta vẫn nằm trong danh sách tội phạm bị truy nã.
Sau khi giết người, nghi can đã bỏ trốn. Dấu vết đầu tiên dẫn đến thành phố Jena miền Đông nước Đức, nơi nghi can có người thân. Nhưng cảnh sát vẫn không tìm thấy nghi can Nguyễn Quốc Hùng. Cuối cùng, cơ quan điều tra Đức đoán rằng nghi can đã bỏ trốn về Việt Nam – nơi cơ quan chức năng Đức không thể với tới. Tuy nhiên, nghi can giết người vẫn tiếp tục nằm trong danh sách truy nã với lệnh bắt giam của cảnh sát Đức.
Gần đây, nhà chức trách Đức có thông tin nghi phạm đang sinh sống dưới một tên mới ở thủ đô Prague. Họ phối hợp với cảnh sát Czech và bắt giữ nghi can trên đường phố của Prague ngày 16/9. Ông Hùng hoàn toàn bất ngờ khi bị bắt giữ vì nghĩ rằng anh ta an toàn với danh tính mới.
Cảnh sát Czech đã dẫn độ nghi can Hùng sang Đức, nơi ông ta sẽ bị xét xử về cáo buộc giết người, và đối diện với bản án chung thân.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nghi-pham-viet-nam-giet-nguoi-bi-bat-o-prague-sau-24-nam-lan-tron/

Vụ 39 người chết: Người Việt đi làm lậu có phải vì nghèo?

Chuyến thăm nhà các gia đình nghi có người thân trong vụ 39 người chết ở Yên Thành, Nghệ An của BBC đã cho thấy một khung cảnh bất ngờ.
Trái với suy nghĩ của một số người rằng đây là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có động cơ về tài chính lớn đến mức nhiều người sẵn sàng mạo hiểm chọn con đường sang châu Âu làm việc trái phép.
Nhưng những gì nhà báo Jonathan Head chứng kiến là “nhà lầu và xe hơi” tại huyện Yên Thành, nơi đã có 5 gia đình trình báo có con bị mất tích.
Và những gì phóng viên BBC thấy có thể là chính xác.
Trong bài báo In Vietnam’s ‘Billionaire Village’, migrant cash can buy a palace‘ (Tại ‘Làng Tỉ phú’ ở Việt Nam, tiền người nhà gửi về mua được cả dinh thự), nhà báo James Pearson từ hãng Reuters của Anh dẫn lời Chủ tịch UBND xã Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An nói 70-80% biệt thự tại đây được xây từ tiền gửi từ nước ngoài về.
“Nếu người làm việc ở Việt Nam kiếm bằng tiền đồng thì phải mất rất lâu để xây những biệt thự hoành tráng thế này,” ông Nguyễn Văn Hà nói.
Vỡ mộng lao động ở xứ người
Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành
Lời kể của phụ nữ Việt ‘mua vé xe tải’ vào Anh
Nhà lầu, xe hơi là nhu cầu ‘bình thường’
Từ 2018, báo Dân Trí đã ghi nhận hiện tượng giàu lên nhanh chóng tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Bài viết “Xã 1.000 tỷ phú: Bậc nhất xứ Nghệ, biệt thự hàng ngàn, ô tô nhiều vô kể” đăng tháng 11/2018 cho biết “người dân Đô Thành kéo nhau đi Tây lập nghiệp”.
Theo bài báo này, xã Đô Thành từng thuộc một trong những xã nghèo nhất huyện Yên Thành, với nghề truyền thống là làm mộc.
Đến những năm 1990, nguồn gỗ khan hiếm, thị trường bão hoà, nhiều người nảy ý định sang những nước như Anh, Úc, Ba Lan, Đức…
“Người sang trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng theo sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau sang Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại.
Tiền từ nước ngoài gửi về nhiều, người dân bắt đầu xây dựng nhà lầu, biệt thự, mua sắm xe máy, ô tô,…,” bài báo viết.
Và để có tiền gửi về cho gia đình, người lao động ở nước ngoài làm đủ mọi nghề như cửu vạn, công nhân, buôn bán, spa…
Nhiều người đi vài năm tích luỹ được số vốn lớn rồi về lại quê hương lập nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Hà , Chủ tịch UBND xã Đô Thành cho biết vào năm 2018, xã Đô Thành có 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,…
“Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành ngày càng thay da đổi thịt. Toàn xã có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự”, ông Hà nói.
Tuy nhiên bài báo của Dân Trí không đề cập cụ thể con đường đi nước ngoài của những người dân vùng Đô Thành là này hợp pháp hay không.
Một số báo Việt Nam còn ghi nhận hiện tượng này sớm hơn.
Cụ thể như báo Zing, đã đăng bài báo “‘Làng đại gia’ khiến nhà giàu thành phố cũng nể trọng” từ 2014 về hiện tượng giàu có của xã Đô Thành nhờ “đi Tây”.
“Ban đầu toàn xã cũng chỉ có một vài người đi, về sau thấy làm ăn được nên họ về kéo anh em, họ hàng cùng xuất ngoại kiếm tiền. Cứ thế, lượng người ‘đi Tây’ ngày một tăng lên.
“Thời kỳ bấy giờ đi xuất khẩu lao động còn dễ nên cứ thấy làm ăn được là họ lại ồ ạt kéo nhau sang đó. Chính nhờ hướng đi này mà người dân nơi đây đã đổi thay một cách chóng mặt,” bài báo viết.
Trưởng xóm Phú Vinh khi đó nói: “Nhờ nguồn lao động này mà xóm trở nên trù phú, giàu có, đời sống bà con cũng như cơ sở vật chất hạ tầng được nâng lên rõ rệt.”
Bài báo đưa ví dụ có ba người con đi lao động ở nước ngoài, đã đem tiền về xây cho gia đình một căn biệt thự đồ sộ tốn vài tỷ đồng từ 2004.
“Biệt thự, xe con bóng loáng được người dân ở đây xem như là một nhu cầu bình thường trong cuộc sống thường ngày mà thôi”, một người dân.
Trang web Du lịch Nghệ An của tỉnh, thậm chí còn có bài viết “Top 5 xã giàu nhất Nghệ An” với lời quảng cáo “Nghệ An được biết đến là quê hương của Bác Hồ kính yêu. Không những thế, có thể ít ai biết rằng, Nghệ An còn là nơi có các làng xã được xếp hạng giàu nhất nước ta nữa.”
Và tất nhiên là không thể vắng cái tên xã Đô Thành, huyện Yên Thành.
Chính vì vậy, khi những người dân khác trong vùng, kém “giàu có hơn” thấy những căn biệt thự, xe hơi bóng lộn của hàng xóm, họ có thêm động lực để tìm đường sang trời Tây bất chấp.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50231398

Vụ 39 người chết: Công an Hà Tĩnh vào cuộc

Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án “tổ chức, môi giới người trốn đi nước ngoài”.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời đại tá Nguyễn Tiến Nam, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết cơ quan này “đang tiếp tục điều tra, nắm bắt một số manh mối liên quan đến việc tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép kéo dài trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến nay”.
“Sau khi điều tra, xác minh thông tin từ các gia đình có trình báo con mất liên lạc khi sang Anh và điều tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh,” VOV đưa tin.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 28/10, Bộ Công an phối hợp với Công an Hà Tĩnh đã đến ít nhất 9/10 gia đình ở hai huyện có trình báo người thân “mất liên lạc” ở nước ngoài để lấy các mẫu vật phục vụ cho việc xác minh, đối chiếu danh tính 39 nạn nhân chết trong thùng xe container ở Essex, Anh.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm được dẫn lời nói trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel vào hôm 30/10 rằng Chính phủ Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam và nhân dân Việt Nam rất quan tâm và lấy làm tiếc về vụ việc 39 người chết trong container tại hạt Essex, Vương quốc Anh.
“Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Công an Việt Nam đã khẩn trương, chủ động chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng vào cuộc, tiến hành xác minh, thu thập thông tin, sẵn sàng phối hợp với Bộ Nội vụ và Cảnh sát Anh Quốc khi có yêu cầu,” ông Tô Lâm được trang tin Bộ Công an dẫn lời.
“Hiện, việc xác minh thông tin, danh tính của những nạn nhân này là rất cấp bách. Vì vậy, Bộ Công an Việt Nam đã sẵn sàng cử Đoàn công tác sang Anh phối hợp với lực lượng Cảnh sát Anh điều tra, xác minh danh tính các nạn nhân,” bản tin viết. “Trong trường hợp có nạn nhân là người Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Nội vụ Anh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ công dân theo đúng quy trình, thủ tục pháp luật của Anh, Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế”.
Trong thông cáo ra ngày 30/10, Đại sứ Anh tại Việt Nam cũng có biết ngoài cuộc điện đàm giữa ông Tô Lâm và bà Priti Patel, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại Giao Anh Phụ trách Khu vực Châu Á Thái Bình Dương Heather Wheeler cũng có cuộc điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng.
Thông cáo có đoạn: “Bộ trưởng Nội vụ và Quốc vụ Khanh đã bày tỏ cam kết của Chính phủ Anh tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong suốt quá trình điều tra và xác minh danh tính của các nạn nhân.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và cam kết đấu tranh phòng chống nạn mua bán người dưới mọi hình thức”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50245099

Bộ trưởng Công an ‘sốt ruột’,

sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, vừa có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel vào chiều 30/10 và đề nghị phía Anh tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ công dân nếu xác định có nạn nhân là người Việt, đồng thời cho biết Bộ này đã sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh để phối hợp điều tra và xác minh danh tính nạn nhân.
“Tại cuộc điện đàm, hai bên đã cùng nhau trao đổi một số vấn đề có liên quan, thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong công tác phối hợp làm rõ vụ việc”, trang tin điện tử của Bộ này cho hay.
Cũng liên quan đến vụ 39 người chết trong xe tải đông lạnh ở Essex, Anh, trong đó nghi có nhiều nạn nhân người Việt, công an tỉnh Hà Tĩnh trong cùng ngày đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” trên địa bàn tỉnh này.
Cho tới nay, đã có 10 gia đình ở Hà Tĩnh trình báo mất liên lạc với người thân đang trên đường sang Anh, công an Hà Tĩnh cho biết trên trang thông tin điện tử.
Trong khi đó, công an tỉnh Nghệ An cho hay đã có 21 trường hợp trên địa bàn tỉnh bị mất liên lạc với người thân đi sang Anh.
Trả lời báo Dân Việt hôm 31/10, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng-Người phát ngôn của Bộ Công an, cũng khẳng định phái đoàn của Việt Nam cũng đã “sẵn sàng” nhưng phía Anh “chưa thể giải quyết các thủ tục hành chính cho mình đi được nên mình cũng chưa thể sang ngay”.
Người phát ngôn Bộ công an nói thêm rằng Bộ trưởng “sốt ruột lắm rồi” nhưng vẫn phải phụ thuộc vào phía đối tác. Dự kiến, phía Anh sẽ trả lời cho Việt Nam sớm nhất là từ 31/10 – 1/11, theo lời Thiếu tướng Xô.
Ông Xô cho biết phía Anh áp dụng tiêu chuẩn của Interpol trong công tác nhận dạng, nghĩa là phải có ADN, mẫu máu, mẫu tóc vì khuôn mặt và vân tay của các nạn nhân có thể bị biến dạng trong điều kiện âm 25 độ của container đông lạnh.
Vì vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang tiến hành lấy mẫu ADN của người thân những gia đình trình báo có người mất tích để gửi sang Anh giúp cho công tác nhận dạng thi thể.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng bác bỏ thông tin có bất cứ đoàn công tác nào của Anh đến Việt Nam làm việc trực tiếp với các gia đình nghi có con là nạn nhân chết tại Anh.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%C3%B4ng-an-s%E1%BB%91t-ru%E1%BB%99t-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-c%E1%BB%AD-%C4%91o%C3%A0n-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-sang-anh-/5147311.html

Các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi

bị thiệt hại nặng bởi bão số 5

Hàng chục nghìn cây xanh bị đổ, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, hư hại, hệ thống đường xá giao thông bị ảnh hưởng với tổng thiệt hàng trăm tỷ đồng sau khi bão số 5, tên quốc tế Matmo, thổi qua tại các tỉnh miền Trung Việt Nam vào ngày 30/10.
Đó là nội dung được nêu ra trong buổi Họp trực tuyến rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão hôm 31/10 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì. Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.
Tại buổi họp, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Định cho biết ước tính thiệt hại sơ bộ sau bão số 5 tại tỉnh này là khoảng 400 tỷ đồng.
Cụ thể, tại cảng Quy Nhơn ở Bình Định, đã có 30 tàu neo đậu bị đứt neo, 7 tàu vận tải với hơn 70 thuyền viên bị trôi. Lãnh đạo tỉnh Bình Định nói đến sáng 31/10, 5 tàu vận tải trong số trên đã được an toàn, 1 tàu bị mắc cạn, 1 tàu bị trôi những đã giữ được liên lạc.
Báo cáo của UBND xã Nhơn Hải, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hôm 31/10 cho biết bão số 5 cũng đã làm 100m kè chắn sóng bị hư hỏng nặng, 500m đường bê tông ven biển bị hư hỏng nặng, một số bè nuôi tôm của dân bị hỏng, một số trường tiểu học, trạm y tế bị tốc mái.
Báo trong nước dẫn lời một người dân xã Nhơn Hải cho biết đã 20 năm mới thấy bão lớn như bão số 5 năm nay.
Trong khi đó tại tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND Trần Hữu Thế cho biết bão số 5 đã làm 20 thuyền, 14 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 18 ngôi nhà bị hư hại 30-50%, 2000m3 bị sạt lở, 72 xã bị mất điện.
Tại tỉnh Quãng Ngãi, lốc xoáy sau bão đã xảy ra tại địa bàn các xã Đức Lân, Đức Phong, Đức Minh (huyện Mộ Đức) làm 400 ngôi nhà bị hư hại, 3 người bị thương, nhiều gia súc và gia cầm chết.
Mưa lớn tại huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quãng Ngãi khiến nhiều vùng bị chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Tình trạng sạt lở đất cũng được ghi nhận tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi khiến 29 hộ dân bị di gời khẩn khấp.
Thống kê của cơ quan chức năng cho biết đã có 900 ngàn hộ dân ở Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi bị mất điện vì bão số 5.
Tại buổi họp, chính quyền đánh giá bão số 5 đổ bộ với cấp độ không quá mạnh nên đến nay vẫn chưa có thiệt hại về người.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương không được chủ quan. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai bất thường trong thời gian tới.
Mặc dù bão số 5 vào ngày 31/10 được thông báo là đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng theo Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết các tỉnh khu vực phía Nam Tây nguyên và Ninh thuận vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng mưa lớn. Lũ trên các sông và sạt lở vẫn có thể xảy ra tại các tỉnh miền Trung.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/heavy-losses-by-storm-no-5-in-binh-dinh-phu-yen-quang-ngai-10312019092549.html

Cống chống ngập

gây ngập cho 100 nhà dân khi vận hành thử

Tin Vietnam.- Báo Thanh Niên loan tin, vào chiều ngày 29 và 30 tháng 10 năm 2019, ban cai quản dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thực hiện thử nghiệm công trình chống ngập, đã khiến cho 100 nhà dân bị ngập nặng.
Mục đích thử nghiệm của ban cai quản là xem công trình chống ngập- được xây dựng với số tiền 153 tỷ đồng- có thể ngăn được con nước lớn từ biển Nhà Mát chảy tràn vô thành phố Bạc Liêu hay không. Khi thực hiện ngăn cống chống ngập,  mực nước hai bên cống có sự chênh lệch ngày càng cao. Đồng thời vào thời điểm đỉnh triều dâng, nước biển dâng cao chảy tràn lên bờ, vào nhà dân, gây ngập 100 căn nhà ở hai khóm Chòm Xoài, và Bờ Tây, thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Sự việc khiến nhiều người dân bất mãn, vì nước ngập vào nhà quá nhanh làm họ không kịp trở tay, nhiều vật dụng trong nhà bị hư hỏng.
Ông Võ Văn Vũ, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Nhà Mát cho biết, sự việc trên chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân chứ không gây thiệt hại nhiều về tài sản. Trước khi vận hành thử nghiệm, chủ đầu tư công trình đã không lường trước được sự việc.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/cong-chong-ngap-gay-ngap-cho-100-nha-dan-khi-van-hanh-thu/

Tướng quân đội không dám nêu tên Trung Quốc:

Không thể chấp nhận!

Diễm Thi, RFA
Biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm lâu nay nhưng lãnh đạo đảng và chính phủ vẫn rất dè dặt không nêu đích danh Trung Quốc là kẻ xâm phạm. Điều này khiến người dân quan tâm bất bình.
Không dám nêu đích danh Trung Quốc
Tại phiên họp Quốc hội sáng 30 tháng 10 năm 2019, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chỉ gọi là “nước ngoài” chứ không nêu đích danh “Trung Quốc” khi đề cập đến tình hình biển đảo bị xâm phạm chủ quyền suốt 4 tháng qua. Ông nói:
“Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển, và đặc biệt là đầu tháng 7 đến những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách rất phi lý. Đây là những cái mà có thể chúng ta không thể chấp nhận được.
Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát xuống thăm dò. Có những thời điểm đưa đến 35 – 40 tàu để bảo vệ. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành đấu tranh ngoại giao trên cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta”.
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc không chấp nhận lời phát biểu của Trung tướng Trần Việt Khoa khi cho rằng người dân Việt Nam cũng như quốc tế đều biết Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quan chức của nhiều nước trên thế giới cũng nhắc đến tên Trung Quốc là nước đang đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Ông nói:
“Tôi rất tiếc khi một trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nơi đào tạo ra các sĩ quan cao cấp nắm các đường lối chiến lược quốc phòng của Việt Nam lại không dám nêu đúng tên Trung Quốc là kẻ đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước Quốc hội. Tôi cho đó là điều không thể chấp nhận được!”
Trung Quốc là nước đang có ý đồ xâm chiếm vùng Biển Đông của cả khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều này đe dọa hòa bình an ninh khu vực, đe dọa việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng bảo an LHQ ký công ước luật biển năm 1982.
Tôi rất tiếc khi một trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nơi đào tạo ra các sĩ quan cao cấp nắm các đường lối chiến lược quốc phòng của Việt Nam lại không dám nêu đúng tên kẻ đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước Quốc hội. – Ô. Đinh Kim Phúc
Ông Đinh Kim Phúc nêu một loạt câu hỏi cho vị Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam:
“Sợ gì mà không dám nêu tên Trung Quốc trên diễn đàn Quốc Hội?
Sợ gì mà không dám chỉ thẳng tên người đang đe dọa an ninh chủ quyền của Việt Nam?
Nhân dân sẽ nghĩ gì khi một Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng không dám nêu tên Trung Quốc?”
Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đưa nhận định đây là điều khó hiểu:
“Ở Việt Nam có những vấn đề chúng ta cảm thấy khó hiểu khi một mặt, TBT, Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố phải kiên quyết và khéo léo, nhưng mặt khác lại rất dè dặt và ngại đụng chạm khi nhắc đến tên Trung Quốc.
Ngay cả một vị trung tướng mà lại dè dặt không dám nhắc đến tên Trung Quốc thì không tin được chính sách đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông kiên quyết tới mức nào. Đó là vấn đề cần đặt ra.”
Trước đó hai ngày, sáng 28 tháng 10, tại buổi họp kín của Quốc hội để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019, đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá việc giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng Quốc hội phải thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông.
Vấn đề khó hiểu
Cũng tại phiên họp Quốc hội sáng 30 tháng 10, Trung tướng Trần Việt Khoa lập luận rằng trong tình hình hiện nay, với những đặc điểm, yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp phù hợp để đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước.
Tuy phát biểu như thế nhưng thực tế cho đến nay, người dân Việt Nam không được biết giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền là giải pháp gì khi một vị tướng quân đội không dám nêu đích danh tên kẻ xâm lược như vậy.
Thạc sĩ Hoàng Việt phân tích:
“Đó là vấn đề rất khó hiểu, vì thông thường giới quân đội phải là giới lên tiếng mạnh mẽ nhất, nhưng dường như thời gian qua những tướng quân đội lại phát biểu rất nhẹ nhàng. Tôi không hiểu những bước đi của Việt Nam như thế nào cũng như chính sách của Việt Nam ra sao? Nó cho thấy cho thấy chính sách của Việt Nam đặc biệt trong vấn đề Biển Đông thiếu sự nhất quán và rõ ràng.”
Theo ông Hoàng Việt, người dân nói chung đang thiếu những thông tin một cách công khai và đầy đủ về chính sách cũng như hành động cụ thể của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán như thế nào, bởi một mặt các lãnh đạo tuyên bố Việt Nam sẽ làm tới cùng, nhưng người dân lại không biết làm tới cùng là như thế nào và bằng cách nào chúng ta làm được.
Ở Việt Nam có những vấn đề chúng ta cảm thấy khó hiểu khi một mặt, TBT, Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố phải kiên quyết và khéo léo, nhưng mặt khác lại rất dè dặt và ngại đụng chạm khi nhắc đến tên Trung Quốc. – Ô. Hoàng Việt
Có thể dẫn chứng một ví dụ về tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam vào sáng 15 tháng 10 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp 8 của Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Chúng ta cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta không bao giờ nhân nhượng”.
Ông Đinh Kim Phúc nhận xét, một khi tướng quân đội không dám “chỉ mặt đặt tên” kẻ xâm lược thì liệu có cho người dân đủ lòng tin về nhiệm vụ và trách nhiệm bảo vệ đất nước hiện nay của lực lượng vũ trang hay không? Ông cũng nêu lý do mà theo ông, vị trung tướng Việt Nam gọi Trung Quốc là “nước ngoài”:
“Tôi nghĩ họ không muốn tách ra khỏi Trung Quốc, vẫn còn liên minh về ý thức hệ, về 4 tốt, về 16 chữ vàng. Nhưng không nói ‘Trung Quốc’ thì nhân dân Việt Nam và cả thế giới cũng dư biết là Trung Quốc.”
Phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ hai nước từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ khoảng cuối những năm 1990 và đầu 2000. Theo phương châm này, hai nước cam kết tuân thủ “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”, và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 14 vào sáng ngày 21 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.
Cũng vào ngày 30 tháng 10, ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội An Giang lên tiếng cho rằng các phương pháp Việt Nam sử dụng trong thời gian qua để đấu tranh trên Biển Đông không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/a-vns-military-general-did-not-dare-to-name-china-at-national-assembly-dt-10302019141241.html

Không nhắc tên Trung Quốc

trong báo cáo là khuyết điểm nhỏ

Ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc Hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, vào ngày 31 tháng 10 trong phát biểu tại hội trường Quốc hội cho rằng  khiếm khuyết nhỏ trong báo cáo của chính phủ về công tác đối ngoại trình quốc hội là không nhắc đến tên Trung Quốc, nước đã xâm phạm chủ quyền Biển Đông của Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề sao tránh gọi tên Trung Quốc và thay bằng từ “nước ngoài”.
Cũng trong ngày 31 tháng 10 tại hội trường Quốc Hội Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng về toàn vẹn lãnh thổ quyết không nhân nhượng nhưng truyền thống của đất nước là hòa bình, hòa hiếu.
Vào ngày 30 tháng 10, đại biểu Quốc Hội thành phố Hà Nội, Trung tướng Trần Việt Khoa – Ủy viên Quân ủy trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng phát biểu cho biết “từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua, NƯỚC NGOÀI đã đưa lực lượng xuống và phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đơn vị tỉnh An Giang  vào ngày 30 tháng 10 lên tiếng kêu gọi tại Quốc Hội rằng Việt Nam cần công khai thật chi tiết các vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông và đưa ra tòa án quốc tế.
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu thì các phương pháp mà Việt Nam sử dụng trong thời gian qua với phương châm ‘vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên quyết, kiên trì xử lý hanh vi xâm phạm chủ quyền bằng biện pháp hòa bình không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu còn cho biết nhiều cử tri đề nghị đưa vi phạm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không chỉ kiện Bắc Kinh về vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía nam Biển Đông ở khu vực Bãi Tư Chính, mà phải kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, xây công trình phi pháp, quân sự hóa Biển Đông trong suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Lân Hiếu khẳng định Việt Nam có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Quốc sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Bắc Kinh trong những vi phạm của họ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/minor-mistake-no-china-mentioned-10312019090649.html

Việt Nam đại tu tiêm kích thành công

và tăng cường trang bị vũ khí cho hải quân

Không quân Việt Nam vừa hoàn thành đại tu 12 tiêm kích Su-27 Flanker, mua của Liên Xô và đã sử dụng hơn 20 năm.
Truyền thông trong nước vào ngày 31 tháng 10 cho biết 12 chiếc Su-27, gồm 7 chiếc Su-27SK và 5 chiếc Su-27UBK thuộc dòng máy bay chiến đấu hệ thứ 4 hiện đại đầu tiên của Không quân Việt Nam, được chính thức đưa vào biên chế giai đoạn 1995-1996.
Tính năng chiến đấu của những tiêm kích này được đánh giá là rất xuất sắc vào thời điểm những năm 1990. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm sử dụng, Không quân Việt Nam phải đưa tất cả 12 chiếc Su-27 đến Nhà máy A32-Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân để đại tu giữa vòng đời.
Bên cạnh đó, lực lượng Hải quân đánh bộ Việt Nam đang được biên chế súng trường tấn công GTAR-21 có khả năng gắn súng phóng lựu kẹp 40 mm dưới nòng, do Israel sản xuất.
Loại súng trường này nằm trong 3 phiên bản súng trường tấn công dạng bullpup Tavor-21; bao gồm biến thể tiêu chuẩn TAR-21, bản carbine CTAR-21 và bản gắn súng phóng lựu kẹp nòng GTAR-21.
Doanh nghiệp quốc phòng IWI của Israel cho biết các loại súng trường mới vừa nêu thích hợp trong các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau; đồng thời ngoài sử dụng trong quân đội thì còn trang bị được cho cả cảnh sát để bắn đạn hơi cay hay một số loại đạn đặc chủng khác.
Báo giới cũng dẫn nguồn từ Nhà máy Z111 cho biết đang vận hành dây chuyền sản xuất súng bộ binh, do phía Israel chuyển giao và Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực sản xuất súng phóng lựu GL 40 nếu mua bản quyền.
Quân đội Việt Nam có thể xem đây là một giải pháp rất đáng quan tâm nhằm nâng cao hỏa lực cho cấp tiểu đội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-overhauled-su-27sk6002-completely-10312019085240.html

Hồ Duy Hải: cơ hội cuối đời của Nguyễn Phú Trọng

Gió Bấc
Tổ chức Ân xá Na Uy với hơn 25.000 chữ ký vừa với văn bản cho Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu ân xá cho từ tù Hồ Duy Hải. Đây không phải là tổ chức quốc tế đầu tiên và duy nhất làm điều này. Quả bóng trách nhiệm đang trước mặt Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cơ hội để Trọng có thể làm người tử tế vẫn còn đó. Liệu trước khi bị loại bỏ khỏi chính trường Trọng có đủ sáng suốt để chứng tỏ ít nhất là trong lồng ngực ông ta cũng có trái tim?
Lãnh đạo chóp bu của đảng và nhà nước Việt Nam có phẩm chất rất đặc biệt là rất điềm tĩnh, im lặng trước những thảm họa của dân tộc, của số phận người dân.
Không có lý do im lặng
Trước thảm hoa Formosa tàn phá vùng biển miền trung, tàn phá môi trường sống, nguồn sinh kế của người dân bốn tỉnh, Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn im lặng sau chuyến đi thăm kẻ thủ ác Formosa.
Bốn tháng qua, tàu Trung cộng giày xéo lên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trọng kiên trì im lặng mãi đến ngày khai mạc hội nghị trung ương thứ 11 mới mở miệng nhưng cũng chỉ là cách nói trịch thượng, giành độc quyền yêu nước mà không đưa ra được kế sách gì bảo vệ chủ quyền.
Nguồn nước sông Đà nhiễm bẩn, không khí Hà Nội pha bột thủy ngân, bụi mịn, Trọng vẫn lặng im trùm chăn chữa bệnh cho mình. Không khí trong phòng Trọng đương nhiên được lọc kỹ. Nước sinh hoạt của Trọng đương nhiên có nguồn riêng được xét nghiệm mỗi ngày. Là lãnh đạo Trọng phải lo chuyện lớn, đốt lò nào, củi nào để bắt chuột mà không phải vỡ bình, chuyện sống chết của dân là chuyện nhỏ.
Thế nhưng có những chuyện tuy nhỏ nhưng được luật pháp quy định vào trách nhiệm cá nhân của chức vụ, khi nhận chức vụ thì không thể thoái thác trách nhiệm đó. Chức vụ Chủ tịch Nước trong chế độ đảng cầm quyền toàn trị như ở Việt Nam chẳng bõ bèn gì so với quyền lực tuyệt đối của Tổng Bí Thư nhưng nó vẫn có những ưu quyền riêng của nó mà Tổng Bí Thư không thay thế đươc. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, có quyền phong tướng, phong anh hùng…. trong đó có quyền và trách nhiệm xem xét ân xá hoặc bác đơn ân xá cho các tử tù. Đây là quyền độc lập của Chủ tịch nước mà không có cơ chế quyền lực nào khác ngăn trở.
Phép thử với trái tim
Trường hợp tử tù Hồ Duy Hải là một vụ án oan không ai có thể lầm lẫn đã kéo dài đến 12 năm. Gia đình Hồ Duy Hải, nhiều luật sư, tổ chức xã hội trong ngoài nước đã liên tục lên tiếng kêu oan. Trong nhiệm kỳ Quốc Hội khóa trước, bà Lê Thị Nga lúc đó là Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã phát biểu trước phiên họp toàn thể, kiến nghị xem xét lại bản án vì kết tội tử hình chưa có cơ sở vững chắc và trong điều tra, truy tố, xét xử đã xảy ra hàng chục vi phạm quy định tố tụng, chỉ cần một vi phạm thôi đã phải hủy án. Bà Nga đã tổng hợp các vi phạm ấy trong văn bản dài hơn 10 trang gởi đến các cơ quan có trách nhiệm.*
Đến nay, bà Nga vẫn còn đó và là Chủ nhiệm Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội, bà vẫn chưa có văn bản nào rút lại kiến nghị của mình nhưng án tử vẫn treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải và số phận tử tù của em còn kéo dài không biết tới bao giờ.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải vẫn ngày đêm lăn xả kêu oan cho con. Cả gia đình ba chị em bà Loan đã khánh kiệt sau hơn 10 năm kêu oan vì đã phải bán hết nhà cửa ruộng vườn.
Chuyện Hồ Duy Hải, số phận một thanh niên vào tù từ năm 18 tuổi quá nhỏ bé so với uy quyền, chức vụ của ông Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước vĩ đại. Ông Trọng có toàn quyền im lặng như đã từng im lặng trước bao đau thương, oan trái khác của người dân.
Với những vụ việc khác như oan trái ở Thủ Thiêm, ô nhiễm ở Vũng Áng,… ông Trọng có thể biện bạch lý do im lặng là nó phức tạp, ta đánh ta sợ phải vỡ bình… cần có thời gian, cần nhiều yếu tố xem xét…. Vụ việc Hồ Duy Hải quá sức đơn giản, không có thế lực thù địch nào tác động, chi phối để các cơ quan tố tụng dưới quyền ông phải vi phạm các quy định tố tụng buộc tội oan một thanh niên. Hoặc là họ quá yếu kém nghiệp vụ nên quy kết oan ức cho người ngay như Nguyễn Văn Chấn, Huỳnh Văn Nén … hoặc là họ cố ý bao che cho tội phạm nên đẩy Hồ Duy Hải thành hình nhân thế mạng.
Quyền ân xá của Chủ Tịch Nước là quyền nhân đạo, không ảnh hưởng đến tiến trình tư pháp trước đó, không ảnh hưởng đến thành tích, vai vế của Trương Hòa Bình, Chánh Án TAND Tối cao hay Nguyễn Hòa Bình Viện Trưởng VKSND Tối cao thời điểm đó. Ân xá cũng không có ý nghĩa phải điều tra tìm ra hung thủ thật sự của vụ án. Dù có ai đó tác động để kết án oan cho Hồ Duy Hải thì họ vẫn an toàn, vẫn vô tội nếu Hải được ân xá.
Tóm lại, ân xá cho Hồ Duy Hải đó là việc rất nhỏ, rất đơn giản không mảy may ảnh hưởng tơ hào đến sự nghiệp chính trị vẻ vang của ngài Tổng Bí Thư Chủ Tịch Nước vĩ đại. Nếu ông Trọng vẫn im lặng bỏ qua thì quả là chỉ vì ông lãnh cảm với sinh mạng con người.
Ngược lại, nếu ông Trọng còn chút sáng suốt và trong huyết quản của ông có chút hồng cầu nhắc nhở ông ký quyết định ân xá cho Hồ Duy Hải thì không chỉ người dân trong nước mà dư luận thế giới có thể nhìn vào ông, vào chế độ toàn trị của ông với ánh mắt khác đi.
Ít nhất người ta cũng có hy vọng rằng ông không phải là bạo chúa máu lạnh, thản nhiên giết oan người vô tội.
Sang làm được một nửa, Trọng thì sao?
Năm năm trước, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã làm đươc điều chưa có tiền lệ, chỉ đạo Văn phòng Chủ Tịch Nước ra công văn hoãn thi hành án Hồ Duy Hải vào giờ chót. Một quyết định chấn động dư luận, cứu sống mạng người đươc dư luận cả nước đồng tình tuy nó chỉ là một ý kiến nửa vời.
Năm năm qua, với những kiến nghị của các luật sư Trần Hổng Phong, Trần Văn Tạo, với kết quả giám sát và kiến nghị của đại biểu Quốc Hội Lê Thị Nga, vụ việc quá sức sáng tỏ. Tiếp tục kéo dài lơ lửng án tử của Hồ Duy Hải ngày nào thì sự nhạo báng công lý và sự phi nhân của nền tư pháp càng kéo dài thêm ngày đó.
Với tuổi tác và sức khỏe hiện nay, ngày ông Trọng rời xa quyền lực thậm chí ngày rời xa thế giới này để đi gặp ông Mác, ông Hồ cũng không còn xa, ký một quyết định nhân đạo cứu sống một thanh niên vô tội là cơ hội để ông có thể để lại điều gì đó cho sự nghiệp của mình.
Nguyễn Tấn Dũng khi rời quyền lực đã nói đươc câu “xin làm người tử tế”. Hy vọng rằng, ông Trọng làm đươc điều đó ngay khi đang còn quyền lực. Ân xá cho Hồ Duy Hải là cơ hội để tự ân xá cho mình.
Nhưng đâu chỉ có Hồ Duy Hải, còn đó Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Đặng Văn Hiến … bao nhiêu án tử oan đang chờ ân xá.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hai-last-chance-for-nguyen-phu-trong-10302019122443.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù