Khốn khổ vì bị đồn 'mang nCoV tới Trung Quốc'
Maatje Benassi, nhân viên an ninh tại một căn cứ ở Virginia, bỗng trở thành mục tiêu của những người cáo buộc cô mang nCoV tới Trung Quốc.
Những thông tin sai lệch liên quan đến Benassi, một lính dự bị Lục quân Mỹ, được lan truyền trên YouTube mỗi ngày, thu hút về hàng trăm nghìn lượt xem và thậm chí còn được truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lại.
Dù chưa bao giờ dương tính với nCoV hay có bất kỳ triệu chứng nhiễm virus nào, bà mẹ hai con Benassi và chồng cô giờ đây vẫn là đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, khi bị gán mác "kẻ phát tán nCoV".
Cuộc sống hai vợ chồng Benassi bị xáo trộn chưa từng thấy. Hai người cho biết địa chỉ nhà họ bị đăng lên mạng và trước khi khóa tài khoản, hộp thư mạng xã hội của họ đã tràn ngập tin nhắn từ những người tin vào các giả thuyết vô căn cứ.
"Như thể bạn tỉnh dậy sau một giấc mơ tồi tệ và tiếp tục chìm vào cơn ác mộng ngày qua ngày", Maatje Benassi nói với CNN trong lần đầu lên tiếng trước công chúng sau quãng thời gian bị bôi nhọ trên mạng.
Khi nCoV lây lan khắp thế giới cũng là lúc những tin đồn, thuyết âm mưu về nó bùng phát trên toàn cầu. Các tập đoàn công nghệ đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng phát tán bừa bãi thông tin sai lệch, nhưng những nỗ lực này không giúp ích gì cho Benassis. Nỗi đau khổ của gia đình cô là bằng chứng cho thấy sự giả dối trắng trợn có thể bị khuếch đại trên mạng xã hội như thế nào. Nó còn là lời nhắc nhở rằng những thông tin sai lệch trên mạng, dù phi lý đến đâu, vẫn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với cuộc sống của nạn nhân.
Maajte và chồng, Matt, vẫn gắn bó với công việc trong chính phủ Mỹ. Maajte là nhân viên an ninh dân sự tại căn cứ Fort Belvoir ở Virginia. Matt, cựu sĩ quan không quân, hiện là nhân viên dân sự của Không quân Mỹ tại Lầu Năm Góc.
Dù làm việc cho chính phủ, hai vợ chồng vẫn phải đối mặt với cảm giác bất lực giống như bao người khác bị tin giả làm đảo lộn cuộc sống.
"Tôi muốn tất cả mọi người dừng việc quấy rối bởi với tôi, đây là hành vi bắt nạt trên không gian mạng và nó đã vượt khỏi tầm kiểm soát", Maajte nói, cố kìm nước mắt.
Matt đã cố gắng tìm cách gỡ các video thuyết âm mưu khỏi YouTube và ngăn chúng lan truyền trên mạng. Hai vợ chồng đã liên lạc với luật sư và cả cảnh sát địa phương nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng họ không thể làm gì nhiều.
Thuyết âm mưu cũng giống như virus, chúng tiến hóa và biến đổi để lây lan và tồn tại. Trước khi Maatje Benassi trở thành đối tượng chính trong thuyết âm mưu về nguồn phát tán nCoV, hàng loạt câu chuyện khác đã lan truyền trên mạng suốt nhiều tháng.
Khi nCoV mới xuất hiện, một số người tung ra giả thuyết rằng nCoV là một vũ khí sinh học của Mỹ, song không đưa ra bằng chứng.
Sau đó, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, công khai ủng hộ giả thuyết rằng quân đội Mỹ mang nCoV đến Vũ Hán. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố việc một người đại diện cho chính phủ Trung Quốc đưa ra thông tin sai sự thật như vậy là "hoàn toàn vô lý và vô trách nhiệm".
Mãi tới tháng 3, hơn ba tháng sau khi ca nhiễm nCoV đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc, những người tin vào thuyết âm mưu mới chuyển hướng sang Maatje Benassi, người từng tham gia Thế vận hội Quân sự hồi tháng 10/2019 tổ chức ở Vũ Hán, thành phố Trung Quốc nơi dịch khởi phát.
Matt Benassi. Ảnh: CNN.
Maatje Benassi tham gia đua xe đạp tại thế vận hội. Dù gặp tai nạn ở vòng đua cuối và bị gãy xương sườn cùng một số chấn thương khác, Benassi vẫn hoàn thành cuộc đua. Những tin đồn rằng cô mang nCoV tới Vũ Hán bắt đầu xuất hiện từ đây.
Trong khi có hàng trăm binh sĩ Mỹ tham gia thế vận hội, chỉ mình Maatje Benassi trở thành mục tiêu của thuyết âm mưu. Có lẽ người cổ vũ nhiệt thành nhất cho ý tưởng rằng Benassi đóng vai trò then chốt khiến nCoV lây lan toàn cầu là George Webb, 59 tuổi, quốc tịch Mỹ, người chuyên tuyên truyền thông tin sai lệch. Webb có "kinh nghiệm" nhiều năm tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp công kích người khác trên YouTube, nơi ông thu hút gần 100.000 lượt theo dõi và hơn 27 triệu lượt xem.
Năm 2017, CNN khám phá ra rằng Webb là thành viên trong nhóm ba người tuyên truyền thuyết âm mưu và lời đồn vô căn cứ về việc một tàu chở hàng mang "bom bẩn" chuẩn bị cập cảng Charleston ở Nam Carolina. Quả bom dĩ nhiên không có thật, nhưng lời đồn về nó đã khiến một phần bến cảng phải tạm đóng cửa để phòng ngừa.
Webb thậm chí còn tuyên bố DJ người Italy Benny Benassi với bài hát "Satisfaction" nổi tiếng toàn cầu hồi năm 2002, đã bị nhiễm nCoV và Benny cùng Maatje và Matt Benassi, ba người nhà Benassi, đã lập mưu phát tán virus khắp thế giới.
Benny khẳng định ông chưa bao giờ gặp Maatje hay Matt. Cả ba người cũng không có bất kỳ mối quan hệ họ hàng nào. Theo Benny, Benassi là một họ rất phổ biến tại Italy.
Dù các cáo buộc đều không đúng, những mối đe dọa nhà Benassi phải đối mặt hoàn toàn là thật.
Matt Benassi nói anh sợ mình có thể "trở thành một Pizzagate khác". Benassi đề cập tới thuyết âm mưu vô căn cứ về một đường dây ấu dâm có liên quan tới cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng nhiều người khác, được điều hành từ một tiệm pizza ở thủ đô Washington.
Thuyết âm mưu này không được chú ý nhiều cho đến khi một người đàn ông xả súng tại cửa hàng pizza trên vào cuối năm 2016 và nói anh ta đến để điều tra "vụ Pizzagate".
"Rất khó để buộc ông ta (Webb) chịu trách nhiệm", Matt Benassi cho hay. "Cơ quan thực thi pháp luật sẽ bảo bạn rằng bạn không thể làm gì bởi chúng ta có quyền tự do ngôn luận. Họ nói 'Hãy đến gặp luật sư dân sự'. Chúng tôi đã đến gặp luật sư và nhận ra rằng kiện tụng là thứ gì đó quá tốn kém đối với những người như chúng tôi".
Matt Benassi đã gửi khiếu nại lên YouTube, nhưng ngay cả khi YouTube chấp nhận gỡ các video của Webb, việc này tốn rất nhiều thời gian. Trong lúc đó, một video đã có thể trở nên nổi tiếng và gây ra thiệt hại không thể cứu chữa. Tồi tệ hơn, những video do Webb post lên YouTube còn được đăng lại trên những nền tảng khác.
Tại Trung Quốc, các video YouTube công kích gia đình Benassis được đăng trên cả những nền tảng thịnh hành như WeChat, Weibo hay Xigua Video và được dịch sang cả tiếng Trung Quốc.
Những câu chuyện như của gia đình Benassis thực tế không phải là hiếm, Danielle Citron, giáo sư luật Đại học Boston chuyên nghiên cứu về hành vi quấy rối trên mạng, cho biết. Khi đối diện với "đám đông mạng", như cách Citron gọi, cơ quan thực thi pháp luật thường không thể hoặc sẽ không điều tra.
Citron cho rằng các điều luật cần thay đổi. "Hiện nay, họ (đám đông mạng) hoàn toàn được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo luật liên bang. Vì thế, họ dễ dàng thoát tội", ông nói.
Dù chuyện gì xảy ra tiếp theo, "thiệt hại đã xảy ra", theo Maatje Benassi. "Tôi biết mọi chuyện sẽ không thể quay trở lại như trước đây. Mỗi lần bạn Google tên tôi, kết quả hiện ra sẽ là 'bệnh nhân số 0'"
Nhận xét
Đăng nhận xét