Tin khắp nơi – 28/04/2020

Tin khắp nơi – 28/04/2020

Các tiểu bang Mỹ mở cửa trở lại

bất chấp cảnh báo về sức khoẻ

Các tiểu bang của Mỹ – từ Minnesota đến Mississippi – trong tuần này đã chuẩn bị theo gót các tiểu bang khác trong việc giảm bớt các hạn chế về đại dịch virus corona để tìm cách hồi phục nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, mặc dù một số chủ doanh nghiệp còn đang lưỡng lự trước các cảnh báo về sức khỏe.
Colorado, Montana và Tennessee cũng đã sẵn sàng để cho phép một số doanh nghiệp được coi là không thiết yếu mở cửa trở lại sau khi phải đóng cửa trong nhiều tuần, ngay cả khi các chuyên gia y tế ủng hộ việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh trên diện rộng hơn để đảm bảo an toàn.
Georgia, Oklahoma, Alaska và South Carolina trước đó đã khởi động lại nền kinh tế của họ sau nhiều tuần bị bắt buộc ‘bế quan toả cảng’ khiến hàng triệu công nhân Mỹ mất việc.
Số ca nhiễm virus corona được xác định cho đến nay tiếp tục tăng hôm 27/4, khiến Mỹ dẫn đầu thế giới với 970.000 ca dương tính và số người thiệt mạng vì căn bệnh hô hấp lây nhiễm cao do chủng virus mới gây ra, COVID-19, đã vượt qua con số 54.800.
Các quan chức y tế công cộng cảnh báo rằng việc tăng cường tương tác giữa người với người và hoạt động kinh tế có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm mới trong khi các biện pháp giãn cách xã hội dường như đang kiểm soát sự bùng phát của virus corona.
Thống đốc bang New Jersey, Phil Murphy, cho biết trong một đăng tải trên Twitter vào cuối ngày 26/4 rằng ông sẽ công bố lộ trình cho việc “mở cửa lại (nền kinh tế) một cách có trách nhiệm” của tiểu bang này tại một cuộc họp báo lúc 12 giờ trưa (1600 GMT) ngày 27/4.
Mặc dù các lệnh ở trong nhà chưa từng có tiền lệ trước đây đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào nguy hiểm, nhiều chủ sở hữu đã bày tỏ sự mơ hồ về việc hoạt động trở lại mà không có nhiều biện pháp bảo vệ hơn.
Việc đóng cửa kinh doanh đã dẫn đến việc 26,5 triệu người Mỹ phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, một con số kỷ lục, kể từ giữa tháng 3 và Nhà Trắng đã dự báo một bước nhảy vọt gây sửng sốt về tỷ lệ thất nghiệp hàng tháng trên toàn quốc.
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, Kevin Hassett, nói với các phóng viên hôm 26/4 rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ đạt 16% hoặc hơn thế trong tháng 4, và rằng “vài tháng tới sẽ có thể khủng khiếp.”
https://www.voatiengviet.com/a/cac-tieu-bang-my-mo-cua-tro-lai-bat-chap-canh-bao-ve-suc-khoe/5394135.html

Gần một triệu người nhiễm Covid-19 ở Mỹ,

tức 1/3 con số toàn cầu

Hơn 56.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19, trung bình khoảng 2.000 ca mỗi ngày trong tháng này – theo thống kê của Reuters. Song con số chính xác trong thực tế được cho là cao hơn.
Khoảng 30% số ca lây nhiễm xảy ra ở bang New York, tâm của dịch virus corona ở Hoa Kỳ, tiếp theo là các bang New Jersey, Massachusetts, California và Pennsylvania.
Trên toàn cầu, số ca lây nhiễm virus corona vượt quá 3 triệu người kể từ khi đại dịch bắt đầu ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Hoa Kỳ, với dân số lớn thứ ba thế giới, có số ca nhiễm cao gấp năm lần so với các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
Trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Hoa Kỳ đứng thứ năm tính theo tỉ lệ số ca nhiễm trên đầu người, theo thống kê của Reuters. Hoa Kỳ có khoảng 30 ca nhiễm trên 10.000 người. Tây Ban Nha đứng đầu với hơn 48 ca nhiễm trên 10.000 người, tiếp theo là Bỉ, Thụy Sĩ và Ý.
Số ca tử vong vì virus coronaở Hoa Kỳ cao nhất thế giới, hiện vượt quá tổng số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 – 36.516 người, và có nguy cơ tiến đến con số 58.220, là số người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975.
https://www.voatiengviet.com/a/gan-1-trieu-nguoi-nhiem-covid-19-o-my/5395533.html

Virus corona: Bác sỹ tuyến đầu ở New York tự vẫn

Một bác sỹ có tiếng ở thành phố New York trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 đã tự vẫn.
BS Lorna Breen, 49 tuổi, giám đốc chuyên môn khoa cấp cứu Bệnh viện New York-Presbyterian Allen ở Manhattan, đã chết hôm Chủ Nhật vì những thương tích tự gây, cảnh sát cho hay.
Cha của bà, BS Philip Breen, nói với tờ The New York Times: “Con tôi gắng làm công việc của mình và công việc đã giết chết nó”.
New York có trên 17.500 ca tử vong trong tổng số hơn 56.000 ca trên toàn nước Mỹ.
BS Philip Breen nói con gái ông không có tiền sử bệnh tâm thần. Bà qua đời ở Charlottesville, Virginia, nơi bà đã ở cùng gia đình.
Nữ bác sỹ Lorna Breen bị nhiễm virus corona trong quá trình làm việc và quay trở lại tuyến đầu sau khi ở nhà chừng một tuần rưỡi để hồi phục, cha bà cho biết.
Bệnh viện đã yêu cầu bà về nhà nghỉ lần nữa, trước khi gia đình “can thiệp” để đưa bà về Charlottesville.
Cha bà nói lần cuối cùng ông nói chuyện với con gái, bà có vẻ “thẫn thờ” và kể cho ông về các bệnh nhân Covid-19 đã chết trước khi được đưa xuống xe cấp cứu. Hàng chục bệnh nhân đã tử vong vì virus corona tại Bệnh viện New York-Presbyterian Allen, nơi có 200 giường bệnh.
“Cô ấy thực sự ở dưới chiến hào của tuyến đầu,” cha bà nói với báo the Times.
“Hãy đảm bảo con tôi được ca ngợi như một anh hùng. Nó đã tử vong cũng như tất cả những người khác đã qua đời.”
Theo tờ The Times, BS Lorna Breen là một người Thiên chúa giáo ngoan đạo rất gắn bó với gia đình. Bà cũng là người say mê trượt tuyết và yêu thích nhảy salsa. Bà làm tình nguyện tại một nhà dưỡng lão một tuần một lần.
Bệnh viện New York-Presbyterian Allen viết trong một thông cáo: “BS Breen là một anh hùng, người đã thực hiện những ý tưởng cao đẹp nhất của ngành y tại tuyến đầu đầy thử thách của khoa cấp cứu.”
Trong một thông cáo báo chí xác nhận cái chết của bà, Sở Cảnh sát Charlottesville cũng mô tả BS Breen như một “vị anh hùng”.
Sở cảnh sát nói sau khi có cuộc gọi vào ngày 26/4, BS Breen được đưa tới một bệnh viện địa phương để chữa chạy, “nơi sau đó bà đã ra đi vì những thương tích tự gây ra”.
Cảnh sát Trưởng RaShall Brackney nói trong một thông cáo: “Các nhân viên y tế tuyến đầu và những người làm công việc cấp cứu không miễn dịch trước những tác động về tâm lý và thể lực của nạn dịch hiện nay.
“Mỗi ngày, những nhân viên này phải làm việc trong hoàn cảnh hết sức căng thẳng, và virus corona khiến công việc còn căng thẳng hơn.”
Tiểu bang New York ghi nhận gần một phần ba trong số gần một triệu ca nhiễm trên toàn nước Mỹ.
Hôm thứ Hai, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói các xét nghiệm kháng thể cho thấy một phần tư người dân Thành phố New York (24,7%) – thành phố đông dân nhất nước Mỹ với 8,3 triệu người – đã nhiễm virus corona.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52456260

Covid-19 mang theo bốn ẩn số đe dọa kinh tế Mỹ

Thanh Hà
Trong vòng hai tháng, virus corona làm lộ rõ những lỗ hổng của nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ : những thành tựu tích lũy được từ 2009 đã bị cuốn trôi. Hơn 26 triệu người mất việc làm trong 5 tuần nước Mỹ « đóng cửa ». Đà phục hồi tùy thuộc vào nhiều ẩn số.
Tháng 02/2020, với tỷ lệ thất nghiệp là 3,4 % tổng thống Trump xem đó là lá chủ bài giúp ông dễ dàng tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai. Hai tháng sau, 16 % người trong độ tuổi lao động mất việc làm. Bộ Lao Động Mỹ công bố thống kê thất nghiệp vào ngày 08/05/2020, giới phân tích dự báo, sẽ có từ 20 đến 25 % dân Mỹ bị thất nghiệp
Kinh tế Mỹ « rơi vào vực thẳm »
Kinh tế gia Chris Rupkey thuộc ngân hàng Mitsubishi UFG tại New York cay đắng nhận định : « nhiều người tự hỏi không biết cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930 ra sao, thì giờ đây câu hỏi đó thật bằng thừa vì đó là những gì nước Mỹ đang trải qua ». Mới chỉ trong những ngày đầu tháng 03/2020 nhiều lĩnh vực đang trong chu kỳ thịnh vượng, rất khó tuyển dụng thêm nhân viên, trong một sớm một chiều tất cả đều đã chựng lại. Các công viên giải trí từ Disney World đến xưởng phim Universal đã lần lượt đóng cửa, hàng chục ngàn nhân viên phải nghỉ việc với hy vọng là sẽ được gọi đi làm lại một khi dịch bệnh được khống chế.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 03/2020 giảm hơn 6 %. Trong hơn 70 năm qua, lần đầu tiên tập đoàn chế tạo máy bay Boeing tuyên bố đóng cửa « vô hạn định các nhà máy » ở Seattle. General Electric đối tác không thể thiếu của Boeing sa thải 10 % nhân sự do các hoạt động trong ngành hàng không tại Hoa Kỳ giảm 95 %. Cũng chưa bao giờ các nhà máy xe hơi tại Mỹ đồng loạt đóng cửa từ ngày 18/03/2020 và đây là một lĩnh vực bảo đảm công việc làm cho 1,3 triệu Mỹ.
Thêm một thước đo lường khác về đà sa sút tại Mỹ là mức tiêu thụ xăng dầu quay trở về với thời điểm của năm 1968 ! Hàng chục nhà sản xuất dầu đá phiến nhỏ bé tại Mỹ không tránh khỏi việc tuyên bố phá sản vào lúc dầu đá phiến mất 37 % trị giá trong vòng một tháng. Lớn hơn một chút, là các tập đoàn như Diamond Offshore ở Texas, Whiting Petrolium- Bắc Dakota … đã mất khả năng thanh toán. Ngay cả đến những ông vua dầu hỏa của Hoa Kỳ như ExxonMobil hay Chevron cũng phải « cắt giảm triệt để » các khoản chi tiêu.
Theo thăm dò 27/04/2020 do hiệp hội quy tụ các doanh nghiệp Mỹ trên toàn quốc NABE thực hiện, tất cả những người được hỏi đều cho biết « doanh thu và đầu tư đã giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 tới nay ». 30 % trong số này cho rằng « tình trạng đen tối đó còn tiếp diễn trong từ 3 đến 6 tháng nữa ». 17 % trong số những người được tham khảo y kiến đã phải sa thải nhân viên, 31 % tạm thời cho nhân viên « nghỉ phép » với hy vọng công ty hay cửa hàng được phép mở cửa lại trong « một vài ngày nữa ».
Ngân hàng Bank of America dự báo GDP của Mỹ trong quý 2/2020 giảm 30 % và tổng sản phẩm nội địa Hoa Kỳ sẽ thấp hơn so với của năm ngoái hơn 10 %.
Thách thức y tế
Câu hỏi đặt ra là vì sao Covid-19 đã dễ dàng đánh gục một ông khổng lồ như nước Mỹ ? Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư kinh tế Fabien Tripier, giảng dậy tại đại học Evry, ngoại ô Paris và cũng là cố vấn khoa học của trung tâm nghiên cứu CEPII nêu lên bốn ẩn số thách thức Hoa Kỳ :
Fabien Tripier :  Khủng hoảng kinh tế Mỹ trước hết là hậu quả của khủng hoảng về y tế. Mọi người đều bị bất ngờ. Thoạt đầu Hoa Kỳ không bị virus corona tác động trực tiếp bởi vì cho đến giữa tháng 03/2020 Trung Quốc và châu Âu là hai tâm dịch của thế giới. Có điều sau đó nước Mỹ đã nhanh chóng bị kéo vào vòng xoáy  và hãy còn ở trong tâm bão. Ẩn số đầu tiên là dịch bệnh liệu sẽ kéo dài trong bao lâu. Trước mắt chúng ta không thể trả lời câu hỏi này. Không biết khi nào dịch bệnh chấm dứt và sau đó có nguy cơ diễn ra những đợt tái phát nữa hay không một khi các hoạt động, giao thương trở lại gần như bình thường. Điều chắc chắn là cho đến giờ phút này, chưa có vác-xin, chưa có thuốc trị virus corona.
Thực ra ngay từ tháng Giêng, tháng Hai, tăng trưởng ở Mỹ đã phần nào bị tác động, nhưng đó là tác động dây chuyền do cỗ máy kinh tế của Trung Quốc, rồi của châu Âu bị virus corona làm tê liệt. Nhưng trong 5 tuần lễ trở lại đây đến lượt cỗ máy kinh tế đồ sộ của Hoa Kỳ phải dừng lại, từ khu vực sản xuất đến các dịch vụ giải trí, mua bán … đều phải đóng cửa. Đây thực sự là một sự « sụp đổ » hoàn toàn, và hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp. Trong lịch sử Hoa Kỳ, từ những năm 1930 chưa bao giờ tỷ lệ người bị mất việc làm tại tăng nhanh như lần này. Các dự báo cho thấy trong những tháng sắp tới sẽ có từ 20 đến 25 % người trong tuổi lao động không có việc làm. Cần biết rằng cuối tháng 2 vừa qua tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là khoảng  5 %. Thị trường lao động Mỹ bị thiệt hại năng hơn nhiều so với hồi khủng hoảng tài chính 2008.
Covid-19 bắt đầu lây sang ngành tài chính và dầu hỏa của Hoa Kỳ  
Ấn số thứ nhì và thứ ba là liệu dịch Covid-19 có tấn công luôn cả thị trường tài chính Wall Street của Hoa Kỳ vào ngành dầu hỏa của nước Mỹ.
Fabien Tripier : Trên thị trường tài chính khủng hoảng đã nổ ra. Có nghĩa là trị giá cổ phiếu trên thị trường Mỹ đã mất 30 % trong ba tháng đầu năm nay. Chứng khoán Mỹ đã rơi rất mạnh và thêm vào đó là thị trường dầu hỏa đang bị đảo điên vì nhu cầu tiêu thụ của thế giới đã sụp đổ. Ban đầu chỉ có Trung Quốc ngưng mua vào dầu hỏa của thế giới, vì cả cỗ máy sản xuất của nước này bị đóng băng. Kế tới châu Âu trong thời gian bị phong tỏa, các nhà máy cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Nhưng rồi ngay cả tại Mỹ, các phương tiện chuyên chở, trên không, trên biển và trên bộ đều rơi xuống gần như số không. Nhu cầu tiêu thu dầu hỏa giảm đến mức chưa từng thấy, khiến các kho dự trữ xăng dầu cứ thế lớn dần, trong lúc các nhà sản xuất tiếp tục bơm và lọc dầu. Cũng lần đầu tiên các tay môi giới dầu hỏa mua bán hợp đồng với giá dầu ở số âm.
Có một nghịch lý là vào lúc virus corona thách thức từ hệ thống y tế đến bảo hiểm xã hội của Mỹ và nhất là cỗ máy kinh tế đang rất ngon trớn của Hoa Kỳ thì đồng đô la lại có giá.
Fabien Tripier : Trong toàn cảnh u ám đó, điểm son duy nhất là đồng đô la đang khá mạnh. Chúng ta có thể ngạc nhiên bởi vì kinh tế Mỹ đang bị suy thoái. Dù vậy khi kinh tế bấp bênh, giới đầu tư bao giờ cũng quay về những điểm được cho là an toàn nhất. Vào lúc không ai biết được dịch Covid-19 kéo dài bao lâu, kinh tế thế giới bị  tác hại đến mức độ nào thì các nhà đầu tư rút khỏi các nền kinh tế đang trỗi dậy, thu vốn trở lại về Mỹ và trong một chừng mực nào đó là châu Âu. Số này ồ ạt mua vào đồng đô la, do vậy đô la tăng giá. Các quốc gia đang trỗi dậy vì muốn giữ giá đơn vị tiền tệ của mình cũng phải mua vào đồng đô la và luật cung cầu đương nhiên lại càng đẩy giá đơn vị tiền tệ của Mỹ lên cao.
Trái với châu Âu, Mỹ đã rất nhanh chóng tung cùng lúc tất cả các phương tiện để cứu nguy kinh tế. Chính quyền liên bang ban hành hai kế hoạch hỗ trợ kinh tế trị giá gần 3.000 tỷ đô la để giúp các doanh nghiệp và tư nhân đối mặt với những thách thức Covid-19 đặt ra. Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, lần đầu tiên thâm hụt ngân sách của chính phủ đạt ngưỡng 3.700 tỷ đô la, tương đương với 18 % GDP của Mỹ.
Về phía Ngân Hàng Trung Ương, Fed cũng đã sử dụng đến tất cả các phương tiện đang có trong tay : giảm lãi suất chỉ đạo đang từ 1,25 % xuống còn 0- 0,25 % đồng thời mua vào 500 tỷ vừa cổ phiếu, vừa các công trái phiếu, rồi 1.000 tỷ đô la và tới nay là gần 2.500 tỷ đô la so với thời điểm cuối tháng 2/2020. Đây không hơn không kém là một hình thức bơm thêm tiền vào cỗ máy kinh tế đồ sộ của Hoa Kỳ. Tính đến ngày 27/04/2020 Fed nắm giữ 6.573 tỷ đô la công trái phiếu và cổ phiếu của các tập đoàn Mỹ, tương đương với 30 % GDP toàn quốc.
Vào lúc nước Mỹ đã sử dụng hết tất cả các phương tiện để kích cầu với hy vọng tránh được kịch bản cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930, câu hỏi quan trọng nhất là liệu các biện pháp tốn hàng ngàn tỷ này hiệu quả hay không.
Theo phân tích của giáo sư Tripier đại học Evry, kiêm cố vấn khoa học của trung tâm nghiên cứu CEPII (Trung Tâm  Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế) đây là ẩn số thứ tư, đe dọa đà phục hồi của Hoa Kỳ và câu trả lời chủ yếu tùy thuộc vào yếu tố chính trị :
Fabien Tripier : Trong ký ức của người Mỹ, khủng hoảng còn lại dư âm đến ngày nay là khủng hoảng năm 1929, điểm khởi đầu của cuộc đại suy thoái trong suốt thập niên 1930.  Trong ba hay bốn năm liền, đợt đại suy trầm đó cuốn trôi từ 8 đến 10 % GDP của Âu, Mỹ một năm. Đó là kịch bản mà cả châu Âu lẫn Mỹ đều không muốn phải chứng kiến thêm một lần nữa. Do vậy ở hai bên bờ Đại Tây Dương, các bên đã nhanh chóng và ồ ạt bơm tiền cứu nguy kinh tế. Tuy nhiên trong quá khứ, các bên đã thiếu hợp tác và mỗi quốc gia đã co cụm lại. Đó là mầm mống dẫn tới phong trào phát xít tại châu Âu. Theo tôi ở đây không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế, mà trước hết điều quan trọng là quyết tâm chính trị của mỗi quốc gia. Nếu quốc tế thiếu một sự phối hợp thì khủng hoảng y tế lan chẳng những lan sang cả các lĩnh vực kinh tế mà còn dẫn đến bất ổn chính trị. Hiện tại vai trò của Donald Trump trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ hết sức quan trọng và nhậy cảm. Liệu ông có tái đắc cử vào tháng 11 này hay không hay Biden sẽ vào Nhà Trắng ? Vận mệnh thế giới sẽ tùy thuộc nhiều vào quyết tâm của tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ bốn năm sắp tới.
Trong bối cảnh đó, khẩu hiệu tái tranh cử « Keep America Great – Duy trì một nước Mỹ hùng mạnh » của tổng thống Trump, với virus corona liệu có còn tính thời sự nữa hay không? Hay đây là thời điểm để nước Hoa Kỳ củng cố lại những lỗ hổng về kinh tế và xã hội tại một quốc gia 30 triệu dân không có bảo hiểm về y tế tối thiểu, 40 % dân Mỹ không trở tay kịp trước một khoản chi tiêu đột xuất 400 $ (theo báo cáo của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ tháng 5/2019).
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200428-covid-19-mang-theo-b%E1%BB%91n-%E1%BA%A9n-s%E1%BB%91-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng:

Trung Quốc ‘thủ lợi’ từ đại dịch

Cố vấn Thương mại Tòa Bạch Ốc, Peter Navarro, ngày 27/4 cáo buộc Trung Quốc đã gởi các bộ xét nghiệm kém chất lượng và thậm chí là những bộ xét nghiệm kháng thể virus corona giả sang Mỹ và “thủ lợi” từ đại dịch.
Ông Navarro, một người thường chỉ trích Bắc Kinh đã được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm việc về các vấn đề cung ứng liên quan tới dịch corona, nói xét nghiệm thêm về virus và kháng thể là rất cần thiết để dân Mỹ có thể trở lại làm việc sau thời gian bị phong toả.
“Chúng ta không thể để Trung Quốc đưa qua những bộ xét nghiệm sai hay giả, vì việc này sẽ làm gián đoạn mọi thứ,” ông Navarro nói với chương trình Fox and Friends.
“Có nhiều bộ xét nghiệm kháng thể đến từ Trung Quốc chất lượng thấp, đọc kết quả sai và đại loại như thế.”
Hoa Kỳ dựa nhiều vào Trung Quốc về những trang bị căn bản và thuốc men và hai đối thủ chiến lược-thương mại đã cáo buộc lẫn nhau trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Ông Navarro cáo buộc Trung Quốc làm lây lan virus ra thế giới sau khi ‘họ che giấu trong 6 tuần.’ Người ta tin rằng virus corona khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
“Họ đáng lý phải khống chế trong Vũ Hán,” ông nói. “Họ không làm. Họ gieo rắc dịch bệnh trên toàn thế giới, với hàng trăm ngàn người Trung Quốc lên máy bay đi đến Milan, New York và các nơi khác.”
Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, trong đó có cáo buộc của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc che giấu dịch bệnh bùng phát.
Ngày 27/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên Twitter yêu cầu ông Pompeo nên “ngưng chơi trò chính trị. Tốt hơn là dành năng lượng để cứu nhân mạng.”
Với hơn 970.000 ca nhiễm và 55.000 người chết vì COVID-19, Hoa Kỳ là nước bị ảnh hưởng tệ hại nhất trên thế giới.
Vào ngày 25/4, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã bỏ quy định buộc một số sản phẩm chính liên quan tới dịch corona phải được các nhà ban hành qui định trong nước chấp thuận trước khi xuất khẩu, miễn là được các nước nhập khẩu chấp thuận.
Trung Quốc qui định thêm sự chấp thuận trong nước kể từ cuối tháng 3 sau khi một vài nước Châu Âu than phiền là những bộ xét nghiệm do Trung Quốc chế tạo không chính xác.
Ngày 27/4, ông Navarro cáo buộc là trong suốt thời gian trì hoãn báo cáo, Trung Quốc “hút hết các trang bị bảo hộ cá nhân trên thế giới” cần cho những nhân viên y tế. “Và hiện nay Trung Quốc căn bản hưởng lợi từ tình hình này,” ông nói thêm.
Cách đây một tuần, ông Navarro cáo buộc Trung Quốc có thể giữ lại dữ liệu từ sớm về lây nhiễm virus corona vì muốn thắng cuộc chạy đua thương mại để chế tạo vaccine.
Hiện chưa có cách chữa trị hay vaccine được chấp thuận để chữa trị và phòng ngừa COVID-19.
https://www.voatiengviet.com/a/c%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-trung-qu%E1%BB%91c-th%E1%BB%A7-l%E1%BB%A3i-t%E1%BB%AB-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch/5395086.html

Ông Trump nói Mỹ có thể đòi

Trung Quốc bồi thường vì Covid-19

Hải Lam
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27/4 nói rằng ông có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì dịch Covid-19.
“Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc”, ông Trump phát biểu trong buổi họp báo hôm 27/4 tại Nhà Trắng. “Chúng tôi không hài lòng với tình hình chung bởi chúng tôi tin rằng nó (Covid-19) đáng lẽ đã có thể ngăn chặn ngay tại nơi khởi phát”.
Tổng thống Trump phát biểu thêm: “Có rất nhiều cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang điều tra rất nghiêm túc”.
Trong cuộc họp báo, một phóng viên đã đề cập đến việc một tờ báo của Đức gần đây yêu cầu Trung Quốc bồi thường 149 tỷ Euro cho nước này vì những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra và hỏi Mỹ có hành động tương tự hay không. Tổng thống Trump trả lời: “Chúng tôi có thể làm những thứ dễ dàng hơn nhiều. Đức đang xem xét, chúng tôi cũng đang xem xét. Chúng tôi bàn đến khoản tiền (bồi thường) lớn hơn nhiều khoản tiền mà Đức đang cân nhắc. Chúng tôi vẫn chưa quyết định bao nhiêu, nhưng sẽ là rất lớn”.
Ông chủ Nhà Trắng nói thêm: “Đây là thiệt hại với cả thế giới. Đây là thiệt hại với Mỹ, nhưng cũng là thiệt hại với cả thế giới”.
Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay dịch bệnh đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Mỹ là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng các quan chức Mỹ nghi ngờ số liệu mà giới chức Trung Quốc công bố.
Hàng ngàn người Mỹ và nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ yêu cầu buộc tội chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh, bưng bít thông tin, khiến virus Vũ Hán lan ra toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước.
Tại châu Âu, một báo cáo của tổ chức Henry Jackson Society – một cơ quan nghiên cứu của Anh Quốc – lập luận rằng các quốc gia G7 có thể khởi kiện Trung Quốc và yêu cầu bồi thường hàng ngàn tỷ USD. Báo cáo còn tuyên bố nước Úc có thể đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại hơn 58 tỷ USD.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-trump-noi-my-co-the-doi-trung-quoc-boi-thuong-vi-covid-19.html

Virus corona: Nhiều người Mỹ gọi đường dây nóng

hỏi vụ ‘tiêm thuốc khử trùng’

Tổng thống Donald Trump nói rằng ông “không thể tưởng tượng được tại sao” các cuộc gọi đến đường dây nóng của Hoa Kỳ về chất khử trùng tăng lên sau khi ông đề nghị tiêm chất này để điều trị virus corona.
Thống đốc hai tiểu bang Michigan và Maryland hôm Chủ Nhật đổ lỗi cho tổng thống là nguyên nhân dẫn đến sự tăng đột biến các cuộc gọi này.
Hơn 50 ngàn tử vong, Trump đổ lỗi cho TQ, còn trách nhiệm của ông?
Nhiều tiểu bang Mỹ bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa
Virus corona: Số người chết ở Mỹ vượt 50.000
Sau những chỉ trích nặng nề từ các chuyên gia y tế, ông Trump nói rằng những nhận xét của ông được đưa ra một cách mỉa mai.
Thuốc khử trùng là những chất độc hại và có thể gây ngộ độc nếu nuốt phải.
Trong cuộc họp báo về tình hình Covid-19 hôm thứ Hai, một phóng viên lưu ý rằng đường dây nóng khẩn cấp của bang Maryland đã nhận được hàng trăm cuộc gọi trong những ngày gần đây để tìm hướng dẫn về những bình luận của ông Trump.
“Tôi không thể tưởng tượng tại sao,” tổng thống nói. “Tôi không thể tưởng tượng điều đó.”
Khi được hỏi liệu ông có chịu trách nhiệm gì cho việc gia tăng các cuộc gọi hay không, ông Trump trả lời: “Không, tôi không.”
Tuần trước, văn phòng thống đốc Maryland cho biết họ đã đưa ra cảnh báo trên toàn tiểu bang phản đối việc uống hoặc tiêm thuốc khử trùng theo đề xuất của tổng thống.
Ông Trump đã đưa ra đề xuất về tiêm thuốc khử trùng vào thứ Năm, sau khi một quan chức trình bày kết quả nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy Covid-19 có thể bị giết trong vài phút bằng thuốc tẩy.
“Tôi thấy chất khử trùng đánh bại con virus trong một phút. Một phút”, ông Trump nói. “Và có cách nào chúng ta có thể làm một cái gì đó giống như thế, bằng cách tiêm vào bên trong hoặc gần như làm sạch?”
Vào chiều thứ Sáu, ông Trump nói với các nhà báo: “Tôi đã hỏi một câu hỏi mỉa mai với các phóng viên như các quý vị chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra.”
Trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng hôm thứ Hai, ông Trump cũng được hỏi liệu ông có trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 hay không.
“Tôi thậm chí không bao giờ nghĩ đến việc thay đổi ngày bầu cử”, ông nói. “Tại sao tôi phải làm điều đó?”
Cựu phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đối thủ thuộc đảng Dân chủ, cho biết tuần trước ông nghĩ ông Trump sẽ “cố gắng đẩy lùi cuộc bầu cử bằng cách nào đó”.
Nhưng ông Trump nói với các phóng viên rằng ý tưởng này là “dàn dựng tuyên truyền”.
“Tôi mong chờ cuộc bầu cử đó”, ông Trump nói.
Các chuyên gia về hiến pháp lưu ý rằng nếu một tổng thống muốn thay đổi thời gian của cuộc bầu cử Nhà Trắng, ông sẽ không thể làm điều đó – ngay cả trong trường hợp khẩn cấp – vì ngày bầu cử được Quốc hội ấn định.
Ông Trump cũng được một phóng viên hỏi liệu một tổng thống để số người Mỹ chết trong sáu tuần qua nhiều hơn số người Mỹ chết trong hai thập kỷ chiến tranh Việt Nam có xứng đáng được bầu lại không.
Ông Trump nói rằng chính quyền của ông đã thực hiện một công việc “không thể tin được”.
Tổng số ca mắc Covid-19 được xác nhận của Hoa Kỳ là gần một triệu. Cho đến nay đã có hơn 55.000 người chết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52451485

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nói

nền kinh tế Mỹ có thể giảm 30%

Hương Thảo
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết đại dịch có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào tình trạng suy thoái lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, với sản lượng giảm trong quý hai lên tới 30%.
“Các vị có thể chứng kiến thứ gì đó như âm 20% đến âm 30% trong quý thứ hai”, ông Hasset nói trong chương trình “Squawk Box” của CNBC, đề cập đến con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý.
“Đối với GDP quý II, nó sẽ là con số âm lớn nhất mà chúng ta đã thấy kể từ cuộc Đại suy thoái”, ông nói thêm.
Nói về con số thất nghiệp trong tháng 4, sẽ được đưa ra vào tuần đầu tiên của tháng 5, cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump cho biết ông dự kiến ​​nó sẽ đạt 16 hoặc 17%.
Trước đó, trong chương trình “This Week” của kênh ABC, ông Hassett cho biết triển vọng phát triển kinh tế của Hoa Kỳ đang trong tình trạng thực sự nghiêm trọng.
“Chúng ta sẽ chứng kiến một tỷ lệ thất nghiệp tiệm cận ở mức mà chúng ta từng thấy trong thời kỳ Đại Suy thoái” những năm 1930, ông Hassett nói thêm.
Tuy nhiên, ông Hassett cho biết mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái sẽ phụ thuộc vào các biện pháp khắc phục.
“Rất nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ làm gì tiếp theo”, ông nói. “Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta có những thứ cần thiết để phát triển, nhằm [mang lại cho quốc gia] cơ hội tốt nhất có thể để phục hồi kinh tế theo hình chữ V”.
Thể hiện hy vọng về sự phục hồi kinh tế theo hình chữ V, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói với Fox News ngày 26/4 rằng, nền kinh tế sẽ “thực sự phục hồi” trở lại vào mùa hè.
“Khi chúng ta bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào tháng 5 và tháng 6, các vị sẽ thấy nền kinh tế thực sự hồi phục vào tháng 7, tháng 8, tháng 9”, ông nói với Fox News.
Theo The Epoch Times
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/co-van-kinh-te-nha-trang-noi-nen-kinh-te-my-co-the-giam-30.html

Các công ty viễn thông của Hoa Kỳ gia hạn cam kết

không hủy dịch vụ hay tính thêm lệ phí

cho người dân bị ảnh hưởng bởi coronavirus

Tin từ Washington, D.C. – Vào thứ hai (ngày 27 tháng 4), các công ty viễn thông lớn tại Hoa Kỳ cho biết họ sẽ gia hạn cam kết không hủy dịch vụ hay tính lệ phí thanh toàn trễ cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi coronavirus cho đến ngày 30 tháng 6.
Vào tháng 3, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cho biết các nhà cung cấp dịch vụ không dây và internet lớn – bao gồm Verizon Communications, Comcast, AT & T Inc, T-Mobile US và Google Fiber – đã đồng ý sẽ không hủy dịch vụ cho những khách hàng trong vòng 60 ngày. Tổng cộng, hơn 700 công ty đã đồng ý với cam kết tự nguyện này.
Vào thứ hai, Verizon, AT & T, Comcast và T-Mobile đều cho biết họ sẽ gia hạn các cam kết tự nguyện nói trên đáng lý sẽ hết hạn vào giữa tháng 5. Chủ tịch FCC Ajit Pai đã tiết lộ các cam kết tự nguyện vào tháng 3 sau khi nói chuyện với các công ty và cho biết họ cũng đã đồng ý mở các điểm truy cập Wi-Fi cho bất kỳ ai cần chúng.
Tuần trước, một nhóm gồm 24 Bộ Trưởng Tư Pháp tiểu bang đã yêu cầu các hãng này gia hạn các cam kết tự nguyện cho đến ngày 11 tháng 8. Cũng trong thứ hai, Cox Communications cho biết họ sẽ gia hạn cam kết không hủy dịch vụ hoặc tính phí thanh toán trễ cho đến ngày 30 tháng 6 và tiếp tục mở các điểm truy cập Wi-Fi Cox. U.S. Cellular cho biết họ sẽ gia hạn đến hết ngày 31 tháng 7 cho một số hoạt động của người tiêu dùng bao gồm cung cấp cho khách hàng thêm dung lượng truy cập và loại bỏ giới hạn dung lượng trên các gói internet tốc độ cao.
Bên cạnh đó, Comcast cho biết ngoài việc gia hạn cam kết đến hết ngày 30 tháng 6 và cung cấp các điểm truy cập Wi-Fi cho bất kỳ ai cần chúng, họ sẽ cung cấp cho khách hàng dung lượng mạng không giới hạn. Các công ty internet lớn khác của Hoa Kỳ dự kiến sẽ công bố gia hạn các cam kết cho đến tháng 6 trong tuần này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-cong-ty-vien-thong-cua-hoa-ky-gia-han-cam-ket-khong-huy-dich-vu-hay-tinh-them-le-phi-cho-nguoi-dan-bi-anh-huong-boi-coronavirus/

Giới Nghị sỹ Mỹ liên tục đệ trình các dự luật

trừng phạt Trung Quốc vì hoạt động phi pháp

ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trước những hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đe dọa trực tiếp đến lợi ích, an ninh của Mỹ và các nước đồng minh. Giới Nghị sỹ Mỹ liên tục đề xuất các dự luật trừng phạt, răn đe Trung Quốc, buộc này nước hành xử có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, giới chức Mỹ đã đề trình nhiều dự luật khác nhau nhằm răn đe, cảnh cáo và trừng phạt các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong số đó, đã có nhiều dự luật được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua.
Sáng kiến răn đe Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Dự luật được Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mac Thornberry thuộc Ủy ban Quân vụ hạ viện Mỹ (16/4) công bố, trong đó yêu cầu chi ngân sách 6 tỉ USD trong năm tới nhằm tập trung đối phó Trung Quốc tại khu vực này.
Dự luật bao gồm các chi phí cho chương trình phòng thủ tên lửa, hoạt động tình báo, triển khai khí tài, binh lính, xây dựng công trình quân sự, hợp tác với đồng minh, đối tác và tập trận; triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân tích hợp trên đất liền trên đảo Guam, tái khởi động lại radar phòng thủ ở Hawaii và tài trợ cho các tên lửa chính xác tầm xa mới trong khu vực. Theo dự luật của nghị sĩ Thornberry, 1 tỉ USD sẽ dùng để gia tăng hiện diện và sức mạnh của quân đội Mỹ tại khu vực, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa tại đảo Guam, một hệ thống radar phòng thủ tại Hawaii và một số chương trình phòng thủ tên lửa khác. Khoảng 1,5 tỉ USD sẽ dùng cho việc triển khai lực lượng và hậu cần; 2,1
tỉ USD cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng; 350 triệu USD để hợp tác với đồng minh và đối tác, và 1 tỉ USD cho việc huấn luyện và tập trận.
Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2019
Dự luật được các Thượng Nghị sĩ Todd Young và Mitt Romney của đảng Cộng hòa cùng Maggie Hassan và Catherine Cortez Masto của đảng Dân chủ đưa ra ngày 25/9/2019. Theo đó, Dự luật kêu gọi Chính quyền Mỹ tăng cường hợp tác với các nước đồng minh đối phó với Trung Quốc. Nếu được thông qua, dự luật sẽ thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu đưa ra giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thượng Nghị sĩ Todd Young cho biết, c”ác nghị sĩ bang Indiana ủng hộ sự quyết liệt của Tổng thống trong việc đối đầu Trung Quốc, nhưng chúng ta cần các nước khác bắt đầu thực hiện phần của họ để tăng cường áp lực kinh tế với nước này”; nhấn mạnh Dự luật này sẽ giúp bảo vệ lợi ích của Mỹ bằng cách tranh thủ nỗ lực của các đồng minh và “một cách tiếp nhận thống nhất với các đối tác trong khu vực là cần thiết nếu chúng ta có kế hoạch ngăn chặn những hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc”. Thượng Nghị sĩ Romney cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, Mỹ đã đến lúc xây dựng chiến lược toàn diện để đối đầu với “hành vi gây hấn ngày càng tăng” của Bắc Kinh. Để làm việc đó một cách tốt nhất, chúng ta phải liên kết sức mạnh với các nước khác và phát triển hướng đi thống nhất với các đồng minh để giải quyết mối đe dọa đáng kể mà Trung Quốc đặt ra với tự do của chúng ta trên toàn thế giới. Cùng quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Hassan cho rằng, các hành động thù địch của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đặ ra mối đe dọa kinh tế và quân sự đối với phần còn lại của thế giới và các động thái của Trung Quốc sẽ không được dung thứ, khẳng đinh Mỹ sẽ đoàn kết với các đồng minh để chống lại sự hung hăng của Bắc Kinh. Còn Thượng Nghị sĩ Masto nhấn mạnh các liên minh và đối tác hùng mạnh của Mỹ trên khắp thế giới là nguồn sức mạnh duy nhất. Dự luật này sẽ đảm bảo chúng ta phối hợp hiệu quả hơn với các quốc gia khác để có cách tiếp cận thống nhất, toàn diện đối với các thỏa thuận của chúng ta với Trung Quốc, tôn trọng các đồng minh quan trọng và tăng áp lực trên toàn cầu để tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế và tuân thủ các quy tắc tương tự.
Dự luật Chiến lược Đông Nam Á
Hạ viện Mỹ (24/9/2019) đã thông qua Dự luật Chiến lược Đông Nam Á (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Washington. Hiện dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.
Nữ Dân biểu Ann Wagner, người giới thiệu Dự luật cho biết, “cho đến nay, Mỹ chưa bao giờ đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực Đông Nam Á. Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ thực hiện điều đó bằng cách thiết lập một chiến lược khu vực sâu sắc, rành mạch, nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của mối quan hệ quan trọng của chúng ta với Đông Nam Á và ASEAN”. Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã đề xuất dự luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật mang tên “Hành động trừng phạt Biển Đông và biển Hoa Đông 2016”, đề nghị trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc tham gia những hoạt động phi pháp của Bắc Kinh tại hai vùng biển này. Theo ông  Marco Rubio, “hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ. Việc này có thể cảm nhận tại Mỹ, bao gồm các cảng ở Florida và qua kinh tế tàu biển và hàng hóa của bang chúng ta”. Dự luật do Rubio đưa ra thể hiện thay đổi đầy tham vọng trong chính sách của Mỹ. Nếu được thông qua, nó sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt chống lại các cá nhân, tổ chức Trung Quốc tham gia hoạt động ở Biển Đông và phạt cả tổ chức tài chính của bên thứ ba cố ý tham gia. Dự luật cũng bao gồm đề xuất hạn chế viện trợ với các nước đứng về lập trường của Trung Quốc trong xử lý vấn đề tại Biển Đông, biển Hoa Đông. Điều này thay đổi lập trường của Mỹ lâu nay là không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ (trừ một số ngoại lệ).
Đến năm 2019, Dự luật trên tiếp tục được 13 nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đưa ra thảo luận. Nếu được thông qua, “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” sẽ cho phép chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính tại Mỹ, thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ đối tượng nào bị cáo buộc có liên quan tới “các hoạt động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin cho biết, Dự luật của lưỡng đảng đã củng cố thêm nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đối phó với hoạt động quân sự hóa trái phép và nguy hiểm của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp mà nước này đang chiếm đóng trên Biển Đông. Dự luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực (Biển Đông và Hoa Đông) cởi mở và tự do đối với tất cả các nước, đồng thời buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hành vi gây hấn và cưỡng ép trong khu vực. Dự luật mới cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải trình lên Quốc hội bản báo cáo theo thời hạn 6 tháng một lần để xác định những cá nhân hay công ty Trung Quốc có liên quan tới hoạt động xây dựng hay phát triển các dự án trái phép trên Biển Đông. Các hoạt động trái phép được quy định theo dự luật của Mỹ gồm bồi đắp, xây đảo nhân tạo, xây dựng hải đăng và hạ tầng viễn thông di động. Những cá nhân hay tổ chức đồng lõa hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hay ổn định” ở những khu vực do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng bị nhắm mục tiêu trừng phạt theo dự luật mới.
Giới chuyên gia nhận định, các dự luật trên của Nghị sỹ Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh của Mỹ và đồng minh, đồng thời nó góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Nhà phân tích Dov Zakheim của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), từng là lãnh đạo cao cấp trong Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định rằng Hạ nghị sĩ Thornberry, lâu nay được coi là chiến lược gia hàng đầu về an ninh quốc gia, đang muốn tạo ra chiến lược tương đương với Sáng kiến Răn đe châu Âu, mà chính quyền Obama lập ra để giúp NATO củng cố khả năng răn đe trước sự gây hấn của Nga. Cụ thể, dự luật của ông Thornberry “sẽ mở rộng sự hiện diện của Mỹ, cho phép thêm các cuộc diễn tập, cải thiện cung ứng và hạ tầng, tăng cường phối hợp hoạt động với các đồng minh và đối tác”, và “thể hiện… cam kết với các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhắm đến các thách thức cụ thể về tác chiến… đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc”. Dự luật trên được ông Thornberry đề ra “hoàn toàn hợp thời điểm”.
Chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ) nhận định nhưng dự luật trên cho thấy “Mỹ có sẵn nhiều công cụ để kiềm chế chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Trong khi đó, giới truyền thông nhận định, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng có thể bị Mỹ trừng phạt nếu “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” được thông qua. Asia Times cho rằng, nếu Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” trong thời gian tới, các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng có thể bị cấm vận nếu người đó trực tiếp chỉ đạo quân sự hóa hai vùng biển này; đồng thời cho rằng với những từ ngữ, nội dung cứng rắn trong Đạo luật hứa hẹn sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng mạnh nếu được thông qua, thương chiến cũng sẽ gia tăng vì nhiều công ty hàng đầu Trung Quốc có liên quan đến hoạt động cải tạo ở Biển Đông. Ngoài ra, do cách tiếp cận toàn diện của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, trong đó chính quyền địa phương, quân đội, các tổ chức bán quân sự đều có tham gia, lệnh cấm vận của Mỹ có thể vượt xa hơn các doanh nghiệp nhà nước lớn, bao trùm cả quân đội Trung Quốc và các đơn vị chính quyền.
http://biendong.net/bien-dong/34382-gioi-nghi-sy-my-lien-tuc-de-trinh-cac-du-luat-trung-phat-trung-quoc-vi-hoat-dong-phi-phap-o-an-do-duong-thai-binh-duong.html

Chủ quyền của VN ở Biển đông sẽ được Mỹ công nhận?

Ngay từ 2014, giới quốc phòng Mỹ đã hiểu rõ thách thức quân sự từ Bắc Kinh sẽ là vấn đề thật sự. So với các nhánh khác trong chính quyền, khối quốc phòng nhìn rõ hơn về điều này.
Elbridge Colby là một trong những tác giả chính của chiến lược NDS 2018
Một thế hệ chuyên gia mới về Trung Quốc của Mỹ đang ủng hộ thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ hơn nhiều với Bắc Kinh so với cách tiếp cận truyền thống, nhấn mạnh tới đối thoại, của các chiến lược gia cũ.Ở Washington, thay đổi này có thể thấy rõ nhất trong Chiến lược Quốc phòng Mỹ (NDS) 2018 khi Trung Quốc được nhắc tới như là tâm điểm về cạnh tranh chiến lược dài hạn của Washington.Trong NDS 2018, Trung Quốc được nhắc tới như cường quốc “xét lại” với sức mạnh quân sự và nhiều lợi thế cạnh tranh mới, muốn tìm kiếm bá quyền ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, sân khấu chính trị chính mà chính quyền Mỹ coi là tâm điểm trong chiến lược của mình.
Cuộc trao đổi với Elbridge Colby, nguyên Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giai đoạn 2017-2018 và là một trong những tác giả chính của NDS 2018, cho thấy thêm góc nhìn thay đổi của chính quyền Mỹ lúc này.Cuộc gặp ở TP.HCM càng ý nghĩa khi ông nội của anh chính là William Colby, trùm CIA khét tiếng một thời trong những năm 1960 ở Sài Gòn và là Giám đốc CIA sau này giai đoạn 1973-1976.
Mối lo bá quyền khu vực
– Góc nhìn của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương lúc này?– Chính phủ Mỹ lúc này thật sự ưu tiên châu Á – Thái Bình Dương như là khu vực chính, quan trọng nhất trên thế giới. Mỹ đã có lợi ích lâu dài ở đây trong vài thế kỷ và có quyền tiếp cận thị trường chính ở đây. Một số học giả Australia đặt giả thiết về việc Mỹ rời bỏ châu Á thì điều đó hoàn toàn không thể khi Mỹ sẽ không bao giờ rút lui hay để bị loại bỏ ra ở đây.Điều lo lắng chính của Mỹ tại khu vực là Trung Quốc sẽ thiết lập một dạng bá quyền khu vực – không hẳn là kiểm soát trực tiếp toàn bộ khu vực mà là tình trạng mọi nước trong khu vực sẽ phải hỏi, xem ý kiến của Bắc Kinh từ chính sách thương mại, quan hệ an ninh… Mỹ sẽ không chấp nhận tình trạng này. Chúng tôi không muốn rơi vào tình trạng phải “xin phép” nếu muốn có quan hệ thương mại với một nước như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ,…
Tôi nghĩ là chúng ta có sự tương đồng tự nhiên về mặt lợi ích khi các nước trong khu vực đều không muốn bị Trung Quốc chi phối. Điều đó đúng với cả Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines hay Việt Nam.Nếu nhìn chính sách của ông Tập thì các bạn có thể hình dung Trung Quốc sẽ thế nào, đặc biệt khi nước này ngày càng mạnh. Ví dụ như chúng ta nhìn vào những gì đang diễn ra ở bãi Tư Chính… Bắc Kinh sẽ chỉ ngày càng mạnh thêm.Đương nhiên Washington hiện nay thì cũng không hành xử theo cách truyền thống nhưng tôi nghĩ phần nào đó thì điều này lại tích cực. Washington đang nhìn quan hệ một cách thực tế, cạnh tranh hơn với Trung Quốc.Mỹ sau khoảng 25-30 năm có chính sách mở đối với Trung Quốc từ chấp nhận cho họ vào WTO và “hy vọng vào điều tốt nhất” rằng họ thay đổi thì giờ chúng tôi có cách tiếp cận khác. Cách tiếp cận ganh đua và sẽ không có đảo ngược lại. Giờ với mức thuế mới, các công ty quốc tế sẽ phải suy tính xem “tại sao tôi đầu tư vào Trung Quốc” khi có mức phí rủi ro như vậy.
Kể cả là có thỏa thuận về thương mại thì sẽ vẫn có “mức phí” này.Những người như tôi ở cả đảng Cộng hòa và Dân chủ muốn thể hiện rằng chúng tôi có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc để các nước như VN có thể tin tưởng vào cam kết lâu dài, bền vững của Mỹ về cách tiếp cận này.
Khoảng cách chiến lược, thực địa
– Các chiến lược NSS 2017, NDS 2018 đều có lời lẽ rất cứng rắn về Trung Quốc nhưng những gì trên thực địa không phản ánh điều này?
– Các tài liệu chiến lược thể hiện chiều hướng mà các thành viên lãnh đạo của chính quyền như bộ trưởng Quốc phòng muốn hướng tới. Ngân sách bộ Quốc phòng Mỹ là khoảng 740 tỷ USD – lớn hơn quy mô của hầu hết các nước. (Với quy mô lớn vậy) thì việc dịch chuyển của nó sẽ chậm, trên góc độ đầu tư, sắp xếp (nhân lực, khí tài…), huấn luyện. Tôi đương nhiên mong mọi việc chuyển biến nhanh hơn.Chiến lược này là chỉ dấu nói “đây là hướng chúng tôi sẽ đi”. Bạn đã thấy những trao đổi ở Washington thay đổi rất nhiều. Đã có những biến chuyển trên góc độ quốc phòng, thuế quan hay là liên quan tới vụ Huawei…Nếu bạn nhìn vào chiều hướng đầu tư ở Malaysia, VN, Trung Quốc hay các nơi khác bởi các nhà đầu tư Mỹ thì sẽ thấy sự chuyển hướng rất lớn này.Khi bạn nghe những gì Bộ trưởng Mark Esper hay các thành viên ủy ban quốc phòng Thượng viện nói trong phiên điều trần bổ nhiệm thì thấy rõ. Họ rất rõ ràng với chính sách về Trung Quốc. Đó là thông điệp rất khác so với 5 năm hay thậm chí là 3 năm trước.– Sau 4-5 năm vừa rồi thì Mỹ có rất nhiều việc phải làm để bắt kịp với Trung Quốc trên Biển Đông. Tôi không cảm thấy các chuyến tuần tra tự do FONOP đủ đối trọng với sự bành trướng và quyết liệt hơn từ Trung Quốc?– Anh đúng.
Rõ ràng là có rất nhiều điều mà Mỹ phải làm để bắt kịp – không chỉ là từ 2014 mà còn là từ sự kiện Scarborough vào 2012 hay thậm chí từ những năm 1990 khi chúng tôi có cú đánh cược chiến lược rằng Trung Quốc sẽ trở thành đối tác tốt, có tinh thần hợp tác trong cộng đồng quốc tế (khi vào WTO). Nhưng điều đó đã không xảy ra.Nói “ngủ trên vô lăng” thì hơi nặng nhưng rõ ràng chúng tôi không chú ý tới mục tiêu của mình.Trong giai đoạn đó thì Trung Quốc đã phát triển rất nhanh, lấy cắp rất nhiều công nghệ từ Mỹ, cả quốc phòng và thương mại, rất nhiều tài sản trí tuệ. Đồng thời là họ phát triển năng lực kỹ thuật số mạnh, thực hiện rất nhiều động thái (mở rộng) ở Biển Đông.Washington đã quyết liệt hơn trong thực hiện các tuần tra FONOP. Nhưng tôi cũng đồng ý là FONOP là không đủ để thay đổi cục diện.Chúng tôi sẽ phải nghĩ tới các bước lớn hơn như công nhận các tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông) của các nước còn lại.
Làm nhiều việc hơn để củng cố năng lực lực lượng tuần duyên các nước.FONOP về căn bản là mang tính biểu tượng. Nó cho thấy là chúng tôi không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Nhưng đó không chỉ là vấn đề duy nhất. Trung Quốc đã xây những căn cứ quân sự rất lớn trên những đảo nhân tạo. Chúng tôi hiểu là không có giải pháp dễ dàng nào ở đó.Cạnh tranh Mỹ – Trung về tổng thể sẽ không phải giải quyết ở Biển Đông. Tôi không nghĩ đó là điểm quyết định. Điểm quyết định sẽ là sự chung sức của Mỹ và các nền kinh tế có cùng (quan điểm chiến lược), và chúng ta sẽ hợp tác được tốt tới đâu. Một
dạng kết hợp giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, VN, Australia, Philippines. Đương nhiên đó sẽ không phải là một dạng liên minh chính thức nhưng sẽ là sự phối hợp của các nước muốn chống lại sự hung hăng, quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực.
Khó khăn đọc tín hiệu của Washington
– Quốc phòng là không đủ để đối phó Trung Quốc. Một số chuyên gia khi trao đổi vẫn nói về việc Mỹ bỏ qua góc độ đối ngoại, kinh tế trong đối phó với Bắc Kinh?
– Điều đó trước kia đúng. So với các nhánh khác trong chính quyền, khối quốc phòng có cái nhìn rõ và sớm hơn về thách thức của Trung Quốc.Điều này một phần là vì lực lượng quốc phòng Trung Quốc phát triển quá nhanh nên thách thức có thể thấy rõ từ rất sớm. Thách thức quân sự đến sớm hơn so với thách thức từ ý đồ chính trị (của Bắc Kinh).Ngay từ 2014, giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã hiểu rõ thách thức quân sự từ Bắc Kinh sẽ là vấn đề thật sự. Khi đó trong giới lãnh đạo chính trị và kinh tế Mỹ không cùng chia sẻ quan điểm này.Nhưng giờ thì khối kinh tế Mỹ, dù chưa thống nhất hết, đã nhìn thấy được rõ mối đe dọa từ Trung Quốc hơn so với 10 năm trước.Điều này một phần là vì các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư quá nhiều thời gian và nguồn lực ở Trung Quốc và họ không kiếm được nhiều từ điều này. Trung Quốc có những liên doanh kiểu áp đặt, lấy mất phần sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp Mỹ vì vậy không phải có lợi nhiều.Giờ thì các bạn có thể thấy chuyển biến diễn ra nhiều ở khối doanh nghiệp với các lệnh tăng thuế, việc giám sát xuất khẩu các hàng nhạy cảm sang Trung Quốc hay vụ Huawei…– Trung Quốc có chiến lược rất rõ ràng với ngân hàng AIIB hay “Vành đai, Con đường”. Mỹ thì không có những chiến lược kinh tế rõ ràng như này ở khu vực?
– Chúng tôi có thông qua sáng kiến Build Act hồi cuối năm ngoái (về phát triển hạ tầng).– Quy mô sáng kiến đó rất nhỏ.– Đương nhiên tiền mà Trung Quốc có thể đổ vào bằng các quyết sách của nhà nước thì rất lớn. Chúng tôi có cơ chế thị trường tự do hoàn toàn (nên không thể vậy). Ngân sách nhà nước có những khuyến khích nhưng chúng tôi không thể ra lệnh cho các công ty đi đầu tư đâu – Trung Quốc thì họ có thể làm vậy. Nhưng liệu là tất cả nguồn vốn (của Trung Quốc) có tốt hoàn toàn hay không thì chưa rõ.Giờ là một trong thời điểm đầu tiên kể từ thế kỷ 19 mà Mỹ không còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới nữa. Trước kia thì cứ có vấn đề là chúng tôi ném tiền vào. Chúng tôi có nhiều tiền nhưng họ cũng có rất nhiều. Chúng tôi không thể áp đảo bằng tiền như cách làm trong quá khứ nữa.
– Về vấn đề đọc tín hiệu từ Washington, đặc biệt với chính quyền này, thì kể cả những đồng minh như Nhật hay Hàn Quốc cũng không chắc chắn Mỹ có bảo vệ họ hay không. Có rất nhiều điều không rõ ràng từ Washington.– Tôi nghĩ là TT Trump đưa ra một tín hiệu thức tỉnh rằng cách làm như cũ không còn hiệu quả. Thực tế kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì cũng đã có những khủng hoảng giữa Mỹ với đồng minh về phân bổ ngân sách quốc phòng.Trong những năm 1960, người Mỹ từng buộc người Đức phải trả chi phí cho việc triển khai quân Mỹ ở Đức. Trong những năm 1970 Mỹ với Hàn Quốc cũng có tranh cãi rất dữ tới mức Washington từng tính tới việc rút toàn bộ quân ra khỏi bán đảo Triều Tiên – điều đã gây rất nhiều chấn động khi đó. Những năm 1980, người Mỹ cũng “chiến đấu” rất căng thẳng với Nhật trong lĩnh vực ôtô và giá trị của đồng yen.
Trong khoảng 20 năm qua thì các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa đều có tâm lý “siêu cường” – một siêu cường đơn độc. Chúng tôi có những thỏa thuận thương mại nhưng chúng tôi không gây sức ép quá nhiều bởi nghĩ mình quá lớn và có thể cho đi chút cũng được.Tổng thống Trump đưa ra quan điểm rằng phần lớn người Mỹ cảm thấy kinh tế hiện không tốt và giờ họ muốn tổng thống phải đấu tranh quyết liệt hơn nữa cho họ. Tôi nghĩ là tổng thống đúng.Nếu bạn nhìn vào những thỏa thuận cũ chúng tôi có với các đồng minh thì sẽ thấy rõ là bất hợp lý. Ví dụ Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới nhưng chỉ chi 1% GDP cho quốc phòng trong khi đó là một trong những nước lo lắng về Trung Quốc nhất – Mỹ trong khi đó phải chi tới 3% GDP. Tình hình vậy sẽ không thể tiếp diễn. Giờ Mỹ và Nhật có thể nói rất nghiêm túc với nhau về vấn đề này thay vì phớt lờ nó đi.Cách của tổng thống thì có thể khiến mọi người không thấy thoải mái nhưng hy vọng là sẽ tạo được kết quả tốt.Các nước trong khu vực nên nhìn thấy là chúng ta đang nhìn thẳng với thực tế vào lúc này. Tôi nghĩ kể cả tổng thống có muốn rút khỏi châu Á thì chúng tôi cũng không thể làm vậy.
Vì nếu không có Mỹ thì tất cả sẽ rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc. Và như vậy thì Trung Quốc sẽ tạo ra hệ sinh thái kinh tế mà loại Mỹ hoàn toàn ra – chúng tôi sẽ nghèo đi. Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra.Tôi nghĩ người Nhật đang xử lý vấn đề này khá tốt và tôi nghĩ đó là cách đúng: tương tác với chính quyền Mỹ để coi có cách sắp xếp nào tốt hơn hay không. Hàn Quốc cũng đang đàm phán rất rắn. Nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì các liên minh này nó không đơn thuần là tình bạn hữu mà nó là quan hệ đối tác – đương nhiên có những giá trị chung nhưng chúng tôi gắn kết nhiều là bởi những lợi ích chiến lược song
trùng. Vì vậy chúng tôi nên có những cuộc trao đổi cứng rắn như những đối tác thương mại vẫn có với nhau – hơn là cuộc hôn nhân.
– Vấn đề với các nước là có quá nhiều tiếng nói từ Washington nên đôi khi không biết nghe ai – ông bộ trưởng, tổng thống hay là ông con rể. Nhiều tiếng nói với thông điệp khác nhau?
– Đó là hệ thống của Mỹ thôi. Thời Reagan thì Ngoại trưởng Shultz và Bộ trưởng Quốc phòng Weinberger rất ghét nhau, Powell và Rumsfeld thời Bush cũng ghét nhau… sẽ luôn có những cuộc chiến như vậy trong chính quyền. Chuyện có quan điểm khác nhau như vậy trong chính quyền tôi nghĩ là bình thường.Với chính quyền này, tổng thống cố tình đưa yếu tố bất định, khó đoán đó một cách chủ động. Ông ấy rõ ràng không muốn dễ dàng bị đoán định.
Uy tín của nước Mỹ tại Biển Đông
– Từ 2014 tới nay đã thấy nhiều hơn sự hung hăng của Bắc Kinh và thấy những gì đã xảy ra với Philippines (bãi cạn Scarborough), thì dù có là đồng minh cũng không nhận được sự hỗ trợ nhiều từ Washington?
– Mỹ và Philippines có hiệp ước đồng minh và Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã nói rõ hơn phạm vi những gì sẽ được bảo vệ theo hiệp ước này – bao gồm tàu, thuyền chính phủ Philippines hoạt động ở trên Biển Đông. Chúng tôi có cam kết với điều này. Chúng tôi chưa có cam kết vậy với VN.
– Trong trường hợp các dự án có Mỹ tham gia ở Biển Đông thì chính sách của bộ Quốc phòng Mỹ đối với vấn đề này sẽ như nào?– Tôi không rõ cụ thể chính sách của bộ trong trường hợp đó sẽ ra sao. Nhưng Trung Quốc thấy họ có khả năng cứng rắn vậy ở Biển Đông nên họ làm. Họ không làm như vậy ở Senkaku/Điếu Ngư vì họ biết rằng sau Nhật sẽ có Mỹ.Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động (gây hấn) ở Biển Đông vì họ có rất nhiều nguồn lực ở đây trong khi chúng tôi thì không. Vị trí của chúng tôi không phải là ở trận tiền trong đối phó với tuần duyên hay lực lượng bán quân sự của Trung Quốc. Đó là các nước có tranh chấp ở khu vực.– Việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN, trong trường hợp này Mỹ nên làm gì?
– Mỹ nên ủng hộ hành động của VN để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình và chống lại việc Trung Quốc tạo ra những hiện trạng mới ở đó. Trung Quốc cũng cử rất nhiều tàu cá tới khu vực biển của Philippines…Như hiện tại thì tôi cảm thấy chúng tôi đang thất thế trong cuộc đua này (ở Biển Đông). Đó là lý do tôi nghĩ Mỹ nên làm hành động gì đó quyết liệt hơn như công nhận tuyên bố chủ quyền của một số nước tranh chấp. Chúng tôi đã tiến một bước khi làm rõ vừa thừa nhận hiệp ước với Philippines. Giờ thì phía Trung Quốc biết rằng họ sẽ phải cẩn thận hơn (đối với các tàu Philippines).
Nhưng Bắc Kinh cũng biết rằng nếu họ cố tình quấy phá tàu Philippines thì họ cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của Mỹ.– Với TQ ngày càng quyết liệt vậy thì VN nên làm gì?– VN nên tự bảo vệ lợi ích của riêng mình. Washington sẽ ủng hộ. Nhưng VN cũng nên rõ và cùng đồng thuận với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia (về chiến lược). Tôi cũng không thấy đâu là giải pháp khác cho VN. Nếu VN chỉ muốn ở giữa thì phản ứng ở Washington sẽ là rất nhiều ngần ngại.VN ở vị thế đối đầu với Trung Quốc rất nhiều từ trên đất liền cho tới trên biển.Nếu VN không thể hiện rõ lập trường của mình thì phía Mỹ cũng sẽ giữ khoảng cách nhất định. Chúng tôi không cần VN phải quá cứng rắn – tôi hiểu VN phải giữ cách tiếp cận trung tính – nhưng sẽ cần một thông điệp rõ ràng hơn.Cuối cùng thì các bạn càng thể hiện rõ bạn cần Mỹ giúp thì Mỹ sẽ có cơ sở để giúp các bạn nhiều hơn.– Xin chân thành  cảm ơn ông.
http://biendong.net/bi-n-nong/34373-chu-quyen-cua-vn-o-bien-dong-se-duoc-my-cong-nhan.html

Hoa Kỳ đối mặt với trận chiến khó khăn

ở Liên Hiệp Quốc nếu nước này thúc đẩy

 kế hoạch mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran

Tin từ WASHINGTON/NEW YORK – Các nhà ngoại giao cho biết Hoa Kỳ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn nếu nước này sử dụng lời đe dọa khiến Liên Hiệp Quốc tái áp dụng tất cả các lệnh trừng phạt đối với Iran như đòn bẩy để Hội đồng Bảo an 15 thành viên mở rộng và tăng cường một lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran.
Washington chia sẻ chiến lược của họ, được xác nhận bởi một viên chức Hoa Kỳ ẩn danh, với Anh Quốc, Pháp và Đức, là các thành viên hội đồng và các bên tham gia thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới. Thỏa thuận này ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí nguyên tử để đổi lấy việc
giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Theo thỏa thuận đó, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10.
Viên chức Hoa Kỳ này xác nhận rằng một nghị quyết dự thảo của Hoa Kỳ để gia hạn lệnh cấm vận được trao cho Anh Quốc, Pháp và Đức, nhưng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng nghị quyết này không được chia sẻ với 11 thành viên hội đồng còn lại, bao gồm Nga và Trung Cộng. Một nghị quyết cần chín phiếu thuận và không bị Nga, Trung Cộng, Hoa Kỳ, Anh Quốc hay Pháp phủ quyết để được thông qua.
Các nhà ngoại giao cho biết Hoa Kỳ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đề nghị Nga và Trung Cộng cho phép gia hạn cấm vận vũ khí. Các phái đoàn của Nga và Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc không trả lời yêu cầu bình luận tức thời. Nga và Trung Cộng cũng là các bên tham gia thỏa thuận nguyên tử Iran. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-doi-mat-voi-tran-chien-kho-khan-o-lien-hiep-quoc-neu-nuoc-nay-thuc-day-ke-hoach-mo-rong-lenh-cam-van-vu-khi-doi-voi-iran/

Mỹ áp các quy tắc mới về xuất khẩu sang Trung Quốc

Hương Thảo
Vào hôm 27/4, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ áp các hạn chế mới đối với hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc để đảm bảo rằng, quân đội Bắc Kinh không thể tiếp cận được các mặt hàng liên quan đến chất bán dẫn và công nghệ khác.
Theo đó, các công ty Hoa Kỳ sẽ phải có giấy phép để bán một số mặt hàng cho các cơ quan quân sự ở Trung Quốc ngay cả khi chúng được sử dụng cho mục đích dân sự. Mỹ cũng loại bỏ một ngoại lệ dân sự cho phép công nghệ nhất định của Mỹ được xuất khẩu mà không cần giấy phép. Các động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên xấu do dịch Covid-19.
Các quy tắc, sẽ được đăng công khai và công bố trong Đăng ký liên bang vào hôm nay – 28/4, có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp bán dẫn và bán thiết bị hàng không dân dụng cho Trung Quốc. Những thay đổi, mở rộng toàn bộ các mặt hàng cần giấy phép cũng ảnh hưởng đến Nga và Venezuela, nhưng tác động lớn nhất sẽ là thương mại với Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: “Điều quan trọng là phải xem xét sự phân nhánh của việc kinh doanh với các quốc gia có lịch sử chuyển hướng hàng hóa được mua từ các công ty của Hoa Kỳ cho các nhu cầu quân sự”.
Còn Luật sư thương mại của Washington, Kevin Wolf cho biết những thay đổi quy tắc đối với Trung Quốc là để đáp lại chính sách hợp nhất quân sự – dân sự của nước này, tức là tìm kiếm các ứng dụng quân sự cho các mặt hàng dân sự. Ví dụ, nếu một công ty xe hơi ở Trung Quốc sửa chữa một chiếc xe quân sự, thì công ty xe hơi đó giờ đây có thể là người dùng cuối cùng cho mục đích quân đội, ngay cả khi mặt hàng được xuất khẩu là một phần khác của doanh nghiệp.
Sự thay đổi quy tắc cũng yêu cầu các công ty Hoa Kỳ nộp tờ khai cho tất cả hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga và Venezuela bất kể trị giá bao nhiêu.
“Rõ ràng điều này nhằm mục đích cung cấp cho chính phủ Hoa Kỳ một cái nhìn rõ hơn về các loại hàng hóa mà các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ gửi đến các quốc gia này và khách hàng của họ”, Doug Jacobson, luật sư thương mại của Washington cho biết.
Một thay đổi khác liên quan tới việc xóa bỏ các ngoại lệ về việc cấp phép cho các nhà nhập khẩu và người quốc tịch Trung Quốc, cũng như các nước khác bao gồm Ukraine và Nga. Những ngoại lệ này đã áp dụng cho một số mạch tích hợp, thiết bị viễn thông, radar, máy tính cao cấp và các mặt hàng khác.
Chính quyền Mỹ cũng đưa ra đề xuất thay đổi có thể buộc các công ty nước ngoài chuyển một số mặt hàng nhất định của Mỹ sang Trung Quốc phải xin phép không chỉ chính quyền của họ mà còn cả chính quyền Mỹ.
Những giới hạn thắt chặt trên được xem xét từ ít nhất vào năm ngoái và các quan chức cao cấp Mỹ đã nhất trí thúc đẩy nó vào tháng 3.
John Neuffer, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ cho biết ngành công nghiệp lo ngại các quy tắc rộng rãi sẽ mở rộng kiểm soát xuất khẩu không cần thiết đối với chất bán dẫn và tạo ra sự không chắc chắn cho ngành công nghiệp trong thời kỳ bất ổn kinh tế toàn cầu này.
Theo Reuters
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-ap-cac-quy-tac-moi-ve-xuat-khau-sang-trung-quoc.html

Covid-19: Nhân Quyền Mỹ kêu gọi

Trung Quốc trả tự do cho các nhà báo công dân

Tú Anh
Từ khi dịch viêm phổi siêu vi chủng mới, nay gọi là Covid-19, bùng lên tại Vũ Hán, nhiều công dân Hoa lục bị bắt hoặc “biệt tích” vì tìm cách thông tin cho công chúng. Tổ chức Nhân Quyền Mỹ Human Rights Watch kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho 5 người trong đó có hai nhà báo độc lập là Phương Bân và Trần Thu Thực.
Theo thông cáo của Human Rights Watch công bố ngày 27/04/2020 từ New York, trong đợt trấn áp công dân lên tiếng và tường thuật tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã tùy tiện bắt giam ba nhà hoạt động ở Bắc Kinh. Trang web của họ là nơi thu thập các thông tin chính thức nhưng bị kiểm duyệt và các bài phóng sự trên các mạng xã hội ngoài luồng chính thống.
Cũng trong thời gian đó, hai “dân làm báo” là Phương Bân, một doanh nhân Vũ Hán viết blogg và video có đông người theo dõi và Trần Thu Thực, nhà báo độc lập, xuất thân là luật sư nhân quyền, vì chia sẻ thông tin tình hình dịch ở Vũ Hán, đã biệt tích một cách bí ẩn.
Ngoài năm người bị bắt, ngày 19/04, hai thành viên của mạng lưới xã hội Terminus 2049 (Chen Mai và Cai Wei) cũng bị quản chế tại gia.
Một chuyên gia của HRW phân tích : Trong khi Bắc Kinh tuyên truyền khẳng định đã thành công khống chế Covid-19 thì họ bịt miệng những người đưa tin độc lập. Nếu không có những nhà báo công dân này, có lẽ thế giới không bao giờ biết có dịch ở Vũ Hán.
Trong một thông cáo khác, HRW ký chung với các tổ chức nhân quyền khác, tố cáo Trung Quốc tiếp tục quản chế ít nhất hai luật sư bảo vệ nhân quyền, sau khi họ đã mãn hạn tù. Đó là luật sư Vương Toàn Chương ở Tế Nam và Giang Thiên Dũng ở Hà Nam. Thời hạn 14 ngày “cách ly” chống dịch đã qua từ lâu nhưng hai luật sư này vẫn bị cấm đi lại.
Trung Quốc bác cáo buộc tuyên truyền thất thiệt.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm 27/04/2020, chối là không bao giờ đưa tin thất thiệt về dịch Covid-19, cho dù Liên Hiệp Châu Âu, trong báo cáo công bố ngày 24/04/2020, cho biết có đủ “chứng cớ hiển nhiên”, Bắc Kinh “bóp méo thông tin” nói dối về đại dịch.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200428-covid-19-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-trung-qu%E1%BB%91c-tr%E1%BA%A3-t%E1%BB%B1-do-cho-c%C3%A1c-nh%C3%A0-b%C3%A1o-c%C3%B4ng-d%C3%A2n

Mỹ sẵn sàng công nhận

Israel sáp nhập một phần Cisjordani

Thùy Dương
Hoa Kỳ ngày 27/04/2020 cho biết sẵn sàng công nhận việc Israel sáp nhập nhiều khu vực mà chính quyền Tel Aviv chiếm đóng ở Cisjordani. Tuy nhiên, Mỹ kêu gọi chính phủ mới của Israel nên đàm phán với người Palestine.
Việc sáp nhập các khu định cư mà Israel lập ra tại Cisjordani và Thung lũng Jordani đã được tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất trong kế hoạch “Tầm nhìn” Trung Đông. Đây là kế hoạch mà chính quyền Donald Trump coi là tạo điều kiện để thiết lập hòa bình trong khu vực nhưng kế hoạch này bị người Palestine phản đối.
AFP trích dẫn một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ : « Như chúng tôi đã luôn nói rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng công nhận các hoạt động của Israel nhằm mở rộng chủ quyền của Israel và áp dụng luật pháp của Israel đối với các khu vực ở Cisjordani mà kế hoạch Tầm nhìn coi là một phần của Nhà nước Israel » và điều này cần được thực hiện « trong bối cảnh chính phủ Israel đồng ý đàm phán với người Palestine trên cơ sở những đường hướng được nêu ra trong kế hoạch Tầm nhìn của tổng thống Trump ».
Kế hoạch của Mỹ còn mô tả Jerusalem là « thủ đô không thể chia cắt của Israel ». Việc này bị người Palestine và Liên Đoàn Ả Rập kiên quyết bác bỏ. Theo đề xuất của Palestine, một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề sáp nhập sẽ được Liên Đoàn Ả Rập tổ chức thứ Năm 30/04.
Hoa Kỳ là một trong những đồng minh chính của Israel và tổng thống Mỹ Donald Trump luôn thể hiện sự gần gũi với thủ tướng Israel Netanyahu.
http://www.rfi.fr/vi/t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p/20200428-m%E1%BB%B9-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-c%C3%B4ng-nh%E1%BA%ADn-israel-s%C3%A1p-nh%E1%BA%ADp-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-cisjordani

Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ:

Cơ quan trọng yếu xác định thềm lục địa mở rộng

Vùng biển của các nước được xác định bởi nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, việc xác định thềm lục địa mở rộng của các nước dựa trên các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và do Ủy ban Ranh giới thềm lục địa xem xét thông qua.
Quy định về thềm lục địa và thềm lục địa mở rộng
Định nghĩa:
Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này và có ranh giới ngoài
Công ước Giơnevơ năm 1958 về thềm lục địa định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này và có ranh giới ngoài được xác định bởi hai tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn độ sâu 200 m – một tiêu chuẩn ấn định; Tiêu chuẩn khả năng khai thác – một tiêu chuẩn động, mâu thuẫn với tiêu chuẩn trên và chỉ phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật khai thác thềm lục địa của quốc gia ven biển. Nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa các quốc gia.
UNCLOS 1982 định nghĩa thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở; quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước Luật biển năm 1982 và phù hợp với các kiến nghị của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước. Quốc gia ven biển có thể nộp Báo cáo từng phần để tránh vấn đề tranh chấp trên biển và bảo đảm thời hạn, đồng thời có quyền nộp các Báo cáo thành phần khác tiếp theo sau thời hạn đã quy định. Quốc gia ven biển cần gửi Báo cáo cho Ủy ban ngay khi có điều kiện và trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong một thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gian này. Đồng thời, quốc gia ven biển thông báo tên tất cả các ủy viên của Ủy ban đã cung cấp cho mình các ý kiến về khoa học và kỹ thuật.
Cách xác định:
Theo công ước, quốc gia ven biển xác định bờ ngoài của rìa lục địa mở rộng ra quá 200 hải lý các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải bằng: (i) Một đường vạch theo đúng khoản 7 Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982, bằng cách nối các điểm cố định tận cùng nào mà bề dày lớp đá trầm tích ít nhất cũng bằng một phần trăm khoảng cách từ điểm được xét cho tới chân dốc lục địa; (ii) Một đường vạch theo đúng khoản 7 Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982, bằng cách nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý; (iii) Nếu không có bằng chứng ngược lại, chân dốc lục địa trùng hợp với điểm biến đồi độ dốc rõ nét nhất ở nền dốc. Các điểm cố định xác định trên đáy biển, đường ranh giới ngoài cùng của thềm lục địa được vạch theo đúng khoản 4, điểm a), điểm nhỏ i) Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982 và nằm cách điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý hoặc nằm cách đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500m, một khoảng cách không quá 100 hải lý.
Mặc dù đã có khoản 5 Điều 76 Công ước về Luật biển năm 1982, một dải núi ngầm, ranh giới ngoài của thềm lục địa không vượt quá một đường vạch ra ở cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 350 hải lý. Khoản này không áp dụng cho các địa hình nhô cao dưới mặt nước tạo thành các yếu tố tự nhiên của rìa lục địa, như các thềm, ghềnh, sông núi, bãi hoặc mỏm.
Quốc gia ven biển ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bằng cách nối liền các điểm cố định xác định bằng hệ tọa độ kinh vĩ độ, thành các đoạn thẳng dài không quá 60 hải lý. Bên cạnh đó, quốc gia ven biển thông báo những thông tin về ranh giới các thềm lục địa của mình, khi thềm này mở rộng quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II Công ước về Luật biển năm 1982, trên cơ sở sự đại diện công bằng về địa lý. Ủy ban gửi cho các quốc gia ven biển những kiến nghị về các vấn đề liên quan đến việc ấn định ranh giới ngoài thềm lục địa của họ. Các ranh giới do một quốc gia ven biển ấn định trên cơ sở các kiến nghị đó là dứt khoát và có tính chất bắt buộc.
Ngoài ra, quốc gia ven biển gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc các bản đồ và các điều chỉ dẫn thích đáng, kể cả các dữ kiện trắc địa, chỉ rõ một cách thường xuyên ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình. Tổng thư ký công bố các tài liệu này theo đúng thủ tục. Tuy nhiên, điều này không xét đoán trước vấn đề hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau.
Chế độ pháp lý của thềm lục địa:
Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình. Những quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa của mình là những đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển này không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa (bao gồm các tài nguyên không sinh vật và các tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư), thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận rõ ràng của các quốc gia đó;
Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào. Các quyền này tồn tại một cách ipso facto and ab initio.
Tất cả các quốc gia đều có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Quốc gia đặt cáp hoặc ống dẫn ngầm phải thoả thuận với quốc gia ven biển về tuyến đường đi của ống dẫn hoặc cáp;
Khi quốc gia ven biển tiến hành khai thác thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải thì phải có một khoản đóng góp theo quy định của Công ước;Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không đụng chạm đến chế độ pháp lý của vùng nước ở phía trên hay của vùng trời trên vùng nước này;Việc quốc gia ven biển thực hiện các quyền của mình đối với thềm lục địa không được gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các quốc gia khác đã được Công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được;Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất kỳ vào mục đích gia.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa được lập ra trong khuôn khổ Công ước Luật biển 1982 để đảm bảo tôn trọng việc xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở.
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa gồm 21 ủy viên là chuyên gia về địa chất, địa vật lý hay địa thủy văn, do các quốc gia thành viên tham gia Công ước lựa chọn trong số công dân của mình, đảm bảo một sự đại diện công bằng về địa lý, các uỷ viên này thi hành các chức trách của mình với tư cách cá nhân. Việc bầu cử các ủy viên của Ủy ban được tiến hành trong một hội nghị của các quốc gia thành viên do Tổng Thư ký triệu tập tại trụ sở của Liên Hợp quốc. Số đại biểu cần thiết là hai phần ba số quốc gia thành viên. Những ứng cử nào thu được hai phần ba số phiếu của các đại biểu có mặt và bỏ phiếu, thì trúng cử ủy viên của Ủy ban. Mỗi vùng địa lý được tuyển chọn ít nhất ba ủy viên. Các ủy viên của Ủy ban được bầu với một nhiệm kỳ là 5 năm. Họ có thể được bầu lại.
Quốc gia thành viên nào đã giới thiệu ứng cử viên vào Uỷ ban phải bảo đảm mọi khoản chi tiêu cho uỷ viên đó khi thi hành phận sự của mình nhân danh Uỷ ban, quốc gia ven biển hữu quan phải chịu các chi phí có liên quan đến những ý kiến đóng góp thuộc phạm vi chức năng của Uỷ ban. Chi phí Văn phòng của Uỷ ban do Tổng Thư ký Liên Hợp quốc bảo đảm.
Ngày 13/3/1997, Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa đã công bố danh sách 21 thành viên trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đến nay, Ủy ban đã tổ chức ba kỳ bầu cử với các nhiệm kỳ: 1997-2002; 2002-2007; 2007-2012. Chủ tịch hiện nay là ngài Albuquerque Alexandre Tagore Medeirois de – quốc tịch Brazil. Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa thường họp 2 lần/ năm (vào mùa xuân và mùa thu) tại trụ sở của Liên Hợp quố
ở New York. Việc triệu tập các phiên họp được phê duyệt bởi Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong các nghị quyết hàng năm của mình về biển và luật biển.
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa có chức năng xem xét các số liệu và các thông tin khác do các quốc gia ven biển gửi đến có liên quan đến ranh giới ngoài thềm lục địa, khi thềm lục địa này mở rộng quá 200 hải lý và đưa ra các kiến nghị theo đúng Điều 76, và Giác thư thỏa thuận (Memorandum d’accord) đã được Hội nghị Luật biển lần thứ III của Liên Hợp quốc thông qua ngày 29/8/1980. Bên cạch đó, Uỷ ban cũng có chức năng cung cấp các ý kiến về khoa học kỹ thuật trong việc xây dựng các số liệu cho việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa theo yêu cầu của quốc gia ven biển liên quan.
Nếu thấy cần thiết, Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa có thể hợp tác với Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Tổ chức thủy văn quốc tế và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền khác nhằm thu thập các số liệu khoa học và kỹ thuật có thể giúp cho Uỷ ban hoàn thành trách nhiệm.
Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa hoạt động thông qua hai tiểu ban gồm bảy ủy viên được chỉ định một cách cân bằng theo yêu cầu của quốc gia ven biển gửi lên các ủy viên của Ủy ban. Quốc gia ven biển khi đã gửi một đơn yêu cầu lên Ủy ban, thì có thể gửi các đại diện của mình tới tham gia các công việc thích hợp, nhưng không có quyền biểu quyết. Khi xem xét các đơn yêu cầu của các quốc gia ven biển, tiểu ban sẽ gửi các kiến nghị của mình lên Ủy ban. Sau đó, Ủy ban chuẩn y các kiến nghị của Tiểu ban theo đa số hai phần ba các ủy viên và bỏ phiếu. Các kiến nghị của Ủy ban được gửi bằng văn bản tới quốc gia ven biển đã đưa đơn yêu cầu cũng như cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Nếu không đồng ý với các kiến nghị của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa, quốc gia ven biển gửi lên cho Ủy ban trong một thời hạn hợp lý một đơn yêu cầu đã được xem xét lại hoặc một đơn mới.
Theo quy định của Ủy ban, các quốc gia tham gia Công ước trước 13/5/1999 phải nộp Báo cáo quốc gia cho Uỷ ban RGTLĐ là 13/5/2009. Nếu sau thời hạn 10 năm như quy định của Công ước Luật biển 1982 mà quốc gia ven biển không nộp báo cáo (Báo cáo đầy đủ hay sơ bộ) thì coi như quốc gia đó không có yêu cầu và từ bỏ quyền của mình đối với thềm lục địa kéo dài vượt quá 200 hải lý.
Đến hạn ngày 13/5/2009, đã có 50 Báo cáo quốc gia được chính thức đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa. Ngoài ra, đã có 44 quốc gia nộp Báo cáo các thông tin sơ bộ về thềm lục địa của mình, đồng thời đăng ký trong thời gian nhất định sẽ hoàn thành Báo cáo để trình Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa (Uỷ ban chỉ ghi nhận nhưng không xem xét các báo cáo thông tin sơ bộ). Tính đến ngày 29/4/2011, đã có 56 Báo cáo chính thức được gửi đến Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa.
Việt Nam thực hiện đúng quy trình
Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật biển 1982 và của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa cũng như điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng biển và yêu cầu về chính trị, pháp lý, từ năm 2002 đến 2009, Việt Nam đã tiến hành xây dựng Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý gồm 3 khu vực là khu vực phía Bắc, khu vực giữa và khu vực phía Nam (Báo cáo chung với Malaysia), trong đó khu vực phía Bắc dựa trên cơ sở sự kéo dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông, khu vực giữa và phía Nam là sự trải dài tự nhiên của thềm lục địa Đông Nam Việt Nam.
Ngày 6/5/2009, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của Malaysia nộp Báo cáo chung Việt Nam – Malaysia và ngày 7/5/2009, Phái đoàn Việt Nam đã nộp tiếp Báo cáo riêng của ta khu vực phía Bắc, bảo đảm thời hạn là ngày 13/5/2009. Ngày 27/8/2009, Việt Nam và Malaysia đã phối hợp trình bày Báo cáo chung và ngày 28/8/2009 Việt Nam đã trình bày Báo cáo riêng khu vực phía Bắc cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa.
http://biendong.net/bien-dong/34387-uy-ban-ranh-gioi-them-luc-dia-cua-lhq-co-quan-trong-yeu-xac-dinh-them-luc-dia-mo-rong.html

Một giải pháp cho đại dịch viêm phổi Vũ Hán –

nói ‘không’ với ĐCSTQ

Hương Thảo
Virus Vũ Hán đang lan truyền nhanh chóng trong khi Chính quyền Trung Quốc che giấu tình hình thực tế ở Trung Quốc, gây thiệt hại khôn lường cho thế giới. Bệnh dịch dường như không thể đoán trước được, nhưng cách nó lây lan cho thấy virus có mục tiêu và mục đích.
Theo báo Epoch Times, đối mặt với sự mất mát lớn về cuộc sống và sự tàn phá về kinh tế, chính phủ các nước cần khẩn trương xem xét về mối liên hệ giữa dịch bệnh và chính quyền Trung Quốc.
Lịch sử đen tối của chính quyền Trung Quốc gắn với chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch và sự chết chóc. Bạo lực và dối trá của chính quyền Trung Quốc đã mang lại thảm họa cho Trung Quốc và thế giới.
Trong suốt 40 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng mồi nhử tăng trưởng kinh tế để xâm nhập và tham nhũng các nước khác. Dưới vỏ bọc toàn cầu hóa, các Viện Khổng Tử, các sáng kiến ​​”Vành đai Con đường”, bằng các kênh chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ khác nhau, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách truyền bá những tư tưởng độc hại và cực đoan của mình.
Khi những quốc gia và khu vực bị thu hút bởi lợi ích kinh tế, gia tăng sự hợp tác với chính quyền Trung Quốc, họ không biết rằng một cách vô tình họ đã mang vào mình sự rủi ro. Con đường của virus Vũ Hán khi nó lan rộng khắp thế giới chính là đi qua các quốc gia, thành phố, tổ chức và cá nhân có liên quan mật thiết đến chính quyền Trung Quốc.
Thành phố New York – một điểm nóng
Theo thống kê của Mỹ, số ca nhiễm tại bang New York chiếm một phần ba tổng số ca nhiễm của toàn quốc và số ca tử vong của New York chiếm gần một nửa số ca tử vong của nước Mỹ.
Kể từ chuyến thăm Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Mỹ Nixon, Hoa Kỳ đã cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho chính quyền Trung Quốc dưới nhiều hình thức khác nhau trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính, giáo dục, khoa học và công nghệ. Sau này, khi Hoa Kỳ giúp Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ đã cho phép chính quyền Trung Quốc tiếp cận cộng đồng quốc tế và khiến một lượng lớn tài sản phương Tây được chuyển đến Trung Quốc, biến Trung Quốc thành “Công xưởng của thế giới”.
Thành phố New York là trung tâm toàn cầu về kinh tế, tài chính, thương mại và truyền thông. Nó có ảnh hưởng lớn về chính trị, giáo dục và giải trí trên toàn thế giới. New York có trụ sở Liên Hợp Quốc. Với vị thế và ảnh hưởng đặc biệt của mình, thành phố New York đã đóng một vai trò lớn trong việc giúp chính quyền Trung Quốc đạt được các chương trình nghị sự và thúc đẩy những lợi ích của nó.
Bằng cách thâm nhập vào đời sống kinh tế, tài chính, thương mại, truyền thông, văn hóa, giáo dục, cộng đồng người Mỹ gốc Hoa và các lĩnh vực khác nhau của New York, chính quyền Trung Quốc đã khoét sâu vào đây để đưa sự giàu có và công nghệ về Trung Quốc. Chính mối ràng buộc mật thiết này đã khiến New York trở thành mục tiêu tấn công lớn của virus Vũ Hán.
Virus tàn phá ở Iran
Iran là nước nhiễm dịch trầm trọng nhất ở Trung Đông. Nhiều quan chức cấp cao của Iran đã bị nhiễm virus Vũ Hán và hậu quả là đã có nhiều người chết. Trong số những người đầu tiên bị nhiễm dịch ở Iran có một Phó Tổng thống và một Thứ trưởng Bộ Y tế.
Chính quyền Trung Quốc đã hỗ trợ cho Iran trong nhiều năm trời, cung cấp viện trợ kinh tế và vũ khí. Bắc Kinh thậm chí đã cung cấp công nghệ vũ khí hạt nhân quan trọng cho Iran tạo thành một thế lực đe dọa và nguy hiểm đối các quốc gia dân chủ. Trong mười năm qua, Chính quyền Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào Iran và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Bắc Kinh công khai vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và đã nhập khẩu một lượng lớn dầu mỏ. Đối với “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, Iran là một trung tâm địa chính trị quan trọng mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để thâm nhập vào Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.
Các nước ở châu Âu
Tiếp đến là các nước ở châu Âu. Ba người thân của Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez, Phó Thủ tướng của nội các cũng đã bị nhiễm bệnh. Dịch bệnh nghiêm trọng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chính sách ủng hộ Bắc Kinh của chính phủ Tây Ban Nha đã mang lại bất hạnh cho đất nước.
Tây Ban Nha là quốc gia EU đầu tiên có những cử chỉ thân thiện với chính quyền Trung Quốc sau thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Thủ tướng Sanchez đã chọn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Trung Quốc sau khi nhậm chức vào năm 2018. Ông không chỉ tái xác nhận “quan hệ đối tác chiến lược” mà còn ca ngợi Sáng kiến ​​Vành đai Con đường của Bắc Kinh. Thậm chí khi chính quyền Trung Quốc bị nhiều nước chỉ trích vì che giấu dịch bệnh, Sanchez vẫn liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với nó.
Ý là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu. Nguyên nhân sâu xa của việc Ý bị tấn công mạnh bởi virus Vũ Hán là do mối quan hệ mật thiết của chính phủ Ý với chính quyền Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối của các đồng minh phương Tây, Ý đã thành lập một liên minh với Trung Quốc vào tháng 3/2019 để “củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Ý cũng là quốc gia đầu tiên của EU ký kết Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Ý còn có nhiều thành phố kết nghĩa với Trung Quốc, bao gồm cả Bologna, thành phố có số ca nhiễm và tử vong cao nhất, cũng như các thành phố Milan, Venice và Bergamo.
Các nước lớn ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức hiện cũng đang bị nhiễm virus Vũ Hán nặng nề. Người dân chịu tổn thất lớn, đến ngay như thủ tướng Anh cũng bị nhiễm bệnh. Một điểm chung của các quốc gia này là họ đã khá “gần gũi” với chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây.
Mức độ nghiêm trọng khác nhau ở các nước láng giềng Trung Quốc
So với các nước châu Âu và châu Mỹ, tình huống đối với các nước châu Á quanh Trung Quốc đại lục minh họa rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa dịch bệnh và chính quyền Trung Quốc.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đều là những nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc đại lục. Số người nhiễm bệnh ở Hồng Kông và Đài Loan ít hơn nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự khác biệt chính là thái độ của họ đối với chính quyền Trung Quốc.
Hiện tại, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có hơn 10.000 người nhiễm bệnh. Còn Hồng Kông và Đài Loan, nơi có quan hệ thương mại và kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, nhưng lại có số ca nhiễm chỉ ở khoảng từ 500 đến 1000. Những trường hợp nhiễm đầu tiên ở Hồng Kông là đến từ đại lục, và những trường hợp bị nhiễm sau đó có khá nhiều cảnh sát chống bạo động và nhân viên chính phủ Hồng Kông. Ở Đài Loan, phần lớn các ca nhiễm là đến từ nước ngoài.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với chế độ Bắc Kinh vào năm 1992, Hàn Quốc đã dần dần củng cố quan hệ kinh tế và thương mại với chính quyền Trung Quốc.
Mặc dù mối quan hệ giữa chính phủ Nhật Bản và chính quyền Trung Quốc không gần gũi bằng, nhưng có một lượng lớn các công ty Nhật Bản đã đầu tư vào Trung Quốc. Nhật Bản và Trung Quốc đã hình thành 256 mối quan hệ hữu nghị cấp tỉnh. Trong số đó có Hokkaido, Tokyo, Aichi và Kochi, đều là những khu vực có dịch bệnh nghiêm trọng.
Mặc dù Hồng Kông và Đài Loan có mối quan hệ kinh tế và thương mại cực kỳ chặt chẽ với đại lục, nhưng người dân Hồng Kông và Đài Loan đã không bị mù quáng đi theo lợi ích kinh tế. Vào năm 2019, người dân Hồng Kông đã phát động cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại sự kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc và thậm chí mạo hiểm mạng sống của mình để đứng lên vì chính nghĩa.
Sự đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã bóc trần bộ mặt thật của đảng cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng đánh thức người dân Đài Loan. Họ đã lựa chọn một tổng thống ủng hộ tự do trong cuộc bầu cử vào tháng 1 năm nay. Người dân Đài Loan đã quyết định giữ khoảng cách với đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống đã cứu Đài Loan. Ở Đài Loan hiện nay, người dân không hề bị cách ly tại nhà, nền kinh tế không bị đóng cửa, nhưng số ca nhiễm bệnh và tử vong thuộc loại thấp nhất thế giới. Chìa khóa cho thành công chống dịch bệnh ở Đài Loan nằm ở chỗ họ đã giữ khoảng cách với đảng cộng sản Trung Quốc, giữ khoảng cách đối với tổ chức y tế thế giới WHO, vốn đang bị đảng cộng sản Trung Quốc thao túng.
Tình hình dịch bệnh ở Hồng Kông và Đài Loan tiết lộ một bí mật của công tác phòng chống dịch bệnh, cách tự cứu mình trong đại dịch virus Trung Cộng, chính là phải từ chối đảng cộng sản Trung Quốc!
Cách chữa lành hiệu quả đối với Virus Trung Cộng
Các dịch bệnh lớn luôn xuất hiện đột ngột và sau đó tại một thời điểm nhất định lại biến mất không dấu vết. Lịch sử cho thấy tất cả chúng đều đến vì một mục tiêu khá rõ. Bệnh dịch hạch vào cuối triều đại nhà Minh là một ví dụ điển hình. Quá trình chuyển tiếp từ nhà Minh sang nhà Thanh, còn được gọi là cuộc chinh phạt Mãn Châu, là một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa quân nhà Thanh, được thành lập bởi bộ tộc Mãn Thanh ở Đông Bắc Trung Quốc, với quân nhà Minh và cuộc khởi nghĩa nông dân lãnh đạo bởi Lý Tự Thành. Bệnh dịch hạch trong thời gian này chỉ nhắm vào quân nhà Minh, khiến quân nhà Thanh và quân Lý Tự Thành không bị ảnh hưởng.
Đế chế La Mã đã bị tấn công bởi bốn dịch bệnh lớn. Theo ghi chép lịch sử, các Kitô hữu đã miễn nhiễm với các trận ôn dịch này. Dịch bệnh trở thành một hình phạt đối với những kẻ đã bắt bớ và đàn áp những người Kitô hữu.
Có thể thấy, sự xuất hiện của đại ôn dịch không phải là ngẫu nhiên. Đại dịch virus Trung Cộng đã được kích hoạt bởi các tội ác tàn bạo của đảng cộng sản Trung Quốc, nó lan rộng ra toàn cầu do sự bưng bít và dối trá của đảng cộng sản Trung Quốc. Sự lây lan của virus cho thấy một cái đích rõ ràng, nó nhắm vào đảng cộng sản Trung Quốc và những người ủng hộ hoặc có quan hệ mật thiết với đảng cộng sản Trung Quốc.
Trên thực tế, sự lan truyền này giúp chúng ta nhìn ra một con đường cứu sinh cho tất cả các quốc gia và người dân trên thế giới. Chúng ta hãy cùng xem một số trường hợp phục hồi kỳ diệu sau khi bị nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Vào hồi tháng 3, Vox, một đảng lớn thứ ba ở Tây Ban Nha, có 3 chính trị gia chủ chốt bị nhiễm virus. Họ là Santiago Abascal, Chủ tịch của Vox, Javier Ortega Smith, Tổng thư ký của Vox, và Macarena Olona, ​một thành viên quan trọng khác của Vox. Thật đáng ngạc nhiên, cả ba đều đã phục hồi khỏi bệnh viêm phổi Vũ Hán, sau khi họ lên án mạnh mẽ đảng cộng sản Trung Quốc. Tại một cuộc họp của Liên minh châu u EU, Vox đã chủ động đề xuất một nghị quyết chống lại đảng cộng sản Trung Quốc và Tổ chức y tế thế giới. Trong một phiên họp Nghị viện trong nước, Vox cũng đã yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về tội trạng của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Hồi tháng 2, Connie Brix, một phụ nữ Đan Mạch, đã bị nhiễm virus Trung cộng khi đi du lịch ở Tây Ban Nha. Sang tháng ba, tình trạng của cô trở nên khá tồi tệ. Sau khi Connie biết về sự bưng bít của đảng cộng sản Trung Quốc khiến dịch bệnh bùng phát, cô đã tỏ thái độ giận dữ về những tội ác của đảng cộng sản Trung Quốc gây ra đối với toàn thế giới. Hai ngày sau, các triệu chứng bệnh của Connie đã biến mất và cô cũng đã hồi phục một cách kỳ diệu.
Ở Trung Quốc đại lục, một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán, anh ta đã tố cáo ĐCSTQ che giấu dịch bệnh và tố cáo những hành động xấu xa khác. Ngay sau đó, anh ta đã hồi phục, tất cả các triệu chứng đã biến mất hoàn toàn. Ở một diễn biến tiếp theo, anh ta lại bị lừa dối bởi tuyên truyền tẩy não của ĐCSTQ, và nghĩ rằng hệ thống y tế của ĐCSTQ là cứu tinh của anh ta, vì nó đã cung cấp một phương pháp chữa trị hiệu quả. Anh ta thậm chí còn cảm thấy biết ơn ĐCSTQ. Kết quả là, virus Trung cộng đã quay trở lại, bệnh của anh ta đã tái phát trở lại và xét nghiệm là dương tính.
Những câu chuyện có thật này nói với chúng ta rằng “Từ chối và lên án đảng cộng sản Trung Quốc” là một cách chữa trị hiệu quả đối với virus Trung cộng.
Mọi người ai cũng khao khát hòa bình và sức khỏe. Đối mặt với thảm họa bất ngờ này, xin hãy nhớ rằng Thần Phật đã luôn coi sóc cho nhân loại chúng ta trong hàng nghìn năm nay.
Hãy ngước nhìn lên bầu trời trong xanh và hãy nâng niu thiện tâm của bạn, suy ngẫm về hành động của bạn, nói “không” với đảng cộng sản Trung Quốc. Làm như vậy bạn sẽ được Thần Phật bảo hộ.
Đại dịch là do đảng cộng sản Trung Quốc gây ra, tình thế toàn thế giới sẽ thay đổi khi con người trên thế giới thay đổi thái độ đối với đảng cộng sản Trung Quốc.
Theo Epoch Times,
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/mot-giai-phap-cho-dai-dich-viem-phoi-vu-han-noi-khong-voi-dcstq.html

Covid-19 : Di cư trong nước,

những nạn nhân không được quan tâm đến

Minh Anh
Đài Quan sát về tình trạng di cư trong nước (IDMC – đọc theo tiếng Anh) ngày 28/04/2020 báo động thế giới có gần 51 triệu người phải di cư, chạy lánh nạn trong nước do xung đột và thảm họa thiên nhiên. Phần lớn tình trạng này xảy ra ở Syria, Colombia, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Yemen và Afghanistan.
Tổ chức này quan ngại rằng số dân di cư này còn là nạn nhân « thầm lặng » của dịch Covid-19. Nguyên nhân là vì cứu trợ nhân đạo bị cắt giảm. Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche, giải thích :
“Đình chỉ các chiến dịch tiêm phòng, chậm giao trang thiết bị và lương thực… Dịch Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Giám đốc tổ chức IDMC, Alexandra Billak, lo lắng cho những hệ quả của việc đóng cửa các trường học trong các trại sơ tán.
Bà nói : « Đúng là chúng tôi rất lo lắng cho những đứa trẻ không được đến trường vào thời điểm. Quý vị thử nghĩ xem những đứa trẻ này hầu như đã không được đi học do nhiều năm chiến sự, giờ lại không được đến trường vì Covid-19. Điều này sẽ làm cho tình hình ngày thêm nghiêm trọng. »
Đây đúng là một mối họa trong dài hạn. Thêm vào đó là nguy cơ virus corona lây lan trong các trại quá tải tại Syria và ở Bangladesh. Nếu như các nhà hoạt động nhân đạo không còn phương tiện để duy trì các chương trình hành động, những người dân di cư này có nguy cơ bị thế giới quên lãng hoàn toàn.
Alexandra Bilak cho biết tiếp : « Nếu như các đối tác của chúng tôi không còn khả năng làm công việc này nữa, sang năm sẽ không còn số liệu thống kê. Và tình hình này có nguy cơ diễn tiến tồi tệ hơn trong những tháng sắp tới. Nhất là, khả năng của chúng tôi bắt đầu suy giảm dần. Điều này làm tôi lo sợ ».
Nhiều tổ chức phi chính phủ như MSF đã phải xem xét việc giảm bớt các hoạt động hỗ trợ dân di cư tại Nigeria và Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Dịch bệnh còn làm gia tăng số lượng người sơ tán tại những vùng có chiến sự như ở Sahel chẳng hạn. Việc đóng cửa biên giới vì lý do dịch tễ đã cản trở nhiều người đến tị nạn ở những nước lân cận.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200428-covid-19-di-c%C6%B0-trong-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nh%E1%BB%AFng-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-quan-t%C3%A2m-%C4%91%E1%BA%BFn

Covid-19 : Châu Âu chiếm hơn một nửa

số ca tử vong trên thế giới

Thu Hằng
Với hơn 125.000 ca tử vong vì virus corona, tính đến hết ngày 27/04/2020, châu Âu là khu vực bị dịch Covid-19 tác động nặng nhất. Theo các số liệu mới nhất, tình hình dường như xấu hơn ở một số nước sau khi có một số dấu hiệu cải thiện nhẹ.
Pháp ghi nhận số ca tử vong hàng ngày cao hơn so với hôm trước, theo số liệu mới tối 27/04. Đức có 156.337 người nhiễm Covid-19 và 5.913 ca tử vong, tính đến ngày 28/04. Thủ tướng Angela Merkel lo ngại về những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình hình dịch có vẻ nghiêm trọng trong những ngày đầu trở lại cuộc sống bình thường, kể từ ngày 20/04.
Cụ thể, theo AFP, tỉ lệ nhiễm virus corona đã lên thành 1% vào đầu tháng Tư, so với mức 0,7% trước đây. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong do nhiễm virrus corona tiếp tục tăng, hiện là 3,8% theo số liệu của Viện Robert Koch. Người dân Đức phải đeo khẩu trang khi đi phương tiện công cộng kể từ ngày 27/04, thậm chí một số vùng bắt người dân đeo khẩu trang trong các cửa hàng.
Tại Ý, số ca tử vong vì Covid-19 sắp vượt ngưỡng 27.000 người, tính đến hết ngày 27/04 và 199.414 ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đã có thêm 333 ca tử vong, cao hơn hôm trước (260 người). Tuy nhiên, theo chủ tịch Viện Y tế Ý (ISS), « số ca tử vong và ca nhiễm mới có chiều hướng giảm dần ». Tính từ ngày 11/03 đến 26/04, đã có 151 bác sĩ Ý qua đời vì virus corona.
Giống như Pháp, chính phủ Tây Ban Nha cũng công bố kế hoạch hậu phong tỏa vào chiều 28/04. Dịch Covid-19 đã khiến hơn 23.500 người Tây Ban Nha thiệt mạng và lệnh phong tỏa có hiệu lực đến ngày 09/05, dù một số biện pháp giảm hạn chế đã được áp dụng từ Chủ nhật 26/04. Dịch bệnh đã khiến 14,4% người dân Tây Ban Nha thất nghiệp trong quý I/2020.
Anh Quốc là một trong bốn nước ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 21.092 người chết tại bệnh viện (chưa tính số ca tử vong tại nhà hoặc viện dưỡng lão), trong đó có thêm 360 ca tử vong trong vòng 24 giờ (thấp nhất từ đầu mùa dịch) tính đến hết ngày 27/04. Sáng 28/04, toàn thể người dân Anh dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đến 82 nhân viên y tế bệnh viện công và 16 nhân viên xã hội đã qua đời từ đầu mùa dịch.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200428-covid-19-ch%C3%A2u-%C3%A2u-chi%E1%BA%BFm-h%C6%A1n-m%E1%BB%99t-n%E1%BB%ADa-s%E1%BB%91-ca-t%E1%BB%AD-vong-tr%C3%AAn-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

Covid-19: Chính phủ Pháp

công bố chiến lược sống chung với dịch

Tú Anh
Ngày 28/04/2020 nước Pháp bước vào tuần lễ thứ 7 của biện pháp hạn chế tự do đi lại để ngăn dịch Covid-19. Làm cách nào để tái lập sinh hoạt bình thường trong xã hội cho 67 triệu dân Pháp ? Vào lúc 15 giờ trưa nay, tại Quốc Hội thủ tướng Edouard Philippe trình bày toàn bộ kế hoạch trước 75 dân biểu, trên tổng số  577 vị, đại diện cho 8 nhóm chính trị khác nhau.
Theo chương trình, và đúng theo điều kiện an ninh dịch tễ, chỉ có 75 dân biểu trong hàng ghế cử tọa, vào lúc 15 giờ, thủ tướng Pháp tuyên bố kế hoạch đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng sinh hoạt hạn chế kể từ ngày 11 tháng 05.
Lập pháp chỉ được thông báo nội dung kể từ lúc đó và chỉ có ba giờ tranh luận trước khi biểu quyết.
Sau phần trình bày của thủ tướng, mỗi nhóm, tùy theo trọng lượng chính trị, có ít hay nhiều thời gian để chất vấn. Tiếp theo, Edouard Philippe trả lời các câu hỏi. Mỗi nhóm dân biểu chỉ được quyền chỉ định một người để nói biểu quyết như thế nào, ủng hộ hay không. Nói khác đi là không có phần trao đổi đúng nghĩa. Đây cũng là một vấn đề mà đối lập cực kỳ phản đối.
Không phải chỉ có đại diện dân cử không hài lòng mà đa số dân Pháp cũng tỏ ra hoài nghi khả năng quản lý của hành pháp : 6 trên 10 theo một thăm dò ý kiến.
Ít nhất có ba vấn đề làm người dân lo ngại sau ngày 11/05/2020 : giao thông công cộng, học sinh trở lại trường và khẩu trang. Liệu chính phủ có dự tính được các rủi ro an toàn dịch tễ hay không?
Giới y tế, căng thẳng tột độ và mệt mỏi sau hai tháng vật lộn với siêu vi khuyến cáo coi chừng đợt hai tái phát trong khi đợt một chỉ mới giảm vận tốc. Mỗi ngày còn có bốn trăm người chết.
Theo báo cáo của Tổng Cục Y Tế tính đến chiều ngày 27/04, Pháp ghi nhận 23. 293 bệnh nhân tử vong, thêm 437 người trong 24 giờ.
Hội Đồng Khoa Học Gia Pháp, ngày hôm qua dự báo bi quan : trung bình mỗi này sẽ có từ 2.000 đến 3.000 người tử vong, sau ngày 11/05, khi sinh hoạt tái lập.
Điều này có nghĩa là dịch tiếp tục lây nhiễm và nước Pháp bắt buộc phải sống chung với siêu vi đến từ Vũ Hán.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200428-covid-19-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-ph%C3%A1p-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-s%E1%BB%91ng-chung-v%E1%BB%9Bi-d%E1%BB%8Bch

« Khan hiếm khẩu trang » : Chính phủ Macron

trước những cáo buộc « dối trá cấp Nhà nước »

Minh Anh
Ngày 28/04/2020, thủ tướng Edouard Philippe công bố kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Không chỉ bị chỉ trích về các phương pháp dỡ bỏ phong tỏa, cả tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe còn phải đối mặt trước những cáo buộc « dối trá » với người dân về nạn khan hiếm khẩu trang, một vật dụng tối cần thiết cho việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Ngày 11/5 chắc chắn là một thời điểm nhậy cảm cho bộ đôi hành pháp Macron – Philippe. Làm thế nào dỡ bỏ lệnh phong tỏa một cách êm thắm trong khi mà khẩu trang từ loại thông thường dùng cho công chúng cho đến loại đặc chủng (y tế, FFP2) dành cho các nhân viên y tế vẫn còn khan hiếm.
Nếu như Trung Quốc không ngớt bị lên án là đã che giấu thông tin dịch bệnh, thì tại Pháp, lời cáo buộc « dối trá » nhắm vào chính phủ cũng mạnh mẽ không kém. Làm thế nào giải thích với người dân vì sao chính phủ liên tục thay đổi chính sách đeo khẩu trang từ đầu mùa dịch cho đến nay ? Từ chỗ « không giúp ích được gì » nếu không phải là nhân viên y tế có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đến giờ thì có thể bắt buộc ở những nơi công cộng, trường học…
Theo báo Libération, đó là vì chính quyền Macron muốn trốn tránh, không dám thừa nhận một thực tế : Kho dự trữ quốc gia khẩu trang phòng dịch đã cạn kiệt, mà một phần trách nhiệm cũng thuộc về chính phủ hiện nay.
Cách nay gần mười năm, kho dự trữ chiến lược có đến gần một tỷ chiếc khẩu trang y tế và khoảng 600 triệu chiếc FFP2. Khi dịch Covid-19 xảy ra, Pháp chỉ còn chưa tới 120 triệu khẩu trang y tế (chưa kể trong số này có rất nhiều chiếc đã hư hỏng) và không còn một chiếc FFP2 nào. Vì đâu nên nỗi ? Trách nhiệm thuộc về ai ?
Chính quyền Macron hiện nay đổ lỗi cho việc thay đổi học thuyết mới trong dự phòng quốc gia cách nay vài năm. Thế nhưng, điều tra của Libération cũng như nhiều nhật báo khác của Pháp cho thấy, các cơ quan quản lý y tế công của Pháp chưa bao giờ thay đổi mục tiêu chiến lược : Đó là cần tích trữ một tỷ chiếc khẩu trang y tế. Riêng loại FFP2 đã được chuyển từ kho « chiến lược » sang kho « chiến thuật », nghĩa là tự các cơ sở y tế quản lý. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước ngừng can thiệp trong trường hợp cần thiết xảy ra dịch bệnh.
Những quyết định chính trị, cắt giảm ngân sách từ nhiều năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thê thảm như hiện nay. Bất chấp các lời cảnh báo, khuyến nghị của các chuyên gia trong ngành, vấn đề tái lập kho dự trữ quốc gia sau các đợt dịch bệnh (H1N1 và H5N1) luôn bị các chính phủ Hollande tiền nhiệm – gánh phần lớn trách nhiệm trong sai lầm này, trong khi đó chính phủ hiện nay xem nhẹ và không quan tâm đúng mức.
Giờ đây khi xảy ra dịch bệnh, điều đáng chê trách là các nhà lãnh đạo đã không đủ can đảm nói lên sự thật. Con người đôi khi cũng có lúc lầm lẫn, Libération nhìn nhận, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, minh bạch trong cách xử lý là điều tối cần thiết : Cần phải giải thích và đảm nhận trách nhiệm.
Việc cố tình giấu giếm sự thật là điều không thể chấp nhận và gây hậu quả chính trị nghiêm trọng. Trách nhiệm này thuộc về bộ ba Jérôme Salomon – tổng cục trưởng Tổng Cục Y Tế Pháp, người tổ chức họp báo mỗi ngày về tình hình dịch bệnh virus corona ; bà Agnès Buzyn – cựu bộ trưởng Y Tế và bộ trưởng hiện nay là Olivier Véran, những người biết rõ tình trạng kho dự trữ khẩu trang chiến lược.
Sai lầm này còn làm suy yếu thủ tướng Edouard Philippe, hiện đang khó khăn lèo lái việc dỡ phong tỏa. Điều này giải thích vì sao có đến hơn 2/3 người dân Pháp cho biết không tin tưởng vào cách đối phó dịch bệnh của chính phủ Macron, theo như một thăm dò mới nhất.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200428-khan-hi%E1%BA%BFm-kh%E1%BA%A9u-trang-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-macron-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nh%E1%BB%AFng-c%C3%A1o-bu%E1%BB%99c-d%E1%BB%91i-tr%C3%A1-c%E1%BA%A5p-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Virus corona : « Batwowan »

và những bí mật phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán

Thụy My
Liệu con virus corona chủng mới có bị bất cẩn để thoát ra khỏi một trong những phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch ? Bài điều tra của Le Monde ngày 27/04/2020 đi vào môi trường đặc thù này, cho thấy Pháp đã ngây thơ khi tin vào sự hợp tác với Trung Quốc.
Khi nạn dịch khởi đầu tại thành phố, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), chuyên gia về virus corona của Viện Vi trùng học Vũ Hán không thể ngủ được trong nhiều ngày, với câu hỏi dai dẳng « Liệu có phải con virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc ? ».
« Batwoman » của P4 Vũ Hán
Người phụ nữ 55 tuổi được báo chí Hoa lục đặt biệt danh là « Batwoman », do bà chuyên nghiên cứu loài dơi ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, các khu vực thực sự là « nhà máy sản xuất virus ». Năm 2005, chính từ một con dơi mà bà đã nhận diện được hai loại virus gần giống với SARS-CoV, virus đã gây ra dịch SARS năm 2003. Thế nên ngay từ khi những bệnh nhân đầu tiên nhập viện ở Vũ Hán, Thạch Chính Lệ  đã thổ lộ với Jane Qiu, nhà báo của nguyệt san Scientific American về nỗi lo con virus thoát ra từ Trung tâm bệnh nhiễm của Viện Vi trùng học Vũ Hán.
Thạch Chính Lệ làm việc trong hai môi trường : những hang động tối tăm ẩm ướt ở tỉnh xa mà bà phải lặn lội vào trong trang phục bảo hộ để bắt dơi, và phòng thí nghiệm. Bà là phó giám đốc phòng thí nghiệm P4 mới, chuyên nghiên cứu virus loại 4 có tỉ lệ lây nhiễm và làm chết người cao nhất, như Ebola đã giết hại 90% người bị nhiễm.
« P4 », tức National Biosafety Laboratory của Vũ Hán, được xây dựng trong khuôn khổ một thỏa thuận hợp tác Pháp-Trung, theo mô hình P4 Jean-Mérieux ở Lyon. Phòng thí nghiệm mang tính chiến lược cao này mất 15 năm mới hoàn thành, bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2019 sau hai năm thử nghiệm, nằm ở ngoại ô cách Vũ Hán 30 km về phía tây nam. Tuy nằm ở một khu vực cô lập, nhưng cách đây hai năm, mọc lên một khu đại học xá dành cho các nhà nghiên cứu và sinh viên ở sát cạnh.
Ngày 14/04/2020, Washington Post đăng bài viết khẳng định các nhà ngoại giao Mỹ ngay từ tháng 3/2018 đã cảnh báo việc thiếu thốn « các kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo đúng đắn để vận hành phòng thí nghiệm phải giữ an ninh cao độ này ». Nhưng trước đó, mối nghi ngờ về một sự cố khiến con virus thoát ra đã lan truyền ngay tại Hoa lục.
Mạng xã hội Trung Quốc sôi sục với các giả thiết
Từ cuối tháng Giêng, phòng thí nghiệm P4 và « Batwowan » đã làm sôi sục mạng xã hội Trung Quốc. Cư dân mạng còn quan tâm đến một phòng thí nghiệm khác, trực thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, nằm cách chợ thịt rừng Hoa Nam có 280 mét, ngôi chợ ở trung tâm Vũ Hán, ổ dịch SARS-CoV-2 đầu tiên.
Có thể dễ dàng tìm lại trên YouTube phóng sự của một kênh truyền hình Thượng Hải ngày 11/12/2019 về Điền Tuấn Hoa (Tian Junhua), một kỹ thuật viên của phòng thí nghiệm này, đang leo vào những hang động tối tăm khủng khiếp của Hồ Bắc, trong bộ đồ bảo hộ trắng với lưới bắt dơi. Phóng sự ca ngợi : « Gần 2.000 loại virus đã được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện trong 12 năm qua, trong khi thế giới chỉ tìm thấy 284 loại trong 200 năm. Trung Quốc giờ đây dẫn đầu thế giới về nghiên cứu virus ».
Vài tuần sau, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng ở Vũ Hán, đoạn phim ngắn này lại mang một âm hưởng khác trên mạng xã hội Hoa lục. Bỗng dưng người ta nhận ra bộ đồ bảo hộ và đôi găng cao su của nhà nghiên cứu khá mong manh. Bản thân Điền Tuấn Hoa cũng nhìn nhận : « Chỉ cần da trần chạm phải
phân dơi là bị nhiễm virus ». Ông cũng đã từng tự nguyện cách ly sau khi bị vài giọt nước tiểu dơi rơi trúng. Liệu một sự cố tương tự đã xảy ra ở phòng thí nghiệm ?
Lo sợ, đồn đãi…Hàng ngàn kịch bản được đưa ra trên mạng. Dù chính quyền bác bỏ, người ta vẫn đặt dấu hỏi về số phận của một cựu sinh viên Viện Vi trùng học là Hoàng Diễm Linh (Huang Yanling), mà một phần lý lịch đã bị xóa trên trang web của viện. Ngay cả tờ báo dân tộc chủ nghĩa nhất là Hoàn Cầu Thời Báo trong bài điều tra dài ngày 18/2 cũng cho rằng việc chất vấn khả năng Viện Vi trùng học Vũ Hán chế ra virus là chính đáng, và tự hỏi liệu thí nghiệm này có diễn ra với loài linh trường hay không.
Mười ngày sau, khi nhà bình luận nổi tiếng Thôi Vĩnh Nguyên (Cui Yongyuan) đưa ra thăm dò về xuất xứ của virus, 51% trong số 10.000 người trả lời tin rằng đó là « một con virus nhân tạo thoát ra do sơ sót », 24% cho rằng virus bị gieo rắc với dụng ý xấu. Chỉ có 12% nghĩ là có nguồn gốc tự nhiên.
Tủ đông lạnh virus ẩn chứa nhiều bí mật
« Nữ người dơi » bèn mở lại mọi hồ sơ. Liệu bà và ê-kíp có sai sót nào đó ? Khoảng sáu người của viện những năm trước đó đã được huấn luyện tại phòng thí nghiệm Jean-Mérieux ở Lyon về quy trình an toàn của P4. Không chỉ cung cấp công nghệ cao cấp cho Vũ Hán, Pháp còn huấn luyện cho người Trung Quốc cách thức sử dụng và tuân thủ các biện pháp an ninh vô cùng nghiêm ngặt.
Branka Horvat, nhà vi trùng học người Croatia, từng được huấn luyện chung với Thạch Chính Lệ cho biết : « Ba tuần để tập hoạt động với nón bảo hộ, lặp lại cả ngàn lần các thủ thuật, rồi nhiều tuần lễ thử nghiệm trước khi được quyền đụng đến tủ đông lạnh chứa virus ». Ngay cả những đôi găng cũng cần phải làm quen vì dày hơn so với phòng thí nghiệm P2, P3, vô số lớp khóa bảo vệ, tắm tẩy độc khi ra khỏi…
Ngày 31/1 thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), thuộc đơn vị chuyên về nguy cơ chiến tranh vi trùng của quân đội đến P4, với lý do chính thức là tìm cách chế vaccine chống Covid-19. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng tin rằng virus đã thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán ?
Đó là vì những sự cố này đã từng xảy ra, và không chỉ ở Trung Quốc. Năm 2014, Viện Pasteur đã làm lạc mất 2.349 mẫu SARS được trữ trong các phòng thí nghiệm P3, tuy nhiên các mẫu này chỉ là một phần không hoàn chỉnh của virus nên không gây hại. Năm 2015, ba mẫu virus MERS được đưa đến Viện Pasteur trên một chuyến bay Seoul-Paris, bị để quên trên bàn của một nhà nghiên cứu suốt một tuần. Tại Hoa Kỳ, một cuộc điều tra năm 2014 cho thấy có những mẫu virus bệnh than chưa kích hoạt bị gởi nhầm đến nhiều nơi…
Bốn ngày sau bài viết của Washington Post hôm 14/4, Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), giám đốc P4 và là cấp trên của Thạch Chính Lệ khẳng định : « Không thể có chuyện con virus xuất xứ từ đây, chúng tôi có các quy định nghiêm ngặt. Không có sinh viên hoặc nhà nghiên cứu nào bị nhiễm virus ». Ông ta biết rõ những tai tiếng về các phòng thí nghiệm trong nước, và về số lượng sinh viên tham gia. Branka Horvat cho biết « đôi khi một nhà nghiên cứu phải quản lý 20 sinh viên trong khi tại Pháp không đến 3 người ».
Tuy vậy các nghiên cứu về virus corona lại rất nhiều tại phòng thí nghiệm này. Thạch Chính Lệ và ê-kíp nhiều lần tái cấu trúc lại con virus để làm nó dễ lây hơn, sau đó nhận diện những điểm yếu để tìm cách xử lý. Hôm 20/1 khi công bố bảng mã của virus corona chủng mới, bà chứng tỏ nó giống đến 96% một con virus từ loài dơi là RaTG13 mà chưa ai biết đến, được phát hiện cùng ngày ! Thế nên tủ đông lạnh của Viện còn ẩn chứa nhiều bí mật.
Coi thường an toàn sinh học nơi phòng thí nghiệm
Tháng Hai, trên Hoàn Cầu Thời Báo, ông Dương Chiêm Thu (Yang Zhanqiu), phó giám đốc khoa sinh học trường đại học Vũ Hán đã mở ra một hướng mới. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có tiếng là ít quan tâm đến việc xử lý rác thải và xác động vật, tuy lẽ ra phải theo các quy trình xử lý nghiêm ngặt về bao bì, vận chuyển và thiêu hủy. Ông Dương nhìn nhận « nhiều nhà nghiên cứu đã đổ vật liệu vào ống cống sau khi thí nghiệm mà chưa loại đi độc chất ». Các chất thải này « có thể chứa virus, vi khuẩn có thể gây chết người, giết chết động vật và thực vật ».
Phải chăng quy định tăng cường an toàn sinh học các phòng thí nghiệm mà chính quyền Trung Quốc mới đưa ra chứng tỏ sự cố đã được phát hiện tại Vũ Hán ?
Giáo sư Pháp Alexis Génin cho biết : « Tại Trung Quốc, việc nghiên cứu trước hết là công cụ phục vụ cho sức mạnh quốc gia, rất thiếu tính minh bạch và ít khi tôn trọng đạo đức khoa học. Thế nên những biến tướng rất dễ xảy ra ». Trong bối cảnh « thi đua nghiên cứu » với rất nhiều người trẻ tham gia, rủi ro sơ sót và nhiễm độc càng tăng.
Các nghi vấn về phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán đã bộc lộ những khó khăn trong việc hợp tác với Trung Quốc. Cho dù một đoàn các nhà ngoại giao Pháp có đến thăm vào tháng 3/2019, ảnh được đăng trên trang web của Viện, nhưng trên thực tế Pháp đã nhanh chóng bị đặt ra ngoài cuộc chơi.
Hồi năm 2004, tổng thống Pháp Jacques Chirac thỏa thuận với Hồ Cẩm Đào sẽ giúp xây dựng P4, trong bối cảnh dịch SARS. Vào thời đó, đã có nhiều nhà ngoại giao và nhà vi trùng học Pháp e ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng cho chương trình vũ khí sinh học. Nhưng trong bối cảnh Pháp phản đối can thiệp vào Irak năm 2003, Paris muốn xích lại gần với Matxcơva và Bắc Kinh để tránh bị cô lập. Đồng thời cho rằng việc hợp tác khoa học sẽ giúp tránh được sử dụng phòng thí nghiệm vào mục đích khác.
Bắc Kinh biến hợp tác song phương thành đơn phương
Pháp đã quá lạc quan về khả năng hợp tác bình đẳng với Trung Quốc ? Ngày 23/02/2017 thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve cùng với thị trưởng và bí thư thành ủy Vũ Hán chủ trì lễ chứng nhận P4. Paris hứa cung cấp mỗi năm 1 triệu euro cho P4 Vũ Hán, còn Bắc Kinh hứa hẹn sẽ trao đổi thông tin.
Mãi đến cuối năm 2017, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian giao cho đại sứ Pháp ở Bắc Kinh nhiệm vụ thảo báo cáo tổng kết về hợp tác khoa học, mới ngã ngửa ra là chẳng có gì ! Tranh cãi đã nổ ra dữ dội trong cuộc họp với với INSERM (Viện nghiên cứu Y học) và bộ Nghiên Cứu ở Paris.
Bà Thạch Chính Lệ và các đồng nghiệp đã được đón tiếp tận tình tại P4 Lyon, nhưng chiều ngược lại hoàn toàn không có. Nhà kỹ nghệ Alain Mérieux từng trực tiếp tham gia việc xây dựng P4 Vũ Hán, ngay sau khi bàn giao cho chính quyền Trung Quốc, không còn được đến phòng thí nghiệm. Sau khi được Pháp chứng nhận đạt chuẩn, dự kiến phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán hoạt động không virus trong 18 tháng, trong thời gian đó một nhà vi trùng học Pháp đến kiểm tra xem có tuân thủ quy trình hay không. Bác sĩ René Courcol, người được giao nhiệm vụ này từ chối trả lời câu hỏi của Le Monde về việc có thực sự được vào nơi cần kiểm tra hay không.
Thực tế thì phía Pháp hoàn toàn không biết được những gì diễn ra sau các bức tường của phòng thí nghiệm mà mình đã giúp xây dựng. Không có nhà nghiên cứu Pháp nào được vào P4 Vũ Hán. Quan hệ song phương mà ông Chirac hình dung năm 2004 đã trở thành đơn phương. Một nhà tư vấn nhận xét, luôn có một khoảng cách vô cùng lớn giữa mong đợi và hiện thực khi giao dịch với Trung Quốc.
Một sự cố đã diễn ra không chỉ tại P4 Vũ Hán, mà có thể ở phòng thí nghiệm Viện Vi trùng học Vũ Hán, hay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh lây nhiễm trong phóng sự truyền hình đã nêu hay chăng ? Tóm lại, bí mật vẫn bao trùm.
Năm 2016, đại sứ Pháp ở Bắc Kinh đã đến Vũ Hán trao tặng cho Viên Chí Minh và Thạch Chính Lệ Bắc Đẩu bội tinh vì hợp tác về bệnh nhiễm. Khi con virus tấn công, những nghiên cứu của « Batwowan » và các nhà khoa học Trung Quốc không hề giúp Paris hiểu thêm cũng như chuẩn bị đối phó với đại dịch, trong khi Pháp là đối tác ưu tiên
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200428-virus-corona-batwowan-v%C3%A0-nh%E1%BB%AFng-b%C3%AD-m%E1%BA%ADt-ph%C3%B2ng-th%C3%AD-nghi%E1%BB%87m-p4-v%C5%A9-h%C3%A1n

Covid-19 : Mùa hè đầu tiên tại Ý vắng khách nước ngoài

Tuấn Thảo
Nước Ý sắp vào hạ. Nhưng mùa hè năm 2020 sẽ là mùa du lịch đầu tiên hoàn toàn vắng du khách ngoại quốc. Kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành vào ngày 10/03, nước Ý như thể chìm vào cơn ‘‘ngủ đông’’. Toàn bộ ngành du lịch đột ngột dừng lại. Giới chuyên gia đang xem xét các biện pháp nhằm tái khởi động một guồng máy khổng lồ chuyên phục vụ du khách.
Từ Sicilia đến vịnh Genova, tính tổng cộng bờ biển nước Ý dài hơn 2,700 cây số, dọc Địa Trung Hải và biển Adriatic. Đó là chưa kể đến các hải đảo lớn nhỏ, trong đó có đảo Sardinia (Sardaigne trong tiếng Pháp). Kể từ khi có lệnh phong tỏa, toàn bộ các miền duyên hải của nước Ý ở trong tình trạng bị ‘‘bỏ hoang’’, hoàn toàn vắng khách qua lại. Tại Ý, du lịch là một ngành mũi nhọn, doanh thu hàng năm lên tới 232 tỷ euro, tức 13% GDP (tổng sản phẩm nội địa). Một cách cụ thể hơn, trên thị trường lao động Ý cứ trên 10 nhân viên là có đến 2 người làm việc cho ngành du lịch.
Từ các vùng phía Bắc đến mũi cực Nam nước Ý, hơn 1.500 viện bảo tàng đã ngưng hoạt động trong khi gần 330.000 nhà hàng đều phải đóng cửa. Dịch Covid-19 đã gây rất nhiều thiệt hại cho ngành du lịch Ý. Theo giới chuyên gia trong ngành, 2020 sẽ là một năm ‘‘mất sạch’’ doanh thu. Ngành khách sạn hy vọng được phục hồi từng bước kể từ đầu tháng 06/2020. Nhưng một điều chắc chắn là nhiều du khách sẽ không trở lại Ý vào mùa hè năm nay. Trường hợp của Ý cũng không khác gì các nước láng giềng là Tây Ban Nha và Pháp, cũng bị virus corona ảnh hưởng nặng nề. Nước Ý sẽ mất rất nhiều năm nữa, mới hy vọng tìm lại thành tích kỷ lục với 94 triệu lượt du khách trong năm 2019.
Theo Cơ quan Du lịch Quốc gia Ý, hy vọng rằng cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng này sẽ cho ra đời một hình thức du lịch mới : khuyến khích dân Ý không cần phải đi chơi đâu xa, mà nên đi thăm các vùng miền ở gần nhà. Theo ông Alessandro Tortelli, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch tại Firenze (Florence), các cuộc thăm dò gần đây cho thấy 83% người Ý dự định đón hè năm nay tại Ý. Nên chăng xem đây là một cơ hội để khuyến khích dân bản xứ khám phá các danh lam thắng cảnh quê nhà thay vì đi ra nước ngoài. Nước Ý có thể tự hào là quốc gia đầu tiên có tới 55 địa điểm được Unesco xếp vào hàng Di sản Văn hóa Thế giới, và chưa chắc gì đại đa số người dân ý thức được điều này.
Sau gần hai tháng phỏng tỏa, hẳn chắc đa số người Ý đều muốn đi nghỉ mát để hưởng không khí trong lành miền thung lũng Tuscany (Toscane) hay đi hóng gió mát tại bờ biển Amalfi, vùng Campania (Campanie). Thế nhưng, liệu người Ý vào tháng 6 này có thể được di chuyển tự do từ vùng này sang vùng khác hay họ phải ở trong một phạm vi không quá xa khu vực họ đang sống ? Ngành du lịch dựa rất nhiều vào khách sạn, nhà hàng cũng như tụ điểm giải trí, bao nhiêu hàng quán sẽ được mở lại từ đây cho đến mùa hè ? Hiện giờ, vẫn chưa có một câu trả lời thích đáng rõ ràng.
Theo Quốc vụ khanh đặc trách Du lịch, Lorenza Bonaccorsi, chính quyền đang xem xét việc áp dụng các biện pháp “cách ly xã hội” để đảm bảo khoảng cách an toàn trên các bãi biển cũng như tại các cửa hàng buôn bán. Trái với hai quốc gia láng giềng là Tây Ban Nha và Pháp, đa số các bãi biển tại Ý chủ yếu đều được quản lý bởi các công ty có cơ sở kinh doanh ven biển. Về mặt pháp lý, bãi biển không thuộc quyền sở hữu tư nhân nhưng lại được ‘‘nghiệp đoàn’’ Lungomare khai thác và quản lý các trạm nghỉ mát ven biển. Theo phó chủ tịch nghiệp đoàn Alberto Bertolotti, hẳn chắc không có chuyện đặt những tấm kính chắn bằng mica trên bãi biển để buộc khách hàng giữ khoảng cách an toàn, nhưng hàng quán ven biển phải áp dụng các biện pháp cách ly, qua việc tổ chức lại cơ cấu, sắp đặt không gian sao cho vừa với lượng khách hàng được tiếp đón.
Dù muốn hay không, tình hình trước mắt sẽ rất khó khăn, tương lai ngành du lịch trong mùa hè năm nay rất bấp bênh. Tuy vậy, một số người lạc quan xem cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra là một cơ hội để thay đổi, từ việc tổ chức lại các dịch vụ cho đến cung cách tiếp đón du khách. Đó là trường hợp của Venise (Venezia). Thành phố trên nước này bị quá tải với hơn 20 triệu du khách hàng năm, trong năm 2019 Venise lập kỷ lục mới với hơn 23 triệu lượt khách thăm viếng, đến nổi chính quyền địa phương phải áp dụng kể từ năm nay lệ phí cho mỗi du khách đặt chân vào thành phố mà không ngủ lại tại chỗ.
Theo ông Jérôme-François Zieseniss, chủ tịch Ủy ban Pháp chuyên bảo tồn Venise, dịch Covid-19 đã làm lộ rõ khuyết điểm của thành phố trên nước, hầu hết các cửa sổ của các căn nhà trong khu vực nội thành đều khép kín, điều đó chứng tỏ Venise ít còn có cư dân địa phương (họ sống ngoài phạm vi thành phố), Venise chủ yếu là nơi tập trung đã các căn hộ dành cho du khách thuê mướn. Du lịch trở nên quá tải với các lượt hành khách đến từ các du thuyền khổng lồ đổ ập vào thành phố đã khiến cho tình hình vượt ra ngoài tầm kiếm soát. Tuy không còn đông đảo như trước, nhưng các cư dân địa phương hy vọng sau mùa dịch, Venise sẽ tìm lại được nét duyên dáng thuở nào của một thành phố, không chỉ thơ mộng hữu tình mà còn có hồn trên dòng nước yên tĩnh.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200428-covid-19-m%C3%B9a-h%C3%A8-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-t%E1%BA%A1i-%C3%BD-v%E1%BA%AFng-kh%C3%A1ch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i

Thụy Điển sẵn sàng chống COVID đường dài

Ngày 27/4, các giới chức Thụy Điển nói họ công nhận là đại dịch COVID-19 không chấm dứt sớm và rằng biện pháp “nhẹ tay hơn” đối với cuộc khủng hoảng được thiết kế để thi hành lâu dài.
Không giống như các nước Scandinavia và Châu Âu khác, Thụy Điển không bắt buộc đóng của toàn quốc, nhưng cho phép các cơ sở kinh doanh và trường học mở cửa miễn là tôn trọng hướng dẫn cách ly xã hội. Chính sách này gặp sự chỉ trích của các giới chức trong và ngoài Thụy Điển.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo ở Stockholm ngày 27/4, các giới chức cho biết đang truy quét một số quán rượu và nhà hàng không tôn trọng các hướng dẫn về cách ly xã hội.
Phó Thủ tướng Isabella Lovin nói với các phóng viên là chính phủ luôn luôn chuẩn bị thi hành các biện pháp mới, khi cần thiết, và khi các chuyên gia y tế công cộng nói những hoạt động này là nguy hiểm thì những hoạt động này sẽ bị đóng cửa.
Thụy Điển vẫn cho rằng phương cách đối phó với virus là “ thi hành các biện pháp đúng, vào đúng thời điểm.” Thụy Điển dung chấp hành động tự nguyện dựa trên khuyến nghị hơn là bắt buộc phong toả toàn quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Anne Linde cho hay chính phủ tin rằng các phương pháp này sẽ hữu hiệu hơn nếu đại dịch kéo dài.
Tính đến ngày 27/4, Thụy Điển báo cáo có 18.926 ca virus corona, với 2.274 người chết.
https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A5y-%C4%91i%E1%BB%83n-s%E1%BA%B5n-s%C3%A0ng-ch%E1%BB%91ng-covid-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-d%C3%A0i/5395067.html

Virus corona : Nga vượt Trung Quốc về số ca nhiễm

Thùy Dương
Với tổng cộng 87.147 ca được xác nhận dương tính với virus corona tính đến ngày 27/04/2020, nước Nga vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm Covid-19. Trung Quốc cho đến nay ghi nhận 82.830 ca nhiễm virus từ đầu dịch bệnh.
Theo Trung tâm quản lý khủng hoảng của Nga, trong 24 giờ, nước Nga có thêm 6.198 người nhiễm virus. Số ca mới hàng ngày như vậy giảm hơn 200 người so với hôm trước đó. Chính quyền cũng ghi nhận có thêm 50 ca tử vong vì Covid-19.
Các biện pháp phong tỏa chống dịch được triển khai từ ngày 25/03, đa số địa điểm công cộng bị đóng cửa. Theo dự kiến, lệnh phong tỏa có hiệu lực đến hết ngày 30/04. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn chưa thông báo các biện pháp cho giai đoạn hậu 30/04.
Reuters cho biết bà Anna Popova, lãnh đạo Rospotrebnadzor, Cơ quan liên bang Nga về bảo vệ người tiêu dùng, trên truyền hình, cho biết bà hy vọng các biện pháp phong tỏa sẽ được kéo dài cho đến ngày 12/05. Còn thủ tướng Nga, Mikhaïl Michoustine, đề nghị các bộ trưởng từ nay đến ngày 30/04 đưa ra các đề xuất nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa nhắm vào các doanh nghiệp.
Cũng giống như ở nhiều nước khác, nhiều công ty tại Nga có nguy cơ phá sản và hàng trăm ngàn người lao động có thể mất việc làm do lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200428-virus-corona-nga-v%C6%B0%E1%BB%A3t-trung-qu%E1%BB%91c-v%E1%BB%81-s%E1%BB%91-ca-nhi%E1%BB%85m

Cùng ý tưởng như ông Trump,

bệnh viện Israel dùng tia cực tím diệt virus Vũ Hán

Phụng Minh
Tổng thống Donald Trump đã gặp phải những lời phản đối khi ông nói rằng ánh sáng cực tím có thể được sử dụng để chống lại virus Vũ Hán (COVID-19). Tuy nhiên, một số bệnh viện Israel đã triển khai ý tưởng này như một lời xác nhận đối với tuyên bố của tổng thống Mỹ.
Yêu cầu của Tổng thống Trump
Thứ Năm tuần trước (23/4), Tổng thống Trump đã có một cuộc họp báo, trong đó ông suy đoán về việc sử dụng ánh sáng cực tím để điều trị virus Vũ Hán:
“Vì vậy, giả sử chúng ta dùng tia cực tím hay ánh sáng cực mạnh tác động vào cơ thể – và tôi nghĩ các vị đã nói rằng việc này chưa được kiểm chứng nhưng các vị sẽ kiểm chứng nó – và sau đó tôi đã nói rằng có thể xem xét đưa ánh sáng vào trong cơ thể, qua da hoặc bằng một cách nào khác. Tôi nghĩ các vị đã nói rằng cũng sẽ kiểm chứng điều đó. Nghe rất thú vị”.
“Sau đó, tôi thấy chất khử trùng đánh bật nó (virus) trong một phút, một phút. Có cách nào chúng ta có thể làm một cái gì đó giống như thế bằng cách tiêm vào bên trong? Hoặc gần như là làm sạch, vì các vị thấy nó (virus) xâm nhập vào phổi và trong phổi (bệnh nhân) có một số lượng lớn virus. Vì vậy, thật thú vị nếu kiểm tra điều đó. Các vị sẽ phải sử dụng các bác sĩ y khoa, chúng ta sẽ xem xét khả năng dùng ánh sáng, điều đó rất thú vị đối với tôi. Cách nó giết chết virus trong một phút, thực sự rất hiệu quả”.
Ông Trump đã tỏ ra rất ấn tượng với khả năng diệt virus của tia cực tím, và cách chất khử trùng làm việc hiệu quả ra sao. Ông muốn các chuyên gia thử nghiệm và nghiên cứu dựa trên cách thức tương tự của chất khử trùng và tia cực tím để tạo ra một sản phẩm nào đó có thể đưa vào trong cơ thể giúp tiêu diệt virus từ bên trong phổi.
Nhiều người đã nhanh chóng bình luận tia cực tím không có hiệu quả hoặc thậm chí có thể gây chết người. Nhưng thật tình cờ, một số tổ chức của Israel đã tuyên bố lắp đặt các thiết bị dùng tia cực tím để chống lại virus Vũ Hán. Việc này phần nào hỗ trợ luận điểm của ông Trump.
Ứng dụng mới ở Israel
Theo J-Post đưa tin ngày 24/4, Trung tâm y tế Mayanei Hayeshua ở Bnei Brak, Israel đã lắp đặt hệ thống đèn cực tím trong khu vực của mình để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm virus Vũ Hán, bao gồm phòng chăm sóc đặc biệt và phòng khám ngoại trú. Bước sóng đặc biệt đã được phát hiện là gây tử vong cho virus trong khi hoàn toàn an toàn để sử dụng gần với bệnh nhân và không gây ung thư. Hệ thống này có thể khử trùng một căn phòng có chứa virus trong tối đa nửa giờ đồng hồ mỗi lần.
“Đèn tia cực tím đã được sử dụng trong nhiều năm để thanh lọc và khử trùng các phòng phẫu thuật ở Israel và trên thế giới, tuy nhiên vào năm 2009, Cơ quan Y tế Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng một số đèn được sử dụng tạo ra các phân tử ozone có thể cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là đối với bệnh nhân phổi”, bác sĩ Boris Orkin, người đã giúp phát triển hệ thống cho biết trong một cuộc phỏng vấn với J-Post . Vì điều này, chúng không được sử dụng trong cuộc chiến chống lại virus Vũ Hán, vì sợ làm hại bệnh nhân.
Hệ thống đang sử dụng ở trung tâm y tế tại Bnei Brak, Israel này là kết quả của nghiên cứu và phát triển được thực hiện bởi doanh nhân người Israel Eldad Peri cùng với một đội ngũ y tế do bác sĩ Boris Orkin đứng đầu. Một nhóm các nhà vật lý cũng tham gia và viết ra thuật toán phù hợp với không gian dự định thanh lọc bằng cách tính toán bước sóng và đầu ra cần thiết để làm sạch khu vực một cách an toàn và toàn diện.
Orkin nói rằng nghiên cứu của nhóm đã phát hiện ra rằng, đèn cực tím với bước sóng cụ thể sẽ không tạo ra ozone, lại hiệu quả trong việc thanh lọc các tòa nhà, các căn phòng và do đó cực kỳ phù hợp trong việc diệt virus. Hơn nữa, các loại đèn có bước sóng cụ thể này không tạo ra bức xạ có hại cho da và mắt. Sử dụng thuật toán có thể cài đặt hệ thống ánh sáng và các sản phẩm có bước sóng và các đầu ra khác nhau để phù hợp với bất kỳ căn phòng hay tòa nhà có kích thước như thế nào. Loại hệ thống này có thể tiêu diệt virus Vũ Hán trong khung thời gian lên tới 30 phút mà không gây hại cho bất kỳ cá nhân nào.
Theo Breaking Israel News, Bnei Brak là một thành phố quan trọng, ở trung tâm của Israel. Đây là một trong những điểm nóng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Israel. Ba tuần trước, thành phố đã bị cách ly với phần còn lại của đất nước. Các chuyên gia y tế ước tính rằng có tới 38% trong số 200.000 cư dân của Bnei Brak bị nhiễm virus và thị trấn có thể sớm chiếm tới 30% trường hợp nhiễm bệnh trong 8,7 triệu dân của Israel.
Ngoài hệ thống đang được sử dụng tại Bnei Brak, một hệ thống tia cực tím khác đã được đưa vào hoạt động để khử trùng virus Vũ Hán tại Trung tâm Y tế Yitzhak Shamir và Trung tâm Y tế Sourasky ở Tel Aviv. Hệ thống này được phát triển bởi Israel Aerospace Industries (IAI), sử dụng công nghệ UV-C (tia cực tím có độ dài sóng ngắn).
Có ba loại tia cực tím: UV-A, UV-B và UV-C. UV-C được phát hiện là có hiệu quả nhất đối với virus, làm hỏng axit nucleic và ngăn chặn nó nhân lên. Các tia này được sử dụng như một biện pháp khử trùng phổ biến trong các bệnh viện và phòng thí nghiệm.
IAI cũng đang thử nghiệm một hệ thống robot mới sẽ sử dụng công nghệ ánh sáng cực tím để khử trùng nhanh chóng máy bay chở khách. Hệ thống này được coi là nhanh hơn và rẻ hơn so với các hệ thống hiện có là làm sạch bằng chất lỏng.
Theo J-Post / Breaking Israel News
Phụng Minh tổng hợp
https://www.dkn.tv/the-gioi/cung-y-tuong-nhu-ong-trump-benh-vien-israel-dung-tia-cuc-tim-diet-virus-vu-han.html

ASEAN trước “cơn bão” khiêu khích phi pháp

của TQ trên Biển Đông

Năm 2020, có lẽ là thời điểm khó khăn nhất đối với ASEAN trong việc bảo vệ an ninh và lợi ích của cả Khối cũng như từng nước thành viên. Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp trên Biển Đông đã đặt ra những thách cho các nước thành viên ASEAN.
Khó khăn, thách thức chồng chất
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới ngày 24/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 35.078 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.758 trường hợp mới mắc bệnh. Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.272 người dân ở khu vực này thiệt mạng. Singapore có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 11 liên tiếp (1.037 người), tiếp tục là nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất và bỏ xa các quốc gia khác. Ngoài Singapore, Philippines và Indonesia cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh mới, song số ca tử vong đã giảm. Khoảng 1 triệu lao động nhập cư người Indonesia đang lâm vào cảnh túng quẫn khi chính quyền Malaysia ban hành lệnh phong toả một phần đất nước để hạn chế dịch Covid-19 lây lan. Trong khi đó, ít nhất 27 triệu người Thái bị mất việc trong các lĩnh vực du lịch, giải trí và thực phẩm. Khi đường hàng không bị đóng băng và hàng chục triệu du khách không thể đến Thái Lan vì dịch bệnh, nền kinh tế đã biến thành một hoang mạc khi công ăn việc làm và tiền lương đều biến mất. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu chững lại tại một số nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia và Lào… Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 268, ngày thứ 7 liên tiếp không phát sinh ca dương tính nào mới và số ca khỏi bệnh đã tăng lên 224.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc liên tục cho tàu chiến của mình xâm phạm vùng biển của Malaysia, Philippines. Chưa hết, cuối năm 2019 đầu năm 2020, Trung Quốc cũng cho các tàu của mình xâm phạm vùng biển của Indonesia. Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa. Trong khi nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia thì ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là “Quận Tây Sa” và “Quận Nam Sa” trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Cùng ngày, Trung Quốc lại ngang ngược công bố tên, kinh độ, vĩ độ của 80 thực thể trên Biển Đông, trong đó có nhiều điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam 50-60 hải lý.
Hành động gần đây của Trung Quốc là bước đi để mà hiện thực hoá chiến lược chiếm trọn Biển Đông. Như ta biết, trước đây Trung Quốc tuyên bố cái gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông – thứ đã bị vô hiệu hoá bằng Phán quyết của Toà trọng tài vào năm 2016. Sau  đó Trung Quốc giao cho các học giả nghiên cứu để tìm ra những chiến thuật mới. Vào năm 2017, Trung Quốc bắt đầu hé lộ cái gọi là Tứ Sa, trong đó Trung Quốc gọi là Nam Hải Chư Đảo bao gồm 4 hệ thống đảo. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc công bố yêu sách Tứ Sa, bằng quyết định hành chính là thành lập hai đơn vị đơn vị quản lý trên biển Đông, Trung Quốc thể chế hóa chiến lược Tứ Sa của mình.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang sử dụng chính sách gây căng thẳng bằng một cuộc “xâm lược mềm”, với mưu tính thâm sâu, được thực hiện theo từng bước để thăm dò và đánh giá mức độ phản ứng của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Cụ thể, tàu hải cảnh của họ tiến hành đâm va tàu cá Việt Nam để tạo tâm lý hoang mang cho những ngư dân đang làm ăn hòa bình trên biển. Ngay sau đó, nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 được hộ tống bằng tàu hải cảnh tiến vào Biển Đông, di chuyển theo tàu khai thác dầu của Malaysia, tiến vào vùng biển của nước này. Sự việc tiếp tục được Trung Quốc đẩy lên với quyết định thành lập 2 đơn vị hành chính và đặt tên hàng chục các thực thể nhằm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam có chủ quyền.
Trung Quốc tìm cách chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Trong nhiều năm, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông luôn là “điểm đen” trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Do vùng biển này liên quan trực tiếp đến tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khối. Điều này đã ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Để tác động, chi phối ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… hòng lôi kéo, chia rẽ lập trường chung của Khối.
Theo đó, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc – CCB (25/4/2018) đã ký với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore bản ghi nhớ giữa CCB với các quốc gia ASEAN. Theo đó, CCB sẽ cung cấp 30 tỉ SGD (22,2 tỉ USD) cho các công ty hai nước thực hiện những dự án hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” nhằm tạo ảnh hưởng bao trùm khu vực rộng lớn từ Trung, Nam Á đến tận châu Âu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu
tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEA không có tranh chấp Biển Đông. Ông Dương Khiết Trì từng khẳng định,Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh với Indonesia, đồng thời đưa mối quan hệ Trung Quốc – Indonesia sang thời kỳ phát triển mới; tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Brunei và Malaysia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc “đe dọa” các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) – Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4/2018) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”. Trước đó, ông Lưu Chấn Dân cũng cảnh báo bất cứ phán quyết trọng tài nào cũng “đi ngược” với Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002 và việc đi ngược lại DOC chỉ mang lại “kết quả tiêu cực”.
Không những vậy, Trung Quốc còn sử dụng công cụ truyền thông đại chúng tích cực đưa tin, tuyên truyền về quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, cho rằng một số nước ASEAN đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc thường đưa tin cho rằng tranh chấp “một bộ phận quần đảo Trường Sa” không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN; các bên nên tôn trọng quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, không tán thành các hành động đơn phương gây sức ép đến nước khác; Theo quy định trong Điều 4 DOC, cần kiên trì thông qua đối thoại đàm phán giữa các bên tranh chấp trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải; Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò xây dựng chứ không phải ngược lại. Trước đó, trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi Campuchia vì “luôn đứng bên cạnh, hiểu và ủng hộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc còn tìm cách biện minh cho các hành động lôi kéo, chia rẽ ASEAN. Phát biểu bên lề diễn đàn ASEAN SOM, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (27/4/2018) tuyên bố, mỗi nhà nước ASEAN đều có chủ quyền của mình và Trung Quốc không bao giờ muốn chia tách hiệp hội; khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ sự phát triển của ASEAN cũng như công nhận sự tăng trưởng của ASEAN là điều quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc muốn thiết lập hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Hy vọng rằng ASEAN sẽ đoàn kết và trở thành đối tác của Trung Quốc để thúc đẩy đối thoại. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN phải kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, tuân thủ DOC đã ký kết. Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp cận, phân hóa dần dần từng nước ASEAN. Malaysia (2015) dự định không đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, song do sức ép của Mỹ và Nhật Bản buộc Malaysia phải thay đổi quyết định. Thái Lan trong thời gian gần đây đã xa lánh phương tây, tăng cường các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, nhất là kể từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền hồi năm ngoái. Thủ tướng Campuchia nhiều lần công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết thông qua ASEAN mà cần phải giải quyết thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa Trung Quốc với từng nước tranh chấp.
COC sẽ rơi vào bế tắc
Việc chính quyền Trung Quốc phê chuẩn lập hai khu hành chính, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và Nam Sa (đặt chính quyền ở đá Chữ Thập), nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang có giai đoạn tìm kiếm sự đối thoại cho việc ký kết COC để giảm thiểu bớt căng thẳng trên khu vực này. Với hành động này của Trung Quốc đã khiến cho môi trường hòa bình trên Biển Đông ngày càng có nguy cơ căng thẳng cao hơn.
Bên cạnh đó, hội nghị đầu tiên của ASEAN đã được hoãn và vẫn còn hy vọng rằng sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới đây. Việc không có cuộc họp ASEAN sẽ khiến các quốc gia như Việt Nam khó khăn trong việc phản đối các hành vi của Trung Quốc. Vì vậy, nếu cuộc họp được tổ chức vào tháng 8 ở Việt Nam, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các quốc gia khác phản đối sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần nêu rõ với các thành viên ASEAN rằng
Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận một COC, trong đó xác định rõ khu vực địa lý được COC điều chỉnh, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính khả thi, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên, và mở cửa cho sự gia nhập các quốc gia ngoài khu vực.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực phải hợp sức cùng với nhau để truyền bá thông tin về tình hình thực tế ở Biển Đông cho cộng đồng quốc tế nắm được. Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch của ASEAN, đây là những điều kiện thuận lợi để hành động tích cực hơn trong việc cung cấp thông tin ngoại giao cả ở trong và ngoài nước. Đồng thời, Việt Nam có thể sử dụng các tổ chức phi chính phủ, ví dụ như Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị của Việt Nam là một tổ chức rất uy tín ở Việt Nam và có đối tác ở khắp thế giới. Họ có thể tích cực giới thiệu về chủ trương, đường lối của Việt Nam. Đây là những cách đúng đắn, cho thấy Việt Nam là một bên có trách nhiệm, đề xuất giải quyết các vấn đề ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên liên quan.
Phản ứng cứng rắn của Việt Nam, Philippines và Malaysia
Trước những hoạt động phi pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển, Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tại vùng biển của mình ở Biển Đông, được xác lập trên cơ sở UNCLOS 1982. Mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết, vào lúc 17h17 chiều 22/4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã nhận được công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Philippines, trong đó cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi đã chĩa súng radar vào tàu hải quân Philippines trên vùng biển nước này. Thứ hai, việc Bộ Dân chính Trung Quốc công bố cái gọi là “Tây Sa” và “Nam Sa”, thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao gồm Bãi cạn Scarborough và rặng san hô Fiery là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Philippines. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Philippines, ông Albert del Rosario cũng kêu gọi chính phủ nước này phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Theo ông, Philippines cần phải cảnh giác với những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt khi cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trung Quốc đã không ngừng “tận dụng” thời điểm khó khăn này để tiếp tục theo đuổi các yêu sách bất hợp pháp, mở rộng sự bành trướng ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của người dân Philippines nói riêng, các quốc gia ASEAN và thế giới nói chung khi đặt hai trạm nghiên cứu và đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở Biển Đông thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Hishammuddin (23/4) kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông bằng giải pháp hòa bình, song nhấn mạnh nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình tại đó; cho rằng mặc dù luật pháp quốc tế bảo đảm tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và các tàu khác trên biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng, dẫn đến những tính toán sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định khu vực. Ngoài ra, ông Hishammuddin còn cho biết Malaysia sẽ tiếp tục liên lạc cởi mở với mọi bên liên quan, trong đó có Trung Quốc và Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/34379-asean-truoc-con-bao-khieu-khich-phi-phap-cua-tq-tren-bien-dong.html

Liên Hiệp Quốc kêu gọi

các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương

thay đổi chính sách thời dịch bệnh COVID-19

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) hôm 28/4 ra báo cáo kêu gọi các quốc gia khu vực Châu Á Thái Bình Dương phải có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách nhân dịch bệnh COVID-19, tránh con đường phát triển không bền vững với môi trường thời trước khi dịch bệnh bùng phát.
UNDP kêu gọi những cải cách dựa trên quyền con người, sự công bằng trong hợp đồng giữa các chính phủ và người dân, đảm bảo những mạng lưới xã hội an toàn với bảo hiểm y tế rộng khắp, sự tiếp cận với internet giá rẻ.
Theo báo cáo, dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc từ hồi cuối năm ngoái nay đã lan rộng ra toàn cầu và đang đặt ra gánh nặng về kinh tế, xã hội đối với nhiều quốc gia trong khu vực bất chấp sự thành công của một số quốc gia trong việc khống chế bệnh dịch như Việt Nam.
Báo cáo đánh giá ảnh hưởng về mặt kinh tế do dại dịch COVID-19 lần này tương đương như thời khủng hoảng tài chính năm 2009 khi hàng loạt các nước tiến hành các biện pháp khống chế dịch như hạn chế các hoạt động bên ngoài của người dân. Ảnh hưởng rõ ràng nhất là chuỗi giá trị và nguồn cung cho sản xuất khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở Trung Quốc.
Khủng hoảng về xã hội của đại dịch được đánh giá qua việc hàng triệu người bị mất việc trong khu vực. Chỉ riêng việt Nam, ngay trước khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lan sang châu Âu và Mỹ, con số người mất việc được ước tính từ 350.000 đến 820.000 người.
UNDP cũng cảnh báo ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sự ổn định tài chính trong khu vực và cho rằng các quốc gia đang đứng bên bờ vực của bất ổn về tài chính do thâm hụt tài chính và gánh nợ. Một nửa số quốc gia trong khu vực báo cáo thâm hụt tài chính, và Việt Nam được UNDP cho là khá lớn.
Nợ công lớn, theo UNDP, đã ảnh hưởng đến khả năng đối phó với dịch bệnh của các chính phủ.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia trong khu vực phải tìm cách hạn chế sự gia tăng trong thâm hụt tài chính và nợ quốc gia ở mức có thể kiểm soát được qua việc thay đổi những ưu tiên trong ngân sách.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/covid-19-recovery-must-deliver-universal-health-insurance-safety-nets-affordable-internet-access-says-undp-04282020082350.html

Các nước ASEAN phải nỗ lực

bảo vệ công nhân chống lại dịch COVID-19

Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) cho rằng đã đến lúc Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á phải minh bạch trong kế hoạch bảo vệ an toàn cho các công nhân chống lại dịch COVID-19.
APHR đưa ra thông cáo này nhân ngày 28/4, ngày “Tưởng niệm các công nhân” và ngày thế giới về an toàn, sức khoẻ tại nơi làm việc.
Theo thông cáo của APHR, các nghị sĩ kêu gọi chính phủ các quốc gia Đông Nam Á và các công ty trong khu vực tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền của công nhân về điều kiện làm việc an toàn giữa đại dịch COVID-19.
“Mỗi ngày hàng triệu công nhân Đông Nam Á vẫn đang cố gắng làm việc nhưng nhiều người trong số họ vẫn đang bị buộc làm việc trong điều kiện nguy hiểm, rủi ro khi tiếp xúc với nhiều khả năng lây nhiễm dịch COVID-19. Do đó Chính phủ các nước ASEAn phải đảm bảo chắc rằng họ được làm việc trong môi trường an toàn, khoẻ mạnh và được bảo vệ tốt” một cựu thành viên Thái Lan của APHR-Chamnan Chanruang cho biết.
Từ khi đại dịch bùng phát, nhiều nước trong khu vực đã đóng cửa một số hoạt động kinh tế nhưng nhiều nơi công nhân vẫn đang làm việc như các công nhân ngành công nghiệp xuất khẩu ở Philippines, chế biến đóng gói thực phẩm ở Singapore, công nhân xây dựng ở Indonesia và nhưng công nhân làm việc tại nhà máy các khu kinh tế đặc biệt tại Việt Nam. Mặc dù có nhiều rủi ro ngay giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu nhưng họ không có lựa chọn nào khác ngoài phải tiếp tục làm việc.
“Nhiều công nhân đang ở trong tình huống cực kỳ khó khăn vì họ cần kiếm tiền, nhưng nhiều trong số họ phải làm việc trong điều kiện thiếu vệ sinh và an toàn. Ví dụ ở Philippines, các công nhân phải ngủ trên sàn nhà xưởng 30 ngày trong điều kiện khủng khiếp không theo quy định giãn cách xã hội. Những điều tồi tệ như thế này phải chấm dứt ngay”, Chamnan Chanruang, nói tiếp.
Thông cáo của APHR cũng nêu rõ, phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng lao động y tế toàn cầu trong khi nhiều trong số họ đang đối diện với rủi ro trong công việc chăm sóc y tế giữa đại dịch.
Theo nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về kinh doanh và Nhân quyền, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc và giảm thiểu mọi tác hại đối với sức khoẻ người lao động. Hơn nữa Tổ chức Y tế thế giới và Phòng thương mại quốc tế cũng kêu gọi các doanh nghiệp phải hành động để giảm thiểu việc lây nhiễm COVID-19 trong xã hội. Mặc dù vậy nhiều công ty ở Đông Nam Á chưa minh bạch trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến kế hoạch bảo vệ công nhân của họ không bị lây nhiễm bệnh tại nơi làm việc. Để giải quyết việc này APHR cho rằng cần phải minh bạch về kế hoạch bảo vệ tất cả người
lao động không bị nhiễm bệnh và kế hoạch này phải thông qua đối thoại xã hội, đàm phán với công nhân và công đoàn, có như vậy chúng ta mới tôn trọng quyền của họ và giải quyết được đại dịch này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/asean-goverments-must-step-up-all-efforts-to-protect-workers-against-covid-19-04282020083137.html

Hàn Quốc báo cáo sự gia tăng bất thường

hoạt động diễn tập quân sự tại Triều Tiên

Quý Khải
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, Triều Tiên đang có dấu hiệu “gia tăng bất thường” các hoạt động quân sự, khi tiến hành kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng pháo binh và không quân, theo The Epoch Times.
“Triều Tiên … đã gia tăng căng thẳng quân sự thông qua việc đẩy mạnh bất thường các hoạt động kiểm tra công tác trực sẵn sàng chiến đấu, chủ yếu đối với lực lượng pháo binh, và các hoạt động bay của không quân”, theo tờ Yonhap.
Ông bộ trưởng cho biết các quan chức Triều Tiên chưa phản hồi trước đề xuất mở cửa thảo luận.
Hoạt động này cho thấy có thể Bình Nhưỡng đang muốn tiến hành một vụ thử tên lửa khác, hoặc có thể liên quan đến vụ biến mất dài ngày trước công chúng của Kim Jong Un vừa qua. Các báo cáo trong tuần trước đưa ra suy đoán nhà lãnh đạo độc tài 36 tuổi này đã tử vong hoặc đang sống thực vật. Triều Tiên không bình luận về các báo cáo này.
Theo tờ Yonhap, hoạt động quân sự của Triều Tiên nhiều khả năng có liên quan đến các vụ thử tên lửa và tập trận pháo binh.
Cuộc tập trận mới nhất “diễn ra vào tuần trước, trong khoảng thời gian đó, miền Bắc đã phóng một số tên lửa chống tàu (đất đối hải) ngoài khơi bờ biển phía đông”, Yonhap báo cáo. “Cùng ngày, Triều Tiên cũng diễn tập các máy bay chiến đấu biến thể Sukhoi và máy bay loại MiG phía trên thành phố ven biển phía đông Wonsan, và bắn nhiều tên lửa không đối đất xuống biển Hoa Đông”.
Các kênh truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm thứ Hai (27/4) đã đăng tải một bức thư của Kim khen ngợi công nhân xây dựng khu du lịch ven biển Wonsan. Trong khi đó, trang web của dự án 38 North có trụ sở tại Washington đã đăng tải những bức ảnh vệ tinh cho thấy đoàn tàu chuyên dụng của nhà độc tài ở Wonsan.
“Sự hiện diện của đoàn tàu này không xác thực nơi lưu trú hiện tại của nhà lãnh đạo Triều Tiên hoặc nói lên bất cứ điều gì về tình trạng sức khỏe của ông ta, nhưng nó góp phần củng cố các báo cáo cho rằng Kim đang ở một khu vực cao cấp bên bờ biển phía đông nước này”, các nhà phân tích trong dự án 38 North viết.
Một quan chức hàng đầu Hàn Quốc cho biết ông Kim đang ở một ngôi nhà ở Wonsan nhưng khẳng định ông ta vẫn còn sống và không phải trong tình trạng nguy kịch.
“Quan điểm của chúng tôi là rất chắc chắn. Kim Jong-un vẫn còn sống và khỏe mạnh. Ông Kim đã ở lại khu vực Wonsan kể từ ngày 13/4. Cho đến nay, không có động thái nào đáng ngờ được phát hiện”, Moon Chung-in, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nói với CNN hôm thứ Hai. Trước đó CNN có đưa tin các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Kim đang “gặp nguy hiểm sau một cuộc phẫu thuật”, nhưng sau đó tin này đã bị các quan chức Hàn Quốc bác bỏ cách đây vài ngày.
Những đồn đoán về sức khỏe của Kim rộ lên sau khi Kim vắng mặt tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 108 của ông nội – cố lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Theo The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/han-quoc-bao-cao-su-gia-tang-bat-thuong-hoat-dong-dien-tap-quan-su-tai-trieu-tien.html

Bắc Hàn: Thân tộc Kim Jong-un có yếu thế

nếu lãnh tụ qua đời?

Có thể các đồn đoán về sức khỏe Kim Jong-un rồi sẽ chứng tỏ chỉ là đồn đoán thiếu bằng chứng.
Đoàn tàu Kim Jong-un ở đâu, Kim Pyong-il là ai và Kim Yo-jong đang làm gì?
Lính Đại Hàn, thảm sát 1968 và nỗi đau Cuộc chiến VN
Tuy vậy, câu hỏi ai có thể kế vị Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, vẫn rất quan trọng về ngắn hạn và lâu dài.
BBC đã nói chuyện với các nhà phân tích để tìm hiểu những nhân vật quyền lực ở Bắc Hàn hôm nay.
Gia đình lãnh tụ
Kim Jong-un, 36 tuổi, được cho là có con, nhưng vẫn còn quá bé.
Một số người bảo ông Kim hiện có 3 con, từ 3 tới 10 tuổi.
Về chuyện kế vị, có thể một kiểu lãnh đạo tập thể sẽ nhen nhóm, giống ở Việt Nam chăng, với cung cách dựa vào tính chính danh và tư tưởng của nhà sáng lập để củng cố địa vị của họ.
Hiện nay có ba người họ Kim trong gia đình được cho là có khả năng dính líu trực tiếp vào thay đổi chính trị nếu ông Kim Jong-un ra đi.
Đầu tiên là em gái, Kim Yo-jong. Nhiều người đã chỉ ra bà thân thiết với Kim Jong-un. Tại hội nghị Trump – Kim ở Singapore, bà nổi tiếng với việc đưa cho anh trai cây bút để ký thỏa thuận.
Nhưng Kim Yo-jong không có chức vụ cao nhất trong đảng. Bà không ở trong Ủy ban Nhà nước có quyền uy cao nhất, mà chỉ là thành viên dự khuyết của Bộ Chính trị.
Bà là phụ nữ, và khó hình dung bà sẽ là lãnh tụ tối cao trong một xã hội trọng nam khinh nữ.
Người thứ hai là Kim Jong-chul, anh trai của Kim Jong-un. Nhưng ông này có vẻ không quan tâm chính trị, mà lại thích nhạc sĩ Mỹ Eric Clapton.
Người thứ ba là Kim Pyong-il, anh em cùng cha khác mẹ của cố lãnh tụ Kim Jong-il. Mẹ của ông là mẹ kế của Kim Jong-il. Bà này được cho là rất mong con trai kế vị sau khi nhà sáng lập Kim Nhật Thành qua đời. Do bà thất bại nên đã bị Kim Jong-il cô lập.
Kim Pyong-il làm đại sứ ở nhiều nước châu Âu từ 1979 và chỉ mới quay về Bắc Hàn từ năm 2019. Như vậy, rất ít khả năng ông ta có một mạng lưới quyền lực ở Bình Nhưỡng.
Các quan chức lớn
Một nhân vật lớn là Choe Ryong-hae. Ông ta lúc lên lúc xuống trong thời đại Kim Jong-un nhưng đã sống qua sóng gió, hiện ngồi trong Bộ Chính trị và là phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước.
Năm ngoái, ông ta trở thành Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên (Chủ tịch Quốc hội).
Có thể xem ông ta là nhân vật số hai của Bắc Hàn hôm nay.
Người khác là Kim Yong-chol. Viên tướng này đã gặp Ngoại trưởng Mỹ nhiều lần. Ông đã đi cùng lãnh tụ tới Hà Nội tại hội nghị Trump – Kim năm ngoái trong tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Sau đó có vẻ ông ta bị sa cơ vì hội nghị Trump – Kim thất bại. Nhưng ông trùm tình báo này chắc khó bị ngồi chơi xơi nước lâu.
Người tiếp theo là Kim Jae-ryong, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Chức vụ này được cho là quyền uy hạng trung. Nhưng ông này đã thăng tiến trong mấy năm qua, trong khi nhiều người đã sa cơ.
Bộ trưởng An ninh Jong Kyong-taek là người phụ trách việc trừng phạt các tội chính trị, và bảo vệ ban lãnh đạo. Đây là những trách nhiệm quan trọng để duy trì ổn định.
Tướng quân đội Hwang Pyong-so đã bị kỷ luật gần đây và hình như chưa được phục chức.
Vai trò quân đội
Một số tướng lĩnh quân đội chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nếu xảy ra giai đoạn chuyển tiếp.
Hai tướng quân đội hàng đầu là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Kim Su-gil và Kim Won-hong.
Nhưng năm 2017 tin tức nói Kim Won-hong đã bị cách chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ An ninh Quốc gia. Từ đó tới nay, không rõ số phận ông ta ra sao.
Trong nhóm tinh hoa quyền lực, liệu ai sẽ là đối thủ, ai là đồng minh?
Sẽ có phe nhóm ủng hộ và chống đối Kim Yo-jong hay không?
Nhưng có thể nói hiện chả có nhân vật nào là chắc chắn với vai trò kế tục Kim Jong-un.
Em gái Kim Yo-jong sẽ phải vượt qua sự phân biệt nam nữ trong xã hội này.
Và nhóm chóp bu của Triều Tiên sẽ phải nghĩ tới sự đoàn kết của hệ thống mà lâu nay họ đã bảo vệ, bất chấp các quy chuẩn quốc tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52458208

Kim Jong-un ‘giả chết’ tránh dịch?

Cô gái đào thoát Triều Tiên tiết lộ nội tình

Vũ Dương
Mới đây, Park Yeon-mi – cô gái trẻ nổi tiếng may mắn đào thoát khỏi Triều Tiên – tiết lộ rằng Kim Jong-un đang “giả chết”. Ông ta hiện đang ở Wonsan để tránh dịch, theo NTDTV.
Mấy ngày nay, các tin đồn liên quan đến tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thu hút sự quan tâm của người dân thế giới. Đến nay, truyền thông chính thức của Triều Tiên vẫn chưa công bố hình ảnh mới nhất của nhà lãnh đạo nước họ. Điều này đã dấy lên nhiều đồn đoán từ giới quan sát bên ngoài.
Park Yeon-mi là một cô gái trẻ may mắn đào thoát khỏi Triều Tiên. Cô là tác giả cuốn sách có tên “Vì để sinh tồn: Hành trình đến tự do của một cô gái Bắc Triều (In Order to Live: A North Korean Girl’s Journey to Freedom)”. Cô cũng đi khắp thế giới, kể cho mọi người nghe về những đau khổ bất hạnh của người dân Triều Tiên khi sống dưới chế độ độc tài nhà họ Kim.
Ngày 27/4, cô đã viết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng, để không phụ lòng những người ủng hộ, cô thấy mình phải có trách nhiệm nói rõ sự thật về Kim Jong-un. Cô nói rằng theo thông tin mà cô nhận được, Kim Jong-un không chết cũng không bệnh, chỉ vì ông ta sợ mình bị lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán nên mới ẩn thân, “ông ta sẽ trở lại nhanh thôi, chứng minh tất cả chúng ta đã sai”.
Cô Park Yeon-mi nói rằng cô hy vọng rằng tất cả thông tin cô có được đều là sai, nhưng độ tin cậy của những nguồn tin này khá cao. Cô cũng đề cập rằng mặc dù Triều Tiên đã dối gạt thế giới, tuyên bố rằng không có ca lây nhiễm nào được xác nhận ở nước này, kỳ thực dịch bệnh từ sớm đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các kênh truyền thông chính thức của Triều Tiên liên tục nhiều ngày đưa tin về Kim Jong-un, nhưng trong báo cáo trước sau không công bố ảnh chụp mới nhất của Kim.
Theo phân tích từ những tấm ảnh vệ tinh chụp được của cơ quan nghiên cứu Triều Tiên, ngày 21 đến ngày 23/4, đoàn tàu chuyên dụng của Kim Jong Un đã đậu tại “ga lãnh đạo” ở thành phố Wonsan, khu nghỉ mát nổi tiếng của nhà họ Kim, nhưng không rõ ông Kim Jong-un có ở Wonsan hay không.
Theo tờ “Tokyo Shimbun” ngày 23/4, một nhân sĩ thạo tin về tình hình ở Triều Tiên cho biết tùy tùng của Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng đã bị nhiễm COVID-19. Kim Jong-un lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, nên đã chuyển từ Bình Nhưỡng đến thành phố Wonsan, thủ phủ tỉnh Kangwon.
Một quan chức cấp cao của Nhật Bản nói rằng đây là Kim Jong-un nguyện ý  tự mình cách ly. Sau khi tham dự Hội nghị Trung ương ở Bình Nhưỡng vào ngày 11/ 3, Kim ở trong một biệt thự đặc biệt ở thành phố Wonsan.
Nguồn tin cho biết, mặc dù chính phủ Triều Tiên trước đó đã nhiều lần tuyên bố không có ca lây nhiễm nào ở nước này, nhưng biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc dài đến 1.300 km, nếu muốn ngăn chặn hoàn toàn virus xâm nhập gần như là điều không thể.
Một bài báo của Ủy ban Điều tra Nhân quyền Bắc Triều Tiên hồi tháng 4 nói rằng dịch bệnh ở Triều Tiên nghiêm trọng ngoài sức tưởng tượng, không chỉ vì hệ thống y tế của Triều Tiên yếu kém, mà còn do người dân Triều Tiên suy dinh dưỡng trong thời gian dài, khả năng miễn dịch thấp, những người bị lây nhiễm và mất mạng bên trong Triều Tiên có thể gần 3 triệu người.
Vào ngày 26/4, tờ Washington Post đưa tin người dân Triều Tiên gần đây cũng đã đặc biệt chú ý đến sự “vắng mặt” của Kim Jong-un, và giới tinh anh ủng hộ Kim cũng nghe thấy nhiều tin đồn khác nhau.
Ở Bình Nhưỡng, thủ đô của Triều Tiên gần đây cũng xuất hiện tình trạng gom hàng. Trước tiên, mọi người đổ xô đi mua đồ nhập khẩu, và sau đó mua lượng lớn đồ nội địa như cá đóng hộp và thuốc lá. Người dân địa phương đã tích trữ mọi thứ, từ bột giặt, gạo, đồ điện tử đến rượu…
Báo cáo cho hay, nhân sĩ thạo tin của Triều Tiên nói rằng máy bay trực thăng không ngừng bay trên bầu trời Bình Nhưỡng, các chuyến tàu qua lại giữa Triều Tiên và biên giới phía bắc Trung Quốc đều bị gián đoạn.
Ông Thae Yong-ho – cựu phó đại sứ của Bắc Triều Tiên ở Anh Quốc – nói với Reuters rằng, trong quá khứ khi giới quan sát đưa ra những nghi vấn về ông Kim Jong-un, các quan chức Triều Tiên ngay lập tức sẽ có hành động phản biện chứng minh ông ta vẫn còn sống và “khỏe mạnh”, nhưng lần này lại im ắng một cách lạ thường.
Ông nhấn mạnh rằng sự vắng mặt của Kim Jong-un tại “Lễ hội Mặt trời” vào ngày 15 tháng 4 là trường hợp chưa từng có trước đây. Điều này cho thấy ông ta có thể đã gặp chuyện.
Ngoài ra, Triều Tiên còn có nhiều dấu hiệu bất thường. Vài ngày trước, thủ đô Bình Nhưỡng đã bị phong tỏa toàn diện, mọi hoạt động đã dừng lại. Xem xét tình hình hiện tại của Bình Nhưỡng và các khía cạnh quân sự khác, Bình Nhưỡng chắc chắn đã có chuyện.
Câu chuyện về cô Park Yeon-mi:
https://www.dkn.tv/the-gioi/kim-jong-un-gia-chet-tranh-dich-co-gai-dao-thoat-trieu-tien-tiet-lo-noi-tinh.html

Nếu Kim Jong-un thật sự qua đời, số phận

của hai người phụ nữ quan trọng ở bên cạnh sẽ ra sao?

Vũ Dương
Gần đây, các tin tức về tình trạng nguy kịch của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un sau ca phẫu thuật tim vẫn liên tục được truyền ra. Giới quan sát bên ngoài nhận định rằng nếu Kim Jong-un thực sự qua đời, vận mệnh của hai người phụ nữ quan trọng nhất bên cạnh ông e rằng thật khó có thể đoán trước được.
Có cư dân mạng bình luận: “80% khả năng là Ri Sol-ju sẽ bị tống vào lãnh cung”. Có cư dân mạng nói: “Nếu theo kịch bản cũ, hẳn là sẽ bị xử quyết”.
Một người phụ nữ khác bên cạnh Kim Jong-un rất được giới quan sát quan tâm là Kim Yo Jong – em gái ruột của ông. Có phân tích cho rằng Kim Yo-jong có thể sẽ tiếp quản quyền lực của Kim Jong-un, nhưng cũng có người đoán rằng cô ta có thể bị cho ra rìa.
Kim Yo-jong năm nay 31 tuổi, là “dòng máu của núi Paektu” đích thực, cô nhỏ hơn Kim Jong-un 4 tuổi. Hai anh em từng cùng theo học tại Berne, thủ đô Thụy Sĩ. Vào ngày 7/10/2017, Kim Jong-un chủ trì Hội nghị Toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Trung ương khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên và Kim Yo-jong đã được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị Đảng lao động Triều Tiên. Ở tuổi 29 cô đã chính thức tham gia vào tầng lớp quyết định sách lược của anh trai mình.
Năm 2018, Kim Yo-jong đã cùng Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong vòng đàm phán đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh, Kim Yo-jong ngồi cạnh Kim Jong-un cặm cụi ghi chép. Vào thời điểm đó, cô được giới bên ngoài nhìn nhận là “chiếc ghế quyền lực thứ hai của Triều Tiên”.
Sau đó, trong hai lần gặp mặt của Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Kim Yo-jong đều đi cùng anh mình, điều này đã đủ cho thấy cô rất được anh trai mình coi trọng. Thậm chí có giới truyền thông còn cho hay, Kim Jong-un năm ngoái đã an bài hậu sự cho mình, quyết định để Kim Yo-jong làm người kế nhiệm.
Tuy nhiên, nếu Kim Jong-un thực sự qua đời, liệu Triều Tiên có chấp nhận một phụ nữ trẻ tuổi trở thành người lãnh đạo cao nhất của nước này hay không?
Trang “Daily Beast” của Hoa Kỳ ngày 25 tháng 4 đưa tin rằng Bob Collins, tác giả của các báo cáo nghiên cứu của Ban Tổ chức và Hướng dẫn, một cơ quan của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, nói rằng Kim Yo-jong không có đủ cơ sở quyền lực để tranh đoạt và nắm giữ trọng trách.
Ken Eom, một người lính đào tẩu khỏi Triều Tiên cũng cho rằng Kim Yo-jong nắm quyền là điều không mấy khả năng. “Nếu Kim Jong-un chết, Kim Yo-jong cũng sẽ bị cho ra rìa vì Triều Tiên không chấp nhận việc phụ nữ nắm giữ quyền lực”.
Ông nói: “Cô ta có quyền lực rất lớn để kiểm soát tầng lớp tinh anh ở Triều Tiên, nhưng nếu Kim Jong-un rớt đài hoặc chết, cô ta không thể nắm giữ quyền lực tiếp nữa”.
Hãng thông tấn Deutsche Welle của Đức cho rằng, với truyền thống xã hội phụ quyền của Triều Tiên, với tuổi tác và lai lịch của Kim Yo-jong cùng lắm chỉ có thể là một nhân vật chuyển tiếp quyền lực, chứ cô ta thật khó để nắm giữ quyền lực lâu dài được.
Ngày trước, có một nhân vật cũng xuất thân từ “dòng máu của núi Paektu” được giới quan sát bên ngoài chú ý. Ông Thae Yong Ho – cựu Đại sứ của Triều Tiên tại Vương quốc Anh nói với tờ báo JoongAng Ilbo (Nhật báo Trung ương) của Hàn Quốc rằng ứng cử viên tiềm năng nhất, đáng được quan tâm nhất phải là Kim Pyong-il, người anh em cùng cha khác mẹ của Kim Jong-il và là chú ruột của Kim Jong-un.
Kim Pyong-il đã thất bại trong việc tranh giành quyền lực với cha con Kim Jong-un. Có nguồn tin cho hay, Kim Nhật Thành lúc còn sống có ý để Kim Pyong-il là người thừa kế quyền lực, nhưng cuối cùng đại quyền lại rơi vào tay Kim Jong-il. Sau khi Kim Jong-il chết, Kim Jong-un lên thay. Trong mấy năm này Kim Pyong-il liên tiếp bị loại khỏi quyền lực của gia tộc họ Kim.
Từ sau năm 1979, Kim Pyong-il là đại sứ của Triều Tiên ở các nước Ba Lan và CH Czech trong 40 năm. Cuối tháng 11/2019, ông đã được triệu hồi về Bình Nhưỡng. Ông Thae Yong Ho nói rằng, hiện nay những người đang chèo chống Triều Tiên đều thuộc thế hệ đầu tiên ở độ tuổi 60 đến 80. Trong mắt họ, Kim Yo-jong chỉ ở hàng con cháu, rất khó nhận được sự ủng hộ, mà Kim Pyong-il cũng là ‘dòng máu Paektu’ thì có khả năng cao hơn”.
Tuy nhiên, ông Thae Yong Ho cũng nói rằng người dân Triều Tiên đã bị uốn nắn, hình thành thói quen tuân thủ các chỉ thị từ cấp trên. Vậy nên, ngay cả khi Kim Yo-jong trở thành lãnh đạo mới, người dân Triều Tiên cũng sẽ nghe theo”.
Theo Wen Hui, NTDTV.com
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/neu-kim-jong-un-that-su-qua-doi-so-phan-cua-hai-nguoi-phu-nu-quan-trong-o-ben-canh-se-ra-sao.html

TQ tăng cường năng lực tác chiến trên biển:

Chuẩn bị cho xung đột trong tương lai

Truyền thông Trung Quốc (22/4) cho biết, hải quân nước này đang tiến hành các cuộc tập trận nâng cao năng lực tác chiến cho hạm đội tàu sân bay nhằm chuẩn bị kỷ niệm 71 năm thành lập của hải quân.
Trong những ngày gần đây, tờ PLA Daily nhiều lần đưa tin về việc lực lượng lục quân, hải quân và không quân thuộc 5 Chiến khu của quân đội Trung Quốc đã đồng loạt tổ chức tập trận quân sự. Cụ thể, hôm 11/4, một trong những cuộc tập trận quy mô lớn đã được Trung Quốc triển khai với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh. Nhóm tàu chiến Trung Quốc gồm tàu sân bay Liêu Ninh, 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D, 2 tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 054A và 1 tàu hỗ trợ Type 901 đã di chuyển eo biển Miyako, eo biển Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông để tập trận.
Tân Hoa xã lại cho biết, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh tập trận tấn công-phòng thủ trên Biển Đông, thì tàu Type 055 thì đang tiến hành cuộc diễn tập tác chiến ở vùng biển ngoài thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông. Còn tàu sân bay Sơn Đông đang tổ chức diễn tập tại cảng ở thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh. Tờ báo trên cho biết, hải quân Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển, tập trung vào việc xây dựng các lực lượng tác chiến mới, trau dồi các kỹ năng tấn công ở vùng biển xa, tấn công dưới nước, đổ bộ tác chiến cũng như phối hợp giữa chiến đấu cơ và tàu chiến. Cũng theo Tân Hoa xã, hải quân Trung Quốc gần đây đưa vào biên chế nhiều khí tài mới, như tàu Type-055, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược, tàu sân bay nội địa (tàu Sơn Đông), hạ thủy tàu đổ bộ thứ hai thuộc lớp Type 075 có thể chở tới 30 trực thăng các loại, tàu tiếp tế và sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ hoạt động từ tàu sân bay và máy bay tuần tra chống tàu ngầm…
Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc lại cho rằng hải quân Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận trên biển cho thấy hải quân Trung Quốc đang vượt trội so với Mỹ và các nước đồng minh. Ông Song Zhongping, chuyên gia phân tích quân sự tại Hong Kong nhận định sự xuất hiện của tàu sân bay Liêu Ninh gần Đài Loan không chỉ nhằm chứng minh năng lực quân sự của Trung Quốc trước Đài Loan, mà còn muốn thể hiện khả năng kiềm chế dịch Covid-19 của Trung Quốc tốt hơn Mỹ. So với quân đội Trung Quốc, quân đội Mỹ hiện yếu hơn và thiếu kinh nghiệm xử lý các hoạt động quân sự phi truyền thống như chiến đấu chống dịch bệnh. Bởi nhiệm vụ này phần lớn do lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ tại các bang đảm nhận. Kể từ khi mối đe dọa của dịch Covid-19 giảm dần, quân đội Trung Quốc đã quay trở lại chương trình huấn luyện thường kỳ để chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm tàng nhằm sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ đại lục. Khả năng cuộc chiến này rất phức tạp vì có thể có sự tham gia của các lực lượng nước ngoài như hải quân Mỹ và Nhật Bản. Trong khi đó, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming cho rằng quân đội Trung Quốc chưa thể kiểm soát các nguồn lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp trong lực lượng binh sĩ và sĩ quan bởi mối đe dọa từ dịch Covid-19 vẫn còn. Bên cạnh đó, sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan vẫn là lựa chọn cuối cùng, chứ không phải là ưu tiên hàng đầu. Làm cách nào để quản lý và duy trì sự thịnh vượng của Đài Loan hiện là vấn đề quan trọng nhất trong mối quan hệ liên eo biển Đài Loan, cho rằng quân đội Trung Quốc cũng sẽ không tận dụng cơ hội này để sáp nhập Đài Loan.
Trái ngược với nhận định, đánh giá của giới học giả Trung Quốc, giới chuyên gia khu vực và quốc tế nhận định đây là hành vi leo thang căng thẳng của Trung Quốc và là tín hiệu cho thấy tham vọng thống nhất Đài Loan. Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: “Bắc Kinh đang sử dụng cuộc tập trận của tàu sân bay Liêu Ninh ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan để gửi thông điệp đến Đài Bắc rằng quân sự vẫn là một trong các chọn lựa để thống nhất Đài Loan nếu Đài Bắc tiếp tục tìm cách độc lập”. Không những vậy, khi cho tàu sân bay tập trận ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng gửi thông điệp đe dọa đến các nước ASEAN liên quan tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này. Đưa ra tuyên bố chủ quyền (phi pháp), Trung Quốc vẫn tự cho rằng Biển Đông là lợi ích cốt lõi của nước này. Vì thế, cuộc tập trận của tàu Liêu Ninh còn ẩn chứa cả tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích cốt lõi.
Tiến sỹ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Trung Quốc từ sớm đã chuẩn bị để nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận ở khu vực Thái Bình Dương. Lần này, nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc có hải trình đi theo ven Thái Bình Dương qua ngả Đài Loan để vào Biển Đông. Hải trình này nhằm thể hiện thông điệp chứng minh rằng Trung Quốc có thể cắt đường cung từ Mỹ và Nhật Bản qua Đài Loan, rồi bao vây Đài Loan. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng chiến đấu cơ mà Bắc Kinh đang bố trí trên tàu sân bay khó có thể đủ sức cắt đường cung nối từ Mỹ và Nhật Bản qua Đài Loan. Đó là chưa kể một thực tế rằng vẫn chưa có bằng chứng nào thuyết phục về việc tàu sân bay Liêu Ninh thực sự có thể triển khai máy bay tiêm kích để tác chiến. Đối với các nước Đông Nam Á, nhóm tác chiến tàu sân bay có mức độ đe dọa khá lớn, bởi nếu so về tương quan quân sự thì lực lượng chiến đấu cơ của các nước trong khu vực ASEAN khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, xét về ý nghĩa chính trị thì hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh lần này còn mang một thông điệp của Bắc Kinh gửi đến Washington là tàu sân bay của Trung Quốc đã an toàn trong đại dịch Covid-19, còn các tàu sân bay của Mỹ thì không. Ngoài ra, thực tế thì Bắc Kinh đang có cải thiện đáng kể về hoạt động tàu sân bay. Tháng 12/2016, tàu Liêu Ninh lần đầu tiên triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay vượt eo biển Miyako để đến khu vực tây Thái Bình Dương. Đến tháng 4/2018, tàu sân bay Liêu Ninh lại đạt bước tiến mới khi lần đầu tiên chiến đấu cơ cất cánh thành công từ tàu này ở vùng biển tây Thái Bình Dương. Rồi tháng 6.2019, dù không mang theo chiến đấu cơ, nhưng tàu sân bay Liêu Ninh đã thành lập một nhóm tác chiến đầy đủ được hộ tống bởi 6 chiến hạm gồm tàu khu trục và tàu hộ tống, cùng 1 tàu tiếp tế để vượt qua eo biển Miyako. Lần này, chiến hạm Liêu Ninh lại vượt eo biển Miyako, qua khu vực Ba Sĩ và tiến vào Biển Đông theo đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay để đến Biển Đông tập trận. Do chưa có thông tin đầy đủ về việc tàu Liêu Ninh mang theo chiến đấu cơ nên chỉ có thể dự báo nhiều khả năng, Trung Quốc lần này sẽ tổ chức tập trận với chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay. Qua hải trình lần này, chờ xem tàu Liêu Ninh có thể hoạt động liên tục bao lâu trên biển để chứng minh năng lực của thủy thủ đoàn vốn chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay.
Đáng chú ý, ông Vladimir Evseev chuyên gia từ Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) cho rằng kế hoạch của Trung Quốc về hiện đại hóa quân đội đang được thực thi thành công. Trước hết là trong lĩnh vực Hải quân, có thể mở rộng tiềm năng dưới dạng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Một trong những ưu tiên của Trung Quốc chắc là gia tăng hiện diện ở Biển Đông, cũng như cố gắng nắm quyền kiểm soát eo biển Malacca. Điều đó sẽ song song với việc tăng cường thành phần hàng không để đảm bảo an toàn cho các hòn đảo xây dựng nhân tạo. Trung Quốc cũng sẽ tăng đáng kể cơ số máy bay không người lái của mình, trước hết là UAV tấn công, để kiềm chế Hoa Kỳ. Hiện thời chưa rõ liệu Trung Quốc có tiến tới chế tạo các phương tiện không người lái ngầm dưới nước hay không, nhưng cũng chẳng nên loại trừ phương án như vậy, bởi đây sẽ là lời đáp trả rất hiệu nghiệm đối với sự hiện diện các nhóm hàng không tấn công của Hoa Kỳ. Nhìn chung, cho đến những năm 2025-2030, tiềm năng hải quân của Trung Quốc sẽ mạnh lên đáng kể.
Trong khi đó, tiến sỹ James Holmes, Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng việc tập trận lần này của Trung Quốc nhằm hoàn thiện khả năng tác chiến như xuất kích, hạ cánh chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Bằng cách thể hiện một lực lượng đầy đủ của nhóm tác chiến tàu sân bay, Bắc Kinh muốn phô trương sức mạnh để ép buộc các nước khác ở Đông Nam Á. Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Patrick Cronin, Chủ tịch Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ cho rằng Bắc Kinh đang công khai sử dụng tàu sân bay tập trận để đe dọa các nước láng giềng và bao gồm cả răn đe Đài Loan. Động thái này còn nhằm thể hiện tàu sân bay Trung Quốc có thể hoạt động như tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, vốn đang phải neo tại đảo Guam vì dịch bệnh Covid-19.
http://biendong.net/bien-dong/34386-tq-tang-cuong-nang-luc-tac-chien-tren-bien-chuan-bi-cho-xung-dot-trong-tuong-lai.html

Tàu chiến tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan:

TQ chưa đủ để lên mặt với Mỹ

Sau khi Trung Quốc cho hạm đội tàu sân bay di chuyển qua eo biển Bashi ở phía Nam Đài Loan nhằm thể hiện sự vượt trội so với hải quân Mỹ, nhất là trong bối cảnh nhiều tàu sân bay Mỹ phải tạm dừng hoạt động vì dịch COVID-19, phía Mỹ đã có hành động đáp trả đầy ấn tượng.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan (24/4) cho biết, biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc đại lục theo hướng Bắc-Nam và đang tiếp tục đi về phía Nam. Đây là lần thứ hai Mỹ đưa tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan chỉ trong một tháng qua. Theo đó, cách đây hai tuần, tàu USS Barry cũng đã di chuyển qua eo biển Đài Loan đúng ngày các chiến đấu cơ của Trung Quốc tiến hành tập trận gần đảo Đài Loan. Các lực lượng của Đài Loan cho biết đang dõi theo chiến hạm này và khẳng định con tàu đang làm “nhiệm vụ bình thường”.
Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đã đi qua eo biển Đài Loan theo quy định của pháp luật quốc tế. Sự di chuyển của con tàu qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến bay, tuần tra trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép.
Trên thực tế, tàu khu trục USS Barry của hải quân Mỹ đã được tái tân trang hệ thống chiến đấu Aegis tối tân nhất cách đây hai năm. Động thái này nhằm tăng khả năng bảo vệ các căn cứ của Mỹ như cơ sở trên đảo Guam và các chiến hạm Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa DF-21D và DF-26 của Trung Quốc.
USS Barry là tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke. Con tàu đầu tiên trong lớp Arleigh Burke được hạ thủy vào năm 1988, đưa vào biên chế năm 1991 và liên tục được đóng mới từ đó cho tới nay (ngoại trừ khoảng thời gian ngắn những năm 2010). Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight): 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II. Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123). Flight III gồm 3 tàu (DDG-124 đến DDG-126) mới bắt đầu quá trình đóng mới từ năm 2018. Lượng giãn nước toàn tải của Flight I là 8.315 tấn, Flight II là 8.400 tấn, Flight IIA tăng tới 9.200 tấn và Flight III là 9.800 tấn. Flight I và II có chung chiều dài 154 m, trong khi Flight IIA kéo dài lên mức 155 m. Chiều rộng tất cả các tàu đều là 20 m.
Mỗi chiếc Burke được trang bị 1 khẩu pháo 127mm, 96 silo phóng tên lửa, radar SPY-1, hệ thống chiến đấu Aegis. Mỗi tàu có hai2 cụm ống phóng ngư lôi chống ngầm Mark 32 với 6 quả đạn. Vào cuối những năm 1990, mỗi chiếc Burke được trang bị trên 2 bãi đáp trực thăng. Chỉ có 28 tàu lớp Arleigh Burke được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, 34 chiếc còn lại đã loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Những chiếc mang tên lửa Harpoon cũng dần chuyển sang vai trò phòng thủ tên lửa đạn đạo với sự xuất hiện của tên lửa SM-3 Block 1B. Với phiên bản Flight III, tàu Arleigh Burke sẽ sử dụng hệ thống radar phòng thủ tên lửa tiên tiến SPY-6 thay cho SPY-1. Mỹ hiện có tổng cộng 62 tàu khu trục Burke, với 14 chiếc đang được đóng hoặc đã ký hợp đồng nhưng chưa đi vào khâu sản xuất. Các chuyên gia cho rằng lớp Arleigh Burke vẫn giữ vai trò quan trọng trong thành phần hạm đội tàu nổi Mỹ, nhất là khi nước này đang dần loại biên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga, còn dự án siêu tàu khu trục lớp Zumwalt bị cắt giảm chỉ còn ba chiếc so với 32 tàu theo kế hoạch ban đầu.
Động thái trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đưa nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh gồm tổng cộng 6 chiến hạm Liêu Ninh, 2 tàu khu trục Tây Ninh (117) và Quý Dương (119) cùng loại Type-052D (lớp Lữ Dương 3), 2 tàu hộ tống Tảo Trang (542) và Nhật Chiếu (598) cùng loại Type-054A (lớp Giang Khải 2), tàu hậu cần Hồ Hô Luân (965) loại Type-901 di chuyển qua eo biển Đài Loan rồi quay ngược trở lại Biển Đông.
Trong khi đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Mỹ nhiều lần đưa tàu chiến qua khu vực eo biển Đài Loan. Ngày 25/3, Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell đi qua eo biển Đài Loan; ngày 15/2, một tàu chiến Mỹ đã băng qua eo biển Đài Loan song không tiết lộ tên con tàu trên, chỉ cho biết rằng đây là một đợt quá cảnh thông thường khi nó băng qua eo biển theo hướng Nam; ngày 17/1, một tàu khu trục tên lửa hành trình USS Shiloh (CG-67) cũng đã thực hiện hành trình tương tự. Phía Hải quân Mỹ cho biết việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ
Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nhấn mạnh Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động của tàu thuyền, máy bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục. Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh nhấn, Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung”. Về phần mình, hải quân Mỹ đã cho tăng cường hoạt động tuần tra qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Loan trong việc tăng cường an ninh. Dù không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Mỹ lại là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế, cũng như trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.
http://biendong.net/bien-dong/34385-tau-chien-tiep-tuc-di-qua-eo-bien-dai-loan-tq-chua-du-de-len-mat-voi-my.html

Sự xấu xa từ TQ

Bệnh viêm phổi cấp cho virus corona, hay được gọi là đại dịch Covid-19, xuất phát ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Vào thời điểm đó, các thế giới lo ngại cho Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc – quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân – nói chung.
Khi hàng ngày ở Vũ Hán có hàng ngàn người nhiễm virus, hàng trăm người chết, thành phố 8 triệu dân bị cách ly, người dân nhiều nước đã động viên Vũ Hán bằng khẩu hiệu “Vũ Hán cố lên!”. Nhiều nước sẵn sàng chia sẻ tiền bạc, vật tư y tế và bác sĩ giúp Vũ Hán và Trung Quốc chống dịch.
Dù Trung Quốc ngăn cản các bác sĩ Vũ Hán công bố thông tin và chậm trễ trong việc đưa ra thông tin cho cả thế giới về sự nguy hiểm và tốc độ lây lan nhanh chóng của bệnh dịch này, vào thời điểm đó chưa có nước nào lên tiếng trách Trung Quốc.
Chính vì sự chậm trễ thông tin, thông tin không minh bạch của Trung Quốc dẫn đến việc nhiều quốc gia chủ quan. Khi dịch bệnh lây lan ra nhiều nước, làm cho các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nền y học tiên tiến hiện đại cũng rơi vào tình trạng khó khăn khi đối phó với đại dịch Covid-19. Các nước Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Pháp, Italia… đều có nhiều người nhiễm virus và tử vong. Chỉ trong vòng 2 tháng, số người tử vong vì Covid-19 đã nhiều hơn cả số lính Mỹ chết trận ở Việt Nam trong hàng chục năm chiến tranh.
Người Trung Quốc không hề chia sẻ chứ đừng nói đến việc hối lỗi khi số người chết ở các nước gia tăng, thậm chí lớn hơn ở Trung Quốc là nơi khởi nguồn của dịch bệnh nhiều lần.
Thậm chí có nhà hàng ở thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh còn treo tấm biển có nội dung: “Chúc mừng sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ và Nhật Bản”. Ngày 22/3 phía trước cửa nhà hàng còn đặt tấm banner lớn với nội dung: “Nhiệt liệt chúc mừng sự bùng phát Covid-19 ở Mỹ” và “Xin chúc đại dịch sẽ ở lại Nhật Bản lâu dài”.
Khi nền kinh tế còn yếu kém, Trung Quốc luôn tìm cách cầu thân với Mỹ và Nhật Bản. Chính Mỹ và Nhật đã góp phần làm cho kinh tế Trung Quốc phát triển. Khi đã vượt qua Nhật, trở thành kinh tế lớn thứ 2 thế giới thì Trung Quốc từ chỗ là đối tác đã coi Mỹ cùng nhật là đối thủ.
Còn nhớ sự kiện 11/9, khi tòa tháp đôi ở New York, Mỹ bị bọn khủng bố tấn công và sụp đổ, hàng nghìn người dân vô tội chết thì nhiều người Trung Quốc đã đổ ra đường ăn mừng. Sau đó, một thượng tướng của Trung Quốc đã công khai thừa nhận ông xấu hổ trước hành động này.
Giờ đây nhân dân thế giới càng cảm thấy bất bình hơn trước thái độ hèn kém của những người Trung Quốc khi họ hả hê trước cái chết của người dân Mỹ, Nhật. Nhiều nước cũng đang lên án Trung Quốc khi mà các nước Đông Nam Á đăng oằn mình chống dịch Covid-19 thì Trung Quốc lại tìm cách lợi dụng để gây hấn ở Biển Đông.
Thế giới cần nhận rõ bản chất của Trung Quốc, đoàn kết để ngăn chặn cái xấu từ Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/34377-su-xau-xa-tu-tq.html

Bác sĩ Trung Quốc bị giáng chức

vì chỉ trích việc sử dụng thuốc bừa bãi ở Hồ Bắc

Hương Thảo
Theo báo Epoch Times ngày 27/4, Phó giám đốc một bệnh viện tại tâm chấn virus Vũ Hán ở Trung Quốc gần đây đã bị giáng chức, sau khi ông chỉ trích các phương pháp điều trị được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán ở Trung Quốc.
Bác sĩ Yu Xiangdong đã bị tước đi tất cả các vai trò lãnh đạo của ông tại Bệnh viện Trung tâm Hoàng Thạch ở thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc vào ngày 1/4, sau khi ông viết một số bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội vào tháng 2, sau đó đã bị kiểm duyệt internet xóa đi.
Ông Yu nói trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times: “Tôi đã đăng rất nhiều bài viết trên phương tiện truyền thông xã hội để thảo luận về việc điều trị từ góc độ học thuật”, có lẽ các bài viết của tôi không phù hợp với giọng điệu tuyên truyền [của các quan chức chính quyền]”.
Ông Yu là phó giám đốc Bệnh viện trung tâm Hoàng Thạch và giám đốc bộ phận kiểm soát chất lượng tại Tập đoàn y tế Edong. Tập đoàn y tế Edong là một cơ quan của chính quyền thành phố, quản lý ba bệnh viện nhà nước gồm Bệnh viện Trung tâm Hoàng Thạch, Bệnh viện y học Trung Quốc Hoàng Thạch và Bệnh viện sức khỏe bà mẹ và trẻ em Hoàng Thạch.
Là một bác sĩ ở vùng Hồ Bắc bị ảnh hưởng nặng nề, Yu nói rằng ông đã điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm virus kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Yu đã xuất bản một bài báo có tiêu đề, “Sự sụp đổ của Y-học-dựa-trên-bằng-chứng,” vào đầu tháng 2, được hơn một triệu cư dân mạng đọc. Nhiều người đã đăng lại bài viết lên các trang web khác và lưu trữ bài viết trước khi cơ quan kiểm duyệt xóa nó.
Trong bài báo, Yu giải thích rằng các bệnh viện Trung Quốc sử dụng rộng rãi thuốc Umifenovir (một loại thuốc chống virus chưa được FDA phê chuẩn), Darunavir (đôi khi được sử dụng để điều trị HIV/AIDS), Oseltamivir (được sử dụng để điều trị virus cúm A và B) và một lượng lớn Vitamin C để điều trị bệnh nhân virus Vũ Hán. Nhưng tất cả các loại thuốc này chưa được kiểm tra về hiệu quả của chúng trong việc điều trị Viêm phổi Vũ Hán.
Yu nhấn mạnh rằng một loại thuốc chỉ có thể được sử dụng sau một quy trình thử nghiệm lặp đi lặp lại, chẳng hạn như thí nghiệm trên tế báo, thí nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng v.v… Nhưng cho đến nay, “tôi chỉ thấy có một loại thuốc tuân thủ triết lý của Y-học-dựa-trên-bằng-chứng, đó là Remdesivir,” ông Yu viết.
Remdesivir được phát triển bởi công ty dược phẩm sinh học Hoa Kỳ Gilead Science. Nó là một loại thuốc được thiết kế để điều trị nhiễm virus Ebola và Marburg. Nó đã có hiệu quả để điều trị một số bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán, và hiện đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.
Sau khi bài viết của mình bị xóa, Yu đã xuất bản một bài khác, có tựa đề là “Không có Y-học-dựa-trên-bằng-chứng nghĩa là chỉ có thể chờ chết?” vào ngày 17/2. Trong bài viết, Yu cho biết các bệnh viện Trung Quốc đã lạm dụng việc sử dụng thuốc kháng sinh: “Chúng không phải là kẹo. Chúng là thuốc. Mỗi loại thuốc đều có lượng độc tính nhất định của nó,” ông viết.
Yu đã đề cập rằng các bệnh viện Trung Quốc sử dụng rộng rãi Lopinavir / Ritonavir, một loại thuốc dùng để điều trị HIV/AIDS, trên bệnh nhân COVID-19. “Từ những quan sát lâm sàng, chúng ta có thể thấy rằng Lopinavir / Ritonavir có thể gây tiêu chảy và tổn thương gan nghiêm trọng. Còn chưa biết liệu nó có thể điều trị được corona virus hay không,” ông Yu viết.
Sau đó, ông đề xuất: “Liệu pháp thở ôxy, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ dinh dưỡng, thư giãn và hỗ trợ hợp lý, không lạm dụng thuốc, theo dõi chặt chẽ và cách ly – Đây là những phương pháp điều trị hiện đại có thể cung cấp cho bệnh nhân”.
Trong một bài viết khác được công bố vào ngày 18/2, Yu đã xem xét các dịch bệnh trong suốt lịch sử loài người và những bệnh dịch nào có thể được ngăn chặn nhờ thuốc và vắc-xin. Yu giải thích rằng các loại thuốc mà các bệnh viện Trung Quốc hiện đang sử dụng có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng với liều lượng lớn: “Thuốc Hormonal có thể gây hoại tử đầu xương đùi. Kháng sinh có thể làm hỏng hệ thống tiêu hóa. Huyết tương [từ bệnh nhân hồi phục, đôi khi được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng] có khả năng lây lan các vi khuẩn khác. Nhiều loại thuốc khác cũng gây hại cho gan và thận”.
Truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận các ví dụ về một số bệnh nhân virus Vũ Hán có tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi điều trị. Tờ báo Health Times đưa tin vào ngày 19/4 rằng Hu Weifeng và Yi Fan, hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã hồi phục từ COVID-19. Hu và Yi đã bị nhiễm bệnh hơn hai tháng trước và được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) và phải thở máy. Trong một cuộc phỏng vấn, màu da của Hu và Yi Fan đen sạm khác thường.
Hu Weifeng và Yi Fan, hai bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, có làn da sẫm màu sau khi được chữa khỏi virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18 tháng 4 năm 2020 (ảnh chụp màn hình).
Song Jianxin, giám đốc khoa nhiễm trùng tại Bệnh viện Vũ Hán Đồng Tế, giải thích rằng hầu hết bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch cũng có tác dụng phụ tương tự, với làn da chuyển sang màu sẫm, bong tróc và nứt nẻ. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hồ Bắc giải thích rằng đây là do tổn thương gan, do virus tấn công cơ thể, các loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng và sự tương tác giữa các cơ quan nội tạng đã bị tổn thương do suy hô hấp. Một bác sĩ cho biết: “Sắt được chuyển hóa và lưu trữ bởi gan. Khi gan không thể hoạt động tốt, sắt sẽ xâm nhập vào máu, điều này có thể khiến da trở nên sẫm màu hơn”. Tuy nhiên báo cáo không nêu rõ, Hu và Yi đã được điều trị bằng những loại thuốc nào.
Theo Nicole Hao, The Epoch Times ngày 27/4/20
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-si-trung-quoc-bi-giang-chuc-vi-chi-trich-viec-su-dung-thuoc-bua-bai.html

Không ngừng gia tăng đàn áp tôn giáo, Trung Quốc

đóng cửa hơn 300 nhà thờ Tin Lành vào năm 2019

Vanessa Đỗ
Vào năm 2019, hơn 300 nhà thờ Tin Lành đã bị chính phủ Trung Quốc đóng cửa và hành động này vẫn đang tiếp diễn trong đại dịch virus corona.
Theo Bitter Winter, các nhà thờ bị đóng cửa bao gồm các nhà thờ ngầm, những nhà thờ “tư gia” và cả những nhà thờ được chính quyền Trung Quốc chấp thuận trong “Phong trào Tam tự Ái quốc”.
Bên cạnh đó, một số nhà thờ Tam Tự bị cưỡng chế sát nhập vào các nhà thờ lớn hơn, một hành động mà Bitter Winter mô tả là “một trong những biện pháp nhằm giảm số địa điểm thờ phụng và tăng cường kiểm soát hơn nữa của nhà cầm quyền Trung Quốc”.
Ngoài ra, một chiêu thuật phổ biến khác thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để giảm số lượng các nhà thờ là đột ngột rút giấy phép với lý do cấp phép mới, nhưng giấy phép mới không bao giờ được cấp lại và các nhà thờ “chưa được cấp phép” sẽ sớm bị yêu cầu đóng cửa.
Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, các nhà thờ phải đóng cửa và các giáo dân phải dùng đến hình thức cầu nguyện trực tuyến. Tuy nhiên, một báo cáo khác của Bitter Winter cho biết, chính quyền Trung Quốc cũng đang đàn áp cả việc cầu nguyện trực tuyến này.
“Buổi cầu nguyện trực tuyến đầu tiên và duy nhất của chúng tôi đã bị chính phủ ngăn chặn ngay sau khi nó bắt đầu”, một mục sư cho biết.
“Có rất ít tổ chức và chỉ những tổ chức có giấy phép do nhà nước cấp mới có thể tuyên truyền các dịch vụ tôn giáo và cung cấp thông tin liên quan đến đức tin, trực tuyến tại Trung Quốc. Nội dung cũng bị kiểm duyệt rất nặng nề. Các quy định nghiêm ngặt đã không được nới lỏng ngay cả trong đại dịch”, tờ Bitter Winter cho biết.
Những nhà thờ có thể tổ chức lễ cầu nguyện trực tuyến trong đại dịch cũng phải chịu các quy định nghiêm ngặt và giám sát toàn diện, như yêu cầu xóa biểu tượng tôn giáo khỏi trang web hoặc cung cấp tên thật của những người tham gia trên diễn đàn Internet.
“Cục Công an có thông tin về tất cả các thành viên của mỗi nhóm WeChat, việc kiểm duyệt mạng được thực hiện và đặc biệt nghiêm ngặt trong đại dịch”, một mục sư cho biết.
Bên cạnh đó, tờ The Epoch Times trong một bài báo hôm 6/4 cho biết, chính quyền Trung Quốc cũng đẩy mạnh đàn áp các nhóm đức tin khác trong đại dịch như Pháp Luân Công, bao gồm cả việc tùy tiện giam cầm và tra tấn thể xác đối với các học viên.
Cụ thể như tại nhà tù nữ Vũ Hán, một trong những nhà tù giam giữ người tập Pháp Luân Công, nơi có 230 ca nhiễm Covid-19 được xác nhận. Thay vì thả hoặc chuyển những người bị giam giữ đi nơi khác để tránh cho họ khỏi bị nhiễm virus, thì ngược lại, các lực lượng cảnh sát đã được tăng cường để duy trì trật tự trong nhà tù này.
Theo những luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công, virus Vũ Hán khiến các quan chức Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tổ chức các phiên tòa kết án. Tuy nhiên, các vụ bắt giữ vẫn không ngừng gia tăng trong đại dịch.
Theo Breitbart
Vanessa Đỗ dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/khong-ngung-gia-tang-dan-ap-ton-giao-trung-quoc-dong-cua-hon-300-nha-tho-tin-lanh-vao-nam-2019.html

Ngờ vực về tuyên bố Vũ Hán

không còn ai nhập viện vì corona

Joyce Huang
Các giới chức Trung Quốc loan báo không còn bệnh nhân virus corona nào tại các bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán là trung tâm đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều cư dân địa phương và cư dân mạng khắp nơi hoài nghi về tuyên bố này.
“Vì chúng ta đang đối mặt với vấn đề không cân đối về thông tin, nên cảm tưởng của tôi là báo cáo không có bệnh nhân này chỉ là môt cuộc trình diễn chính trị sau khi nhà cầm quyền tuyên bố trước đây là không cần thiết phải chữa trị cho những bệnh nhân xét nghiệm dương tính đã bình phục,” một cư dân Vũ Hán nói với VOA ngày 27/4 qua một ứng dụng tin nhắn xã hội.
Vì lý do an toàn, cư dân này chỉ cho biết tên là “Ông Yang”
Trình diễn chính trị?
Trung Quốc trình diễn chính trị vì “thiệt hại do đóng cửa các nhà máy đã gây ảnh hưởng tồi tệ đối với chế độ cầm quyền hơn là từ virus,” ông Yang nói thêm.
Ông Yang ám chỉ đến nhận xét của ông Jian Yahui, một viên chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia.
Ngày 24/4, ông Jian nói con số bênh nhân tại Vũ Hán là 47, hơn 30 người không có triệu chứng nhưng vẫn xét nghiệm dương tính bằng phương pháp dùng acid nucleic.
Những bệnh nhân này không còn cần chữa trị, ông Jian nói, theo bản tin trên Hoàn cầu Thời báo do nhà nước Trung Quốc điều hành.
Bài báo cũng dẫn lời ông Yang Zhanqiu, phó giám đốc Khoa Mầm bệnh Sinh học thuộc Trường đại học Vũ Hán, nói những bệnh nhân này không được phép rời khỏi bệnh viện cho tới khi có hai kết quả xét nghiệm âm tính liên tiếp-là tiêu chuẩn căn bản quốc gia nhằm giảm bớt quan ngại của công chúng. Tuy nhiên ngày 27/4, cả giới chức y tế Vũ Hán và Hồ Bắc đều tuyên bố không còn bệnh nhân virus corona.
Các con số thống kê chính thức cho thấy tính đến ngày 26/4, tỉnh có tổng cộng 68.128 bệnh nhân, với 4.512 người chết vì COVID trong khi số còn lại đã được xuất viện. Trong đó có 3.869 người từ Vũ Hán thiệt mạng. Ngày 24/4, thành phố Vũ Hán cho biết không có bệnh nhân nặng nào cả và bệnh nhân cuối cùng trong số 46.464 bệnh nhân đã rời khỏi bệnh viện ngày 25/4.
Điều này làm cho công chúng lo ngại vì những bệnh nhân đã bình phục tiếp tục dương tính với virus và vì không biết chắc họ có lây nhiễm hay không.
Trên trang Weibo, một trang vi blog giống như Twitter, đa số cư dân mạng ca ngợi những thành tựu của thành phố Vũ Hán trong việc chữa trị bệnh nhân COVID-19 và tuyên bố của Trung Quốc thành công trong việc chống virus.
Cư dân Vũ Hán nghi ngờ
Trong khi một số cư dân Vũ Hán lên tiếng nghi ngờ, những người khác nêu lên những quan ngại về những bệnh nhân không có triệu chứng và những bệnh nhân đã bình phục xét nhiệm dương tính có thể làm virus lây lan.
Một người sử dụng Weibo từ Tây Tạng viết, “làm ơn đừng chơi chữ.” Một người khác ở Thượng Hải nói, “Sớm vậy sao?…Xin tái xác nhận những con số này. Đừng tống những bệnh nhân này ra khỏi bệnh viện để chứng tỏ thành tích tốt.”
Một người sử dụng khác từ Vũ Hán cho biết trong khu ông ở, một bệnh nhân đã bình phục mới đây lại xét nghiệm dương tính một lần nữa trong khi một người khác cho hay được lệnh làm việc tại nhà sau khi hai người láng giềng của ông xét nghiệm dương tính hôm 26/4.
Một số cư dân mạng bên ngoài Vũ Hán cũng lên tiếng nghi ngờ.
“Có phải tôi là người duy nhất cảm thấy có việc che giấu ở đây chăng?” một người sử dụng mạng nói. Một người khác nói, “Chính phủ nói không có bệnh nhân là không có bệnh nhân. Bệnh này ngăn ngừa và kiểm soát được nếu chính phủ tuyên bố không có chuyện lây lan từ người sang người.”
Các báo cáo tại chỗ cũng trái ngược với những con số chính thức.
Con gái một bệnh nhân họ Ho nói với Tạp chí The Epoch Times có trụ sở tại Mỹ hôm 26/4 rằng gia đình cô bị cấm không được tiếp xúc với người cha đau yếu của cô, hiện đang trong phòng điều trị đặc biệt. Cô nói gia đình được cho biết là cha cô xét nghiệm âm tính với virus dù gia đình không nhận được
kết quả bằng văn bản. Cha cô vẫn nằm trong khu vực cách ly vì có những triệu chứng như sưng phổi. Cô cũng than phiền về hóa đơn đắt đỏ mà bệnh viện yêu cầu gia đình phải trả.
Bà Zhang Zhan, một phóng viên Trung Quốc từ Thượng Hải đã tường trình từ Vũ Hán kể từ 1/2, nói bà nghi tuyên bố của thành phố rằng không có bệnh nhân virus corona tại bệnh viện là sai.
“Tôi gặp một bệnh nhân xét nghiệm âm tính 9 lần. Tuy nhiên ông vẫn bị sốt và phổi ông bị nhiễm trùng nặng, theo chụp hình bằng CT. Bạn nói gì về việc này? Việc tuyên bố không có bệnh nhân nào phải là tin láo,” bà nói.
Cảnh sát uy hiếp
Trong khi đó một người vận động cho quyền lợi y tế tại Mỹ cho biết 7 gia đình có người thân chết vì COVID-19 tính kiện chính quyền Vũ Hán về việc đối phó với cuộc khủng hoảng y tế, nhưng ông Yang Zhanqing nói hai trong những gia đình này rút lại đơn kiện sau khi cảnh sát địa phương liên tục quấy rầy và uy hiếp.
Ông Yang Zhanqin là đồng sáng lập Chang Sha Funeng Trung Quốc, một tổ chức bất vụ lợi. Ông Yang đã làm việc với các gia đình Vũ Hán kể từ đầu tháng 3, tìm cách đệ đơn kiện chính quyền địa phương.
“Hầu hết các nạn nhân không có kinh nghiệm bảo vệ các quyền về y tế của họ. Họ không chuẩn bị hay nhận thức được là nhà cầm quyền sẽ sử dụng băng đảng hay những chiến thuật tàn bạo để áp lực họ phải bỏ cuộc. Do đó khi việc này xảy ra, họ hoảng sợ và bỏ cuộc trong một thời gian ngắn,” ông Yang hiện đang sống tại Mỹ nói với VOA qua điện thoại.
Người vận động này hứa tiếp tục tranh đấu cho 5 gia đình còn lại, hiện mỗi gia đình đệ đơn kiện riêng rẽ chống chính quyền Vũ Hán vì luật tố tụng Trung Quốc đòi hỏi ít nhất có một nhóm 9 nguyên đơn.
Công lý sẽ thắng chỉ khi nào quyền của những gia đình này được bồi thường vì chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm, ông Yang nói.
https://www.voatiengviet.com/a/ng%E1%BB%9D-v%E1%BB%B1c-v%E1%BB%81-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-v%C5%A9-h%C3%A1n-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-ai-nh%E1%BA%ADp-vi%E1%BB%87n-v%C3%AC-corona/5394670.html

Virus corona: Ấn Độ hủy đặt hàng

bộ xét nghiệm bị ‘lỗi’ của Trung Quốc

Ấn Độ đã hủy đơn đặt hàng khoảng nửa triệu bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc sau khi có cáo buộc mặt hàng này không đạt chất lượng.
Delhi cũng đã thu hồi các bộ dụng cụ đã được sử dụng ở một số bang.
Nhiều người Mỹ gọi đường dây nóng hỏi vụ ‘tiêm thuốc khử trùng’
Boris Johnson kể lại trải nghiệm ‘vật lộn với Covid-19′
Covide-19: Các thuyết âm mưu ‘chọi nhau’ từ Mỹ và TQ
Những bộ dụng cụ này được cho là để phát hiện kháng thể trong máu của những người có thể đã bị nhiễm virus corona.
Chúng mất khoảng 30 phút để đưa ra kết quả và giúp nhà chức trách nhanh chóng biết được quy mô lây nhiễm ở một khu vực cụ thể.
Tuy nhiên, bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh không thể xét nghiệm virus corona và nhiều khoa học gia quan ngại về việc sử dụng chúng để chẩn đoán.
Trung Quốc đã bác bỏ khẳng định của Ấn Độ.
“Chất lượng sản phẩm y tế xuất khẩu từ Trung Quốc được ưu tiên. Thật không công bằng và thiếu trách nhiệm khi một số cá nhân dán cho các sản phẩm của Trung Quốc cái nhãn ‘bị lỗi’ và nhìn việc này trước hết bằng định kiến,” phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Ji Rong nói hôm thứ Ba.
Nhiều bang đã hối thúc Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) cho phép xét nghiệm với bộ dụng cụ này trong bối cảnh lo ngại rằng Ấn Độ không xét nghiệm ở mức gần đủ ở bất cứ bang nào.
ICMR ban đầu miễn cưỡng, nhưng rồi đã nhập bộ dụng cụ từ hai công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay sau đó, các bang bắt đầu phàn nàn rằng bộ dụng cụ này có tỷ lệ chính xác chỉ 5%, thêm vào đó họ đã sử dụng bộ dụng cụ trên những bệnh nhân mà họ biết là dương tính, nhưng các xét nghiệm đã cho kết quả “âm tính” đối với kháng thể.
Các bộ xét nghiệm sau đó cũng thất bại trong cuộc kiểm tra chất lượng của ICMR.
Hôm thứ Hai, vấn đề còn phức tạp hơn sau khi tòa án tối cao Delhi đưa ra mức giá của các xét nghiệm và cho rằng chính phủ đã trả quá cao.
Tuy nhiên, các quan chức đã nói với truyền thông địa phương rằng chính phủ sẽ “không mất một đồng rupee” nào khi hủy đơn đặt hàng bộ dụng vì họ đã không trả trước số tiền này, và đã hủy toàn bộ lô hàng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52451486

Chuyên gia Ấn Độ: Bắc Kinh gây hấn

ở Biển Đông, New Delhi cần cảnh giác

Trọng Nghĩa
Vào lúc cả thế giới đang vất vả chống dịch Covid-19, trong những tuần lễ qua, Trung Quốc liên tiếp tung ra nhiều thủ đoạn nhắm vào các láng giềng Đông Nam Á, từ Việt Nam, Philippines, cho đến Malaysia để củng cố và áp đặt quyền khống chế Biển Đông. Các hành động bị cho là thừa nước đục thả câu của Bắc Kinh không chỉ bị các nước bị hại phản đối, mà còn buộc Hải Quân Mỹ và Úc hành động, cho chiến hạm đến tập trận ngoài khơi Malaysia nơi có tàu Trung Quốc hoành hành.
Vào lúc nhiều nước ngoài vùng Biển Đông như Mỹ, Úc, Nhật và cả Liên Hiệp Châu Âu đều đã bày tỏ thái độ quan ngại, Ấn Độ chưa thấy lên tiếng, dù rằng ít hay nhiều thì cũng đã tham gia nhóm Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn. Trước quan điểm thận trọng của New Delhi, nhiều chuyên gia Ấn Độ đã lên tiếng, kêu gọi nước họ từ bỏ thái độ trung lập để dấn thân mạnh mẽ hơn vào Biển Đông.
Trong một bài biên khảo mang tựa đề “Bắc Kinh siết chặt thêm quyền kiểm soát trên Biển Đông – Ấn Độ có nên lo lắng hay không”, công bố ngày 25/04/2020 trên trang web của trung tâm tham vấn Ấn Độ ORF (Observer Research Foundation), chuyên gia về an ninh hàng hải Abhijit Singh đã phân tích các diễn biến mới đây tại Biển Đông để cảnh báo chính quyền New Delhi về nguy cơ đến từ Bắc Kinh. Theo ông, những gì Trung Quốc đang làm ở vùng biển Đông Nam Á, sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh lấn lướt thêm tại các vùng biển trong tầm ảnh hưởng của Ấn Độ.
Trung Quốc gây thêm bất ổn định tại một vùng vốn đã căng thẳng
Nhà nghiên cứu Ấn Độ trước hết nêu bật ý đồ của Trung Quốc khi quyết định tổ chức lại bộ máy hành chính trên các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng hoặc đang yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Abhijit Singh, hành động của Trung Quốc đã gây thêm bất ổn định trong một khu vực vốn đã căng thẳng. Việc thiết lập hai quận đảo mới – Tây Sa để quản lý Hoàng Sa và Nam Sa để quản lý Trường Sa – trước đây gộp chung dưới trướng của “thành phố Tam Sa” có mục đích rõ ràng là tăng cường quyền kiểm soát trên vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Giới phân tích an ninh đặc biệt chỉ trích việc thiết lập quận đảo Nam Sa, đặt trụ sở trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross) – một trong ba đảo nhân tạo đã được mở rộng thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa. Hành động này của Bắc Kinh đã làm tăng khả năng xảy ra xung đột khu vực.
Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cố chống lại ý đồ của Bắc Kinh
Các láng giềng Đông Nam Á như đã dự phòng trước việc làm của Trung Quốc. Việt Nam, Indonesia và Malaysia trong những tháng gần đây đã tìm cách đẩy lùi các hành vi xâm lấn của Trung Quốc tại các vùng biển gần nước họ, sử dụng cả các công cụ hành chính, pháp lý lẫn các phương tiện tác chiến.
Vào tháng 12/2019, Malaysia đã gởi đến Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Ranh Giới Thềm Lục Địa, bản đề nghị kéo dài thềm lục địa Malaysia ra ngoài phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế nước này ở phía bắc Biển Đông. Động thái này của Kuala Lumpur được cho là nhằm chống lại việc Bắc Kinh cho tàu hiện diện thường xuyên bên trong và xung quanh bãi cạn Luconia của Malaysia.
Vài tuần sau, đến lượt Indonesia cho triển khai chiến hạm và một chiếc tàu ngầm đến vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna sau khi khu vực này bị tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm lấn.
Và mới đây, vào thượng tuần tháng Tư này, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao đến Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông. Công hàm phản đối của Việt Nam được tung ra sau vụ một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa.
Trung Quốc hung hăng, Mỹ và Úc đưa chiến hạm đến khu vực
Các nỗ lực kể trên tuy nhiên đã lại làm Trung Quốc hung hăng thêm, gửi thêm lực lượng dân quân biển và hải cảnh đến các khu vực tranh chấp.
Chuyên gia Ấn Độ ghi nhận: Hành vi bắt nạt của Trung Quốc được thấy rõ nhất ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam và Malaysia, nơi lực lượng tuần duyên Malaysia đang theo dõi một đội tàu Trung Quốc. Một chiếc tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc được tàu hải cảnh hộ tống đã bị buộc tội quấy rối một tàu thăm dò do công ty dầu khí Nhà nước Malaysia điều hành.
Hoa Kỳ đã cấp tốc phản ứng, ra lệnh cho tàu tấn công đổ bộ USS America cùng hai chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Barry đến khu vực. Trong bối cảnh lo ngại về khả năng đối đầu xảy ra với Trung Quốc, Úc cũng cho chiến hạm HMAS Parramatta đến tham gia “tập trận” cùng với các tàu chiến Mỹ gần nơi có tàu Trung Quốc.
Ba yếu tố đáng ngại cho Ấn Độ
Theo nhà phân tích Abhijit Singh, tình hình đang diễn ra ở Biển Đông có ba yếu tố có liên quan đến Ấn Độ.
Đầu tiên hết, các hoạt động của lực lượng Trung Quốc tập trung vào một khu vực rất gần Ấn Độ Dương, lại nhắm vào các quốc gia mà Ấn Độ có mối quan hệ chính trị và quân sự chặt chẽ.
Kể từ tháng 9 năm 2018, sau vụ một khu trục hạm của Hải Quân Trung Quốc áp sát chiến hạm Mỹ USS Decatur gần Đá Ga Ven ở Trường Sa, Hải Quân và dân quân biển Trung Quốc đã gia tăng quấy rối tàu chấp pháp của Việt Nam và Indonesia vốn thường xuyên hợp tác với Hải Quân và Tuần Duyên Ấn Độ trong các sáng kiến ​​tăng cường an ninh khu vực.
Yếu tố thứ hai là các diễn biến hiện nay ở Biển Đông trùng khớp với sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Đông Ấn Độ Dương, đặc biệt là sự hiện diện của tàu nghiên cứu và khảo sát Trung Quốc.
Vào tháng 9 năm ngoái, chiến hạm Ấn Độ đã trục xuất tàu nghiên cứu Thập Yển 1 (Shiyan) của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi Quần Đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Vào thời điểm xuất hiện thông tin về kế hoạch được Trung Quốc hậu thuẫn để xây dựng một kênh đào xuyên Thái Lan và một thỏa thuận bí mật cho Trung Quốc thiết lập một căn cứ hải quân tại Cam Bốt, sự hiện diện của Trung Quốc ở phía đông Ấn Độ Dương đã làm dấy lên quan ngại của New Delhi.
Ấn Độ lại càng lo lắng hơn khi các hoạt động khai thác của Trung Quốc tại khu vực Nam Ấn Độ Dương đã được mở rộng đáng kể, cũng như sự hiện diện của các khu vực dành cho tàu đánh cá Trung Quốc gần vùng lãnh hải của Ấn Độ.
Tàu gián điệp Trung Quốc ngày càng nhiều ở Ấn Độ Dương
Một yếu tố thứ ba thu hút mối quan tâm của giới phân tích Ấn Độ là sự hiện diện ngày càng nhiều của tàu gián điệp Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Các loại tàu thu thập thông tin tình báo lớp Đông Điều (Dongdiao) của Trung Quốc – từng được dùng để theo dõi tàu chiến của Mỹ, Úc và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương – hiện đang hoạt động ở vùng biển phía đông Ấn Độ Dương, để theo dõi động thái của Hải Quân Ấn Độ. Một chiếc tàu tình báo điện tử loại này đã bị phát hiện ở vùng biển phía đông gần quần đảo Andaman và Nicobar vào cuối năm ngoái đã gây tranh cãi trong giới an ninh Ấn Độ.
Giới quan sát tình hình khu vực hiện đang quan ngại trước các nỗ lực của Bắc Kinh để lợi dụng tình hình địa chính trị lỏng lẻo do dịch Covid-19 gây ra. Trong lúc nhiều nước Đông Nam Á hoặc bị bệnh hoặc đang tự cách ly, và Washington bị đại dịch tại Mỹ làm phân tâm, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tăng sức hoành hành tại các điểm nóng quan trọng trong khu vực.
Ấn Độ nên từ bỏ thái độ trung lập
Theo chuyên gia Singh, Ấn Độ phải thay đổi đường lối trung lập về tranh chấp Biển Đông vẫn được duy trì cho đến nay.
Xu hướng nhìn khu vực thông qua lăng kính địa chính trị và sự “cân bằng quyền lực” đã khiến giới có thẩm quyền quyết định tại Ấn Độ thận trọng trong việc đối phó với lập trường hung hăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho thái độ chỉ nói mà không làm gì đang tăng lên. Đối với nhiều người ở New Delhi, rõ ràng là việc Bắc Kinh  khống chế chặt chẽ được các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông sẽ cung cấp cho Trung Quốc một uy lực lớn hơn ở miền đông Ấn Độ Dương.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200428-chuy%C3%AAn-gia-%C3%A2%CC%81n-%C4%91%C3%B4%CC%A3-b%C4%83%CC%81c-kinh-g%C3%A2y-h%C3%A2%CC%81n-%C6%A1%CC%89-bi%C3%AA%CC%89n-%C4%91%C3%B4ng-new-delhi-c%C3%A2%CC%80n-ca%CC%89nh-gia%CC%81c

Australia chỉ trích

hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne bày tỏ sự lo ngại của Australia về “một số sự cố và hành động gần đây” ở Biển Đông trong đó bao gồm “những nỗ lực nhằm phá vỡ các hoạt động phát triển tài nguyên của các quốc gia khác, tuyên bố về cái gọi là các “quận hành chính” mới tại các thực thể đang có tranh chấp và việc đánh chìm tàu cá Việt Nam.
Theo đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (22/3) đã bày tỏ quan ngại về “một số những vụ việc và hành động gần đây” trên Biển Đông, chỉ trích những hành động gần đây của Trung Quốc bao gồm “những nỗ lực nhằm gây rối hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác, tuyên bố thành lập “quận hành chính” mới trên các cấu trúc tranh chấp, đánh chìm một tàu cá Việt Nam”. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne tái khẳng định Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp, song nước này “có lợi ích mạnh mẽ trong sự ổn định của tuyến hàng hải quan trọng này cũng như những quy tắc và pháp luật liên quan”. Vì vậy, Australia thúc giục tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển, bảo đảm tự hàng hải và hàng không. Bà Marise Payne cũng nhận định: “Điều quan trọng là tại thời điểm này, tất cả các bên cần kiềm chế các hoạt động gây mất ổn định và giảm bớt căng thẳng để cộng đồng quốc tế tập trung mọi nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19”.
Bên cạnh việc đưa ra các tuyên bố bày tỏ quan ngại và lên án hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, Australia cũng phối hợp với Mỹ tiến hành các cuộc tập trận nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo đó, tàu khu trục HMAS Parramtta của nước này đã tiến hành tập trận chung với các tàu hải quân Mỹ trên Biển Đông “nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực”.
Truyền thông, học giả Australia cũng đưa ra các tuyên bố chỉ trích hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện chiến lược Australia Michael Shoebridge đánh giá, tuyên bố của Bộ trưởng Marise Payne cho thấy Trung Quốc “không phải là quốc gia duy nhất có thể xử lý đại dịch và khẳng định sự quan tâm chiến lược đối với vấn đề này”. Ông Michael Shoebridge cũng nhận định: “Trung Quốc coi đại dịch toàn cầu là cơ hội để tiếp tục kiểm soát đơn phương các khu vực đang tranh chấp với những bên khác cho thấy sự “hung hăng” và bản chất “bành trướng”.
Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng – Đại học New South Wales (Australia) nhận định, hành động của Trung Quốc khi ngang ngược thành lập 2 huyện hành chính quản lý Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) là động thái khiêu khích, bất hợp pháp theo luật quốc tế, vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hủy hoại nghiêm trọng quá trình đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN để có được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý. Theo chuyên gia, hành động mới đây là Trung Quốc chống lại tinh thần và nội dung về “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”, văn kiện mà lãnh đạo các bên đã thỏa thuận vào tháng 10/2011. Theo đó, “Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc” năm 2011 nêu rõ, trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của DOC. Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác. Bên cạnh đó, những hành động của Trung Quốc sẽ ngày càng hủy hoại niềm tin giữa 2 nước, vì họ (Bắc Kinh) liên tục vi phạm chính những điều họ đã cam kết khi nói sẽ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại giữa các bên trực tiếp quan tâm.
Báo điện tử The Sydney Morning Herald cũng nhắc lại việc vào Chủ Nhật (19/4) vừa qua, Việt Nam đã phản đối tuyên bố của Trung Quốc về việc thành lập hai cái gọi là “quận hành chính” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Báo này cho biết, động thái của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam phản đối việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm và làm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ở ngoài khởi quần đảo Hoàng Sa, vùng biển đang bị tranh chấp. Báo này cũng nhắc lại việc tuần trước, một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu theo dõi một tàu khoan của Malaysia trong lúc đang tiến hành các hoạt động thăm dò ngoài khơi Malaysia.  Báo điện tử The Sydney Morning Herald cũng thông tin, Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc đối đầu và cho biết, tàu khảo sát của họ có tên gọi là Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) đang tiến hành các hoạt động bình thường trong khu vực, đồng thời cho biết, một tàu khảo sát tương tự của Trung Quốc trước đây đã theo dõi các hoạt động khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
http://biendong.net/bien-dong/34380-australia-chi-trich-hoat-dong-phi-phap-cua-tq-tren-bien-dong.html

Úc phản ứng sau đe dọa của Trung Quốc

 về đề nghị điều tra dịch Covid-19

Ngoại trưởng Úc Marise Payne phản đối sau khi một nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc Úc kêu gọi tiến hành cuộc xem xét toàn cầu về đại dịch Covid-19 có thể dẫn tới tình trạng sinh viên và du khách Trung Quốc tẩy chay Úc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với tờ The Australian Financial Review, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp gọi việc Thủ tướng Úc Scott Morrison thúc đẩy một cuộc điều tra về Covid-19 là “nguy hiểm” và dự đoán Úc sẽ không nhận được sự ủng hộ trong các nhà lãnh đạo trên thế giới.
Ông Thành còn nói rằng việc chính phủ Úc đeo đuổi một cuộc điều tra toàn cầu về đại dịch Covid-19 có thể gây ra cuộc tẩy chay của sinh viên và du khách Trung Quốc đối với Úc cũng như nguy cơ suy giảm xuất khẩu các mặt hàng nông sản phổ biến của Úc như rượu vang và thịt bò đến Trung Quốc.
Đáp lại, Ngoại trưởng Payne nhấn mạnh chính phủ Úc bác bỏ “bất kỳ ám chỉ nào cho rằng bức bách kinh tế là cách ứng phó phù hợp đối với lời kêu gọi về cuộc xem xét như trên, trong bối cảnh cần có sự hợp tác toàn cầu”, theo tờ The Sydney Morning Herald.
Bà Payne còn nhấn mạnh: “Úc đã đưa ra lời kêu gọi tiến hành cuộc xem xét độc lập về sự bùng phát của Covid-19, một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa có tiền lệ với nhiều tác động xã hội, kinh tế và y tế nghiêm trọng”.
“Một cuộc đánh giá minh bạch và chân thật về các sự kiện sẽ rất thiết yếu khi chúng ta sắp kết thúc đại dịch và rút ra những bài học quan trọng để cải thiện việc ứng phó của chúng ta trong tương lai. Chúng tôi hy vọng tất cả các thành viên của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) sẽ hợp tác trong nỗ lực như thế”, Ngoại trưởng Payne cho hay.
Trước đó vào ngày 24.4, BBC đưa tin Trung Quốc đã bác bỏ những lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của virus Corona chủng mới gây bệnh Covid-19. Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh Trần Văn nói với BBC rằng những yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus Corona mang động cơ chính trị và sẽ làm Trung Quốc mất tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tính đến trưa 27.4, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng lên hơn 2,9 triệu ca, trong đó có 206.500 ca tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins
http://biendong.net/doc-bao-viet/34378-uc-phan-ung-sau-de-doa-cua-trung-quoc-ve-de-nghi-dieu-tra-dich-covid-19.html

Bác bỏ đe dọa từ Trung Quốc,

Úc hối thúc điều tra toàn cầu về Covid-19

Hải Lam
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm 27/4 đã bảo vệ đề xuất của Úc là cần tổ chức một cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19 bất chấp đe dọa của đại sứ Trung Quốc.
Chính phủ Úc phản đối “mọi ám chỉ cho rằng đe dọa về kinh tế là cách phản ứng phù hợp đối với một lời kêu gọi điều tra như vậy, trong khi điều cần thiết là hợp tác toàn cầu”, bà Payne phát biểu hôm 27/4.
Tuyên bố được bà Payne đưa ra sau khi đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) hôm 26/4 cáo buộc chính phủ Úc đang có hành động “nguy hiểm” khi thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế về Covid-19, và Úc sẽ không nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo toàn cầu. Ông Thành đe dọa rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ “tẩy chay” hàng hóa và dịch vụ của Úc.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Payne khẳng định việc Úc kêu gọi điều tra độc lập về dịch bệnh là điều cần thiết.
“Úc đã phát đi lời kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra độc lập về Covid-19 – một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa có tiền lệ với tác động nghiêm trọng tới xã hội, kinh tế và y tế. Cuộc điều tra có thể được thực hiện vào một thời điểm thích hợp vì nhiều quốc gia vẫn đang phải đương đầu với những thách thức của dịch bệnh”, bà Payne phát biểu.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Úc nói thêm: “Một đánh giá minh bạch và trung thực về các sự kiện sẽ rất quan trọng khi chúng ta thoát khỏi đại dịch và rút ra những bài học quan trọng để cải thiện cách phản ứng trong tương lai”.
Bà Payne bày tỏ hy vọng tất cả các nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tham gia vào việc đúc kết kinh nghiệm từ Covid-19, trong đó cũng bao gồm việc tăng cường vai trò của WHO trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch.
Theo The Sydney Morning Herald
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-bo-de-doa-tu-trung-quoc-uc-hoi-thuc-dieu-tra-toan-cau-ve-covid-19.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?